Nguyễn Văn Tòng
Từ hồi còn trẻ, tôi vốn là người không cởi mở. Bởi vậy tôi không bao giờ tâm sự với ai về tình cảm, về những khó khăn trong đời sống của mình, cho dù đó là người bạn thân thiết mà tôi yêu thương và quý trọng. Nhứt là đời sống bản thân và gia đình, tôi thường để "một mình mình biết, một mình mình hay". Tôi rất sợ lòng tự trọng bị tổn thương và không chấp nhận sự thương hại của bất cứ ai. Những điều tôi không thố lộ với bạn bè không phải vì nó xấu mà là vì không muốn làm bận tâm đến mọi người.
Tôi nhớ lại hồi nhỏ, lúc còn học lớp Đệ Tứ ở một trường Trung học tư ( năm 1956 ) tôi được một người thầy dạy Việt văn mà tôi rất yêu thương và kính trọng ( nhà thơ Bùi Gíang ) đã ghi vào quyển lưu bút của tôi: "...... Nếu bản chất của trần gian không là bụi bặm, nếu cuộc đời nầy thuần là hương phấn, thì tôi e rằng hương phấn sẽ sớm vội phôi pha..... ". Tôi hoang mang nửa tin, nửa ngờ! " Bản chất của trần gian là bụi bặm thật sao?. Tôi nhớ lại trong vài năm trước đó, khi còn học lớp Nhì, lớp Nhứt cuộc sống vô tư, hồn nhiên của con nít vui thật là vui: đá banh, đá cầu, đánh đáo, bắn cu li.... Tất cả những trò chơi trẻ con thời ấy, bây giờ già rồi vẫn còn thấy vui. Ở tuổi mười bốn, mười lăm, tôi đâu hiểu hết ý nghĩa lời nói của thầy, tôi chỉ lờ mờ đoán ra rằng: nếu trong cuộc đời ta không có sự rủi ro mất mát nào, chỉ gặp toàn là những sự may mắn tốt đẹp thì ta đâu có hạnh phúc thật sự. Hiểu đơn giản như vậy, nhưng điều đó đã làm thay đổi tâm thức của tôi. Tôi nhìn đời một cách lạc quan. Trong hoàn cảnh nào tôi cũng thấy vui. Tôi không thích bon chen trong cuộc sống và không bao giờ mong mỏi được làm giàu và thật ra cũng không biết làm giàu như thế nào?. Sau nầy tôi thường tự nhủ: nếu muốn làm giàu thì đừng làm thầy giáo. Tôi nhớ đến ba tôi, một thầy giáo già, tận tụy dạy học, sống một đời đạm bạc nhưng được học trò quý mến và kính trọng biết chừng nào!
Hương phấn của cuộc đời đã nẩy mầm, phát triển và nở hoa từ bụi bặm của trần gian.
Tôi cám ơn đấng sanh thành đã cho tôi có mặt trên đời nầy. Cứ thuận theo tự nhiên mà sống vì chúng ta chỉ có một đời để sống. Do vậy, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng vui sống không hề có chút do dự, băn khoăn. Dù đất nước ta còn nghèo, đại đa số dân ta còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu giữ được lòng mình yên tĩnh, tâm hồn thanh thản ta sẽ thấy trời đầy chim và đất đầy hoa.
Hiện giờ tôi đã ngoài tuổi " cổ lai hi ". Mấy năm gần đây khi biết người bạn đời của tôi mang trong mình chứng bệnh nan y, tôi nghiên cứu kinh điển Phật Gíao: từ Lăng già, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Pháp Hoa... với mục đích là trấn áp nổi lo âu, tìm sự bình yên cho tâm hồn, đồng thời hướng dẫn bà xã tu tập để dựa vào niềm tin tôn giáo có được sức mạnh tinh thần chiến thắng cơn bệnh ác nghiệt mặc dù đã làm phẩu thuật xong, nhưng vẫn kéo dài dai dẳng trong nhiều năm cho đến bây giờ.
Tôi tìm đến đạo Phật, không phải mong muốn sau khi chết được về nước Phật. Đối với tôi không nơi nào đẹp và hạnh phúc hơn cõi " ta bà nầy ". Và nếu có kiếp sau thì ước nguyện của tôi sẽ được trở lại làm " người " với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Hằng đêm tôi đều đọc kinh và đọc chú đề cầu bình yên cho gia đình, sau đó ngồi thiền 15 phút thấy tâm hồn thư thái, an lạc, nổi đau giảm dần.
Nhưng rồi vào một đêm, cách đây một năm, khi bước chân xuống giường bất ngờ tôi ngả quỵ và không ngồi dậy được. Kết quả chụp CT và MRI tôi được biết mình bị hư cột sống rất nặng vì bị loảng xương do biến chứng của bệnh tiểu đường. Điều nầy không làm tôi lo lắng lắm vì mặc dù không đi đứng được nhưng trí óc tôi vẫn còn minh mẫn. Còn sống là còn thấy " cuộc đời vẫn đẹp sao " và " trời đầy chim, đất đầy hoa ". Tôi vẫn lạc quan và tin tưởng: trong một thời gian ngắn tôi sẽ đi đứng trở lại bình thường. Thế là đã hơn nửa năm rồi, từ khi có những bước chân chập chững như trẻ con mới tập đi trong nhà cho đến bây giờ phải cần nạng, tình trạng sức khỏe của tôi vẫn chưa được cải thiện. Tôi đã đi từ chỗ lạc quan đến chỗ không còn lạc quan nửa. Có lẻ số trời!
Đêm đêm tôi vẫn đọc chú Bát Nhã Tâm Kinh:
-- Xá Lợi Tử, tứ đại giai không....
Đọc đến đây tôi ngập ngừng và thấy nghèn nghẹn " Tứ Đại giai không ", cái hiểu biết bằng trí tuệ người đời và sự giác ngộ về lời dạy của Đức Phật là một quảng cách quá xa. Làm sao tôi có thể hàng phục vọng tâm và an trụ nhơn tâm khi không biết tâm mình đang ở đâu? Tôi không thể nào niệm Phật với " nhất tâm bất loạn " khi mà nửa đêm nghe cơn đau buốt từ trong xương tủy kéo đến để rồi tỉnh giấc nghe tiếng trở mình, húng hắng ho và tiếng rên khe khẻ của người bạn đời đang bị cơn đau hành hạ.
Nhớ lại lúc tôi nằm một chỗ, việc vệ sinh cá nhân cũng không làm được, bà đã chu toàn cho tôi tất cả, không nửa lời than van mặc dầu tôi biết rằng bà cắn răng chịu đau và không được khỏe. Kiếp nầy tôi nợ bà, nhưng tiền kiếp bà nợ tôi và bây giờ phải trả!
Tôi có một đứa con gái theo chồng định cư ở nước ngoài từ 10 năm nay. Từ lúc mẹ nó đau đã hơn 5 năm rồi, nó đã tằn tiện gởi tiền về lo cho mẹ. Nhưng vì mẹ nó lâm trọng bệnh và kéo dài thời gian quá lâu nó phải oằn vai gánh nặng và đã kiệt sức. Tôi phải bán đi một mảnh vườn nhỏ, phần tài sản cuối cùng mà cha mẹ tôi đã để lại cho vợ chồng tôi để chạy chữa cho vợ, nhưng rồi tiền gần hết mà bệnh vẫn còn và ngày một nặng hơn. Phơi bày hoàn cảnh sống của bản thân mình và vợ con mình là một nổi đau xé lòng đối với tôi. Nhưng trước tấm thân tình của bạn bè và các em chs trường Hoàng Diệu đã quan tâm, ân cân thăm hỏi qua điện thoại hoặc đã chung tay góp sức giúp đỡ chúng tôi trong cơn hoạn nạn. Tôi hiểu rằng phía sau những lời thăm hỏi, những đồng tiền đô từ Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Âu..... và những đồng tiền Việt Nam, là tình thương yêu và ơn huệ đong đầy. Ân tình nầy của các bạn và các em chs Hoàng Diệu gia đình chúng tôi không thể trả nổi! Chúng tôi chỉ có thể lấy tấm lòng chân thành biết ơn để kết thành lẳng hoa nhỏ bé để gởi tặng mọi người.
Sau cùng, tôi sẽ là người tệ bạc nếu tôi không nhắc nhở đến những người bạn ân cần quan tâm giúp đỡ tôi trong thời gian qua: vợ chồng anh Nguyễn Văn Sâm, anh Nguyễn Hiền Tâm, anh Cấn Phan Nhiếp, anh Lê Kim Tiết Tháo, anh Nguyễn Tôn Bá và các em học sinh cũ của tôi ở trường Hoàng Diệu trước kia như Phan Thị Hạnh, Lâm Hoàng Yến, nhứt là Lâm Hoàng Yến luôn luôn quan tâm giúp đỡ gia đình tôi về nhiều mặt.
Bài do Anh Vân Nguyễn chuyển