Thuở nhỏ còn
đi học, mỗi lần phạm lỗi, thầy cô thường hay bắt phạt bằng cách quay úp mặt vào
tường. Thế giới có bảy kỳ quan mà Vạn lý trường thành là một. Muốn trút bầu tâm
sự, người ta thường thì thầm thủ thỉ to nhỏ riêng tư, không muốn kẻ khác lạ
nghe lén, dèm pha, dòm ngó. Để rào trước đón sau cho thêm vẻ đậm đà thân thiết,
bí mật được niêm phong đóng khằng cẫn thận, ta mới thu hết tàn hơi thì thào
suỵt nhỏ:’ Coi chừng tai vách mạch rừng đó’. Điều nầy chứng tỏ tường vách thật
gần gũi, liên quan mật thiết với cuộc sống con người.
Thật vậy,
tường có bằng gạch đá, kiên cố vững bền, vách đất dù trộn bằng rơm rạ thô sơ,
hai loại tường giàu sang nghèo khó nầy có công dụng như nhau, ngăn chận, cách
chia, bảo vệ, cấm đoán, ủi an, vỗ về, một người bạn trung thành thầm lặng. Đó
cũng là sự phối hợp công sức của trí óc với bàn tay nung đất nước tạo ra thành
phẩm. Trơ trơ như gạch đá, bạc trắng như vôi, tường vách như thu tất cả vui
buồn hoạt cảnh chung quanh Không biết có tâm linh hay sức cảm thông hiểu biết,
tường vẫn là chứng nhân lịch sử cá nhân gia đình đất nước như ông gác cổng già
hay chị vú thân thương...
Nhìn những
bức tường nung đỏ, loang lổ rong rêu, ta hình dung như đó là mồ hôi, nước mắt đọng khắc trộn lẫn máu đào của người
dân thắm nhuần trong ấy. Đứng xa ra quan sát những lằn vôi trắng đục như xương,
mục bể nát rơi thành bụi mỗi lần gió thổi, từng mảnh bén như khúc xương sẫm màu
bị gảy, ta thầm phục và cảm nhớ công ơn tiền nhân bao thuở.
Có những bức
tường lưu dấu ghi danh sách sử như Vạn lý trường thành Trung quốc, tiêu biểu rõ
rệt nhất thời cực thịnh của chế độ quân chủ chuyên chế, thiên tử thế thiên hành
đạo. Kiến trúc vĩ đại nầy thể hiện biểu dương quyền uy tối thượng tột đỉnh,
ngược lại cũng tàng ẫn tính yếu đuối, lo sợ, tham lam, ích kỷ, độc tôn của con
người.
Sau thế
chiến thứ hai, bức tường ô nhục Bá linh chia đất Đức ra hai miền Đông Tây khác
tuyến. Cùng một nước dân mà trở thành thù địch, tường quê hương phải trái thuộc
về ai? Mỗi lần khóc thở than quay vào tường hay trở mặt, và do ai gây nỗi thảm
thương nầy!
Không khác
chi sông Gianh trước kia, cầu Hiền lương trên sông Bến hải trước 75, dạng hai
chân trên hai vùng đất nước, cũng thoi thóp thở than trong bóp nghẹt, sông vẫn
trôi mà hồn ở bên nào? Từng chứng kiến bao người vượt trốn, thảm cảnh tương tàn
vì nội chiến vô tâm. Rồi như mọi việc trên đời có hợp có tan, năm 89 tường Bá
linh sụp đổ. Ý thức hệ lại một lần biến thể, tường mất đi nhưng kỷ niệm khó
vơi.
Sang Trung
đông, ‘Tường Than khóc’ Jerusalem (mur des Lamentations), đây không phải là bức
tường ghi dấu đau thương mà là nơi hành hương cầu nguyện. Vậy mà đây cũng là
chứng tích rẻ chia hai dân tộc Israel Palestine xâu xé bắt buộc sống gần nhau.
Gần đây nhất, tường Afghanistan lịch sử, dân đạo Hồi Taliban dùng mìn hủy diệt
tượng Phật Bamyan mấy ngàn năm.
Chưa kể
đến những bức tường bốn mặt, cung cấm ‘harem’ giam hảm trong lầu son gác tía
bao phi tần cung nữ, hẩm hiu sống cô đơn đến suốt cuộc đời. ‘Cung oán ngâm
khúc’ của Nguyễn gia Thiều đã thống thiết nói lên nỗi lòng ai oán đó.
Những trại
giam tù binh, lò thiêu người tập thể bằng hơi ngạt của Hitler, vết ô nhục trong
sử sách loài người, những trại tập trung học tập cải tạo cọng với mồ chôn diệt
chủng ở Kosovo , tường Tháp đôi Nửu ước sụp đổ do khủng bố ngày 11-09-01 đã làm
cho con người choáng váng, sững sờ.
‘‘Ngày xưa bia đá thì mòn,
Ngày nay bia miệng vẫn còn trơ trơ’’
nhắc cho ta nhớ đến những bức tường mi-ni, mộ bia ở các
nghỉa trang khắc ghi kỷ niệm, quá khứ, đánh dấu sự vĩnh viễn ra đi trở về lòng
đất mẹ , sống gởi thác về của thân phận con người.
Nghĩ cũng lạ,
tường thuộc loại vô tri vô giác thế mà cũng được người đời nhân cách hóa có
tai. Thường nói chung ở đời ai cũng thích nói năng, than thở, phân trần hơn
lắng nghe. Còn tường luôn im lặng, chăm chú không suy suyển,’ nghe như chọc
ruột tai làm điếc’, chẳng bao giờ trả miếng dù có vang dội âm thanh mà không
bao giờ bội phản.
Nếu không là
bạn tâm giao sao mỗi lần buồn khóc, ta thường quay gục vào tường kẻ lể, nức nở,
không là người an ủi vỗ về sao ta đâu ngại trút cạn tâm tư. Tường còn tượng
trưng gia đình nên mang cho ta ấm cúng đoàn kết tự tin, ngăn chận kẻ bất lương,
chở che phong sương mưa gió. Làm trang giấy cho ta ghi lên nổi niềm tình cảm,
giải tỏa phẩn uất, buồn vui, trung thành không phê phán.
Vậy tường là
gì, là ai? Có phải như Alfred de Musset đã ví một cách tuyệt vời:
‘Objets inanimés, avez-vous
donc une âme
Qui s’attache à notre âme et
la force d’aimer?’
(Hởi vật vô tri vô giác, bạn
cũng có linh hồn; hồn bạn quyện chặt vào hồn chúng tôi,và bạn cũng có sức mạnh
để thương yêu.)
Cũng như
tường vách, xin hãy trả lại cho thế nhân giá trị tinh thần trung thực để trang
bị và xác tín tầm suy nghĩ, điểm tựa hướng đi, biến cuộc đời biết xẻ chia thông
cảm, đùm bọc, đầy nghĩa tình người, có hồn đáng sống.
Cô Trần Thành Mỹ