Nhất
con,
Cám ơn con đã chỉ cho mẹ cách sử dụng máy vi tính để mẹ có thể liên lạc
đó đây. Bây giờ mới thấy già thì như chiếc xe cũ, nay hư mai chạy, học rồi lại
quên dù đã viết lên trên giấy nhiều lần. Con có dịp chỉ mẹ là con còn có phúc
đó vì mẹ còn tỉnh trí, khoẻ mạnh, con có dịp khoe tài với mẹ, mà con biết bà mẹ
nào cũng thường đánh giá con mình cao lắm. Con lại được làm thầy giáo dạy tư
trong vài giờ, vài buổi, sống thử cái nghề mà bố mẹ trước kia từng say mê ấp ủ.
Con lại được lên giọng thầy đời, nghiêm mặt “con nít lớn” của con lại, gằn
giọng, thở ngắn thở dài, bắt mẹ lặp đi lặp lại nhều lần động tác một, động tác
hai...Có lần mẹ bắt gặp con len lén nhìn mẹ, vẻ thương hại hiện rõ trong ánh
mắt con. Con không biết đó chứ, lúc ấy mẹ mắc cở không biết dấu mặt mình vào
đâu, không phải buồn ông thầy giáo hờ, chưa kinh nghiệm nầy mà mẹ giận mẹ sao
mà tối dạ quá, tủi thân và khúc phim dĩ vãng thấp thoáng quay nhanh, chớp lia
chớp lịa.
Con biết không, hồi còn đi dạy, mẹ xem trường lớp như là gia đình thứ
hai của mẹ. Mồ côi sớm, không anh em, sống trong một tỉnh nhỏ mà mỗi cử nhất
động của mình đều bị đánh giá theo truyền thống tập tục riêng, thế mà mẹ vẫn
thấy ở đấy gần gũi quen thuộc với mẹ hơn, mẹ có thể giải tỏa bao nỗi niềm năng
lực, ý hướng của mẹ hết lòng. Suốt thời gian dạy và học ấy, mẹ chỉ có nguyện vọng
làm thế nào hòa mình với nếp sống mới, nâng đỡ học sinh yếu kém, khuyến khích
học sinh giỏi. Tất cả đều ngang nhau, như em cháu mình và đó cũng là hình ảnh
mẹ ngày xưa nữa.
Vào lớp mẹ không có thành kiến,
phân biệt gì cả. Mẹ đến không như một người truyền kiến thức bộ môn mình dạy
suông thôi mà với tấm lòng của đứa con may mắn trở về nguồn. Mẹ là hiện thân
của thế hệ trước mà cũng là hình ảnh khiêm tốn của tương lai. Với ý thức đó, mẹ
có hoài bão là chính mình sẽ cảm hóa học sinh hơn là thưởng phạt. Mẹ cũng
thường khuyên học sinh nên học cho mình, hơn là vì điểm, vì sợ con zéro hơn
thầy cô.
Như
con biết Việt nam chỉ có hai mùa mưa nắng, quê mình có gần sáu tháng nước mẵn
hằng năm. Mùa nắng nóng, học sinh đang sức lớn ngồi sát nhau từ 1 giờ trưa nghe
gỉảng, thật khó lòng mà chăm chú vô cùng! Chuyện buồn ngủ, lim dim ngủ gật là
thường, không phải lỗi tại thầy giảng như ru hồn vào mộng hoặc tại trò đang
sung sức đâu cưỡng nổi thiên nhiên. Mẹ thông cảm điều đó vì biết khi cơn buồn
ngủ kéo đến thi mặc tình cho chủ nhân tự ngắt, véo chống trả mãnh liệt cách mấy
đi chăng nữa, hai mí mắt chẳng buồn nghe từ từ khép kín, buông xuôi. Người ta
thường bảo con mắt là cửa sổ của tâm hồn còn mẹ thường ví ánh mắt học sinh như
tia quang tuyến rọi vào tim phổi của thầy cô.
Tỉnh mình học sinh thường từ làng
xã xa lên học, đi sáng về tối, còn phải phụ giúp cha mẹ trong việc đồng áng
chăn nuôi. Tối đến dưới ngọn đèn dầu chong, bên sách vở dầy cộm, sức trẻ cũng
khó chống nổi sức tấn công mãnh liệt của đàn muỗi vo ve và Thần ngủ đang rải
cát. Con thử tưởng tượng xem ‘con mắt nó lim dim’ thật giống như bóng đèn điện
gần hư hết sáng hay bóng néon chớp tắt liên hồi làm nhức mắt, bực mình. Thà tắt
đi cho nhẹ nhõm khỏi phải nhìn, có la có phạt rồi đâu cũng vào đấy. Mẹ thường lờ
đi những trường hợp ấy vì biết chắc lát nữa đây khi giật mình thức dậy sẽ đánh
thót lo âu, ngượng ngùng mắc cở, thế là sẽ nhớ đời và đủ đền tội rồi.
Vào đầu giờ mẹ thường hay hỏi lý do vắng mặt kỳ trước, lần nầy theo
thông lệ mẹ cũng vui miệng:
_ Hoành,
tuần rồi sao em nghỉ?
_ Thưa cô...
Câu bỏ
lững làm mẹ ngạc nhiên nhìn lên thì thấy cả lớp toàn nam sinh như đang giữ thế,
là lạ như cố nén cái gì. Mẹ lại nghĩ không biết mặt mũi, đầu cổ, quần áo mình
có bị dính gì không, làm trò cười, trò hề nào đây. Sợ im lặng mẹ vội bảo:
_ Sao em?.
_ Dạ vợ em đẻ.
Câu trả lời gọn nhẹ thẳng thừng bất ngờ làm
cho mẹ thừ người ra, điếng hồn, choáng váng, nghẹn thở trong tình huống hết sức
trớ trêu nầy, trước gần một trăm hai mươi con mắt học sinh khác phái đang chăm
chú nhìn phản ứng của cô giáo trẻ còn độc thân chân ướt chân ráo mới ra trường.
Trống ngực đánh lô tô không kịp nghĩ suy buông thỏng:
- Con trai hay con gái ?
Vừa dứt
câu, mẹ nghe một loạt cười rần, trước mắt ngẩn ngơ của mẹ là những hàm răng
trắng xóa, những chiếc đầu gật gật lắt lắt hồn nhiên, hả hê, thích thú.
_ Dạ con trai.
Thế là như tức
nước vỡ bờ không còn gì ngăn cản nổi, một tràng cười như giàn pháo bông đón
chào cháu bé mới ra đời.
Ở quê, ngày xưa
thường sanh con tại nhà nên khai sanh trễ có khi đến một vài năm. Do đó khi đi
học người to hơn tuổi, người ta thường bảo là dấu tuổi. Hơn thế nữa, lập gia đình sớm là chuyện thường thấy trong xã hội thời
bấy giờ. Và con biết không, từ đó mẹ đã có cháu kêu bằng bà cô hay “ sư bà”.
Thích chưa! Tước vị nầy theo thời gian càng lâu càng lên ngạch trật có lẽ bây
giờ mẹ đã lên “sư bà bà” rồi....
Trường Trung học Gò công là trường hỗn
hợp, tuy nhiên vẫn có những lớp toàn nam hay nữ, số còn lại trong một lớp gồm
gái lẫn trai. Bạn bè trong lớp nầy không biết xưng hô thế nào cho phải, còn ở
Tiểu học thường gọi nhau bằng trò, bạn
nghe vui tai. Đến đây mới thấy cách xưng hô nước ta thật tế nhị , khúc
chiết khác hẳn với Anh Pháp “I, you, me”, “Moi, toi, lui, elle”,..
Trong
lớp thường nói trống không với nhau gọi là “nói trổng” hay xưng bằng “người ta”,
đôi khi “tôi, tui’ khách sáo. Thử hình dung một cuộc đối thọai thông thường khá
tức cười:
- Ơ ơ ...chói quá, đóng cửa sổ lại dùm đi.
Im lặng, không ai nhúc nhích.
-
Làm ơn đóng dùm đi .
-
Xí, làm như người ta không có tên.
Thế rồi cửa sổ cũng được đóng lại.
Dần dần
cởi mở hơn, bạn bè cùng lớp đã biết gọi nhau bằng tên, hoăc anh hay chị. Dù ít
có dịp gặp gỡ chuyện trò thân mật e tiếng thị phi, tuy nhiên vẫn có những cuộc
tình hay hôn nhân đẹp xảy ra sau nầy.
Tuổi học
trò thường vô tư, bồng bột, nghịch phá ngấm ngầm hay rõ rệt nhưng ít khi cố ý,
trả thù. Ngay cả những thành phần khó trị nhất vẫn không nghĩ đến hậu quả của
mình có thể gây ra. Dù biết làm mai đứng đầu trong bốn cái ngu trên đời, „làm
mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu“, các em cũng học đòi mai mối, nhạy bén trong
việc gán ghép bạn bè, thầy cô mà đôi khi “ có khói tất có lửa “ cũng thành. Rắn
mắt hơn, còn đặt hỗn danh biếm danh để phân biệt hoặc cho dễ nhớ. Có lần mẹ
nghe thét lên trong giờ chơi: ‘’Mầy phá quá, tao mét thầy cho mà coi. Thầy Xếnh
cho mầy mấy bạt tai, Oánh (đánh) cho mầy một trận đổ Lệ’’... À ra thế, dùng tên
thầy cô mà đùa, trêu, chọc nhau nữa, tuổi trẻ có khác.
Mẹ còn nhớ, có một dạo
phong trào Thanh niên chí nguyện Mỹ đến dạy thêm cách phát âm cho học sinh
trường. Họ thường to lớn dềnh dàng, tóc nâu vàng, mắt xanh không đen như mắt
ta, đặc biệt là nhiều lông râu như con thấy ở đây. Quê mình may mắn là vùng
nước mẵn nên ít có quân đội Mỹ trú đóng, do đó nhìn được tận mắt người ngọai
quốc cũng là điều hi hữu, thích thú thỏa mãn tính tò mò. Lại được học trực tiếp
nữa thì nhất cử lưỡng tiện thật.
Giờ học tiếng Anh có khi bắt đầu vào buổi trưa nóng
bức, từ 1 giờ trưa. Học tiếng Việt lắm khi còn buồn ngủ huống hồ học tiếng oánh
tù tì. Vốn có kỷ luật, ngoan ngoãn, hiếu học, sáu mươi học sinh lớp Đệ thất,
lính mới tò te của trường, nghiêm chỉnh khoanh tay thủ thế, mở to tai mắt,
quyết tâm chiến thắng nuốt chửng từ ngữ ngọai. Mẫu tự rồi đến từ đa âm vang
vang, đọc chung rồi đọc riêng, không khí lúc đầu thật phấn khởi, thích thú.
Một hôm, thầy người Mỹ dạy cách hỏi
tên: What is your name?.Từng học sinh lập lại câu nói của thầy, xong thì ngồi
chờ cho đến hết tua trên dưới 60 lần. Vốn hiếu động, lí lắc, tinh nghịch, liếng
thoáng đâu thể ngồi yên, im lặng, bất ly cục kịch, tay chân táy máy, các em bắt
đầu xù xì về chữ name:
_ Tao đọc ‘nem’ ổng chê sai, tao sửa
lại ‘nêm’ ổng cũng không chịu. Tưởng nem không ngon mình nêm nếm lại, té ra
trật lất ráo trọi.
Đấy chỉ
là thì thầm, xì xào lời qua tiếng lại giết thì giờ thôi. Đến đây mới thấy “
nhàn cư vi bất thiện” , vì trong lúc ngồi không, có em lại bắt đầu thắc mắc
- Đố mầy, tóc thầy thật hay giả?
-
Thật, còn mầy thì sao?
_ Chắc giả quá. Tóc mình đen hết từ gốc đến ngọn, còn tóc ổng không cùng
màu, chỗ đậm chỗ lợt, chỗ vàng chỗ nâu, thiệt sao nổi.
_ Bộ mầy nghĩ thầy đội tóc giả
hả?
Nói xong, khều bạn ngồi cạnh truyền tin giựt gân, đố vui, kết quả chưa
ngã ngũ ra sao, bất phân thắng bại chờ hạ hồi phân giải.
Trong
lúc đó, em khác lại hỏi :
_
Mắt thầy sao giống hòn bi màu quá? Tao nhớ ba tao kể lại ngày xưa ở Tiểu
học Gòcông có ông Trouché Thanh tra người Pháp mang một con mắt giả bằng cục kè
đó. Mắt giả thì không có liếc qua liếc lại được.
- Vậy mình thử đi.
Nói xong liền lấy cục phấn nhỏ ném lên bảng
đen gây khan tiếng động ‘cắc’.
Giật mình thầy quay phắt lại, ngó trái nhìn
phải không thấy động tịnh gì, mắt đảo vòng kiểm tra cho chắc. Thế là cuộc thử
nghiệm thành công xác định mắt thầy thứ
thiệt trăm
phần trăm. Hai cậu bé thúc cùi chỏ nhau
đồng ý về sự phát giác hết sức ngộ nghĩnh nầy.
Đến đây tưởng chừng như dứt phim vì
thầy đã xong vòng lớp học trở về bảng đen, tiếp tục vừa đọc vừa viết các dấu
hiệu phiên âm mới thấy lần đầu. Áo sơ mi ngắn tay để lộ cánh tay trần phốp pháp
rậm rà rậm rịt lông vàng cứng xoắn kích thích trí tưởng tượng dồi dào của tuổi
trẻ. Chúng nhìn thầy rồi lại nhìn mình, cũng nam nhi chi chí, cũng râu cũng
lông cũng tóc thế mà có thứ rừng già thứ loại rừng thưa.
Cậu này nháy cậu kia, nheo mắt như dò
hỏi thách đố. Nhớ lại tóc cũng chưa phân biệt được giả chân, giờ còn thêm họ
hàng lông râu nữa vì “cái lông cái tóc là gốc con người” làm các em bức rức
không yên.
_ Theo mầy, lông thầy thật không?
_ Ai mà biết, cái thằng nầy, mầy hay
thắc mắc lẩm cẩm tầm ruồng quá, hết tóc rồi bây giờ đến lông. Có giỏi thì hỏi
ổng đại đi. Ổng quật nhẹ, phủi bụi sơ mầy một phát là đi đời nhà ma nghe con.
Tao nói thật, ổng chỉ cần vung cho mầy một sợi lông thôi, như gai ‘chùm lé’
càng lễ càng khêu càng ăn sâu, mầy có nước bị thúi mắt thúi... tim nữa hổng
chừng.
_ Thằng nầy đọc chuyện Tàu riết thành
lậm, mầy làm như Tôn Ngộ Không rứt lông hóa phép biến thành nhiều khỉ khác
giống mình. Mầy ‘ba phải’ quá, hỏi ý kiến mầy như không, vạch đầu gối hỏi còn
sướng hơn.
Câu chuyện đến đây bị cắt đứt vì thầy đã đến trước mặt, hai tay chống
xuống bàn nhìn em phát âm. Đọc xong, nhân cơ hội thuận tiện nầy, em bèn sờ nhẹ
vào ‘mục tiêu’. Nhồn nhột, thầy nhìn
xuống, để yên. Em nhìn lên, bốn mắt gặp nhau tưởng như thông cảm lắm. Thình
lình không dằn được nữa, em giựt phắt nhanh sợi lông. Ối chao, đau điếng, thầy
phóng mình ngay ra khõi lớp, vừa chạy vừa kêu cứu, tông cửa văn phòng Hiệu
trưởng kể lể sự tình một hơi. Ban Giám hiệu, giám thị vội vã cấp tốc xuống lớp
để thầy lại cho cô Đầm y tá săn sóc vết thương...tâm.
Phần học sinh trong lớp, chỉ có các em
ngồi quanh đó chứng kiến cảnh ấy mà thôi. Riêng thủ phạm thì đang khóc ‘bù lu
bù loa’ nghẹn lời, tức tửi trước bạn bè đang nhôn nháo ‘hỏi cung’. Nhưng khi
nhìn ra cửa thấy ban điều tra hùng hổ sắp đến, ai về chỗ nấy, trật tự vãn hồi,
cả lớp im phăng phắc, nghiêm trọng.
_
Sao, thành thật kể lại cho thầy nghe chuyện gì xảy ra, từ đầu đến đuôi,
thầy Tổng giám thị nói có vẻ trấn an cậu bé.
Vốn có
kinh nghiệm và là người địa phương, thầy thông hiểu tâm lý, thái độ học sinh
quê nhà rành rẽ. Có khi thầy còn biết cả gốc gác gia cảnh, thành phần xã hội
nữa nên chỉ cần nhìn qua loa thôi, thầy có thể đoán được phần nào tình trạng
lành dữ, ngay gian. Chỉ chờ câu hỏi là cậu bé không nén được nữa, oà khóc nước
mắt ràng rụa kể lại sự kiện xảy ra như trên, phân bua cặn kẽ :
- Con tưởng lông giả thầy gắn vô chơi nên con ngắt thử, không dè lông
cứng quá, giựt ra làm thầy đau. Con có ý xin phép thầy mà không biết tiếng, khi
con rờ tay thầy, thầy nhìn con cười cười, con đinh ninh thầy cho phép, con mừng
quýnh giật nhanh, thì ra... là lông thiệt.’’
Câu trả
lời thật thà khờ khạo làm cho ai nấy muốn cười lăn mà đành nín lặng, ho hen
đằng hắng, cười bằng bụng mà thôi.
- Con có lỗi đó. Trưởng lớp cùng đi lên Văn phòng ngay.
Rồi mọi hiểu lầm được giàn xếp xong xuôi.
Tội phạm dưới sự chứng kiến của Ban giám hiệu, lớp trưởng, xin lỗi thầy dung
thứ. Nề nếp trở lại như xưa. Nhưng không bao lâu, có lẽ vì khí hậu Gòcông không
thích hợp với người Mỹ, phương pháp dạy thực tiễn nhưng khó áp dụng với sĩ số
quá cao, các thầy cô trong chương trình Chí nguyện giả từ Gòcông với kỷ niệm
khó phai.
Nhất con ! Đây là một vài kỷ niệm thân
thương dưới mái trường Trung học Gò công, nơi mà mẹ đã mang bầu ba đứa con vào
lớp và nơi mà các con đã được bác chú cô dì giáo chức, anh chị học sinh chia
vui với bố mẹ khi các con chào đời ở quê mình. Tiếc rằng các con không có dịp
thụ hưởng nền giáo dục ở ngôi trường quê hương nầy để bố mẹ có thể tâm tình gợi
nhớ gợi thương. Tuy nhiên kỷ niệm vui buồn nào bao giờ cũng đẹp với tháng năm
qua, ấp ủ dư âm, trui rèn kinh nghiệm. Mẹ không bao giờ hối tiếc đã chọn và
sống với nghề dạy học dù ngày nay nhan nhản bao buồn phiền bi kịch xảy ra, vì
trái phải cuộc đời là chuyện tất nhiên, nghề nào cũng thế.
Nhưng dù sao nghề thầy vẫn có ưu
thế hơn vì luôn được tiếp cận với tuổi trẻ, tự cố gắng trau dồi học hỏi để
thích nghi và đặc biệt là chứng nhân âm thầm, xa gần thành quả của thế hệ tương
lai. Không gì làm thầy cô vui sướng, hãnh diện ngầm cho bằng nghe danh học sinh
cũ của trường thành công và ngược lại thương tiếc khó nguôi cho lá vàng còn đó
mà lá xanh đã lìa cành.
Bây giờ, quá khứ đã về hưu, quê hương xa vời vợi, nhưng lòng người còn
vương mãi hoài niệm ngày xưa. Những trang giấy sau cùng của quyển sách đời dạy
học, dù đã ngã màu vàng theo năm tháng, luôn luôn vẫn còn được chấm phá bằng
những nét son hạnh phúc hình ảnh của bao vì sao sáng hay đóa hoa tươi đẹp, tin
vui đồng nghiệp hay lớp lớp học sinh reo vang tiếng hát ca tụng tình người rạng
ngời vinh dự quê hương.
Cô
Trần
Thành Mỹ