Ngày
xưa, theo chế độ phụ hệ, việc nối giòng phải do người con trai để duy trì lưu
truyền họ của người chủ gia đình đời nầy sang đời khác, bất luận sang hèn. Việt
nam ta cũng không khác, câu « nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô » chứng
minh điều trên. Ngày nay, do quan niệm mới nam nữ bình quyền cũng có, do nạn
nhân mãn, trai gái thiếu thừa, chiến tranh, kinh tế cũng có, do đó việc xét lại
về việc nối giòng có nhiều chuyển đổi, đặc biệt trong chế độ quân chủ lập hiến
hầu hết các nước Âu châu từ thế kỷ thứ 19 đến ngày nay, như hoàng gia Anh, Hòa
lan, Tây ban nha, Thụy điển, người con trưởng bất luận trai gái đều có quyền
kế vị.
Nói về phân
chia tài sản, nước nào cũng có luật lệ riêng. Ở các nước tân tiến, việc phân định
của cải đã có từ ngày lập hôn thú giữa hai người hôn phối rỏ ràng minh bạch.
Phân chia gia tài cho con cái cũng theo luật riêng mỗi nước và cũng tùy theo thời
đại thêm bớt bổ túc.
Ở Việt nam
ta ngày xưa chẳng hạn, chỉ có giới giàu có mới tương phân gia sản trên giấy tờ
hợp pháp, ngoài ra chung chung cha mẹ qua đời thì tất cả gia sản đó thuộc về
người con trai trưởng theo một luật thừa kế bất thành văn, không cần văn tự di
chúc gì cả. Và trong trường hợp người con trai trưởng không có con trai hay tuyệt tự, sau khi qua đời
thì phần hương hỏa đó được giao cho người em trai kế vị tiếp tục việc cúng giỗ
hằng năm.
Còn đối với
gia đình giàu có lâu đời, ruộng đất nhiều và đông con trai có nhà từ đường
chung, ngoài việc phân chia tài sản cho các con đặc biệt thưòng dành một số ruộng
đất gọi là luân phiên để cúng vị tổ đầu tiên sáng lập dòng họ. Hằng năm hoặc
hai năm một lần tùy theo quyết định của các trưởng tộc, các Chi trai tuần tự
chi lớn trước rồi đến chi sau thâu huê lợi của phần hương hỏa nầy để lo việc tảo
mộ và tế tự hầu duy trì huyết thống và liên kết thế hệ trước sau.
Ngày nay có
dịp đi du lịch qua nhiều tỉnh ở miền Bắc hay Trung nước ta, các bạn sẽ có cơ
may thích thú sững sốt bàng hoàng còn tìm thấy được các nhà từ đường xưa cổ được
duy trì nguyên trạng hay tu bổ thường xuyên qua bao thế hệ trước sau theo phong
tục nghi lễ truyền thống mỗi vùng miền, họ Nguyễn, Phạm, Phan, Trần,
Lê,.. Tập tục đó tưởng như mai một đi theo thời gian và tình trạng đất nước,
thế mà lại bùng nổ phát triển ngoài tầm mức tưởng tượng của người dân đương thời
trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nầy. Các nhà dòng họ thi đua nhau nở
rộ khắp nước, càng đồ sộ hiện đại càng chứng minh mức độ giàu sang và chức quyền
cao của chủ nhân.
Ngày xưa,
trên toàn thế giới, phần đông theo chế độ quân chủ phong kiến. Do đó, chỉ có
vua chúa và các quan chức được bỗng lộc của triều đình thuộc giới Công Hầu Bá Tử
Nam mới có chủ quyền ruộng đất mênh mông, cung vàng điện ngọc, nhà từ đường có
sắc vua phong rạng danh dòng họ. Ở Việt nam ta cũng không khác, đó là thời kỳ
nhất Sĩ nhì Nông tam Công tứ Thương đề cao thời Tam tự Kinh chữ Hán Nho Nôm, với
các cuộc thi, thi Hương thi Hội đứng đầu
là Trạng nguyên Thám hoa Bảng nhãn :
« Dài
lưng thì có võng điều,
Tốn vãi thì
có áo bào vua ban. »
Rồi lịch sử
cũng đổi thay có thời hưng thịnh lúc suy vong, vòng quạt chế độ chính trị tăng
nhanh như quân chủ lập hiến, dân chủ, cộng hòa, cộng sản, Xã hội chủ nghĩa,…
Thế mà, cho
đến thế kỷ thứ 21 nầy, phải thán phục Âu châu sau cả hai cuộc Chiến tranh Thế
giới và các cuộc nội chiến hay cuộc chiến giành độc lập tự do, xung đột ý thức
hệ, những nhà thờ Thiên Chúa giáo, những lâu đài cung điện cổ, pháo đài, di
tích lịch sử có khi dù đã thay đổi chủ nhiều lần, trùng tu sửa chữa, vẫn còn giữ
được nét độc đáo đặc thù kỹ mỹ thuật, tài khéo óc sáng tạo của mỗi thế hệ trước
ngay cả trong thời gian xa xôi mà còn có nhiều lãnh đạo tôn giáo trí thức chưa
tin rằng trái đất tròn và xoay quanh măt trời.
Các vương
tôn phú hộ thời nay cũng không thể giữ được nếp sống ngày xưa nên thường sử dụng
tài sản của họ tùy theo dòng chảy kinh tế thế giới, thành những viện bảo tàng,
nhà hàng khách sạn, trung tâm du lịch hoặc bán đi, hiến cho cơ quan từ thiện.
Khác hẳn, các tầng lớp giàu mới hiện đại trên toàn cầu ngay cả trong các nước độc
tài hay lâu nay khép kín, giới tài phiệt nầy càng ngày càng đặt dấu ấn riêng có
thể làm nghiêng ngả cán cân nếp sống xưa. Họ biết cách làm giàu bằng mọi cách,
bất kể tốt hay xấu, thành phần nào cũng có cơ hội trở thành tỷ phú bằng phương
tiện nào cũng được, ra khám vào tù cũng không lấy đó làm xấu hổ, thậm chí đến
buôn lậu đồ quốc cấm, buôn cả người, mua bán chức tước, quyền lực, bè đảng đến
việc phản bội quê hương.
Thật ra
không phải người giàu nào cũng thế nhất là những thành phần ở các nước giàu có
như Mỹ , Âu châu như Bill Gates, Rockefeller họ hiến một phần lớn tài sản khổng
lồ vào việc thành lập cơ sở viện nghiên cứu khoa học kỷ thuật hiện đại tiến bộ
nhất là trong lãnh vực y tế về các bệnh
mới nan y mà ngành y tế thế giới còn bó tay, cơ quan từ thiện hay phúc lợi xã hội
cho các nước nghèo kém mở mang. Người khác để di chúc lại tặng cả gia tài của
mình cho nhà nước sau khi qua đời mà không để cho con cái trực hệ thừa hưởng.
Ngay trong
các nước còn theo thể chế quân chủ lập hiến, vị thế của các vua chúa cũng không
còn tập trung quyền bính mà thường chỉ còn tính cách đại diện tượng trưng, bổng
lộc qui định hằng năm. Do đó, ngày nay, tùy theo nền kinh tế trong nước hoặc do
hành vi hoạt động đạo đức cá nhân, bổng lộc của các thành phần trong hoàng gia
có thể bị hạ thấp hay truất hữu, phải chịu thuế như bất cứ công dân trong nước,
trường hợp xảy ra cho hoàng gia Bỉ năm 2013.
Trái lại,
trong các nước độc tài chính trị, hoặc nghèo kém mở mang, quyền hành tập trung
vào nguyên thủ quốc gia hoặc ban lãnh đạo nhà nước, việc phân phối tài sản càng
ngày càng tinh vi hơn, khôn khéo hơn biến khoảng cách giữa nghèo giàu khó mà lấp
bằng. Bao nhiêu nhà độc tài đã bị lên án truất phế lật đổ từ trước đến nay vẫn
không làm cho con người lo sợ, thế hệ mới lại trồi lên những tên đồ tể phù thủy
khủng khiếp độc ác vô tâm, những người robot không lùi bước trong việc tiêu diệt
âm thầm nhân loại bằng phương tiện nào cũng tốt bất chấp cả tòa án lương tri,
tình người, lòng trắc ẩn, tính công bằng và lòng tin vào tôn giáo siêu linh.
Hơn thế nữa,
chiến tranh vẫn còn tiếp tục xảy ra khắp nơi, phong trào giành lại độc lập tự
do của các nước kém mở mang bị lệ thuộc bùng nổ, cuộc cách mạng lật đổ ách thống
trị, chế độ độc tài hay chế độ cũ, các cuộc di tản tị nạn, sự đổi đời nhanh
chóng trên toàn thế giới. Điển hình vài nhà nguyên thủ quốc gia độc tài chuyên
chế như ở Phi tổng thống Marcos, rồi Saddam Hussein ở Irak, Kadhafi ở Lybie,
Mubarak ở Ai cập vẫn không giữ được ngôi vị bá chủ truyền lại cho con cháu như
các vua chúa ngày xưa. Thế là sự nối giòng ngày nay cũng theo tình hình chính
trị kinh tế thế giới không còn lý do tồn tại một cách tuyệt đối như thời trước.
Việt nam ta
cũng thế, qua bao triều đại thời quân chủ, phong kiến, việc nhường ngôi cũng lắm
khi là nguyên nhân hiềm khích chia rẽ đến thù nghịch sát hại lẫn nhau, một hậu
quả thông thường là do chế độ đa thê nhiều thê lắm thiếp nhiều con. Ngày xưa,
giới nắm quyền phú hộ chẳng hạn thường tích tụ gia tài đồ sộ để lại cho con
cháu còn có thể mua chức tước, ngày nay tiến bộ nhanh hơn, có thể mua bằng, cho
đi du học vừa rửa tiền vừa xây dựng tương lai của con về kế nghiệp nắm giữ các
khâu chức vụ quan yếu như Bắc hàn chẳng hạn.
Tuy nhiên
chỉ có hoàng tộc, dù trên thế giới hiện nay không còn nhiều nước theo chế độ
quân chủ lập hiến, các vua chúa ở châu Âu thường chỉ còn giữ vai trò nghi lễ
ngoại giao hay tôn giáo như Anh quốc, thế mà vẫn còn có việc nhường ngôi khi
còn tại vị như ngày 30/04/2013 nữ hoàng Hòa Lan Béatrice cho con thế tử Willem
Alexander, và ngày 21/07/2013 nhà vua Bỉ Albert Đệ nhị cho thế tử Philippe.
Truyền thống
nối ngôi nầy còn được duy trì và vinh danh đặc biệt ở Anh quốc, khi cả nước hồi
họp mong đợi sự ra đời của hoàng tử George Alexander Louis, prince de
Cambridge, ngày 22-07-2013, thuộc hệ thứ ba lên ngôi sau ông nội và cha là
Charles và William, trong khi Nữ hoàng Elisabeth II tuổi ngoài 87 còn tại vị.
Việt nam ta
đã trở thành một nước Cộng hòa sau vua cuối cùng Bảo Đại nhà Nguyễn nên việc nối
giòng ít ai còn để ý đến nữa đặc biệt nhất là miền Nam thuộc địa Pháp 80 năm.
Hơn thế nữa, vì trong lúc bấy giờ tình hình đất nước mất an ninh ở vùng làng mạc
xa xôi nên các phú hào điền chủ của miền Nam sau 1945 không còn huê lợi như
xưa, nhiều nhà giàu chỉ còn có tiếng mà không có miếng.
Rồi đến thời
chia đôi đất nước, tình trạng nầy càng có hướng đi xuống hơn vì Thời Đệ nhất Cộng
hòa có luật Cải cách điền địa giới hạn tối đa 100 mẫu ruộng cho mỗi người, rồi
đến Đệ nhị Cộng hòa lại ban hành luật Người cày có ruộng chỉ cho phép mỗi người
điền chủ chỉ còn giữ 5 mẫu, số còn lại bán lại cho Nhà nước và tiền truất hữu
đó được trả dần trong 8 năm.
Vì vậy, những
nhà từ đường lâu đời dần dần xuống cấp, con cháu tứ tán lưu lạc nhiều nơi mạnh
ai nấy lo sinh tồn, giữ tiếng tăm dòng họ « giấy rách phải giữ lấy lề ».
Người khá giả, có học ở tỉnh hoặc thành phần ở vùng « xôi đậu » không
thể bám vào vườn ruộng hoặc không còn nguồn đất sống thường tập trung về thủ đô Saigon vì ở đây ít
ai để ý tông tích ai, gần « mặt trời » và sự hiện diện của quốc tế dù
khó tin nhau được nhưng dễ sống hơn.
Trong thời
kỳ Pháp thuộc, con em miền Nam phải học theo chương trình Pháp nhưng mục đích của
Tây chủ yếu là chỉ đào tạo thành phần phục vụ cần thiết tiếp tay cho việc đô hộ
như thông ngôn, thư ký giáo viên…Do đó thành phần điạ chủ điền chủ ruộng cò bay
thẳng cánh không còn nữa.Thành phần được chính quyền bảo hộ để ý tới nhất bấy
giờ là giới có tài sản hoặc học thức, và đặc biệt nâng đỡ những người theo đạo
Thiên Chúa, họ ban đặc ân hơn như giao chức vụ lãnh đạo hoặc cố vấn ở tỉnh
làng, được vào quốc tịch Pháp, cho phép khuyến khích con em du học ở Pháp.
Điểm hay
đáng lưu ý nhất là dù là thuộc địa, tổ chức hành chánh văn hóa giáo dục theo guồng
máy cai trị Pháp, Nam kỳ vẫn giữ được ngôn ngữ mình trong tất cả các văn kiện
trong nước đều viết bằng hai thứ tiếng như trong khai sinh, giấy thông
hành,…Ngay cả trong hệ thống giáo dục, học sinh Việt cũng được học tiếng mẹ đẻ
ngay ở lớp Chót Tiểu học (Cours Enfantin) tức là lớp Một ngày nay, dù được xem
như môn ngoại ngữ và chương trình vẫn là chương trình Pháp. Về hành chánh, luôn
dùng hai thứ tiếng dù lúc đầu các cấp lãnh đạo cai trị viên đều do người Pháp
như Ông Chánh (Tỉnh trưởng) Ông Cò (Cảnh sát trưởng). Khác hẳn với Cambodge
(Kampuchea), ngôn ngữ hành chánh là tiếng Pháp.
Đến đây
chúng ta cũng nhận thức rằng cũng như các cường quốc Âu châu khác lúc bấy giờ
Anh, Tây ban nha, Bồ đào nha, Hòa lan đang tìm thị trường mới đất mới ở Á châu,
Phi châu, chánh sách của thực dân là khai thác triệt để tài nguyên, bóc lột dân
bị trị sắt máu hơn, Pháp biết rõ đặc biệt Nam bộ có nhiều sản phẩm nguyên liệu
quan trọng, một thị trường tiêu thụ tốt có nhiều hải cảng thích hợp cho việc
giao thông bằng đường thủy trong nưóc hoặc ra nhiều nước khác. . Nhưng dù Pháp
là tên xâm lăng văn minh từ phương xa đến, Pháp lại có công thiết lập hạ tầng
cơ sở, để lại cho chúng ta bao công trình văn hóa kỹ thuật kiến trúc đáng ghi
nhớ và còn lưu lại hữu dụng cho đến ngày nay khắp nơi từ Nam đến Bắc, từ thành
phố đến tỉnh lẻ.
Xin nhớ rằng
Nam kỳ là vùng đất mới khai thác mở mang, đất của bao lưu dân, thuộc địa Pháp gần
một thế kỷ (1862-1945) trong khi Bắc kỳ và Trung kỳ chỉ là vùng bảo hộ từ 1884,
ảnh hưởng của Pháp rất sâu rộng là việc hiển nhiên. Pháp mang đến một luồng gió
mới văn minh khoa học kỷ thuật, nền văn hóa tư tưởng tôn giáo khác lạ lôi cuốn,
tinh thần phóng khoáng tự do của cuộc Cách mạng 1789 lập nền Cộng hòa, vẽ lên một
nếp sống sinh hoạt tích cực thịnh vượng gần như khác biệt đoạn tuyệt với truyền
thống căn bản phong kiến trong khuôn thước trước kia.
Riêng bản
chất miền Nam không chỉ đơn thuần của dân tộc Việt mà còn là tổng hợp sắc thái
bao di dân khác từng bị ngoại thuộc xâm lăng cùng nhau khai hoang lập nghiệp ở
đây, một sống một còn chiến đấu với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ
trên bờ dưới nước, hoang vu độc địa nên càng ngày càng khẳng định rõ bản chất mới
riêng của mình hòa đồng « tứ hải giai huynh đệ », rộng lượng, thực tế, đơn
giản khiêm tốn, chấp nhận khác biệt, bớt ích kỷ hẹp hòi hiếu chiến kỳ thị, bình
đẳng hơn, bộc trực thẳng ngay, dám làm dám chịu, sẵn sàng đứng lên hy sinh vì
lý tưởng đại cuộc chính nghĩa.
Gia đình, tổ
quốc vẫn là nồng cốt theo truyền thống ngày xưa tuy nhiên phong tục nghi lễ rườm
rà có tính cách phô trương hào nhoáng không cần thiết câu người nhẹ dạ hời hợt
mê tín dị đoan đã bị xóa bỏ hay đổi thay dần dần không tiếc tha ướm theo tinh
thần tiến bộ khoa học hiện đại thế giới.
Vì vậy, như
dòng nước xuôi giòng, việc nối giòng không còn chỉ là nỗi đa đoan ám ảnh của
thành phần cao cấp trong xã hội đương thời như với thời phong kiến mà hồng tâm
điểm chỉ là một dòng họ riêng tư nhỏ bé khép kín, mà ngày nay việc nối giòng cần
được mở rộng đến tầm độ cao quan yếu, cấp bách vì liên quan đến sự tồn vong của
cả một dân tộc anh hùng có trên 4000 năm lịch sử dựng và giữ nước toàn vẹn lãnh
thổ độc lập tự do đang bất hạnh sắp bị ô nhiểm xâm thực bởi con vi rút vừa lạ vừa
quen biến thể quỉ khốc thần sầu biến hóa thần thông tà giáo sẵn sàng luồn lách
bằng mọi cách vào huyết mạch làm tê liệt thần kinh não bộ hầu xâm lăng đồng hóa
dân ta.
Không thể chần chừ trì hoãn được nữa cần chận
đứng nguy cơ hiểm họa vong bản tầm ăn dâu nầy có cơ xảy ra không biết lúc nào.
Việc nối
giòng phải được quyết tâm tiếp tục thực hiện cho bằng được theo gương tổ tiên
ngày trước hầu xứng đáng là con cháu đích thực Hồng Lạc Rồng Tiên cho đến ngàn
sau.
Cô
Trần Thành Mỹ