HỒ BIỂU CHÁNH PHẦN 1

 


                                (NHÀ VĂN LỚN VIỆT NAM )                                      Hoài Việt

 

                                     

            (Lời mở đầu)

Ông Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn trong văn học sử Việt Nam thời cận hiện đại, nhưng trong thời gian dài, ít ra trong 5 thập kỷ của thế kỷ 20, ông đã như bị đặt không đúng vị trí phải có. Riêng những thành phần học sinh sinh viên hầu như được dạy rất ít về ông. Cá nhân người viết, mãi đến sau ngày rời khỏi mái trường Văn Khoa Sài gòn và lăn lóc trong xã hội vài chục năm , trước, trong và sau năm 1975, cũng không khác gì hơn, nghiã là hiểu biết về tác giả Hồ BiểuChánh vẫn rất hạn chế. Một vài hiểu biết hạn hẹp của tôi chỉ lảng đảng qua sự kiện nhớ mang máng về truyện “Ngọn Cỏ Gió Đùa” và vài truyện khác. Đôi lần cũng nghĩ đến và thắc mắc, rồi thôi Sau đó, ra nước ngoài, lúc “trà dư tửu hậu” hay khi thất nghiệp tạm thời, tìm đọc một vài truyện tiểu thuyết, trong đó có vài truyện của tác giả Hồ Biểu Chánh như: Con Nhà Nghèo, Chút Phận Linh Đinh v.v. . ., tôi lại càng tò mò muốn tìm hiểu thêm. Điều phải nêu lên là đa số những truyện (tiểu thuyết) nầy in trước năm 1975 tại miền Nam, “theo vận nước” đã trôi giạt qua bên nầy bờ đại dương có mặt trong Thư Viện Việt Nam, quận Cam-California-Hoa Kỳ. (không hiểu nhờ đâu những truyện nầy có mặt tại “quê người”). Thiệt tình tôi mê truyện của ông H.B.C vì nhiều lý do, trong đó nhứt là nội dung, bối cảnh diển ra bảy tám chục năm, nhưng mà sao giống Việt Nam bây giờ quá.Và tôi cũng “mê mệt” với trên dưới một chục phim nhiều tập sản xuất trong nước như:   Chúa Tàu Kim Qui, Cay Đắng Mùi Đời, Con Nhà Nghèo, Tại Tôi, Lòng Dạ Đàn Bà, Tình Án, Tân Phong Nữ Sĩ, Thế Thái Nhơn Tình . . Xen vào đó tôi cũng có xem một vài phim cụ thể như:Đồng Nọc Nạn”,không phải phóng tác từ truyện của nhà văn họ Hồ cũng vì nội dung “sao nó giống quá”. Và rôì từ đó, tôi lại thắc mắc, cảm thấy dường như: có điều gì “bất thường” và “bất công” trong văn học sử Việt Nam, khiến tôi hơi “tức tức”.Óc tò mò khiến tôi phải tìm hiểu. . . Xin thông cảm, vì phải nói đến cái tôi, mà lại hơi dài dòng. Thật như một cơ may, trong thời gian tìm hiểu, tôi đã tìm thấy bài viết của nhà nghiên cứu tầm cở là linh mục Thanh Lãng (giáo sư Đ.H Văn Kkoa, Sài gòn), ghi lại nguyên văn như sau: “ .. . riêng về thế hế 1913, hoạt động của Hồ Biểu Chánh quả thật đã to tát quá điều chúng ta ngờ. Điều lạ hơn nữa là tại sao cái sự nghiệp to tát ấy lại quá ư bị chìm lặng bên cạnh những công việc làm lẻ tẻ và kém giá trị như những truyện ngắn của Tưong Phố chẳng hạn. Phải chăng vì Hồ Biểu Chánh là người miền Nam Kỳ với cái lối văn mộc mạc, bị tưởng lầm là quê mùa, thô tục, thực ra Hồ Biểu Chánh bước vào làng văn không muộn gì hơn Nguyễn văn Vĩnh hay Phạm Quỳnh. Đông Dương tạp chí ra đời năm 1913, nhưng ngay năm 1912 Hồ Biểu Chánh đã có tác phẩm sáng tác(trang 8, tạp chí Văn số 80, phát hành ngày.15/4/1967 tại Sài gòn). Lời nhận định của giáo sư Thanh Lãng không hẳn là một “khuôn vàng thước ngọc”, nhưng đã phần nào minh chứng điều suy nghĩ trên đây của tôi là có lý.Thật vậy, rõ ràng có gì đó bất thưòng, bất ổn và ”bất công” về sự kiện xác định không đúng “chỗ ngồi” của Hồ Biểu Chánh trong văn học sử Việt Nam.Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, tôi đã “khám phá” ra một trang web (www.hobieuchanh.com) đề cập hầu như tất cả những gì cần biết về tác giả họ Hồ. Trang web nầy do một số các vị tiền bối lập nên, như vậy, công việc của mình là gần như vô ích.  Nhưng thiển nghĩ, tài liệu của mình sưu tập  cũng có những chi tiết dù nhỏ những có nét riêng, có những gì bổ túc cho việc làm của trang web cần có thêm.Về phần tôi, cố đúc kết trong một tài liệu vừa phải, và  cuối cùng cũng muốn trình bày để chia xẻ cùng các bạn bè và những ai còn quan tâm về nền văn học Việt Nam.Chỉ thế thôi, xin hoàn toàn không dám viết nhiều về những nhận xét phê phán  của các vị tiền bối trong văn học. Và trên hết, xin không dám tranh luận về sự kiện nầy, vì vốn dĩ tôi chỉ là một độc giả mê truyện của Hồ văn Trung tiên sinh, vì thấy “hay quá” và nội dung “sao mà giống Việt Nam mình bây giờ quá”. Thế thôi.

Sau đây, là những sơ lược về tác giả họ Hồ. Sơ luợc vì với một tác giả hơn 45 năm cầm bút, với hàng trăm tác phẩm,không thể trình bày ngắn gọn trong tài liệu chỉ đôi ba chục trang.

I/- TIỂU SỬ HỒ BIỂU CHÁNH




            Hình nhà văn Hồ Biểu Chánh

 

Ông Hồ Biểu Chánh, tên thật là Hồ văn Trung, hiệu là Biểu Chánh, tự Thứ Tiên. Ông sinh ngày 1/10/1885 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Gia đình ông gốc nông dân nghèo, nhưng nội tổ có công với làng xã nên được bầu làm hương chủ (một chức đứng thứ nhì trong ban hội tề của làng).

-Từ thuở nhỏ lúc 9 tuổi, theo học chữ Nho trong làng ở quê nhà, năm 12 tuổi học chữ quốc ngữ, và lên học tại tỉnh Gò Công.Nơi đây, ông được học bổng, lên học trường Tây là Chasseloup Laubat (Sài gòn)

-Năm 1905, đậu bằng thành chung và năm 21 tuổi, thi đổ ngạch ký lục Đông Dương, trở thành công chức. Cuộc đời ông khá hanh thông trong quan trường, vào năm 1921 đậu tri huyện và năm 1927 tri phủ. Năm 1936, thăng chức đốc phủ sứ (lúc ông 51 tuổi). Ông đã từng là “chủ quận” khá nhiều nơi trong Nam Kỳ lục tỉnh (quận Càng Long-Vỉnh Long, Ô Môn-An Giang và Phụng Hiệp-Cần Thơ, thời gian các nơi ấy từ 1927-1934). Năm 1936 xin về hưu nhưng phải lưu dụng đến năm 1941.Sau đó, ông lại làm nghị viên cho Hội Đồng Liên Bang Đông Dương, ủy viên Ban Quản Trị Sài gòn Chợ lớn, và cố vấn cho chánh phủ Nam Kỳ Quốc thời gian ngắn, trước khi nghỉ hẳn để sáng tác.

Điều cần nói thêm là cuộc đời của tác giả Hồ Biểu Chánh đã trải qua hầu như tất cả mọi biến cố đầy đau thương, vui ít buồn nhiều diển ra trong lịch sử cận hiện đại. Đó là:

-Kinh thành Huế thất thủ (1885), năm ông ra đời.

-Thực dân Pháp chiếm Việt Nam.

-Nhựt đảo chánh và Viêt Minh cướp chánh quyền.

-Cuộc chiến tàn sát giữa Pháp và kháng chiến chống Pháp (kháng chiến là những lực lượng quốc gia , mà trong đó có Cộng sản là lực lượng nhỏ, sanh sau đẻ muộn năm 1930).

- Quốc gia Việt Nam bị chia đôi. Qua hiệp định Genève, Việt Nam bị chia hai miền với 2 chế độ khác nhau.

-Miền Nam Việt Nam trở thành quốc gia Cộng Hoà (Việt Nam Cộng Hoà, với thủ đô là Sài gòn).

Về gia cảnh, ông có tất cả 8 người con, gồm 6 trai,2 gái, trong số nầy có vài người tham gia chánh quyền miền Nam như:

                        -Hồ văn Kỳ Trân, giáo sư, dân biểu thời đệ I Cộng Hoà

                        -Hồ văn Di Hinh, Tổng Trưởng Thanh Niên,thị trưởng Đà Lạt

                        -Hồ văn Ứng Kiệt, phi công VNCH, hy sinh năm 1964.

            Đặc biệt, một hậu duệ cũng nên ghi lại đôi dòng là ông Hồ Văn Kỳ Thoại, cháu nội của nhà văn Hồ Biểu Chánh.Ông là phó đề đốc,Tư Lệnh Hải Quân/vùng II CT, người đã trực tiếp chỉ huy lực lượng hài quân Việt Nam anh dũng chống trả quân xâm lược T.Q  tiến đánh Hoàng Sa vào tháng một,năm 1974.

            Về cuộc đời của nhà văn Hồ Biểu Chánh, không ít nhận xét về hành vi “tham gia , cộng tác với Pháp”.Quả đúng như vậy, khởi đi từ năm lúc 21 tuổi, thi đậu ngạch ký lục, vào làm việc ở dinh Thượng Thơ tại Sài gòn, con đường hoạn lộ của  ông khá hanh thông, với mức tột đỉnh là đậu ngạch “đốc phủ sứ”.Tuy nhiên,ông đã vẫn giữ tư cách thanh cao,chánh trực,đời sống thật bình dị. Chính ông đã ghi lại trong di chúc như sau: “. . .Tuy là tay sai của quan Pháp, song nếu mình cứ lấy lòng siêng năng, ngay thẳng mà làm việc, đừng a dua, đừng bợ dở, phải thì ở, không phải thì đi, nói oan dám giận, nói bậy dám cải, thì phần mình khỏi hổ,mà thiên hạ lại được nhờ”.

            Cu thể, một văn hữu của ông tả ngôi nhà của HBC ở Vĩnh Hội năm 1943, lúc ông đã là Đốc phủ sứ hời hưu như sau: “. . .Căn nhà ở đường Nguyễn Khoái-Tôn Thất Thuyết (quận Tư, Sài Gòn), dọc theo kinh đôi, lúc bấy giờ hẻo lánh, ít ai ngờ được đó là một căn nhà, chỉ vách ván,không điện,không nước. Đêm xuống, cả một vùng chìm trong bóng tối như ở nông thôn. Căn nhà phía trước hẹp, có kê một cái bàn nơi ông làm việc,tiếp khách,không có trang hoàng chi hết”(HBC,người mở đường,trang 107).

 


Mộ ông Hồ Biểu Chánh (đặc biệt mộ “nằm” ngay trong khu nhà của dòng họ ông ở Quận Bình Thạnh-Sài gòn)

 

II/- SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG

            Nhờ trải qua những biến cố lịch sử, kinh nghiêm bản thân là một viên chức cao cấp, thêm vào là sức sáng tác không mệt mỏi của ông từ 1912 đến 1958 (khoản trên 45 năm), ông đã để lại một sự nghiệp văn chương vô cùng đồ sộ. Người ta không khỏi choáng ngộp với trên 100 tác phẩm, với chín thể loại khác nhau, mà chắc chắn không một tác giả nào có được. Sau đây, là chi tiết những tác phẩm của ông, chia ra như sau:

               1/-Tiểu thuyết: gồm 64 bộ truyện tiểu thuyết (từ quyển số 1 mang tên “Ai Làm Được” đến số 64  mang             tên “Hy Sinh”, viết dang dở và ông ngả bệnh qua đời)

               2/- Đỏan thiên: gồm 7 bài, in trong 4 cuốn

               3/-Truyện ngắn; 3 truyện

              4/-Dịch thuật: 2 truyện (từ sách Tàu và Pháp)

              5/-Tuồng hát (kịch bản): gồm 12 tuồng (5 hài kịch, 4 vở hát bội, 3 vở cải lương)

              6/-Tuỳ bút: gồm 5 bài

              7/-Văn vần: 2 bài

              8/-Hồi ức: gồm 6 tập

              9/-Sách khảo cứu văn học: 23 tác phẩm (trong đó nhiều đế tài lớn)(1)

                                    ( www.tiengiang.gov.vn, www.hobieuchanh.com)

Có thể nói ông là một cây bút với sức sáng tác rất mạnh, tính trung bình mỗi năm ra 2 quyển tiểu thuyết. Tuy nhiên có những năm không ra quyển nào, cũng có năm 1935 ra 6 truyện như: Ở Một Thời, Ông Cử, Một Đời Tài Sắc, Cười Gượng, Giây Oan, Thiệt Giả Giả Thiệt. Đặc biệt trong năm 1957 có đến 9 quyển. như: Trong Đám Cỏ Hoang, Vợ Già Chồng Trẻ, Hạnh Phúc Lối Nào, Sống Thác Với Tình, Nợ Tình, Đón Gió Mát Nhắc Chuyện Xưa, Chị Đoàn Chị Lý, Nợ Oan Trái, Tắt Lửa Lòng.

Hầu hết những câu chuyện của tác giả Hồ Biểu Chánh đều lấy bối cảnh miền Nam, đa phần những nơi ông nhậm chức (mà chúng tôi sẽ chi tiết hơn trong phần sau). Đồng thời, có những tiểu thuyết phóng tác từ các truyện của Pháp, xin ghi ra như sau:



Một cảnh trong phim “Ngọn Cỏ Gío Đùa

 

-Ai Làm Được (André Cornelis của Paul Bourget)

-Chúa Tàu KimQui (Le Comte de Monte Cristo của Alexandre Dumas)

-Cay Đắng Mùi Đời (Sans Famille cuả Hector Malot)

-Chút Phận Linh Đinh (En Famille của Hector Malot)

-Thầy Thông Ngôn (Les Amours D’Estère của Theuriet)

-Ngọn Cỏ Gió Đùa (Les Misérables của Victor Hugo)

-Ở Theo Thời (Topaze cuả Marcel Pagnel)

Điều đáng nói là tác giả Hồ Biểu Chánh đã không dấu diếm sự kiện phóng tác của ông. Nếu  không nói ra, có lẽ thật hiếm người nhận ra (mà chính cá nhân người viết cũng không biết việc nầy). Bởi vì tác giả đã thật khéo léo dàn trải câu chuyện vào bối cảnh điạ lý miền Nam, bối cảnh xã hội miền Nam văn hoá , phong tục, đạo lý. . .với  khá  nhiều thay đổi cho thích nghi với hoàn cảnh. Trong tiểu thuyết của H.B.C các yếu tố: phong tục, đạo lý, phiêu lưu và diễm tình kết hợp nhuần nhuyễn với nhau đã là yếu tố khiến người đọc thích thú, mê mệt.

(tài liệu tổng hợp, có tham khảo trang mạng www.tiengiang.org)

 


          (Một cảnh trong phim “Tại Tôi”)

  


 

Một hình ảnh trong phim“Cay Đắng Mùi Đời

(Cảnh 2 em mồ côi, theo ông thầy, ôm đàn ca hát để kiếm miếng ăn)

 

Chúng tôi tin rằng những độc giả miền Nam vào các thập niên 1920-1950 đã rất mê mệt với các truyện của ông, bất kể là chuyện sáng tác hay phóng tác. (Riêng miền Bắc hầu như không thích đọc, vì chê văn Hồ Biều Chánh là “quê mùa,không văn chương”).Ông là tác giả có con số tác phẩm nhiều và nhiều thể loại nhứt Việt Nam (không phải chỉ miền Nam).(1) Nhân đây, để có chút số liệu hầu nhận chân điều nầy, xin ghi ra  số lượng tác phẩm của ông cùng  các tác giả khác.Dĩ nhiên, mỗi tác phẩm văn học , có giá trị riêng , không thể cào bằng , mang ra so sánh như những con số, món đồ vật.  Và cũng không thể quên nguyên lý “quí hồ tinh, bát qui hồ đa”. Đây chỉ là đơn thuần con số mà thôi.

-Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: 18 tác phẩm gồm đủ thể loại.

            -Ngô tất Tố                                   : 25 tác phẩm (tiểu thuyết)

            -Vũ Trọng Phụng                         : 26 tác phẩm (và 1 số truyện ngắn)

            -Nguyễn Công Hoan                    : 30 truyện dài( nhiều truyện ngắn , tiểu luận)

            -Võ Hà Anh                                 : khoản 30 tác phẩm

            -Bà Tùng Long                             : 50 đầu sách.

            -Bình Nguyên Lộc                       :32 truyện (và một số chưa in)

            -Sơn Nam                                     :14 tác phẩm

            -Nhã Ca                                       : 22 tác phẩm

            -Duyên Anh                                : 16 truyên dài (và một số truyện ngắn)

            -Lê văn Trương                           : 64 truyện(là con số có ghi tên cụ thể.)

 Còn phải kể tên một tác giả khác, nhiều tác phẩm là Lê Văn Trương.Có tài liệu ghi tác phẩm vị nầy có từ 100 đến 200 tác phẩm. Chúng tôi đã tìm hiểu, tài liệu nêu rõ về LVT khá mơ hồ.Và trong một bài tâm tình với bạn bè, chính tác giả LVT đã không trả lời chi tiết cụ thể và nghiêm chỉnh. Vì vậy, chúng tôi chỉ căn cứ vào con số đếm được(tài liệu tham khảo trên trang:(www.wikipedia, www.dactrung.net, 

www.aihuubienhoa.org

 

   


(Hình ảnh trong phim “Con  nhà nghèo”)

 

Và cũng nhờ những “ưu điểm từ căn bản”, mà khi được chuyển thể thành những truyện phim, đã là những phim vô cùng hấp dẫn người xem. Hầu hết những phim ấy đều mang dấu ấn riêng, dù là cốt truyện do chính ông sáng tác, hay những truyện phóng tác.

Nhân đề cập về các phim phóng tác theo truyện của tác giả H.B.C, xin ghi lại đôi điều liên quan:

-Theo ý kiến của các chuyên viên điện ảnh, trong số trên 60 tiểu thuyết của ông, có thể khoản 50 truyện rất ăn khách nếu làm phim (vì cốt truyện khá hấp dẩn).

-Nói chung, phim phóng tác theo tuyện HBC thuộc loại “cổ trang”( trang phục xưa), mà cốt truyện theo bối cảnh cách đây hàng thế kỷ, nên rất khó cho các nhà làm phim, từ ngoại cảnh, nhà cửa, y phục v. v ..Về ngoại cảnh thì ngày nay, nơi nào cũng có dây điện và bảng quảng cáo, nhà cổ rất khó tìm ,nhứt là những bàn ghế . . Đặc biệt nữa là các y phục phải cổ xưa, nhưng phải may mới nên trong phim các diễn viên xuất hiện với trang phục mới (không giống thực tế lúc xảy ra câu chuyên, không như các hảng phim nước ngoài,họ có cả kho dụng cụ, đạo cu, y phục. . ). Khán giả thích phim “HBC” đa số thuộc thành phần lớn tuổi, không ít thì nhiều cũng còn nhớ những từ ngữ đặc thù của họ Hồ.Nhìn chung, các nhà làm phim thuộc lọai nầy đã có nhiều cố gắng, đa phần thể hiện khá tốt. Điểm đáng khen khác,là đa số các diễn viên khi nhập vai trong loạt phim HBC đã diễn xuất khá nghiêm túc, chừng mực. Vì không đặt trọng tâm vào việc “điểm phim”, xin không vào chi tiết, chỉ có điều đáng tiếc là chẳng hiểu vì nguyên  hnân nào, cái sơ sót đáng lẽ rất dễ tránh khỏi là một số từ ngữ, tuy rất ít nhưng đã là những hạt sạn quá to, khiến như ngưòi ăn cơm nhai phải bị ê cả rang. Một số từ hoàn toàn không có thời xưa ấy,nhứt là tác giả HBC chắc không bao giờ biết đến. Cá nhân chúng tôi xem hầu như không sót phim nào, đã quá “bực bội’ khi những chữ như”sót”(thay vì xót xa), “quyêt”(thay vì quyết định),”kê biên”( thay vì kiểm kê).Thật vô cùng đáng tiếc.

 

III/-- NGÔN NGỮ,VĂN PHONG CỦA HỒ BIỂU CHÁNH

1/--Ngôn ngữ

Ngôn ngữ là biểu tượng của xã hội, là phương tiện hữu hiệu nhứt trong việc giao tiếp với nhau.  Ông Hồ Biểu Chánh đã dùng một thứ ngôn ngữ thật bình dân, giản dị và độc đáo; và “rặt” miền Nam; chẳng những độc đáo (của miền Nam) so cùng các truyện khác của mìền ngoài, mà ngay cả trong phạm vi miền Nam. Có thể nói ông đã tự tạo cho mình một ngôn ngữ và văn phong Hồ Biểu Chánh. Về ngôn ngữ, nơi nào nước nào cũng vậy, cũng có những ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng của một sắc tộc thiểu số. Thí dụ: Miền Nam Kỳ lục tỉnh có những tiếng gốc từ tiếng Miên như: “mình ên” (một mình), hay như từ tiếng Tiều như: tiá(ba), bánh piá (bánh lột da nhưn đậu hay khoai môn), thịt xá xíu, chè ỉ (viên tròn bằng bột nếp) do tiếng Tiều, ỉ là tròn, ý muốn được viên mãn . . Trở lại về ngôn ngữ của ông Hồ Biểu Chánh, chúng ta có thể ghi nhận khá nhiều nét độc đáo:

            -Những chữ không biết do là đặc ngữ điạ phương hay do cá nhân ông tự tạo như: buồn nghiến, lóng nầy, lẹo chẹo, nằm dàu dàu, nằm không cục cựa, ngồi chồm hổm, bươn bả đi, đi lầm lũi, đứng xớ rớ, nói mờ ớ, ngó chằng chằng. . .

            -Tiếp theo là những tiếng âm đơn, ghép gợi hình qua âm thanh, hình ảnh như: mày mạy, sơ siạ, sâu sia, quanh quít, nhụt nhụt, nhảy soi sói. . .

            - Ông cũng có dùng những chữ Hán được Việt hoá theo cách của ông hoặc những tiếng phiên âm theo tiếng Việt từ tiếng Pháp như: bu rô (văn phòng), áo bành tô (áo kín đáo và dày), ba ton (cây gậy), síp lê (hú còi). . .

            -Ông cũng dùng những hình dung từ kết hợp với trạng tư như: sáng hoắc, bầu trời xanh lét, đen thui, đen nhùn nhụt. . . hoặc danh từ với hình dung từ như: mặt chừ bự, đâu chơm bơm. gò má tròn vịn, tánh bồng chành, bốc chách, rấm ra rấm rít.

            - Cũng có những tiếng biến thể trong cách xưng hô, như: thẩy(thầy), cổ(cô), cỏn (con ấy), thẳng (thằng ấy) hoặc như những tiếng thường dùng tại Nam Kỳ như: má nó ( má xấp nhỏ -chồng gọi vợ).

            -Cũng có những ngôn ngữ của một thời kỳ, mà ngày nay hầu như ít hay không còn xử dụng, như: òn ỷ (năn nỉ ), từ mớ (khúm nhỏ), áo củn (áo ngắn), chạy tờ (báo lên cấp trên).

            -Và đặc biệt những khẩu ngữ, dùng cuối câu hay để nhấn mạnh, như: nà, giống hơn, mắc giống gì, sướng giống gì, bất nhơn hôn, dữ hôn, đa đa, lắm đa, lung lắm, và nhứt là “đó đa’.

            Điều cần nhấn mạnh là ngôn ngữ “hồ biểu chánh” (không viết hoa) đã đi vào lòng người, trong cách nói chuyện của người dân quê miền Nam. Không một thống kê chánh thức, nhưng có thể nói, trong những từ nêu trên, ít nhứt 99%, chỉ một vài chữ ít được dùng như: chạy tờ, tròn vịn, đa đa.

            2/- Văn phong

Ông Hồ Biểu Chánh là một tác giả viết văn xuôi tự sự, là một trong những người đầu tiên bước vào văn đàn, đầu thế kỳ 20, lúc mà truyện dài còn rất hiếm. Tác giả họ Hồ (Biểu Chánh) đã tạo nên một phong cách riêng, đó là lối hành văn thật giản dị, mộc mạc, gần như “có sao nói vậy”. Ông không cầu kỳ, áp dụng những kỷ thuật sâu sắc như những tiểu thuyết gia thời mới, nhứt là các tác giả miền ngoài. Xin đừng hiểu lầm là ông không biết theo cú pháp văn phạm, mà vì ông có lối viết rất bình dị, cộng thêm những ngôn ngữ thật hiện thực, gần gủi với ngưòi dân xã hội miền Nam thời đó. Ông cũng thường dùng những phương ngữ, đã giúp ông có lối “tả chân” rất tự nhiên. Chúng tôi xin mượn nguyên văn nhận xét của Giáo sư Thanh Lãng  (2), như sau:” Có lẽ ở đây Hồ Biểu Chánh mới hơn cả và đã gây dựng cho ông một lối đi riêng biệt.Không riêng gì văn học cổ điển mà ngày nay văn học đương thời văn cách hãy còn quan trọng lắm.Không những chữ dùng đã đài các mà văn thể cũng hãy còn đài các, văn thưòng dùng nhiều nho, thích lối biền ngẫu. . .Hồ Biểu Chánh là ngưòi đầu tiên làm cách mạng: đập vở cái khuôn khổ văn chương đài các giả tạo ấy. . “( trang 16 , tạp chí Văn số  80, phát hành ngày 15/4/1967  ). Cũng theo tác giả nầy, Hồ Biểu Chánh đã cùng chung con đường với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là nói và viết “tiếng An Nam ròng”, tức là thứ tiếng Việt “trơn tuột như lời nói.” Điều đáng nói là trong gần 50 năm hoạt động văn hoá, Ông H.B.C đã giữ cho riêng mình cái bản lảnh sống riêng và thích ứng có mức độ, ít khi nhảy vào con đường sẵn có của đám đông. Cũng cần ghi ra đây, ngoài giọng văn “trơn tuột” bình dị, ông cũng đặt tên những nhân vật hầu hết trong truyện của ông đều mang những tên như Lê văn Đó trong Ngọn Cỏ Gió Đùa), Thằng Được (trong Cay Đắng Mùi Đời), Thằng Cu, con Lựu (trong Con Nhà Nghèo). Cách đặt tên nầy rất phổ biến trong Nam Kỳ lục tỉnh, nhứt là nơi vùng quê, mà ngày nay cũng còn khá phổ biến. Cũng có cách đặt tên đặc thù khác nữa là tên đi kèm theo thứ tự trong đàn con, thí dụ như: con Hai Liễu, cô Sáu Lý. Ngoài cách đặt tên các nhân vật, ngay cả gần hết trong  64 tựa các quyển  tiểu thuyết , tác giả cũng “trơn tuột”, chẳng cần “văn vẻ” chi, mà rõ ràng “có sao nói vậy người ơi”, được ghi ra một số như sau:

            -Bỏ Chồng                  (Vĩnh Hội ,1938)

            -Bỏ Vợ                        (Vĩnh Hội ,1938)

            -Cha Con Nghiã Nặng (Càn Long,1929)

            -Chị Hai Tôi               (!944)

            -Con Nhà Giàu           (Càn Long, 1931)

            -Con Nhà Nghèo        (Càn Long,1930)

            -Hai Chồng                 (Sài gòn,1955)

            -Hai Thà Cưới Vợ      (1944)

            -Lòng Dạ Đàn Bà       (1935)

            -Tại Tôi                       (Vĩnh Hội,1938)

                        -Ngọn Cỏ Gió Đùa     (Saì gòn,1926)

                        -Thầy Chung Trúng Số (1944)

                        -Thiệt Giả, Giả Thiệt  (Sài gòn, 1935)

                        -Vợ Già Chồng Trẻ    (1957) 

                        (có ghi kèm theo điạ danh nơi ông làm việc, năm ông sáng tác).

 

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual