KHI RA ĐI



Hiện nay trên mạng có nhiều bài viết về nghỉ hưu. Mỗi tác giả có cái nhìn phản ánh nếp sống riêng của mỗi cá nhân, mỗi người mỗi vẻ rất phong phú. Tại sao chúng ta phải mất thì giờ bàn về chuyện về hưu nhỉ!.

Về hưu hay có người bị cho nghỉ việc tức hết chuyện mỗi sáng phải xách cặp đi làm thì sung sướng hơn, thế còn gì đáng nói nữa đâu. Đây là giai đoạn cuối của cuộc đời một con người. Có nhiều chuyện chúng ta nên biết để chuẩn bị chu đáo. Tuổi nghỉ hưu thường đi đôi với những suy nghĩ về cuộc sống nhàn nhã, không bận rộn tất bật với ngày dài làm việc và lo âu vì sợ mất việc. Thực vậy nếu không phải là người trong cuộc thì chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ hưu. Chia sẻ mối quan tâm về việc về hưu với bạn bè và cũng là cách đi tìm những câu trả lời thích đáng hầu mong dọn cho mình một hướng đi đúng lúc và thích hợp với sinh hoạt mới, môi trường mới…

Việc người lao động nghỉ hưu hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên. Con người được sinh ra, trưởng thành, tham gia hoạt động xã hội và sau đó đến tuổi già, bệnh tật và vĩnh biệt cõi đời. Nhân Lão Bệnh Tử. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này cũng đang sắp sửa bước vào tuổi lục tuần.

Khi cận ngày về hưu, cảm tưởng đầu tiên của chúng ta trong công việc là bạn đồng sự nể nang mình hơn vì được xem như người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm . Trong vài trường hợp hiếm cũng có nhiều người cho là già cả lẩn lộn. Vì thế giải quyết vấn đề gì cũng bằng kinh nghiệm, thong thả hiệu quả và nhanh chóng hơn người trẻ. Có tuổi rồi cũng không còn ham muốn thăng tiến hay trong lòng phập phòng sợ bị đuổi việc. Tài chính cũng quan trọng phần nào trong cuộc sống. Người cao tuổi ít bị ràng buộc bởi nợ nần, xe cộ nhà cửa cho nên ít bị áp lực phải làm ngày làm đêm mà vẫn lo lắng vì nợ nần chồng chất. Trong khi người trẻ lúc nào cũng thấp thởm lo âu vì sợ mất việc.

Ngày nay con người sống thọ hơn theo thống kê quốc tế vì nhân loại càng ngày càng có nếp sống văn minh hơn. Nhờ thu nhập nhiều kiến thức cập nhật với công nghệ truyền tin ngày nay. Họ biết chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Tuổi nghỉ hưu được quy định khác nhau tùy từng quốc gia, thay đổi trong khoảng từ 55 – 65 tuổi. Ở một số quốc gia, tuổi nghỉ hưu nam và nữ có khác nhau. Đây là lúc người về hưu phải điều chỉnh để thay đổi, bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống sau khi về hưu.

Tuổi nghỉ hưu, cũng là lúc cơ thể được coi là bắt đầu của tuổi già (từ 60 tuổi trở lên). Ở khoảng thời gian này tuổi chúng ta thì tăng đều đều nhưng những thứ khác thì giảm thấy rõ như sức khỏe, tiền bạc và bạn bè đều giảm lại thấy rõ. Người cao tuổi được định nghĩa là từ 60 tuổi trở lên, ở lứa tuổi này sức khỏe bắt đầu suy giảm, có nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc biệt là hệ thần kinh bị ảnh hưởng khá rõ rệt, có sự suy giảm trí nhớ, hay quên. Người cao tuổi không còn nhạy bén trong công việc, sức bền giảm, chóng mệt và hiệu quả công việc sẽ không cao. Ngoài ra, người cao tuổi có được sự tích lũy kinh nghiệm trong công việc cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Sự truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người trẻ - đội ngũ kế thừa đó là điều vô cùng đáng quý.

Giai đoạn chuẩn bị:

·                 Chuẩn bị tâm lý: Trong giai đoạn này chúng ta cần nhiều thời gian chuẩn bị để tìm hiểu đời sống thế nào cho thích hợp với hoàn cảnh của mình. Chúng ta cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý trước khi đến tuổi nghỉ hưu, nên có quan niệm đúng đắn về nghỉ hưu, đó là quyền được hưởng của người lao động, là thể hiện sự quan tâm của chính phủ mỗi quốc gia đối với người nghỉ hưu, điều đó cũng phù hợp với quy luật “tre già măng mọc“. Người nghỉ hưu cần phải tập thích nghi dần với sự thay đổi môi trường sống, môi trường sinh hoạt mới.

·                 Nên mua bảo hiểm nhân thọ khi còn trẻ, chớ không phải chờ tới khi khi về hưu. Người ta nói rằng dân tây phương sống còn lo chưa xong thế mà đa số vẫn lo cho chuyện chết trước tiên. Dân Tây phương mua bảo hiểm nhân thọ là để bảo đảm sự an toàn về tài chánh cho người sống sót như vợ yếu con thơ, nếu phận xui mà bị chết trẻ. Theo phong tục Á châu mình thì con cái hiếu thảo phải lo chu toàn cho bố mẹ già cho đến ngày nhắm mắt vì thế ít ai nghĩ đến chuyện bảo hiểm nhân thọ làm chi cho mất công, mất của… Nhưng thực tình nghĩ lại lo chu toàn cho người già quả là một gánh nặng đối với nếp sống phương tây này. Trong đời sống hằng ngày chúng ta có bao nhiêu chuyện phải lo như kiếm cơm manh áo, làm việc tất bật để trả nợ nhà nợ xe cộ và đủ thứ bills phải trả, lo chu toàn cho con cái về giáo dục tinh thần cũng như thể xác. Chở con đi học đàn, tập thể dục hay đi bơi. Có lắm nghìn chuyện phải lo. Chúng ta nếu thực sự lo cho thân phận già thì nên shop around (dọ hỏi thông tin) các hãng bảo hiểm nhân thọ để mua cái life insurance (loại bảo hiển nào) có lợi, rẻ và tốt cho mình, để khi ra đi vỉnh viễn mà không làm cái gánh nặng và phiền toái cho con cháu về sau. Vì thế cho nên, chúng ta nên tìm hiểu và trao đổi với những người đang về hưu để biết mình thích hợp với môi trường nào. Còn về việc "bảo hiểm nhân thọ" thì nên mua loại "Whole Life" khi còn trẻ, vì chờ đến khi già thì mắc lắm.  Nếu có bệnh "kinh niên" hay ung thư thì các hãng bảo hiểm có thể sẽ từ chối không bán.  Loại bảo hiểm "Term Life" thì chỉ có hiệu lực trong 1 khoảng thời gian được ấn định, không được mượn tiền trong khi cần đến, và cũng không có được tiền lời.  Nếu không may vợ chồng ly dị khi "các con" còn bé thì nên chuyển "ownership" qua cho người cha hay mẹ có quyền nuôi con, để lở người được bảo hiểm (insured person) "check out" bất tử thì trẻ em không phải vất vả 1 thời gian.

·                 Soạn thảo một kế hoạnh tài chính chi tiết để thích nghi với điều kiện sống mới vì ít nhu cầu hơn. Nhu cầu cơ bản như tiền nhà, tiền điện, tiền nước và thuế má. Sau đó tùy nếp sống mỗi người mà thêm vào những tiêu xài linh tinh như chi phí thể thao, xăng nhớt, bảo hiểm xe và nhà, du lịch theo lịch trình hàng năm. Không nên quên những thứ tiêu xài lặt vặt nào cả… và đây là những chi phí dễ quên khi tính toán và dễ đem đến nhiều ngạc nhiên. Tiền nghỉ hưu của hãng, của chính phủ tiểu bang, liên bang và những lợi nhuận phụ thuộc khác như tiền cho thuê nhà, v.v... Làm một kế hoạch chi tiết gồm những lợi tức về hưu hằng tháng trừ tất cả các tiêu xài xem liệu có đủ tài chính cho cuộc sống mới hay không. Nếu cần chúng ta nên tham khảo hay tư vấn với chuyên viên retirement.

·                 Làm di chúc và cần tư vấn luật sư để hiểu rỏ những gì cần để vào di chúc, phần chia công bằng cho con cháu để tránh phiền toái cho người thân yêu mình một khi nhắm mắt. Cho dù bạn có của ít hay nhiều, di chúc lúc nào cũng là điều quan trọng trong xứ tân tiến này. Xin bạn tiếp tục đọc những câu chuyện sau đây để hiểu tầm quan trọng của cái di chúc. Cần nhớ là chúng ta nên hiểu rõ tư vấn pháp luật (legal advice) trước khi làm di chúc.

·                 Nếu ở Mỹ, các bạn nên làm các hồ sơ pháp lý dưới đây:
o       Advance Health Care Directive (Hướng Dẫn Sức Khỏe)
o       Living Trust (Individuall or Joint) (Ủy Thác)
o       Power of Attorney (Ủy quyền)
o       Will (Di chúc)
Các giấy tờ trên đây có thể do chính mình làm và nhờ chuyên viên Thị thực chữ ký (Notary Public), hoặc là mướn luật sư (tổn phí cho tất cả tại California khoảng $700 tới $1,500 hoặc cao hơn nếu tài sản quá phức tạp).

·                 Trong di chúc sẽ liệt khai tất cả nguyện vọng của người già như phân chia gia tài cho con cháu bao nhiêu vào năm bao nhiêu tuổi, ai sẽ được ủy quyền (trustee) để quản trị tiền bạc và chia gia tài, nhất là người có con cái còn nhỏ chưa đủ tuổi tự lập thì người ủy quyền có tín nhiệm rất cần thiết cho những năm sau đó đến khi con cái trưởng thành. Thông thường khi làm di chúc luật sư sẽ khuyên ta nên làm giấy ủy quyền (power of attorney) cho những trường hợp đặc biệt như khi ta lâm trọng bệnh không có khả năng cai quản tiền bạc (disability) hay nhờ quản trị tiền bạc nhà cửa vì ta phải đi làm xa.
Giấy ủy quyền (power of attorney) cũng có nhiều hình thức tuỳ trường hợp mà áp dụng như - ủy quyền nhà băng, ủy quyền dài hạn (durable power of attorney), ủy quyền khi bất lực, v.v…Anh bạn thân của tôi tên Nhân sống tại Toronto với người mẹ già. Cách đây ba năm trước khi nhắm mắt bà có nguyện vọng muốn các con đem xác bà về Sóc Trăng an táng bên cạnh người thân vì ở Canada quá lạnh lẽo cô đơn. Anh bạn Nhân và các anh em vì chữ hiếu buộc phải lấy ngày nghỉ thường niên và mướn dịch vụ liệm bà mẹ để tiện việc chuyên chở về Việt Nam và Sóc Trăng. Một nguyện vọng quá phiền phức và tốn kém… Theo thiển ý nếu thương con cháu mình, thì  đừng làm phiền họ khi mình đã ra đi.  Chết rồi là mình đã yên thân.  Tại sao phải làm phiền người ở lại.

·                 Làm cái list liệt khai tất cả tin tức cá nhân (personal information) như sổ chứng khoán, nhà cửa, số điện thoại liên lạc khi cần, tài liệu theo dỏi sức khỏe định kỳ (health record), tên số điện thoại của các bác sỹ. Chúng tôi chơi tennis với anh bạn BS Chương vào những năm 98. Lúc đó anh chưa lập gia đình và được 56 tuổi. Năm sau anh quyết định lấy vợ cũng là một nữ BS từ VN sang. Một năm sau lấy nhau anh chị sinh một đứa con. Chúng tôi đi ăn nhà hàng với anh chị lúc cháu bé được 6 tháng tuổi. Vào mùa hè năm ấy anh cùng các bạn bè đi câu cá bằng thuyền trên Lake Deux-Montagnes, 35 km phía bắc Montreal. Trên thuyền các anh vừa ăn nhâu vừa câu cá. Chẳng may anh Chương đang đứng trên thuyền và sóng làm chồng chềnh thuyền nên anh ngã đập đầu vào cột thuyền. Anh ngất xỉu và được các anh bạn chở gấp bằng xe riêng về Montreal chữa trị. Về được nửa đường anh Chương tắt thở vì máu não chảy ra quá nhiều (brain hemorragea). Vấn đề ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh không phải chuyện anh Chương mất vì tai nạn mà muốn đề cập đến vấn đề của người sống sót tức người vợ mà anh vừa mới lấy 2 năm trước. Chị Chương chân ướt chân ráo di cư sang Canada gần hai năm nên chưa hiểu rỏ những phong tục tối thiểu phải biết như di chúc, life insurance của anh Chương, sổ account anh để ở đâu, anh có bao nhiêu tiền và những vốn luyến đầu tư khác. Chị hoàn toàn mù tịt. Chị phải xoay sở vay tiền của bạn bè và anh em ruột để trả chi phí đám tan của anh. Đám tang vừa xong nhưng chuyện gia đình chị vẫn chưa hết. Các anh em và gia đình anh Chương nghĩ chị Chương có số sát chồng nên họ đến làm phiền cô liên tục để đòi cô chia hết vốn luyến của anh Chương cho dòng họ sống sót. Cô quá đau khổ đành phải mướn body guard – cận vệ cá nhân trong vài tháng trong lúc mướn luật sư, lục lọi tìm giấy tờ bảo hiểm nhân thọ, di chúc và xin nhà băng những information về tiền bạc của anh Chương.

·                 Cái phiền phức ở đây là chị Chương không biết là anh Chương có làm di chúc hay không nên chị Chương chịu cực khổ đắng cay trong 2 năm trời để giải quyết các vấn đề thủ tục hành chánh và tiền bạc. Nhận thức được sự phiền toái vì thiếu di chúc từ đó nhóm tennis chúng tôi vội vả đi làm di chúc tập thể để người ở lại thoải mái mà lo tang quyến và việc sống còn. Ở xứ tây phương này khi chúng ta ra đi, người sống sót phải khai thuế và thanh toán thuế má đầy đủ cho người mất trước khi nói chuyện chia gia tài. Không những thế nếu không có giấy uỷ quyền (proxy) và di chúc (will) thì người sống sót sẽ không được đụng đến một cắc bạc của người nằm xuống...  Lúc ấy người còn lại phải lo chạy mướn luật sư để làm các thủ tục hành chánh và cần một thời gian sau mới hi vọng rút ra một phần gia tài. Đừng quên rằng chi phí luật sư cao gấp 5 hay 10 lần cái giá làm di chúc khoảng 500 đô và có thể tránh tất cả những phiền phức nêu ra trên.

·                 Chúng ta trước sau gì cũng ra đi vĩnh viễn. Đấy là thực tế. Khi bước vào ngưỡng cửa 60 trở lên ta không dự đoán được tình trạng sức khỏe và trí óc sẽ còn minh mẫn đến bao lâu. Hơn nữa nếu trong số chúng ta không may một ngày nào đó xui xẻo mà mắc chứng bệnh Alzheimer hay tai biến mạch não stroke thì còn khốn khổ hơn bội phần cho người thân sống sót, nếu họ không biết tin tức gì về tài sản và tiền bạc của nạn nhân.
  
·                 Không quên đi khám sức khỏe định kỳ để BS kịp can thiệp chữa trị những căn bệnh nan giải. Thân thể ta như chiếc xe cũ kỷ cần check up định kỳ, 3 hay 6 tháng tùy tình trạng sức khỏe từng người, để tránh bất ngờ chết máy giữa đường. Chị Thu là chị vợ của em bà xã ở Montreal. Cách đây ba năm chị bị chứng bệnh đau bụng dữ dội. Chị không đi khám sức khỏe định kỳ, cũng như nhiều người Á châu khác nghĩ là các BS hay bày vẻ ra bệnh để ăn tiền bệnh nhân. Đây là một thành kiến thật sai lầm.  BS của chị Thu cố gắng chữa trị và cho rằng chị mắc cơn bệnh vì hệ thống tiêu hóa như bao tử và ruột không tiết ra đủ acid để làm tiêu thức ăn. Đi nhiều lần nhưng chứng bệnh càng ngày càng đau dữ dội. BS của chị cho nhiều thứ thuốc khác nhau. Cuối cùng vài tháng sau chồng chị gọi 911 đưa chị vào nhà thương chữa trị thì quá muộn. Chị mất vài ngày sau đó vì bệnh ung thư bao tử mà không ai biết kể cả BS tổng quát của chị.


·                Liên hệ (arrangements) với nhà quàn làm thủ tục mai táng nếu một mai ta ra đi. Anh bạn chơi tennis với chúng tôi tên Tú khoảng 58 tuổi. Tháng 9 năm 2008 anh lái xe cùng bà xã và bà mẹ vợ đi Atlantic City để hóng mát và nhân dịp họp gia đình với các em gái anh từ Washington DC. Từ Montreal đến Atlantic City lái xe mất 7 tiếng tức tính ra 3 giờ chiều anh sẽ tới. Gần 3 giờ chiều anh đến nơi và đang lái bên phải trên trục lộ chính dẫn về casino của Atlantic City.  Anh ngoảnh cỗ sang bên trái để dò xem đã đến Holiday Inn chưa trong lúc bàn bạc với bà xã trong xe. Khi vừa nhìn thấy Holiday Inn bên trái thì anh sắp đến ngã tư rồi vội bẻ lái quẹo sang bên trái, đồng thời một chiếc xe tiến tới ngược chiều tong mạnh (collision) vào xe anh. Vợ anh bị gẫy cổ và chết ngay tại chỗ.  Bà già vợ gẫy 2 cái xươn sườn và anh bị ngất xỉu. Các em gái anh đã đến hotel trước và thắc mắc tại sao xe anh vẫn chưa đến. Mấy cô đi bộ ra đầu đường thì thấy đám đông chung quanh góc đường, trước mặt Holiday Inn nên tìm và rặng hỏi Police thì họ cho biết tai nạn là xe từ Quebec đến. Nhận ra xe anh mình, các cô nhờ cảnh sát đưa người bị thương vào hospital và đồng thời cô gọi điện thoại về con anh Tú ở Montreal để lo tang quyến chị Tú. Nhờ có hồ sơ làm sẳn của ông bà Tú với nhà quàn nên họ tức tốc cho xe đến Atlantic City để đem xác chị về Montreal để lo chuyện mai táng trong lúc anh Tú còn nằm ở nhà thương Atlantic City.  Ở Mỹ hay Canada cách chết rẻ là để vào di chúc là mình muốn hoả thiêu nơi gần chổ chết, càng sớm càng tốt.  Sau đó thì xin phép rải tro xuống biển, sông hồ, hay gởi vào chùa. Còn cách rẻ nhất là hiến xác cho các trường đại học y khoa.  Chúng ta khỏi phải tốn xu nào hết.  Nhưng phải ký tên chấp nhận vào bằng lái xe khi đầu óc còn sáng suốt và minh mẩn. Bộ Giao thông sẽ để tên mình vào database và cấp cho mình một cái thẻ và chúng ta có thể giao thẻ cho luật sư, bạn bè, hay thân nhân quản thúc.

 Về hưu chính thức:

·                 Trong giai đoạn này người về hưu sẽ có nhiều thời gian và cơ hội đi du lịch, nhất là du thuyền dài hạn như Transatlantic cruise (3 tuần), du lịch Á châu và ghé thăm Việt Nam, đi Âu châu hay Nam Mỹ,.v.v… Đừng đợi đến khi chân hết lết nổi rồi mới quyết định đi du lịch, lúc đó chỉ còn là sự tiếc nuối. Khi nào sức khỏe thể lực còn cho phép, hãy đến thăm những nơi mình thích.

·                 Có người dọn về ở gần con cái cho vui. Có người dọn ra riêng như condominium để làm việc dọn dẹp nhà cữa ít lại vì sức khỏe yếu đi.

·               Đa số người già chuẩn bị dọn vào Nhà Nghỉ Hưu Retirement home hay viện dưỡng lão Nursing home tùy điều kiện sức khỏe.

·                  Thường xuyên đi chùa chiền hay nhà thờ hơn để cho tâm hồn được thanh thản.
·          Người còn sức khỏe tốt thích tham gia hoạt động cộng đồng – Phước Lộc Thọ khu Westminster là nơi các cụ hay tụ họp mỗi sáng để uống café, chơi mạc chược, tán gẫu….

·                 Người quan tâm sức khỏe hơn thì đi bộ tập thể dục mỗi sáng rồi ghé vào Tim Hortons hay Costco ăn sáng nhẹ với croissant.
·                 Cũng có người thích đi câu cá. Mỗi sáng đều là chúa nhật nên vẫn nằm dài trên giường. Không có gì gấp gáp phải làm mà dậy sớm. Không ai chờ đợi mình cả…
·                  Đi thăm bạn bè và bà con thân thuộc.

·               Có người ở nhà giữ cháu nội cháu ngoại giúp con cái trong lúc chúng đi làm – công việc mà người phụ nữ cảm thấy thích thú nhất như một phần thưởng của tuổi già.

·              Những người hành nghề tự do cho mình như nhà hàng, làm nail, tiệm làm bánh ngọt, bác sỹ hay nha sỹ thì việc quyết định ngày về hưu dễ tính hơn và cũng dễ dàng hơn.

·                Con cái trưởng thành, có gia đình riêng nên một số người về hưu chẳng có việc gì làm nên thuê băng, đĩa về coi. Một bà bạn về hưu thổ lộ: “Càng coi càng ham, không dứt ra được!”. Có người chuyên đọc sách. Mặc dù sự gia tăng tuổi tác có thể gây ra các khó khăn cho thị lực nhưng các chuyên gia khuyến khích người già đừng từ bỏ việc đọc và học cách thích ứng với hoàn cảnh mới. Khả năng chuyển đổi từ ngữ sang những hình ảnh tinh thần là rất tốt cho hoạt động nhận thức. Đọc cũng giúp cải thiện vốn từ vựng, cách sử dụng ngôn ngữ và khả năng tập trung.  “Bộ não luôn tạo mới các nút giao giữa các tế bào thần kinh nhờ những kích thích như đọc sách”. Người ta đề nghị đọc những cuốn sách có nội dung thực sự hấp dẫn chính người đọc. Nếu một cuốn tiểu thuyết quá dài gây mệt mỏi thì nên thử đọc những truyện ngắn, các bài viết về xã hội, sức khỏe, chat với bạn bè trên mạng…Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để đọc được bất kỳ cuốn sách nào là phải kiểm tra mắt và dùng kính phù hợp. Ngoài ra, “font” chữ cũng cần lớn hơn và khoảng cách giữa các dòng cũng phải xa nhau hơn so với sách thông thường. Tuy vậy không phải ai về hưu cũng đều rơi vào tâm trạng như thế. Nhiều người về hưu rất thoải mái. Họ chọn cho mình một cuộc sống thích hợp: tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, tập các môn thể thao như cầu lông, tennis, bóng bàn...

·                 Một số ít người còn nghị lực và sức khỏe nên tính chuyện làm ăn như anh bạn Lễ trong nhóm tennis chúng tôi mua cái apartment bloc gồm 4 hộ, một cái để vợ chồng anh ở và ba cái cho thuê. Anh lên kế hoạch trước khi về hưu là đi học thêm cách bảo trì nhà cửa – điện nước và xây dựng nhẹ để tự bảo trì apartment thay vì trả tiền mướn thợ làm.  

·               Người có nghề chuyên môn khi nghỉ hưu hay tập hợp trong các “Câu lạc bộ” để tang gẫu. Anh bạn V, một kế toán giàu kinh nghiệm đảm nhận vai trò kế toán thiện nguyện không công cho một hội từ thiện “Children Wish Foundation Montreal”. Mỗi tháng họ mượn anh vài ngày để làm sổ sách, tính thuế, trả lương công nhân...

·              Một số người về hưu có lương cao hoặc được con cháu “phụ cấp” nên không lo về chuyện tiền nong thì làm quen với thú chơi mới là chim hoa cá cảnh hay tranh vẻ mỹ thuật.
·                 
         Càng về già thì cấu trúc, chức năng của các cơ quan trong cơ thể đều suy giảm. Da bắt đầu nhăn, mắt mờ, tai nghe kém, cảm nhận mùi vị, sự ngon miệng cũng giảm, khả năng tiêu hóa hấp thu thức ăn kém đi, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị táo bón do nhu động ruột giảm và ít vận động nên khó ngủ. Chân yếu, đi lại khó khăn, dễ bị té ngã do các khớp bị thoái hóa, gây cứng khớp. Mạch máu bị xơ cứng, gây tăng huyết, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não. Bệnh đái tháo đường thường chiếm tỉ lệ cao sau 65 tuổi. Người cao tuổi sức đề kháng cơ thể giảm, dễ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẫn như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… Đặc điểm mô hình bệnh tật ở người cao tuổi là thường mắc nhiều bệnh cùng lúc (đái đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ăn khó tiêu, khó ngủ…) nên rất dễ tạo cảm giác lo sợ, hoang man. Ngoài ra vấn đề giao tiếp có phần hạn chế, người nghỉ hưu thường có tâm lý mặc cảm, ít tiếp xúc... Hậu quả thực tế ghi nhận tỉ lệ trầm cảm ở người cao tuổi là khá cao. Tuy nhiên vẫn có một số lớn người nghỉ hưu quan tâm đến sức khỏe thì vẫn tiếp tục tham gia một số công việc như viết sách, sáng tác nhạc... hay tham gia các câu lạc bộ hưu trí, câu lạc bộ người cao tuổi…

·                 Những hụt hẫng do có quá nhiều thời gian rảnh rỗi ở những người mới về hưu sẽ sớm qua đi nếu họ duy trì được sự lanh lợi và minh mẫn bằng các hoạt động phù hợp. Về hưu là quy luật tất yếu: tre già măng mọc. Hiểu được điều này, những người về hưu sẽ không cảm thấy lo âu, hụt hẫng. Ngược lại, những người trong gia đình cũng cần hết sức tế nhị để giúp họ có một cuộc sống thoải mái, vui vẻ. Có như vậy, người về hưu sẽ có điều kiện giúp đỡ cho con cháu trong gia đình và xã hội. Con cháu cũng sẽ có dịp gần gũi, học hỏi người đi trước những điều hay lẽ phải…

 Giai đoạn cuối - sức khỏe yếu kém:

·                 Vào giai đoạn này người già thường nghĩ rằng nếu ở chung với con cái sẽ làm phiền con cháu hằng ngày vì chúng nó lúc nào cũng phải chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ.
·                 Có những cụ dọn vào ở Nursing home vì các cụ không muốn làm phiền con cháu và cũng để tìm bạn bè mới. Shared phòng ngủ với người khác hay khá hơn chọn phòng riêng cho mình nếu có điều kiện. Cái lợi của nursing home là có tất cả các dịch vụ cần thiết cho người già thiếu tự chủ:
§ Có phòng ăn uống cộng đồng
§ Theo dõi thuốc men
§ Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân...
§  Điện thoại tại giường bệnh 24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp.
§  Sinh hoạt tập thể hàng ngày như giải trí, tôn giáo...
§  Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau:
§ Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã...
§ Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống... Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này.
§ Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)... Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn.
·                 Thông thường có nhiều cụ mắc phải nhiều bệnh nhẹ cùng lúc. Chưa kể có nhiều cụ phải đương đầu với những bệnh tim, đái đường, ung thư hay Alzheimer.

·                 Trong giai đoạn cuối của cuộc đời, người còn thì ít mà người mất thì nhiều. Vì thế các cụ sẽ không còn bạn bè nào nữa để trò chuyện và nương tựa…Đa số các cụ cảm thấy rất cô đơn và mắc bệnh trầm cảm vì các cụ nghĩ mình bị bỏ rơi. Nhiều cụ già sức yếu phải ra đi vĩnh viễn, kết thúc cuộc đời một con người. Không bao giờ hết trong giai đoạn nầy chúng ta cần quan tâm người già nhiều hơn về mặt tinh thần và thể chất một cách toàn diện, giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Đó cũng chính là lòng mong ước của mỗi con người chúng ta, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, “Kính lão đắc thọ “.

Chúng tôi rất bùi ngùi khi viết ra những dòng chữ chia sẻ này hầu nhắc nhỡ chúng ta làm những công việc tất yếu, thiết nghĩ rất cần thiết nhưng thực tế khi còn sống. Chúng ta nên lấy một ít thì giờ để lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống mới trong lúc còn có thể như bảo hiểm nhân thọ, khám bệnh định kỳ, làm di chúc, lưu trữ tất cả tin tức cá nhân v.v...

Đây là một việc làm rất cần thiết không hẳn nó sẽ đem người quá cố trở lại bình thường hay làm dịu cơn đau của người thân sống sót. Nhưng chắc chắn nó sẽ giúp ích hiệu quả trong lúc tang gia bối rối…

Hãy sống an vui lúc về già, can đảm và chấp nhận chuyện gì đến nó sẽ đến với ta. Sau cùng rồi chúng ta cũng sẽ thanh thản ra đi mà không hối tiếc những gì đã để lại cho đời sau…



Nguyễn Hồng Phúc
Montréal, Canada



PS: Xin cám ơn chị Ánh Ryan rất nhiều về những ý kiến đóng góp rất thực tế và hữu ích của chị.

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual