Kỷ niệm một thời nội trú ở trường Nữ Trung học
xưa nhất miền Nam Việt nam
Kết quả cuộc thi tuyển vào lớp một Trung học
đệ nhất cấp vừa được niêm yết là phụ huynh học sinh ở 21 tỉnh miền Nam bấy giờ
vội vã nộp đơn xin cho con vào nội trú. Thời kỳ nầy, quan niệm ‘nam nữ thụ thụ
bất thân’, tên còn nam Văn, nữ Thị, huống hồ trường đào tạo những mầm non trí
thức khoa bảng tất phải phân định rõ ràng theo truyền thống nước nhà. Trường
Việt dành riêng cho nữ sinh miền Nam nổi tiếng nhất dưới thời kỳ Pháp thuộc nầy
là ‘Collège Gialong’ dạy từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, trước kia còn gọi nôm
na là trường Áo tím.
Nhớ lại những năm củi quế gạo châu, thời Nhật
chiếm đóng, Nhật thiếu chất đốt dùng lúa thay dầu, than đước, cưởng bức dân ta
trồng bông vải thay bắp khoai. Miền Bắc trên một triệu người chết đói, ngay cả
ở ‘’vựa lúa’’miền Nam, dân nghèo phải dùng bao bố tời che thân.
Niên học nầy, có lẻ ảnh hưởng sâu
đậm của hậu thế chiến thứ hai thắt lưng buộc bụng, đồng phục học sinh không là
áo dài mà áo ngắn, áo bà ba trắng, quần dài có thể trắng hoặc đen.
Cô Émilie Võ Thành dạy Địa
niên khóa 1948-49
Hiệu trưởng là bà Dubois, vị Hiệu
trưởng Pháp cuối cùng của trường. Giám thị hầu hết là Việt như cô ba Trí, cô ba
Liểu, cô tư Hạnh, cô năm Hoằng, v;v, và độc nhất một cô Pháp chính cống hiền hậu
mà học sinh gọi là ‘cô ba Chệt’nói tiếng Việt trôi chảy. Đây là trường công lập, trúng tuyển vào học
miển phí hoăc được cấp học bổng nên cuộc thi tuyển thật khó khăn.
Các tỉnh
miền Nam thời trước đâu có nhiều trung học như ngày nay, ngay cả trường dành
riêng cho nam sinh cũng ít, huống hồ cho các cô gái. Ông bà ta quan niệm phái
yếu ‘khuê môn bất xuất’, không thích cho con gái học cao, có lẻ vì phải đi xa,
bất trắc khó lường, không kiểm soát bảo vệ được nên thường lập luận ‘‘con gái
biết chút ít chữ nghỉa là đủ rồi, học nhiều mà làm chi,...chỉ để viết thư cho trai
cho mèo, nguy hiểm lắm’’. Óc ‘tang bồng hồ thỉ’ xuôi ngược dọc ngang, đi học
‘’dài lưng tốn vải ăn no lại nằm’’ thường dành riêng cho nam nhi chi chí. Thời
điểm nầy, dù có cởi mở chút ít rồi, nhưng vẫn còn hạn chế, không phải thành
phần xã hội nào cũng đủ tài chánh để lo cho con cái đuợc.
Mừng là
còn được tiếp tục học nhưng nghĩ phải xa nhà,
tôi cảm thấy vừa lo âu, nôn nả, luyến tiếc vì lần đầu tiên rời gia đình,
bạn bè quen thuộc. Nhìn mẹ bận rộn sắm sửa theo chỉ dẫn qui định của trường,
năm bộ đồng phục, mền mùng chiếu gối, giày guốc,... tất cả đều mang số (tôi 36,
Vỏ thị Mầu 35, Nguyễn thị Hạnh 34), tôi lửng thửng ra hành lang nằm chèo queo
trên vỏng chẳng buồn đưa. Nhìn ra vườn, cây sơ ri đơm bông tím nhỏ lốm đốm vài
chùm trái đỏ vàng xanh, cây táo sum suê, mỗi lần gió thổi lá vàng bay rơi rơi
cùng bao quả rụng. Trước đây, không bao giờ tôi bỏ lỡ cơ hội nầy đâu, thế nào
cũng vội chạy ra lượm nhanh trái táo chua chua dòn rụm, chùi sơ sơ vào áo, rồi nhanh như cắt chạy tìm đĩa mắm tôm chà mẹ
phơi nắng trên nắp lu nước mưa ngoài trời, quệt lén một chút, ngon ơi là
ngon !
Trường Nữ Trung học Gia long
Đêm đầu tiên nhập nội trú, tôi nhớ nhà quá khóc
rưng rức làm cô tư Hạnh giám thị đến hỏi thăm :
’’ Bịnh hả ? Có chuyện gì vậy ?’’.
Sợ quá
mếu máo trả lời :
’’Em nhớ má em quá cô ơi.’’
Cả ‘dortoir D’ cười rộ và từ đó tôi nổi
danh’’mít ướt’.
Phòng ngủ nội trú – Dortoir
Về y phục, má tôi cẫn thận chuẩn bị trước thời
kỳ ‘trổ mả’ của con gái nên mẹ tôi may ba bộ thật vừa vặn, hai bộ phòng hờ. Đến
đây quả là ‘’mưu sự tại nhân thành sự tại’’... nhân viên. Vì sau khi giặt ủi
xong, phân phối lại, có khi cũng bộ đồ nhưng quần nầy áo nọ. Có lần tôi mặc
phải áo ‘tương lai’ của tôi rộng thùng thình, dài gần tới đầu gối, tay dài như
‘trò lể’ xăng lên hai cuộn vẫn còn dài cùng với chiếc quần cao khõi mắt cá. Ngược lại, đôi khi quần quá
dài, may là bấy giờ còn dùng giây lưng vải nên lắm lúc không tài nào xắn ống
cao được nữa, đành phải kéo lên đến nách buột thắt nút dễ dàng.
Trên
50 năm , tôi vẫn còn nhớ hai chị nằm cạnh, chị Bùi thi Tuyết Mai, em gái Bùi
thị Tuyết Hồng (Cần thơ) cùng lớp và Huỳnh thị Ngà (Bến tre), Ngoài ra còn có
các chị Trần thị Kim Tiếng, Nguyễn thị Chính (Vĩnh long). Trần Mỹ Dung (Gò dầu
hạ, Tây ninh), Nguyễn thị Bạch Hồng (Cần giuộc), chị Đông Ba ( Huế ), chị
Khương (Vĩnh long)... Niên khóa nầy còn có Quách Thanh Tâm (Tây ninh), Nguyễn
thị Hạnh (Gò công), Phạm ngọc Diệp (Vĩnh long), Khưu thị Ngọc Sang (Bạc Liêu),
Nguyễn thị Yến (Bình Chánh), Vỏ thị Mầu(Gò công), Đoàn Nguyệt Thu (Mỹ Tho )...
Kỷ luật lúc bấy giờ khá khắt khe, học sinh
thường cho là độc đoán, bất công. Sợ trực tiếp là các giám thị, đại diện quyền
uy, phạt nhiều thưởng ít, nhất là phê hạnh kiểm, ‘consigne’, chúa nhật không
cho phép giám hộ rước ra. Tuyệt đối cấm không được mở cửa sổ lầu quay ra phía
đường Legrand De La Liraye, người đi rước không thể là cậu trai trẻ đại diện.
Mỗi chiều, 17giờ có bán bánh mì ‘baguette’, ai mua trước thì còn, chậm chân thì
hết, nhịn chờ cơm tối. Sau đó là phát thơ. Tin nhà thì nhận được, chứ tin
khác thì khó qua lọt sự kiểm duyệt gắt gao của văn phòng.
Có
sống chung nhau, cá tính mới dễ lộ rõ, tốt có xấu có. Câu ‘’nhất quỉ nhì ma thứ
ba học trò’’được thể hiện qua hỗn danh gán ghép ‘vô tội vạ’ vào khuyết tật của
cô nào ít được lòng học sinh như cô ba Lép, cô ba Chệt’. Thật sự, trên đời,
không ai hoàn toàn cả, thế mà phê phán chê bai, dù biết rằng vô căn cứ đi chăng
nữa, vẫn có người thích nghe, phổ biến.
Niên
học nầy còn đánh dấu nhiều biến chuyển quan trọng. Lần đầu tiên, nữ sinh nội trú đã làm reo, tuyệt thực, khóa
phòng ngủ, nhốt giám thị, đả đảo Ban Giám đốc, mặc tình cho bà Dubois Hiệu
trưởng đến từng nơi kêu gọi mở cửa, vô hiệu. Cũng năm nầy, leo rào cổng chính
đi biểu tình đến tận dinh Phó Thủ tướng Trần văn Hữu đường Gia long, bị giải
tán bằng ma-trắc dùi cui, lựu đạn cay chạy rã hàng đến chợ Saigon. Hậu quả trường bị đóng cửa,
học sinh nghỉ học.Tiếp đến là Phong trào Sinh viên, Học sinh vùng lên, rồi cái
chết của anh Trần văn Ơn với đám táng đông đảo nhất qui tụ mọi thành phần dân
chúng làm chính quyền lung lay. Từ đấy, mấy năm liên tiếp, không còn nội trú vì
đãy là nơi tập trung lực lượng trẻ trí thức miền Nam dễ gây bạo động chống
chính phủ, chế độ.
Dinh Gia long
‘Đèn
nhà ai nấy sáng’, trường ai nấy bảo vệ uy danh. Thế nên, trong những lần rảnh
rang tán gẫu, nhiều ý kiến bàn về tên trường Gialong. Đây là Nữ Trung học, hơn
thế nữa, trong quá trình lịch sử ta đâu thiếu anh thư, mẫu nghi, thi sĩ, thế mà
miền Nam có Gialong, miền Trung có Đồng Khánh ! ! !
Nhớ thời kỳ ‘’tù có số’’ thích nhìn những cây mít trong sân, thèm thuồng
mong đợi’’dái mít’’ lố nhố đầy cành, rồi đến quả tòn teng bám thân cành nồng
thơm nặng trĩu.
Cây mít ở trường Gia long
Làm sao quên được hàng cây cao rợp lá dọc hai bên đường chính như hàng
rào danh dự. Ngày chúa nhật, vào trưa vắng học sinh, chờ chị phụ bếp đi về
đội một vừng cơm cháy chảo vàng khếu,
thoa muối mở hành như chiếc nón bài thơ trở ngược, nữ sinh bao quanh ‘xin’
miếng ngon dòn. Ai mua được, chia bạn bè người một tí, ‘’của ít lòng nhiều’’,
bầu bạn xẻ chia. Có lần mẹ gởi mạch nha lên, dù không có bánh phồng, tay thắm
nước, rao ‘kẹo kéo đây ’vừa mềm vừa ngọt. ‘’Sống lâu hơn ở sạch’’, mút tay cho
thật kỹ, nước miếng cũng là thứ sát trùng thôi.
Lưu bút phai màu, album sờn bìa được lần giở
lại, gương mặt ngày xưa sao mà lạ hoắc, dễ thương. Có những bức ảnh buồn cười
mình từng chê dấu kỷ, nay nhìn lại sao mà nhắc gợi mình bao kỷ niệm khó quên.
Chữ viết gò nắn nót lồng trong khung trang trí trình bày bằng nét vẽ tim hoa
cành lá, mỗi người mỗi vẻ diễn tả ý tình riêng.
Sâu đậm nhất là thời kỳ nội trú, sống cạnh nhau, chia xẻ lo sợ vui buồn,
rèn luyện như thép được tôi ròng.
Bây giờ, con đàn cháu đống, tóc bạc da nhăn
hay còn son giá, dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, lâu lâu, phim kỷ niệm bất
chợt chớp hình phóng ảnh bồng bềnh, chuỗi ngày nội trú vẫn là khoảng thời gian
trui luyện, tập tành công hiệu nhất của một thời hoa tươi trẻ hồn nhiên.
Cô Trần Thành Mỹ