THUNG LŨNG NHỚ

 

Bây giờ trời đã vào hè. Nắng lên như vầng hào quang trên cành cây kẻ lá linh động hóa sinh vật thiên nhiên. Hè mà, người ta đổ xô ra phơi nắng, hứng gió núi rừng biển cả, lặn hụp trong nước mát mà Tạo hóa đã ban. Khấm khá hơn, du lịch cho thoả chí bình sinh, phỉ tình non nước. Quê hương xa hơn nửa vòng trái đất, mình cũng chu du qua ba miền đất nước bằng nỗi nhớ đong đưa vời vợi, hình ảnh sâu lắng chập chờn nuối tiếc khôn nguôi.

 

          Vẫn biết nhớ nhung chỉ làm lòng người thêm ray rức nhưng đó cũng là tiềm lực thôi thúc bảo tồn. Chân muốn đi mà lòng vẫn ngại ngờ, bụng bảo dạ quên đi mà óc tim chẳng nở. Hầu dung hòa hai con đường ngược chiều quên quên nhớ nhớ ấy, nên nghiêng nhẹ sang Đông hay thử rẽ lối qua Tây, thẳng lên Bắc hay vượt ngược xuống Nam thăm thẳm, chỉ có Trời cao mới biết rõ ngách ngõ ngọn nguồn.

 

          Nhớ quả là thứ hương thơm gần thì nồng nặc làm ta choáng váng, ngộp thở, thẩn thờ. Thoang thoảng, xa xa, nhẹ nhàng, thắm thiết. Nhớ là kiểu tẩm quất massage đau đau mà giảm đở gây thần trí đê mê, óc tưởng tượng choàng vào hồn ta chiếc áo quàng kỷ niệm lắng sâu trong lớp bụi thời gian chồng chất.

 

          Có sợi nhớ tất có chỉ thương giây ghét tuy mỏng manh tinh vi mà bền chắc vô cùng. Sợi tình cảm nào cũng thật khó lường, tự biến hóa sinh sôi nẩy nở. Không khéo đưa óc tim ta vào mê hồn trận, tiến thối lưỡng nan trước bước đường cùng.

 

          Nhớ là một cách luyện tinh trí não, bộ óc con người kỳ diệu tuyệt vời. Âu cũng là lối làm vệ sinh kỳ cọ dũa mài phủi sơn đánh bóng, đánh thức gợi dậy cảm quan, phát giác kinh nghiệm hằn sâu trong tận cùng tâm não. Nhớ làm ta thức tỉnh giật mình, thao thức đăm chiêu, mộng mơ tiếc nuối, càng muốn quên hóa ra thêm nhớ.

 

          Nhớ chiếc diều con đang bay lượn trên nền trời vương vướng bóng mây, tùy cơn gió tung tăng lên xuống. Tự do thay chiếc diều vô tri ấy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã thoát khỏi sức hút của địa cầu, nhởn nhơ trước đôi mắt thán phục của thế nhân.



Thả diều

 

Nhớ như cơn gió mát trong nắng hè gay gắt thoảng qua trên bộ ván gõ còn đẩm mồ hôi, đu đưa chiếc võng kẽo kẹt văng vẳng tiếng à ơi ầu ơ ru con của mẹ. Kỳ diệu thay nỗi nhớ, đối với ta như bóng với hình, bóng khi khuất ẩn tan chỉ có hình xuất hiện. Thủ thỉ, thì thầm mở ngõ, kinh nghiệm tích lũy quả là viên gạch bàn đạp cho tầm phóng đến ngày sau.

 


Bóng với hình

 

          Nhìn những chiếc quần jean đúng thời trang, chỗ bạc màu, nơi được khoét xé dọc ngang tua sợi, sao mà thương bà mẹ nghèo ngày xưa quần áo vá nhiều phen, những trẻ em co ro trong chiếc chiếu manh tả tơi trên vỉa hè, xó ga, góc chợ. Trời âm u làm ta liên tưởng đến mưa Ngâu chia rẽ Ngưu lang Chức Nữ. Kỷ niệm đây, quá khứ đấy, thời gian qua đi mà sao ta cứ nhìn lại phía sau. Nhớ là cái chi chi mà lắm lúc như là mệnh lệnh khắt khe ta đành bó tay không tài nào xua cưỡng dược.

 

          Nhớ phải chăng là nơi tựa nương khuyến khích, nâng đỡ ta trong cơn hụt hỏng túng quẫn tình đời, an ủi khyên lơn, thúc giục, ’ôn cố tri tân’ soi rọi ngách nguồn. Có những đêm chợt choàng tỉnh giấc, tia sáng vừa loé lên rồi phụt tắt làm ta ngẩn ngơ tiếc nuối như ngươi leo núi vừa tới mức hẹn đỉnh cao mà tuột giốc bất ngờ.

 

          Nhớ còn là cơn mộng mị, ác mộng bâng khuâng, ray rứt cồn cào triền miên làm ta biếng ăn mất ngủ, hối hận dày vò. Ngược lại cũng là hương thơm thoang thoảng thoát tục biến khóe môi Mona Lisa nhẹ kéo góc hai bên trong bức tranh bất hủ La Joconde của họa sĩ kỳ tài Léonard de Vinci Ý quốc. Nhớ là gì gì mà chi phối đời người quá quắt, tùy tính khí cường độ như sóng ngầm chi phối biển cả đại dương.

 

          Một câu nói bâng quơ, tiếng đàn réo rắt, con chim sẻ đậu trên cành trúc, bướm ong vờn lượn quanh hoa, đôi mắt mơ huyền, giọt mưa trên lá,...trong tíc tắc có thể gây bao biến chuyển tâm tư. Nhớ như trong ván cờ ta chợt tìm ra thế đánh, tia chớp trong đêm gây bàng hoàng, đê mê, vỡ mộng. Nhớ là tiếng đàn dạo nhạc chơi vơi du hồn mình vào võng mây ký ức len lỏi theo lối cũ đường xưa tìm lại bản chất của tâm tư.

                                    


 
  

La Joconde-Mona Lisa

 

Cũng có thể ngọn sóng thần Tsunami rút đi rồi ập tràn bất chợt biến đổi hãi hùng, thần tốc. Dân tộc ta dòng giống Rồng Tiên , 50 lên non, 50 xuống biển, nước ta bao lơn dài rộng nhìn ra đại dương lồng lộng, sống theo ảnh hưởng của gió mùa, thủy triều, hệ thống sông ngòi. Trận lũ lụt kinh hoàng nầy làm liên tưởng đến các trận bảo hằng năm ở nước ta, nhớ để biết tiên liệu đừng để nước ‘tới trôn mới nhảy’.

Từ thung lũng nhớ, bao tia hào quang tâm tư được phóng lên đủ đầy màu sắc, tầm phóng bạt ngàn, thiên hình vạn trạng. Đó chẳng khác chi tia pháo bông trong ngày lễ hội. Có lúc muốn quên đi lại là tăng tốc nhớ, khi bất thần cần nhớ lại chẳng thấy tăm hơi.

 

Có những kỷ niệm vùi sâu chỉ mình ta biết, tưởng đâu là được khóa chặt trong tim. Có những gương mặt mà mình dù có muốn quên vẫn vấn vương chập chờn hiện rõ. Thế mà chỉ cần một bóng thoáng qua, một bước chân ngập ngừng, một dáng dấp phỏng chừng, một cái nhìn hờ hững, một nụ cười lấp lửng cũng đủ là mồi lửa cho hứng nhớ cháy phừng.

 

Rồi những lúc bâng khuâng lần về dĩ vãng tìm lại một vần thơ cũ, một câu nói bâng quơ, bức óc nghĩ suy mà không tài nào tìm ra manh mối. Giận mình sao ngu tối cũng chẳng nặn được chữ nào. Nhớ như người xa lạ dửng dưng thờ ơ nhởn nhơ trước nỗi bất lực của thế nhân và cũng là kẻ độc tài tự cho mình quyền uy tối thượng ban bố hoặc khước từ. Tiếng Eureka của Archimède minh chứng hùng hồn nhất vì ngay cả thần đồng, bác học danh nhân, ai cũng không thoát khỏi việc đi tìm nước Cam lồ huyền diệu nầy.

 

“Nhớ đấy, đừng quên”câu kinh nhật tụng của người liên hệ với người, câu nói đầu môi chót lưỡi. Mẹ dặn con, thầy dặn trò và trong tình yêu còn ngọt ngào sươt mướt hơn. Vì thế tội đãng trí cũng khó dung khi quên cuộc hẹn hò thân mật.

 

 Giận, hờn, ghen cũng phát xuất từ lò nung nỗi nhớ, đó có phải là chất chàm chất lượng tối cao nhuộm đỏ thâm đen khó gỡ khó chùi. Tay đau chặt đứt được chứ cái tâm tình đó không dễ cắt, khó chữa khó chừa. Đặt dấu ấn đâu là suốt cuộc đời không xóa được. Có mòn tưởng tiêu tan rồi rực sáng, bất ngờ chợt đến chợt đi. Không ai thoát khỏi con đường quên quên nhớ nhớ ấy. Tùy mức độ sâu thẳm phát sinh bao mũi tên tình cảm khó lường. Một cử chỉ vô tình nào đó có thể làm gãy đổ gia đình, chỉ vì không quên nên bao chuyện tình đẹp thủy chung kết thúc có hậu. Vậy nhớ là cái chi chi mà ta mãi chi chi với nhớ ?

 

Không biết có phải nhớ để trong đầu, thương ghét để trong tim không vì khoảng cách nầy tuy xa mà gần, tuy nhỏ mà to. Có những nỗi nhớ bâng quơ làm ta biếng ăn mất ngủ, có những nỗi nhớ ngọt ngào đưa ta lịm vào giấc mơ hoang. Ta phí bao thời gian để tìm căn nguyên sợi giây vô hình ấy, lắm lúc trở thành thi sĩ, triết gia lúc nào không biết không hay tự suy, tự diễn. Vừa thấy sao xẹt sao rơi, ta liên tưởng đến huyền thoại ngày nào nghe kể, ước mơ sẽ thành hiện thực nếu thực hiện được ngay trong khoảnh khắc bất ngờ.

 

Khám phá triều cường, cơn sóng thần Tsunami tượng trưng uy vũ của thiên nhiên, người vượt biển mới kiểm nghiệm mình quả là có phúc. Bao kỷ niệm dồn về đong đầy ký ức mới nhận chân số mạng do Trời.

 

Trẻ nhỏ đồng quê ngày xưa thường gọi nhau ơi ới, mang theo giây để buộc khi nhìn thấy vòi rồng trên nền trời đen nghịt. Ở nước chưa tân tiến mà đã muốn trở thành chuyên viên săn con trốt (tornadojager),để rồi chạy đến mỏi chân mà vòi rồng vẫn biền biệt xa vời.

 


       

Cầu vồng kép ở Victoria, Úc

 

   


                                                                                  Vòi rồng


        Vòi rồng gặp cầu vồng



 

Sau đó cơn mưa trùm xuống, ướt như chuột lột, tắm mưa là cái thú của tuổi trẻ mọi thời. Sao mà nhớ tiếng ếch kêu « uệch oạc », tiếng « huênh hoang » của ảnh ương, tiếng nghiến răng của

« Con cóc là cậu Ông Trời,

‘Ai mà trêu cậu là Trời đánh cho ».

 

« Hạt mưa mưa rơi tí tách » trên bờ đất trượt trơn, thương bác nông phu bám chặt ruộng đồng dầm sương giải gió. Nhớ những chiếc vợt bằng vải thô buộc ở đầu cán tre dài chọc thủng tổ kiến vàng trên cành cây so đũa, những cần vó đong đưa trên kinh rạch xanh um cành bần đầy bầy tổ ong, đom đóm.

 


Bông so đũa


 

                                                                        Con kiến vàng với giọt nước

 

Làm sao quên được những thay đổi hình hài cùng những cơn đau từng hồi oằn oại của các bà mẹ lúc gần sanh vì Chúa Trời phạt bà Ê và  đã quên lời cấm, dụ A dong ăn trái táo.

 

Nhớ những buổi chiều tan học vội tránh mưa bên phố vắng, hai xe đạp cận kề, hai đôi mắt chạm nhau lần đầu, ngại ngùng chưa quen thế mà sao hồi hộp bâng khuâng. Có những điều tầm thường vô lý chẳng tài nào hiểu được, mà hiểu để làm chi vì có bao giờ ta hiểu nổi được đâu?

 

Nhưng thật ra vô phúc cho những ai không còn bộ nhớ, sợi nhớ vì đó là tâm trạng chơi vơi sắp đi đến đoạn đường cùng.. Và phúc cho những ai còn biết dò đường tim về quá khứ, phủi nhẹ lớp bụi thời gian, lần giở trong kho tàng ký ức kỷ niệm lắng đọng, sợi nhớ sợi thương cuộn ràng vết tích biến thành chỉ tơ hồng thảm lót dìu bước hướng tương lai.

                                                           Trần Thành Mỹ

                                                                                                                                             

         


 

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual