CHỮ MÌNH



   
                                                    



       

           Nhớ thời học Trung học, vào giờ Sinh ngữ, có lần thầy dạy bộ môn tiếng Anh bảo: “Người Anh rất hảnh diện về chữ “home” là nhà, tổ ấm vừa bình dị, ấm cúng, khó có tiếng nào lột tả hết ý như thế được, dịch cũng khó chính xác đầy đủ. Đến giờ Pháp văn, thầy dạy bô môn lại giảng: Tiếng Pháp thuộc loại đa âm nên có từ dài như anticonstitutionnellement, nhưng có chữ “ chez” chỉ có một âm thôi, ngắn gọn mà xúc tích, đầy cảm tính, thân mật tượng hình. Câu nói thông thường lồng trong bài giảng như vậy thế mà dậy ngầm lên trong lòng đám trẻ Việt chúng tôi bao câu hỏi, nghĩ suy, tìm tòi, so sánh.

            Thật ra tiếng Việt ta dù đơn âm nhưng cũng truyền cảm, tượng hình tượng thanh lại còn đa nghĩa nữa là khác. Không thể bảo tiếng ta nghèo vì hình dạng chỉ gói gọn có một vần càng không thể hời hợt phê rằng vì thế mà cộc lốc, cứng rắn, thô bạo thiếu vị ngọt ngào, sức quyến rũ hấp dẫn thướt tha đài các sang cả.  

         Xin đừng quên là tiếng ta còn được điểm đệm bằng những dấu uyển chuyển hỏi sắc huyền ngả nặng, giai điệu tiếng Việt cũng gây rung động không kém ngôn ngữ nào trên thế giới. Để những âm hưởng trên thêm phần khởi sắc, một trong thế mạnh của ta là luôn biết sáng tạo phong phú hóa bằng cách thêm tiếng đệm tiếng ghép, tận dụng cả việc phiên âm gần như xác thật tiếng nước ngoài trong mọi ngành kể cả khoa học kỹ thuật.

          Do ảnh hưởng của hai nền văn minh Âu Á, tổ tiên ta còn thức thời tự chủ biết sử dụng mẫu tự La tinh thay những nét gạch sổ của chữ Hán, dù vẫn giữ và dùng cổ ngữ Nho, Nôm có lối viết như  ‘rồng bay phượng múa ‘, người Việt ta lại có năng khiếu hay nói rõ hơn có ưu thế phát âm gần chính xác mọi tiếng khác.

           Trước 75, nhớ có lần nghe một ca sĩ Mỹ trình bày bài hát Việt rất chuẩn có duyên nhưng ngay từ đầu, câu “Không không không, tôi không còn yêu em nữa” (Nguyễn Ánh 9) nầy quả thật là hóc búa nan giải cho cách phát âm của người nước ngoài. Người Pháp chẳng hạn cũng có vần “on” như trong “On a besoin d’un plus petit que soi » tuy nhiên chữ ông của họ đọc ngắn hơn và đọc bằng giọng hít hơi trong cuống họng còn chữ ông của ta trên lưỡi cho hơi như dài ra.

           Bảng phiên âm quốc tế không thể kiện toàn cách phát âm của ta được vì bao vần khó đọc như iêu, ươn, uơi, oen.. và nhất là giọng trầm bổng do bậc ngũ cung năm dấu. Do đó hãy tự hào là dân Việt đi các bạn trẻ vì không nói ngoa đâu, chúng ta có một ngôn ngữ diệu kỳ và chúng ta còn có thể phát âm các tiếng trên thế giới gần như trung thực, ít sai sót.

          Nếu tiếng Anh Pháp có những trường hợp đặc biệt nêu trên, tiếng Việt ta không kém. Điển hình là nhân vật đại danh từ ngôi thứ nhất thôi ta có bao nhiêu cách xưng hô như ta, tôi, mình, trẩm, thần, tao, tên của người phát ngôn, vai vế,…ngay chính người Việt ta lắm lúc cũng thấy luống cuống khó khăn hưống hồ người ngoại quốc, mỗi từ đều có vị thế riêng..

Nào chúng ta thử tìm hiểu hai từ TA = MÌNH tiêu biểu nhất .
          -“Mình với ta tuy hai mà một,
          Ta với mình tuy một mà hai. »
          -« Mình về có nhớ ta chăng,
           Ta về ta nhớ hàm răng mình cười ».

          Tùy theo dụng ý của mình mà dùng, chữ TA chẳng hạn khi tự xưng tỏ vẻ phách lối kiêu căng, khi như bất cần đời, nói chung chung :
-       « Ta chứ ai, anh hùng há sợ chi ai. »
-        « Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
   Ta mặc ta mà ai mặc ai ».
-       « Ta đây cũng chẳng cần chi,
          Vào thì cũng được, ra thì cũng nên ».(Nhị độ mai)

Lúc tự xưng mình với người dưới mình :
          « Ta sinh ra trước ngươi sinh sau,
          Ta phận là anh ngươi phận em.
          Đáng lý ngọt bùi chung vị hưởng,
          Cớ sao xương thịt nở tan tành. »( Nguyễn Nhạc nói với Nguyễn Huệ)

hoặc thường thấy trong các tuồng hát bội để xưng danh tánh, ra lệnh, cho phép :
          « Ta miễn lễ, khanh hãy bình thân »

          Khi tự mình nói với mình :
-       « Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ »(Thế Lữ)   
-       « Ta mơ trong đời hay trong mộng,
              Vùng cúc bên ngoài đọng dưới sương” ( Lưu Trọng Lư).
        - “Một mảnh tình riêng ta với ta. » ( Bà Huyện Thanh Quan) 

Nếu Victor Hugo cũng đã muốn nói lên sự bình đẳng của con người trong câu:
           “ Insensé qui crois que je ne suis pas toi” (Chỉ có anh điên rồ mới tin tôi không phải là anh) để chứng minh rằng con người như nhau, anh như tôi, người Việt ta còn hơn thế nữa, hễ là con người thì ai cũng như ai, mọi người như nhau.

          Để cùng cười với nhau một chút và cũng để minh chứng câu nói trên bằng cách sử dụng sự trùng hợp của lối phiên âm Việt, chúng ta mới thấy rõ hơn tính cách đa năng đa dụng của tiếng ta.

  Thử phiên đọc tiếng Anh chữ ‘ I ‘ là ai, ‘Me ‘là mi, ta có
          ( I ) ai =  Mình
          (Me) mi = Mình.
 Suy theo phép tam đoạn luận, (syllogisme)
          Ai =Mi =Mình
Mà theo tiếng ta, ‘Mi’ là anh, chị,…ngôi thứ 2,
‘Ai’ có thể chỉ người khác, ngôi thứ 3, và chỉ ta, ngôi thứ 1:
            Để ai (ngôi thứ 1) trăng tủi ai (ngôi thứ 1)sầu vì ai’ (ngôi thứ 3). (Nguyễn Du)
Vậy Anh cũng là Tôi, Ta, Mình , Ai, Mi.

             Suy rộng hơn, tiếng Việt ta chứng minh mọi thành phần xã hội giai cấp đều bình đẳng và thật thân thiết lễ độ văn minh. Vì thế, với cách suy diễn trên, không nên hồ đồ chửi bừa thì dễ dàng sẽ bị “gậy đập lưng ông”. Ví dụ khi nói
-       Anh là người
-       Tôi là người
Vậy anh = tôi
          Nếu anh bảo tôi là …gì gì, hay anh nặng lời với tôi thế nào đi chăng nữa, anh cũng thế ấy thôi.
Thế chẳng phải là văn minh đó ư?

                Nhưng đến đây chúng ta cũng nên nói nhỏ và rõ cho nhau nghe, chắc các bạn cũng đồng ý là có lẽ không có dân tộc nào mà chửi hay vừa dai vừa dài, ngân nga có vần có điệu bộ, sâu sắc châm chọc cay độc, sinh động, thâm hiểm, tùy hứng tục thanh, tùy tình huống hoàn cành, giai cấp, trình độ, lôi cả dòng họ từ đường, nói bóng nói gió, rủa không tiếc lời, văng tục không giữ kẽ, sử dụng kể cả ca dao tục ngữ, điển tích, truyện thơ,…nói tóm lại khó có dân tộc nào có lối chửi quá ư là độc đáo như ta.

           Hơn thế nữa, ông cha ta sao mà có tinh thần trào phúng, tiếu lâm, thực tiễn, tế nhị, thâm trầm trong cách dùng chữ, nhất là để diễn tả tình cảm riêng tư, chuyện phòng the, cái thanh thay tục. Chữ ‘mình’ là bằng chứng sâu sắc nhất.

           Nói đến chữ ‘mình’ ước tiên ta liên tưởng ngay đến thân thể con người, căn bản gồm đầu mình và tay chân.

             Vợ chồng đều gọi nhau bằng mình, như thế tổ tiên ta như đã đoán trước hay đi tiên phong trong phong trào đòi giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền từ lâu rồi mà ngày nay nhiều nước có nền văn minh lâu đời trên thế giới vẫn còn dậm chân tại chỗ hay lùi lại thời kỳ nam trọng nữ khinh. Lại có những tập tục lạc hậu tàn bạo vô nhân ở vài nước Phi châu lên án tử hình những người đàn bà không chồng mà có con, hoặc cắt đi cơ quan kích thích sinh dục các em bé gái từ khi còn nhỏ (excision).

          Điểm đặc thù ở đây là sao không dùng chữ ‘đầu’ hay “ tay chân” mà ‘mình’. Trong ba phần của thân thể, ta thử phân tích xem phần nào quan trọng hơn.
‘ Đầu’ có thể ví như bộ chỉ huy trung ương.
 Phần giữa là mình tập trung tất cả cơ quan trọng yếu như càc bộ các ngành, thực thi bảo tồn phát triển cuộc sống chẳng những về thể xác mà còn tâm sinh lý nữa. Tim gan phèo phổi, ruột non ruột già, nói chung là bộ đồ lòng cọng thêm bộ phận sinh dục tạo thế nhân được bố trí đúng vị trí thích hợp cho guồng máy sinh hoạt của con người.

 Để cho máy chạy tất phải đổ xăng dầu, tiếp dẫn nguyên liệu, phải thay dầu thay nhớt hầu kéo dài tuổi thọ của chiếc xe. Hệ thống bộ máy người lại quá ư tinh vi hoàn hảo kết hợp hài hòa, không thể tách rời riêng biệt đươc Như khúc ruột bị cắt đi là ruột đứt rồi, có “đứt ruột” cố nối lại thì cũng khó mà như trước được.

 Vả lại đúng như câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, các bộ phận đều liên quan ảnh hưởng mật thiết với nhau..Gan ruột đau cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác, cả đầu cũng ngất ngư theo, khó tách rời. Điều nầy chứng tỏ rằng ‘mình’ quả là phần quan trọng hơn cả ‘đầu’. Trung ương không làm gì được nếu các cơ quan ban ngành ngừng hoạt động. Giả sử như có sự thất thoát, hối lộ lạm quyền đụt khoét của công ở các Bộ, như bệnh ung thư gậm nhấm phổi gan, không được ngăn chận kịp thời để bệnh ăn ruồng thì chết không kịp trở tay. Trung ương củng dễ dàng trở thành tàn phế suy tàn một khi nội tạng hoạt động loạn cào cào phi nguyên tắc vô kỷ luật.

          Ngoài ra cấu trúc thân thể là Đầu, Mình, Tay Chân cũng giống như một câu, một phương trình. Ba phần chính của một câu là chủ từ, động từ và túc từ tạm viết tắt là S,V,C ta có phương trình như sau
          Câu = S + V + C
          Nếu C= 0
          Ta có  Câu = S + V
Vậy rõ là túc từ C không bắt buộc phải có vì câu bây giờ là S+V vẫn còn đầy đủ ý nghĩa. Cũng ví như chân tay, có què cụt con người vẫn sống.

 Riêng S và V, hai phần đều cần thiết không thể thiếu được, bên tám lượng bên nửa cân, cả hai hợp lại mới thành tổng thể - Câu – hoàn chỉnh. Nhưng tại sao tổ tiên ta lại dùng chữ ‘mình’ mà không dùng chữ ‘đầu’, nghĩ cũng lạ.

          Suy diễn theo văn phạm, khi động từ V được chia ở thể mệnh lệnh cách (Mode Impératif), tất nhiên chủ từ S ở dưới dạng ẩn thể (sous entendu), và đúng rồi, trong trường hợp nầy một mình động từ V vẫn “ thành cú”, là một câu hẳn hoi, đặc biệt hơn nữa còn có thể kèm túc từ C theo. Vậy trong phương trình
                                      Câu= S+V
       Nếu  S = O, ta có :  Câu = V
                         Hoặc trong Câu =S+V+C
      Khi S = O, ta có : Câu = V+C  

Ví dụ : Cút!
            Cút nhanh !
trường hợp nầy áp dụng trong tiếng Pháp ta thấy rõ hơn:
          Écoute = V,
Sois gentil = V+C.
Mange ta soupe.

Cũng nên xin lưu ý vì tiếng Việt ta đơn âm, nên khi phát âm câu ngắn ta thường kèm theo một hoặc vài chữ khác như trong khi sai bảo, ra một mệnh lệnh nào, thay vì nói bằng một chữ thì ta có thể thêm trước tiếng động từ chữ ‘ hãy ‘ :
          Hãy đi.
Hoặc thêm sau động từ ‘đi ‘ :
          Đi đi.
Hay cả hai trường hợp trên :     
          Hãy đi đi.
          Hãy nếm một chút đi.
để tăng giảm cường độ lời nói.



          Con ốc ma

Thử hình dung con rùa, con ốc ma chẳng hạn, có khi bạn chỉ thấy cái mai rùa, cái vỏ ốc, lúc bấy giờ đầu rùa ốc rút thụt vào trong, ở thể ẩn, ta chỉ còn có phần mình thôi, ốc rùa vẫn sống.


                                   Một chú Rùa đang ngủ

Hay nói theo truyện Tàu ngày xưa, hay những phim kinh dị ngày nay, thăng thiên độn thổ hô giáng hô thâu biến hóa thần thông thì đầu dù có bị chặt vẫn có thể mọc lại, chứ còn mình đứt lìa rồi là “đi đời nhà ma” luôn. Nói tóm lại, chữ ‘mình’ trong câu có phần trội hơn chữ « đầu » rồi.

Hơn thế nữa, chữ “mình” không những chỉ được dùng trong việc gọi nhau giữa vợ chồng, mà còn được sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc đối thoại với những người cùng trang lứa, cùng giai cấp, thay vì xưng “ tôi” thì xưng là “mình” nghe có vẻ thân tình ít khách sáo hơn.

Người phát biểu xưng ‘mình’ mà người đối thoại trả lời cũng xưng lại là ‘mình’:

-       Lâu rồi mình không có tin chị, nay gặp được, mình mừng quá.
-       Mình cũng vậy.

Một thí dụ khác, nói với nhiều người: “ Mình nói như vậy, các bạn muốn hiểu mình thế nào thì hiểu.”

          Vậy với một âm ngắn gọn, thế mà thật khó có tiếng ngoại nào dịch nổi rõ hoàn toàn hết ý chữ ‘mình’ của chữ mình.

          Trong cuộc sống, ‘mình’ tiêu biểu cái gì vừa riêng tư vừa cọng hưởng, vừa chủ quan vừa khách quan, vừa thân mật vừa ngăn cách, vừa hai mà một, một mà hai, vừa chung vừa riêng, vừa thực dụng vừa mơ mộng, vừa cụ thể vừa gợi bao ý tình hình.

               Tổ tiên ta thật thâm thúy sâu sắc chẳng những trong việc lưu truyền cho con cháu đời sau tinh thần tự chủ tự lập tự do trong tinh thần đoàn kết, bình đẳng tôn trọng lẩn nhau mà còn gây niềm tự hào về tiếng mẹ. Hy vọng rằng chúng ta luôn cố gắng bảo tồn duy trì và phát huy gia sản văn hóa văn minh truyền thống ngày càng tốt đẹp hơn vì “tiếng có còn thì nước mới còn”, dân trí có cao thì tổ quốc mới phồn vinh.!

                                                 Cô  Trần Thành Mỹ







         























 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual