Theo lịch sử cận hiện đại, năm 1945 Việt Nam tuyên bố độc lập, danh xưng là ”Quốc Gia Việt Nam” với chánh phủ Trần Trọng Kim. Vùng đất Nam Phần được sát nhập vào quốc gia Viêt Nam. Và trong giai đoạn ngắn, “chánh phủ lâm thời” (Việt Minh) nắm chánh quyền trong tháng 8/1945, ngày 23/9/1945 Pháp tái chiếm Nam Kỳ và đến 22/5/1949 Pháp trả Nam Kỳ cho quốc gia Việt Nam, với chánh quyền chánh thống và hợp pháp là”Quốc Gia Việt Nam” Giai đoạn nầy, ngài Bảo Đại không còn là... vua nữa, mà là quốc trưởng , cùng nội các với Thủ Tướng lần lượt là Bửu Lộc, Trần văn Hữu, Nguyễn văn Tâm. Đây là sự kiện lịch sử và một thực tế cho thấy Việt Nam đã có chánh quyền hợp pháp. Tiếc thay, mảnh đất bé nhỏ nầy nằm trên ”con đường bành trướng” của chủ nghiã ngọai lai, Việt Nam lại lâm vào cảnh chiến tranh... với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Trung Cộng (đã đánh thắng quốc quân Tưởng Giới Thạch), đã chiến thắng trận cuối cùng tại Điện Biên Phủ, tạo được thế đứng và “chánh nghĩa”... Năm 1954, với hiệp định Geneve, đất nước bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm lằn ranh. Trong giai đoạn nầy quốc gia Việt Nam hình thành từ 1956, miền Nam (phần) được hiểu gồm từ miền Đông Nam Phần, tức Long Khánh trở vô miền Tây Nam Phần, tận mủi Cà Mau... Sau khi ổn định tình hình, chánh quyền đệ nhứt Cộng Hòa, chia Nam phần ra làm 22 tỉnh và “thủ đô Sài gòn’. Riêng danh sách các tỉnh miền Nam như sau:
-Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Bình Long, Bình Dương, Gia Định, Long An, Định Tường, Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tường, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Phong Dinh, An Giang, Kiên Giang, Ba Xuyên, An Xuyên và Côn Sơn.( bải bỏ năm 1965).
-Đến năm 1959, có thêm tỉnh Phước Thành (năm 1965 bải bỏ).
-Sang năm 1961, tỉnh Chương Thiện được thành lập, và 1963, tỉnh Hậu Nghĩa và 1964 tỉnh Châu Đốc được thành lập.
Tính đến thàng 4/1975, Nam Phần có 27 tỉnh và thủ đô Sài gòn (không kể các tỉnh miền Tung của VNCH)
Trước năm 1975, vì là thời chiến, miền Nam về phương diện quân sự, được chia ra 4 vùng chiến thuật, miền Nam (phần) gồm lảnh thổ thuộc vùng 3 và vùng 4 C.T. Mặt khác, về địa thế đất đai, nhìn chung miền Nam thuộc thế đất bình nguyên, hoàn toàn khác với miền Trung, nơi mà không kể các vùng biển duyên hải, gồm cao nguyên với cái xương sống là dảy núi Trường Sơn chạy dài mãi tận giáp ranh vài tỉnh miền Đông. Nơi đây ta thấy rơi rớt những ngọn núi không cao lắm, nằm lẻ loi như núi Bà Đen tại Tây Ninh, Thất Sơn (Châu Đốc-An Giang) và Châu Thới (Biên Hòa)...
Về lãnh thổ đất đai là thế, về từ ngữ “địa danh” xin được coi là tên của một nơi, một địa phương căn cứ vào yếu tố, dữ kiện nào đó. Thí dụ: Cà Mau là địa danh, vì nơi nầy là rừng tràm đước, với lá cây rơi rụng chất chồng bao năm khiến nước có màu đen, và theo tiếng của ngừơi Thủy Chân Lạp ( Cam Bốt) gọi là”tưk –khmau”( nước đen). Riêng tên gọi “An Xuyên” (thời Việt Nam Cộng Hòa) hay Minh Hải(sau 1975) chỉ là ‘cái tên” được nhà cầm quyền đặt cho. Xem như thí dụ trên, ta thấy địa danh Cà Mau được hình thành bởi 2 sự kiện là “nước đen” và bắt nguồn từ ngôn ngữ người Miên. Căn cứ vào sự kiện vừa phân tích, chúng ta sẽ hiểu vì sao một địa danh dược hình thành và hầu như sẽ vĩnh viễn tồn tại, như Sài gòn đã sống mãi dù ngay sau ngày “tháng tư đen” người ta đã nhanh chóng đổi tên là ”thành phố HCM”.
Trong khuôn khổ loạt bài nầy, chúng tôi sẽ trình bày về địa danh miền Nam, nhưng trước tiên xin hãy tìm hiểu sơ qua về cách đặt tên tại miền Bắc. Đây là vùng đất được hình thành từ hàng ngàn năm trước, là thời kỳ nước ta bị ảnh hưởng khá nhiều về văn hóa, ngôn ngữ của Trung Hoa, nên một số những điạ danh là tiếng Hán Việt, hay trong lối đặt tên thường theo ngữ pháp tiếng Hán... Vài thí dụ được nêu ra như: Thăng Long, Bạch Long Vỹ, Sơn Tây, Hà Nội. Tên Hà Nội được hiểu là phía bên trong (nội) của con sông Hồng Hà. Một số dịa danh các nơi miền thượng du, giáp ranh Trung Hoa, nơi có nhiều sắc dân thiểu số, mang những tên như” Lào Kai, Mường Khương..., là từ ngôn ngữ của sắc tộc cư ngụ. Trở vô miền Trung, địa hình có khác, thêm nữa, nơi nầy xưa là lảnh thổ của Chiêm Thành, cũng có các địa danh bắt nguồn từ tiếng Chàm. Vùng đất từ xứ Huế vào tận Phan Rang., thật nhiều địa danh, thí dụ Phan Rang là do tiếng” Panduranga “ mà ra v.v... Riêng các tỉnh cao nguyên, một số địa danh như”Pleiku, Ban Mê Thuột, Bù Đăng, Bù Đốp... do từ ngôn ngữ của các sắc tộc Bana, Ra đê, Stiêng ... ( chúng tôi sẽ có loạt bài về địa danh miền Trung). Lại một lần nữa, tác giả xin phép bộc bạch đôi điều. Thứ nhứt trong điều kiện hạn hẹp, không thể chi tiết đầy đủ. . Thứ hai, chúng tôi cố sưu tập, từ nhiều nguồn tài liệu, mà trong đó cũng không ít”chưa ổn hoặc còn nghi vấn”, nhưng vẫn ghi ra. Ghi ra để quí vị xem, cùng chia xẻ và cùng bổ cứu tài liệu được hoàn chỉnh và đồi dào thêm. Chúng tôi xin không dám mong một “tranh luận”, mà chỉ mong học hỏi thêm...
Trở lại vấn đề, riêng miền Nam, như chúng ta được biết, trước đây vài trăm năm có rất ít ngừơi Thủy Chân Lạp sinh sống rãi rác ( gọi là “Thủy CL” để phân biệt với Lục Chân Lạp, tức phần đất Cam Bốt và một phần Lào hiện nay). Sau đó, từ khi các nhóm như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu... là những viên quan nhà Minh không phục nhà Thanh, chạy sang xin với vua Việt Nam khai phá đất đai, cũng góp phần vào việc khai sinh các dịa danh... Tìm hiểu về địa danh miền Nam, chúng ta phải biết qua về lối sống, cách sinh hoạt của cư dân gồm Việt, Miên, Tàu ( miền Đông và vùng Chợ Lớn đa phần người Quảng, cùng số ít Tiều, Hẹ, Phước Kiến. ngược lại, vùng Hậu Giang người Tiều nhiều hơn. . ). Chúng ta sẽ rất thích thú biết ra vì sao xuất hiện nhiều tên lạ và ngồ ngộ, mà chắc chắn không tìm thấy nơi hai miền kia của đất nước. Xem như trên, ta đễ dàng hiểu ra vì sao, ngoài những địa danh từ tiếng Miên, còn một ít từ tiếng Trung Hoa ( Pò Léo=Bạc Liêu) nói chung và cả tiếng “Tây”, tiếng Ấn... Thêm nữa, phát sinh từ tinh thần thoãi mái bình dị của người dân Nam phần, một số địa danh được khai sinh từ những căn cơ thật “bình dân”, dung dị và “dễ thương”đến không ngờ. . . Thông thường, các địa danh bắt đầu từ những từ mang nghĩa tốt đẹp như: phú, phước, bình, an, hưng, thạnh, tân, mỹ, long ( có nghĩa đầy đủ hay là “rồng”, như trường hợp một nơi được vinh dự vua ban cho ). v. v... còn có cả những trường hợp ba chữ ghép chung, như: phú+ mỹ+ hưng ( như khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng, thuộc quận Tám, Sài gòn.) Và tiếp theo là, địa danh bắt nguồn từ địa thế, địa hình thiên nhiên, khu dân cư, cách sinh hoạt, nghề nghiệp, cây cỏ..., các nhân vật lịch sử... thật vô cùng phong phú mà trong bài chỉ có thể đề cập một số trường hợp đặc trưng.
Trước tiên, về người Cam Bốt (Khmer), họ thường có tập quán sống quần tụ trong một xóm, tiếng của họ gọi là ”SÓC”, mà người Việt mình gọi là xóm, tức một khu sinh sống của một nhóm người thường có những sinh hoạt, nghề nghiệp giống nhau.( Xóm Chiếu, Q.Tư cũ, vì đây có truyền thống dệt chiếu?). Về địa hình đất đai, miền Nam là bình nguyên, đất đai bằng phẵng và thường thấp, có những nơi úng hay ngập nước, nên nơi nào đất cuộn cao thành ”GIỒNG” hay “GÒ” cao chắc chắn các ông đều thích chọn để cất nhà làm nơi cư trú. Ngược lại, là những địa thế thấp, bên đường nước chảy, thường nước tràn làm ngập quanh năm (ngập lênh láng?), nên khai sinh địa danh có chữ LÁNG đứng đầu... Cũng có nơi vùng đất trủng hẳn xuống, có nước và cây cỏ mọc thường là đưng, lát, cỏ ống... và là những nơi sinh sôi nẩy nở các loại cá tôm, rắn rùa... mà người miền Nam gọi là “BƯNG”. Cũng tương tự như vậy, nhưng nếu là một vùng to rộng và thường nước sâu quanh năm thì gọi là “LUNG”. Một địa hình cũng na ná như lung, nhưng nhỏ và và thường chỉ có nước vào mùa mưa, đó là “BÀU” ( các hình thái trên thường không nhiều và hầu hết chỉ xuất hiện nơi miền Tây “đồng chua nước mặn” mà thôi.). Cũng liên quan đến địa hình có nước, được gọi là “ĐẦM”, tức chỗ trủng quanh năm có nước, thường là chỗ tận cùng của con sông, phình ra và nước tụ lại, là nơi sinh sống của cá tôm... Loại hình thái nầy đa số xuất hiện ở miền Trung (tỉnh Phú Yên củ). Riêng các vùng miền Đông Nam Phần, có các TRẢNG, là những nơi khá rộng và trống trải, không cây cối um tùm, cũng là nơi quần tụ của cư dân. Kế tiếp, nước ta nói chung và miền Nam nói riêng thật nhiều SÔNG, RẠCH, mà theo thống kê có khoản 3000 con sông có chiều dài từ 20 cây số. Để cụ thể hơn, con RẠCH là một sông nhỏ (nhưng cá biệt cũng có con rạch to) và như chúng ta biết”trăm dâu đổ đầu tằm, trăm sông chảy ra biển”. Miền Nam ngoài những con sông, rạch nhỏ riêng rẻ, còn lại là hai hệ thống sông là: hệ thống Sông Đồng Nai và sông Cửu Long, tất cả đều chảy ra biển. Nơi tiếp giáp nước chảy ra biển là ”CỬA SÔNG”. Tiếp theo, liên quan đến sông và không cần phải nói, muốn ngang qua sông rạch, người ta phải bắt CẦU... Thêm nữa, sông rạch tự nhiên cũng chưa đủ, nên vì nhu cầu giao thông hay quân sự, hoặc cần thóat nước trong vấn đề thiết kế đô thị.., phục vụ chương trình thủy lợi. ,người ta lại đào những con KÊNH (KINH). Thông thường những con kinh nầy khá thẳng và “chạy” qua những địa điểm do con người tính trước. Thêm nữa, nơi các con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Đồng Nai... thường do hiện tượng nước xoáy, lắng đọng những cụm đất, lâu ngày tích tụ, cây cối các loại lau lách mọc chằng chịt càng giúp phù sa tích tụ biến thành những CỒN hay CÙ LAO (lớn hơn cồn).
Tiếp đến, căn cứ vào văn hóa, sinh hoạt kinh tế, ta thấy người Việt chuyên nghề trồng lúa nước, nên hầu như đa số nơi qui tụ thành làng xóm là dọc theo các con sông, và cũng nhờ cánh ĐỒNG lúa bát ngát mênh mông, cũng là cái nôi cá tôm sinh sôi nẩy nở, rồi tuôn ra sông rạch, mà nổi bật nhứt là giống cá linh, gồm những muôn ngàn triệu trứng cá từ trên dòng Cửu Long (bên Cam Bốt) đổ về, qui tụ và lớn lên nơi Đồng Tháp Mười ( liên ranh tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An), đến khoản tháng 9 hay 10 tuồn về sông rạch miền Tây. Về kinh tế, vùng đất phương Nam là nơi có nhiều vườn cây ăn trái, từ miệt miền Đông với Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, miền Tây với hầu hết các tỉnh, ngoại trừ vùng ”Miệt Thứ Cà Mau”. Sau đây là phần trình bày về “miệt”.
Có lẽ đây cũng là nét độc đáo chỉ có ở miền Nam, vì miền khác không xài chữ MIỆT. Trong chúng ta, dù chưa một lần nghe qua giọng hát ngọt ngào của cô ca sĩ Phi Nhung qua bài ”Đường Về Miệt Thứ” hay xem qua quyển” Văn Minh Miệt Vườn” của nhà biên khảo Sơn Nam, cũng cảm nhận và hiểu khi nghe chữ miệt. Theo suy nghiệm. miệt có thể do chữ “miền” đọc trai mà thành. Cùng liên quan, ta thấy không ít trường hợp, trong câu nói, người Việt thay đổi âm sắc hay từ gần giống cho câu nói êm dịu, dễ nghe. Xin nêu một số thí dụ
-thái bình -----à thới bình
-đàn -------------à đờn (đàn bà hay đờn bà)
-cảnh ----------- à kiểng (một kiểng hai quê)
-cầu an ---- ---- à kỳ yên (cúng kỳ yên, trong đình làng cầu cho quốc thới dân an).
Xem như vậy, ta thấy từ “miền” thành ra “miệt” cũng dễ hiểu.: Cũng như ... thề nguyện thành thề nguyền, Vãng Long thay vì Vĩnh Long... Trở lại vấn đề, xét về nguyên nhân thì, có thể vì khi xưa bà con đa phần không phải là dân “trí thức”, khái niệm phương hướng hạn hẹp, không ngoài ”hướng mặt trời mọc, trời lặn”, và về khoản cách, chưa cụ thể bằng cây số, thước đo. Cô bác mình chỉ dùng thời gian đi bộ hay chèo ghe như: nửa buổi, một buổi, nửa ngày đường... “, và khi muốn chỉ nơi nào hay dùng chữ miệt, từ chữ nầy, được ghép với địa thế đất đai, tên địa phương có sẵn. Từ đó, phát sinh những:
-miệt biển (chỉ vùng gần biển)
-miệt giồng, miệt gò ( chỉ nơi đất cao, có làng xóm, vườn tươc xanh tốt... )
-miệt vườn ( dùng gọi một khu vực rộng, có thể là nhiều xóm làng, thậm chí cả nhiều tỉnh, sẽ trình bày tiếp sau)
-miệt cù lao (nơi có nhiều cù lao nối tiếp nhau, thí dụ như; cù lao Dung, Nai... thuộc tỉnh Sóc Trăng).
Miệt gắn liền với tên, địa danh nào đó thì vô số, người miệt nầy gọi miệt kia.., thí dụ:
-Dân Cần Thơ nhìn về Trà Vinh, gọi đó là miệt Trà Vinh.
Thêm một loại miệt nửa là:
-Miệt trên và miệt dưới:
Dân vùng sông Tiền (Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long. . ) dùng chữ”miệt trên” để chỉ vùng đất Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa..., và “miệt dưới” chỉ vùng sông Hậu như:Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. . .
Sau đây, xin nói thêm về vài thứ miệt khá đặc biệt, đó là:
-Miệt vườn: Nơi nào miền Nam không nhiều thì ít đều có vườn, cây ăn trái, nhưng khi gọi miệt vườn, thường dùng chỉ một vùng đất khá sung túc, đất đai màu mở, cây trái tốt tươi, nhiều chủng loại... Theo nhà văn Sơn Nam, miệt vườn bao gồm vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu như: Bến Tre, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc và một phần Cần Thơ (miệt Cái Côn, Kế Sách..). Nơi đây, cuộc sống người dân khá sung túc, có điều kiện “ăn chơi” hưởng thụ, như đờn ca tài tử...
-Miệt thứ (miệt U Minh)
Ngược với miệt vườn là “miệt thứ” hay “miệt U Minh”.
Khi xưa, thời Pháp đô hộ, các chiến sĩ yêu nước, các nghĩa binh thường di đời vô vùng sâu, hoang vu miệt Rạch Giá, Cà Mau. Để mưu sinh, ngoài những con kinh chính, họ đào vét thêm những kinh ngang dùng đi lại hay làm ruộng. Đa số các con kinh nầy theo hướng đông tây, không mang tên mà mang “thứ”. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí có tất cả 10 con kinh loai nầy, mà kinh cuối cùng xuống tận miệt Cà Mau. Thường đất miệt nầy chưa thuần hóa, đất phèn ít vườn cây, mà chỉ làm ruộng, nhưng “không trúng” (không thu hoạch được nhiều), cuộc sống dân chúng có phần cơ cực, nhà cửa rải rác. Tóm lại là vùng” khỉ ho, cò gáy”, hay ”muổi kêu như sáo thổi... “
Trở lại nội dung, thì tương tự như Bắc và Trung, miền Nam cũng được bao bọc bởi bờ biển trải dài từ Vũng Tàu vòng sang tận Hà Tiên, giáp ranh Cam Bốt. Điều khác biệt là bãi biển miến Nam đa phần là đất bùn, với những vạt nghêu sò thiên nhiên hay nuôi trồng., và ngoài khơi gần bờ xuất hiện những HÒN và xa khơi là các ĐẢO.
Về địa lý nhân văn kinh tế, khi xã hội miền Nam ngày càng phát triển, việc buôn bán giao thương nở rộ, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại chủ yếu bằng đường thủy, nhứt là trên đọan đường ngắn vùng nông thôn. Xuồng ghe lớn nhỏ ngày ngày qua lại phải đi qua những khúc VÀM, để rồi ghé vào các BẾN, thường cũng là nơi tụ tập bán buôn, biến nơi đây thành CHỢ. Thêm nữa, thời nào cũng vậy, phải có vấn đề giữ gìn an ninh, các trạm đồn canh gác gọi là” THỦ”, các vị tuần đinh giữ nhiệm vụ gọi các “ông thủ”... Nhìn vào toàn cảnh sinh hoạt vừa nêu, cùng lai lịch phần đất Đồng Nai Cửu Long, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra vì sao các địa danh miền Nam, khá nhiều mang tên đứng đầu là : SÓC, XÓM, GIỒNG, GÒ, BẾN, VÀM, TRẢNG, CHỢ, CẦU, CÁI, RẠCH, NGÃ... Các từ này thường ghép thêm tên những thổ sản, sản phẩm địa phương, hình thể hay danh xưng những nhân vật nổi tiếng. Theo một thống kê, ghi nhận miền Nam có tất cả:45 đia danh mang chữ SÓC, 16 mang chữ VÀM, 63 mang chữ CÁI và 24 mang chữ CẦU. ( chỉ ghi những nơi quan trọng, to lớn, được biết đấn nhiều). Tiếp theo cũng còn nhiều địa danh do từ cây cỏ, thực động vật phổ biến nơi đó hay các nhân vật nổi tiếng. . .
Trương An Ninh
Mời xem tiếp phần 2