THƯƠNG VỀ KỶ NIỆM (phần 3)



Những ngày đầu tiên trên đảo nhỏ Lê Tung, thuộc Nam Dương, tôi chẳng có bao giờ biết rằng gia đình mình sẽ đi về đâu nữa, tuy nhiên, cũng có chút hy vọng là sẽ được đi định cư ở một đệ tam quốc gia nào đó.

Nhờ có số vốn anh văn, tôi bắt đầu làm quen với một vài người bản xứ. Tôi dạy họ thêm anh văn, ngược lại họ cũng dạy tôi ngôn ngữ Indonesia. Dần dần tôi cũng hiểu được phần nào để giao thiệp với họ. Ngoài những công việc lặt vặt hàng ngày cho 3 đứa con còn nhỏ dại, tôi bắt đầu công việc mua bán cá biển.

Từ lúc tờ mờ của buổi sáng, tôi dùng cây đuốc được bó lại bằng những chiếc lá dừa khô để soi đường. Con đường mòn nhỏ dọc theo bờ biển cong queo, hướng về căn nhà lá của một người bản xứ, chừng 4,5 cây số, thỉnh thoảng có đám khỉ hoang hù doạ trên đường. Người đàn ông trạc độ 50 tuổi, làm nghề câu cá từ ngoài xa bờ biển, bây giờ tôi không còn nhớ tên ông ấy nữa. Ông có 5 người vợ, từ lớn cho đến trẻ, ông giao cho mỗi người một công việc khác nhau. Tôi tin chắc rằng ông ấy theo Hồi giáo. Có lần ông ấy mời tôi dùng cơm trưa với gia đình. Ông hiểu ý tôi dùng muỗng, nĩa, nên đã chuẫn bị chu đáo cho tôi. Còn lại mọi người trong gia đình ông dùng tay để ăn cả.

Tôi mua cá của ông ta trong mấy tháng liền, mang về bán lại cho những người đồng hương, kiếm chút ít lợi tức để mua thêm rau trái cho gia đình tôi. Có một lần, tôi biết được một anh đồng hương, chung barrack, cần 1 cái thùng phi để làm bánh mì, vì anh là thợ làm bánh từ lúc còn ở Việt Nam. Tôi tản bộ cho hơn 10 cây số, xuyên qua đồi nho nhỏ, đường cong queo hiểm trở. Tôi may mắn tìm mua được với giá 2 đô la, mang về tới trại bán lại cho anh ta 5 đô la, thật là một công việc hết sức khó khăn cho tôi. Tôi còn nhớ anh ta, sau khi định cư ở San Jose, anh có mở một tiệm bánh mì.

Không lâu sau đó, tôi có mua 1 chiếc Joncong. Là 1 chiếc xuồng độc mộc khá đẹp, dùng cho việc di chuyễn trên biển. Hằng ngày tôi xử dụng nó chuyên chở các thứ như măng cục, sầu riêng, chuối, chôm chôm, gà và rau cải đủ thứ, được mua từ các nông dân sinh sống rãi rác trên đảo nầy. Một ngày nọ, trong lúc tôi đang di chuyển các thứ hướng về trại, trời cũng sập tối, tối thấy được ánh đèn sáng choang từ bờ khoảng 1 cây số đường biển. Trời bỗng nhiên nổi cơn giông, những làn sóng khổng lồ lên xuống, mưa trút xuống mịt mù, tay bơi, tay tác nước.Tôi cảm thấy run sợ ít nhiều. May mắn thay, tôi nhìn thấy một cụm đá ngầm lúc ẩn, lúc hiện giữa biển trong nhịp sóng nhấp nhô. Tôi cố gắng lướt tới và nhãy lên cụm đá ngầm đó. Lúc làn sóng từ xa vừa lướt tới, tôi nhẩy cao lên, để khỏi bị kéo xuống biển, mà có lẽ có nhiều cá mập đang chờ tôi làm mồi. Tôi nắm chặc sợi dây nylon dài được cột chặc vào thân Joncong, nhưng chiếc dầm đã bị sóng nước cuống đi từ lúc ban đầu.

Hơn 1 tiếng sau, mưa tạnh, gió yên. Tôi cũng lạnh run cả người , tác hết nước ra khỏi Joncong, dùng đôi tay bơi chiếc xuồng vào tới được bờ, trong nỗi kinh hoàng của tôi và nỗi lo âu vô cùng của bà xã tôi nữa.

Sau mấy tháng tạm trú trên đảo Lê Tung, chúng tôi phải đốn cây rừng làm nhà, dùng lá rừng lợp mái để chống lại gió mưa. Thỉnh thoáng có một vài phái đoàn, gồm các nước Âu châu và bắc Âu, đến đây để nhận người tị nạn định cư ở nước họ.

Gia đình chúng tôi được chuyễn sang đảo Ga lăng, đây là trại tị nạn chính thức vừa mới được xây dựng xong của Cao uỷ tị nạn. Một ngày mưa gió lạnh lẽo, lưng cõng, tay bồng các con tôi, đi bộ theo đoàn. Mọi người nối đuôi nhau  trên con đường quanh co trơn trợt, tới 1 barrack được chỉ định trước.

Tôi được bầu làm barrack trưởng, để giúp đỡ cho hơn 100 người tạm trú ở đây. Những công việc liên lạc cao uỷ, sổ sách, lãnh lương thực như mì gói, gạo, đồ hộp, dầu lửa để nấu nướng v.v.

Thời gian qua đi không lâu, tôi xin đi dạy thêm anh văn cho đồng hương, theo lời khuyến khích của Cao uỷ tị nạn. Công việc của tôi lúc bấy giờ khá bận rộn. Một lần, vì quá bận rộn ở trường, tôi quên trách nhiệm đứng xếp hàng dài lòng thòng, gánh nước về cho gia đình tôi dùng. Tôi vội vã mang 2 thùng lên trên đầu nguồn lấy nước bất hợp pháp, vô tình bị an ninh trại bắt được, may nhờ anh bạn tôi là an ninh barrack bảo lãnh về. Tên anh là Bảy Hoá, làm việc cho cơ quan Shiriff ở San Jose bây giờ.

Gia đình tôi tạm trú ở đây  cũng vừa tròn 1 năm, thì được phép sang nước Mỹ định cư. Một năm cũng khá lâu với bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui cho đời tị nạn, trên đất nước Nam Dương. Một đất nước đã tạm dung chúng tôi, có lẽ tôi khó mà quên công ơn nầy cho suốt cuộc đời.


VIẾT ĐỂ KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY Ở NAM DƯƠNG. AUGUST 2012, VÂN NGUYỄN.

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual