Nhân đọc trên Internet về giải Nobel khoa học làm tôi lưu ý về câu nói đặc
biệt của BS Loncólogo Bresilien Drauzio như sau:
"Trong thế giới hiện tại, chúng
ta đầu tư trong cuộc tìm kiếm thuốc kích thích cho đàn ông và chất silicone cho
ngực đàn bà năm lần nhiều hơn là tìm
thuốc để trị bịnh Alzheimer. Vài năm nữa, chúng ta sẽ có những đàn bà với vú
bự, những cụ già với dương vật cứng ngắt nhưng không người nào nhớ những cái đó
để làm gì. ".
Tôi cố gắng tìm hiểu thêm về căn
bệnh nan y này để chúng ta có thêm kinh nghiệm mà đề phòng. Sa sút trí tuệ (dementia)là
bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Biểu hiệu của bệnh là dấu hiệu hay quên, suy
nghĩ không được rành mạch, tức là bệnh giảm trí nhớ và giảm nhận thức. Nếu
không phát hiện sớm hoặc cố tình giấu bệnh lâu ngày sẽ trở thành lú lẫn.
Người sa sút trí tuệ thường hay bị nhầm lẫn hay quên đưa tới hậu quả xấu
trong sinh hoạt hằng ngày như vệ sinh cá nhân, sử dụng thiết bị bếp nút thiếu
an toàn, mất ngủ, v.v….Hơn nữa họ dễ sinh ra trầm cảm, lo âu buồn phiền vì cảm
giác cô đơn. Cụ thể của triệu chứng quên
là việc đếm tiền hằng ngày, khó khăn trong việc quay số điện thoại, nhầm lẫn
trong việc mua sắm, khó khăn tìm đường trong thành phố…Nhân cách cũng thay đổi
như ngơ ngác thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên, không nhớ.
Hiện nay bên Hoa Kỳ có 4.5 triệu người lớn tuổi bị bệnh Alzheimer, tuổi
mắc bệnh thường từ 60 trở lên. Con số này dự đoán sẽ gấp nhiều lần trong vòng
20 năm tới, khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Mặc dù vẫn chưa có một
phương pháp thực sự hữu hiệu nào để ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng các nhà
nghiên cứu đã đạt được những bước tiến quan trọng trong 5 năm gần đây. Điều trị
thích hợp có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Ngày càng
có nhiều loại thuốc được nghiên cứu, và các nhà khoa học còn khám phá ra hàng
loạt gen có liên quan đến Alzheimer, từ đó đã đưa ra nhiều hướng điều trị nhằm
ngăn chặn bệnh lý phức tạp này.
Vào thập niên 1980, báo chí Mỹ rầm rộ đưa tin rằng một nhóm bác sĩ bên Mỹ
đã thành công điều trị bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) bằng cách bơm
bethanechol chloride vào não. Vì bệnh Alzheimer là bệnh nan y (ông TT Ronald
Reagan từng mắc bệnh này trong thời gian làm tổng thống Mỹ), không có thuật
điều trị dứt, cho nên báo chí Mỹ lúc đó ca ngợi đây là “một sự đột phá trong
việc điều trị bệnh Alzheimer”, và “các bác sĩ hi vọng rằng bệnh Alzheimer sẽ được
chinh phục nay mai”! Nhưng sự thật là họ chỉ điều trị 4 bệnh nhân, và kết quả được
đánh giá một cách chủ quan theo cảm nhận của bác sĩ. Đến khi thuật điều trị đó
được áp dụng cho vài bệnh nhân khác, kết quả hoàn toàn vô dụng và bản tin trở thành câu chuyện hài hước trong
giới y khoa. Chúng ta thật thận trọng khi biết được những khám phá điều trị mới
về căn bệnh nan y này.
Nguyên nhân
Alzeimer?
Theo nhiều BS tuy nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer vẫn chưa biết chính
xác, yếu tố lớn nhất vẫn là tuổi tác: sau 65 tuổi, cứ thêm 5 tuổi thì nguy cơ
mắc bệnh lại tăng gấp đôi. Sau 85 tuổi thì nguy cơ bị bệnh là 50%. Bệnh
Alzheimer là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng, biểu
hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi, thường khởi
phát ở lứa tuổi trên 65. Các khoa-hoc-gia cũng đã tìm thấy những thay đối khác
trong não của các người bị bệnh Alzheimer. Các tế-bào thần kinh ở những vùng
não cần-thiết cho trí-nhớ và những năng-lực tâm-thần khác bị chết nhiều và sự
liên-kết giữa các tế-bào thần-kinh bị gián-đoạn.
Ngoài ra số lượng các hoá-chất chuyển tín-hiệu (messages) qua lại giữa các
tế-bào thần-kinh cũng giảm.. Bệnh Alzheimer
làm hao- tổn khả-năng suy- nghĩ (thinking) và trí nhớ (memory) bằng cách
phá các tín-hiệu này.
Yếu tố sinh học của não - Nhờ tiến
bộ trong lĩnh vực hình ảnh học, người ta đã phát hiện người bị Alzheimer có sự
mất tế bào thần kinh và giảm thể tích những vùng não chi phối trí nhớ, vùng đảm
nhận tâm thần kinh. Dưới kính hiển vi điện tử, khi xem xét mô não về tế bào học
thấy có tổn thương về mặt sinh học, đó là sự thoái hóa của các sợi dây thần
kinh, hoặc bị tổn thương chỉ còn là những ống nhỏ ngăn cản vận chuyển chất dinh
dưỡng nuôi tế bào thần kinh. Vấn đề này liên quan đến một protein tên là Tau.
Kế đến là sự xuất hiện của một protein gọi là beta Amyloid, chúng không hòa tan
nên tích tụ thành những mảng keo. Ở bệnh nhân Alzheimer, những chất này nằm
xung quanh các tế bào thần kinh chết, một loại protein có tên Amyloid precursor
(APP) cũng tồn tại ở đây giúp cho hoạt động hủy hoại tế bào thần kinh của beta
Amyloid. Sự có mặt quá nhiều của beta Amyloid sẽ làm giảm chất trung gian dẫn
truyền thần kinh acetylcholine cần thiết cho trí nhớ.
Beta Amyloid cũng ngăn chặn sự vận
chuyển ion kali, natri, calcium qua màng tế bào (giúp cho quá trình truyền tín
hiệu thần kinh). Ngoài ra còn có vai trò của một số chất protein khác như ERAB
(endoplasmic-reticulum associated binding protein), mảng AMY (giống beta
Amyloid), Par-4 (prostate apoptosis response - 4).
Sự oxy hóa và đáp ứng viêm - Nhiều nghiên cứu đã cố gắng đi sâu tìm hiểu
tại sao beta Amyloid lại gây tổn thương não trong bệnh Alzheimer và đã phát
hiện ra sự xuất hiện của các gốc oxy tự do. Sự xuất hiện nhiều chất này sẽ làm
tổn thương tế bào thần kinh. Thật ra sự xuất hiện các chất oxy hóa là sản phẩm
của hầu hết những phản ứng hóa học trong cơ thể con người nhưng với một lượng
dư thừa sẽ gây hại (chất oxy hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh
của bệnh mạch vành và ung thư). Ngoài ra chất oxy hóa cũng liên quan với đáp
ứng miễn dịch, đó là phản ứng viêm (men cyclooxygenase và prostaglandin làm tổn
thương tế bào thần kinh).
Yếu tố gene - Các gene đóng vai trò gây khởi phát muộn Alzheimer là Apolipoprotein
(ApoE). Trong cơ-thể mọi ngưòi đều có ApoE để giúp chuyển tải cholesterol trong
máu, nhưng chỉ có khoảng 15 phần trăm dân- chúng là có dạng ApoE tăng rủi-ro bị
bệnh Alzheimer. Cũng có những gene khác tăng rủi- ro bị Alzheimer hoặc giúp chống lại bệnh này. Chẳng hạn như
biến-thể bất bình thuờng cuả gien SORL1 có liên-quan đến bệnh Alzheimer bộc
phát trễ (late onset Alzeimer). Còn những đột biến gene PS1, PS2 hoặc gene kiểm
soát APP sẽ làm cho bệnh Alzheimer khởi phát sớm hơn. Giảm hormone sinh dục nữ:
Sự giảm estrogen sau mãn kinh có liên quan rõ rệt đến giảm trí nhớ và sa sút
tâm thần.
Yếu tố môi trường - Nhiễm trùng, nhiễm kim loại (người ta phát hiện kẽm,
đồng tích tụ trong mô não người bị Alzheimer), môi trường điện từ trường, nhiễm
độc...
Theo các nhà nghiên cứu Đức thì những người có lượng đường trong máu cao có
nhiều khả năng gặp vấn đề trí nhớ. TS Agnes Floel thuộc ĐH Y khoa Charite Berlin,
tác giả một nghiên cứu trên tạp chí Neurology cho biết những người có lượng
đường trong máu thấp có khả năng đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra trí
nhớ. Nghiên cứu được thực hiện với 141 người có độ tuổi trung bình 63, không bị
bệnh tiểu đường hay tiền tiểu đường. Họ được yêu cầu nhớ lại 15 từ trong vòng
30 phút. Họ được quét não để đo kích thước vùng hippocampus của bộ não, là bộ
phận có vai trò quan trọng trong trí nhớ. Nghiên cứu cho thấy những người nhớ
được ít từ hơn có lượng đường trong máu cao hơn. Và kích thước vùng hippocampus
trong não cũng nhỏ hơn. Theo TS Floel “những kết quả nấy cho thấy ngay cả những
người có lượng đường trong máu ở mức bình thường, việc làm giảm lượng đường
cũng là một phương pháp đầy hứa hẹn để ngăn ngừa việc suy giảm nhận thức và trí
nhớ khi lớn tuổi. Chúng ta nên ăn giảm calory tiêu thụ và tăng cường hoạt động
thể xác”.
Một số yếu tố khác đã được xác định có liên quan Alzheimer là homocystein,
sự thiếu hụt vitamin nhóm B, trầm cảm, chấn thương đầu, nhóm người có điều kiện
kinh tế kém và học vấn thấp.
Dấu hiệu phát triển
của bệnh
Bệnh Alzheimer phát-triển chậm, triệu-chứng duy-nhất lúc đầu chỉ là chứng
hay quên (forgetfulness) mà chúng ta có thể lẫn với thay đổi của trí nhớ liên
quan đến tuổi già. Hầu hết những người có chứng hay quên nhẹ không có bệnh
Alzheimer. Tỷ lệ bệnh Alzheimer ở người trên 65 tuổi là khoảng 5% và ở nhóm
người trên 85 tuổi là 20%. Vào giai-đoan đầu của căn bệnh này, các bệnh-nhân có
khó khăn nhớ lại các sự cố mới xẩy
ra, các hoạt-động hay tên của những
người thân hoặc đồ vật. Họ có thể không còn giải-quyết đươc các bài toán đố
đơn- giản. Các khó khăn này có thể làm bực bội khó chịu nhưng không đủ nghiệm-
trọng đế gây lo lắng.
Các biến đổi đặc trưng trong não là sự giảm sút đáng kể các nơron, teo lan
tỏa vỏ não, giãn rộng não thất. Sau đây là triệu chứng thông thường ở người già
mắc bệnh Alhzeimer:
- Quên tên hay lãng quên tên (tên bố, mẹ, vợ, con...) lặp đi, lặp lại
nhiều lần trong ngày. Cuối cùng là quên tên của mình.
- Hay ghi chép lặt vặt (tạo tiền đề để nhớ).
- Tìm mọi cách để phủ nhận những sa sút trí nhớ của mình.
- Gọi điện cho người thân nhiều lần (gọi xong lại quên, gọi lại).
- Lẫn lộn các đồ vật, nhầm ngày, tháng, năm
- Đi phố quên đường về nhà
- Chứng mất ngủ thường xuyên
- Xử dụng khó khăn máy móc trong nhà, có rủi ro gây hỏa hoạn
Cách ngăn ngừa và
chữa trị
Trong nhiều cố gắng y học khẳng định “quên giai đoạn sớm” có thể chữa được
và ít ra cũng làm chậm lại quá trình bệnh hoặc tạo cho bệnh nhân đời sống tốt
hơn. Vấn đề đặt ra là khi bạn có biểu hiệu quên thì nên đi khám BS để xác định
mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ và kịp điều trị sớm. Dù nhiều công trình
nghiên cứu trên thế giới đã cố tìm những biện pháp nhằm giảm nguy cơ của bệnh,
nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khả thi vì nguyên nhân chính yếu gây bệnh chưa
được biết đến. Do đó việc phòng ngừa cũng chỉ là hạn chế các yếu tố nguy cơ.
·
Khám BS để chẩn bệnh để biết ở tình
trạng nào và dùng thuốc men điều trị. Hiện nay có nhiều thuốc điều trị cho
chứng quên do sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường
ở người lớn tuổi, do trầm cảm, stress hay Alzheimer…Một số thuốc có tác dụng
duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức dùng trong điều trị bệnh Alzheimer là các
thuốc dinh dưỡng thần kinh, tăng cường chuyển hóa, tuần hoàn não. Đặc biệt các
thuốc như tacrine, donepezil và rivastigmin.
Một thứ thuốc khác, nemantine(Namenda) cũng đã được chấp-thuận để trị
bệnh Alzheimer vừa hay nặng., mặc dầu thuốc chỉ có hiệu-ứng giới-hạn.Ngoài
ra,cũng còn một số thuốc giúp kiểm- soát những triệu-chứng về tật-tính
(behavioral symptoms) của bệnh Alzheimer như mất ngủ, kích-đông, đi lang-thang,
bồn chồn và trầm-cảm. Một khi trị đươc các triệu-chứng này bệnh-nhân sẽ cảm
thấy thoải-mái hơn và người chăm nom cũng sẽ đỡ vất vả hơn.
·
Chế độ dinh dưởng như ăn nhiều chất
Omega-3 trong cá hồi (salmon). Bổ sung Vitamin C và E. Một nghiên cứu ở trường
ĐH John Hopkins cho thấy Vitamin C và E dùng chung có thể làm chậm sự tiến
triển của bệnh Alzheimer. Nếu sử dụng dầu cá thường xuyên trí nhớ ta sẽ được
cải thiện đáng kể và tăng khả năng phán đoán, tập trung ở người lớn tuổi. Dầu
cá hơn nữa còn giúp chống lại chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực và
xoa dịu các triệu chứng liên quan đến tâm lý. Một nghiên cứu gần đây cho thấy
những người lớn tuổi ăn cá ít nhất 1 lần mỗi tuần giảm khả năng phát triển bệnh
Alzheimer. Nghiên cứu trên được tiến hành từ việc thu thập thông tin từ nhóm
260 người khỏe mạnh tuổi trung bình là 76. Những hình ảnh quét não bộ được tiến
hành sau 10 năm cho thấy những người không ăn cá đều đặn đã có sự teo đi ở một
số vùng chính của não bộ liên quan đến trí nhớ. Trong 5 năm liên tiếp có tới
31% những người không ăn cá thường xuyên đã có biểu hiện của bệnh Alzheimer
trong khi đó những người ăn cá ít nhất 1 lần mỗi tuần tỷ lệ này là 3 đến 8%.
Theo các nhà khoa học cá cần được chế biến sao cho giữ được lượng acid béo
Omega-3 ở mức tối đa, chúng sẽ theo máu lên não. Cá chiên giữ lượng Omega-3
thấp nhất. Việc thiếu hụt acid béo Omega-3 là nguyên nhân chính gây nên chứng
mất và suy giảm trí nhớ ở người già.
·
Nghệ, gừng, ớt chẳng những thêm hương
vị cho món ăn mà còn là những chất kháng viêm thiên nhiên (còn gọi là kháng oxy
hóa hay antioxidant) .
·
Các nghiên-cứu trước đây cho thấy
là chất ly-trích từ lá cây ginkgo biloba có thể giúp trị các triệu-chứng của
bệnh Alzheimer. Hiện chưa có bằng- chứng là chất này có thể chữa khỏi hay phòng
ngừa bệnh Alzheimer, nhưng các nhà khoa-học đang làm thử-nghiệm lâm-sàng xem
ginkgo biloba có thể làm chậm sự suy-yếu nhận-thức và ngăn chặn sự sa-sút
trí-tuệ (dementia) của người già hay không.
·
Hạn chế dùng các loại dầu thực vật
có chứa chất béo poly-unsaturated (như dầu hướng dương, dầu bắp, dầu safflower)
mà thay bằng dầu olive ép nguội (không nấu).
·
Ngủ nhiều – loại bỏ các độc tố
trong não giữ một vai trò quan trọng, bởi sự tích tụ của chúng cũng như sự tích
tụ của các protein độc hại có thể gây ra bệnh Alzheimer và hàm lượng này sẽ
giảm tối đa khi ta ngủ. Gần đây Dr Maiken Nedergaard thuộc khoa y học ĐH Rochester
, NY cho biết trong tạp chí Science “nghiên cứu cho thấy não có các trạng thái
hoạt động khác nhau trong suốt quá trình thức và ngủ. Bản chất phục hồi của
giấc ngủ xuất phát từ sự loại bỏ các chất cặn bã được sinh ra bởi hoạt động của
tế bào thần kinh và tích tụ trong suốt quá trình chúng ta thức. Để tiến hành
công việc dọn vệ sinh này, não sử dụng một hệ thống duy nhất có tên là “bạch
huyết” hoạt động rất tích cực trong giấc ngủ của chúng ta và giúp dọn sạch các
độc tố gây ra bệnh Alzheimer và nhiều bệnh thần kinh khác”. Thêm vào đó các nhà
nghiên cứu còn phát hiện ra rằng các tế bào giảm kích thước của chúng đến 60%
khi chúng ta ngủ, điều này giúp cho các chất cặn bã được loại bỏ hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên đã có thể quan sát hệ thống làm sạch não nhờ
công nghệ hình ảnh mới được sử dụng ở chuột là loài có bộ não tương tự như con
người.
·
Chích vaccin – ngày 9 tháng 12 năm
2012 các nhà khoa học tại viện Nghiên cứu Thần kinh Sydney (BMRI) ở Úc cho biết họ đã nghiên cứu thành công
vaccin làm chậm quá trình phát triển bệnh Alzheimer. Họ tiến hành thí nghiệm
trên loài chuột mang bệnh Alzheimer và kết quả cho thấy vaccin có tác dụng
phòng ngừa và làm giảm khả năng phát triển các mảng thái hóa thần kinh trong
não khi tác động vào một loại protein có tên Tau. Nhà nghiên cứu Lars Ittner
cho biết đây là loại vaccin đầu tiên nhằm vào protein Tau có hiệu quả ngay hình
thành bệnh. Các nhà nghiên cứu Úc đang cộng tác với nghành dược của Hoa Kỳ để
bào chế loại vaccin này.
·
Kết quả công trình nghiên cứu mới
công bố trên tạp chí Neurology cho biết hút thuốc, bệnh áp huyết cao và bệnh béo
phì ở tuổi trung niên có thể dẫn đến tình trạng giảm thiểu não bộ và phát triển
nhanh bệnh mất trí nhớ. “Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sớm nhận
dạng những nhân tố nguy cơ có thể giúp xác định đối tượng tuổi trung niên bị đe
dọa mắc bệnh mất trí nhớ cao nhất, nhằm thuyết họ thay đổi lối sống trước khi
quá muộn”. theo GS Charles DeCarll của ĐH California in Sacramento.
·
Thay thế gene – gần đây giới khoa
học bên Anh cho biết bệnh Alzheimer ở
nam và nữ giới có thể được ngăn chận bằng cách loại bỏ các gene xấu hỏng
và thay thế bằng gene khỏe mạnh. Họ thêm rằng các loại thuốc trên thị trường có
thể trì hoãn tiến trình bệnh Alzheimer, nhưng lại thất bại trong việc ngăn chận
những nguyên nhân sâu xa trong não có nghĩa là tác dụng các loại thuốc này đã
qua quá nhanh chóng và ngay sau đó là quá trình tàn phá của căn bệnh tới trí
nhớ. GS Julie Williams đã đưa ra dự đoán sau khi dẫn đầu một nghiên cứu lớn
nhất chưa từng có về tính di chuyền của bệnh này. Các tổ chức về Alzheimer cho
biết khám phá thú vị về các gene liên kết với căn bệnh này sẽ mở rộng những con
đường mới để thăm dò trong nghiên cứu nhằm điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Nghiên cứu bước ngoặt này do sự tham gia của hơn 180 nhà nghiên cứu từ 15 quốc
gia trên thế giới. Những gene này được phát hiện bằng cách so sánh DNA của hơn
25 ngàn người mắc bệnh Alzheimer với 48 ngàn người không mắc bệnh. GS Williams
người chủ tịch cố vấn khoa học của Welsh Assembly và cũng là nhà nghiên cứu
thực hiện cho biết “Điều làm chúng tôi
bất ngờ là phần lớn các phát hiện là loại mẫu khỏe mạnh của cơ thể đang gây ra chứng mất trí
nhớ. Mỗi gene riêng biệt sẽ mang đến một rủi ro thấp. Nhưng khi bạn đặt tất cả
các thông tin cùng nhau, chúng sẽ tiết lộ cho ta biết một câu chuyện lạ lùng và
thú vị và điều đó đưa chúng ta vào một phương hướng mới”. Bà cho biết thêm,
kết quả nghiên cứu cần được theo dõi với sự cấp bách thực sự để xác định xem
các gene gây ra bệnh Alzheimer bằng cách nào. Biết được điều này sẽ đẩy nhanh
tốc độ nghiên cứu cho biện pháp điều trị bằng thuốc mới. Tuy nhiên có một khả
năng khác đó là sửa lại DNA hỏng hoặc biến thể gene gây ra Alzheimer bằng cách
cho bệnh nhân một gói gene khỏe. Bà bổ xung rằng trong một tương lai xa mọi
người trong độ tuổi 40 hay 50 cần phải được kiểm tra các gene gây mất trí nhớ
và sử dụng liệu pháp điều trị gene hay những biện pháp điều trị khác để ngăn
ngừa bệnh Alzheimer phát triển vĩnh viễn.
Ngày càng nhiều bằng chứng về y khoa cho thấy việc kích thích não (suy
nghĩ) suốt đời là chìa khóa cho việc nuôi dưỡng và duy trì các tế bào não khỏe
mạnh, chặn đứng việc giảm trí nhớ và có thể ngăn chặn được bệnh Alzheimer. Hãy
thử làm công việc mình thích thú (có lương hay tình nguyện), theo đuổi các sở
thích (như chơi cây cảnh, sưu tầm tem, …), tham gia tích cực vào các hoạt động cộng
đồng xã hội, học ngoại ngữ, ca hát, học nhảy đầm hay cách dùng các phần mềm vi
tính (iPad, computer software).
Trong khi chờ đợi sự thành tựu của những khám phá khoa học và thuốc mới
trong tương lai, giới baby boomers chúng ta đã và đang sắp vào tuổi cao niên
nên cố gắng tạo cho mình lối sống vui vẻ hòa thuận với mọi người xung quanh -
bạn bè con cháu, chat trên mạng thường xuyên, bỏ hút thuốc, xiêng năng tập thể
dục, đi bộ đều đặn, hoạt động thể thao, ăn uống đầy đủ chất bổ Omega-3, vitamine
C & E, ăn ít đường, nên ăn thịt của thú vật đi hai chân và rau cỏ nhiều
hơn, giảm thịt đỏ, luôn mĩm cười rộng lượng với mọi người xem ra là giải pháp
tốt nhất để giữ trí nhớ tốt và cũng đề phòng căn bệnh ngoặt nghèo Alzheimer
này…
Nguyễn Hồng Phúc – sưu tầm &
nghiên cứu
Tham khảo:
1. http://www.tintuccaonien.com/docs/docs_6/6_2_4.htm
2. Inactivity linked to Alzheimer by Sheryl Ubelacker form Canadian Press.