Bé Nhi vừa đi vừa nói
chuyện vui vẻ với bạn bè trên đường về nhà. Không ai để ý có một người đàn ông
lạ theo sau. Đến đoạn đuờng rẻ vào nhà, vừa từ giả hẹn hôm sau như thường lệ
thì ngạc nhiên Nhi nghe ai gọi : ‘ Cháu cháu, cho bác hỏi một
chút, cháu có phải là cháu bà ba tiệm cơm không ? ‘. Nhi đang định
cắm đầu cắm cổ chạy nhanh về nhà thì khựng lại nhìn lên rồi lễ độ trả
lời : ‘ Dạ phải ‘ Nhanh như cắt cô bé ôm tập chạy đi, mặt mày
tái mét. Đến cửa nhà quay lại Nhi không thấy bóng dáng ai sau lưng hết. Cô bé
dụi mắt nhìn quanh chỉ có khách bộ hành bách bộ trên lề đường. Vào nhà, bé Nhi
ngẩn ngơ cả ngày mà không dám thô lộ với ai cả .
Nhi là con gái đầu lòng
của cô hai con bà ba chủ tiệm ăn, học ở trường Tiểu học gần nhà.Nhi rất hiền
lành mủm mỉm xinh xắn được cả nhà thương yêu rất mực. Thế mà hôm nay trước khi
đi học, bé Nhi cứ nằn nì đòi mẹ đi rước. Mẹ Nhi bận rộn bếp núc la
con : ‘ Con biết giờ đó khách đông mà. Sao con dở chứng
vậy ? Bộ giận hờn bạn bè rồi phài không ?
Thời bấy giờ chưa có
chuyện mẹ mìn bắt cóc hoặc ‘ pédophile ‘ như ngày nay.Nhớ một thời
nghe tin đồn học sinh nhỏ ở các tỉnh miền Nam bị bỏ bùa dẫn đi, cha mẹ thường
bắt con cái đem theo vài tép tỏi để trong cập, trong túi trừ tà ma quỷ ếm. Bé
Nhi bệu bạo khóc không chịu đi học nếu không ai rước bé về. Khi các bạn đến rủ
Nhi cùng đi chung như thường lệ, mẹ Nhi liền ra gởi gấm Nhi nhờ bạn bè từ nay
đưa dùm Nhi về tận nhà.
Cả tuần sau không có gì
xảy ra. Nhi nguôi ngoai quên đi câu chuyện trên.
‘ Nhi, bác muốn nói chuyện với con. ‘. Bạn bè Nhi còn nhỏ nên
cả nể người lớn, nghe thế liền bảo Nhi :’ Tụi tao về trước nghe. Mai
tụi mình cùng đi chung nha. ‘ Nhi sợ quá chạy theo đám bạn không dám nhìn
lại phía sau, qua mặt luôn không nghe cả tiếng các bạn gọi ‘ Chờ tụi tao
với, làm gì mà chạy dữ vậy, điên hả ‘. Nhưng vừa la xong, cả bọn mới giật
mình sợ hãi đồng lượt hô to ‘ Dông tụi bây ơi ‘, rồi bắt đầu co giò
chạy.
Về đến nhà, Nhi vẫn im
bặt không hở môi. Tuy nhiên, ngồi thu tiền, bà ba ngạc nhiên thấy Nhi hớt ha
hớt hải chạy vào nhà như bị ma đuổi, lúc đầu bà ngỡ Nhi đùa giỡn với bạn,
chuyện chưa bao giờ xảy ra, nhưng không thấy ai theo sau, bà vội ra trước tiệm
nhìn quanh thì cũng chẳng thấy người nào. Theo linh tính bà nghĩ chắc phải có
gì lạ xảy ra cho cháu bà.
Thấy ngoại thình lình lên
lầu, Nhi vội đứng dậy chào ngoại. Bà ba đến bên Nhi tươi cười trao cho cháu
trái ổi thơm phúc. Lần đầu tiên bà ba ôm cháu vào lòng làm Nhi quá cảm động tự
nhiên khóc nức nở. Bà để yên cho bé khóc, lau nước mắt một cách trìu mến :
‘ Sao Nhi, ở trong lớp có chuyện gì vậy ? Nói đi, bà sẽ vào trường
hỏi xem đứa nào dám ăn hiếp cháu bà ? ‘. Nhi ấp úng : ‘ Hổng
phải vậy đâu ngoại ‘. Bà ba vẫn hiền từ :
‘ Con ngoan hiền, bà thương con lắm. Có gì con cứ nói với bà nghe
con.Con là cháu ngoại đầu tiên của bà mà, cháu cưng của bà cháu biết không?’
Nhi bập bẹ:
-
Con sợ quá ngoại ơi! Có ông nào không biết, lâu lâu cứ chận đường con
hỏi con có phải là cháu của ngoại không?
Ổng còn biết cả tên con. Hôm nay còn đòi nói chuyện với con nữa.
-
Con có nhớ mặt ông đó ra sao không? Ông ta có vẻ dữ dằn không?
-
Con nghe lời ngoại, tan học là đi thẳng về nhà nên vừa nghe người lạ hỏi
là con lo chạy trốn rồi đâu có nhìn mặt ông ta kỹ làm chi? Nhưng chắc
ông ta cũng không dữ, ông chỉ khom lưng xuống hỏi con chứ không có sờ đầu nắm
tay con gì hết
-
Mấy bạn con có biết không?
-
Con đâu có dám nói với ai chuyện nầy
- Tội nghiệp cháu bà quá. Hèn chi hổm rày con đòi mẹ đi rước con đó phải
không? Được rồi đừng lo nữa. Lần tới hễ gặp lại ông ta, nhờ mấy bạn cùng đi
chung ở lại với con, nghiêm chỉnh hỏi ông ta là ai, ông cần hỏi gì thì đến tiệm
mà hỏi. Con dám nói không? Đừng sợ gì cả. Cháu bà lớn rồi mà.
Rồi từ
đó trở đi, Nhi không thấy ông ta xuất hiện nữa. Tuy nhiên càng lớn lên, lâu lâu
hình ảnh cũ vẫn thoáng qua, mặt ông chỉ là cái bóng mờ nhưng giọng nói đầy vẻ
cảm động của ông đôi khi cũng chập chờn trong giấc ngủ.
Một hôm,
cô hai mẹ Nhi gọi Nhi đến bên thì thầm: ‘Từ nay đi đâu gặp ai hỏi thăm đừng trả
lời gì cả, càng tránh càng tốt, coi chừng kẻ xấu bắt cóc cho chuộc đó con. Nhớ
lời má dặn chưa.’ Chuyện nầy dần dần trôi qua mà không một ai để ý ngoại trừ
hai người bàng bạc nhớ về quá khứ nghi ngờ, bà ba và cô hai.
Thời
gian trôi qua, Nhi đã lên Trung học, một nữ sinh khá xinh đẹp hiền lành chân
chất hồn nhiên. Ngày ngày cùng bạn gái cư ngụ gần nhau, đi bộ đến trường. Nhi
cũng thường được bạn bè trong lớp nói đùa chọc phá:
‘ Nhi ơi
Nhi, mầy là viên ngọc quí mà không mài cứ để ngọc lu li. Tao là con gái mà thấy
mầy còn cầm lòng không đặng huống hồ bọn con trai mới lớn.’.
Thấy Nhi
mặt đỏ bừng lên, ‘á khẩu’, càng thích chí trêu thêm, cô tấn công, người bênh
vực:
-
Mới nói chút xíu mà đã đỏ mặt tía tai rồi, chắc ai hỏi đến là xỉu luôn. Đừng
có hiền quá vậy cô nương ơi. Phải ‘’thọ giáo ‘’ cúng tổ đi chị dạy cho vài
chiêu phòng thân em ơi.
-
Bà làm như mình đầy kinh nghiệm không bằng. Mà cúng Tổ nào vậy?
-
Thần trẻ con Cupidon, Thần giương cung bắn trúng ai là hết trốn. Vì thế
tình yêu thật khó đoán không biết đâu mà rờ. Và ai bị trúng tên thần rồi thì
như đứa trẻ đang lạc vào Thiên thai, tuổi nào cũng thế. Do đó khi nào thấy quả
tim nó có triệu chứng rung rinh, phải nhớ là mình đang vào hàng đệ tử của Thần
rồi nên cần phải đề phòng, chín chắn nghĩ suy.
-
Nhi nó nhút nhát, hiền khô, kín đáo, đừng dọa phá nó quá tội nghiệp.
- Thương mới chọc cho vui để nó thấy bọn con gái mình cũng đoàn kết lắm
chứ bộ. Vậy bà muốn Nhi như thời nam nữ
thọ thọ bất thân, thấy con trai đến gần là la làng:
‘Đây là phân gái đó là phận trai’.
Rồi về nhà tương tư họa hình như Kiều Nguyệt Nga à.
Bạn bè nói gì Nhi cũng cười
cười cho vui chứ ít khi giận dỗi.
Một hôm,
trên đường về ngang một quán cà phê cùng với bạn bè như thường lệ, thình lình
Nhi cảm thấy như có ai nhìn mình. Bất ngờ Nhi quay lại chạm phải tia mắt của
một ông đứng tuổi đang vờ quay mặt nhìn sang chỗ khác. Lần khác Nhi để ý đến sự
xuất hiện đúng giờ của ông, có khi Nhi về trễ hơn, từ xa Nhi cũng đã thấy ông
ta đi qua đi lại trên lề đường như chờ bọn Nhi đi qua. Theo phản ứng tự nhiên,
khi đi ngang qua ông, Nhi nhanh chân rảo bước. Trên đường về nhà,Nhi mỉm cười
tự chế nhạo mình là đã ‘đạp vỏ dưa thấy vỏ dừa cũng sợ’ trấn an.
Thế nhưng lâu lâu Nhi lại thấy sự xuất hiện của
người lạ mặt trên. Ông không tỏ vẻ muốn gặp Nhi mà dường như chỉ âm thầm ngồi
nhìn bọn Nhi đi qua thôi. Tò mò Nhi muốn tìm hiểu xem có phải ông ta theo dõi
mình không nên bàn với Thu cô bạn thân kín miệng hầu phát hiện ý đồ của ông
‘già bí mật’ mà hai cô đặt biệt hiệu cho ông ta. Thu bày mưu là sau khi cả bọn
đi ngang qua rồi thì Thu sẽ một mình trở lại và nhìn ông ta một cách thân thiện
xem sao. Lạ lùng thay ông ta biến mất. Sau vài lần thử nghiệm, Thu phát giác ra
sau khi bóng dáng các cô vừa khuất khỏi tầm nhìn là ông ta vội đứng dậy trả
tiền rồi lên xe đạp phóng đi ngay.
Bẳng
đi một thời gian, không thấy bóng ông già xuất hiện nữa. Hai cô gái cũng buồn
buồn như thiếu vắng một kích thích lạ, một cái nhìn chiêm ngưỡng theo hoang
tưởng của tuổi trẻ mộng mơ, nên không bao giờ quên nhìn vào quán như muốn tìm
lại tia mắt quen thuộc một thời.
Chuyện tưởng như
kết thúc chấm chấm ở đây. Cũng có thể là do trí tưởng tượng của các cô gái
mới lớn, xinh đẹp tự cho mình là cái rốn
của vũ trụ. Cũng có thể là một sự trùng hợp nào đó trở thành đề tài sống động
để các cô có dịp bàn tán sôi nổi trêu đùa nhau thỏa thích của lớp tuổi dậy thì
mơ tưởng chuyện thần thoại hy vọng trong tương lai gặp được hoàng tử của lòng
mình
Trưóc
75, bà ba bị bạo bệnh qua đời. Không bao lâu sau lại đến má cô.Chúng kiến cảnh
ba cô lo lắng từng li từng tí cho ngoại, mẹ trong cơn bệnh hoạn, ba cô quả là
tấm gương sáng của người con chí hiếu người chồng chung thủy mà ngày nay khó
tìm được. Không để cho ai khác lo các việc nặng nhọc dơ bẩn, chính tay Ky ba
Nhi quán xuyến tất cả, bồng bế ngoại lên xuống lầu để đi bác sĩ, không ngại đổ
bô thay giường chiếu, đút từng miếng ăn hớp nước, tự tay cho uống thuốc Con cái
lơn lớn chỉ có nhiệm vụ thay phiên túc trực canh chừng.
Thế rồi,
ba Nhi lại theo ngoại mẹ vĩnh viễn từ giã cõi đời để chị em Nhi mồ côi thay cha
mẹ tiếp tục quản lý tiệm ăn. Bấy giờ hai em trai đã lập gia đình bị đi học tập
cải tạo. Vợ con trước kia theo chồng công tác xa, bây giờ đều tập trung cả về
nhà. Lo sống cho một gia đình đông đảo như thế đâu phải là chuyện dễ nhất là
sau 75.
Một hôm, Nhi nhận được một bức thư có ghi rõ
tên họ địa chỉ người gởi xin cho hẹn gặp tại
quán cà phê sau nhà. Trong thư tác giả cũng ghi rõ là nếu không, ông Tân
sẽ đến tận nhà. Và để tránh mọi ngộ nhận nghi nan hiểu lầm, ông cũng nêu lý do
chính đáng là ông đến để làm sáng tỏ mối liên hệ gia đình giữa ông và Nhi. Còn
lý do khác rất có lợi cho Nhi ông hẹn sẽ bàn sau trong lần hội ngộ.
Thật là
bất ngờ, một trái bom nổ chậm hay là cây pháo đại trong ngày đại lễ?Tên ông nầy
Nhi chưa hề nghe ai nói tới, bà con cũng
chẳng có ai trùng tên. Liên hệ gia đình với riêng Nhi? Lạ thật, chắc có điều gì
bí ẩn đây? Nếu muốn lường gạt mình sao lại ghi rõ danh tánh địa chỉ? Lại còn
nói có lợi cho mình nữa?
Cuối
cùng, Nhi thố lộ bàn bạc với em gái kế mình, rồi tương tựu tương kế, hai chị em
mướn xe đi tìm địa chỉ trên. Bất ngờ, đó là một ngôi biệt thư xưa, như vậy chủ
nhân phải là người trước đây giàu có hoặc có địa vị xã hội cao. Hai chị em dụi
mắt không tin, cố ở nán lại hy vọng nhìn thấy được người nào trong nhà. Một hồi
lâu, may thay có bóng dáng người đi qua đi lại rồi mở cửa ra vườn. Một ông đứng
tuổi.Sợ bị phát hiện, hai cô vội kéo nón sụp xuống rồi chuồng nhanh.
Chị
em Nhi quyết định để Nhi đến chỗ hẹn như ngày giờ qui định, em gái mình theo
sau. Không có gì phải lo sợ vì quán cà phê ở sau nhà, gần đó đầy dẫy những
người bán hàng rong qua lại. Vả lại ở Saigon bấy giờ ai bắt cóc ai làm chi,
nuôi thân còn không nổi làm sao nuôi thêm người.
Vừa
thấy Nhi đến, một thực khách vội vã đứng dậy ra mời Nhi vào bàn ngồi. Trời!
Đúng là ông ở ngôi biệt thự rồi và đột nhiên Nhi cảm thấy choáng váng khi nghe
ông nói ‘cám ơn cháu đã đến’. Giọng nói nầy có âm hưởng ngày xưa và dáng dấp
cũng tựa là của ông già bí mật rồi.Nhi chưa kịp có phản ứng nào là đã nghe ông
bắt đầu ngay vào đề: ‘Chắc cô ngạc nhiên sao còn thấy lại mặt tôi nữa phải
không?Tôi mời cô đến đây trước là để xin lỗi đã làm phiền lòng cô trước kia,
sau là giải bày tâm sự dấu kín từ mấy mươi năm qua, mối liên hệ gia đình giữa
tôi và cô.’
Nhi
định trả lời nhưng ông đưa tay lên ngăn lại:
- Xin cô đừng ngắt lời, cho phép tôi nói tiếp. Tôi thật sự là ba ruột của
cô. Anh Ky chỉ là cha của các em cô. Chuyện xưa bác sẽ nhắc lại lần sau vì bác
có lỗi với má con quá. Bây giờ, thời gian gấp rút quá, bác hôm nay đến để nói
rõ ý định của bác cho con nghe.
Vội nhìn quanh ông thì thầm:
- Bác
được bảo lảnh sang Pháp, bác muốn con cùng đi đề chuộc lỗi của bác ngày xưa đối
với con. Lúc nầy bác cũng không được khoẻ lắm. Dì con cũng qua đời rồi như ba
má con vậy. Vậy bác nói để con về suy nghĩ lại, tất cả mọi việc giấy tờ bác sẽ
lo liệu hết, con đừng lo.Con đừng tiết lộ cho ai biết, nguy hiểm lắm. Chỉ có
thể bàn bạc với các em trong nhà. Quyết định càng sớm càng tốt rồi cho bác hay
để tiến hành mọi thủ tục cần thiết cấp bách.
Ông
rút trong túi tấm danh thiếp có ghi sẵn cả ngày giờ hẹn gặp tuần sau rồi đứng
dậy, ứa nước mắt kiếu từ. Nhi cũng vội vã theo ông ra khỏi quán mà không biết
mình sống thật hay đang mơ? Không thốt lời nào Nhi nhìn ông lên xe đi thất
thanh hồn vía, lơ mơ lửng thửng về nhà. Vừa thấy mặt em, Nhi bật khóc nức nở
nghẹn lời không nói được gì cả. Nhi không biêt mình có nên kể lại câu chuyện mà
cha mẹ dấu kín từ trước đến nay không? Có chắc ông ấy là người chồng đầu tiên
bội bạc mẹ Nhi không? Có ai biết là ông ta có con với má Nhi đâu ?Nếu biết
mình không phải là chị ruột, các em sẽ nghĩ như thế nào?Còn thương mình như từ
trước đến nay không? Sao ông ta lại tốt với mình như vậy?Sao mình dễ tin người
quá, có biết ông ta là ai, rủi ông ta bày đặt chuyện để gạt mình thì sao? Bao
câu hỏi không giải đáp được, cuối cùng Nhi quyết định kể chuyện cho các em nghe
rồi cùng nhau giải quyết.
Lúc
bấy giờ bao nhiêu người tìm cách vượt biên. Hai em trai đã bị đi học tập cải
tạo, tiệm ăn bị thu hẹp lại, kinh tế gia đình suy sụp không biết đến chừng nào
mới lên lại được, cả nhà đang lo bấn loạn đây. Sau mấy ngày bàn bạc, các em đề
nghị là nên mời ông ấy đến nhà rồi tùy cơ ứng biến.
Tại
sao đến bây giờ ông mới nhìn nhận Nhi? Bằng cớ nào chứng Nhi là con của ông?
Nhi đâu có cùng họ với ông đâu mà đi theo ông được? Ổng làm tiền mình thì sao?
Hay gạt mình làm giấy tờ giả rồi đi tố cáo?Ai bảo lãnh ông ta? Cả nhà cuối cùng
cũng đồng ý để cho Nhi đi hy vọng qua bên ấy rồi từ từ tìm cách đem các em
sang. Nhi từ nhỏ đã yếu đuối, khờ khạo hơn các em nên xuống tinh thần, ăn ngủ
không yên, nhuốm bệnh.
Ngày
hẹn đến, Nhi cố gắng gượng dậy ra gặp ông Tân có mặt cả các em. Theo kế hoạch
chung, Nhi định hỏi thì ông Tân đã nói trước: ‘Con có đồng ý không là tùy con,
đây là thiện chí của bác hối hận tội lỗi ngày xưa. Bác cũng sẽ nói rõ cho các
cháu nghe mọi điều, và cần gì các cháu cứ thẳng thắn hỏi. Bác không ép buộc
được Nhi, vì bỏ con trên bao nhiêu năm rồi nay muốn hàn gắn chuộc lỗi, khó tin
thật’
Nhi nhìn
ông cảm động khi thấy ông trên dưới 60 mà già trước tuổi:
‘Tôi có thể
bằng lòng đi nếu ông nói rõ trước tiên lý do nào làm ông ăn năn nghĩ đến cái
bào thai bị bỏ rơi trước kia là của chính ông, thứ đến là làm thế nào ông bảo
lãnh cho tôi được, và các em tôi nữa?.
-Chuyện
dài dòng lắm, ba chỉ có thể kể vắn tắt cho con nghe đoạn đời sau nầy của ba mà
thôi
-Xin ông
đừng xưng ba con với tôi, ông cứ nói điều gì cần thiết mà thôi.
-Phải
tập xưng hô cho quen để đến khi điều tra, tụi nó nghi thì chết. Đáng sợ lắm con
ơi! Ba cũng phải thận trọng, giữ tuyệt đối bí mật đó.
Rồi ông
bắt đầu kể. Sau khi bỏ má Nhi, ông về tỉnh làm việc và lập gia đình với cô con
gái nhà giàu, ở rể, có hai con, một trai một gái. ít lâu sau, gia đình bên vợ
phát hiện ông đã có vợ trước rồi, gia đình sợ mang tiếng nên dấu nhẹm đi. Chẳng
may không bao lâu cha mẹ vợ ông lại qua đời. Từ đó ông sống luôn ở đấy không
trở lên Saigon nữa và cũng ít về quê hơn. Đứa con gái sinh sau Nhi hai năm, và
đứa con trai cũng hai năm sau đó, đi du học rồi ở lại Pháp làm việc cho đến
ngày nay, còn độc thân.Sau khi vợ ông mất, ông mới về Saigon ở với cô con gái
đi dạy ở tỉnh. Cô nầy, sau 75, vì có em trai ở nước ngoài nên gặp nhiều trở
ngại trong việc khai lý lịch. Giao thông khó khăn lao động thường xuyên, lương
bổng quá ít nên cô quyết định vượt biên không chờ đợi bảo lãnh. Rồi bặt tin mấy
tháng nay.
Tới
đây,quá xúc động, nghẹn lời rút khăn ra lau nưóc mắt tiếp: ‘Con biết chuyện
rồi, ba nói rõ luôn. Ba ray rứt và nhớ đến con hơn vì hai đứa giống nhau lạ
lùng.’
Ông từ
từ rút trong bóp tấm ảnh đưa cho Nhi xem làm bằng. Các em Nhi cũng đổ xô lại,
chuyền tay nhau so sánh: ‘ Lạ thật, người giống người’ !
Em nầy
nói thế nầy em kia nói thế khác nhưng tựu trung là hai cô giống nhau như hai
giọt nước.
Ông dừng
lại, nước mắt rơi lả chả, thổn thức kể lể: ‘
- Con
Thắm nhất định ra đi không ngăn cản được và mất tích luôn. Rồi giấy bào lãnh
cho hai cha con về. Vì vậy bác mới đến đây đề nghị con thay chỗ nó. Thật ra con
đừng lo gì cả, bác đã nhờ người lo hết cả mọi việc, xong xuôi trả tiền cho họ.
Vả lại, bác cũng có người em trai đi theo bên kia tập kết mới trở về, có chức
phận, bác định nhờ dùm nữa. Nếu được việc, bác sẽ để cả gia tài nhà cửa cho chú
ấy. Trước đây khi chú ấy đi ra bưng, phải trốn chui trốn nhủi, lắm lúc phải nhờ người tìm về xin tiền, trước kia
nội còn sống nên thương con hay giúp đở. Do đó hy vọng chú ấy sẽ giúp mình
không có vấn đề gì hết.
-Thì ông
cứ đi một mình sao lại lôi tôi đi theo làm chi? Nhi tức tửi khóc nói một hơi.Từ
trước đến nay, gia đình tôi đang sống gắn bó bình thản đoàn tụ, ông lại đến xáo
trộn cuộc đời tôi như trước kia, như chuyện ông kể là thật, ông đã ruồng rẫy má
tôi vì phú quí bạc tiền, vứt bỏ con từ mới lúc tượng hình. Nhi lâu nay hiền
‘như cục bột’, nay lại có phản ứng bất ngờ không kềm chế được. Nhi đã bị cái
quá khứ gần 40 năm bao trùm quyện chặt làm Nhi muốn vùng lên, mọi người sửng
sờ.
-Tôi
không theo ông đâu để rồi sang đó biết đâu ông lại không xử sự tàn tệ như trước
kia đối với má tôi. Ông vứt bỏ tôi bên lề đường cuộc sống ở thủ đô Paris mà ánh
sáng tiền tài vật chất có thể mà mắt ông làm óc ông tối mù lại mất lương tri.
Ông cũng có tình người, cha con nữa à? Đúng rồi, có với ai xuất phát từ gia
đình giàu sang quí tộc, chứ còn đối với đứa con ‘vô thừa nhận’ ông không thèm
đếm xỉa tới từ trước đến nay, tại sao bây giờ ông cần sự có mặt của nó? Xin đặt
cái dấu hỏi to tướng? Dù sao tôi cũng cám ơn ông đã có chút lòng ‘trám’ tôi vào
chỗ người vắng mặt.
-Nhưng
sao con bảo là bằng lòng đi với ba?
-Không
phải là tôi có ý định đó đâu mà là do cả nhà. Như ông biết thật khó sống dưới
chế độ nầy. Các em trai tôi đều phải đi học tập không biết ngày nào mới về, gia
đình tôi đông anh em nên việc ra đi cũng là một lý do tốt hy vọng giúp đở gia
đình và tương lai sáng lạn hơn.
-Thế mà
bây giờ con lại đổi ý thình lình vậy?
-Vì tôi
khó có thể tin ông được ! Tôi có cha mẹ đàng hoàng. Chính mắt tôi đã thấy ba
tôi săn sóc tận tình cho ngoại rồi má tôi trên giường bịnh, cõng tôi trên lưng
mỗi lần về nội, ôm ru tôi vào lòng mỗi lần tôi bịnh nặng mà tôi hồi nhỏ bịnh rề
rề, đút từng muỗng sữa miếng cháo cho tôi khi tôi bị thương hàn.Tôi chỉ biết có
ông Ky là ba tôi thôi, ông hiểu chưa?
Ông
là ai mà như một ác thần đến phá gia can tôi, xoáy tim tôi đến rỉ máu như vậy?
Tôi chưa báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của ba tôi một ngày. Hồi còn sinh
tiền cho đến ngày cuối đời, ba tôi luôn lo lắng cho tôi, có khi còn la rầy ngay
cả các em tôi mỗi khi cười nhạo trêu tôi : ‘Chị hai con yếu đuối lắm, tụi con
phải thương quí đùm bọc lo cho chị hơn’. Ông có lo bênh vực tôi như thế được
không? Bây giờ tôi có quí cha tôi gấp trăm nghìn lần hơn, cũng không sánh nổi
vì đối với tôi trên đời nầy không có ai như ba tôi hết.
-Bác
biết lỗi của bác lâu lắm rồi, bác cũng ân hận lắm, ông đổi cách xưng hô do phản
ứng mạnh bất ngờ của Nhi. Bác nói tùy con tin hay không, cũng vì thương con nên
bác đã thôi không tìm gặp lại con hầu khơi đến việc xưa. Hiện nay, bác cũng đã
già rồi, ba má con qua đời cả rồi, bác nghĩ là để chuộc phần nào tội lỗi nên
mới quật mồ dĩ vãng đó thôi. Chuyện qua rồi đâu có thể níu kéo trở lại được,
kinh nghiệm đời của kiếp người. Trong cuộc sống ai cũng phạm lỗi nặng nhẹ. Con
cũng nên tập thứ tha cho tâm hồn thanh thản hơn.
-Việc gì
cũng cần có thời gian hết.
-Đúng,
nhưng mỗi việc phải qui định thời gian của nó. Như chuyện lập gia đình chẳng
hạn, mỗi tuổi cho mỗi thời. Phải biết dứt khoát đúng lúc, tiến thối cần cân
nhắc kỷ nhưng không được trì trệ. Điển hình là Thắm con bác đó, sống êm ấm
trong gia đình, chỉ lo hăng say đi làm, không bao giờ để ý đến thời gian trôi
qua. Ai đi hỏi cũng không rung động bảo chưa gặp người ‘hạp nhãn’, cũng không
buồn bã tức giận gì khi người chung quanh bạn bè xầm xì ‘lỡ thời’, ế ẩm. Các
con được tự do hơn thời ba má các con rất nhiều nên khó có tâm tình của thế hệ
trước ‘áo mặc sao qua khỏi đầu’.
Ngừng
lại một chút để lấy lại sức, ông Tân thiểu não tiếp:
-Thật ra
không phải bác chỉ muốn chuộc tội với bà ngoại và má của các cháu mà thôi, đây
còn là cách cám ơn anh Ky ba con nữa.Nếu không có sự ra đi bạc tình ngày ấy thì
bây giờ các cháu là con của bác rồi. Nhờ có lòng rộng lượng và tình yêu chân
thật của ảnh, bác mới có dịp nhìn Nhi lại được.
Ngày xưa ảnh đã nuôi con bác như con mình, bây
giờ bác chỉ muốn trả ơn trong muôn một, làm mọi cách để lo cho các cháu. Do đó
dự tính của bác là lo cho Nhi sang trước bên ấy rồi tìm cách đưa dần dần các em
sang cùng chị, như mariage blanc đám cưới giả chẳng hạn, đi du lịch rồi lập gia
đình ở luôn bên ấy. Con trai bác hiện giờ còn độc thân, đã nhập quốc tịch, biết
chuyện, sẵn sàng lo mọi chuyện. Bác chỉ cầu xin có một điều là bác còn đầy đủ
sức khoẻ sống cho đến ngày các cháu đoàn tụ ổn định rồi, bác ra đi gặp lại ba
má các cháu tạ tội, cám ơn là mãn nguyện rồi.
-Nhưng
tại sao bác nhất quyết chị Nhi là con của bác? Ở nhà không ai biết chuyện nầy,
bằng chứng nào bác lại quyết đoán như vậy?, một em gái Nhi thắc mắc hỏi.
-Dứt
khoát ra đi thình lình, có bao giờ gặp lại má con đâu mà biết. Vả lại có hỏi,
má con cũng đâu thèm nhìn mặt con người bạc bẽo nữa làm chi. Tuy nhiên người
chồng bất nghĩa dù bỏ bê vợ nhưng luôn tìm cách dò la tin tức xem bên vợ mình
xoay xở ra sao?
-Như vậy
là bác đưa ra tối hậu thư để bà ngoại tìm bác yêu cầu trở lại, thỏa mãn các
điều kiện bác đòi hỏi?
-Cũng
đúng một phần thôi. Bác biết chắc tính ngoại rồi, bà chỉ là dì ruột của má con
thôi. Vả lại giữa bác và má con chẳng có tình yêu, chỉ theo truyền thống xưa mà
nên nghĩa vợ chồng. Bác lại theo tân học nên cũng lãng mạn ngầm.
Ảnh
hưởng của văn hóa Pháp trử tình mơ mộng thời bấy giờ cũng đẩy bác xa dần với
nếp sống ‘chồng chúa vợ tôi’, không thân mật của cha ông. Không được ngồi gần
vợ trước chỗ đông người, đùa giỡn nhau ngay cả trong phòng the cũng bị cấm
ngặt, e làm gương xấu cho em cháu trong nhà. Đi ngang vợ cọ quẹt một chút cũng
bị lên án, âu yếm vợ mình cũng gọi là động cỡn’. Thôi chỉ có nước chuồng đi nơi
khác mới giải tỏa nổi nỗi ấm ức đó thôi. Bấy giờ bác còn trẻ mà, đàn ông còn có
quyền năm thê bảy thiếp, nên bác không chần chừ gì hết trốn luôn.
Trở
lại vấn đề cháu hỏi, khi hay tin Nhi sinh ra, bác nhẩm tính là thiếu tháng nên
nghi là bào thai do mình tạo ra. Bác nhờ người dọ hỏi thì được biết, dù sanh
sớm, con bé lớn nhanh khỏe mạnh, mủm mỉm dễ thương. Ai cũng bảo là giống mẹ
nhưng khỏe mạnh nhờ vóc dáng to lớn của anh Ky.
Từ đó,
bác không còn bán tín bán nghi gì nữa cả quả quyết Nhi là con bác rồi. Nhưng
nói với ai bây giờ?Tội mình làm mình chịu chứ biết trách ai. Bao lần bác đã tìm
cách gặp Nhi, tội nghiệp con bé, sợ bị bắt cóc nên thấy bác là chạy bá sống bá
chết trốn bác thấy mà thương.
Cuối
cùng, gia đình cũng đồng ý để Nhi đi trước với ông Tân. Mọi việc xảy ra trôi
chảy như dự tính. Ông Tân chỉ tiếp xúc vói Nhi khi nào cần thiết thôi. Nhi cũng
không bao giờ đến nhà riêng của ông, vì thật ra Nhi cũng không hăm hở mấy trong
việc ra đi nầy nhưng đã ‘phóng lao thì phải theo lao luôn’. Hồ sơ xuất ngoại
không gặp trở ngại nào. Ông Tân cũng đã làm giấy tờ bán nhà cho em trai mình
xong, chỉ còn chờ giấy xuất cảnh lên đường.
Nhưng
sau đó một thời gian, bặt tin ông Tân. Nhi cũng lấy làm lạ vì thông thường lâu
lắm là hai tuần ông cũng đến thăm Nhi cho biết tin tức. Thật ra giữa ông và gia
đình Nhi đã có sự cảm thông hơn, riêng đối với Nhi, ông tỏ vẻ săn sóc đặc biệt
làm Nhi cũng bớt hờn ghét ông. Thấy ông càng ngày càng có vẻ mệt nhọc, Nhi cũng
có đề cập đến vấn đề sức khỏe của ông, đề nghị nếu không có gì trở ngại thì mời
ông đến tiệm ban ngày để chị em Nhi lo cơm nước cho. Ông thối thoát từ chối
viện lý do là từ lâu ông cũng sống một mình tự lo liệu cho mình quen rồi, nhưng
trước cử chỉ thiện cảm của chị em Nhi, ông tỏ ra hết sức cảm động nên mong cho
mọi việc chuyển hướng nhanh.
Thế mà
đùng một cái, cả tháng rồi ông không đến. Cả nhà lúc đầu bán tin bán nghi,
tưởng là chắc ông sợ lộ chuyện, bị bắt. Hoặc giả ông nói gạt chị em Nhi? Ai
cũng nóng ruột như đốt nhưng vẫn cố chờ. Một tháng rồi hai tháng. Không thể
chịu được nữa các em Nhi tìm đến nhà ông dò la tin tức. Biệt thự đóng cửa trong
ngoài, cổng cũng khóa. Lúc bấy giờ, các biệt thự mà chủ nhân đã bỏ đi, thường
bị trưng dụng phân phối cho cán bộ hay làm địa điêm cho hội đoàn nầy nọ, nên
đâu ai biết ai mà thật ra cũng chẳng dám hỏi ai hết.
Tội
nghiệp cho Nhi càng ngày càng tin mình bị lừa, nếu không tại sao ông không trở
lại một lần dù để nói là giấy tờ lo không được.Không chần chờ được nữa, Nhi bèn
nhờ mấy đứa trẻ bán ve chai lông vịt dọ hỏi dùm. Kết quả cho biết là mấy tuần
sau, ngôi biệt thự đã có chủ mới, gia đình đông người, có cả người lớn con nít
nữa. Tin sét đánh vì Nhi cho rằng ông đã đi rồi mà không cho Nhi hay. Nỗi uất
hận nầy thật khó thứ tha !
Một năm
trôi qua, chuyện bảo lãnh như giấc mơ hoang hãi hùng không còn một ai nhắc tới.
Chị em Nhi còn phải lo kiếm sống và tiếp tế cho em trai học tập cải tạo ở miền
Bắc nữa.
Một hôm,
một người đàn bà lạ đến tiệm ăn xin gặp riêng Nhi. Vừa nhác thấy Nhi, bà khựng
lại như gặp người quen thân. Bà tự giới thiệu là An, em gái ông Tân, ở dưới
tỉnh mà trước kia Thắm con gái ông Tân, cháu bà ở nhà cô đi dạy. Bà cũng ngạc
nhiên là Nhi và Thắm giống nhau lắm, nhìn thoáng qua là có thể lầm lẫn như
chơi. Nghe đến ông Tân, cơn tức tràn hông Nhi chưa kịp nói gì thì bà An đã buồn
rầu lên tiếng: ‘Anh tôi mất trên năm rồi, mất thình lình, té ngã đầu đập vào
tường, mê man bất tỉnh, chở vào nhà thương, hai ngày sau mất luôn.’ Nhi mở to
mắt nhìn bà, há hốc rồi nức nở khóc trong khi bà An tiếp tục kể:
-Con
trai tôi cũng ở Saigon, hằng ngày thường đi làm ngang nhà, nó thấy sao nhà đóng
cửa thử ghé lại thăm, bất ngờ phát hiện cậu nó té không ngồi dậy được. Vội kêu
xe chở cậu vào bệnh viện cấp cứu nhưng cũng trễ. Chúng tôi lo ma chay cho ông.
Còn nhà cửa sau đó giao lại cho anh trai kế của tôi.
Trong
khi dọn dẹp, tôi thấy trong một túi áo của anh Tân tôi bao thơ có ghi địa chỉ
không có tên. Tôi bảo con tôi tìm xem thì biết đó là tiệm cơm. Tôi ở quê nên
biết vậy hay vậy, nghĩ là có lẽ ông anh tôi ăn cơm ở đó nên chắc không cần phải
báo tin buồn. Quan trọng là cho cháu Quang ở Pháp hay. Chắc nó cũng không về
được nên chờ mai táng xong xuôi mới viết thư. Thư qua lại khó khăn kéo dài khá
lâu, Quang mới cho chúng tôi biết mối liên hệ giữa cháu với anh tôi. Quang còn
yêu cầu tôi thay mặt nó tìm đến gia đình cô, xin lỗi dùm cho ba nó.
Đến đây
hai cô cháu như không còn chịu đựng được nữa, khóc ròng. Bà cô tiếp sợ quên:
-Quang
bảo ‘ba con thương chị Nhi lắm. Tuy con chưa được gặp chị, nhưng nghe ba con kể
về gia đình chị, con đã làm mọi thủ tục để bảo lãnh cho chị qua trước rồi’.
Bà đưa
bức thư từ Pháp trong đó có đoạn Quang viết: ‘Nếu chị Nhi còn đồng ý đi, em sẽ
tìm mọi cách để chị sang, và cả các em chị nữa nếu muốn đi cho có chị có em.
Nhất định em làm được mới thôi. Bây giờ ba mất rồi, gia đình chị cũng là gia
đình của em. Ba má hai bên ở dưới chín suối chắc cũng vui lòng thấy chúng mình
sum họp’.
Cả nhà
khóc theo. Bà cô tiếp tục:
-Trước
kia, biết anh Tân lập gia đình ở Saigon, cô là em út biết vậy thôi chứ đâu hy
vọng lên đây làm chi mà để ý ảnh ở đâu. Rồi chuyện gia đình của ảnh dần dần
cũng không ai nhắc đến, chỉ biết, ảnh sau khi cưới vợ là đổi về tỉnh xa làm ăn
mà thôi. Khi góa vợ anh về Saigon trở lại, thế thôi. Thật ra lâu lâu vào dịp
Tết, anh chị và các cháu cũng có về quê, chị tuy giàu có, hiền lành nhưng có vẻ
yếu đuối bệnh hoạn, nhà nghe nói buôn bán lớn nên anh bận rộn luôn. Còn chuyện
cháu Nhi thi hoàn toàn không ai biết hết. Ông bà nội thì cũng qua đời lâu rồi.
Nay nghe Quang kể, cả nhà bàng hoàng sửng sốt, không tưởng tượng được ngày xưa
anh Tân đã lỗi đạo như vậy.
- Ba con
nói, Nhi buột miệng trả lời, ba con không biết má con đã có thai, nếu biết có
thể ba con không bỏ đi đâu.
Nói
xong, Nhi mới chợt phát hiện ra là mình vừa gọi ông Tân là ba rồi có lẽ do lương
tâm cắn rứt, vừa như tạ lỗi với người cha huyết nhục vì đã nghi ngờ ông dối gạt
mình, vừa như minh oan hành động của ông trước kia. ‘Lá rụng về cội’ mà. Người
đời còn hay bảo:
‘Bên ngoại thương dại thương dột,
Bên nội chẳng vội gì thương’.
-Cám ơn
bà, Nhi định nói tiếp thì bà cô nhỏ nhẹ ngắt lời:
-Gọi cô
bằng cô đi cháu cho thân tình hơn. Chúng ta là
ruột thịt nhau mà.
-Cám ơn cô. Nhờ cô viết lại cho
cậu Quang là chúng cháu cảm kích vô cùng, còn chuyện kia bây giờ còn đầu óc nào
suy nghĩ được. Chúng cháu sẽ bàn lại rồi quyết định sau.
-Thưa cô, xin cô cho biết bác
Tân được chôn cất ở đâu để chúng cháu có dịp đến viếng phần mộ của bác, em gái
Nhi hỏi .
-Chúng tôi đã đem về quê chôn,
trên đất nhà, bên cạnh ông bà. Có điều nầy nữa là Quang dặn kỹ cô phải giữ kín
chuyện bảo lãnh nầy, không được tiết lộ với ai cả. Ba nó còn ủy thác cho nó tìm
mọi cách gởi tiền về cho Nhi trong lúc chờ đợi và cho các em cháu sau nầy nữa.
-Không được đâu cô ơi, Nhi vội
trả lời, chúng cháu có em học rập cải tạo, nhận được quà, tiền nước ngoài, họ
kiếm chuyện làm khó làm dễ nguy lắm. Chúng cháu lo cho nhau được mà cô, xin cô
chuyển lời lại với cậu Quang là chúng cháu hết sức cám ơn lòng tốt của Quang.
Quang đừng lo nhiều cho chị em cháu, chúng cháu còn xoay sở được. Hôm nay cô
lên đây, xin mời cô ở lại dùng cơm với chúng cháu. Rồi hôm nào chúng cháu sẽ
xin về thăm mộ ba cháu, bác Tân.
-Cám ơn các cháu, cô phải về
ngay e hụt chuyến xe đò chót. À, đây là địa chỉ của Quang ở Pháp và của cô ở
dưới quê. Mong có dịp gặp lại các cháu. Quê của cô cũng không xa Saigon lắm
đâu. Thôi cô về đây. Mừng là anh Tân đã được giải oan. Các cháu cũng không còn
phiền người vĩnh viễn ra đi rồi phải không các cháu ? Xin cầu cho linh hồn
Anh siêu thoát !
Cuối cùng, Nhi quyết định ở lại
lo thăm nuôi các em trai, chờ ngày về rồi chừng đó tính sau. Quang vẫn liên lạc
với Nhi và xem như gia đình ruột thịt.
Càng nghĩ, Nhi càng thương kính
và cám ơn ba Ky nhiều hơn. Ba Ky không phải là đấng sinh thành nhưng công ơn
cưu mang dưỡng dục thật vô bờ. Trong đạo vợ chồng là người chung thủy, đối với
cha mẹ là người con hiếu thảo, đối với con cái là người cha mẫu mực, đối với
mọi người là người có tư cách đứng đắn, có lòng, có tình. Giàu không kiêu,
nghèo kiên trì vươn lên, khổ không oán than, tâm gắng luôn thanh tịnh. Ông luôn
luôn nói với các con : ‘ Gia đình mình được như ngày nay là do công
ơn của ngoại. Các con luôn tâm niệm điều đó. phải noi theo gương bà và cố gắng
tỏ ra xứng đáng với bà. ‘
Lâu lâu Nhi cũng bồi hồi nhớ tới
ông Tân, và bí mật về cuộc đời Nhi dù đã được bật mí vẫn thuộc về phần đời
riêng tư của Nhi. Kỳ niệm vui buồn nào cũng là kinh nghiệm sống, liên hệ tình
cảm nào cũng là một bài học của cuộc đời.
Nhi cũng không còn muốn nghĩ tới
chuyện đời mình có thật hay không, nhưng ít ra Nhi cũng làm vơi nhẹ đi nỗi hối
hận dày vò của ông Tân trong bao nhiêu năm qua, an ủi được một người cha sung
sướng tìm lại được đứa con bi mình bỏ rơi, chuộc lại lỗi lầm trong những ngày
cuối đời. Và nhất là ngoại, chắc Bà cũng sẽ mỉm cười tha thứ cho con rể biết quay
về lối thiện. Và Nhi cảm thấy mình có phúc đã có đến hai người cha thủy chung,
cảm ơn.
Hướng lên trời cao, Nhi tưởng
tượng đến những gương mặt thân thương vui tươi hội tụ trên cõi vĩnh hằng, Nhi
nhẩm lại lời của một nhà văn mà ba Nhi hay nói :
‘ Chẳng có con đường nào dẫn ta đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là
con đường ta dẫm bước hằng ngày. ‘