MỘT THỜI TRỌ HỌC


                                             

      Trước kia dân tỉnh đi học Trung học ở Sài gòn xa nhà nên phải xin ở nội trú tại trường hay trọ học nhà tư nhân, thân quen nào đó. Cuộc di chuyển cũng không dễ dàng gì vì việc giao thông bấy giờ còn hạn chế thô sơ. Gò công, quê tôi tựa như hòn đảo nên việc luân lưu với các vùng phụ cận đều phải qua phà hoặc bằng ghe thuyền tàu.
          Nhớ mỗi lần đi về, đường dài chỉ 58km, thế mà phải mất cả 4 giờ, có khi còn hơn như trễ chuyến đò, trời mưa gió thình lình. Nhìn các con nhỏ 12-13 tuổi leo lên xuống xe đò còn cần người đở, với rương trấp gỗ nặng nề mà người lơ nặng nhọc kéo lên để trên mui xe, cha mẹ vừa phụ nâng, dặn dò đủ điều vừa lo cụ bị thức ăn đi đường cho con.
Cảnh tượng chia tay sao mà bịn rịn! Xe bắt đầu chuyển bánh, hình ảnh người thân từ từ mất khỏi tầm nhìn, đứa trẻ vẫn cố ngoáy cổ lại bám víu một phần nhỏ nào dáng dấp để lại sau lưng cho đến khi ’Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy’’, bấy giờ cảm giác bơ vơ chợt đến, nhìn quanh đâu cũng thấy vài gương mặt buồn xo, rơm rớm nước mắt. ít khi bọn trẻ chúng tôi có diễm phúc được thân nhân đi theo. Chúng tôi thường hẹn nhau cùng đi một lượt theo các anh chị học lớp trên đã quen đường đi nước bước, nhóm nào về nhà trọ chung nhóm nấy, giúp đở kiểm soát hành lý cho nhau.
          Xe đò lục tỉnh, trong những ngày nghỉ lễ, tựu trường, nghỉ hè đầy hành khách, mà thật ra xe có đầy mới chịu khởi hành. Trên đường còn dừng lại nhiều lần để rước bạn hàng quen thuộc hoặc ở các trạm kiểm soát, đóng thuế. Hành lý xách tay thường được ôm vào lòng hoặc để dưới chân, còn dưới ghế ngồi thường là đầy gà vịt được ai ‘’xí’’chỗ trước rồi, lâu lâu bực bội nó mổ vào chân làm hành khách ‘chịu trận’ không rút chân lên được, la ới ới.
Các bác tài lâu lâu cũng nổi hứng chạy thi đua khi nghe tiếng kèn xe khác xin vượt, giới trẻ háo thắng thích chí cổ vũ không cho qua, rồ ga chạy nhanh làm các ông bà lớn tuổi la lối om sòm, các cô gái im hơi lặng tiếng ghì chặt thành tay ghế. Thỉnh thoảng, tùy khúc đường tốt xấu, xe chạy chậm vì phải vượt ‘ổ gà’ lắm lúc làm ruột gan như’lộn tùng phèo’.
            ‘Két két két’ tiếng xe thắng gấp rít lên lẫn với tiếng càu nhàu, chuởi thề của bác tài hậm hực vì con trâu thình lình bất kỳ xuất ý nhảy dựng băng qua lộ. Tiếng chú lơ vang vang ‘tốp, tốp’ vừa huýt còi miệng, vừa mở cửa nhoài lủng lẳng ra ngoài vừa đập đập vào hông xe để đổ khách xuống hay rước thêm khách mới.
          Trong khung cảnh tình huống ồn ào như vậy, mà vẫn có người quá mệt mõi ngủ gà ngủ gật. Sợ nhất là các ông sồn sồn, các chú Ba, vừa to con vừa lấn chỗ. Ngủ mê đâu biết gì, ngả nghiêng sang người bên cạnh.Các cô gái càng tránh né thì cái khối thịt mỡ đó như bị nam châm càng lấn áp ngả sập vào cổ, vai không làm sao đở nổi. Càng đẩy ra càng nặng chình chịt, vả lại gần quá cũng không đẩy được thành ra cứ phải gồng mình đẩy đở cho đừng chạm vào yếu điểm thôi. Có cô quá bực dọc hất xô mạnh ra làm người ngủ gật tỉnh dậy, xin lỗi rối rít, rồi chứng nào tật nấy, lại nhào vào. Mấy bà ‘đi bán lợn xề’, bán hàng xáo, vui tính lanh miệng, ngứa mắt ngứa mồm chẳng chịu tha đập mành mạnh vào vai tên ngủ gục la to:’’Dậy đi, nam nữ thụ thụ bất thân ‘’mà. Ngã vào đè người ta, không khéo có bầu là bắt đền phải cưới đó. A lê hấp, tỉnh lẹ đi cha nội’’.
-   Ê, ê ‘nè’ chú lơ ơi. Tới bờ lộ lớn ‘lằng’ kia cà, ‘mần’ ơn ngừng cho ngộ xuống xe nhe.
-        Bộ chú ba muốn ‘lái’ hả ?
-   ‘Pậy’ nà! ‘Lâu’có, ngộ ‘lâu’ có muốn  ‘lái’, gần tới nhà ngộ ‘lồi’ mà.
Cuộc đối thoại giữa hai người làm hành khách phì cười, mạnh ai hiểu sao tùy thích, người nghĩ  chữ ‘lái’ đúng nghĩa, người khác nhớ đến chuyện phiếm tiếu lâm nghe kể:.
Trên một chuyến xe đò đang chạy phom phom, thình lình bác tài nghe la to:
-        Bác tài ơi, ngừng lại dùm li cho ngộ ‘lái’ một chút.
-        Không được đâu chú ba ơi, gần tới bến rồi, ngừng đây bị phạt đó.
Mười lăm phút sau, xe đến bến dừng lại, hành khách xuống xe. Bác tài ân cần đến bên chú Ba hỏi thăm thì nghe chú tiu nghỉu trả lời:
-        Ngộ ‘lái’ lồi.
Người Tàu thường đọc mẫu tự R, Đ trại ra thành L như ở nhiều vùng nước ta đọc R thành D, TR thành CH vậy.
Bằng chứng rõ rệt nhất là ngày xưa các cụ ta đã chẳng, phỏng theo cách phát âm của người Trung Hoa (Paris là Bá Lị), đọc Paris thành Ba Lê, Rousseau thành Lư Thoa, Montesquieu ra Mạnh đức tư Cưu, trong khi đó tiếng Việt ta phiên âm tiếng ngoại nào cũng khá chính xác và dễ dàng.
Ngoài ra, chẳng hạn mẫu tự B bê bò và P phở, bê trên B ,bê dưới P, chúng ta có ‘bà ba bả bán bánh bò bông’ chứ không có viết ‘Pí Po pụng pự’ nhưng cần đọc thì không khó khăn gì như chữ ‘poupée’, ‘bon papa’. Nhận thấy ưu điểm đa năng của tiếng mẹ, càng ngày việc phiên âm phiên dịch càng chính xác hơn trong văn hóa ngôn ngữ và ngay cả trong khoa học kỷ thuật.
          Gò công bao quanh bởi biển sông, nên muốn lên Saigon phải qua bắc Mỹ Lợi, sông Bao ngược, sang Mỹ tho Tiền Giang dùng phà Chợ Gạo lúc bấy giờ còn sử dụng móc gỗ kéo dây cáp bằng tay. Lúc đầu cũng có phà, rồi lắm khi phà hư, sửa chữa trong thời gian khá lâu. Do đó phải dùng thuyền ghe thay thế. Giao thông càng bị trì trệ, di chuyển khó khăn hơn. Xuống xe là phải mang theo cả hành lý theo, tìm người vác phụ xuống ghe nhỏ để sang bờ bên kia. Phải nhanh chân lẹ mắt theo nhau sát gót kẻo trễ hụt chuyến đò.
Chiếc ghe tròng trành mỗi lần khách xuống, chủ ghe phân phối chỗ ngồi hai bên trên miếng ván gỗ để thuyền có thăng bằng. Thuyền vừa đủ người vội tách bến. Tiếng mái chèo khua lách tách, sóng vỗ bì bõm bên mạn ghe như tiếng nhạc buồn tiển đưa, gió vờn nước xôn xao nhảy vọt, chân trời xa xa, gần đến bến mới thở phào nhẹ nhõm nhìn thấy dáng vóc đất liền. Nắng lung linh phản chiếu mặt nước lăn tăn tạo thành những bức tranh sơn thủy đủ hình màu tùy óc tưởng tượng của khách đi ghe. Bầu trời trong xanh cũng không phớt hồng thêm đôi má điểm son môi, gieo ánh mắt mộng mơ huyền ảo. Thời gian như lắng đọng, ai ai dường như cũng đăm chiêu thủ thế phòng thân. Tay vịn chặt bờ thuyền, tay ôm chặt giỏ xách cần thiết, chiếc thuyền con lướt nhanh nhịp nhàng tùy công sức của bác lái đò, xuôi theo dòng nước, tránh xoáy hiểm nguy tìm cách cập đúng bến bờ. Ngay các cậu trai nhỏ thường ngày lí lắc cùng đành thúc thủ ngồi im. Bây giờ nhớ lại tôi còn có cái cảm giác rờn rợn lành lạnh, do đó thầm phục những nhà mạo hiểm vượt đại dương biết dường nào.
          Thật ra ngày xưa, các cô gái cậu trai ở đồng quê hoặc ven sông rạch biển mới có thể biết bơi, chứ còn các cô ở chợ, hồi còn nhỏ chỉ thích chạy nhông nhông tắm mưa, bập bõm lặn hụp trong ao nhà, ‘lội chó’ chút đỉnh thôi, do đó qua sông làm sao không ngán sợ lo âu. Vả lại sông Bao ngược quê tôi gồm hai dòng nước biển sông to rộng, nhiều xoáy nước hiểm nguy có thể hút chìm cả ghe tàu, vì vậy nếu ghe chìm mà không biết bơi thì lặn 3 ngày trồi lên thành ‘’thằng chổng’’. Nhớ lại câu nói mà dân ta hay kể theo chuyện người Ấn độ, hằng năm, thường tắm một lần ở Hằng hà để tẩy uế trừ tà tội lỗi ‘Có tội lội xuống sông, chổng mông hết tội’, mỉm cười tự trấn an.
          Ghe cặp bến. lại một phen hối hả mang rương trấp lên để kịp tiếp tục lên xe trực chỉ Saigon hoa lệ. Bến xe đò lục tỉnh lúc nào cũng tấp nập người xe, hỗn độn, chụp giựt, giành mối hành khách. Lại một phen tìm xích lô, kèo nài trả giá, tùy lúc, hai ba đứa ngồi chồng chất lên nhau chung xe về nhà trọ.
Lên xe xuống đò, bao kỷ niệm khó quên.Sau đó, phà thay thế ghe thuyền. Rồi mọi chuyện trên đời cũng na ná giống nhau, gặp gỡ chia tay, ngược chiều cùng chuyến, buồn vui, hẹn hò chờ đợI ‘ .
          Con đi học xa cha mẹ ở tỉnh cũng ít có dịp đi thăm, ngay các con nhà khá giả, cô nương cậu ấm cũng thế. Tự lập tự lo bắt đầu từ khi rời quê. Vì thế thật thích thú được người nhà viếng thăm một lần nào đó.Mẹ luôn cụ bị vài thức ăn con ưa, quà biếu cho chủ nhà trọ thường là bà con họ hàng quen biết. Má của chị nầy lên, ba của chị kia đến đều được bạn bè mừng rỡ tiếp đón như quen thân từ lâu. Một buổi tiệc nho nhỏ vui vẻ thắt chặt tình đồng hương xa quê.
          Chỗ trọ không có đầy đủ tiện nghi  nhưng ấm cúng. Chúng tôi cùng nằm chung trên bộ ván, ngủ riêng trên ghế bố hoặc trực tiếp trên sàn gỗ gác trọ, mỗi người chiếc chiếu, cái mùng, gối mền, nằm san sát nhau như cá mòi, thế mà không bao giờ có cải cọ dành chỗ than phiền. Thời kỳ nầy thật đong đầy kỷ niệm vì tuổi chớm lớn vừa hớp sinh khí tự do. Ngoài việc học, thường chùm nhum đấu láo, tán gẫu, bàn chuyện tào lao cộng thêm ăn hàng ăn quà vặt, các cô cũng theo gương người trước tập tành không bỏ sót món nào. Các bạn đừng tưởng là tật hư thói xấu phải chửa phải chừa, thật ra đó là truyền thống ngàn xưa để lại cho  phái yếu ‘ngây thơ vô số tội’ thuộc nhóm ‘nhứt quỉ nhì ma thứ ba học trò’. Chưa kể đến hờn giận, ganh ghét, ghen tuông mau nước mắt.
 Phải có ở nội trú, trọ học, sát cánh bên nhau mới rõ thực hư. Người ta thường bảo muốn biết ai nên ở chung với người ấy, còn muốn hiểu rõ người nào thì nên đi làm công cho họ, bề trái, bộ mặt thật mới hiện rõ ra ngay.Có sống chung nhau, nếu chín bỏ làm mười, chuyện bé đừng xé ra to, dĩ hòa vi quí thì đó là gia đình thứ hai của mình rồi.
Giận hờn là đăc trưng của các cô, vờ giận cũng có, giận dai không thiếu, các cậu coi chừng đó.Giận mà im phăng phắc, không hé răng trách móc nửa lời, cười cười bảo là ‘em chả’, ‘không có gì đâu’, đó là giai đoạn báo động, các cậu cần tính nước cờ xuống nước xin lỗi hoặc ‘cả gan cùng mình’ thì tìm cách lờ chuồng đi chờ lúc khác. Nhớ dai nhưng dễ dãi, nhất là khi nói trúng tim đen, hoặc được ‘lọt vào mắt xanh’’ rồi thì khác hẳn tính bay bướm của các ông ‘khi thương thương vội khi lìa lìa xa’.
Giữa con gái với nhau, cũng có những mối tình bạn học trò sâu đậm hơn bình thường. Họ như cập bài trùng, đi đâu có chị nầy là không thể thiếu chị kia. Không dấu diếm, công khai ngồi riêng tâm sự, không cần sự có mặt của bạn bè khác, không muốn xa nhau phút nào, mặc cho bạn bè xì xầm chọc ghẹo cho là ‘đồng tính luyến ái nữ’.
Tốt xấu càng lộ nguyên hình khi ăn cùng mâm, nằm cùng bộ ván, sống trong một phòng to chung. Có cố dấu thế nào đi chăng nữa cũng ‘dấu đầu lòi đuôi’ thôi.
Ở nhà trọ là thế, còn ở nội trú trong trường? Bạn đừng nghĩ buồn chán mất tự do. Thật ra đây là nơi hướng dẫn vào nề nếp kỷ luật, theo giờ giấc nhất định đã được nghiên cứu cho thích hợp với lứa tuổi đang lớn, háo thắng như ‘ngựa con háo đá’, bồng bột, mộng mơ, lý tưởng, nông nổi, dễ tin, hời hợt ương ngạnh, bướng bỉnh, gàn dở. Đây là lò luyện tập sống chung nhau, gây tình đoàn kết, nhân nhượng, tự trọng, nâng đở khuyến khích, an ủi đùm bọc nhau. Cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, đứng ngồi: ‘Ăn coi nồi ngồi coi hướng’
‘Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’.
Còn tự do là tự do trong kỷ luật. Không có lối sống quá phóng khoáng tùy tiện, đi học trể về sớm, rong chơi thả giàn, tụ tập tán huơu tán vượn, cập bè cập bạn diễu bát phố, lê la hàng quà xem phim. Bạn không có thì giờ để buồn chán vì chương trình ở đây được tính sẳn cho hoạt động trong ngày của bạn rồi, khít khao sát nút, giờ học nghỉ, giải trí, chơi. Bạn khỏi lo gì cả, chỉ cần áp dụng đúng là đã muốn hụt hơi. Mơ mộng một chút trong giờ học bài qui định là cả một vấn đề, chạy ‘vắt giò lên cổ’ cũng khó kéo lại được thời gian mất mát bỏ phí đã qua.
Ở nhà trọ, bạn có thể kéo dài thời gian tán gẫu, rồi tối đến thức thâu đêm vừa học vừa ngủ gà ngủ gật trên tập sách. Bạn tùy tiện du di giờ học giờ chơi chuyện trò, còn ở nội trú mọi việc phân minh hơn. Giờ học bài có giám thị trông, đâu có chuyện chùm nhum lại đánh cờ bàn chuyện phiếm.
Cũng có thể vì cách ép vào khuôn nề nếp ấy đã làm cho học sinh xích lại gần nhau, bao che, bảo vệ nhau hơn. Dễ cảm thông vì đồng cảnh ngộ nên thường giúp đở nhau tiến bộ, đoàn kết. Do đó các cuộc chống đối, làm reo, biểu tình thường được tổ chức, thông tin, phổ biến ít gặp trở ngại, khám phá. Nếu khéo lèo lái, họ trở thành một khối, một cuộn sóng thần, một ngọn núi lửa hoạt động với tất cả sức mạnh của tuổi trẻ lao vào lý tưởng mà họ cho là cao cả đối với họ lúc bấy giờ. Thật ra tuổi trẻ hăng say đầy nhiệt huyết, táo bạo mà cũng dễ bị ảnh hưởng  nhất thời.
Nhìn thấy những cuộc ấu đả trong các trận bóng đá quốc tế hay cả trên sân nhà đã làm thiệt hại không những vật chất mà còn cả sinh mạng, điển hình đội bóng Liverpool Anh bị phạt cấm ra sân 5 năm. Cách điều động hàng ngàn cảnh sát bảo vệ cầu trường, kiểm soát ‘đón đưa’ các ‘fans’ quá khích trên xe lửa, xe buýt riêng, giới trẻ ngày nay thật không dễ gì ‘quản lý’. Cuối tháng 10- 2005, Paris  được thế giới chú ý đến qua việc báo chí truyền thanh truyền hình rầm rộ bằng những bài tường thuật nóng bỏng, hình ảnh sôi động minh họa cảnh đập phá đốt xe, cơ sở công cộng, những cuộc ấu đả, chống đối, trò chơi ‘cúp bắt’ của những đám trẻ không có việc làm dễ bị xúi giục, nhất là thuộc thành phần ở chung cư ngoại ô nghèo, tị nạn bất mản vì kỳ thị, thất nghiệp,
Bao nhiêu thanh thiếu niên bị dụ dỗ, gạt gẫm trở thành bụi đời, nghiện ngập ma túy xì ke, trộm cắp, ăn xin, bỏ nhà ra đi theo đảng theo băng. Truyền hình còn ta chứng kiến cảnh những tên lính trẻ ở các nước Phi châu, Nam Mỹ còn trẻ măng, miệng phì phà thuốc hút, thắt lưng xề xệ võ đạn, thị oai ‘tướng trời’ bằng những loạt súng chỉ thiên. Kìa là những tấm thân còm cõi của trẻ em đói rách Phi châu, ruồi nhặng bu trên mắt đầy ghèn, lượm từng mảnh bánh vụn rơi dưới đất đở lòng, bám vào vú mẹ chỉ còn xương bọc da gầy đét.
Nhưng nếu được hướng dẫn, tổ chức theo đường lối đúng, có lý tưởng mục tiêu chính đáng, thật là sức mạnh tối cần đáng được biểu dương. Trái lại thật kinh khủng đáng sợ nếu là chính sách tàn bạo như Hitler trong thế chiến thứ hai đã thể hiện việc huấn luyện thanh thiếu niên Đức sắt máu dưới lá cờ có hình chữ ‘Vạn’. Ngày nay nhan nhản cảm tử thiêu thân khủng bố hy sinh để được lên thẳng cõi Trên đã ôm bom vào mình giết hại không tiếc thương bao mạng người vô tội, không thù không oán.
Sang xứ văn minh, nhà trọ đầy đủ tiện nghi hơn, mỗi người phòng riêng, phương tiện di chuyển cũng dễ dàng hơn thật, nhưng không khí thân tình đoàn kết ấm cúng rất khó tìm. Mạnh ai nấy sống, riêng rẻ, rời rạc, vô tình. Nhóm bạn cũng phân chia giỏi kém, giàu nghèo.Khoẻ thì khinh yếu, kỳ thị ngầm làm sao tránh khỏi.
Nhớ những ngày trọ học, bạn bè ở khắp nơi 21 tỉnh miền Nam, thế mà tuổi trẻ dễ kết thân nhau. Đi đâu về trể quên báo trước là cả nhà nhôn nháo lên, khi gặp lại bị chị nầy rầy em kia trách, buồn buồn thế mà thấy lòng ấm lạ. ‘Chén đĩa trong sóng còn khua’, cũng có nhiều trận cải nhau chí choé kịch kiệt, khóc lóc ầm ỉ, rồi cũng lẳng lặng làm hòa thật nhanh, bỏ qua như chẳng có gì làm bận tâm nhau lâu được. Trọ ở tư gia thường thay đổi chỗ ở, do đó thường có bạn mới, trái lại ở nội trú trường , tình bạn kéo dài sâu đậm hơn. Người Việt ta có câu;’Bà con xa không bằng láng giềng gần’ huống hồ bạn bè với bao kỷ niệm vui buồn, từng xúm lại bắt ‘tàu lặn’ rệp hôi hôi, đập ‘máy bay’ muỗi vo ve đầy máu.
Làm sao quên được chị Thẩm Biên hòa thường mang bưởi mít cho cả bọn cùng ăn vừa gở từng múi mít vừa tắc lưỡi khen:
‘Chà thơm ngon quá, ăn rồi mới thấy quả là mít …đặc.
Thế là cả đám nhao nhao lên như ong vỡ tổ:
‘À, đúng phóc rồi, mít đặc, mít đặc thật’ làm bầu không khí vui nhộn hơn (mít đặc nói lái lại là mắc địt.)
Chị khác lại  ngâm nho nhỏ: Ờ ơ
               ‘Cái địt là cái trời cho,
     Ai mà không địt, ốm o gầy mòn’  ờ ờ ờ.
Ông bà ta dạy thế đó có hay không.
Lại một phen ồn ào náo nhiệt nhại ghẹo thỏa thuê.
          Nhớ lại một câu đố mà không một ai đoán được lúc bấy giờ:
     ‘Súng da, đạn gió nhầm chân, bắn mũi’
làm cả phòng sau một hồi thì thầm xì xào phỏng đoán, gãi tai bức tóc, đầu hàng vô điều kiện, vỗ tay phục lăn khi được nghe lời giải đáp ‘tuyệt chiêu’, là bộ phận ai cũng có không thể thiếu: ‘ đại bác đánh rắm’.
Còn chị Tiếng xinh đẹp tóc quăn dợn sóng ở Thủ Đức, mỗi lần ba mẹ đến thăm là mang cả bao bố đậu phộng còn tươi vừa mới đào lên. Món nầy ăn hoài không chán, mà ăn rồi thì khó nhịn xì hơi ngầm hay lộ liễu, thay phiên nhau quạt tay, nín thở, hít ‘hơi ngạt’, bình thúi phê thơm làm náo loạn cả phòng lắm lúc cũng bị bà chủ nhà ‘quạt’ lia lịa, cả  đám áp nhau đưa tay lên môi suỵt nhỏ le lưỡi bịt tai, vui làm sao!.
Nhớ câu chuyện kể đối đáp nhau về ‘Lỡ trôn’, chỉ bắt đầu khơi mào khi nghe tiếng ‘chít’ mở màn:
-Con gì kêu thế?
-Con chuột.
-Chuột kêu sau thúi?
-Chuột chết.
-Chuột chết sao kêu?
            -Hai con chuột.
Lại một phen cười inh ỏi lăn kềnh ra, tình đoàn kết tương thân tương trợ gắn bó nhau thêm.
          Còn nói gì ăn quà vặt, ăn hàng, con gái cũng trứ danh lắm. 
alt
Món ăn "chơi" thịnh hành của học sinh sinh viên SG trước 1975: Bò bía
 Đi đâu là đi cả đám, hàng quán nào được các cô học trò chiếu cố là trúng mối to. Mùa nóng là vây quanh nghẹt xe đậu đỏ bánh lọt, nước đá nhận, nước mía, bò bía. Thèm chua cay ngòn ngọt thì có chùm ruột, xoài cóc ngâm cam thảo, gỏi đu đủ bò khô của chú Xồi thay vì rao hàng khua kéo kêu ‘rắt rắt rắt’. Đang học mà thình lình nghe rao món ăn khoái khẩu là thế nào cũng tạm nghỉ giải lao cùng nhau thưởng thức vì ‘có thực mới vực được đạo’ mà..
Tuy nhiên cái mầm mống tự do, bộc phát đâm chồi từ nếp sống chung bình dị ấy vẫn còn giữ được nét khép nép dễ thương ngần ngại dọ dẫm, bước chập chững vào cuộc đời. Ở đây dù cũng đã có bàng bạc vấn đề giai cấp, đối kiến, tôn giáo, nhưng như trong ván bài lúc nhập cuộc, tất cả đều còn mang tước hiệu chung ’con bài’ ngang nhau, dân ở trọ.
Làm sao quên được những lần đau ốm, chẳng hạn những cơn đau bụng có chu kỳ mà trời đặc biệt dành riêng cho phái yếu hầu luyện thiên chức làm mẹ sau nầy, bạn bè săn sóc nhau tận tình như ruột thịt. Nhớ hơn nữa những cuộc hờn giận vu vơ ‘thân nhau lắm cắn nhau đau’, bây giờ nghĩ lại thật khó nhịn cười. Cải vả, tranh luận sôi nổi khích bác nhau sao tránh khỏi, chuyện thường xảy ra nhưng không bao giờ có ác ý trả thù.

Thời gian qua xóa đi bao dấu vết hồn nhiên của một đoạn đường tuổi trẻ. Để rồi một hình ảnh thoáng qua cũng gợi lên chuổi nhớ, câu chuyện buồn cười làm lòng người như thêm, hồi sức bồi hồi. Đây cũng là lò luyện lòng chịu, kiên trì gắn bó, nếp sống thích ứng học hỏi hòa đồng.
Rồi bao nhiêu năm sau, có dịp nào gặp lại, mà thật ít có dịp, kỷ niệm vẫn hiện về từ đáy sâu vô thức. Hoặc lâu lâu phủi bụi thời gian, hình ảnh sống chung nhau vẫn lóng lánh vòng quạt dư hương trung thật nhất. Những gương mặt ngày xưa có tinh nghịch hồn nhiên nghiêm nghị khó khăn thế nào đi chăng nửa vẫn còn rực sáng  trong khoảng thời gian truy niệm ngắn ngủi bất chợt nầy đưa hồn ta một thoáng lui về những ngày xa xưa cũ có nghĩa tình chia xẻ buồn vui xa quê.
Bây giờ bạn bè mỗi người mỗi hướng, kẻ còn người mất, việc gặp lại nhau chắc chỉ hẹn trong giấc chiêm bao.Tuy nhiên quá khứ dù đã bàng bạc xa vời nhưng vốn sống đó vẫn là kho tàng nuôi dưỡng, tích lũy, rút tỉa bao bài học cần thiết đáng trân quí vô cùng, kỷ niệm khó quên của một thời trẻ cùng nhau trọ học.

                                                                    Cô Trần Thành Mỹ 


 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual