Hôm mùng 3 tết Quý Tỵ sau khi đi lễ một số
Chùa, trên đường về tôi ĐT trước cho Ngọc Ánh ( Hội Phó HD Nam Cali) hẹn giờ đến
nhận 12 quyển Kỷ Yếu HD Âu châu như đã hẹn từ trước khi về VN.
Khi
nói chuyện với Ánh trên ĐT thì mới biết cô vừa xuống máy bay chưa được bao lâu…
Ánh hẹn tôi đến sau 16 giờ, vì Ánh phải soạn lại hành lý từ Mỹ mang về. Thật sự
thì tôi cũng rất ngại khi đến quá sớm không để thời gian cho cô nghỉ ngơi… nhưng
ngày mai thì tôi đã phải đi làm, lại nữa từ nhà tôi đến nhà Ánh thì quá xa !!!
thôi thì đành vậy. Mà tôi nghĩ NA đã cất công mang từ Mỹ về thì chắc hẳn chút
ít thời gian nầy cũng không làm NA phiền
hà gì đâu, vì tôi đã biết NA luôn luôn dành nhiều công sức và thời gian trường Hoàng Diệu mà. Thật vậy ai ở nước
ngoài về mà chẳng muốn mang thật nhiều quà cáp về cho gia đình cho người thân của
mình, nhưng NA đã dè xẻn bớt lại quà tặng cho gia đình mình, để mang số Kỷ yếu
nầy về VN tặng Thầy tặng bạn, thì chúng ta phải biết trân trọng tấm lòng nầy của Cô. Thật vậy đến nhà Ánh tôi mới nhận
rõ cái mệt mỏi của một người vừa vượt qua một chặng đường dài của nửa vòng trái
đất, do đó nhận Kỷ yếu xong, ngồi trò
chuyện thăm hỏi nhau chưa đầy 10 phút tôi vội chào từ biệt sớm cho Ánh được nghỉ
ngơi, chúng tôi cũng không quên chúc cho
nhau một cái Tết ở VN được vui vẻ và “ bình yên”.
Lúc
trò chuyện với Ánh tôi được biết cho đến hôm nay, Snowynguyen còn chưa thấy quyển Kỷ
yếu Hoàng Diệu nầy ra sao cả!!? tội nghiệp thật !! khi người bỏ nhiều tâm huyết
cho đứa con tinh thần của mình, lại không phải là người đầu tiên nhìn thấy nó
!!! sở dĩ có chuyện oái ăm nầy là vì bài
vở thì được biên tập từ Bỉ ( Châu Âu ) còn in ấn thì nhờ Anh Ân bên Nam Cali, và anh giúp
đỡ rất nhiều còn giúp liên hệ tìm nơi in đẹp rẻ cho quyển Kỷ yếu vvv… in
xong thì lo gởi đi ngay cho Yến Dân, cho kịp đến tay Thầy Cô anh chị em đồng
môn khắp nơi. Bên Mỹ thì có Minh Tâm giúp đỡ ủng hộ và gửi Kỷ yếu cho Thầy Cô và CHSHD, Anh
Vân Nguyễn lo phần tiêu thụ ( anh chị em
nầy không lo chuyện nhà, lại ham làm chuyện bao đồng !!) Úc Châu có Khoa lãnh
phần… còn số gởi tặng Thầy Cô, đồng môn bên VN thì có NA bỏ công mang vác từ Mỹ về ( vậy là VN được ưu
tiên nhất) có quà tặng ngay dịp Tết. Suy đi nghĩ lại thì cũng vui chuyện Kỷ yếu
nầy thấy vậy mà cũng có bài bản đàng hoàng lắm chứ… nào là nhà đầu tư, biên tập,
in ấn, tiếp thị, đại lý phân phối, vận chuyển vvv..vv ráng làm sao thu hồi lại chút
đỉnh vốn liếng, không khéo lần nầy bị ông xã cho ăn đòn như chơi.
Theo tôi thì cũng chẳng sao, cái mất thì phải mất rồi nhưng mình lại được
cái khác nó lớn hơn, đó là cái dấu ấn, cái kỷ niệm mình để lại cho con cháu
ngày sau… mặc dù nó vô hình đó nhưng nó lại là vĩnh cữu, phải không anh chị em
đồng môn.
Bây
giờ chúng ta thử xem Kỷ yếu Hoàng Diệu nầy đem lại cho chúng ta cái gì nhé… hình
thức thì đẹp, trình bày rất ấn tượng và cô đọng vvv… nội dung thì rất phong phú
đủ mọi thể loại, văn thơ, phóng sự, sưu tầm của nhiều cây bút Thầy trò Hoàng Diệu
và thân hữu. Mỗi bài viết đều làm cho ta nhớ lại rất nhiều kỷ niệm vui buồn thời
còn đi học như bài của NA… hoặc HP thì viết về tâm trạng của Ông bà Cha Mẹ và
con cái khi Tết về trên quê hương. Có lẽ ấn tượng nhất là bài của Thầy Tâm tâm sự nỗi nhớ về trường Hoàng Diệu, về học
trò, về Sóc trăng với văn phong hết sức phóng thoáng như cách sống của Thầy. Mỗi
bài viết, mỗi bài thơ đều gợi lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm ngày xưa.
Nhưng tâm điểm của Kỷ Yếu là hình ảnh của rất nhiều Thầy cô, đồng môn
Hoàng Diệu, đồng hương Sóc Trăng… nhìn hình ảnh của Thầy cô mình hiện nay,
không ai trong chúng ta mà không chút bùi ngùi khi nhận ra Thầy cô mình đã già
quá rồi gần xa chúng ta rồi !! biết bao kỷ niệm của Thầy trò chúng ta dần hiện
ra thật rõ nét trong ký ức.
Hình
ảnh của những người bạn ngày xưa cùng cắp sách đến trường, những kỷ niệm vui buồn
thời còn đi học, những chuyện tình vu vơ thơ mộng của tuổi học trò lại hiện về
!!! nó tạo cho chúng ta một cảm giác lâng lâng xúc cảm thật khó tả.
Với Kỷ
yếu nầy chúng ta không có những áng văn thơ quá hay… nhưng lại quá tuyệt đẹp. Với kỷ yếu nầy chúng ta không có
những công trình nghiên cứu mang tính cao xa… nhưng nó đánh dấu một sự trưởng
thành của nhiều anh chị em Đồng môn Hoàng Diệu ở một chừng mực nào đó !!
Với bấy
nhiêu hình ảnh ấy ( mặc dù chưa đầy đủ lắm) chúng ta hãy nhìn lại quá trình
hình thành Kỷ yếu hôm nay, là cả công sức của rất nhiều Thầy cô và anh chị em Đồng
môn Hoàng Diệu khắp nơi, có tên hay không có tên trong Kỷ yếu nầy.
Nhất
là nhóm Hoàng Diệu Âu châu còn quá ít, quá mới và dĩ nhiên là không có kinh nghiệm,
lẫn sức mạnh tài chánh, nhưng bằng tâm huyết với trường, với Sóc Trăng thân
thương, các bạn đã cố gắng làm được quyển Kỷ yếu nầy sau khi vượt qua “ được”
khó khăn nhiều mặt, về tài chánh lẫn tinh thần, để đem đến cho chúng ta một niềm
vui nhỏ trong cuộc sống nầy.
Điều
không tránh khỏi là những thiếu sót, thậm chí sai sót tuỳ theo cách nhìn của từng
người. Chỉ mong khi nhận định anh chị em chúng ta hãy nhìn đúng vào mục đích, ý
nghĩa chính khi Kỷ yếu nầy được ra đời. Có thể nó chưa toàn mỹ nhưng ít nhứt nó
cũng là một bắt đầu cho anh chị em Đồng môn Hoàng Diệu mình suy nghĩ thêm ?!!
Khi đang viết những dòng chữ nầy tôi biết Ngọc Ánh sau khi bỏ công mang vác Kỷ
yếu từ Mỹ về VN và bây giờ lại từ Sài Gòn mang về Sóc Trăng tặng Thầy, tặng bạn
trong ngày HMHD NK 68-75 mùng 7 Tết. Chị Hoàng Yến thì cũng như ngày nào không
bao giờ mỏi mệt, về ST dự họp mặt và trao Kỷ yếu cho Thầy Bá, Hoàng Minh rồi chị lại
lên đường đi Vĩnh Long thăm thầy Tòng và nhân tiện trao kỷ yếu tặng Thầy. Tôi
không thiên vị hay đề cao anh chị em nào cả, đều tôi muốn nói ở đây là tấm lòng
của anh chị em nầy với trường Hoàng Diệu nói chung và Kỷ yếu nói riêng, mỗi người
đều góp sức trong khả năng, điều kiện của mình, thể hiện rõ nét nhất cái đồng cảm
và đoàn kết với nhóm CHSHD Âu Châu.
Và nếu
có thêm một Kỷ yếu nào về Hoàng Diệu nữa thì tại sao chúng ta không sẵn tay vào
giúp sức, dù ít hay nhiều cũng là cái chân tình của mình, từ đó trong lịch sử
trường Hoàng Diệu Sóc Trăng, sẽ có thêm nhiều quyển Kỷ yếu nữa.
Trong
khi chờ đợi… theo tôi hiện nay chúng ta hãy đón nhận quyển Kỷ yếu nầy trong
tình thân Hoàng Diệu, hãy trân trọng nó, vì trong đó có rất nhiều kỷ niệm vui
buồn tuổi học trò, có hình ảnh Thầy cô, có hình ảnh những người bạn học ngày
xưa, và có những mối tình thơ ngây vụng dại quá, bằng cách nầy chúng ta sẽ thể
hiện ít nhiều đồng cảm với Thầy cô đồng
môn Hoàng Diệu đã và đang đóng góp công sức cho quyển Kỷ Yếu Hoàng Diệu Âu Châu
đang ở trên tay chúng ta.
Nguyễn Thành Khánh
HD 66-73