Thập niên chín mươi, sau khi nước Mỹ hủy bỏ
cái luật cấm vận đối với đất nước Việt Nam, tôi chuẩn bị cho một lần về thăm
quê hương đầu tiên. Lòng tôi nao nức ít nhiều trong chuyến viễn du nầy. Sau hơn
10 năm cậm cụi làm lụng thăng trầm nơi đây, có lẽ có rất ít thời gian để mà tưởng
nhớ về quê nhà. Giòng họ, thân nhân, bạn bè … người còn, kẻ mất. Cảnh cũ quê
nhà, dường như bị chôn vùi trong cái dĩ vãng mờ mờ ảo ảo.
Tôi chọn về thăm quê trong dịp tết Nguyên Đán. Tháp tùng với tôi
có má tôi và đứa em gái út. Cả 3 chúng tôi sang định cư nước Mỹ trong 3 giai đoạn
khác nhau. Tất cả đều là thuyền nhân.
Trong lúc máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi
không biết má tôi và đứa em nghĩ gì. Riêng tôi, cái cảm giác vừa vui mừng, lẫn
lộn trong lo âu vớ vẫn. Hơn 1 tiếng đồng hồ cho 6 thùng hành lý và 3 cái
carry-on, chúng tôi lặng lẽ bước ra cổng với mồ hôi nhễ nhại.
Bên ngoài phi trường có quá đông người đứng chen chúc nhau, ngơ
ngẩn tìm đón người nhà. Một lúc sau,chúng tôi mới tìm gặp được 2 đứa em gái, đứng bên kia đám đông xa lạ. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong vội
vã. Tiếng khóc nức nở như muốn vang lên giữa bầu trời quê hương quen thuộc ngày
nào. Nước mắt rơi đầm đìa xuống má của từng người, chẳng nghe thấy được tiếng
nói nào. Tay gạt vội dòng nước mắt một ít lâu, mọi người mới tản bộ đến 1 nơi
có ít người hơn, lúc đó mới có tiếng thì thầm, tiếng cười cho ngày vui gặp lại
nhau sau những năm dài cách biệt…
Chiếc tàu đò lướt ngược dòng sông Hậu, từ bến Ninh Kiều của
thành phố Cần Thơ, do thủy triều lên, dừng lại bên cạnh bờ sông, đối diện vàm Mương Thợ bạc. Hàng dừa xiêm bên cạnh con rạch nhỏ,
có chiếc cầu dừa bắt ngang, làm tôi lâng lâng một nổi niềm bất định. Nhà tôi, ngôi
nhà của thời trẻ dại với muôn ngàn kỷ niệm ấu thơ, mà không bao giờ tôi quên được.
Bây giờ chỉ còn là một cái chòi tranh vách lá, mà cô em họ, con người chú bên cạnh,
làm chỗ cư ngụ. Từ lúc chúng tôi sang định cư nước Mỹ, má tôi tặng lại 10 công
đất ruộng vườn cho gia đình chú tôi. Ba tôi cũng đã an giấc nghìn thu nơi mảnh
đất nầy, lúc tôi vừa được 20 tuổi đời, vì sanh nghề tử nghiệp hay do sự bạo tàn
của chiến tranh cũng nên.
Để mừng ngày tết ta ở Việt Nam, tại nhà người chú, tôi nhờ chú
mua các thứ như: gà, vịt và 1 con heo lớn để thết đãi thân bằng quyến thuộc, hàng
xóm xa gần… Tôi đi lang thang, dọc theo con đường mòn lổm chổm của quê tôi, xã
Ba Trinh và xã Thới an Hội, ngăn cách nhau chỉ 1 con sông của xứ Cầu Lộ quê mùa
chất phác.Tôi dừng lại từng nhà người một, xem họ có thể nhận dạng ra tôi không,
sau cả chục năm vắng bóng. Tôi lì xì một ít tiền cho từng người bà con xa gần, từ
đầu trên tới xóm dưới, tuy không tặng nhiều, của ít lòng nhiều. Họ cảm động, có
người rưng rưng nước mắt. Tôi mời họ dự tiệc tùng ngày chúng tôi trở lại thăm
quê hương đầu tiên. Phần lớn họ còn nghèo xơ xác, làm ruộng, làm vườn, trồng rẫy,
làm mướn cũng chỉ sống tạm qua ngày tháng của mảnh đời nông dân tay lấm chân
bùn.
Má tôi, em gái tôi trò truyện không ngừng với bà con, bạn bè. Bà
lì xì các trẻ nhỏ, cho kẹo sô cô la, dầu con ó. Tiệc ăn mừng đông người, không
khác gì 1 đám cưới nhà quê. Tôi có mang về mấy chai rượu tây. Tôi mời từng người
thưởng thức cái hương vị của chai Martel VS. Tôi cảm nhận họ không thích chí lắm,
bởi họ từng quen thuộc với gu rượu đế mà thường được gọi là “nước mắt quê hương
“. Một người anh bà con, ngày xưa cùng đi học chung với tôi, tới lớp 3 trường
làng thì nghỉ, làm nghề chăn trâu. Bên cạnh tôi, gương mặt già dặn, da đen sậm
vì nghề làm mướn. Anh thỏ thẻ bên tai tôi, ngỏ ý xin giúp đỡ thêm ít tiền nuôi
5 đứa con. Tôi không tặng anh nhiều được, bởi còn nhiều người khác nữa. Không
lâu sau đó, anh treo cổ tự tử vì nghèo, không tiền chữa bệnh mà con lại đông nữa.
Tôi gởi về cho vợ anh một ít phụ nuôi các con nhỏ dại.
Chúng tôi về thăm lại quê ngoại, mà không về thăm quê nội, bởi lẽ
quê nội tôi chỉ còn lại những người cô, người bác mà thôi. Nội tôi qua đời trước
khi tôi được sinh ra đời. Thật là một bất hạnh lớn cho đời tôi. Ông ngoại tôi
còn khoẻ mạnh, chỉ bà ngoại thì già và bệnh nhiều. Bà vuốt tóc tôi với đôi dòng
nước mắt, chảy dài xuống đôi má nhăn nheo. Tôi thương ngoại quá, vì có nhiều kỷ
niệm buồn vui nơi quê ngoại suốt thời thơ ấu.
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ -VÂN NGUYỄN – JAN 3TH-2013.