KHOẢNG CÁCH CUỘC ĐỜI



                      

        ‘’Chị khuyên tôi phải làm gì bây giờ ?Tình trạng quá oái oăm, tàn nhẫn, phũ phàng đến thế là cùng ! Biết quyết định thế nào là đúng, hợp đạo làm người, không thất nhân tâm.’’ Hà lắc đầu buồn bã thố lộ tâm sự với Vy.
       Hà với Vy có bà con gần với nhau, còn cùng họ, Hà hơn Vy 10 tuổi và cũng là cô giáo dạy Vy hồi tiểu học. Về vai vế Hà phải kêu Vy bằng chị. mối thâm giao đó bắt nguồn từ khi Vy đổ vào Trung học Gialong. Họ hàng đều chống đối vì Vy là con một lại mồ côi cha từ lên 9 tuổi. Quan niệm thời bấy giờ không cho phép con gái được học cao, nhất là đi học xa, tận Saigon mà ‘’đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ’’, khó kiểm soát dễ hư đốn. Bà con bên nội đều làm áp lực với mẹ Vy khuyên đừng dễ dãi mà phải quyết liệt phòng ngừa bất trắc vì có con gái như chình hũ mắm trong nhà. May là Vy đậu hạng tư trong kỳ thi tuyển vào trường Áo Tím nổi tiếng trong 21 tỉnh miền Nam lúc bấy giờ nên mẹ Vy, sau bao đêm đắn đo cân nhắc, thương con nên tự quyết định cho con tiếp tục học lên.
Năm thứ nhất trôi qua tốt đẹp nhưng lại là năm  đánh dấu cuộc nổi dậy của phong trào sinh viên học sinh miền Nam chống Pháp thời bấy giờ. Nữ sinh nội trú cũng bãi khóa leo rào xuống đường, đóng chặt cửa phòng tuyệt thực làm reo nhân dịp Hoàng đế Bảo Đại viếng Collège Gialong thời bà Hiệu trưởng Pháp Dubois.. Kết quả trường bị đóng cửa sau cái chết của Anh Trần văn Ơn. Vy trở về quê chờ tin tức. Sau đó một thời gian, được thông báo trường sẽ mở cửa lại đầu niên khóa mới, học sinh phải thi lên lớp. Tin ấy đối với Vy thật nan giải, ảnh hưởng lớn đến vệc học của Vy. Má Vy đâu bằng lòng cho Vy một mình lên Saigon học tư như bạn bè khác có thân nhân trên ấy, còn ở tỉnh nhỏ quê nhà, đâu dễ tìm được ai dạy thêm. Vy cũng buồn buồn nhìn bạn bè nôn náo đi xa, tự an ủi số mình cũng sướng là được ở nhà với má.
Rồi một hôm, nhân ngày giỗ ở nhà thờ từ đường dòng họ, Hà gặp Vy hỏi thăm đứa học trò cũ về đường học vấn thế nào. Thương đứa học trò khá giỏi bị ‘’người đời xử tệ’’, Hà đến thuyết phục mẹ Vy xin để cô kèm dùm các môn chánh qui định như Toán, Pháp văn. Từ đó cô là cô Năm của Vy, cô là người theo dõi từng bước Vy đi , một người thầy, mẹ, chị tinh thần thầm lặng. Cô thấu hiểu trăn trở đau buồn của Vy, mặc cảm tự ti to lớn của một đứa con gái mồ côi cha đang tìm thế đứng.
Rồi năm tháng trôi qua. Cô Năm lập gia đình. Cuộc tình của cô cũng là một chuyện không bình thường, đối với người trong một tỉnh nhỏ quá phong kiến ‘thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng’ nầy. Số là cô được một đồng nghiệp nhỏ hơn cô độ 8 tuổi yêu tha thiết và nhất quyết cưới cô. Tất nhiên là lúc đầu cô phân vân lưỡng lự vì cô phải cưu mang hai em nên thẳng thắn từ chối. Hơn thế nữa, cô cũng gặp phải sự chống đối của ba cô về vấn đề chênh lệch tuổi giữa hai người nên có lần cô đến tâm sự phân bua với má Vy :
’’Bác nghĩ xem con phải làm gì bấy giờ, con không muốn làm buồn lòng ba con nhưng bây giờ ba con cũng đã có dì con rồi, các em con sắp ra trường. Hiện giờ còn trẻ không sao, nhưng lớn tuổi hơn nếu lập gia đình thì phải chấp nối với người đã có vợ, tệ hại hơn là ‘làm bé’ nữa, còn thể thống gì. Dù sao, anh nầy cũng chưa lập gia đình lại thành thật đi đến hôn nhân, con nghĩ, nếu sau nầy có thay lòng đổi dạ, đó cũng là số Trời thôi.’’
Cô không nói hết ý của mình vì thật sự cô phải có quyết định nầy là vì lúc bấy giờ cô cũng đang bị vây trong vòng lẩn quẩn éo le, một đồng nghiệp đã có vợ con đeo đuổi khá lâu nên cô sợ biết đâu ngày nào đó mình không giữ nổi lòng mình, uổng công. Vã lại mẹ Vy cũng biết rõ tình trạng của các cô gái trung lưu Tây học ở trong tỉnh nhỏ bị ràng buộc bởi gia phong Nho giáo vào buổi giao thời nầy, dù đẹp nết đẹp người, cũng khó có ‘mối’ nào dạm hỏi cưới xin.
Không phải chỉ có trường hợp riêng rẽ như thế đâu, nhiều cô cùng trang lứa với cô, thuộc giới giàu sang vọng tộc, tìm cách bắt nuôi rễ, chắc gì có cơ hội may mắn được yêu thương như cô. Bao gia đình thượng lưu quí phái bỏ tiền trước ‘bao’ con rễ nghèo đỗ đạc cho du học nước ngoài, hy vọng ngày thành danh ‘bái tổ vinh qui’ ‘ ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau’.
 Xã hội phong kiến chấp nhận sư đổi chác đó. Sau lễ hỏi hứa hôn, người con gái, dù còn được phép ở nhà mình vẫn phải chu toàn bổn phận dâu con trong việc quan hôn tang tế. Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân được xếp đặt trước, do mai mối thường không ngăn cản nổi vị hôn phu tương lai một ra đi là ít khi trở về, mà dù trở lại cũng khó còn có tâm tình của người xưa.
 Hoàn cảnh xã hội khác, quan niệm kinh nghiệm đời đâu dễ ngưng ngang, biến chất lòng người. Trong việc lập gia đình, họ chấp nhận sự trao đổi nhưng khó có sự trả ơn. Do đó bao cuộc hôn nhân bị đổ vỡ mà phần thiệt thòi luôn thuộc về phái nữ.
Ngày xưa hôn nhân thường xây dựng trên nền tảng ‘môn đăng hộ đối’, suôi gia phải tương xứng nhau. Đó là hàng rào ngăn cản bao mối tình chân thật. Trái hẳn ngày nay, cơn lốc tự do đảo lộn bao lề lối cũ, ngọn sóng thần tsunami văn hóa văn minh ngoại lật vùi tập tục xưa, nhất là trong quan hệ luyến ái chẳng hạn. Thế hệ trước không còn cầm cương, chỉ tay năm ngón như thuở nào, bình đẳng thổi phồng bong bóng tự do.
Chuyện của Hà không phải duy nhất trong tỉnh nhà, nước ta. Cô Năm không phải không biết vài trường hợp điển hình quanh mình. Chuyện cô Tám bạn Năm lập gia đình với người cũng trẻ hơn 10 tuổi từ nơi khác đến. Hạnh phúc một thời gian, đùng một cái, phát giác anh ta đã có vợ ba con.
Vậy thì :
‘’Cũng đành nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu’’.
Xin thử hỏi các bạn, những ‘nhà gỡ rối tơ lòng’ ‘tâm lý gia’, ‘cố vấn gia đình hôn nhân’ nổi tiếng, các bạn giải quyết thế nào trường hợp của cô Năm ? Trăm phương ngàn kế nhưng thú thật mà nghĩ chắc các bạn cũng đồng ý tán thành phương án hai bên cùng có lý có tình nầy.
Có lần cô đến với Vy miệng cười cười tuy ánh mắt sao mà long lanh vời vợi. Cuối cùng cô buông thỏng :’’Chị nghĩ sao ?’’
Vy không dám xúi cũng không đạo đức giả để can ngăn vì Vy thấy gần gũi người con gái rất ‘người’ nầy, dám sống thật với lòng mình, sòng phẳng trong tình yêu có làm có chịu, sẵn sàng trước thử thách và tiên liệu hậu quả Vy nhận thấy Năm không đáng trách mà thật đáng thương, Vy lí nhí nói:
--Em nghĩ Năm nên làm theo lòng mình sau khi phân tích cặn kẽ mọi vấn đề. Làm thế nào để sau nầy không hối tiếc và ân hận thôi ;
--Tôi cũng nghĩ thế, chuyện của mình là mình phải tự giải quyết. Ý kiến người khác rất cần để tham khảo chứ không là quyết định. Tình cảm nào cũng tế nhị, mong manh, khúc chiếc như tơ trời mà bền chắc vô cùng, khó dứt khó rời.
Năm nhè nhẹ gật gật đầu đưa tay lên phất mạnh một cái như muốn xoa tan ý nghĩ vẩn vơ :
--Lại còn có độ nữa, từ trừ qua cộng như chơi. ‘Tâm thử biểu’ lên xuống bất ngờ, lạnh quá dễ bỏ nhau, nóng quá cũng coi chừng đó là điềm báo hiệu
‘’Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi’’.
Chị nhớ chuyện mất được của cuộc đời, chuyện ‘’ngựa tái ông’’ ? Và chắc chị cũng hiểu một khi  nhận được gì rồi, mình khó có can đảm vứt bỏ, tiếc nhớ lắm chứ vì thật sự ít nhất trong đời mình cũng đã có một lần được gặp ’’.
Vy nhận ra là Năm có lý và tin rằng Năm đang đi lần vào con đường Thiên thai rồi. Vy lẩm bẩm một mình : ‘Thôi thà một phút huy hoàng’ rồi sau nầy có ‘phụt tắt’, thế còn có hơn không ? Và nếu tin vào số mạng, thôi thì cứ cầu mong cho ‘ đức thắng số’ và mọi người gặp may ở hôn nhân.
Sực nhớ lại hoàn cảnh của chị bạn thân hồi Trung học, có lần gặp chị, chị vui mừng bảo Vy nhìn thẳng vào chị rồi hỏi :
’’Mầy thấy tao thế nào ? Có thay đổi gì không ? Đẹp hơn nhiều chứ ?’’
 Bạn bè con gái sắp sỉ tuổi thường gọi nhau bằng mầy tao, con nhỏ nầy, còn đối với chị nào  lớn hơn vài tuổi là ‘bà nầy’’cái bà nầy’ cho có vẻ thân mật hơn. Vy tưởng Mai hóa ‘điên’ , chắc bị ai bắt mất hồn rồi nên mới dở chứng tiếu ngạo. Mai thường rất vui tính, cởi mở, thích nói đùa và thành thật.
- Con nhỏ nầy, làm gì mà biệt tích. Được mẹ cưng quá rồi nên quên hết bạn bè nối khố. Mầy còn chờ hoàng tử nào đến rước mà không xuất đầu lộ diện, ló đầu đi đâu hết vậy ?
Vy chỉ biết cười trừ :
’’ Làm gì có chuyện đó. Nói cái điệu nầy chắc là cá đã cắn câu rồi phải không ?Bật mí đi, để lâu bị ‘tẩu hoả nhập ma ‘ không cứu nổi đâu’’.
Không đợi hỏi thêm, Mai tâm sự tuốt luột :
‘’Thằng nhỏ coi lù khù thế, vậy mà gan cùng mình nhất định đòi cưới tao đó mầy. Tao thách ‘chả’ dám đến thưa thẳng với ba tao. Chả năn nỉ ỷ ôi với ông già thế nào không biết mà ổng chịu gả ‘khoẻ re’, bảo hễ tao ưng, ông già tao O.K ngay. Tài chưa !
- Hạ hồi thế nào. Kết thúc có hậu chứ ? Không được kêu bằng thằng nhỏ nữa đó nha.
Mai bẽn lẽn dịu giọng, ôn tồn bảo :
- Mới đầu tao cứ tưởng anh ta muốn làm quen với em gái tao, tao chẳng đề ý đề phòng gì cả. Tới chừng biết ra thì hai đứa đã ‘lậm’ quá rồi hết thuốc chữa mà không hay. Anh ta giỏi võ lại đẹp trai, mầy biết mà. Có lần mầy đã nói dường như anh ta để ý đến tao mà tao vẫn giả ngơ giả điếc không dám tin. Trong thâm tâm tao cũng sợ là sau nầy, đàn bà mình sinh nở chóng già hơn đàn ông nên tìm đủ lý do để tránh ra. ‘’Bởi số chạy đâu cho khỏi số’’ thật mà.
- Thôi đừng có chạy tội nữa. ‘Sức làm sức chịu, cứ liệu mà chơi’. Bà có làm gì bậy đâu mà phải né tránh, bào chữa mãi vậy. Bây giờ việc chính phải làm là hỏi kỹ lại lòng mình, sau đó cố gắng hưởng và gìn giữ hạnh phúc, chấm dứt, đừng suy nghĩ nhiều nữa.
Rồi thời gian qua. Vượt biên trước một mình, bặt tin khá lâu, thế nhưng anh vẫn một dạ một lòng chung thủy, tìm cách bảo lãnh vợ con đoàn tụ.
Lần bất ngờ gặp lại chị hỏi thăm anh, chị cười buồn bảo :’’ Trẻ hơn mà ảnh đi trước tao đó mầy’’. Vy bùi ngùi cảm động chia buồn với chị, chị là người có phúc vì đã được anh yêu đến hết cuộc đời. Nhưng trong thâm tâm Vy vẫn nghĩ anh mới thật sự có phúc vì đã yêu thương hết lòng, vì người mình yêu cho đến ngày tàn. Hành động gây mang hạnh phúc tạo niềm vui hơn là nhận lãnh.
Có lần Năm kể cho Vy nghe trường hợp khác :
‘’Chị nầy vì cha mẹ không bằng lòng người thương chị nhỏ tuổi hơn, gia đình hai bên không môn đăng hộ đối, ép gả chị cho người góa vợ có tiền. Anh nầy cũng tỏ ra thương yêu chị nhưng với con riêng của chồng,  bà vợ sau nào của ba mình cũng là ‘dì ghẻ’  khó thương nên lục đục không thể tránh. Khổ cực buồn đau chị cũng chịu nổi, nhưng cái gai nhọn lâu lâu làm nhức nhối con tim, đó là niềm nuối tiếc,  nỗi ân hận âm thầm dấu kín ray rứt không nguôi. ‘’
Thật sự, con người mà, ít ai bằng lòng cái gì mình có và thường dằn vặt mình bằng những kỷ niệm tình cảm bâng quơ lãng mạn không tưởng như :
            ’’Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
           Mộng hết vui khi đã vẹn câu thề’’
Trước hoàn cảnh của Năm, nhỏ tuổi hơn và ít kinh nghiệm đời nên Vy thường im lặng nghe cô kể . Năm rất tin Vy kín đáo, ít mồm mép và được bạn bè gọi là ‘trời gầm không nhả’.
        Đám cưới được cử hành trọng thể. Sự nghiệp giáo dục cũng tiến triển như học vấn và hạnh phúc của cô. Giáo viên Tiểu học rồi Hiệu trưởng Tiểu học, Hiệu trưởng Trung học cho đến về hưu. Cô tự học đỗ Tú Tài rồi Cử nhân giáo khoa Văn minh Việt nam, đang chuẩn bị trình Luận án Tiến sĩ thì 75 ngưng lại.
Nhưng rồi, khúc quanh của cuộc đời biến sự nghiệp thăng tiến tỷ lệ nghịch dần với bước thang tình cảm. Một cô gái tự lập có đầu óc tiến bộ, chịu khó kiên nhẫn, có tài điều khiển quản lý cũng đành bó tay trước hoàn cảnh trớ trêu khó ngờ. Vì không con hai vợ chồng nuôi một gái một trai mà cô thương rất mực. Chính cô cũng đã đứng ra làm chủ hôn thay thế cha mẹ lập gia đình cho hai em. Không may đứa con trai nuôi thình lình mất đi. Cô buồn không nguôi nhưng với bản tính cương nghị, cô luôn hướng về phía trước để rồi sau nầy cũng đành quyết định ngược với lòng mình.

Đối với chồng và gia đình chồng, cô trọn đạo vợ hiền dâu thảo. Cô rất mực tin tưởng vào tình yêu của chồng, luôn bồi hồi cảm động nhớ đến công lao của anh trong thời gian đeo đuổi yêu cô,  hết lòng nài nỉ van xin ba cô nằng nặc không chịu gả. Tình yêu nóng bỏng kiên trì nầy đã làm lung lay quyết tâm sống độc thân, làm tan rã trái tim tưởng như băng giá của cô. Cô không tiếc rẽ, ân hận đã lập gia đình. Cô sống trọn vẹn với mối tình của mình vì nghĩ rằng trong đời người không dễ mấy ai được người yêu mình tha thiết thật sự. Nhớ lại lần cô tâm sự trước khi quyết định:
‘’Thật ra tôi nghĩ mình không làm điều gì sai trái cả. Chuyện tuổi tác là một trong những trở ngại hôn nhân, đúng, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây gãy đổ, cản trở tình yêu thành thật, không tính toán, vô vụ lợi. Ông bà ta xưa chỉ thích lấy nhau ‘gái hơn 2, trai hơn 1’ thôi.
-     Vậy cô đã quyết định chưa ?
- Cân nhắc nát óc đó chị ! Vẫn biết không có gì hoàn hảo, được phần nầy tất mất phần khác, làm sao muốn mà được tất cả. Vả lại mọi vấn đề đều do quan niệm thôi.
          ‘’Chồng già vợ trẻ là tiên,
          Vợ già chồng trẻ như niền đứt giây’’.
 Ông bà ta dạy thế, nhưng có đúng 100% không ?
Cuộc tình nào cũng thế như chén nước đầy rồi vơi. Sợi tình cảm đâu dễ gì hơn luôn phải được bảo quản duy trì không ngớt mà chưa chắc không đứt không căng. Cứ làm hết sức mình thôi phải không chị ?’Que sera, sera’ !
Biết tính chồng mình thích vui chơi với bạn bè ’galant’ rất mực với phái đẹp như gentleman, hiệp sĩ Âu châu thời trước, vui vẻ, cởi mở, nói năng khá hoạt bát, không đến nổi xấu trai, anh ta hội đủ điều kiện để các cô gái thích. Do nghề nghiệp, anh ta lại có dịp di chuyển đó đây tiếp xúc với ngành nghề khác. Chuyện không ngờ đến đã đến.
Vào một hôm rảnh rỗi, Vy đến thăm cô. Thấy cô đang ủi quần áo, định xin phép cáo từ nghĩ rằng cô đang chuẩn bị đi dự tiệc. Cô vội bảo :
’’ Chị ở lại chơi, tôi sắp đi cưới vợ cho nhà tôi đấy.’’
Vy tưởng mình nghe lầm, trân trối nhìn cô, miệng há ra mà không dám hỏi. Cô cũng đoán trước phản ứng cực kỳ ngạc nhiên nầy và cũng muốn thố lộ tâm tình, cô nhấn từng tiếng :
‘’Chuyện đã dĩ lỡ ra rồi. Cô ta đã có thai. Con nhà gia giáo, có tiếng tăm, học thức cao, địa vị xã hội, thế mà lầm lỡ...
Vy nóng nảy ngắt ngang :
- Nhưng tại sao Năm đi cưới ?
- Ông xã tôi năn nỉ quá. Hơn thế nữa gia đình bên chồng tôi cũng thế. Mẹ chồng tôi bảo nếu dứt khoát là tôi giết chết đứa nhỏ vô tội còn nằm trong bụng mẹ vì ngặt quá cô ấy sẽ phá thai. Hoặc giả vì bị mang tiếng ‘chửa hoang’ hay cướp chồng người, cô ấy có thể liều mình làm bậy. Như vậy là vô tình, tôi đã giết cả mẹ lẫn con. Vả lại lỗi là tôi không có con nên việc ‘bậy bạ’ nầy cả nhà anh ấy xin tôi tha thứ và cứu cả hai. Cháu nội nào cũng là cháu nội mà chị !
- Sao mà trớ trêu cay nghiệt quá ! Vy thốt lên mà nước mắt ứa ra.
Mấy tuần sau, Năm đến thăm Vy. Vy nhìn Năm thật lâu mà không tìm được lời để hỏi dù bụng Vy hừng hực, tim đánh ‘lô tô’, miệng chực nói mà không dám phát ra.
- Hôm đám cưới, tôi là chủ hôn đi cưới vợ cho chồng. Oai chưa ! Chị biết không, trước đó nhà tôi có xin đưa cô ta đến tạ lỗi.Tôi bằng lòng. Trong lần gặp gỡ nầy, tôi cũng đã nói thẳng với cô ta cũng như sau đó trong ngày hôn lễ. :
‘’Từ giờ phút nầy, cô là vợ của anh Ca.Tôi không còn trách nhiệm gì với anh Ca nữa. Sau nầy nếu có chuyện vui buồn, nhất là bất hòa giữa hai người, cô đừng bao giờ đến trách móc kêu ca với tôi, tôi đã nói trước và hết lời. Chúc hạnh phúc’’.
Hạnh phúc ! Vy không biết lúc nầy mình nghĩ gì, đầu óc sao mà trống rỗng, khoảng cách cuộc đời thật gần mà cũng thật xa, từ thương đến ghét, từ đúng đến sai, cực đoan nầy đến cực đoan khác không chuyển tiếp. Biết và hành động cũng thế tưởng dễ mà không dễ vì lắm điều mình biết mà không dễ thực hành như Jean Jacques Rousseau đã viết : ‘’Hãy làm điều tôi nói mà đừng làm điều gì tôi làm’’ (Fais ce que je dis et ne fais pas ce que je fais) và có điều mình không muốn mà vẫn làm.
- Không thể có cuộc tình tay ba, Năm đã trả lời bốp chát, thẳng thừng với bạn bè nào khuyên nên cứ để tình trạng cũ, đừng ly dị, tránh tiếng đời dị nghị và cho ông ấy còn có lối trở về.
Từ đó, Năm sống một mình , tiếp tục học cao lên, nghiên cứu thêm về chữ Hán, chữ Nôm, tử vi, viết sách và nhất là chuẩn bị cuộc sống đời sau, một lối tu thiền tại gia.
Lâu lâu, Năm cũng đến thăm Vy và ngược lại Vy cũng cùng các con nhỏ đến ‘phá’ dì cả ngày. Năm và Vy tuổi thuộc ‘tứ hành xung’ thế mà chưa thấy ‘khắc khẩu’ bao giờ mà còn có vẻ’ đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu’ nữa là.
- Chị biết không, hai ông bà ấy vừa đến cám ơn tôi đó. Tôi đã để cho họ ở cái nhà mà trước kia hồi còn độc thân tôi đã mua cho hai em tôi đi học. Hiện giờ như chị thấy tôi đang ở nhà của trường cấp cho Hiệu trưởng. Tôi cũng đã chia hai tất cả đồ đạc trong nhà. Của chồng công vợ  sòng phẳng. ‘’Mã ngộ Trường sinh’’, đường dài mới biết ngựa hay mà chị.
Vy chỉ còn biết im lặng trước tấm lòng yêu người của Năm, yêu thật sự đúng nghĩa.
Sau nầy, Năm còn thố lộ là các con của ông Ca vẫn được dạy kêu Năm bằng mẹ và bà sau vẫn đến than vản với Năm mỗi lần gia đình bất đồng ý kiến cải vả giận hờn. Có nhìn thấy tận mắt nụ cười nửa vời, ánh mắt đượm màu hồng dĩ vãng, Vy có cảm tưởng như mình đang đứng trước một người thoát tục rồi, khó tìm thấy ở trần gian.
Đối với Vy, Năm không những vì tình thân quyến mà còn là người thầy gương mẫu, một người chị, mẹ tinh thần luôn theo dõi bước đường đời của Vy. Ngay cả việc lập gia đình của Vy, Năm cũng đã góp phần không nhỏ, tự ý đến thuyết phục mẹ Vy còn dùng dằng chưa chịu mở đèn xanh vì chú rễ xin cưới đứa con duy nhất của bà, gốc Bắc, có đạo. Bà cứ lập luận theo người Nam ở tỉnh. Người Bắc ăn nói khéo léo, khôn ngoan bà sợ con bà làm dâu không nổi. Có đạo cũng tốt vì bà nghe nói đạo Thiên Chúa cấm ly dị. Tiếc là không có thờ cúng nên bà sợ không ai giỗ khi bà mãn phần.
Sau nầy, những bức thư gởi sang cô luôn khuyến khích, khuyên bảo vì biết tính Vy hay nể nang, ít dám làm buồn lòng ai. Năm không bao giờ ngại nói thẳng điều cần thiết, kinh nghiệm đời cho Vy nghe. Năm viết :
-                 Nên vui với cái gì mình có, đó là triết lý của sự sống. Nếu biết chấp nhận số phận thì đó cũng là niềm hạnh phúc. Đã biết đời bất như ý thì phải vừa ý cái gì mình có. Trong nghịch cảnh vẫn có thể như ý đó là hoàn toàn do Phúc đức của mình. Chị cần tận hưởng chứ đừng lo lắng gì cả, chuyện gì đến, lo cũng không được.
Thấy Vy tin tử vi, Năm giải thích : ‘’Trong cùng một giờ sanh, thì lá số giống y nhau và chỉ có thể trang ra 72 kiểu lá số thôi. Trong khi đó, trên thế gian, cùng 1 giờ đó, có hàng vạn đứa trẻ sinh ra, có người nghèo, giàu, tốt xấu, hàng vạn hoàn cảnh và tâm tính khác nhau. Cho nên biểu tượng của các vì sao ghi trên lá số chỉ nêu lên cái khả năng, không phải là cái ắt có, hoặc ắt có dưới dạng nào ? Không thể lường trước được 100% ‘’.
        Cuộc sống thanh đạm, giản dị luôn hoạt động đầy nhiệt tình ảnh hưởng không ít đối với cô, 70 tuổi, tóc chỉ mới hoa râm. Tiếc rằng sau đó, vì tai nạn giao thông, cô phải ngồi xe lăn, tuy vẫn tự  lo cho mình được.
Bây giờ cô ra đi vĩnh viễn vì bệnh tật không chừa một ai, Vy không còn dịp gặp lại cô lần cuối. Ngày trước, mỗi lần có gì lo lắng, khó giải quyết, Vy còn có người hỏi han tâm sự.  Vy đã từng mong thư cô vì mỗi lần sau khi đọc, Vy có cảm giác như người đang đi giữa sa mạc gặp được ‘ốc đảo’ trên đường. Thư của cô như tia nắng quê hương, hơi ấm của người thân xa ngàn dậm, ngụm nước mát lòng kẻ đang khát, cục than hồng ấp ủ bao nghĩa tình cao trọng, tiếng nói của quê mình, kỷ vật đáng trân quý biết bao. Với Vy, cô mãi mãi là mẫu người để Vy vươn tới với trọn niềm tôn kính lẫn mến thương.
        Cô là đóa Hoa Lài tỏa hương khoe sắc trắng trên đám lá nhỏ xanh tươi quây quanh chờ đợi thưởng thức tinh hoa thuần khiết. Cô là tấm gương hiếu học khó bì, một người thầy tận tụy yêu nghề, một nhân cách đáng kính. Bàn tay búp măng thay mẹ mất sớm, bảo bọc gia đình, dẫn dắt hai em thành đạt.. Là một người vợ hiền thục đảm đang, cô đã hài hòa sự nghiệp và đời sống gia đình. Không có cơn lốc tình cảm, ngã rẽ tâm tình nào có thể đánh mất tình yêu người chân chính của cô trên mọi mặt. Cô là hiện thân của tấm lòng rộng lượng bao dung, xem cuộc đời sắc sắc không không, sống bằng lòng với cái gì mình có không ích kỷ, đua đòi ganh tị, với tinh thần trách nhiệm đáng được đề cao. Nếu tin Thiên đàng, Niết bàn Cực lạc là có thật, cầu xin cho Cô hưởng phước đời đời trên cõi vĩnh hằng.

 Để rồi, mỗi lần ngẩng đầu nhìn trời cao lồng lộng trong đêm thanh vắng đầy sao, người trần gian chúng ta mơ tưởng đến những đôi mắt thân thương huyền diệu đang lấp lánh nháy nheo luôn âm thầm theo dõi bước đường trần dung rủi ta đi và nhận chân rằng khoảng cách cuộc đời, đất trời không gần mà cũng chẳng xa. Tin yêu  hy vọng !
                                                                                Hè 21-06-05
                                                                      Cô Trần Thành Mỹ

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual