CA DAO VỀ TÌNH MẪU TỬ

 

                                   


 

Ca dao  đề cập về tình phụ mẫu và đạo hiếu là giềng mối, là căn bản đạo lý của con người. Đạo lý của người Việt, nói chung và người miền Nam nói riêng thật đậm nét, chi phối trong tình cảm thâm sâu, bàng bạc tỏa khắp mọi nơi, lảng đảng qua từng nét sinh hoạt. Chỉ riêng trong tình yêu nam nữ, ta có thể ghi ra hàng nhiều trăm câu, vừa nói lên tình yêu nam nữ lồng trong đạo hiếu. Rất tiếc ngày nay còn được mấy mươi ngay tại trong nước, và nhứt là tại hải ngoại.  Người ta thật khó chấp nhận, tại hải ngoại, đặc biệt tại Hoà Kỳ,dường như trong chương trình giáo dục phổ thông, đạo hiếu rất ít được đề cập, trong khi những “tính tốt” khác lại được đề cập khá nhiều.Trở lại về đạo hiếu, có thể nói hàng ngàn câu ca dao, từ muôn đời đã được  rất nhiều tác giả đã trình bày, phân tích thế nào là đạo hiếu, kèm theo những câu ca dao . . . Đạo hiếu là vô cùng quan trong,vì:

                            Con người có tổ có tông

                            Như cây có cội, như sông có nguồn

phận làm con phải biết công ơn sinh thành, bởi vì có cha mẹ tổ tông mới có mình

                            Trứng rồng lại nở ra rồng

                            Hạt thông lại nở cây thông rườm rà

                            Có cha sinh mới ra ta

                            Làm nên thì bởi mẹ cha vun trồng

                            Khôn ngoan nhờ “ấm” cha ông,

                            Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ

                            Đạo làm con chớ hủng hờ

                            Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.

và như câu dưới đây:              

                            Nuôi con khó nhọc đến giờ

                            Trưởng thành con phải biết thờ hai thân

                            Thức khuya dậy sớm cho cần

                            Quạt nồng ấm lạnh giử phần đạo con

. . .cùng nhiều câu khác nữa.

Trong từng câu ca dao, tình mẫu tử và đạo hiếu hoà quyện nhau như bóng với hình , khởi đi từ chốn đồng quê là chính. Tại quê nhà Việt Nam, nhứt là trong vùng quê, làng xóm miền Nam, từ xa xưa luôn văng vẳng đâu đó tiếng hát ru con ầu ơ. . .

                            Ầu ơ. .  . ví dầu cầu ván đóng đinh

                            Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

                            Khó đi mẹ dắt con đi

                            Con thi trường học, mẹ thi trường đời

                            Trường đời vời vợi con ơi,

                            Mẹ thi gần hết cuộc đời chưa xong

                            Phần con phải ráng hết lòng,

                            Học hành chăm chỉ mới mong nên người.

         Tiếng hát ru con từ lúc nằm nôi, khi con còn là một hài nhi bé bỏng,

                            Từ khi con mới nằm nôi

                            Mãi luôn nghe rõ những lời mẹ ru

                            Con nào có hiểu gì đâu

                            Nhưng lòng cảm nhận rạt rào yêu thương

 Thường thì con cái không cảm nhận được công lao mẹ cha, vì lúc đó còn nhỏ, lớn lên có gia đình sanh con rồi mới thấy, bởi vậy ca dao có câu:

                            - Lên non mới biết non cao

                            Nuôi con mới biết công lao mẫu từ

Công lao cha mẹ thật không sao kể xiết:

                            Ba năm bú mớm con thơ

                            Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào

                            Dạy rằng chín chữ cù lao

                            Bể sâu không ví, trời cao không bì.

           hoặc như:

                            -Nuôi con cho được vuông tròn

                            Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối long

                            Con ơi cho trọn hiếu trung

                            Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy.

Công lao cha và nhứt là mẹ với những hình ảnh bán buôn cực nhọc, tảo tần như sau đây :       

                   - Nuôi con buôn tảo bán tần

                   Chỉ mong con lớn nên thân với đời

                   Những khi trái gió trở trời

                   Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.

                   Trọn đời vất vả triền miên

                   Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con.

 

 


Vai của mẹ nặng hoằng đôi gánh

Tháng ngày qua luôn trĩu nặng bờ vai

 

 

Người mẹ nào cũng vô cùng cảm xúc, từ khi biết đươc dấu hiệu của sự hình thành, tượng hình từ trong trứng nước. Theo kinh nghiệm xưa ông bà để lại, người sẽ được làm mẹ khi tự thấy mình “hôi cơm tanh cá”, hay tự nhiên thấy “thèm đồ chua”. . là hiện tượng “cấn thai”, và từ đó người mẹ “cưu mang trứng nước”:

                  

- Công cha đức mẹ cao dày,

                   Cưu mang trứng nước, những ngày ngây thơ

                   Nuôi con khó nhọc đến giờ

                   Trưởng thành con mới biết thờ song thân.

Nói về công lao cha mẹ, còn biết bao hình ảnh được nêu lên so sánh, như: núi và biển. . .

                   -Ơn cha lành cao như núi Thái

                    Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi.

                    Dù cho dâng trọn một đời

                   Cũng không trả hết ân người sanh ta.

hoặc như lá rừng hay mấy từng trời cao:

                   -Đố ai đếm được lá rừng

                   Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

                   Đố ai đếm những vì sao

                   Đố ai đếm được công lao mẫu từ.

 

 


Tình mẫu tử thật vô cùng thiêng liêng.

Bầu sửa mẹ luôn luôn đẹp không bút nào tả xiết

 

Dòng sửa me, ôi ngọt ngào yêu thương. . . Thật đáng buồn thay, quê nhà Việt Nam đã phải trải qua bao mùa binh lửa, bởi những thế lực tàn độc,mang chiến tranh vào quê hương thân yêu.Và trong cuộc chiến bao đứa con yêu của mẹ Âu Cơ đã nằm xuống, con của mẹ là những chiến sĩ của cả 2 miền,cùng những thường dân vô tội. Thật đau đớn không gì bằng, nhứt là như người mẹ sau đây, đã nằm xuống, dòng máu đã khô cạn, và dĩ nhiên chẳng còn giọt sửa nào. Ôi đau đớn thay đứa bé thơ nào đâu biết.Hình ảnh dưới đây người ta tìm thấy trong bộ ảnh về chiến tranh Việt Nam,Hãy can đảm nhìn một lần, sẽ mãi căm hận những kẻ đã gây nên cảnh tang tốc như thế nầy.

 

                     


Hình một bà mẹ đã qua đời, bên cạnh dứa con khát sửa

vẫn thản nhiên nút lấy nút để,nhưng trời ơi !!!

         Trờì ơi,tôi đã chết rồi

         Đâu còn dòng sửa,con tôi đang cần

         Trời xanh, ôi hỡi trời xanh !

 

Về phía người con, hiêu thảo là đức tính hàng đầu của con đối với mẹ cha.Hiếu thảo  là luôn nhớ công lao dưỡng dục, khi lớn lên phải biết nhớ thương cha mẹ khi xa cách không ai chăm sóc:

                            -Gió đưa cây cửu lý hương

                            Giờ xa cha mẹ thất thường bữa ăn

                            Sầu riêng bửa chẳng muốn ăn

                            Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.

         Hiêu thảo còn là phải biết lo phụng dưỡng mẹ cha, không được bỏ đi xa .Nhân đây,  ta nhớ lại câu ngạn ngữ chữ Hán Việt  như sau : « phụ mẫu tại,bất khả viễn du »(cha mẹ còn sanh tiền, không thể đi xa). Câu ca dao của mình thi mộc mạc, bình dị, dễ đọc dễ nghe và dễ hiểu :

                   -Đi đâu mà bỏ mẹ già

                   Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng

                   Liệu mà thờ kính mẹ già

                   Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cuời.

Thêm nữa, hiếu thảo là biết nghe lời, lo học hành thành đạt:

                   -Con ơi muốn nên thân người

                   Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

 và hai câu ca dao mà hầu như ai cũng thuộc nằm lòng, đó là:

                   Cá không ăn muối cá ươn,

                   Con cải cha mẹ trăm đưòng con hư

Nhân nhắc hai câu nầy, ta không khỏi “luận đàm” đôi điều.  Ngày nay, có biết bao nhiêu kỷ thuật để giữ cho cá không bị ươn; hơn thế ướp muốí lỡ mặn quá, ăn vào bị cao máu .Vì vậy, ngày nay ít ai ướp cá bằng muối, và con cáí theo  “khoa học hiện đại”, cũng chẳng còn biết ý nghĩa câu nầy.Càng đau lòng, người ta đoan chắc rằng, con số thanh niên ngày nay còn “nghe nói” câu nầy, chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.Buồn!!!

Và tiếp theo đây là vấn đề quan trọng. Trai gái lớn lên, khi “con tim đã biết rung động”, phải rắc rối dường nào. Làm con luôn đặt cha mẹ lên hàng đầu, khi lớn lên lập gia đình, cũng phải nhớ giữ gìn giềng mối. Làm con không thể tự định đoạt chuyện hôn nhân, vì “áo mặc sao qua khỏi đầu”.Thời xưa, con cái phải biết giữ đạo  “hiếu”,trong chuyện hôn nhân luôn phải theo sự xấp xếp định đoạt của mẹ cha:

                   -Phụ mẫu sở sanh, để cho phụ mẫu định

                   Trong việc vợ chồng chờ lịnh mẹ cha.

Chuyện chi thì cũng từ từ.Ngày xưa là vậy,nhưng nay thì chắc khác đi nhiều.Ngày xưa,nam nữ thọ thọ bất thân, vậy nên:

                   -Anh thương em đừng vội nắm tay

                   Anh về cậy mối cậy mai tời nhà

                   Mai đây ta ở cùng ta

                   Thức khuya dậy sớm cha mẹ già nuôi chung.

 

Đời nhiều “cạm bẩy”, thế gian không thiếu những tay sở khanh, con gái không nghe lời cha mẹ, lỡ dại “có mang ngoài ý muốn”, bởi vậy có câu nhắc nhở:

                   -Chớ nghe quân tử ỉ òn

                   Mà rồi có lúc ẳm con một mình.

Cha mẹ chỉ có một, vợ chồng không thiếu gì nơi, đúng như câu ca dao sau đây:

                   -Mất mẹ cha thật là khó kiếm

                   Đạo vợ chồng không hiếm chi nơi

         Nếu phải chọn bên hiếu bên tình, thì luôn luôn, phải chọn bên hiếu

                            -Chẳng lo thân bậu với qua,

                             Lo chút mẹ già, đầu bạc tuổi cao.

                  hay :

                            Em ngầm ở vậy phòng không

                            Lo đàng cha mẹ cho hết lòng phận con.

Có những trường hợp, vì chữ hiếu, đành tạm quên chữ tình :

                            Anh về báo nghĩa sinh thành

                            Chừng nào bóng xế rủ mành sẽ hay

hay như phải đợi đến trăng khuyết :

                             Ở nuôi cha mẹ trọn niềm

                            Bao giờ trăng khuyết lưỡi liềm sẽ hay

         Có lẽ câu nầy viết cho có vần điệu, chớ « trăng khuyết lưỡi liềm » có bao lâu, tối đa một tháng là cùng,hoặc như phải chờ đôi năm cũng có thể được :

                            -Tay bưng dĩa muối, tay bợ sàng rau

                            Thủy chung như nhứt, mặc sức anh chờ

                            Anh có thương em thì xin ráng đợi

                            Em nguyền ở vậy để phụ mẫu nhờ đôi năm.

`không như cái cô nầy lại nhứt quyết :

                            -Em nguyền ở vậy không chồng

                            Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con.

 Vì hiếu tình khó phân, đang yêu thật phải vô cùng bối rối, gặp nhau phải khéo léo lựa lời :

                            -Mình về ta chẳng cho về

                            Ta nắm vạt áo, ta đề bài thơ

                            Câu thơ ba chữ đành rành

                            Chữ trung, chữ hiếu chữ tình là ba

                            Chữ trung thì để phần cha

                            Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình

May mắn cho những ai gặp trường hợp tình hiếu cân phân thì thật đáng mừng, khi mà :

                   -Làm sao hiệp mặt đôi ta

                   Đặng tôi báo hiếu mẹ cha bên mình

và như

                   -Mẹ già hai đứa nuôi chung

                   Đứa lo cơm cháo đứa giùm thuốc thang.

Thời xưa, đa số dân quê mình sống bằng nghề nông, hạnh phúc thay khi vợ chồng cùng lo:

                   -Em thời đi cấy lấy công

                   Anh đi cắt lúa để chung môt nhà

                   Đem về phụng dưõng mẹ cha

                   Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền

hoặc như:

-Cò đi làm mướn nuôi ai,

                             Để áo cò rách, để vai cò mòn

                             Thiếp làm thiếp để nuôi con

                             Áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai

Bao đời, giọt nước mưa luôn chảy từ mái nhà xuống, tình mẫu tử thiêng liêng vô cùng,và hầu như là tự nhiên.Có lẽ hai câu ca dao sau đây muôn đời vẫn đúng:

                            Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng

                            Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Người mẹ luôn sống vì con, buôn tảo bán tần, ngay khi cả lưng mòn gối lảng,như hình ảnh bà mẹ dưới đây:                   

                                                   Đôi gánh của mẹ

 


Trong chuyện vợ chồng, hiếu tình gánh nặng hai vai. Phúc cho những cặp vợ chồng cùng thương nhau cùng lo cho cha mẹ đôi bên:

                  

                            -Em thời đi cấy lấy công,

                            Anh đi cắt lúa ở chung một nhà,

                   Đem về phụng dưỡng mẹ cha.

                   Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền

                   Không xuống lên mình nói bạc tình

                   Xuống lên cha mẹ đánh mình thấy không.

 

                  

-Mẹ già đầu bạc như tơ

                   Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.

 

                   - Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi

                    Ngó không thấy mẹ, ngậm ngùi nhớ thương.

 

-Mẹ già như chuối chín cây

                   Sao đây chẳng liệu cho đây liệu cùng.

                   Khế với sung,khế chua sung chát

                   Mật với gừng mật ngọt gừng cay.

 

                   Đêm khuya nước mắt ròng ròng

                   Vì em nhớ chữ loan phòng còn xa

                   Làm sao vầy hợp đôi ta

                   Đề mà toan liệu cha mẹ già lo chung.

 

                   Đơm đớm bò vành chậu sáng trưng

                   Thấy em có nghiã,lòng ưng đã đành

                   Anh đành cha mẹ không đành

                   Mẹ ơi đừng dứt duyên lành, tội con.

 

                   Khăn xanh có mí hai đầu

                   Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên

                   Trời sanh làm phận nữ nhi

                   Giữ sao cho khỏi tiếng thị phi chê cưòi.

 


Mẹ già nay đã lưng còng

Mãi luôn triũ năng tấm lòng thương con

 

 

Thời xưa, không biết vì sao có trường hợp giữa mẹ chồng và nàng dâu xảy ra chuyện xích mích, mà người chồng đứng giữa phải « chịu trận ». May mắn gặp trường hợp mẹ hiền dâu thảo, cô con dâu sẽ nũng nụi « rót mật vào tai » chồng :

                            Phải đâu mẹ của riêng anh

                            Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

                            Mẹ tuy không đẻ không nuôi

                            Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

và cũng muốn dành luôn ,vì trong tình yêu là luôn pha lẩn sự « chiếm hữu » ,nhứt là đối với phái nữ :

                            -Chắt chiu từ những ngày xưa

                            Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

Trong đạo hiếu, ngoài chuyện nhớ công ơn, còn phải cầu nguyện cha mẹ được sống lâu :

                            -Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời

                             Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

                            -Trải bao gian khổ không sờn,

                             Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền.

         Tuy nhiên ,thường thì khi còn bé,như đã nói ít khi cảm nhận,chỉ khi lớn lên

                            -Ngày nào em bé cỏn con

                            Bây giờ em đã lớn khôn thế nầy,

                            Cơm cha áo mẹ công thầy,

                            Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao.

         Làm con phải giữ đạo hiếu,mà cũng là làm gương cho con cháu về sau:

-                            -Nếu mình hiếu với mẹ cha,

                            Chắc con cũng hiếu với ta chớ gì,

                            Nếu mình ăn ở vô nghì

                            Đừng mong con hiếu làm gì uổng công

Hình bóng mẹ cha thật vô cùng vĩ đại, thiêng liêng. Sau đây là một số những câu nói về sự vĩ đại ấy:

                   Con dù lớn vẫn chỉ là con sông nhỏ

                   Mẹ tuy già luôn là biển cả mênh mông

hay như khi mình đã lớn khôn, nhưng với mẹ vẫn mãi là đứa con ngoan, lòng luôn nhớ về mẹ cha:

                   Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ

                   Suốt cả đời hình bóng mẹ vẫn bên con.

Thật thế, người con dù lớn tuổi đến bạc đầu, thì mẹ vẫn là mẹ như ngày nào, không ai thay thế được:

                   Dù thời gian rắt đầu con nhiều muối trắng

                   Nhưng với mẹ hiền con mãi là đứa con thơ.

Và dù quê mùa hay dốt nát không bằng con, nhưng hình ảnh vẫn là ánh sáng dẩn đường con đi:

Mẹ già một nắng hai sương

                   Mẹ là ánh sáng dẩn đường con đi

Cha mẹ ,như đã nói mãi một đời vì con, mãi vì con đến phút cuối đời

                   Cha một đời hoằng vai gánh nặng

                   Mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân

Và như một quy luật, công ơn mẹ thường cũng được đền đáp. Trong khi tìm tòi, ghi ghi chép chép, người ta cũng tìm thấy những hình ảnh quá tuyệt vời, như dưới đây:

Hình một đứa con “lão ông” đút cơm cho mẹ.

 


(Cụ con đã vào tuổi lão niên đút từng muổng cơm cho bà mẹ già 90 tuổi.Xem hình ta thấy răng cụ con và bà mẹ cùng đã rụng cả rồi.Theo vài câu chuyện, cụ con phải chạy vòng vòng làm xe lửa cho mẹ vui cưòi và ăn ngon miệng. Cụ con phải lo đút cơm cho mẹ xong rồi mới đi “làm vài chai” cùng ngưòi bạn già..(hình ảnh nầy  trích lại từ trang ‘hoang dieu âu châu”)

 

Trong thơ văn , hình ảnh người cha thường chịu số phận hẩm hui, ít được nhắc đến, ít nhưng không phải không có,như những câu sau đây:

                   -Cha tôi như bóng cây cao

                   Chở che con khỏi lao đao cuộc đời

                   Cha là bóng mát giữa trời

                   Cha là điểm tựa muôn đời cho con

hay như:

                   -Cha là bóng cả ngả che con

                   Là cả tình thương chẳng xoái mòn

                   Là cả cuộc đời vô biên quá

                   Ơn nghĩa tình cha như nước non

hoặc như hình ảnh, ví cha như ngọn hải đăng:

                   -Cha già như ngọn hải đăng

                   Đêm đen, dẩn lối chỉ đàng con đi.

Sau nầy lớn lên, vì hoàn cảnh phải xa mẹ xa cha, như khi phải :        

                   -Nửa đời lưu lạc tha phương

                   Hình bóng quê mẹ mãi luôn trong lòng.

Mẹ là người sinh ra ta, mẹ cũng là hình ảnh quê hương, như trong câu ca dao sau đây:

                   -Mẹ là nguồn suối yêu thương

                   Mẹ là hình ảnh quê hương xa vời.

Sau nầy, vì hoàn cảnh mà biết bao trường hợp chia ly ngoài ý muốn. Những nghịch cảnh, người mẹ phải tiển con ra đi tìm “lẽ sống trong cái chết’. Có những trường hợp , đứa con thân yêu phải vùi mình dưới lòng đại dương, cũng có những trường hợp vượt thoát thành công,con được nên danh phận nơi xứ người,nhưng phải vò vỏ chờ mong, nơi quê nhà cha mẹ lại ra đi về miền miên viễn, ,để lại cho con những đau buồn không nguôi:

                   -Thương cha mẹ cả một đời khổ nhọc

                   Kể từ khi đàn con tuổi còn thơ

                   Ơn sinh thành chưa một giờ đền đáp

                   Giờ đây âm dương ngăn cách đôi bờ

Trên đây, có thể khở đầu là những vần thơ, được sưu tập,phổ biến,rồi qua dòng thời Gian lại sẽ thành ca dao. Đây cũng là những thoát thai vốn dĩ từ lâu.

Than ôi, đây là một tài liệu với đầy ắp những tâm tình chan chứa yêu thưong mà hàng muôn đời lưu truyền trong dân gian ngưòi Việt, nhưng ngưòi ta đành phải ghi ra đây một khúc quanh  đáng buồn và đáng xấu hổ vô cùng tận. Có lẽ nước Việt đã đến hồi mạt pháp rồi chăng,xã hội quá ư đổi thay, và đạo đức, tánh tình ,tình cảm của ngưòi Việt đã “xuống cấp” đến mức tồi tệ.  Đây không là một tài liệu về sự suy đồi xã hội, chỉ đề cập đến hình ảnh và tình thương của ngưòi mẹ.Thời xa xưa ấy, con gái rất sợ cảnh lấy chồng xa:

                   -Má ơi, đừng gả con xa

                   Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

và ngày nay thì cũng :

                   -Má ơi, đừng gả con xa

                   Gả con đi Mỹ, hay Ca na đa được rồi

Đi các xứ nầy thật may mắn hơn nhiều, ít ra không phải làm nô lệ tình dục, sống cảnh đời ô nhục buồn đau. Theo tài liệu ghi nhận, ngày nay khoản vài trăm ngàn cô gái phải “lấy chồng xa xứ”, mãi tận Đài Loan,Hàn Quốc,Trung Quốc. .  hay bao cô gái Việt Nam hàng đêm “đứng đường” tại các thành phố Tân Gia Ba,Mã Lai, Cam Bốt. . .với mảnh đời “vui ít buồn nhiều”. Theo một tài liệu mới nhứt (tháng 3/2018), cô dâu Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhứt, đến 70 % số cô dâu ngoại quốc tại xứ Đại Hàn.Ngày nay, tại quê nhà không ít trường hợp vì tiền mà các bậc cha mẹ sẵn sàng “gả con” cho người ngoại quốc, được nhà nước “hỗ trợ”:

                   -Con ơi, muốn có tiền xài

                   Má đành phải gả con ngoài xứ xa

                   Nước ngoài mới có đô la,

                   Gả con trong xóm để mà đói meo.

Lắm khi, cha mẹ phải nhẫn tâm làm chia lìa đôi lứa, cô gái đi lấy chồng, bỏ lại ngưòi con trai quê mùa, thất tình đi tìm “con sáo bay xa”

                   -Tìm em như thể tìm chim

                   Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Đông

                   Tìm chi cho phải mất công

                   Đài Loan, Hàn quốc em dông mất rồi.

         . . . . . . . .

 

 

Cuối cùng, để tạm ngưng phần  ca dao về cha mẹ, xin ghi ra hình ảnh người con  phải nhớ là:

                   Cha già là Phật Thích Ca

                   Mẹ già đích thị Phật Bà Quan Âm.

Ước mong đây là hai câu “nằm lòng”, trong giây phút nào đó, con em Việt Nam mình chợt  nhớ lại “đạo hiếu” ,vốn là một trong 14 điều Phật dạy.

 Kho tàng ca dao miền Nam thật vô cùng tận, Theo các vị tiền bối, tính ra khoản trên 15.000 câu và đặc biệt, qua thời gian càng sinh sôi nẩy nở thêm.Trong tài liệu nầy, cũng không muốn đề cập ,hoạ hoằn lắm mới xen vào một đôi câu. Đó là những câu ca dao “thời chống Mỹ nguỵ”, thật không phải ít. Chỉ tiêng tại miền Nam thôi, ngưòi ta tìm thấy hàng nhiều trăm câu, cũng mưọt mà chân quê lắm lắm

 

 

Tài liệu tham khảo:

-Ngươì Việt, Đất Việt: tác giả Cửu Long Giang,Toan Anh,Cơ sở Đại Nam (Hoa Kỳ)xuất bản,không thấy đề ngày.

-Đồng Bằng Sông Cửu Long-Văn Minh Miệt Vườn, tác giả Sơn Nam, nhà xuất bản Xuân Thu (in lại tại Hoa Kỳ).

-Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam ,tác giả Vũ ngọc Phan, nxb KHXH-VN, 1977.

-Toàn bộ Tập San Đồng Nai Cửu Long (từ số 1 đến số 13), do Lê văn Duyệt Foundation -Cali-USA phát hành đến năm 2012,trong đây gồm các bài đặc biệt: 

      -toàn bộ loạt bài “Ca Dao Miền Nam”của tác giả Phan Tấn Tài,

                       -những câu ca dao của tác giả Nguyễn Hữu Phước

                              -nhớ Sài gòn qua ca dao của tác giả Nguyễn Hữu Phước.

-Ca dao, tục ngữ Việt Nam (tòn bộ từ A đến Y)-www.saimonthidan.com .

-Bộ hành Cùng Ca dao,tác giả Lê Giang,nxb Trẻ/TPHCM năm 2004

-Ca Dao về Mẹ(www.maxreading.com ).

-Tục Ngữ Ca Dao, Dân Ca VN (các câu CDTN về công ơn cha mẹ) www.c10mt.com/2014 .

-Phiếm về C.D.T.N Miền Nam,tác giả Phan Giang Song,Tập san ĐNCL số 11/2009).

- Ca Dao Tục Ngữ Về Địa Danh- www.luongvancan.avcyber.com .

-Miền Nam và Ca Dao, tác giả Hoà Đa ( www.chimviet.free.fr.com/ quêhương

 

 

 

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual