Trong những ngày khó khăn về kinh tế cho nhiều tầng lớp trong xã
hội, trong đó có tôi. Thành phố Cần thơ cũng tấp nập xe cộ trên đường. Mọi người
cũng bận rộn trong công việc sinh nhai, từ những người mua gánh bán bưng, xe ôm, xe kéo… Tôi có mượn tạm 1 căn nhà bỏ trống của 1 người dì, em của má tôi, để
nuôi gà Mỹ.
Từ sáng sớm, tôi có mặt trên chiếc tàu khách, tuyến đường Cần
Thơ về Đại Ngãi. Vì lẽ chuyến tàu nầy sẽ dừng lại trạm An Lạc Tây, nơi có nhà của
ngoại tôi. Mục đích của tôi là xin một số cây tre để làm chuồng, cho việc chăn
nuôi.
Trên tàu cũng đông nghẹt khách, người nầy ngồi sát người kia
trên một băng dài lê thê bằng gỗ. Tàu đưa đò nào cũng như vậy cả, có lẽ là truyền
thống lâu đời của dân miền lục tỉnh.
Trong lúc tàu đang lướt nhanh trên dòng sông hậu, nước sông vẩn đục
bởi có nhiều phù sa. Thấp thoáng có nhiều đám lục bình lơ lững theo dòng nước chảy
của thuỷ triều lên. Tiếng động cơ của chiếc máy dầu Yanmar quá to, khiến cho
hành khách khó mà trò truyện một cách thoải mái được. Một người đàn ông ngồi bên
cạnh tôi, trạc độ 40, liếc nhìn qua cuốn album có đầy những con tem mà tôi đang
chăm chú nhìn. Ông chào hỏi tôi một cách lịch sự. Ông hỏi tôi đi về đâu và làm
sao mà có nhiều con tem xưa cũ như thế.
Tôi cảm thấy thoải mái và có thiện cảm với ông ta. Một mĩm cười
nhẹ ở tôi, tiếp lời ông tôi nói, những con tem nầy tôi đã bỏ công lao hơn mấy
năm dài, trao đổi, mua thêm, lượm lặc thêm. Đặc biệt là tôi đã từng moi móc từ
các đống rác Mỹ, phía sau trường Hoàng Diệu, bên cạnh nhà Thầy Trần xưng Thấu, lúc
tôi còn học ở đây. Hôm nay tôi về nhà ngoại tôi để xin một ít tre cho việc nuôi
gà ở Cần Thơ.
Sau một lúc trò truyện, ông hỏi tôi có gia đình chưa. Ông nói là
ông đang về cồn Quốc gia thăm một số người bà con ở đây, sau một thời gian lâu, bận
rộn, không ghé thăm họ. Ông nói, ông có một đứa cháu gọi bằng chú. Ngày xưa cũng
có theo học ở trường trung học Hoàng Diệu. Với giọng nói chầm chậm pha lẫn nụ cười, ông muốn làm mai mối cho tôi với người cháu ấy.
Tôi trầm ngâm một lúc, trong khi chiếc tàu đò vừa qua khỏi vàm
Cái côn và cũng không còn bao lâu nữa sẽ tới nhà ngoại tôi. Tôi cố nghĩ lại lúc
mấy năm trước, tôi và một số bạn có sang cồn Quốc gia chơi, lúc ấy tôi có gặp một
cô bạn học chung với em gái tôi,nhưng giờ quên mất rồi. Tôi do dự chưa trả lời
ông ngay được. Ông nói, nếu được thì đi theo ông ấy đến chơi cho biết thôi.
Đối với tôi, từ lúc tình yêu đầu đời tan vỡ đến giờ, đã qua năm
bãy năm rồi, tôi chưa có được một tình yêu nào nữa cả. Có những lúc, mấy cô bạn học
chung ở Đại Học Sư Phạm Cần Thơ đến nhà chơi, các cô cũng đẹp, cũng duyên dáng lắm, nhưng tôi chỉ xem như bạn học thôi. Các cô trong số hơn 900 sinh viên từ Sài
Gòn xuống Cần Thơ để xin thi vào 2 lớp ban anh văn mà thôi.
Tôi bỗng nhiên nhận lời mời của ông nầy, người mà tôi chưa bao
giờ quen biết. Vì lẽ mầy lúc gần đây, ông ngoại tôi có nói rằng, Thằng Dân ( giọng
lục tỉnh) lớn tuổi rồi sao không cưới vợ đi mậy. Tôi hay mĩm cười trả lời, còn
sớm mà ngoại.
Chiếc tàu đò đi qua khỏi nhà ngoại tôi. Tôi ngoảnh lại vui vui, buồn buồn, thay vì ghé lại nhà ngoại xin tre, bây giờ lại đi coi mặt con gái, cũng buồn cười cho tôi. Bây giờ tôi gọi ông ấy bằng chú, chúng tôi cùng tới nhà
cô cháu gái lúc hơn 5 giờ chiều. Chúng tôi được đãi 1 bữa cơm nhà quê khá ngon
miệng. Sau mấy tiếng đồng hồ trò chuyện về gia cảnh, tôi và chú ấy nghĩ ở đây
qua đêm.
Bây giờ tôi đã biết cô ấy đã học chung với em gái tôi, cùng một
năm với tôi nữa. Sáng hôm sau, tôi đón tàu đò về ghé lại nhà ngoại tôi, tường thuật
lại sự việc vừa qua. Ngoại tôi đồng ý và má tôi cũng vậy nữa. Thế là, đám hỏi
và đám cưới của chúng tôi chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tuần lễ mà thôi.
Tôi không biết chuyện hôn nhân của chúng tôi có phải là duyên tiền
định không nữa ???
SEPTEMBER 2012, VÂN NGUYỄN.