Khi người ta bước vào tuổi chớm thu hay vào thu, họ sẽ sống
nhiều với ký ức. Nếu điều này đúng thì tôi chắc là đã già sớm hơn tuổi tác của
mình lâu lắm, vì hầu như tôi chỉ nhớ tới chuyện xưa nhiều hơn chuyện nay. Gặp
bạn bè, anh chị em trường cũ mà bàn chuyện xưa là y như lân gặp pháo, ngồi mãi
chẳng rứt ra được. May là cô vợ tôi tuy không già như tôi nhưng biết “kính lão
đắc thọ” nên chẳng mấy khi làm phiền bạn bè của chồng mình, chỉ thỉnh thoảng
nhắc nhở tới giờ phải đi thăm người này, hẹn với người kia...
Tết này nhà tôi vui lên vì có vợ chồng người anh chú bác từ
Đức qua ăn Tết chung, nên anh em lâu ngày rôm rả chuyện nhà mình hồi năm Thìn
bão lụt, chuyện cây me trước nhà trốc gốc, chuyện mấy anh em ba tôi thời
kháng Pháp, chuyện ra thành làm ăn sau
khi hiệp định 1954, chuyện vượt biên, chuyện nước Đức, nước Mỹ thời mới định cư...
nói chung ít khi có dịp cả nhà tụ tập mà có không khí quê hương như thế. Vui
nhất là Má tôi, bà cứ thỉnh thoảng mỉm
cười, nụ cười mà tôi gọi theo Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc. Có lẽ trong ký ức bị
quên lãng của bà, hình ảnh đàn con tụ tập ngày Tết, vẫn là niềm vui không quên
trong ký ức của người mẹ, tiếc là niềm vui này không hiện diện lâu trong bộ óc
mang căn bệnh lãng quên của bà. Cô em út của tôi kín đáo nhét vô túi tôi một
phong bao đỏ với lời chúc may mắn, đây là quà tặng đầu năm của gia đình tôi,
sau một nồi thịt kho, dưa giá, canh khổ qua, cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung… từ bà
má vợ tôi ngày 29 Tết.
Mùng hai Tết, bà chị Nguyệt Ánh réo tôi nhắc họp mặt mùng
ba. Không có lời nhắc của bà chị thân yêu này có lẽ tôi lại đi sớm hơn ngày gặp
gỡ rồi. Quên là chuyện thường, mà, nhớ sớm hơn cũng là chuyện thường. Câu này
là câu an ủi của cô vợ tôi với tôi mỗi khi tôi quên cho cô những ngày hẹn để cô
cập nhật trong computer theo đúng nghề nghiệp programer của mình.
Chị Nguyệt Ánh đã nai nịt sẵn sàng chờ chúng tôi đến, hành
trang của chị y như sắp sửa hành quân, nào ba lô, nào giỏ cá thịt, gói bánh mứt…
bà chị cũng không quên dúi riêng cho vợ tôi những hũ mứt thơm ngon đủ mùi do
chính tay anh Bob bào chế. Quà đầu năm thơm phưng phức này được vợ chồng tôi
trịnh trọng tiếp nhận và tiếp thu ngay buổi tối khi đặt chân về nhà hôm đó một
cách đắc ý với bánh mì dòn khấu của tiệm Tip Top. Xin cảm ơn bà chị Nguyệt Ánh
và anh Bob.
Theo lệnh hành quân của chị Ánh, chúng tôi khởi hành và ghé
qua chợ Vĩnh Thuận cho chị và nhà tôi vào sắm sửa quà Tết. Gà, vịt, thịt quay,
bánh hỏi... đùm đề được hai bà nội trợ hăng hái mang đến chiến trường... nhà
anh Chương, chị Hà. Tôi chấm toạ độ đường sá và tiến tới mục tiêu 2323 đường
Bern. Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng.
Vào nhà đã gặp chế Bích Ngọc tươi như hoa bế cháu... ngoại
chị Hà và chị Hà chào đón. Tôi vẫn quen gọi là chế Ngọc theo bạn Trương Duy Bửu
tôi ngày xưa. Chế Ngọc vẫn y như ngày nào ở căn nhà... không bao giờ vắng người
đừờng Phan Chu Trinh của chế, ngôi nhà mà bạn bè chúng tôi, từ Trần văn Hội,
Nguyễn Thanh Đoàn, Phan Trường Ân, Triệu Trí Khải, Nguyễn Ngọc Nhung, Triệu Trí
Dũng, Nguyễn văn Thành, Bạch Xuân Quang, Nguyễn Tấn Dũng... ăn dầm nằm dề hết
năm này qua năm kia. Ngôi nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và nhất là cơm
canh, cà phê bốn mùa xuân hạ thu đông và tình thương của cô dượng Ba (ba má chế
Ngọc). Chỉ tội nghiệp cô em Ngọc Danh của chúng tôi phải rút lên tầng trên để
được yên ổn học hành và tránh tai họa từ chúng tôi. Ngọc Danh học giỏi chắc là
nhờ có nhiều thời gian học hành trên căn gác của thời kỳ loạn lạc này.
Anh Trần Phong có phần phong trần hơn và sôi nổi hơn các năm
qua. Tôi thường tự hào mình nhớ dai mà kỳ này cũng đành chịu thua anh. Anh nhắc
tới tên họ từng người quen, chẳng những tên họ, mà còn nhớ luôn cả gia phả, quê
quán một cách tường tận, anh nhắc chuyện từ thời học ở trường Đình Năm Ông,
trường Thanh Kim, trường Nam Tỉnh Lỵ Trường Y khoa... vui như Tết.
Tôi lại có một chiến lợi phẩm từ chế Ngọc là hình ảnh lính
tráng của tôi năm 21 tuổi, đầu năm 1975, hai bức hình duy nhất còn lại của đám
bạn bè tôi, ngày đám cưới của anh Phong và chế Ngọc.
Buổi họp mặt còn có các anh Thương Tử Tâm, Nguyễn Quang
Trung, Lê Xừng, anh chị Trịnh Kim Long, anh Trương Minh Thông, anh chị Âu Hồng
Anh, Trần văn Nhất, thầy cô Nguyễn Trí Lục, Thầy Vũ Ngọc Phan, thầy Lý An Lợi, ý
Quý của TT Khải, chị Trần Ngầu, Trương Bảy... mà chuyện về trường Hoàng Diệu,
Sóc Trăng không biết bao nhiêu là chuyện.
Vợ chồng Quách Minh Tâm-Bạch Lan cũng tay xách nách mang
bánh trái giò thủ lên góp mặt, làm không khí ăn uống càng thêm phần hào hứng.
Cô em khéo tay hay làm Bạch Lan này năm nay được bầu là học trò nữ công gia
chánh xuất sắc nhất của trường, và theo khuyến cáo của các đàn anh thì các đàn
chị Hoàng Diệu nhà mình sẽ thi đua làm bánh mứt để phục vụ... các ông chồng trong
năm tới. Tôi cũng được chiến lợi phẩm là một phần giò thủ của Bạch Lan mang về
cộng thêm cây cheese của chị Hà (vì đã nhắc lại chuyện bồng giúp con trai của
chị trong chuyến thăm nuôi khốn khổ của chúng tôi năm 1977 ở trại Kinh Cũ!!!).
Xin cảm ơn những thân tình của mùa Xuân, của anh chị em,
thầy cô.
Và nhờ vào không khí Tết này, bài thơ của tôi
lại được thêm một mùa Xuân, nghĩa là thêm một phần vui tươi của đời sống! Xin
chia sẻ cùng gia đình Hoàng Diệu niềm vui mùa Xuân này.
Tết ở nhà anh Chương, 2013
Gặp nhau
tay ấm vòng tay
Tha hương mà cũng đủ đầy mùa Xuân
Thầy cô bè bạn quây quần
Quê người mà ngỡ.... Sóc Trăng quê mình!
Tết ở quân trường Quang
Trung
Nửa đêm nghe pháo giao thừa
Lơ ngơ lính mới, bâng quơ cơn buồn
Lều canh đọng trĩu giọt sương
Bao giờ đi hết đoạn đường chiến binh?
Tết ở quân trường Thủ
Đức
Sáng mùng một, gác tuyến B
Bidong chát đắng cà phê. Nhớ đào
chắc giờ trên phố lao xao
Lạy trời chớ có tên nào dắt tay!
Tết ở vùng hành quân
1974
Hành quân giải tỏa Tân Long
Bươi tìm xác bạn vùi trong chiến hào
Lính, quan bịt mũi càu nhàu
Thế là mất mẹ ngày đầu một năm!
Tết trong đồn Quân Cảnh
1975
Mùng một xuống phố lơ ngơ
Chưa chi quân cảnh đã vồ nhốt ngay
Quân bạ trọng cấm dẫy đầy
Xem ra chắc hết còn ngày lên lon.
Tết ở trại giam D20
Đêm nghe tiếng nổ dòn tan
Lòng mừng khấp khởi tưởng quân ta về
Sáng ra bừng tỉnh cơn mê
Thì ra Tết giữa bốn bề trại giam
Tết ở Pulau Bidong
Sóng gầm như tiếng pháo đêm
Ngồi bên ghềnh đá, vọng miền quê xa
Dưng không nước mắt nhạt nhòa
Mùa xuân sao ngập hồn ta muộn phiền
Tết đầu ở Hoa Kỳ
Năm năm hát lại quốc ca
Tủi lòng nhớ lễ Alpha thưở nào
Không gian tuyết trắng một màu
Năm năm luân lạc, bạc đầu tuổi xanh.
Phan Anh Dũng