NƯỚC TÔI
Rời quê hương bao nhiêu năm thế mà mỗi lần nghe đến hai tiếng Việt Nam mình
cảm thấy như gần gũi làm sao! Không biết đến chừng nào mình mới quên được quê
hương! Sông còn có khúc, quê hương mình cũng có lúc đổi thay cơ mà! Không có
khoảng cách trống vắng thì làm gì đo được độ nhớ nhung. Mỗi người chúng ta đều
có quê hương, nếu không biết yêu thương tổ quốc mình thì làm sao yêu được xứ
người.
Xin đừng bao giờ quên nguồn cội tổ
tiên, vì chỉ có kẻ mất gốc mới quên hơi ấm của quê mình, hương vị của cỏ cây,
nhịp sống của đồng bào ruột thịt. Chỉ có kẻ điên rồ mới tưởng nhung lụa áo
quần, quốc tịch là thay đổi cuộc đời hoặc bước thang danh vọng. Đó chỉ là nếp
sống phù phiếm, lớp võ bên ngoài cũng cần nhưng chưa đủ. Còn đua đòi ganh tị
chỉ làm hại cho bản thân, tạo cơ hội thuận lợi cho sự thoái hóa xã hội, ươm mầm
mống cho sự cằn cỗi và bần cùng hóa tâm hồn. Nhưng ngược lại, sống khác người,
tự thu hẹp trong quan niệm riêng của mình cũng là quá đáng.
Phải tập như giòng nước, lúc chảy êm
xuôi như dòng sông trong những chiều êm ả uốn khúc lượn quanh núi đồi cồn đá,
lúc vồn vập gầm thét dữ dội lúc lững lờ trôi. Thế mà nước thật như có, thật như
không và không có sức mạnh nào ngăn chận được. Nước vạn năng và tối cần. Không
ai nhớ đến tầm quan trọng của nước nhưng vị trí của nước đối với trái đất thật
đậm đà mật thiết quyện lấy sự sinh tồn của sinh vật cỏ cây. Không có nước tức
không có sự sống. Nước đích thật là nguồn sống cho thế giới chúng ta.
Ông cha ta ngày xưa
sao mà văn minh lạ đã biết nôm na gọi tên tổ quốc mình bằnh chữ NƯỚC thân thương. Tổ tiên ta há chẳng có ý
muốn lưu truyền cho thế hệ mai sau tâm tình yêu giữ nước như giòng máu mình,
cho sự sinh tồn dân tộc, sống còn và đoàn kết của loài người trên trái đất nầy
sao?
Cô Trần Thành Mỹ