Người viết mạn phép trích dẫn lời giảng giải của sư
Thích Diệu Không, nhân kỳ viếng thăm chùa Ba Vàng ngày 27/10/2018 vừa qua với
vài bổ túc ý kiến cá nhân nhằm mục đích truyền bá rộng rải trong cộng đồng người
Việt khắp thế giới về tệ nạn đốt vàng mã tại Việt Nam hiện nay...
Cuối
tháng 10 năm 2018 chúng tôi có dịp viếng thăm chùa Ba Vàng nằm ở phía bắc thành
phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ba
Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự 寶光寺) là một ngôi chùa nằm trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc
Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Cho đến nay, vẫn chưa có
câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc
trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều
vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn
liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 - 1758).
Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi
chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị
văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư để bành trướng. Ban đầu chùa được
xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng. Các thầy
ở chùa rất chân tình và thật gần gũi với người hành
hương. Người Phật tử có cảm giác như mình được về nhà. Cảnh quan chùa rất
nghiêm trang, không có người hành khất hoặc các hàng bán rong làm mất thẩm mỹ cảnh
chùa. Bước vào cổng chùa chúng tôi gặp ngay một sư cô và khi ta trò chuyện ít lâu
chúng tôi có cảm tưởng như đang nói chuyện với người thân trong gia đình. Cách
tổ chức cho những người đi lễ lần đầu như chúng tôi của nhà chùa rất ấn tượng tuyệt
vời. Cám ơn các thầy trụ trì. Cám ơn các tăng và cám ơn các đạo tràng đã rất
chu đáo cho từng chút của chùa xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm. Chúng tôi cầu
mong sao đây mãi là ngôi chùa kiểu mẫu của nước Việt Nam. Xin Phật ban sức khoẻ
cho các thầy, các tăng và các sư cô.
Chùa
rất đẹp và sạch sẽ hiện vẫn còn tiếp tục quá trình xây dựng. Vì chùa nằm trên
lưng chừng núi, đứng trên cổng chính có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Uông
Bí, chùa được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, cơm chay ở chùa rất
ngon. Chùa rất đẹp nhất là vào buổi tối. Ở đây điểm đặc biệt là rất thanh tịnh
không hàng quán không kinh doanh buôn bán bất cứ cái gì ngay gửi xe cũng miễn
phí.
Khác
với những ngôi chùa hay đền thờ mà tôi viếng thăm trước đó là việc đốt vàng mã ở
nơi đây hầu như không hiện hửu. Cũng như vài ngôi chùa hiếm ở Hà Nội như chùa
Trấn Quốc, chùa Bà Đá hay chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh có phải yết biển “Không đem
vàng mã vào chùa” thì rõ ràng là không ai có thể đồng tình với thói mê tín dị
đoan này.
Hàng
năm vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, lễ Thanh Minh, ngày rằm tháng bảy
hay lễ Vu Lan để xá tội vong thân, đám giỗ người thân trong gia đình, v.v...người
ta hay đốt vàng mã tưởng chừng như một tục lệ bình thường. Nhớ người đã khuất
hay thương xót kẻ không còn trên thế gian không những là nét đẹp của văn hóa Việt
Nam mà còn là một sự tôn trọng tình người, đề cao nhân nghĩa của người sống.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là thời gian càng phôi phai thì càng có người lợi dụng,
dùng nó như một chiêu bài cho mê tín dị đoan, được lồng vào tín ngưỡng. Từ lâu
tín ngưỡng và mê tín thường có ranh giới không rõ rệt, dễ làm nhiều người ngộ
nhận nên rất dễ bị lợi dụng làm điều không tốt. Trong đó tục đốt vàng mã là một.
Chưa ai chứng minh được rằng có người từ cõi chết trở về. Cũng chưa ai chứng
minh được cái áo bằng giấy đốt đi lại thành áo thật. Đến cửa Phật cũng phải bài
trừ tục mê tín ấy.
Lúc
còn bé tôi đã nghe truyền thuyết dân gian nói rằng “Trần sao Âm vậy” nên chúng
ta đốt vàng mã để gửi người âm phủ được dùng; cũng có người nói rằng các tổ
tiên đều làm như vậy nên chúng ta bắt chước làm theo cho yên tâm...Hoặc có người
vì thấy bà con hàng xóm mua về đốt thì mình cũng phải đốt kẻo bị họ chê trách
là mình không thương các cụ. Lại còn có người bảo rằng tại vì con vụng về khấn
vái nên phải nhờ vàng mã sớ tâu giùm lên Phật để các ngài thương mới chứng
cho...
Như
vậy quan điểm nhà Phật về vấn đề này như thế nào nhĩ? Tại sao là như vậy. Chúng tôi tò mò đi tìm các sư trong
chùa Ba Vàng để trò chuyện thì được sư Thích Diệu Không giảng giải và được hiểu
vấn đề như sau.
Thời
thượng cỗ ở TQ cách đây 4 700 năm tức 2 682 năm trước CN, người TQ dùng gỗ để quấn
người chết rồi quăng vào rừng cho rả ra. Trong khi đó ở Ấn độ có phong tục thủy
tán có nghĩa là liệng người chết xuống sông Hằng hay cho đà điểu ăn gọi là Điểu
tán. Một vài bộ tộc bên Ấn độ và TQ thời bấy giờ có tục ướp xác rồi quấn bằng cây
gỗ để giữ xác lâu hơn. Cho đến đời vua Hiên Viên, vua nghĩ là dân chúng nên tôn
trọng và biết ơn người chết hơn nên cử quan thần nghĩ ra cách làm cái hòm bằng
gỗ với 6 miếng. Từ đó người giàu có TQ quan niệm nên biết ơn người đã khuất bằng
cách khi liệm xác chết vào hòm, người ta để vào vật khí mà khi còn sống người ấy
rất thích như cây vùi, cây đàn, ống sáo, v.v...(minh khí) vào chung hòm với người
mất.
Đến
đời nhà Hạ tức 2 205 năm trước CN, người ta mới nghĩ thêm việc đải tiệc trước
khi an táng người mất. Người ta cũng chôn theo minh khí với người chết để họ có
thể xài dưới âm phủ.
Mãi
cho đến đời nhà Chu tức 1 211 năm trước CN, người quí phái, quan lại và vua
chúa nghĩ ra hủ tục là chôn đồ thật như vàng bạc cùng với người chết. Người
bình dân nghèo không có tiền bạc thì phải chôn đồ giả. Một ít lâu sau vua Chu
đưa ra chiếu chỉ ra lệnh cho quan lại và nhà quý phái phải chôn theo những gì
mà người mất thích ngay cả phu nhân họ, người hầu hay con cái. Cách chôn sống
kiểu này quá tàn nhẫn vì người thân có tôi vạ gì mà phải chôn sống chung với
người chết. Dần dần hủ tục bị chống đối kịch liệt cho đến thời nhà Đường khoảng
1000 năm trước CN thì người ta phát minh ra giấy. Từ đó người ta mới làm hình nộm
để chôn theo người chết tức tục vàng mã bắt đầu từ đấy.
Như
vậy rõ ràng việc đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc cách đây hơn 1000 năm trước
CN. Như kể trên, qua các thời vua chúa phong kiến,
khi chết vua chúa quan lại người giàu quý phái cho chôn theo mình vàng bạc của
cải, kẻ hầu người hạ thậm chí cả vợ con nữa để mong được tiếp tục cuộc sống
vương giả ở thế giới bên kia. Việc làm này của tầng lớp vua chúa dần dần lan rộng
đến dân chúng và trở thành một tập tục. Song đa số dân chúng đều nghèo khó, lấy
đâu ra vàng bạc của cải, kẻ hầu người hạ để chôn theo. Đến đời nhà Đường (1000
năm trước CN) mới có giấy. Từ đó mới nảy sinh ra việc làm hình nhân giấy thế mạng,
làm vàng mã thay cho của cải thật. Rồi từ việc phải chọn các thứ đó theo cũng
có nhiều phiền phức lại hao tốn đất đai canh tác mới dần chuyển sang hình thức
đốt hóa vàng mã cho người đã mất với niềm tin rằng họ sẽ hưởng dùng được những
thứ đó bên kia thế giới. Song thật sự họ có dùng được những thứ này hay không?.
Như chúng ta đã biết dù chôn theo vàng bạc của cải thật thì khi khai mộ cải táng,
thấy rõ các đồ vật này đâu vẫn hoàn đấy, có chăng thì chúng bị hư mòn bởi thời
gian mà thôi, chứ đâu phải do người chết lấy tiêu dùng. Của cải thật mà còn như
vậy huống chi là đồ mã lại còn đem đốt hóa thành tro tàn mây khói. Khi vô lý
hơn là chúng ta đem đốt xe ô tô, xe máy, tủ lạnh hay tivi...để cho người mất
dùng, song họ sẽ dùng thế nào đây? Chúng ta đốt ô tô xe máy mà chẳng đốt xăng dầu,
đốt tivi, tủ lạnh mà không đốt điện xuống âm phủ thì thử hỏi làm sao họ có thể
dùng được chăng? Nếu bảo trần sao âm vậy thì thì ta phải làm đầy đủ các thứ đó
mới được. Lại còn một thực tế nữa là ông bà tổ tiên chúng ta xưa kia đi chân đất
guốc mộc, ngồi xe ngựa, xe trâu nên xe đạp có khi còn chưa biết lái huống nữa
là xe ô tô, xe Honda Dream...Do đó nếu muốn thì chúng ta phải đốt thêm sách hướng
dẫn sử dụng, bộ luật giao thông và cả bằng lái xe nữa chứ. Nói như vậy chứ nếu
chúng ta thực sự làm tất cả thứ này thì mấy nhà làm hàng mã mà nghe được sẽ làm
giàu to. Có thể họ sẽ tiếp tục làm thêm ra đủ các thứ lệ bộ nói trên và yêu cầu
bà con phải mua cho đủ mới được. Như vậy thì chúng ta sẽ bị mắc lừa to bởi
chúng ta sẽ bị mắc lừa bởi các nhà sản xuất hàng mã rồi. Và buồn hơn là chính
chúng ta tự lừa dối chúng ta bởi cái tư tưởng trần sao âm vậy đó...
Thứ
hai là việc đốt tiền âm phủ. Việc này còn phi lý hơn cả việc đốt mã nói trên nữa.
Thực tế thì trên thế gian này nước nào thì dùng tiền tệ hợp lệ in ra bởi chính
phủ của quốc gia đó mới gọi là tiền hợp pháp. Vậy thì tiền chúng ta in ra trên
trần gian phát hành xuống âm phủ là hơp pháp hay sao. Lỡ tiền chúng ta in ra chẳng
đúng với tiền âm phủ thì ông bà chúng ta sẽ bị vi phạm luật pháp âm phủ vì tội
tiêu tiền giả phải không? Còn nếu hàng năm quả thật vua Diêm vương có lên trần
gian vào từng nhà sản xuất làm vàng mã đặt in tiền cho âm phủ thì chúng ta khả
dĩ tin được việc này. Song chúng ta tin chắc chẳng có ông chủ hàng mã nào được
vua Diêm Vương đến nhà đặt in tiền cả. Trên thực tế các nhà sản xuất vàng mã đều
tùy theo thị trường mà họ in ấn. Ngày xưa đồng tiền âm phủ có in hình vua Diêm
Vương mặc dù họ chẳng bao giờ biết mặt ông Diêm Vương ra sao cả. Gần đây khi nền
kinh tế mở cửa, thấy đồng đô la có giá trị thì họ đổ xô vào in tiền đô la âm phủ
và tức cười nhất là đồng tiền không in hình vua Diêm Vương mà lại in hình ông tổng
thống Mỹ mới chết chứ? Chưa biết chừng sắp tới họ sẽ in tiền bảng Anh với hình
Nữ Hoàng hay tiền Euro để bán cho bà con nữa đấy. Trong khi đó ở ngay các nước
khác người dân không có tục đốt vàng mã thì không biết thân nhân họ tiêu bằng
tiền gì hay họ phải chịu mình trần nhịn đói hoặc sang nước khác để làm thuê cho
ông bà tổ tiên chúng ta hay sao?. Điều này chúng ta thấy quá phi lý?
Theo
sách cỗ Trung Quốc - Pháp Uyển Châu Lâm có ghi: ”Từ trước đời Hậu Hán trong việc
tang ma vẫn dùng tiền bạc thật để chôn theo người chết. Đến đời Đường, ông
Vương Dũ đã nghĩ ra cách dùng tiền bạc bằng giấy để thay thế. Nghề làm vàng mã
đã có một thời phát triển rất mạnh, song không bao lâu người Trung Hoa lại có ý
chán bỏ vì chẳng thấy hiệu nghiệm gì cả. Vì vậy nghề nghiệp của Vương Dũ có phần mai một.
Bởi thế nên con cháu của Vương Dũ cố hết sức tìm mưu kế để chấn hưng lại nghề
làm vàng mã của mình. Sách Trực Ngôn Cảnh chép rằng: ” Ông Vương Luân là con
cháu của Vương Dũ thời vua Ấn Đế nhà Hán đã lập mưu bằng cách bảo người bạn thân
của mình giả chết. Chừng vài bữa sau ông loan tin người bạn thân đó đau bệnh đã
chết. Sau đó ông lén liệm người bạn vào quan tài (quan tài có lỗ trống để bạn
ông thở được). Đến ngày làm lễ đi chôn, ông Vương Luân tổ chức nhạc lễ linh
đình, phúng tiếu nhộn nhịp, lại làm một hình nhân thế mạng cùng những đồ vàng
mã như tiền vàng, nhà cửa, quần áo...Ông Vương Luân tự làm lễ để cầu cho người
bạn được sống lại. Cúng tế xong đốt hết vàng mã, giấy tiền, hình nhân thế mạng
thì linh nghiệm thay quan tài tự nhiên rung động, ai nấy đều mục kích sự kiện rõ
ràng, vội cùng nhau mở nắp quan tài. Người bạn thân của Vương Luân quả sống lại
được. Anh ta liền đến trước mặt Vương Luân phủ phục xuống đất và thuật lại chuyện
cho công chúng nghe rằng ”Chư vị Âm Thần đã nhận được vàng mã và hình nhân thế
mạng liền thả hồn về dương thế nên nay tôi được sống lại cũng nhờ ông Vương
Luân đốt vàng mã và hình nhân thế mạng”. Mọi người ai cũng đều tin đây là sự thật
nên đồ mã của Vương Luân từ đó hưng thịnh trở lại. Sau này do tranh chấp quyền
lợi nên chính người bạn của Vương Luân đã tiết lộ âm mưu xảo trá đó của Vương
Luân”. Nước Việt Nam chúng ta dưới ách đô hộ phong kiến phương Bắc cả ngàn năm
nên những hủ tục này cũng dần dần ăn sâu vào quần chúng nhân dân. Tệ hơn nữa một
số người hành nghề mê tín dị đoan như ông đồng bà cốt, đã kết hợp với những người
cung cấp vàng mã lợi dụng lòng tin của mọi người, giả nói lời của thần linh,
vong linh đòi hỏi phải đốt vàng mã càng khiến cho bà con chúng ta chìm sâu vào
tục lệ này.
Cũng
theo sư Thích Thích Diệu Không thì giáo lý đạo Phật tuyệt đối không có chuyện đốt
vàng mã cho người đã chết. Kinh điển Phật có dạy rằng: Một người bình thường
chúng ta sau khi đã chết rồi, trong vòng 49 ngày thần thức phải đi tái sinh vào
một trong 6 cõi. Ba cõi trên là cõi Trời/cõi Phật, cõi Người và cõi Thần Atula;
còn 3 cõi dưới là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh (động vật). Hai cõi Trời và Thần
Atula thì không dùng đến tiền bạc vì do phước báu nhiều nên họ nghĩ thứ gì liền
có thứ ấy hiện ra... Hai cõi Ngã quỷ và Địa Ngục thì luôn bị hành hạ khổ sở chẳng
thể có thì giờ nghỉ ngơi để mà có thể lái xe ô tô và ra ngân hàng lãnh tiền từ
dương gian gửi xuống được. Nếu như phải tái sinh vào loài súc sinh (như heo lợn,
gà chó chẳng hạn...) thì sau khi đó chúng ta có thấy chú lợn heo nào mặc áo hay
cưỡi xe máy Honda đi chơi đâu. Còn nếu tái sinh trở lại làm người thì chúng ta
biết rõ là chưa từng có ai nhận được số vàng mã mà người ta đốt cho mình cả. Sự
thật thì mỗi cảnh giới của mỗi loài một khác, tùy theo nghiệp thức biến hiện. Chẳng
hạn loài người thở bằng không khí, loài cá thở dưới nước, các vị Trời thấy nước
là ngọc lưu ly, Ngã quỷ thấy nước là than hồng rực đỏ cháy thiêu đốt mình. Do
đó chúng ta không lấy cảnh giới của loài người mà áp đặt rằng các cảnh giới
khác cũng phải như vậy. Cho nên câu nói “Trần sao Âm vậy” chẳng thể đúng với lời
Phật dạy. Theo các Kinh Địa Tạng, Vu Lan, Kinh A Di Đà, Đại Phương Tiện Phật
Báo Ân, muốn giúp cho người đã khuất siêu sinh về thế giới an lành, kẻ còn phúc
lạc thì những người còn sống nên làm những việc như đến chùa thiết trai cúng dường
chư Tăng, cúng dường Tam bảo, in Kinh sách băng đĩa Phật Giáo, bố thí cho kẻ
nghèo khó, không sát sinh để cúng tế mà nên mua vật về phóng sinh, tu tập tụng
kinh và làm các việc công đức...rồi đem những công đức đó hồi hướng cho những
người đã mất thì chắc chắn họ sẽ được hưởng, tiêu trừ nghiệp chướng, được tái
sinh vào cõi lành hoặc có thể siêu sinh về Tây phương Cực lạc. Còn việc đốt giấy
vàng mã thì không thể giúp ích gì cho thân nhân và cho chính chúng ta được.
Ngày
nay tại trong nước người ta đã đi quá đà gây lãng phí lớn, có nhà giàu xổi phất
lên nhanh, ngày rằm tháng bảy, đặt hàng mã cả xe Honda Dream, tủ lạnh, tivi
màu, và tiêu hàng triệu đồng để đốt đi không biết bao nhiêu giấy tốt. Tại phố cỗ
Hà Nội vẫn còn phố hàng mã. Theo nhẫm tính không chính xác thì mỗi năm số hàng
mã bị đốt lên đến hàng trăm tấn trên toàn nước Việt Nam trong khi các vùng xa
xôi còn thiếu đói, các em bé không có giấy sách vở để viết, để đến trường học
hành. Không những thế việc đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường, làm xấu đi cảnh
quan chốn thờ tự trang nghiêm thanh tịnh và có một số nơi ở Việt Nam đã gây ra
hỏa hoạn. Đây là điều hiển nhiên vô lý khó chấp nhận.
Gia
đình nào mà chẳng có những người quá cố, dù mất đã lâu hay mới đây. Gia đình
nào cũng có bàn thờ với bát nhang nghi ngút. Ngay Công giáo cũng có bàn thờ của
Công giáo. Tục thờ cúng tổ tiên rõ ràng là một văn hóa truyền thống đẹp, thể hiện
tâm hồn người Việt tôn trọng văn hóa, tôn kính cội nguồn. Ngày Tết, rằm tháng bảy,
cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát vẫn là nét đẹp. Tương tự như lễ
Thanh Minh hay tảo mộ, ngày giỗ thắp hương để con cháu có dịp tưởng nhớ đến ông
bà. Chỉ riêng chuyện lấy ngày này làm cái cớ mà thực hiện hành động mê tín như
gọi hồn, đốt vàng mã vô tội vạ...thì không còn là lãnh vực tâm linh nữa mà đã
trở thành mê tín dị đoan cần được chỉnh sửa.
Văn
hóa vốn rất đa dạng, có vật thể và phi vật thể. Chúng ta cũng luôn tôn trọng mọi
tín ngưỡng khác nhau. Nhưng sống trong thời đại khoa học kỹ thuật khó mà chấp
nhận những điều phi lý nhân danh tâm linh được. Đứng về khía cạnh kinh tế cũng
vậy, gia đình còn thiếu thốn nhiều thứ, xã hội cần tiết kiệm, bỗng dưng đốt đi
bao nhiêu tiền của, giấy má đáng quý cũng khó mà đồng tình cho được.
Một
nén nhang, một bông hoa nhớ đến người xưa, đó chính là văn hóa, là điều chúng
ta tâm niệm về cội nguồn, về quá khứ về những công đức sinh thành ra ta và cả
giống nòi Việt Nam. Vì vậy mà cần dẹp bỏ điều mê tín không đẹp, không phù hợp nữa...
Năm
Mậu Tuất sắp qua đi và năm mới sắp đến, xin chúc bà con chúng ta được nhiều may
mắn, sức khỏe, an vui và hạnh phúc.
Nguyễn Hồng Phúc
December
2018