Thành kính nhớ ơn Quý Thầy Cô đã dạy dỗ chúng con.
Kính tặng tất cả thầy cô đã có lần đứng trên bục giảng.
« Thưa thầy, thầy còn nhớ con không ? »,
câu nói của Carnot ngày xưa thật tự nhiên, đơn sơ, ngắn gọn, thế mà đã gợi cho
thầy cô bao kỷ niệm đầu đời về nghề mình đã chọn. Thật vậy, trong quá trình
lịch sử nhân loại, nghề giáo được mệnh danh bằng bao mỹ từ cao đẹp, nhà giáo
dục, nhà mô phạm, nhà gõ đầu trẻ, kỹ sư tâm hồn, bán cháo phổi mà đại diện tiêu
biểu nhất là « vạn thế sư biểu » đức Khổng phu Tử .
Thời Nho học thịnh hành, vai trò vị thế của thầy
chỉ đứng sau vua, quân sư phụ. Câu “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng
là thầy, nửa chữ cũng là thầy còn nói lên lòng kính trọng tuyệt đối, nghĩa thầy
trò sâu nặng biết dường nào ! Quyền uy càng
lớn, bổn phận, nhiệm vụ phải tương xứng.
Xã hội đòi hỏi ở các thầy đồ xưa
bao tiêu chuẩn, luật phép phải theo. Thầy phải như người mẫu, tấm gương. Tác
phong đạo đức thường rập khuôn theo đạo lý kỷ cương thời đại, nhà giáo như được
đặt trên một đài cao để người ta chiêm ngưỡng, bắt chước học đòi. Tuy thế thầy
bấy giờ cũng không khác chi một thiếu nữ của thời “nhất nam viết hữu, thập nữ
viết vô”mà tứ đức như chiếc khung son
vuông đều đặn làm nổi bật bức họa ba hoa “tam tòng”.
Tầm nhìn phóng khoáng, sâu rộng thế nào đi chăng nữa vẫn không vượt hẳn
nổi mạng lưới sâu hằn phong tục tập quán, thầy như đầu toa xe lửa chỉ chạy trên
đường rầy “tiên học lễ, hậu học văn”. Do đó nhà giáo như không còn có đời sống
riêng tư. một “hình nộm”, một robot mực thước uy nghiêm, “đỉnh cao trí tuệ”,
cách biệt, xa vời. Lắm lúc vì quá gò bó đến tẩu hỏa nhập ma, các đấng “lương sư
hưng quốc”có cơ biến thành những tên gõ đầu trẻ hung thần vụ lợi mất lương
tri .
Nhớ lại những hình phạt ngày xưa như đánh bằng roi mây, khẽ trên đầu
mười ngón tay chụm lại, quì trên sơ mít, quì gối quay mặt vào tường cho muỗi
cắn, cú đầu vả mặt...thể hiện đúng câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt
cho bùi”. Thầy trò quả không có sự cảm thông, khó thân khó tiếp xúc. Thầy như
người nghệ sĩ trên sân khấu bục giảng, diễn kịch mang mặt nạ đóng tuồng, tùy
vai kép mùi, kép độc, đào thương, vãn hát ra về khen chê sau lưng, mặc, đường
riêng thầy đi.
Xã hội đã phong tước vị cao sang phong nhã tất nhiên thầy phải đảm trách
đúng mực, chu toàn. Vô hình chung, thầy được kính như một nhà uyên bác, thông
thiên địa lý, mẫu mực cương nhu, công bằng bất khuất. Ra đường, ăn mặc chỉnh
tề, tác phong chững chạc quắc thước như tiên sinh đạo cốt, ăn nói đứng đắn đúng
phép, lễ độ trầm tĩnh, nhiệt tâm. Ở nhà cũng phải giữ lễ, trên dưới phân minh,
không được nhập nhằng xô bồ hỗn loạn.
Rồi dần dần xã hội tiến bộ, giáo dục cũng đổi thay tùy hoàn cảnh đất
nước, vị thế của thầy vì thế cũng được “kỹ nghệ hóa”, “bình thường hóa”luôn.
Nghề thầy như bao nhiêu ngành nghề khác, không còn phân biệt thượng vàng hạ cám
hết ngành hạ bạc như xưa. Nhà giáo cũng là con người với nhân tính cá biệt
không thể tách rời xã hội, phát ngôn viên, truyền kiến thức chuyên môn mình đã
hấp thụ được theo chương trình pháp định.
Nhưng đây vốn có liên quan đến
trí óc, tâm hồn khó lấy thước mà đo, lấy roi mà thử thách nên cần có sự thích
nghi hòa hợp dung hòa lý tình. Thầy không còn chỉ tay năm ngón ra mệnh lệnh như
ông vua trên ngai ‘’rầm’’trong lớp, một đại thần với thanh bửu kiếm tiền trảm
hậu tấu mà phải biết hòa mình, tìm hiểu, luôn học hỏi để thích nghi.
Dưới lăng kính của học sinh ngày nay, thầy vẫn tượng trưng cho khuynh
hướng thế hệ đương thời, chiếc gương thời đại phản ảnh ước vọng tuổi trẻ, nguồn
cảm hứng dồi dào cho óc mơ mộng trinh nguyên, một hiện hữu trong mọi lãnh vực
mà đạo đức đồng minh với chất lượng.
Dù muốn dù không, nghề thầy vẫn khác vì đối tượng là con người còn trắng
trong.Thêm vào đãy, giữa thầy và trò có sự tương quan chặt chẽ vì thầy vừa là
thầy của trò mà cũng vừa học lại ở trò. Cái nhìn của học sinh quả là cửa sổ đưa
thầy trở về nguồn sinh lực dồi dào muôn màu muôn sắc của thời yêu hoa phượng
đỏ, đường lên Thiên thai với những tâm hồn chưa vướng bụi đời, một máy ảnh ghi
hình, kính lúp phẩm bình chi li tùy hứng, một loa phóng thanh truyền tin cấp kỳ
nhanh chóng, một hàng ngũ tình báo vô hình dầy đặc phong phú hồn nhiên khởi
điểm của diễm phúc hay chán nản bi quan.
Không thể đòi hỏi ở học sinh niềm
kính trọng một chiều như thời trước. Môi trường giáo dục càng ngày càng rộng
mở, xã hội phát triển không ngừng. Tất cả đều phải chạy đua nước rút theo đà
tiến bộ văn minh. Nghề thầy bắt buộc phải biến chuyển.
Trái hẳn với ngày xưa, tuổi tác giữa
thầy trò, nhất là từ bậc trung học trở lên, xấp xỉ không kém nhau bao nhiêu, do
đó thế hệ trẻ dễ thông cảm nhau dễ dàng. Thầy là đối tượng trò nhầm tới mà cũng
là mầm hoả hoạn bất ngờ. “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng cũng gợi lên cái
choáng váng ngây ngô huyền hoặc ấy. Thật ra, ngôi vị giữa thầy trò khác biệt
trong trường lớp thôi. Sự ràng buộc cũng chỉ dựa trên nền tảng đạo lý luật lệ
xã hội từng thời.
Ngày nay, nhan nhản bao cuộc hôn nhân hội ngộ đẹp, trong đó đường tương
kính đến tình yêu không viễn vông xa vời.
Nhìn thầy trên bục giảng như kịch sĩ thủ vai chính, ảo mộng biến thầy
như anh hùng chiến sĩ, thư sinh hào hoa phong lưu mã thượng, kích thích óc tò
mò thơ mộng ngây thơ của tuổi vừa chớm lớn còn lấp ló ở ngưỡng cửa cuộc đời.
Chỉ cái tên nghề thôi cũng đủ bảo đảm suông phần nào lý lịch của thầy. Xuất
thân từ Sư phạm còn chắc ăn hơn nữa vì xã hội đã bọc cho thầy chiếc áo khoác
vinh dự hiện thân cho đứng đắn đàng hoàng, có lương tâm đạo đức. Ở thầy như mặc
nhiên qui tụ nhiều tính tốt mà người thường ước mơ.
Rồi theo cuộc diện đời thay trắng đổi đen, ảnh hưởng của chiến tranh,
cách mạng, chế độ, sống còn, kinh tế làm điêu đứng, ngả nghiêng “xính vính” bao
nề nếp. Giáo chức trở thành kỹ sư tâm hồn chẳng hạn vì học sinh được ví như sản
phẩm rập khuôn hàng loạt theo kiểu “clônage”. Còn tâm hồn, dù vô hình trừu
tượng, như “con múa rối” tùy thuộc đảng, tôn giáo, trường phái, một đàn cừu
Panurge chỉ theo một chiều hướng nghĩ
suy nhất định. Vô tình hay cố ý nhích ra khỏi hàng là bị tố ngay là phản động, “tội
tổ tông” đôi lúc cũng không được giảm khinh.
Nghĩ thế mới thương dân tộc ta luôn đương đầu với bao hiểm họa xâm lăng
đủ mặt, nghìn năm thuộc Tàu, gần trăm năm Pháp đô hộ, hai lần đất nước chia đôi
Sông Gianh, Bến hải. Việt nam biến thành chẳng những là nơi thử bom đạn , kỹ
nghệ quân sự tối tân siêu vi mà còn là tụ điểm quần hùng Cái bang các nước, đủ
loại giống màu, văn hóa ngôn ngữ . Miền Bắc ảnh hưởng Liên xô, Tàu, Đông Âu,
khối Cộng sản, miền Nam, Mỹ và các nước Đồng minh, khối tư bản.
Thêm vào đấy, ở xã hội tiêu thụ,
kinh tế chi phối, ảnh hưởng ngoài học đường như truyền hình truyền thanh, phim
ảnh, nhạc, các trào lưu văn hóa ngoại, “ bao cái lăng nhăng nó khuấy ta”’, bao
nguyên nhân lũng đọan nghề thầy.
Lại có chế độ không khoan nhượng
lên án gắt gao nhà giáo thuần chuyên môn phi chính trị, buộc vào tội thuộc chế
độ cũ, ít “hồng hơn chuyên”, phải được học tập, tẩy não, cải tạo.
Nghĩ cũng tội cho nghề, do đó hậu quả trớ trêu của nghề dạy, đào tạo học
sinh “dốt hay nói chữ”, nhặp nhằng cái nọ xọ cái kia tất nhiên gậy đập lưng ông
là thường.
Trên bục giảng, thầy chỉ truyền lại kiến thức thuần chuyên môn. Xã hội
cần phân định rõ ràng, đừng “đánh lận con đen”. Bằng không bao chuyện tréo cẳng
ngỗng, đi ngược dòng tiến bộ trở về thời kỳ đồ đá, dày xéo phong tục lịch sử
gây lắm tội lỗi đau thương. Ở nước ta chẳng hạn, sau 75, bao thầy cô đã bị học
trò ruột của mình tố cáo, một số tên trường bị xóa bỏ thay vào tên’ anh hùng
chiến sĩ’ thời đại.
Lạ thật đất nước đã thống nhất,
lịch sử phải được bảo tồn, phát huy. Thế mà nhà giáo dục bác học lỗi lạc nổi
tiếng trong ngoài nước Pétrus Ký bị quên ơn, dẹp tượng, bôi danh. “Không gì quí
hơn độc lập tự do” câu nói gối đầu giường nầy không ngăn cản nổi tên đường Tự
do thay bằng Đồng khởi.
Ở Kampuchea, Pol pot Khmer Đỏ xô đuổi bắt bớ hành hình những người có
học không tiếc thương. Gần đây nhất, chế độ Taliban của Afghanistan cấm đoán
phụ nữ đi học trở thành bóng mờ nô lệ. Nền giáo dục Âu Mỹ cũng bị chóa lòa bằng
hào quang tự do. Kỷ luật dễ dãi, lỏng lẻo, nghề dạy bắt đầu xuống dốc thảm
thương vì cơn lốc kinh tế rõ nét nhất.
Hiện nay, nhan nhản những tấm bi kịch trò hành hung, bắn giết, trả thù,
vì nguyên nhân không đâu, bạn học và ngay cả thầy không một chút rung tay hối
hận. Đau thương hơn, thảm cảnh dụ dỗ, gạt gẫm học sinh vị thành niên là tiếng
chuông cảnh tỉnh, báo động cho tất cả những ai còn hời hợt, coi thường, ít quan
tâm đến nền giáo dục nước nhà. Phụ huynh thường giao phó con em mình cho nhà
trường, quan niệm một cách mặc nhiên qui trách nhiệm tất cả cho thầy, vừa
truyền kiến thức vừa rèn luyện đạo đức tác phong, “thầy nào trò nấy”.
Có khi vẫn biết gia đình đóng vai trò cốt yếu nhưng ngày nay, lắm lúc vì
bận rộn với sinh kế, không còn có thì giờ lo cho con cái. Do đó, để thầm chuộc
lỗi hoặc bù đắp tình thương, sẵn sàng chìu ý không đắn đo, suy nghĩ. “Được đằng
chân lân đằng đầu”, con em cứ leo thang vòi vĩnh, vì đòi là được tại sao không
đưa tối hậu thư? Tệ hại hơn nghe lời con mà phê phán oạnh hẹ, hạch xách, hăm
dọa, gây hấn và có khi đến thượng cẳng hạ tay mới đáng buồn.
Tất nhiên là thầy không phải hoàn hảo nhưng nếu xã hội không có kỷ cương
nề nếp, luật phép, hậu quả tai hại không phải chỉ cho một thế hệ đương thời mà
cả bao thế hệ tương lai.
Thật ra, không có nghề nào là dễ, nhưng phải công nhận là nghề dạy học
ngày nay đòi hỏi nhiều thử thách, công sức, nghĩ suy, sáng tạo và nghệ thuật.
Bản tính tự nhiên của con người là thích học hỏi, suy luận nhưng ít thích người
khác. Học lóm dễ hơn vì “học thầy không tầy học bạn”. Câu “không thầy đố mầy
làm nên” vẫn còn giá trị cho mọi thời điểm nhưng chữ thầy cần được xác định
đúng nghĩa.
Nghề dạy học phải kết hợp việc dạy và học như ông bà ta thường dạy, “’học
ăn, học nói, học gói, học mở”, ý muốn nói là gì cũng có gì cho ta học. Dạy không
phải là”thầy đời”, một tự điển sống, một nhà rao giảng giáo điều,...Chấm dứt vị
thế các thầy đồ thời Nho học biến học sinh như con vẹt thuộc nằm lòng Tam tự
kinh, thiên trời, địa đất, tử mất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam
ba...Thầy giáo, dù hòan cảnh nào cũng thường “giấy rách vẫn giữ lấy lề”, lắm
lúc, chẳng đặng đừng, cũng phải “tháo giầy”, “giáo vác”, “dáo dác” chạy gạo đổ
mồ hôi như câu “nhất sĩ nhì nông hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ”.
Hơn thế nữa, nghề dạy học ngày càng khúc chiết hơn vì khó còn lý tưởng
để theo, mẫu người làm chuẩn, mục đích để nhầm tới. Họa chăng là chọn nghề vì
thời vận rủi may, sống còn, kinh tế, lý lịch. Giá trị của nghề cũng thay đổi
tùy thời điểm, phong tục tập quán, chế độ, chính trị. Đây không phải là do luật
đào thải hay thừa trừ mà đó là sự vận chuyển tự nhiên của xã hội. Vậy thầy giáo
cũng không cần màng tước hiệu “chiến sĩ văn hóa” vì khi “thời oanh liệt nay còn
đâu” đành ‘’ôm uất hận đến ngàn thâu’’như bao nhà chính trị, anh hùng không gặp
vận.
Tuy
nhiên, dù sao nghề dạy học vẫn có nhiều thuận lợi, ưu điểm hơn bao ngành nghề
khác vì luôn được tiếp cận với tuổi trẻ. Phổi của thầy như được hạnh thông bằng
những tia nhìn quang tuyến nồng ấm mang sinh lực mới, tim thầy trò đầy nhiệt
huyết cùng nhịp đập cảm thông, tâm hồn thầy thường xuyên trẻ hóa nhờ tiềm năng
dồi dào của các em, thầy có cảm giác như được bảo vệ chở che, bênh vực an ủi,
hiểu nghe hai chiều.
Như con ong thợ chuyên đắp xây tổ tươm mật
ngọt, căn bản giáo dục là góp phần vào việc đào tạo hữu hiệu con người biết
sống có tình người, không là công cụ, sản phẩm, tín đồ của riêng ai. Giáo dục
cần có mục đích đứng đắn không thể
‘’Thân em như chiếc lụa đào,
Phất phơ trước
gió biết vào tay ai’’.
Vì lợi ích sống còn và hội nhập trào lưu tiến hóa chung của đất nước, để
ngăn chận cơ nguy xuống dốc của thế hệ trẻ mỗi thời, vì đây cũng là trách nhiệm
của mọi công dân không phân biệt khuynh hướng chính trị, tôn giáo, đảng phái,
các nhà lãnh đạo cần ý thức tầm quan trọng cấp bách rõ hơn, định hướng giáo dục
cho đúng, thích nghi, nếu không “trăm năm trồng người” cũng trở thành phí phạm
hoài công, đáng trách và còn mang tội với núi sông.
Cô Trần Thành Mỹ