Paris đây rồi, thủ đô ánh sáng của nước Pháp ! Tôi đến Paris 13 vào
mùa hè ấm áp, nắng chói chan, rộn rịp ‘phố đông người qua’. Không phải Paris
vào thu của Anatole France với ‘‘lá vàng trong những hàng cây đang run rẩy’’.
Không biết con số 13 tốt xấu thế nào với dân
bản xứ, vì đến đây, khu phố nầy, thật ít thấy người da trắng mà phần nhiều là
người châu Á, một Chinatown. Hàng quán được trình bày theo gốc gác của chủ
nhân, bao người bao vẻ. Nhan nhản những hoa quả ngoại nhập, thức ăn Tàu, Việt,
Miên, Lào thuần túy hay chế biến cho hợp khẩu vị mọi người. Bàn ghế được bày ra
hiên, thực khách ngồi trong ngoài, có khi còn xếp hàng chờ đợi. Những đĩa rau
đầy ấp, giá trắng phau, húng quế, ngò gai xanh tươi, ớt đỏ mộng, chanh tươm
nước, màu vàng của hột cải làm khách qua đường ‘mê hồn trận’ quên mất mình đang
ở Paris. Họ gọi nhau bằng tiếng mẹ, xí xô xí xào ngộ nị, mầy tao răng chừ mô
tê, thế nào bòn ơi...
Người bản xứ như lạc lõng hay hòa đồng
trong lớp người xa lạ nay trở thành quen thuộc, họ cũng cầm đũa gắp, dùng chén
tộ ăn mì phở cơm canh. Họ cũng thích ngồi bên tô phở tàu bay xe lửa toả khói,
nặn chanh, thêm tương ớt, ngắt nhỏ ngọn rau thơm, chan nước mắm nếu cần. Nhìn
những mái tóc nâu vàng nghiêng nghiêng nhai nhóp nhép cuốn chả giò dòn khếu,
uống nước dừa tươi còn nguyên trái, ăn cơm bì, bún chả bún nem, Đông Tây như
chẳng còn ranh giới cách ngăn. Thế mới thấy tinh thần căn bản của Pháp quốc cởi
mở, tự do, tôn trọng nhân quyền khác hẳn với thực dân tư bản.
Hăm hở lên xuống bao chuyến métro để đến chiêm ngưỡng dung nhan chiếc
tháp cao nổi danh thế giới vì nói đến Paris không thể thiếu Eiffel. Để chào
mừng thiên niên kỷ mới, Tháp đươc tô điểm bằng một màu sơn nâu sầm sậm đặc biệt
dành riêng, sừng sững hiên ngang dạng chân như thách đố với thiên nhiên, thế
giới. Ai được xem cảnh Tháp trong đêm giao thừa bước sang thế kỷ 21, đắm mình
trong ánh sáng đèn đuốc, pháo bông tưng bừng đủ màu chớp tắt như lễ đăng quang
rạng ngời bầu trời, từ các tầng của tháp tung ra, tuyệt vời thơ mộng.
Sét đánh tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp.
Đến đây mới
nhân chân sự khác biệt giữa giàu nghèo, văn minh và kém mở mang. Tây phương càng
ngày càng nghiêng về cá nhân chủ nghĩa, thích sống trong cái kén gia đình chỉ
gồm có hai người tưởng cho đến đầu bạc răng long. Hưởng thụ là căn bản. Ngay
cách xưng hô cũng có khuynh hướng bình dân hóa dần dần, chữ ‘vous’ được thay bằng
chữ ‘tu’ thắt chặc tình thân mật thêm. Họ tin tưởng vào khoa học, khởi điểm của
mọi tiến bộ, và tập trung vào việc cải thiện đời sống vật chất.
Quan niệm sống cũng thay đổi theo thời, chạy đua nước rút với trào lưu
thế giới. Đời sống tinh thần, họ hoài nghi yếm thế hơn. Còn ở các xứ nghèo kém
mở mang, ăn chưa đủ no, lo cũng vô ích, cái hố sâu giữa hai tầng lớp xã hội
sang hèn khó được lấp bằng. Người giàu có cơ phương giàu hơn, bè đảng vây cánh
càng nhiều càng tốt, để lại cho con cháu về sau :
‘’ Ông
cha kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù hiên ngang.’’
Ngẩng lên nhìn tháp, tôi có cảm tưởng như
đang chiêm ngưỡng một bộ xương khổng lồ, nồng cốt của thế nhân, một giàn phóng
hỏa tiễn trực chỉ không gian vô định, một kỳ công trong lãnh vực khoa học kỹ
thuật tiến bộ. Những chiếc thang máy đưa người lên cao xuống thấp, đứng xa nhìn
bằng cặp mắt dân nhà quê lên tỉnh như tôi, thật giống như con kiến vàng bò trên
cây me cây ổi .
Điểm hay ở đây là qua hai cuộc thế
chiến, tháp vẫn giữ vẹn hình hài mà còn được trang trí tô điểm xinh đẹp hơn
lên. Rời cô tháp Eiffel uy nghiêm chọc khoảng trời Paris lồng lộng, soi mình
trên gương sông Seine, tôi liên tưởng đến tháp chùa Thiên Mụ của sông Hương núi Ngự miền Trung, hy vọng có
ngày...
Ơ kìa đại lộ Champs Élysées dài rộng với
Khải hoàn Môn hùng vĩ ‘lòng chợt vui như say, kìa đường lên Thiên thai’, nơi mà
Lưu Nguyễn xưa nay lạc bước, vốn có ‘nhạc vàng ai mê say’, rượu vàng ai ngây
ngây’ mà nhớ đến đường Norodom (sau nầy là Thống Nhất) thời Pháp thuộc. Cũng
con đường chính rộng nhất Saigon thời bấy giờ, hai hàng cây dọc bên lề dẫn đến
Sở thú, lề đường tráng xi măng sạch sẽ để cho dân chúng tham dự buổi lễ diễn
hành ngày Quốc khánh Pháp 14-07 hằng năm.
Lần theo con đường nổi danh thế giới
nầy, tấp nập nhất là du khách khắp nơi, quán ăn giải khát sang trọng đắc
tiền đầy người chật cả lối đi, hình ảnh
quen thuộc của Saigon thuở trước với phố Catinat, Charner, Bonard tưng bừng náo
nhiệt mọi mùa.
Có nhìn tận mắt hình ảnh nầy mới thấy thương
dân thuộc địa, có lẽ người Pháp cũng muốn biến các thủ đô chiếm hữu rập khuôn
theo hình ảnh quê hương mẫu quốc. Saigon, một Paris mini, bonsai ? Nhiều
người cho rằng nhờ họ ta mới có những kiến trúc nguy nga đồ sộ như dinh Toàn
quyền, dinh Thủ tướng, Bưu điện, Toà Đô chính, Nhà hát Tây, nhà thờ Đức
Bà ! !
Nhớ tên các đường Saigon thời bấy giờ hầu
hết đều mang tên Pháp như Calmette, Gallieni, Chasseloup Laubat,...nhưng không
hiểu vì lý do gì mà đại lộ đi thẳng vào tim dinh Toàn quyền mang lá cờ Tam Tài
lại mang tên Norodom, ông hoàng Sihanouk Cao miên, từng sang Việtnam du học ở
Saigon. Không lẽ người Pháp có lý thật khi họ bảo :’’Dân Pháp dốt về địa
lý’’vì ở đây đã lẫn lộn Việt nam với Kampuchea. Hoặc giả họ không phân biệt
được Việt Miên Lào mà họ đã sáp nhập thành một Indochine française, Đông dương
thuộc địa của họ. Cũng như, có lẽ vì không biết giống đực giống cái tên Việt,
nên đã đặt tên trường Nữ Trung học miền Nam và miền Trung là Gia Long, Đồng
Khánh ! !
Một ngày đối diện với Paris mới nhận chân người Pháp rất hòa đồng, tự
do, bình đẳng, bao dung, ít kỳ thị, có khi còn hơn hẳn dân ta. Mong dân mình
yên hưởng hoà bình thật sự để có cơ kiến tạo quê hương. Việt nam ta được thiên
nhiên ưu đãi rất nhiều, thế mà vẫn nghèo khổ trên tiềm năng phong phú. Chất xám
cũng chưa được triển khai, sử dụng đúng mức, lắm khi cờ nằm trong tay mà không
dịp phất hợp thời.
Xứ nào cũng có nét đẹp riêng độc đáo của nước ấy như Trung quốc nổi
tiếng về Vạn lý trường thành, Việt nam vịnh Hạ long, Kampuchea với Đế thiên đế
thích...Hãy thưởng thức, học hỏi cái hay cái đẹp của nguời hầu sửa sai, phát
huy cái gì mình sẵn có vì nếu Paris được mỹ danh Thủ đô ánh sáng, Saigon cũng
vinh hạnh là Hòn ngọc Viễn đông.
Cô Trần Thành Mỹ