TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI



Sau khi đã trải qua 1 tháng ở hoang đảo Kuku, 5 tháng tại trại tỵ nạn Galang và 6 tháng học hướng nghiệp và sinh ngữ "Yes! Yes! No! No! 6 tháng ta cũng  ...go!"  tại Bataan Phi luật Tân, cuối cùng rồi Tuấn cũng đã khăn gói quả mướp   đi định cư tại xứ Cờ Hoa.

Tiễn đưa Tuấn lên xe lủ khủ cả một đoàn người gồm mấy đứa học trò ESL, những người bạn đi chung tàu và vài cô giáo người Phi luật Tân. Hành trang của chàng tỵ nạn "6 khổ" rất  đơn sơ chỉ gồm một túi xách tay do một cô học trò ESL may dùm cho thầy Tuấn từ vải được tháo ra từ một chiếc quần tây rộng quá khổ do Cao Ủy tỵ nạn cho Tuấn nhưng chiếc quần rộng gấp...ba thân hình gầy gò của Tuấn nên anh mặc không vừa. Trong túi xách chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo, vài cuốn tự điền và mấy cuốn Album đựng những tấm hình kỷ niệm được chụp rải rác từ Singapore qua đến Phi luật Tân bằng chiếc máy chụp hình Fuji nhỏ xíu do ông Tỷ Phú Singapore Paul Chin biếu Tuấn lúc anh quá cảnh tại Singapore để chờ đợi chuyến bay qua Manila.

Trước lúc máy bay cất cánh, đoàn người tỵ nạn đi định cư Hoa kỳ được chia thành hai toán. Khi tới phi trường đầu tiên của Hoa kỳ là Seatle một toán sẽ tách ra để đi về Los Angeles gồm những gia đình sẽ về định cư tại các tiểu bang ấm áp tại miền Nam và miền Tây. Toán thứ hai gồm 6 gia đình tổng cộng trên dưới hai mươi người, hầu hết là những gia đình con lai "Amerasian" thuộc diện "con bà phước" , sẽ tiếp tục bay về New York city rồi sau đó sẽ về định cư tại các tiểu bang lạnh lẽo của vùng Đông Bắc Hoa kỳ. Tuấn vẫn còn "độc thân vui tính" và đã biết sẵn chút đỉnh tiếng Ăng lê và sẽ về đoàn tụ với chú ruột tại tiểu bang lạnh giá Pennsylvania nên bà Cán Sự Xã Hội của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách tỵ nạn đã nhờ anh chàng "trông chừng" dùm toán thứ hai này cho tới lúc họ đã lên máy bay tại New York để tránh tình trạng họ đi lạc trong các phi trường quốc tế.

Tới trạm ngừng đầu tiên là phi trường quốc tế Kimpo, South Korea, mọi người đã phải ngồi chờ đợi 4 tiếng đồng hồ để đáp chuyến bay kế tiếp sang Seatle Hoa kỳ. Tại phi trường Kimpo Tuấn và cha mẹ của các em nhỏ con lai đã khá vất vả để canh chừng lũ nhóc, nhất là mấy cháu trai, vì chúng không chịu ngồi yên một chỗ mà cứ chạy lăng quăng khắp phi trường. Sau một hồi la hét lũ nhỏ, Tuấn đã thấm mệt đành ngồi xuống ghế để mặc bọn chúng muốn làm gì tùy ý. Tuấn đưa mắt nhìn để ý một cháu trai lai African American ăn mặc luộm thuộm  nghèo khổ nhưng có khuôn mặt rám nắng rắn rỏi  khá sáng sủa đang đi bỗng ngừng lại mỉm cười trước một bé trai người da trắng, cùng trạc tuổi, đang ngồi yên trong lòng người mẹ. Bất thình lình cậu bé da trắng đã vụt đứng lên vuột  khỏi tay mẹ chạy ra nắm tay bé trai Việt nam và cả hai đứa trẻ cùng ù té chạy trên hành lang của phòng chờ đợi. Tuấn đã hoảng hồn dõi mắt   chờ đợi phản ứng từ cha mẹ của cậu bé trai da trắng và Tuấn đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả cha lẫn mẹ của cậu bé đang mỉm cười đưa tay chỉ trỏ về phía hai cậu bé đang cùng chạy nhảy nô đùa và Tuấn càng kinh ngạc hơn nữa khi nhìn thấy người cha đang giơ máy chụp hình về hướng hai đứa trẻ đang hồn nhiên đùa giỡn vui vẻ để chụp hình.

Tuấn băn khoăn tự hỏi là cậu bé Việt nam biết rất ít tiếng Anh sau 6 tháng được học ngoại ngữ tại Phi luật Tân trong khi cậu bé người da trắng dĩ nhiên không biết một câu tiếng Việt nào vậy mà thật là kỳ diệu khi hai đứa trẻ vẫn có thể "communicate" ngon lành bằng "loại hình ngôn ngữ đặc biệt" từ trái tim hồn nhiên của trẻ thơ.

Tuấn chợt nhớ lại một đoạn trong Kinh Thánh Chúa Jesus có nói với các môn đệ của Ngài: "Hãy để cho các trẻ thơ đến gần Ta vì chỉ có chúng mới xứng đáng được vào Nước Trời". Đến bây giờ trên bước đường tỵ nạn lưu lạc gian truân Tuấn mới chợt "giác ngộ"  ra được chân lý của đoạn Thánh Kinh trên và anh đã thầm nghĩ: "Giá mà con người  đối xử với con người theo ngôn ngữ huyền diệu của TRÁI TIM chớ không phải theo MÀU DA hay những khác biệt về CHÍNH KIẾN được NHÁI THEO từ những TỐI  KIẾN  của các chính trị gia phét lác thì đâu cần đợi tới lúc chết mới vào được nước Thiên Đàng vì hai đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa kia và kể cả cha mẹ của chúng không phải là đang vui vẻ hạnh phúc sung sướng như đang sống trên THIÊN ĐÀNG sao?"

Tiếng nói ồn ào trên loa phóng thanh đã cắt đứt dòng suy nghĩ của Tuấn. Nhân viên phi trường đang nhắc nhở các hành khách trên chuyến bay về Australia hãy sẵn sàng chuẩn bị hành lý để "boarding". Chú bé da trắng đã buông tay bạn mới quen ra và Tuấn đã chợt hiểu ra: "Thì ra gia đình cậu bé da trắng này là một gia đình người Úc". Trước lúc từ giã người bạn nhỏ Việt nam để cùng cha mẹ "boarding", cậu bé người Úc đã ôm thật chặt người bạn nhỏ Á Châu thật thắm thiết và đã nắm tay từ giã bạn  để cùng cha mẹ sắp hàng bước lên máy bay với nét mặt thật buồn. Sau khi hai cậu bé buông tay nhau ra tất cả những người kể cả da trắng lẫn da màu đang ngồi tại phòng chờ đợi đã đồng loạt đứng lên vỗ tay thật to. Tuấn cũng đã đứng lên vỗ tay và ra hiệu cho tất cả những người tỵ nạn đang đồng hành cùng vỗ tay theo...    


Nguyễn Ngọc Thạch
CHS THCLHD
Niên khóa 68-75   


 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual