Chúng
tôi gặp nhau trong buổi tiệc ở nhà người bạn quen. Chị ngồi cạnh tôi vui vẻ hỏi chuyện. Thế là tôi
được biết chị từ quê nhà sang theo diện đám cưới với Việt kiều như chị cười
cười nheo mắt nói. Bất giác tôi có cảm tình với chị vì nhận thấy trong ánh mắt
nụ cười đầy vẻ hồn nhiên ấy một thoáng suy tư lạc lõng làm tôi nhớ lại những
ngày đầu xa xứ.
Thắm thoát đã trên 20 năm
rồi mà tôi như còn nhớ rõ thuở ban đầu bơ vơ ấy. Ở đây lúc bấy giờ chưa có
chính sách rõ rệt cho dân tị nạn. Người bảo lãnh phải tự lo liệu mọi phương
diện cho người mới sang. Chúng tôi cư ngụ trong một làng Bỉ thuộc vùng Flandre
nói tiếng Hòa lan cách xa quận lỵ độ 15km, cũng có tiện nghi tối thiểu như các
làng quê Âu châu nhưng chưa có trường lớp nào dành riêng cho người di dân.
-Tiếng
nầy có khó học không chị? chị Tâm nhỏ nhẹ kéo tôi ra khỏi vòng suy tư.
Bất ngờ không biết trả lời như thế nào nên chống
chế:
-Chị về hỏi lại anh nhà thì biết rõ
‘nguồn cơn’.
-Nhà
tôi cứ bảo là ‘không giống ai’, từ cấu trúc đến phát âm, lại hay dùng thổ ngữ
địa phương nữa. Anh ấy bảo ngán tiếng ‘phờ lờ’’ (Flamand) nầy tới cổ. May là
ảnh rành tiếng Pháp nên tùy cơ ứng biến từ từ. Có đúng như vậy không chị?
Ngực tôi như vừa bị cú thúc vô tình thình lình làm giật mình đau điếng,
tôi trả lời như nói với chính mình:
-Nhưng
mình đã chọn nơi đây rồi, ‘’phóng lao là phải theo lao’’, đâu có cách nào khác
hơn. ‘’Chạy trời không khỏi nắng’’, phải cố học thôi. Mà nói thật cho nhau
nghe, có nói tiếng họ sai thì có gì xấu hổ đâu. Cười trừ không thiệt gì cả,
khen chê thì họ hiểu mình đâu biết gì mà mắc cở buồn lo.
-Chị
nói vui thật, đúng thôi.
-Nói
sai thì sữa. Lúc đầu ‘bí’ quá thì cứ nói chuyện ‘mỏi tay’, rồi dần dần cũng
quen. Chị nghĩ xem, thử hỏi ngay tiếng mẹ, có ai chắc chắn là mình nói đúng
100% không?
Vui miệng tôi cũng kể cho
chị nghe chuyện buồn cười ‘tréo cẳng ngỗng’ở đây. Lần đầu tiên đi làm, mỗi khi
họ chỉ dẫn mình việc gì xong rồi, họ hay bảo ‘’ đu ma’’làm mình khựng lại xụ
mặt tưởng họ ‘xổ Nho’ chửi xéo mình. Ngược lại họ cũng ngạc nhiên không kém vì
họ tỏ vẻ thân thiện, thế mà mình lại như bất bình ương ngạnh. Họ nhún vai, lập
lại ‘đu ma’ rồi tiếp tục công việc, lâu lâu còn liếc về phía mình, hất hất hàm
nói khẻ chữ trên làm mình càng lúng túng lơ đảng thêm. Hồi lâu, định thần tỉnh
trí nghĩ ra là đâu phải tiếng mình, về nhà tra tự điển ‘doe maar’ có nghỉa ‘làm
đi’ khiến mình thở phào nhẹ nhõm, từ đó bắt đầu nói trả nếu cần. Rồi hôm nào
bực bội vì thái độ trịch thượng kiêu căng không thốt nên lời, mình bèn chống
đối ngầm theo chính sách ‘bất bạo động ‘’ của nhà chính trị lỗi lạc Ấn độ
Gandhi bằng cách vui vẻ phản pháo đánh dấu cho chữ ‘đu’’ thêm nặng, chữ ‘ma’
thêm sắc , ‘trả thù dân tộc’hả hê.
Rồi chúng tôi chia tay
nhau, ai cũng tất bật với cuộc sống tha hương trên xứ Bỉ nhỏ bé ít tài nguyên
nầy. Bẳng đi một thời gian, nghe tin chị bệnh, tôi đến thăm. Gặp lại tôi chị
mừng rỡ hẹn sẽ đến thăm ‘trả lễ’. Từ đó chúng tôi thường xuyên liên lạc với
nhau. Chị xem tôi như người chị lớn tuổi hơn, có thể tin cậy được nên thoải mái
nói năng không cần giữ ý
-Quen nhau cả năm rồi mà
chưa bao giờ tôi thấy chị hỏi tôi như bao người khác về thân thế, tại sao tôi
sang đây. Ai cũng tò mò, thắc mắc muốn biết, chị thì dửng dưng, tỉnh bơ như
không
-Tâm cũng đã kể cho tôi
nghe chút ít rồi. Chuyện của Tâm, Tâm muốn nói thì tôi sẵn sàng nghe, Tâm cần
hỏi điều gì, tôi tìm cách trả lời giải quyết
hộ. Tâm tin mình thì mình thành thật với Tâm chứ không phải chỉ ‘bánh ít
đi, bánh quy lại’, trao đổi tin tức xã giao lấy lệ đâu.
-Chị biết không, hôm nay
em buồn làm sao ấy. Có người vừa kể lại cho em nghe là bạn bè nhà em bàn tán về
em nhiều lắm. Số là trước kia nhà em còn độc thân ở chung với các anh ấy, đi ăn
nhậu, bài bạc, đi casino, chơi bida tự do, thả giàn có khi thâu đêm suốt sáng.
Bây giờ họ tẩy chay nhà em, chê nhà em trở thành ’râu quặp’, ‘thờ bà’, bị em
kềm kẹp mà không biết vùng lên, Tâm hổn hển bực tức nói một hơi, nước mắt tuôn
rơi. Họ còn thêm, phải chi là ‘bồ nhí’thì còn có lý đằng nầy già trên ‘băm’ (ba
mươi ) mà còn bị bỏ ‘bùa mê thuốc lú’, quê quá’ kém văn minh’. Chị thấy có độc
miệng không?
Đột ngột quá, tôi cũng bị
lôi cuốn vào thế trận nên không dằn được máu ‘anh hùng rơm’’đánh võ miệng’ phụ.
-Bậy quá! Vô duyên thật!
Bạn bè gì mà chán ghê! Mà thôi đừng thèm để ýđến lời dị nghị’bá láp’ đó nữa. Có
giận họ cũng uổng công, mất thì giờ vô ích. ‘Tránh voi không xấu mặt nào’.
Thế rồi, không nhịn được nữa,
ấm ức, tức tửi, chị thố lộ. Hồi còn ở Việt nam chị có công ăn việc làm đàng
hoàng. Gia đình đông anh em, có người cũng đã định cư ở Mỹ, Úc, Pháp. Vì Tâm
không muốn xa cha già và các em nhỏ nên nấn ná ở lại không lập gia đình, ngay
cả với ‘Việt kiều’ được các anh làm mai.
Cuối cùng, các em đều lớn
và vì nể tình người giới thiệu có uy tín từ lâu với gia đình, em mới bằng lòng
liên lạc trao đổi thư từ với nhà em. Chúng em cưới nhau vì thương nhau thật sự
mà chị. Vậy mà nào ngờ, có hôm về tụ họp gia đình, em còn nghe một chị dâu dặn
nhà em đừng bao giờ cho em biết đến tiền bạc anh ấy có, vì các cô lấy Việt kiều
thường ham giàu, cố tìm lýdo để đi ra nước ngoài. Chừng ‘quen nước quen cái’
rồi đòi ly dị chia đôi tài sản, hoặc’
quất ngựa truy phong’ sang qua thuyền khác. Em không ngờ, sang đây rồi, ‘chứng
nào tật nấy’ tốt xấu vẫn khó đổi thay.
Tôi nghẹn lời, chuyện đời
là thế đấy, như con xa lộ trông như phẳng phiu mà vẫn có chỗ lồi lõm, vũng nước
ổ gà. Có những lúc mình ‘tịt ngòi’ không còn lời để khuyên nhủ, an ủi như không
‘đạo đức giả’ ‘dạy đời’. Vẫn biết ‘nói theo’ có thể làm vơi dịu tự ái, lòng tự
trọng nhưng lúc nầy mình nghĩ im lặng là tốt hơn. Lấy chồng xa xứ cũng lắm
truân chuyên!
Lần khác Tâm đến thăm
tôi, tươi tắn hơn, kể việc làm mới, hái nấm. Vùng Bỉ nói tiếng Hòa lan nầy
thuộc nông nghiệp, nên có nhiều công việc không cần thạo tiếng như tỉa bông
cúc, hái cà hái dâu, đặc biệt là hái nấm.
Nghề trồng nấm ở đây thuộc
hàng kỷ nghệ rồi nên rất quy mô, kỷ thuật hiện đại, chỉ có việc hái là cần công
nhân hái tay. Tôi cũng đã được chứng kiến vài lần thử nghiệm máy hái nấm. Tổn
phí nghiên cứu lấp ráp quá đắt, hiệu quả không đạt được như ývì dù máy có ‘mắt
thần’ điện tử chỉ điểm, mấy ngón tay bằng kim loại không thể nào bằng tay con
người. Máy có thể cắt hàng loạt nhưng không thể lựa chọn nấm nào đáng hái nấm
nào không. Nấm được trồng trong nhà, có máy điều hòa nhiệt độ nhất là độ ẩm,
trên giàn , mỗi giàn dài độ 20m từ 4 dến 5 tầng, bề ngang 2-2,5m. Nhìn nấm mọc
sát nhau trắng phau thật đẹp gợi nhớ hình ảnh đồng phục trắng trong của tuổi
học trò, những đoàn diễn hành trong ngày đại lễ yên bình uy nghi. Kỷ thuật hái
nấm cũng rất công phu, khéo léo. Tay trái lựa móc từng gốc nấm, tùy kinh nghiệm
mỗi lần móc từng 3 đến 4 gốc nấm to, tránh đừng đè bẹp nấm nhỏ lú nhú dính
quanh, tay phải dùng dao lưỡi cong đặc biệt cắt bỏ gốc, xếp thứ tự lớn nhỏ, nở
búp riêng từng loại để vào hộp thích hợp. Tốc độ hái cắt vừa nhanh vừa xắp xếp
thứ tự đều đẹp tùy cở, đạt tiêu chuẩn của chủ. Vì vậy ngón tay càng nhỏ càng ít
làm hư nấm kế cạnh, tạo chỗ trống cho nấm nhỏ vươn lên, do đó người Việt ta rất
được trọng dụng. Tuy nhiên lương nhà nông thường bị trả rẻ hơn và thường khai
chính thức ít giờ, các giờ ‘làm đen’ đều được trả tiền mặt. Thời khóa biểu
không nhất định tùy theo ngày nấm mọc nhiều hay ít.
Từ đó gia đình chị sống
ổn định hạnh phúc, chị vui mừng báo tin đã có thai. Nhưng sau đó lại sẩy thai.
Hy vọng vẫn còn kéo dài trên một năm, chị bắt đầu lo lắng nên quyết định thụ thai nhân tạo. Thật ra sang xứ
người, việc có con cũng không phải là dễ dàng gì. Tất bật với cuộc sống không
dễ dung hòa công việc với gia đình.Việc nuôi dạy con cái thường giao phó cho xã
hội thôi. Không con cũng có vấn đề vì con cái là sợi giây ràng buộc vợ chồng
lại với nhau, chị tâm sự với tôi như thế. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ xin
cầu mong cho chị toại nguyện thôi.
Không may cho chị, sau
bao cuộc thử nghiệm không thành, chị đành bỏ ýđịnh trên và bác sĩ cho biết là
nguyên nhân không phải là do chị. Không chịu bó tay chị bèn nghĩ đến việc nuôi con nuôi, hợp pháp,
đứa cháu gái ruột của mình. Bây giờ gia đình chị trở thành tổ ấm có tiếng nói
cười của đứa trẻ lên chín tuổi. Anh chị đã bắt đầu thấy dù cuộc sống bây giờ
tuy bận rộn nhưng có ý nghĩa hơn. Và chị còn hãnh diện vui mừng thấy con mình
hội nhập dần với cuộc sống mới. Thời gian sao mà trôi nhanh quá. Mới ngày nào
con chị còn ngẩn ngơ với nếp sống lạ, tiếp xúc với thứ ngôn ngữ chưa nghe thấy
lần nào, mà ngay cả cha mẹ vì kiếm sống vẫn chưa thông thạo lắm, nay lại thay
đổi vai trò, chính cháu lại là thông dịch viên, liên lạc trên mạn internet cho
chị. ‘Con hơn cha nhà có phúc’, chị vui vẻ kể lể.
Thật ra, đối với người ở
quê nhà, ai có cơ hội ra xứ người cũng là người gặp vận may số đỏ. Còn các cô
được lập gia đình với ‘kiều’ nào cũng tốt, Việt, Hàn, Mỹ, Úc, Pháp, Đài loan,…kiều
hứa hẹn cho tương lai kinh tế gia đình như trúng số lô tô. Phần đông ai cũng
tưởng sang nước ngoài là hốt bạc hái tiền dễ dàng, tự nhiên trở thành giàu có
như Bill Gates, không được như ông hoàng bà chúa thì cũng bậc ăn trên ngồi
trước hưởng của Trời cho, chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân.
Cũng có nhiều Việt kiều về
nước, xài xả láng, tung tiền như nước như công tử Bạc liêu, se sua ‘áo gấm về
làng’. Đôi khi làm lác mắt các bà mẹ, lợi dụng các cô gái nhẹ dạ muốn thoát
khỏi cảnh nghèo cực đáng thương.
Nhớ câu ca dao
‘ Có con mà gả chồng gần,
Có bát canh cần nó cũng
mang cho’
Hay
câu hát ru con:
‘Lấy
chồng gần đừng lấy chồng xa,
Mai
sau cha yếu mẹ già,
Bát
cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng’
Ngay
ở trong nước, việc gả con xa xôi cũng là điều bất đắc dĩ, ngoài ý muốn, huống
hồ lấy chồng xa xứ. Thế mà ‘lấy chồng họ Kiều’ nầy hiện nay cũng trở thành
‘mốt’ thời đại, một giấc mơ hy vọng đổi đời. Do đó bao cô gái nghèo khờ khạo bị
bán đứng qua tay bọn ma cô ma cạo mất lương tri, dịch vụ hôn nhân thương mại
trá hình.
Các
nước văn minh cũng đã phát giác bao đường giây buôn người và ngay cả trẻ em.
Hào quang chói lòa của thế giới giàu sang mê hoặc lòng người dễ dàng mà cũng
nhận chìm không tiếc thương trong tội lỗi khổ đau bao tâm hồn trắng trong vô
tội. Lắm lúc con người siêu việt khôn ngoan cũng độc ác xâu xé nhau không kém
loài thú dữ. Nhìn cảnh đàn sư tử săn mồi đeo chặt mình cổ trâu rừng hút máu, đè
bẹp con nai vàng chạy trối chết mà không tài nào thoát khỏi nanh vuốt của chúa
sơn lâm, đó là luật sống còn, luật rừng của thú vật. Con người có tim óc thông
minh, có lý có tình, thế mà lắm lúc vẫn không chế ngự nổi thú tính tự nhiên,
bản năng sinh tồn.
‘’Chị biết không, nhiều người ở đây sang trước
em, và ngay cả gia đình bên chồng em cũng hiểu lầm cho rằng em lập gia đình là
vì tiền hầu giúp đở phía em còn ở lại Việt nam làm em chán nản quá. Hồi mới
qua, còn lạ nước lạ cái, chưa có công ăn việc làm, khí hậu khác biệt, có miệng
như câm, đồng hương cũng nhìn mình không mấy thiện cảm, dè dặt tiếp xúc, em
khóc hết nước mắt đó chị.’’
_ Ở
đây ít người Việt vì Bỉ nhỏ quá lại chia làm 3 vùng nói tiếng Pháp, Hòa lan,
Đức. Trước 75, cũng đã có du học sinh ở vùng nói tiếng Pháp Wallonie, nhiều
người thành danh lập nghiệp luôn ở đấy. Vùng nói tiếng flamand nầy chỉ có ba nữ
tu Việt thôi sang từ năm 69, lại là vùng nông nghiệp mới phát triển mạnh đây,
họ chưa có dịp tiếp xúc với người di dân nhiều nên họ có vẻ kỳ thị, không ưa
người tị nạn.
_ Em
cũng lo cho con em quá, sợ cháu nó không đủ sức theo kịp bạn bè. Thấy con chị
học mà ham, em chỉ mong cho con em cũng chịu khó như các cháu vậy.
_ Như
Tâm thấy, thế hệ trẻ sau nầy thích ứng nhanh lắm. Đã có sinh viên vào Đại học
rồi, Đại học Fờ lờ nổi tiếng nữa. Đừng nản chí, phải lên tinh thần con trẻ chứ,
đừng làm lung lay quyết tâm kiên nhẫn của cháu. Hơn thế nữa, truyền thống ta
vốn cần cù hiếu học, lo chi chuyện ‘cái cày đặt trước con trâu’. Người Việt
mình lại ‘biết người biết ta’ nên Tâm tin đi, tương lai con cái chúng ta không
dở đâu.
Một
năm qua, con chị tiến bộ nhanh, đạt kết quả học kỳ tốt. Thế mà cuối niên học
đầu tiên của cháu, Tâm đem học bạ đến khoe với tôi, cuối cùng bực bội bảo:
_ Em
đến để hỏi ý kiến chị đây. Có người khuyên em nên xin cho cháu ở lại lớp thêm 1
năm nữa vì môn Văn cháu còn yếu, lên cao sẽ đuối sức làm cháu chán nản có thể
bỏ học nữa không chừng. Chị nghĩ sao?
_
Theo tôi, cứ để cháu lên lớp như thường, cháu đang có đà học, kết quả lại tốt
78%. Đừng chận đứng ‘khí thế’ đang lên của cháu. Vả lại, nếu học lực kém, nhà
trường đâu bao giờ cho cháu ‘qua truông’ đâu nhất là với học sinh nước ngoài tị
nạn.
_ Em
cũng nghĩ thế nhưng các bà bạn cũng có lý do khác thuyết phục em là ngay cả các
em Việt sinh trưởng ở đây, học từ lớp mẫu giáo mà có em còn chưa đủ trình độ,
học không kịp, bị ở lại không lên lớp được, huống hồ con em mới qua chưa biết
chữ nào, 9 tuổi rồi mà được vào học ngay lớp đúng tuổi mình. Em phân vân quá
tiến thối lưỡng nan nên định vào trường xin ý kiến cô giáo dạy cháu.
_ Tùy
ý Tâm, tôi phì cười trả lời, nhưng theo tôi, cô giáo chỉ căn cứ vào học bạ. Vả
lại cô biết rõ sức học của học trò mình. Cô ấy sẽ ngạc nhiên đến cùng độ là có
lẽ chưa bao giờ cô gặp trường hợp nầy, phụ huynh có con dư điểm lên lớp mà tự ý
xin cho con ‘tuột’ xuống. Chị làm thế chị có nghĩ là chị không tin vào việc dạy
dỗ phê điểm đánh giá của thầy cô sao? Nhà trường sẽ nghĩ gì về cô ấy và cả chị
nữa? Chị suy nghĩ kỹ lại đi rồi quyết định. Trồng cây mới vừa lên vài đọt lá
non mà đã ngắt ngang rồi làm sao đâm lộc nở chồi mạnh được!
_
Sang bên nầy, tưởng không còn gì lo âu nữa, bao phiền muộn ‘gửi gió cho mây
ngàn bay’ rồi. Thế mà bao biến cố mới lạ làm em choáng váng ngỡ ngàng. Vụ
Dutroux Bỉ bắt cóc giết trẻ em làm em lo sợ điếng hồn khi con em đi học về trể.
Bây giờ lại đến vụ đốt phá nhà cửa xe cộ rầm rộ ở các thành phố lớn bên Pháp,
cả Bỉ nữa nhất là trong các khu phố chung cư nghèo ngoại ô, thủ phạm thường là
thiếu niên bụi đời du đảng có khi mới 14-15 tuổi. Nhà em còn kể ghê hơn nữa,
ngay ở trong trường cũng có đứa hút xách, ghiền ma túy, theo bạn bè trộm cắp,
băng đảng, 15-16 tuổi là bồ bịch lăng nhăng, tự tiện bỏ nhà ra đi lông bông.
Trách
nhiệm phụ huynh ngày nay quả thật khó khăn trong các nước quá tự do nầy. Làn
sóng phồn vinh giả tạo như loại nam châm cuốn hút giới trẻ vào quỹ đạo vật chất
xa hoa đua đòi ích kỷ vô trách nhiệm. Cha mẹ mà lơi tay, lơ là bỏ mặc con cái
tùy hứng ‘mạnh cua cua máy, mạnh cáy cáy đào’ thì hậu quả khó lường.
_
Không con cũng buồn, có con không lúc nào yên tâm hết, chị buồn buồn nhẹ bảo.
Sống ớ xứ người cũng không sướng gì phải không chị? Hay là cũng có thể tại vì
em sang đây trể quá.
_ Ở
đâu cũng thế Tâm ơi. Thôi bớt nghĩ quẩn đi mà cũng đừng ‘đứng núi nầy trông núi
nọ’ tự làm buồn lòng hơn. Lo hoài cũng không hết đâu và ‘Quẳng gánh lo đi’ có
mấy ai làm được? Rồi nước cũng chảy qua cầu mà .
Nghe
Tâm kể phiền lo thời đại, tôi cảm thấy gần gụi thông cảm Tâm hơn vì đó là lối
bận tâm suy tư của các bậc làm cha mẹ nói chung và đặc biệt hơn là các gia đình
xa xứ ray rứt giữa hai lối bảo tồn truyền thống gia phong và hội nhập với cuộc
sống hoàn toàn cắt đứt rún nhao. Nhưng rồi mọi việc cũng qua. Con người chóng
quên khó khăn đau buồn trước đó như các sản phụ chỉ còn nhớ’mài mại’ cơn đau
bụng thập tử nhất sinh khi ‘nở nhụy khai hoa’. Để sau đó ai ai cũng hùng hục
dấn thân vào cuộc sống, mải miết ‘’mỏi gối long chân vẫn muốn trèo’’, ‘’sanh
năm đẻ bảy được vuông tròn’’, hầu đi trọn cuộc đường trần kéo dài chữ thọ đến
trăm năm.
Tâm
còn làm tôi sửng sốt hơn:’’ Em đã gởi hồ sơ sang Mỹ nhờ anh em bảo lãnh dù nhà
em còn ngần ngại thối thoát chưa chịu đi. Nhưng em có quyết định này là vì
tương lai con em thôi. Sang bên ấy, nhiều hướng đi lên nếu mình chiu khó, kiên
nhẫn. Còn ở xứ nầy, khó kiếm việc làm, thất nghiệp dễ dàng, lương kém, thuế
cao, biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi theo kịp các nước khác như Mỹ, Úc, Pháp
Anh, v.v.Anh em cũng khuyên như vậy, hiện nay các anh em đều có cơ nghiệp khá
còn có thể giúp tụi em bước đầu mới sang. Hy vọng vài năm nữa sẽ được đi, chứ
còn không dám mạo hiểm,’ cứ đóng đô vĩnh viễn ở xứ Bỉ nầy, thương cho con em
quá, và ‘còn nước còn tát’ phải không chị?
Rồi
chị miên man tâm sự về những ưóc mơ, dự trù kế hoạch sống của chị thế nào khi
định cư, cật lực, rất thực tế dấn thân. Tôi cũng bị lôi cuốn theo nhiệt tình
của con người quyết tâm chuyển hướng cuộc sống. Vả lại anh chị còn trẻ khoẻ, có
cơ hội vươn lên sao không nắm lấy tung cao mà hậu quả đoán trước là không đến
nổi nào nếu không nói là viễn tượng tốt đẹp.
Tưởng
đến lúc nên nhận chân rằng trong đời có những bước nhảy có thể làm ta trật chân
thật nhưng cần thiết vì không bay nhảy làm sao tiến bộ. Vả lại không tập nhảy
thì biết đến bao giờ mới có kinh nghiệm bi sái chân. Tục ngữ đã chẳng có
câu:’’Khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương tổ người
ta ghét’’. Còn nếu cứ ngần ngừ e dè, đi hàng hai hoài không dứt khoát thì cũng
đừng dậm chân kêu Trời khi thấy người khác gặp may. Như mua giấy số, lô tô, đi
casino, phải nghĩ bài là bạc, thua trước là tất nhiên, còn chuyện may mắn dù có
nhờ bao thầy bói đoán cũng là chuyện trên trời rớt xuống, chỉ mành treo chuông.
Nghĩ cho cùng, cuộc đời không ai giống ai, không có mẫu sống nào nhất định mà
cũng thể nào clônage vận may. Không có gì bất di bất dịch hoàn hảo để phải sau
mỗi lần thất bại bi quan tuyệt vọng cho đến nổi không còn ý chí ‘thua keo nầy
bày keo khác’, làm lại từ đầu.
_ Chúc chị may mắn. Mình
thật sự mong cho chị như ý.
Tiến thân quả thật là hoài
bảo của con người trên thế gian nầy. Đẹp thay cao vọng cải thiện cuộc sống thế
nhân của những nhà mạo hiểm, khoa học kỷ thuật không ngừng ngưng nghĩ kiếm tìm.
Phúc cho những ai còn biết tìm cách mở cửa hạnh phúc mà chỉ có mình mới có chìa
khóa thích nghi. Hy vọng là mồi lửa cho ý sống, nắm bắt cơ hội thuận tiện, để
rồi nhìn về phía trước quyết tâm tiến bước. Điển hình là hình ảnh của các bậc
phụ huynh, nhất là tha hương vừa lo kiếm sống nuôi con vừa giữ truyền thống ,
lòng tự trọng nhân cách vì:
‘ Tới đây đất khách quê
người,
Cái thương cũng sợ, cái
cười cũng ghê.’ (Ca dao)
Lặn lội thân cò, một bước
gập ghềnh chông gai của cuộc đời làm tôi nhớ đến bài thơ ‘’Cái chết của con chó sói’ của Alfred de
Vigny tả lại cảnh một gia đình chó sói bị lọt trong vòng vây càng lúc càng siết
chặt của đám thợ săn. Chó cha biết không thể nào chống cự nổi bèn tìm cách cho
chó mẹ và đàn chó con rút lui trốn thoát, một mình đương đầu chống trả mãnh
liệt, cắn cổ không buông tha cho đến chết con chó săn đầu đàn. Và trước khi gục
ngã, nó ngẩng đầu lên hiên ngang nhìn chầm chầm vào kẻ thù đoàn thợ săn như
muốn nói:
‘Gémir pleurer prier est également lâche,
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le sort a voulu t’appeler,
Puis après comme moi, souffre et meurs sans parler.’
‘’Rên
siết, khóc than, van xin tất cả đều là ươn hèn,
Hãy
hoàn tất nhiệm vụ dai dẳng và nặng nề
Theo
con đường mà số mệnh đã gọi,
Và
sau cùng, như tôi, khổ đau và chết đi không nói năng’’.
Cô Trần
Thành Mỹ