Lời phát biểu gán cho con bò hiền từ
an phận bộc trực trong bức tranh biếm họa trên làm cho chúng ta lúc đầu mỉm cười
nhưng rồi nghĩ lại cũng tạo ra cho ta bao suy gẫm.
Thật vậy, con
người sinh vật siêu đẳng nhất hơn cả muôn loài, thường tự hào về nhiều đức tính
siêu việt của mình như trí thông minh, có tư tưởng sáng tạo và đặc biệt là có
tình cảm tâm linh. Do đó dần dần con người ý thức tính độc tôn của mình, chiếm
ngôi vị thượng đẳng trở thành người cai quản địa cầu, điều khiển vạn vật qua tiến
trình tiến bộ văn minh mọi thời.
Hầu
như đã là con người rồi, bất luận là ai, dường như ai cũng tự cho mình cái quyền
phê bình theo lăng kính riêng suy diễn của mình và thường cho là đúng nhất và bảo
vệ cho đến cùng. Hơn thế nữa còn thích tự phong ngầm cho mình là thông minh,
người khác là dốt, ngu dại không ít thì nhiều và thường phản bác lại một cách tự
nhiên nếu yếu thế như : Không ai hoàn toàn cả. Ai cũng có khuyết lẫn ưu.
Anh giỏi điểm nầy, người khác trội hơn anh chỗ khác và bình đẳng như nhau vì ai
cũng chết. »
Về vấn đề khôn ngu, mỗi dân tộc đều có quan điểm
cách diễn tả riêng nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn đến con thú nào mà người ta thường
đề cập chung chung có quan niệm gán cho là ngu đặc biệt là con bò. Người Pháp
chẳng hạn cho rằng ngu như lừa (sot, têtu comme un âne), người Âu Mỹ bảo ngu
như bò « Dull as a cow, stupid as cattle » dù họ uống sữa bò, thay sữa
mẹ. Người Á châu nói riêng dân Việt ta cũng nói ngu như bò, nhưng trước kia thường
là các bà mẹ cho con bú cho đến ăn thôi nôi nghĩa là sau một năm. Nếu người mẹ
trong thời gian nầy không có đủ sữa hay bệnh hoạn thì nhờ người vú nuôi bằng
cách « bú thép » tức là bú nhờ, cùng một bầu sữa mẹ chung với một đứa
trẻ khác, hay thay sữa bằng nước cơm đường : « Ầu ơ… con tôi khát sữa nút tay, Ai cho bú thép ngày ngày mang
ơn ».(Ca dao).
Riêng trong bài nầy chúng ta chỉ đề
cập đến trường hợp chữ « ngu » với hai định nghĩa như có vẻ trái
nghịch nhau thôi.
Theo tự điển: Đại Ngu (大虞) là quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ (1400-1707). Quốc
hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu tháng 3 năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền.
Sau đó vào tháng 4 năm 1407, nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và tên Đại
Ngu không được dùng làm quốc hiệu từ thời điểm đó. Chữ Ngu (虞)
là từ cổ nên ở đây có nghĩa là "sự yên vui, hòa bình", chứ không có
nghĩa là "ngu si" (愚癡), dốt nát, kém thông minh.
Nhưng tại sao người ta
lại cho rằng con bò thì ngu ?
Chúng ta thử
hình dung sơ sơ con bò. Con bò có vóc dáng to lớn, hiền hậu, bước chậm rãi bộ
lông màu vàng trắng đen nâu một màu hay có đốm, đôi mắt to dễ thương, cái miệng
rộng không ngớt nhai đi nhai lại, hàm răng trắng bắt mắt cho đến đổi mà một thương
hiệu phó mát (fromage) Pháp Thụy sĩ nổi tiếng thế giới đã dùng nhản hiệu độc
đáo nhân cách hóa cái nụ cười của con bò « La vache qui rit » (Con bò
cái cười) dù ai cũng biết rằng chỉ con người mới biết cười, « le rire est
le propre de l’homme ». Đây cũng là logo huy hiệu có mục đích quảng cáo
thương hiệu mà thôi.
Lâu nay người miền Bắc nước ta còn có thành ngữ
« khéo lo con bò trắng răng » cũng xác định rõ là răng bò trắng thật,
đó là sự thật hiển nhiên và còn có ý nhấn mạnh vào nghĩa bóng thâm thúy là
khuyên nhủ người đời đừng lo lắng chuyện không đâu.
Hơn thế nữa, đôi
mắt bò đẹp thật, ánh mắt hiền từ, nhìn đàn bò, thuộc loài nhai lại, thong dong
bình thản trên đồng cỏ xanh, vô tư đùa giởn ngay cả dưới trời mưa lất phất,
bông tuyết rơi rơi hay trong những ngăn chuồng đứng sát với nhau miệng nhai đi
nhơi lại đều đều thức ăn theo kỷ thuật nuôi thời đại mới, ta cảm nhận như dưới
cái lớp vỏ bề ngoài ngờ nghệch ấy là ví như cả một cuộc sống nội tâm thâm hậu của
những bậc cao thủ võ lâm thiền định lấy cái « nhẫn » làm kim chỉ nam
cho cuộc đời mình.
Trong văn hóa Á
Đông, con bò thuộc một loại gia súc trong sáu loại thú nuôi trong nhà như ngựa, trâu/ bò, cừu/dê, chó, lợn, gà điển hình là bài « Lục súc tranh
công » và đặc biệt hình tượng của con bò còn được khắc họa trong nền văn
minh văn hóa lớn trong việc thờ phượng, tín ngưỡng do vai trò gần gũi và ích lợi
của giống bò trong đời sống thường nhật loài người. Điển hình là Ai cập, Ấn độ
thờ bò, Thần Siva cưỡi con Bò Trắng Nandi.
Bò lại thuộc
loài « ăn chay » nghĩa là ăn chủ yếu là cỏ và rơm rạ, nuôi ít tốn kém
không như ngày nay người ta dùng đồ ăn gia súc kỷ nghệ trong những chuồng trại
nuôi bò càng ngày càng tân tiến rộng khoáng khoa học hơn.
Thông thường bò
được xem vừa là nguồn tài sản cung cấp nhiều huê lợi vừa giúp ích cho nhà nông
trong việc đồng áng vận chuyển nông sản.
Tất cả những gì
thuộc bò đều tốt ngon hữu dụng hết từ sữa máu thịt xương (xương là để ninh làm
nước dùng nấu phở) đến phân bò cũng được ưa chuộng trong việc trồng trọt hay chất
đốt. Ngay cả móng bò cũng còn được đặt tên cho một loại cây xanh đô thị có bóng
mát hoa đep, cây Móng Bò hay là cây hoa Hoàng hậu.
Hoa
Móng bò-hoa Hoàng hậu
Vậy mà người đời
vẫn ví von sự khờ khạo ngu đần của bò không thôi dù không quên cái cú đá tuyệt
vời của bò như « hồi mã thương » của Nhạc Phi trong thành ngữ dân
gian « đau như bị bò đá », cú đá nầy cũng được người đời ca tụng là
xuất thần bất ý cực kỳ nguy hiểm, khó đỡ khó ngờ, hành động nầy còn chứng tỏ rằng
sức mạnh nào cũng có giới hạn, sự chịu đựng quá sức cũng có thể tràn ra như nước
vỡ bờ, hệ lụy khôn lường.
Sự phản xạ tự
nhiên đó không tùy thuộc vào sức vóc thể chất thôi mà còn về trí óc nữa làm cho
chúng ta lại liên tưởng đến hai từ « hiền và ngu » đôi khi nghĩa
lẫn lộn với nhau. Lắm lúc người ta lại cho rằng quá hiền từ cũng gần như là khờ
khạo, ngu ngơ, dễ tin, ù lỳ, không lập trường, không dám quyết định, sợ sệt, có
thái độ nghĩ suy không khác gì hơn kẻ nhu nhược, đần độn :
- Ông ấy
trông có vẻ hiền từ tử tế, có giáo dục, tốt bụng, thế mà ai mà ngờ đó là
« Con quỉ râu xanh », đội lốt « Con sói với con cừu non »
(Le loup et l’agneau – La Fontaine),…
- Bà ấy thấy hiền
như cục bột tưởng như cắn cục bột không nổi, thế mà cắn đồng tiền đồng thành
hai thành ba… hay như câu hát ru em
« Ví dầu cha mẹ anh hiền,
Cắn cơm không bể
cắn tiền bể haỉ »
Bò
cũng không biết nói như con Rắn trong huyền thoại về sự tích loài người theo
Thiên Chúa giáo, đã dụ dỗ Bà Thủy tổ nhân loại E và ( Ève) ăn trái táo cấm để
rồi sau đó mời Ông Thủy Tổ A dong (Adam) ăn luôn. Quả táo vừa nuốt vào cổ, trực
nhớ lời Chúa Cha cấm, Ngài Thủy Tổ loài người định nhả ra mà không còn kịp nữa,
trái cấm có thể nhích lên xích xuống nhưng không thể khạc ra được ra khỏi cổ
họng của Ngài nên cái cục cổ trên cuống họng của các ông theo từ y học là
« proéminence laryngée » mà dân gian gọi là « Pomme
d’Adam ».
Bò chỉ biết rống
và có thể là biết khóc, theo lời những người mổ thịt, bò khóc, chảy nước mắt
khi bị búa bổ vào đầu trong giờ bị hành quyết. Bò có vẻ như để cho số mệnh
an bài
« Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Nguyễn Du
không vùng lên
tích cực mà chỉ phản kháng lấy lệ, bất cần, đầu hàng số phận.
Vậy là thái độ bất
lực nầy có thể tạm giải thích hai từ hiền và ngu “tuy hai mà là một’, và chứng
tỏ con người có lý khi phê bò ngu. Mà bò thật sự có ngu không?.Và loài người
chúng ta có thành phần nào như thế không?
Trước hết chúng
ta cùng đọc lại và phân tích lời phát biểu trên của bò.
Mở đầu câu vô đề
làm ta ngạc nhiên vởi hai từ “bọn nó” ám chỉ loài người có vẻ vô lễ xấc xược,
tuy nhiên đó không phản ảnh thật hình ảnh con bò trong đời sống thường nhật, có
thể là của con bò tót, bò rừng (taureau ) thường được huấn luyện chuyên trong
việc đấu bò ở Tây ban nha hay miền Nam nước Pháp ở làng ớt Espalette xứ Basque.
Cách xưng hô thiếu thân thiện trịch thượng đó
còn đánh giá trình độ và bậc thang xã hội không cao của bò rồi. Hoặc giả ngược
lại, đây cũng là ngụ ý về thái độ của thành phần trí thức quá khích, “ ngụy
quân tử “, thành phần trên trước cao cả tập trung quyền hành tự cho mình độc
quyền tự do phê phán đến độ lắm lúc thành lộng ngôn.
Tiếp đến, từ thứ
ba cũng không phải nhẹ nhàng đâu, thay vì phê hay chê mà là CHỬI thẳng thừng.
Có lẽ con bò sống gần gũi với con người nên thông suốt tâm lý và cả phong tục tập
quán các dân tộc khác nhau.
Chẳng hạn như ở Ấn độ ngày xưa, bò được tự do
nghêng ngang đi chạy giỡn ngoài đường, ngang nhiên vào nhà dân lục soát để tìm
thức ăn, cản trở lưu thông mà không ai dám chê phê đánh đuổi gì.
Đến
đây chúng ta suy nghiệm ra rằng lời phát biểu trên đúng là của con bò Việt vì
chú bò nầy biết rõ phong tục tập quán và cả văn hóa của ông chủ của chú. Chắc
chắn các bạn cũng thừa biết là trên thế giới khó có dân tộc nào mà chửi tuyệt
hay, phong phú, đủ loại thể văn, tục có thanh không thiếu, đủ giọng thượng vàng
hạ cám, ,…nói
tóm lại có lối chửi quá ư là độc đáo như ta. Điển hình là “Bài chửi mất gà “, một
đoạn trích trong bài “Năm con gà nghe bài chưởi Mất Nước” của “Dân tau”:
“Làng trên
xóm dưới, bên ngược bên xuôi, Dân tau có một đất nước. Tối qua còn dòm ngược,
ngó xuôi, ấp yêu, ve vuốt, thế mà bây giờ đất nước của Dân tau bị thằng nào trộm
bán mất rồi! Ai thấy thì chỉ cho Dân tau biết, ai lỡ mua được thì cho Dân tau
xin, nếu không trả thì Dân tau chửi cho mà nghe đấy… ấy… ấy!
Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa, lũ ăn cắp khốn nạn!...”
Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa, lũ ăn cắp khốn nạn!...”
Rồi tiếp đến « Bọn nó chửi mình ngu » cho ta thấy rằng con bò cũng biết suy luận lắm chứ nên
phân vân về lời đánh giá không tốt nầy và phát hiện có điểm mâu thuẩn nào đó
trong lời phê bình ấy bằng phần cuối câu “nhưng lại muốn uống sữa mình để được
thông minh.” Vậy với cái lập luận quá chín chắn như thế, ai có thể bảo là
óc bò thiếu mầm mống thông minh? Đó có phải như là khẩu khí âm hưởng ý tưởng
thái độ của các bậc hiền triết, nhà khoa học, nhà nhân chủng học không?
Nhà hiền triết biết mình biết người không chấp nê lời phê
của người khác, khen cũng cám ơn mà chê cũng cám ơn, chính mình là người chủ
động và chịu trách nhiệm lời nói, cuộc đời mình. Sự góp ý của người ngoài là do
cái nhìn của họ đánh giá về bề ngoài của mình mà thôi, có thể đúng có thể sai,
lầm lẫn là chuyện thông thường tự nhiên, vì thể “Nghe như chọc ruột tai làm
điếc, Giận vẫn căm gan miệng mỉm cười.”
Vả lại, ai cũng biết rằng một trong những nguyên nhân gây
đau khổ trong cuộc sống nhân loại là do lời nói vì phát ngôn ra rồi không bao
giờ rút kéo bắt chụp lại được và duy nhất con người mới có tiếng nói để giao
lưu mà thôi. Chỉ có con người mới có khả năng tuyệt diệu ấy đáng lý ra
“Lời
nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau”
mà thường
“Giết
nhau chẳng lọ Lưu cầu,
Giết nhau bằng cái ưu
sầu độc chưa.”(Cung oán)
Lời nói như con dao hai lưỡi vì thế làm cho tâm và trí lắm
lúc cũng choảng nhau. Điển hình là thường phê bình người khác dễ dàng, mạnh
miệng, xét nét, phóng đại, chủ yếu là phần phải có lợi về mình nhất là sau lưng
đối thủ và đối với thành phần thấp yếu hơn mình.
Ở đây quả thật thắc
mắc của bò là đúng vì con người, sinh vật siêu đẳng hơn mọi loài cầm thú kể cả
loại to mạnh hơn, vừa chửi bò ngu lại vừa “muốn uống sữa bò để được thông
minh”. Vậy là cái “gên” ngu xấu của giống thú cũng có khả năng hô thâu hô biến
hầu biến thể chất lượng của sữa nó mang lại sự thông minh cho “đỉnh cao trí tuệ
“loài người!
Đấy cũng còn là bài học thực tế cho con người đừng tưởng
rằng người “dân ngu khu đen”, ít học, nghèo khổ, nhà quê “quê rích quê rang quê
cả về làng ông Cả cũng quê” là ngu và con cháu của họ cũng đều thừa hưởng cái
gên mầm mống độc hại ấy truyền lại đời nầy sang đời khác biến những hậu duệ
thành khờ khạo khùng khùng điên điên, rõ là là điều lầm to ngu xuẩn dốt khoa
học nữa là. Ngày nay chúng ta thấy rõ trong xã hội mọi thời ngay cả theo dòng
lịch sử, đâu phải chỉ có thành phần COCC con ông cháu cha, cậu ấm cô chiêu, quí
tử của các bậc trí thức, quí tộc giàu có mới có “gên” thông minh mà ngược lại
bao trường hợp “thời thế tạo anh hùng” vẫn có thể xảy ra.
Đặc biệt là thế giới
càng ngày càng văn minh, khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực, thế mà chúng ta
vẫn thấy những trường hợp ngựa về ngược. Ngay cả tôn giáo cũng không còn địa vị
đôc tôn, cũng có con chiên ghẻ lở lạc đường, những chủ chăn chiên sa ngã chối
bỏ niềm tin. Nhan nhản bao cuộc đổi đời vượt tầm hiểu biết của loài người khi
lên voi lúc xuống chó, không biết lúc nào voi thành chó, chó thành voi, tình
người âm thầm biến dạng thành thú tính hồi nào không ai biết ai hay.
Ai cũng là sinh vật duy nhất sử dụng hai mươi bốn giờ một
ngày, “một cây sậy có tư tưởng” (un roseau pensant-Blaise Pascal) khôn ngoan
hơn mọi sinh vật khác, thế mà lắm lúc tàn bạo giết người trả thù hơn thú dữ “
nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc”(Trần thủ Độ), giết cả cha mẹ thân nhân, đồng chí,
ân nhân, lừa thầy phản bạn, bán nước cầu vinh.
Còn nói về trí thông minh, truyện cổ tích Việt nam có kể về chuyện
con cọp thắc mắc về trí khôn của con người. Hằng ngày nó thấy con trâu chăm chú
cày ruộng thế mà vẫn bị bác nông dân quất roi vào mông đều đặn. Nó tìm cách hỏi
trâu lý do tại sao.Trâu không biết trả lời thế nào cho đúng nên chỉ bảo rằng
con người thấy nhỏ bé nhưng có trí khôn và nếu hổ muốn biết thì hỏi trực tiếp
chủ nó. Tò mò về trí thông minh, hình dáng ra sao, có bao nhiêu thành công lực,…mà
khống chế nổi trâu, ngựa được hết, hổ hỏi người và xin cho hổ xem ra như thế
nào? Bác nông dân tương kế tựu kế đồng ý nhưng bảo vì không mang theo nên phải
về nhà mới lấy được cho hổ xem. Quá nóng lòng xem trí thông minh của con người,
hổ bằng lòng cho về không chút nghi ngại.Trước khi đi để lấy trí khôn của mình
để “khoe “ với hổ, bác nhân tiện nói thêm rằng bấy giờ nếu hổ muốn sẽ biếu một
phần nào đó nếu cần.Và chưa để hổ kịp suy nghĩ, bác nông dân lại đề nghị khi
bác về hổ vồ bắt trâu của bác rồi thì sao, chi bằng hổ để bác cột vào gốc cây
to gần đó cho yên tâm. Quá muốn thỏa mãn tính tò mò, cọp ưng thuận ngay. Bác
nông dân ung dung trói chặt “chúa sơn lâm” vào gốc cây rồi chất rơm chung quanh
mình “rồng” vừa nổi lữa lên đốt cọp vừa đánh vừa la to: “Đây là Trí Khôn ta
đây”.
Như thế quả là con người ý thức rằng chỉ có mình mới có trí
thông minh thật sự chứ không phải “có đầu mà không có óc” hoặc nếu có thì chỉ
là “óc bùn” theo miệng đời dân gian, hoặc tệ hại hơn là có trí khôn mà lại dùng
trí thông minh của mình vào điều trái đạo vô ơn qua câu “cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”.
Và điều còn lạ hơn nữa, tại sao ngày
càng văn minh, các phát kiến sáng tạo kỹ thuật khoa học càng ngày càng vuợt
bực, thế mà con người để cải tiến đời sống vật chất thể lực của mình lại còn áp
dụng phương cách sống của người tiền sử theo bản năng đi săn bắn diệt thú sát
sanh để sinh tồn. Rồi từ đấy bao phương tiện dụng cụ hiện đại phục vụ nhu cầu
căn bản đến cầu kỳ của nhân loại ngày càng phong phú tinh vi biến con người từ
“Nhơn chi sơ tánh bổn thiện” mà vì “cái miệng đòi ăn” ngon, lúc đầu còn hàn vi
ít kinh nghiệm nên ăn uống còn thô sơ nhè nhẹ rồi vươn lên theo tầm cao thời
đại, không chỉ dùng thức ăn cho no dạ mà nuốt cả những món nào mang lại tiền
của, địa vị như buôn lậu, “mãi quốc cầu
vinh” mất cả nhân tính tình người.
Còn trường hợp
con bò thì sao? Là con thú bị chửi là ngu hiền, thế mà nó có vẻ biết suy xét
phân tích tổng họp như nhà khoa học mọi dữ kiện hành động của mình một cách vô
tư khách quan, trường hợp nầy đáng được đề cao thức tỉnh loài người. Phải biết
ưu nhược điểm của mình và sáng suốt phân tích lời phẩm bình của người khác có
đúng hay sai để rút kinh nghiệm, như con bò ở đây nó công nhận là nó không có
trí khôn như người nhưng nó không mù quáng tự tôn mà biết đánh giá trị thật sự
của nó là hữu dụng khoan dung chẳng hạn.
Còn hậu quả của
sữa của nó có ích lợi gì liên quan đến trí thông minh của con người thế nào, đó
là chuyện của con người giải quyết, bò đâu có trí khôn như người mà bận tâm
nhún trề khen chê, bò chỉ hành động theo bản năng nó thế thôi “chó sủa cứ sủa,
đoàn lữ hành đi qua “ (Les chiens aboient, la caravane passe).
Ngoài ra, qua lời
phát biểu ngây ngô mà xúc tích đó, chúng ta rút ra thêm một bài học quí giá
khác nữa về tình nhân loại tình yêu dòng giống của mình. Bằng cớ là sống cùng
đàn, bò không bao giờ có thượng cẳng hạ chân đấu đá với nhau đến độ cắt tình
máu mủ, khác với con người chia rẻ nhau đến thậm chí gây ra nội chiến, tiêu diệt
lẫn nhau đồng bào ruột thịt cùng nguồn gốc quê hương.
Nhìn vào “xã hội
“ loài bò đi, rõ ràng là không bao giờ thấy có xảy ra chiến tranh giữa các “các
dân tộc” bò khác giống như bò vàng xám đốm …, đồng cỏ đó rộng thì cùng nhường
nhau thảnh thơi nhơi cỏ, chật hẹp như trong chuồng thì cứ thư thái mà nhai gần
bạn gần anh. Vì thế đâu có xuất hiện bao cuộc gây hấn can qua xâm lăng mở rộng
đất đai tìm thị trường mới, đâu có cuộc chiến đấu đẵm máu một mất một còn cạn
tàu ráo máng của kẻ thắng người thua vì kỳ thị màu da, tôn giáo, ý thức hệ, vân
vân và .…
Ngoài
ra còn một điểm khác nữa đáng nêu ra trong lời phát biểu của bò là ngụ ý đến
lòng ham muốn đến tham lam ích kỷ, nhất
là liên quan đến ăn uống để sống, đây
cũng là một nguyên nhân cốt yếu ảnh hưởng
đến hành vi lành dữ mọi loài.
Con thú vì bản năng sinh tồn phải đi tìm thức ăn
nước uống, tuy nhiên là chỉ trong hoàn cảnh khắc nghiệt như do thời tiết khí hậu
hay bị nạn đói hoành hành chẳng hạn mới bắt buộc tranh giành bằng sức mạnh như
sư tử cọp beo hay mưu trí như cáo chồn, tóm lại loài thú chỉ áp dụng luật rừng
trên đội dưới đạp, cái lý của kẻ mạnh “La raison du plus fort est toujours la
meilleure “La Fontaine (Cái lý của kẻ thắng bao giờ cũng đúng nhất) trong trường
hợp bất khả kháng mà thôi.
Trái lại con người
thông minh lại có tâm tư tình cảm đáng lý ra bắt buộc sử dụng luật pháp của
loài người, xã hội còn hy vọng công bằng bình đẳng hơn, thế mà lại thường
nghiêng về phía luật rừng luật thú mới kỳ. Không phải vì đói nghèo mà đánh giết
nhau mà oái oăm thay lại vì quá sung túc dư giả, lòng tham ham muốn không đáy,
thỏa mãn tính độc tôn, trí óc thượng đẳng sức mạnh vô địch phi thường của con
người.
Nói cho cùng,
quan niệm về khôn ngu thật khó đánh giá khó biết khó lường vì
“Biết ai
là dại biết ai khôn”(Trần Tế Xương).
Câu “ giả dại
qua ải “còn cho ta thấy thêm rằng trên đời nầy mọi sự việc cụ thề hay vô hình đều
có thề biến thể như ta thấy ngày nay nhan nhản đồ thật đồ giả không biết đâu mà
lần. Do đó
“Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại,
Gặp thời dại
cũng hóa nên khôn.”(Nguyễn Bĩnh Khiêm).
Thế thì suy ra
giữa người và thú ai khôn hơn? Chắc hẳn là người rồi trong phần tổng quát nhưng
thú vẫn có khả năng bẩm sinh tuyệt vời riêng như chó chẳng hạn với tài đánh
hơi, tìm đường, tính trung thành bảo vệ hiểu biết ý người lắm lúc hơn cả con
người nữa là.
Vậy thì trong
con người chúng ta đều có tính người và tính thú và nếu chúng ta không khống chế
được tính thú thì lòng người mà dạ thú thật là đại họa cho xã hội thế giới loài
người vả cả thiên nhiên đất trời.
Cô Trần Thành Mỹ