Dưa hấu có khắc hình 3 Ông Phước Lộc Thọ,2 câu chúc « Vạn sự như ý » và «Tấn tài tấn lộc »
Hằng năm, cứ mỗi lần nhìn thấy các sạp quanh chợ được
dựng lên từ đầu tháng chạp, cha mẹ chuẩn bị quần áo mới cho con cái, dân ta ai
cũng biết là Tết sắp đến. Ở đồng quê, mùa gặt đã xong, nhà nhà như có vẻ chạy
đua với thời gian tiển đưa năm cũ. Các trường cũng thế, Trung học Gò công lúc bấy
giờ chỉ là trường Trung học Đệ nhất cấp công lập đầu tiên ở tỉnh nhà, đến niên
khóa 1958-1959 mới có bốn khóa, mỗi khóa chỉ có ba lớp, tỗng cộng 12 lớp. Niên
học nầy đánh dấu vị trí mới độc lập của trường hình chữ U, ngang 4 lớp và hai dọc
mỗi bên 3 lớp vừa làm lớp học vừa làm văn phòng. Đặc biệt niên học nầy còn là
niềm hãnh diện của trường trình diện khóa I niên trưởng lên lớp Đệ Tứ và sẽ là
khóa đàn anh đầu đàn chính thức mang tên Trung học Gòcông dự thi Trung học đệ
nhất cấp 1959, kỳ thi cuối cùng còn bắt buộc thi vấn đáp về Sinh ngữ Pháp Anh.
Trung học Gò công sau 75
Trung học Gò
công từ 1958
Gò công chỉ là một tỉnh nhỏ cách Saigon chỉ 58km, và Mỹ
tho 30km. Vì bao quanh bằng biển sông, như một hòn đảo nhỏ, đi bằng đường bộ
lên Saigon cũng phải qua phà bắc Mỹ lợi, qua Mỹ tho phà Chợ gạo ngày xưa độc
đáo kéo bằng tay. Vào khoảng đầu thế kỷ 20 còn có bến tàu bên chợ cá Gòcông mỗi
ngày một chuyến tàu súp lê ba hồi báo nhổ neo tách bến lên Saigon :
« Tàu
súp lê một còn thương còn nhớ,
Tàu súp lê hai còn đợi còn chờ.
Tàu súp lê ba tàu ra biển Bắc,
Anh đi rồi nước mắt em rơi. »
Vị trí đặc biệt
về địa lý và lịch sử của Gò công với nước mẵn sáu tháng trong năm cũng là động
lực hun đúc lòng hiếu học, tính chịu khó và niềm tự hào của người dân của một
vùng địa linh nhân kiệt.
Có dịp sống một thời gian ở đây, bạn sẽ khám phá ngoài
thổ nhưỡng ảnh hưởng sâu rộng vùng đất nầy, người dân Gò vừa giữ truyền thống vừa
cầu tiến. Điển hình là trường Trung học Gòcông, phần đông các giáo sư đều từ
nơi khác đến nhất là Saigon. Ngọn gió mới văn minh với thành phần trí thức trẻ
nồng nhiệt của nhiều miền đất nước, Bắc Trung Nam tỉnh khác, cách ăn nói, phong
cách cư xử phóng khoáng của miền đô thị, cách phục sức theo thời trang, cách
suy nghĩ quan niệm khác quả là gây một chuyển biến mạnh cho người dân, nhất là
thế hệ trẻ trí thức phải qua cuộc thi tuyển vào Trung học công lập thành lập từ
năm 1955.
Không khác bao tỉnh khác, dân ta ở đâu cũng cố giữ nề
nếp phong tục quê mình nhưng có khuynh hướng tiếp nhận cái mới, bỏ bớt dần cái
quá lạc hậu khắt khe. Sống trong một tỉnh nhỏ làm gì cũng khó qua mắt bà con
hàng xóm, búa rìu dư luận dễ bị phê bình khen chê. Người ta biết nhau từ bao
nhiêu thế hệ, hồi thời còn để chỏm khác hẵn với ở tỉnh lớn và đô thị ít ai biết
rõ ai.
Tuy nhiên dù là một tỉnh nhỏ Gò công lại có địa điểm
tham quan du lịch và nhất là có nhiều loại thực phẩm ngon đặc thù từ món ăn
cung đình Tam bảo vị ( do vua Tự Đức đặt tên cho ba món, một là mắm tôm chà, tôm
chua, hai là mắm còng lột, ba là nham cua ) đặc sản địa phuơng đến dân giả cây
nhà lá vườn. Nơi đây không có những cánh đồng mênh mông bát ngát, những cảnh chợ
nổi náo nhiệt sầm uất nên thơ trên sông nước ngọt như ở Ngả Bảy Hậu giang, lại
không có được những vườn cây trái bạt ngàn của Bến Tre, Mỹ tho, Biên hòa, Lái
thiêu, Bình dương, Hậu giang, bải biển cát trắng phau của Nha trang, Bà rịa
Vũng tàu, hải cảng lớn thông ra đại dương. Thế mà cái vòng quạt cảnh quan kỳ
thú đó dường như được thu hình nhỏ lại rải rác trong bản đồ gói gọn Gò công.
Biển Tân thành Gò công
Chợ nổi
Mời đến đây một
lần đi các bạn, bạn có thể viếng các di tích lịch sử, đình chùa lăng miếu xưa cả
mộ cổ, nhà cổ, những cơ sở xây cất của thời Pháp thuộc, bằng
cớ là dinh Tỉnh trưởng và Sân vận động lớn nhất trong
21 tỉnh miền Nam một thời. Đặc biệt là vườn sơ ri chỉ hợp với đất nầy, ngoài ra
bạn có thể tìm thấy hầu như tất cả các loại trái cây ngon khác dù không nhiều
thường vào mùa mưa có cả thanh long, ô môi (ô môi phiên đọc tiếng Hòa lan
« o mooi » có nghĩa là ôi đẹp biết bao ), sầu riêng, mít, trái xay ….
Hoa
trái Ô môi
Hoa sầu riêng
Trái
xay
Chắc bạn cũng còn thấy hơi lạ khi vùng đồng chua nước phèn nầy lại có bao vườn trầu vàng thẳng tấp nổi tiếng nhất ở Hòa nghị và những vườn cau lâu đời ở Vĩnh hựu Hòa đồng.
Vườn trầu
Cảnh trí ở đây thay đổi không làm cho bạn buồn chán
đâu. Lại là vùng duyên hải, ngoài việc bạn viếng thăm những cánh đồng bắt dế, bắt
rạm cà cuống, thửa vườn trái cây, vườn rau chuyên canh đến những ao làng nước
ngọt, ao nuôi cá đồng cua tôm, bạn có thể nghỉ dạo ở bải biển lài Tân thành xưa
được gọi bải bùn, bùn đen tắm được chứ không phải bùn đỏ bauxite ở Tây nguyên
đâu, với tấm thảm cát nâu đen đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu long nhìn ra biển
Đông, vừa nhấm nháp nghêu sò ốc sam con móng tay vừa còn có thể phóng tầm mắt
ra xa xa ngắm dáng xanh xanh thơ mộng ngọn núi bên bờ biển đối diện Vũng tàu Ô
Cấp.
Về đây các bạn còn nhìn tận mắt đập đê ngăn chặn nước
mặn và nhất là công sức của người dân và học sinh trồng rừng đước chẳng hạn để
ngăn sói mòn xâm nhập bảo vệ bờ biển môi sinh.
Ra cảng Vàm láng, ngôi chợ đầu mối, du khách có dịp ngửi
mùi gió đặc sệt biển nếu là lần đầu tiên có thể nghẹt mũi qua mùi hải sản tươi
do các ghe thuyền đánh cá rộn rịp mang về trộn với các món phơi khô treo la liệt
bắt mắt phát thèm. Dù sao hy vọng bạn sẽ quên nhanh cái phút khó tả ấy vừa lạ vừa
quen vừa thơm ngon vừa thum thủm trên khi phát hiện tại chỗ sự trù phú tài
nguyên đất nước và sức cần cù lam lũ dân mình.
Gòcông không những chỉ có gò giồng đông cư dân đông
đúc, sinh hoạt nhộn nhịp nhất là mùa mưa, trước kia việc cấy cày trồng trọt chỉ
có một mùa. Gò công còn có ruộng rẫy, đầm lầy, ruộng muối trắng phau, nếu có dịp
bạn sẽ tham dự cảnh tát đìa tát ao, sau đó cuộc bắt hôi cá rất nhộn nhịp, gạn
mương lúc nhúc cá kèo nhớt nhợt đầu trồi trên mặt nước.
Xin đừng quên khu rừng cây dừa nước rậm rạp chằng chịt
nổi danh trong lịch sử chống Pháp của Bình Tây Đại Tướng quân Trương Định,
« Đám lá tối trời »,
Trái dừa nước
hay vùng bưng
biền khô cằn nhất tỉnh :
« Ở thành có sữa có bơ,
Ở bưng có súng có cờ anh
đeo. »
« Gió bưng thổi lạnh lòng theo
bóng cờ. » ( Ca dao )
Gò công còn làm cho bao du khách nhớ đến câu :
« Đèn nào cao bằng đèn Châu đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò công. »
Thương dân Gò luôn phải tỉnh thức lúc nào cần gồng lúc
khác cần co.
Vả lại thông thường chúng ta ai cũng nhận thấy rằng
mình càng chịu khổ cực nhiều với ai tất rất gắn bó thương yêu hơn. Vì thế người
dân vùng khô cằn đồng chua nước lợ vẫn bám đất bám quê, có đi xa chỉ cần nghe
âm thanh tên thôi là choàng cơn thức tỉnh một thoáng ký ức quay về. Người dân
Gò không khác, rõ nhất là trong những ngày kết thúc năm cũ, đều hướng về lại cội
nguồn tạ ân trời đất tổ tiên đã dày công lập thôn mở ấp.
Trường học cũng thế, Trung học tiêu biểu thành phần thế
hệ trí thức trẻ, nơi tập trung học sinh thuộc mọi tầng xã hội, từ trung tâm
thành phố đến hầu hết quận làng xã xa xôi. Bất luận gia cảnh giàu nghèo, quê tỉnh,
cha mẹ ở đây đều khuyến khích con càng đi học lên cao càng tốt. Lòng hiếu học
và óc cầu tiến được xem như là tính căn bản đã được trui luyện thừa hưởng của
thế hệ cha ông để tiếp nối truyền thống bảo vệ phát triển đất tổ, rèn luyện
nhân cách xứng đáng với tiền nhân. Thường sau kỳ thi lục cá nguyệt lần thứ nhất
được nghỉ Tết. Đây là cơ hội tổ chức liên hoan mừng năm mới và nhất là trực tiếp
tỏ bày lòng tri ân truyền thống dân tộc đối với thầy cô, « nhất tự vi sư,
bán tự vi sư ».
Thật ra, Trung học Gòcông dù sinh sau đẻ muộn nhưng có
được đoàn ngũ thầy cô nhiệt thành, tận tâm, từ nhiều địa phương khác nhau đến
nên sinh hoạt của trường được tổ chức có qui củ, phong phú, đầy sáng tạo, độc
đáo, rút kinh nghiệm theo các trường có tiếng. Thêm vào đấy sự đa dạng đa năng
các vùng khác biệt tập trung tạo ra một thế liên hoàn bổ sung và được hướng dẫn
đúng cách tất kết quả rất khả quan, tốt đẹp.
Trong bối cảnh sang Xuân, trường cũng muốn tiễn đưa
năm cũ một cách trang trọng để đón năm mới đầy hy vọng, vì tổ chức liên hoan
lúc nầy là một tập tục đẹp theo truyền thống nước nhà. Đây cũng là phương cách
tập học sinh quen với cơ cấu nếp sống xã hội, cơ hội phát hiện thế mạnh của cá
nhân, tập thể, lượng giá tình hình trình độ học tập.
Từ những năm đầu trường mới dù cơ sở còn thô sơ không
nhiều tiện nghi, nhưng luôn cố gắng bằng phương tiện cây nhà lá vườn, sinh hoạt
theo gương các trường lớn đã vào nề nếp tốt. Về văn hóa, tổ chức báo Xuân, bích
báo chẳng hạn.Nhờ đấy bao năng khiếu tài khéo được phát hiện như viết văn,
phóng sự, sưu tầm, sớ Táo quân tổng kết tình hình trường lớp, làm thơ, hội họa,
hí họa, trình bày trang trí cột báo Xuân nhà trường.
Để thêm màu sắc Tết, các lớp được trang hoàng để đón mời
các thầy cô đến dự chung vui. Tùy theo khả năng và sáng kiến, Cây Mùa Xuân được
dựng lên treo đầy quà tặng cho bạn bè cùng lớp. Phần Văn nghệ cũng có mục đơn
ca, song ca, ngâm thơ, có cả vũ, hài kịch mà kịch Sớ Táo quân là được tán thưởng
nhiệt liệt với Ông Táo tân thời đầu đội nón cánh chuồn, mang hia, mặc áo thụng
nhưng chỉ với quần lót thật buồn cười đọc sớ theo nhịp trống. Nhớ năm 1959, kịch
Sớ táo quân có tiếng vang đến nỗi mà được yêu cầu trình diễn chung với các Ban
Văn nghệ tỉnh tại bến xe đò Gò công lúc bây giờ ở gần nhà bảo sanh Trương văn
Huân.
Nhân dịp nầy, phải công nhận thầy trò tỉnh nhỏ mà có
thể làm việc lớn hết mình tiếp tay cho sự nghiệp giáo dục tiến triển. Hơn thế nữa
phải thành thật khen khả năng bén nhậy đa diện hữu hiệu tiềm tàng của học sinh
trai gái Gò công qua các dụng cụ hàng mã tự làm như chiếc nón cánh chuồn, đôi
hia, cá chép của Ông Táo hay những thiết bị như đuốc gậy trong vũ khúc Mê linh hay
hình vẽ, giấy kim tuyến trang hoàng áo dài tay rộng trong vũ khúc Giòng sông
xanh chẳng hạn.
Chưa hết đâu, mục ẩm thực cũng đáng nêu lên lắm. Bao
thứ bánh mặn ngọt, mứt kẹo, hạt dưa, thèo lèo, đậu phộng da cá,… có món ở nhà
làm, món khác đi mua để liên hoan.Có dịp dự hoặc thấy tận mắt công sức thiện
chí của các học sinh trong niềm vui Xuân và lòng tự hào e ấp là thuộc thành phần
có học sắp thêm tuổi mới muốn thể hiện lòng kính mến và tri ân sâu xa thầy cô,
chúng ta nhận thấy được ngay ra tính chất phác, thẳng ngay, trung hậu, cần cù
chịu khó của những người học sinh trường nhỏ luôn cầu tiến, luôn cố gồng co vượt
qua hoàn cảnh nối tiếp truyền thống tốt đẹp của lớp đàn anh đã danh thành công
toại của Trung học Gò công.
Tiệc tất niên trong từng lớp
Xuất thân từ một vùng khô cằn nước lợ sáu tháng, học
sinh ở đây hầu hết phải vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ trong canh tác trồng trọt
chăn nuôi thương mại, công việc nhà. Có thể nhờ thế các em ít có thì giờ cũng
như không nhiều tiền để rong chơi tiêu pha phung phí. Bây giờ đúng là lúc có thể
đóng góp tích cực sáng tạo cái tính tự lập ham học hiếu làm trong gên của người
dân Gò, họ rất ít khoe khoang phô trương môi miếng nhưng cần được đánh giá đúng
nhân phẩm bản sắc giá trị của mình.
Người dân Gò còn thường nói nửa đùa nửa thật họ mới là
người yêu nước chính cống. Như các bạn đã biết, trong sáu tháng thiếu nước ngọt,
chẳng những thiếu nước uống mà thiếu cả nước thường dùng cho việc tưới tiêu
sinh hoạt hằng ngày. Lực lượng hùng hậu trẻ cho việc đi gánh nước ở các ao
làng, đổi nước ngọt qua các xe ghe mang nước từ Chợ gạo, Mỹ tho rất cần thiết.
Do đó học sinh ở đây cũng ý thức nước tối cần và phải có chí mới thành công,
không bao giờ ngồi đó để chờ trời mưa mà uống nước. Vì thế họ học cũng hết sức
mình mà khi chơi họ cũng không chịu thua ai khi có cơ hội tốt.
Ưu điểm nữa là « thua keo nầy bày keo khác », thường kiên trì vượt khó, học hỏi không ngừng để có cái nhìn mới rộng hơn. Ở đây phải làm việc cật lực mới sống được không phải chỉ vì nước phèn đất nẻ mà thôi mà còn vì tiếng tăm dòng họ. Do đó thế hệ trẻ sau khi ra trường thường đi làm xa và có người lập gia đình với người nơi khác, tuy nhiên họ không quên trở về nhà nguồn cội trong ngày giỗ, tảo mộ và nhất là Tết đến.
Ao Trường đua mới ngày nay
Rồi
thời gian trôi qua. Gò công cũng đã thay da đổi thịt nhờ nước ngọt dẫn về. Cuộc
sống ở đây trở nên trù phú phồn thịnh nhờ đường giao thông tiện lợi hơn không
còn phải qua phà sau khi hoàn thành hai chiếc cầu Chợ Gạo đến Mỹ tho và cầu Mỹ
Lợi lên Saigon,(khánh thành năm 2015)..
Trung
học Gò công ngày xưa nay đổi tên Trương Định đã kỷ niệm 55 năm thành lập trường,
năm 2010. Bao khóa học đã ra trường phục vụ gần xa hay tại quê nhà, phần đông đều
làm vinh dự Gò công. Cũng có thầy cô học sinh cũ vắng mặt trong những ngày lễ
truyền thống, người còn người mất, đi xa. Mừng cho Gò công cho tới ngày nay vẫn
có dâu hiền rể thảo, thầy cô và bạn bè từ nơi khác đến đã xem đất nầy là quê
hương thứ hai hoặc an cư luôn cống hiến tài sức phục vụ hết lòng như Thầy Phạm
duy Tư (Lý Hóa) và Cô Nguyễn thị Luân (Văn), Thầy Trần thế Phiêu (Văn) và Cô Yến
(Vạn vật), Thầy Hoành (Lý Hóa) và Cô Hồng (Lý Hóa),…
Hy
vọng truyền thống tốt đẹp của Gò công sẽ được duy trì mãi mãi để rồi hằng năm,
nhân dịp Xuân về Tết đến, người dân Gò trong hay ngoài nước tự do vui vẻ hưởng
Xuân tâm niệm rằng mình còn có cội nguồn, những trang sử anh hùng, một đất nước
giàu đẹp để bảo tồn lưu lại cho thế hệ ngàn sau.
Cô Trần Thành Mỹ
Vùng biển Vàm Láng, Tân Thành (Gò Công
Đông, Tiền Giang) còn có một đặc sản khá hiếm: sam biển.Sam có vỏ cứng như mai
cua, mình tròn dẹt, độ gang tay, tám chân càng nhỏ dưới bụng, phần đầu là mũi
nhọn
Sam Biển
Ruộng muối Vàm Láng- Ảnh Võ
Nhơn Quới