Thời tiết trong những ngày cuối năm của đất nước Hoa Kỳ nầy trở nên lạnh hơn. Bên cạnh dãy Rocky Mount, màu trắng xóa của tuyết bao trùm lên trên các ngọn núi cao thấp. Lần đầu trong đời tôi được tận mắt, một cảm giác lâng lâng khó diễn tả. Ngày xưa lúc còn ở quê nhà, chỉ thấy được tuyết phủ lên đỉnh núi cao, rừng thông, ngọn cỏ qua các hình ảnh và phim ảnh mà thôi.
Buổi sáng sớm, trước khi đi làm và đi học, tôi đã phải nấu một ít nước nóng, đổ lên kính xe rồi mới cào đi được cái lớp tuyết quái ác nầy. Miệng, mũi thở ra những đám khói trắng như đang phì phà điếu thuốc lá. Thật ra, tuyết chưa đến độ dầy đặc lắm trong lúc cuối năm. Thỉnh thoảng có vài cơn gió thoảng mang cái buốt lạnh tới xương tủy. Đôi bàn tay không còn có cảm giác khi sờ lấy hai trái tai.
Tôi đã có cái ý định dọn về tiểu bang California, nơi có gia đình đứa em vợ định cư hơn một năm rồi. Hắn nói bên Cali thì lúc nào cũng ấm áp, đời sống vui vẻ hơn, vì có khá nhiều người Việt tị nạn. Điều quan trọng là có nhiều thực phẩm Á đông được bày bán trong các siêu thị. Bà xã tôi nghe thì mê vô cùng, vì bà ấy thích nấu phở, nấu cà ri… mà chỗ chúng tôi đang sinh sống chẳng có các thứ gia vị đó. Thỉnh thoảng thằng em phải mua gởi sang qua đường UPS, thật là phiền phức. Chúng tôi định cư ở đây từ đầu mùa hè. Tôi chưa được nhìn thấy một người Việt nam nào sinh sống ở đây cả. Duy nhất chỉ có 3 gia đình chúng tôi thôi. Tôi cũng có suy nghĩ đắn đo cho việc dọn về Cali. Có cái vui và cái không vui. Cái vui là các con tôi không bị cái lạnh làm cho dễ bệnh hơn. Cái không vui là phải xa các người bảo trợ nhân từ, bác ái. Xa mọi người cư dân hiền lành, chất phác xung quanh, xa ngôi nhà thờ mà chúng tôi đến cầu nguyện vào cuối tuần. Ông Maxey Melvin, vị mục sư của nhà thờ mang đến tận nhà tặng 1 lố trứng gà mỗi tuần lễ. Trứng do các con gà mái sản xuất mà ông có không nhiều lắm. Xa vợ chồng Joe và Sally Anderson, người mà cuộc sống vô cùng đạm bạc, thuộc ngoại ô Ferrum. Sally đến nhà dạy anh ngữ cho bà xã tôi vài ngày trong tuần. Sally gốc người Anh, giáo viên anh văn. Joe gốc Phần Lan làm việc trong một bênh viện nhỏ ở Roanoke. Tôi phải xa Jim Bier, người đã cho tôi chiếc xe đạp cho bước đầu định cư ở xứ sở nầy. Jim cũng tặng tôi xẽn, cuốc để tôi trồng cà, trồng rau cải… trên 1 miếng đất nhỏ của ông. Tôi phải ghé qua vườn rau, cải nho nhỏ của tôi để tưới nước hàng ngày trên đường về nhà sau khi tan sở.
Chúng tôi phải xa ông chủ vườn táo tốt bụng. Ông thường tặng thêm cả thùng mỗi khi chúng tôi hái mướn cho ông, chúng tôi được trả $10 cho 1m3 táo. Tôi phải xa 1 bà bác sĩ mà tôi đã quên tên. Bà cho tôi dọn dẹp các đống cỏ khô vào chuồng ngựa 2 tuần 1 lần.Tôi được trả $20 /ngày …
Quyết định dọn về Cali làm nhiều người ở đây thất vọng. Mọi người có vẻ buồn buồn trong buổi hợp mặt cuối tại thính đường Saint Peter’s Episcopal Church. Bà Valerie Gue nói, tiểu bang Cali là ổ vi trùng, ăn bám xã hội… tôi lặng thinh không nói lời gì, suy tư về cái kỳ thị của bà chăng? Ông Mục sư vỗ vai tôi nói với giọng nhẹ nhàng, có vẻ ưu tư. Ông nói chúng tôi sẽ ok ở Cali. Tôi có viết 1 lá thơ khá dài cho Jim Bier, kể rõ hoàn cảnh và ước muốn khi dọn về Cali. Jim biết không thể cầm chân chúng tôi ở lại được nên cũng vui vẻ và thông cảm.
Chúng tôi được vợ chồng Joe và Sally mời tới nhà để tham dự 1 bữa tiệc chia tay, sau nhiều ngày tháng gắn bó nơi đây Lúc sửa soạn ra về thì xe tôi không đề máy được nữa. Joe phải bỏ hơn 1 tiếng đồng hồ mới tìm ra bệnh. Máy cũng nổ được sau cùng. Joe nói, cái đề ma rưa ( starter) có vấn đề, không biết lần đề tới có ok không nữa. Tôi cũng có chút lo âu, không dám tắc máy nữa. Tôi có thể đoán ra cái lỗi nầy có thể do tôi mà ra. Đường xá vùng nầy lên xuống, đèo cao thắp quanh co. Tôi vốn tiết kiệm xăng nên tắc máy khi xuống dốc, đề xe lại khi nó ngừng, điều nầy lập lại nhiều lần, nên starter bị vấn đề rồi. Cái kỷ niệm nầy mãi ở trong trí tôi.
Tôi lại lo lắng nhiều thứ cho cuộc hành trình gần 4000 cây số bằng chiếc Maverick đầu tiên. Tôi có ý định thay đổi 1 xe khác, mạnh khỏe hơn, vì xe của tôi đang có bệnh, có thể nằm đường thì thật là nguy hiểm cho gia đình tôi …
Tôi láy lang thang theo con đường ngoại ô vắng vẻ, lòng miên man suy nghĩ về ngày sắp rời chốn cũ. Tôi bỗng nhiên ngừng lại bên lề đường vắng cạnh một chiếc xe có treo 1 bảng (for sale by owner). Sau mấy phút trao đổi, tôi nói với người chủ xe là tôi muốn mua chiếc xe của ông ấy, nhưng tôi muốn ông ấy lấy chiếc xe của tôi, tôi sẽ trả tiền sai biệt. Chiếc xe Cadillac 1972,có 8 máy, nằm dưới lùm cây, có nhiều lá khô rụng phủ đầy bên trên cũng khá lâu. Ông ấy đồng ý nhận $500 sai biệt. Thế là tôi láy chiếc Cadillac về nhà trong sự ngạc nhiên của bà xã tôi.
Trước ngày di chuyển về Cali mấy hôm, chúng tôi đến viếng gia đình bà Sally một lần cuối. Thật ra, nhà của bà là 1 cabin nho nhỏ, nằm trên 1 đồi thông hết sức rậm rạp. Bên cạnh con suối nhỏ, nơi gia đình dùng nguồn nước thiên nhiên quanh năm mà không tốn 1 đồng xu nào. Cabin do công sức của Joe xây cất, gồm toàn là gỗ thông rừng. Bên trên mái cabin là 1 solar panel nhỏ, sản xuất được nguồn điện cho gia đình. Bà không có tủ lạnh... Nhìn chung, cuộc sống của gia đình bà hết sức đơn sơ và giản dị. Bà không cần những thứ tiện nghi như người khác.
Chúng tôi ôm nhau từ giã gia đình bà trong cái nỗi buồn muốn rơi nước mắt. Tôi cho xe xuống dốc từ từ, con đường mòn quanh co, bao quanh bởi những cây thông già cao ngút ngàn. Cái tật tiết kiệm xăng của tôi chưa bỏ hẳn. Xe đang chạy chậm xuống dốc, tôi lại tắc máy. Xe lao xuống nhanh hơn, tôi phải dùng nhiều sức hơn để làm chậm lại, tay lái cũng quá nặng để lèo láy qua các khúc quanh co.Tôi toát mồ hôi, lo âu cho bất trắc sắp xảy ra. Nỗi kinh hoàng cũng tan biến khi tôi điều khiển được xe ngừng lại sau khi nó đâm đầu vào một bụi rậm khá lớn, bên cạnh 1 vực sâu. May mắn thay, chiếc xe và chúng tôi không bị thương tổn gì. Tôi thầm nghĩ, đây là lần cuối cùng trong đời tôi phải chừa bỏ cái tật lạ lùng nầy.
MÙA THU 2012, VÂN NGUYỄN, NAM CALI
MÙA THU 2012, VÂN NGUYỄN, NAM CALI