CHUYỆN ĐÃ QUA

 

                                          



     - Linh ơi, có bận rộn gì không cho anh hỏi chuyện nầy một chút, Luân đang ngồi trong phòng học gọi em gái.

     - Lát nữa học cũng được, mai nầy nghỉ mà anh hai. Thả giàn xả hơi một bửa đâu có mất mát gì. Linh hơi ngạc nhiên quay lại trả lời và kéo ghế đến ngồi kế bên anh.

 

     Nhà chỉ có hai anh em, anh Luân lớn hơn Linh cả 7 tuổi đang là Sinh viên Y khoa, Linh lớp 12 Trung học. Đối với Linh Luân là tấm gương sáng, anh em sống rất hòa thuận quí mến nhau. Luân từ nhỏ đến nay không bao giờ cú đầu, nhéo tai, chê bai chọc phá em như bao anh trai nghịch ngợm khác, thế mà Linh sợ anh buồn nên không bao giờ dám làm gì trái ý anh. Luân cũng hay kể chuyện này chuyện nọ cho Linh nghe, như không để ý là tuổi em gái mình chênh lệch khá xa. Phần Linh thì thích thú và hảnh diện về ông anh học giỏi mà dễ thương nầy.

     - Linh biết không, mấy thằng bạn anh cứ khen các cô trường đầm em đó. Tụi nó bảo nhiều nữ sinh Marie Curie đẹp đáo để, vừa xinh vừa sang mà cũng có khi « kênh » ớn lạnh luôn. Nhiều cây si chịu khó xếp hàng dài dài ở cổng trước cổng sau để chiêm ngưỡng dung nhan kiều diễm ngây thơ của các cô chờ cơ hội thuận tiện tán tỉnh làm quen, đón đưa mời mọc. Cậu nào mà biết tên được cô nào là như tìm được mõ vàng rêu rao khoe khoang như sắp đoạt giải thưởng, huy chương vàng, cũng vui.

     - Trường nào mà chẳng có người đẹp, tùy sở thích và cái nhìn của mỗi người. Bọn con gái em cũng vậy thôi, đứa thích cậu có « típ » hóm hỉnh, cô khác tiếu lâm,…Nói chung ai chẳng thích người đẹp mà đẹp nết nữa thì tuyệt vời.

     - Có điều là tụi bạn anh bảo trường đầm nầy  tập trung nhiều mỹ nhân nhưng các cô thường làm cao lắm  mà cũng « ngầu » « hết xẩy » tự nhiên nhiên chẳng có vẻ ngán ai hết đâu.

     - Anh nghe làm chi những lời đồn đãi đó. Anh có thích không em sẽ giới thiệu cho.

     - Ờ há mà bạn em có đẹp như em không, nếu đúng vậy chắc mấy thằng bạn anh chột mắt hết.

     -  A cái anh hai nầy, em không nói chuyện với anh nữa đâu, Linh chu môi phụng phịu lắc lắc đầu. Anh chê em là Chung vô Diệm hả, Nhớ nha, em giận anh luôn. Sau nầy đừng bao giờ hó hé nhờ em đưa thư cho ai đó hết, để « ở giá » luôn cho biết.

     - Thôi mà, cho anh xin lỗi vuốt giận đi. Anh lỡ lời đùa chút thôi. Anh em nhau « không giống lông cũng giống cánh », em xấu gái thì anh làm sao đẹp trai đuợc. Đừng « bùng thụng bùng thịu » làm mất vẻ dễ thương hồn nhiên đi. Em không nghe ba hay bảo :

« Nghe như chọc ruột tai làm điếc,

Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười » sao ?

Thôi bỏ qua, xí xóa hết đi em.

     Thật ra câu chuyện giữa nam nữ, luận bàn về sắc nết, từ cổ chí kim chưa có nhà tâm lý triết gia bác học nào tìm ra được công thức áp dụng có hiệu quả 100%. Đề tài nầy như con bạch tuộc, cao su dai chằng chằng nhai đến trẹo quai hàm cũng không đứt nổi, bàn hoài không dứt, rốt cuộc không ai sai hoàn toàn mà cũng chẳng ai « trật đường rầy », đúng trong trường hợp nầy, « lọt sổ » trong hoàn cảnh khác.

     - Linh biết không, anh còn nghe tụi nó gân cổ cãi tùm lum với nhau là muốn vào trường đó thường phải là con nhà giàu nứt vách như con cháu chú Hỏa (Hui Bon Hoa), hay là phải học thật giỏi, chứ « bưa bưa » thì « xin đi chỗ khác chơi ». Do đó các cô thường vênh vênh kênh kiệu đanh đá chỉ để « kính như viễn chi » thôi.

     - Buồn cười thật, thế mà anh cũng nghe lọt lỗ tai. Vậy chứ anh em mình thì sao ? Em cũng học trường ấy, anh cũng Xách lu Lau bát, xin lỗi em quen miệng nói lộn, Chasseloup Laubat chớ bộ mà mình cũng không phải thuộc gia đình con ông bà lớn, đại điền chủ ruộng cò bay thẳng cánh đâu. Còn nói chuyện toàn là học trò xuất sắc không thì làm sao có đủ sĩ số để mở trường. Cho em xin đi, đừng « vơ đũa cả nắm » lên án bừa bãi chẳng ích lợi gì.

     - Còn khi làm quen được với các cô rồi thì gánh nặng không vơi đâu, có khi phiền toái bù đầu tóc rối hơn nữa. Các cuộc hẹn hò đưa đón lên xe xuống ngựa, tiệc sinh nhật, giải trí xem ciné, ăn kem,…tốn kém thấy mà sợ. Protocole nghi lễ của giới thượng lưu ăn trên ngồi trước phức tạp chẳng vừa.

     - Ai biểu « đèo bồng » mà làm chi, « đỉa mà muốn đeo chân hạc » thì phải cực thân, lòn cúi, đầy bản lĩnh… anh dư biết rồi. Mà sao hôm nay anh lại có hứng bàn ráo riết vấn đề nầy vậy ?

     - Tại em đó chứ ai, em hay kể về các cô bạn của em hiền hậu dễ thương, rồi nay nghe tụi nó bàn tán lâm ly chuyện bi đát, « bị đá », « cho leo cây », « bắt cá hai ba tay », hờn ghen, « ngây thơ cụ »,…bao chiêu của các cô cậu mà phát ngán, chưa nếm thử mùi mà đã muốn cao bay xa chạy rồi.

     - Các anh ấy muốn vừa hù cho ra vẻ « ta đây » vừa khoe thành tích đó, chứ thật ra có gì phải nhọc tâm để ý. Để chứng minh về bạn em, hôm nào rảnh rỗi anh đến trường rước em đi rồi cho ý kiến sau. Đề phòng kỹ lưỡng nha, đừng té ngửa đó, bị sét đánh thình lình, thất tình không kịp ngáp, chừng đó đừng cầu cứu đổ thừa em, mà em cũng để cho tiêu tùng luôn không thông cảm thương xót đâu.

     - Làm gì mà em hâm he anh dữ thế? Sao mà dễ nổi cơn “tam bành lục tặc” quá vậy, cắc cớ có cậu nào đến đây bây giờ chắc “quất ngựa truy phong” “chạy tét” “bá thở” không dám quay đầu trở lại đâu. Luân phát nhè nhẹ vào tay em, nheo nheo mắt tươi cười.

     - Nói thật với anh, em có con bạn thân em thích nó lắm, nó xinh xắn hiền lành, gia đình nề nếp gia giáo. Em cũng muốn giới thiệu với anh mà thấy anh “cà chớn” “cù lần lửa” “dỏm” quá nên tịt ngòi luôn. Anh biết má mà, má thấy nó còn khen:” Con nhỏ vừa đẹp người vừa đẹp nết nữa.”. Trong trường nó cũng thuộc hàng hoa khôi đó

     - Dám bảo anh tệ thế à, xạo quá ! Tại anh chưa gặp ai hợp “gu” thấy người hợp nhãn thôi. Vả lại bận học luôn lại còn lo giữ chằng chằng em gái nữa, còn thì giờ đâu mà nhớ đến chuyện nọ chuyện kia. Hơn nữa cũng phải đắn đo “Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi” như má thường nói đó.

     - Đừng giận em mà. Xin lỗi anh  nha. Anh biết rõ em quí mến anh như thế nào rồi cho đến nổi mấy đứa bạn quen có lần bảo:

     - Mầy nghe Linh, mầy khó có bồ lắm, mầy cứ tìm người nào giống như anh cả mầy mà mầy thường ca tụng vừa đẹp trai học giỏi vừa hào hoa phong nhả chưa có người trong mộng “nâng khăn sửa túi, còn “phòng không lạnh lẽo” thì như “mò kim đáy biển” đó, đừng hòng “dễ như trở bàn tay”, “tết” mới tìm ra.

Luân phì cười bắt tay em hỏi:

     - Rồi Linh trả lời thế nào ? Có giãy đong đỏng thối thác “một rằng không, hai rằng không” không? Coi chừng “vỡ mộng” đó em, biết đâu anh quả là số một nhưng là số một từ dưới đếm lên.

     - Ơ cái anh hai nầy. Ai mà “ngốc” thế, em đâu có dại gì mà “vạch lưng chỉ thẹo” cho người ngoài xem huống chi anh của em “ngon lành” thật sự. Mà theo em, duyên nợ là do số thôi, nhưng phải tìm mới có gặp. Còn tốt xấu là do phúc đức của ông bà cha mẹ và nhất là của chính mình.

     - Nghe cô gái trường đầm “chính hiệu con nai vàng” nói mà anh cứ tưởng như cô gái học chữ Nho,Tam tự kinh. Như vậy anh cũng mừng và hãnh diện là anh có cô em dù hưởng nền văn hóa ngoại, tiến bộ mà tâm hồn vẫn thuần túy Việt nam.

Sau một hồi trầm ngâm, Luân chấm dứt câu chuyện:

     - Có thể hôm nào đó anh sẽ nghe theo lời em đến trường em “xem mắt” các người đẹp diễn hành rồi chừng đó tính sau. Biết đâu, ai học được chữ ngờ !

 

     - Vào nhà chơi đi Hằng, cứ để xe đạp trong sân đi, không sao đâu. Thuần My cũng đến nữa. Hôm nay không có ai ở nhà hết, tự do thoái mái mà. Linh vui vẻ kéo tay Hằng vào nhà.

Họ là bốn cô gái cùng lớp từ năm thứ nhất đến lớp 12 Trung học không “sắc nước hương trời” nhưng đều có nét duyên dáng riêng, mỗi cô đều có nhân cách đặc biệt của mình.

     Hằng mở túi ra, mang hộp bánh đặt lên bàn cười vui vẻ:

     - Măn mình dạy làm bánh kẹp. Tưởng dễ mà “đổ mồ hôi hột” đó, nào là trở khuôn, cuộn bánh luôn tay, phải gọi mẹ “cứu bồ” mãi mới có bánh ngon dòn không bị khét như cột nhà cháy.

     Cửa bật mở toang là có tiếng hít hít mũi reo vang của My, Thuần:

     - Chà món gì mà thơm quá vậy ? Tụi nầy cũng vừa ghé Givral La Pagode mua pâté chaud sandwich croissant còn “nóng hổi vừa thổi vừa ăn” đây. Tiệm đông khách quá phải chờ lâu sốt ruột quá chừng.

     - Mình cũng nhờ mẹ chỉ làm xôi vò ăn với cơm rượu nữa. Rồi thêm nồi chè đậu trắng nước dừa béo ngọt, lại có đậu phộng da cá bà dì mới chỉ làm, ngon không thể tưởng.

     - Điệu nầy ăn đã thèm chắc cũng làm sao cho hết. Anh Luân cũng không có ở nhà nữa à? Chưa bao giờ tụi nầy thấy mặt ông anh của bà hết, My thắc mắc hỏi.

     Đối với họ, Luân thật xa cách vì lớn tuổi hơn nhiều nên chỉ hỏi thăm lấy lệ thôi chứ không có hậu ý nào khác.

     - À mà quên hỏi chừng nào anh Luân ra trường, anh có cô nào chưa vậy Linh? Thuần hỏi.

     - Chưa thấy ảnh tiến bộ chút nào trong vấn đề nầy. Anh em mình thân nhau lắm. Có lần mình đùa chê ảnh “nhát gái”, mấy bà biết ảnh phản pháo lại như thế nào không? Còn hơn là “dại gái”, em có thích anh em như thế không? Mấy ông anh mà, nhiều khi “ương ngạnh” “bướng” hết chỗ chê, cãi khó lại lắm. Anh có hứa với mình hôm nào sẽ ghé qua trường mình để diện kiến với các bồ đó, chịu không?

Hằng từ nảy giờ ngồi im bây giờ cũng góp ý:

     - Vậy là Linh có ông anh “ngon lành” đó, chìu em gái hết mình. Còn anh Phi mình thì luôn tỏ ra “quyền huynh thế phụ”, khuyên răn đe còn hơn ba má mình nữa như “ông cụ non”, mặt mày nghiêm trang như cụ đồ Nho lắm lúc cả nhà không ai nhịn được cười. Mình cũng thích nghe anh “giảng đạo” lắm vì anh hay lồng vào khi thì ca dao khi chuyện hay tích sử.

     - Tiếc là mình không có anh em trai, nhà chỉ toàn con gái “Ngũ Long công chúa” đấy. Tụi nầy cứ đùa với “ông già” là “số đào hoa” “nặng nợ má đào”, một gánh sáu cô.

      Sau buổi tiệc “ăn nhậu” nầy chắc tụi mình ít có dịp gặp nhau “tiệc tùng” nữa đâu, chuẩn bị thi cử chứ. My nói. Mình định bắt đầu tuần tới, lúc nào không dự giờ học ở trường, mình sẽ vào Thư viện quốc gia ở đường Gialong để ôn bài. Ở nhà lười quá, không có không khí học tập như ở đấy. Các bồ nghĩ sao?

     - Mà nghe nói ở Thư viện nào cũng thế, đông người lắm phải đi sớm mới có chỗ. Nhứt định tụi mình cùng nhau đi nha. Nếu đi chung thì chia phiên đứa nào đi trước thì dành chỗ dùm đứa khác. Đồng ý nha. Thuần góp ý.

 

 

     Thấm thoát thời gian qua Hôm nay là ngày niêm yết kết quả Tú tài toàn phần. Hồi hộp lo âu nên Linh nhờ anh đưa đi. Vừa đến trường thi, Linh vội đi tìm các bạn cùng lớp. Luân lẽo đẽo theo sau.Trước cổng đông ngẹt thí sinh đầy đủ các trường đang chờ đợi, người nào người nấy mặt mày nghiêm trang khác hẳn ngày thường.

     - Bạn em đứng đằng kia kìa anh hai? Mình lại gặp họ đi.

     Bất giác Luân đi chậm lại có thể vì lần đầu tiên đối diện với các bạn gái em mình. Luân đảo mắt nhìn quanh trước các cô gái gần gần đấy như thị sát quang cảnh làm nền, nếm chút rượu khai vị trước buổi khai mạc trình diễn. Hôm nay một phần nào bộ mặt thật con người mới lộ rõ ra vì chỉ có lúc lo lắng ưu tư người ta mới khó kềm chế lòng mình. “Giận cá chém thớt”, ganh tị, than thân trách trời…bao xấu tốt mới có dịp hiện nguyên hình, xì ra. Luân thung dung theo sát em gái mình không vội vã vì đối với Luân các cô nầy thật sự không phải là đối tượng Luân nhầm tới.

 

     - Đây là Hằng My Thuần, anh Luân mình đấy, Linh chỉ giới thiệu sơ thôi chứ trong lúc nầy đâu có lòng dạ nào mà nghĩ tới chuyện khác.

     - Chào anh. Nghe tiếng anh đã lâu rồi nay mới có dịp gặp. Lo quá anh Luân ơi !

     - Hồi trước anh học giỏi mà anh có hồi hộp không? Em thì làm bài không hoàn toàn nên ngán quá, e lần nầy “trợt vỏ chuối”.

     -Còn em thì đã đi xem kết quả mấy phen rồi mà lần nào cũng vậy, tim đập thình thịch liên hồi khi dò danh sách gần đến họ mình.

( Thi Tú tài Pháp, danh sách thường ghi theo họ thay vì tên )

     - Đó là tâm trạng chung của thí sinh không phân biệt giới nào. Anh cũng vậy thôi. Bề ngoài có khi thấy tỉnh bơ vậy chứ bên trong cũng lo ‘thúi ruột thúi gan”.

     - “ Học tài thi mạng” vì đâu có ai thuộc hết tất cả bài mình học nổi. Mình thì chỉ cần “trật tủ” là “quýnh quíu”, mất bình tĩnh, đầu óc rối ren, “loạn xạ ngầu” rồi. Tuy nhiên mình tin các bồ may mắn hơn nên hy vọng “dư sức qua cầu” mà, Linh tìm cách lên tinh thần các bạn.

     Kết quả cả bốn cô đều “qua truông” hạng Bình, Bình thứ. Ai cũng bảo là Luân mang may mắn cho họ làm Luân phì cười và còn nhất định “khao” Luân một chầu kem ngày nào đó do Luân chọn. Ngoài ra còn định giới thiệu Luân cho các chị bạn bè bà con nữa.

- Anh xin nhận hết không để các cô khen thêm đâu vì “Le refus des louanges est le désir d’être loué deux fois » ( Từ chối lời khen là muốn được khen hai lần ). Bây giờ thì các cô nên về nhà ngay để báo tin mừng cho gia đình, Luân vui vẻ trả lời rồi mọi người chia tay.

 

     Thấm thoát thời gian trôi qua bạn bè ít có dịp gặp nhau hơn. Luân cũng bận trình luận án ra trường và đang chuẩn bị nhận nhiệm sở. Dù bận rộn tất bật, thế mà không hiểu vì sao, Luân lại không quên ngày gặp gỡ “định mệnh” ấy.

     - Linh à, mấy bạn em bây giờ thế nào? Định học gì em biết không?

     - Thuần My nghe đâu vào Duợc Y, em chỉ còn thường xuyên liên lạc với Hằng thôi. Hằng vừa xin dạy giờ ở một Trung học công lập nào đó vừa tiếp tục học Đại học văn khoa. Hằng xinh đẹp hiền lành nên nhiều cậu theo đuổi, các bạn bè của mẹ Hằng cũng gấm ghé hỏi dò cho con trai.

     - Còn Hằng thì sao? Có ai lọt vào mắt xanh “mơ huyền” rồi chưa ? Hằng có tự đắc ngầm, tự cao tự đại, làm vẻ con gái nhà lành để nâng cao giá ngọc mình lên tới tận trời xanh không?

     - Ơ hay, sao hôm nay anh có vẻ điều tra về Hằng nhiều thế? Cô bé nầy, tụi em là bạn thân từ trước đến nay, em thích Hắng lắm, bình dị, trầm tĩnh, ít quạu quọ, biết điều, đâu đó phân minh, không “xìu xìu ểnh ểnh” “ba phải” ngang ngạnh, xu thời. Thấy hiền khô vậy mà không phải khờ khạo đâu, đừng “ nhìn mặt mà bắt hình dong”. Em không được như Hằng đâu.

     - Anh mới gặp Hằng có hai lần nhưng sau lần đi ăn kem ấy, anh cũng có nhận xét gần giống như em. Các bạn em đều thoải mái đàng hoàng thành thật dễ thương nhưng Hằng có vẻ hồn nhiên không gò bó, tự toát ra sức mạnh nội tâm đôn hậu kiên trì của những bà mẹ bao dung “vượng phu ích tử” ngày xưa.

     - Lần đầu tiên em mới thấy anh hai em sâu sắc như vậy? Em mừng là anh em mình cùng quan điểm như nhau về vấn đề nầy. Anh có muốn tìm hiểu Hằng thêm không? Danh sách “ứng cử viên” “cây si” cũng dài lắm, không biết anh có đủ thời gian, tình cảm để “thượng đài” không?

     - Có gì anh sẽ bàn với em. Chuyện tình cảm khó đoán trước lắm. Thật sự anh cũng thấy mình có cảm tình đặc biệt đối với Hằng từ lần đầu lận. Không hẳn là tiếng sét nhưng là một cảm giác mơn trớn, nhẹ nhàng, êm dịu làm mềm lòng mình thật lạ mà cũng thật gần làm sao.

Linh nhìn anh thật sâu cười cười thầm nghĩ: Đúng là con đường lần vào tình yêu rồi và vừa đi vừa hát nho nhỏ: “Ai có về bên bến sông Tương nhắn người duyên dáng tôi…” (Thông Đạt) tôi làm sao anh Luân? Anh tiếp lời đi.

     - Tôi si…í i, Em vừa bụng chưa ?

Thế là hai anh em cười xòa, thông cảm nhau hơn.

 

     Ba tháng sau, ai cũng bận rộn với cuộc sống nên câu chuyện tình cảm tưởng như đang bị xếp lại một bên. Một ngày chúa nhật đẹp trời, cả nhà Luân quây quần bên nhau còn chờ Linh về ăn chung.

     - Hôm nay con muốn thưa ba má một chuyện. Hôm nào ba má có rảnh, con xin đưa ba má đến nhà cô bạn gái con để hai gia đình quen nhau và nếu ba má chấp thuận thì xin lên tiếng hỏi cưới luôn.

     - Trời đất ! Thật vậy hả con, con có quen cô nào rồi à, lâu chưa mà không cho ba má biết. Con đã nghĩ chín chắn rồi chứ? Mà sao gấp gáp dữ vậy? Có chuyện gì xảy ra không? Bà Tùng mẹ Luân lo lắng hỏi.

     - Con nó lớn rồi để tự nó quyết định, bộ bà không thích có cháu để ẳm bồng nựng nịu sao? Nó đề nghị gì mình làm theo ý nó thôi. Mình tin nó biết lựa chọn người tâm đầu ý hợp với nó để tụi nó ăn đời ở kiếp nhau hòa thuận hạnh phúc. Nó chọn ai mình bằng lòng liền phải không bà? Ông Luân chậm rãi nói. Luân à chương trình của con là như thế nào, để cho ba má sắp xếp công ăn việc làm nghe con. Con phải báo cho bên đàng gái biết trước nữa chứ ?

     - Con đã xin phép rồi, chỉ còn chờ sự quyết định của ba mẹ định ngày nào sang cho biết thôi. Họ cũng không làm khó khăn gì cả, còn xin mời ba má đến chơi nữa.

     - Nảy giờ mà quên hỏi con, cô ấy tên gì ở đâu? Mẹ vẫn thắc mắc sao con đánh nhanh đánh mạnh thế ! Con có chắc ăn không ?

     - Mẹ lo xa quá, mẹ biết con mà. Con lớn đầu rồi vậy mà vẫn là thằng con nhỏ của ba mẹ, vẫn cần lời khuyên kinh nghiệm hoài hoài, con chưa dám qua mặt vù vù ba mẹ đâu. Thật ra con chỉ quen cô nầy gần đây thôi, gặp mấy lần. Nhưng vì muốn tìm hiểu rõ nhau hơn để đi đến việc lâu dài, con đã đến thẳng nhà cô ấy xin ra mắt làm quen và về trình lại gia đình.

Câu nói của Luân bị ngắt ngang bởi sự xuất hiện đột ngột của Linh.

     - Con bị kẹt xe nên về hơi trễ. Ủa, mà sao cả nhà chưa ăn cơm? Mẹ sao thế? Có chuyện gì vậy anh Luân? 

     - Vào bàn ăn luôn đi con, chẳng có chuyện gì đâu. Anh Luân con vừa định cưới vợ đó.

     - Thật hả anh, hoan nghinh thôi. Mà ai mới được chứ? Cô nào có phúc vậy?

     - Ba mẹ cũng đang hỏi đây, con cũng chưa được anh con thố lộ tâm sự à, sao mà giấu kỹ vậy Luân?

     - Đâu có mẹ. Như con đã thưa với ba mẹ rồi, con thấy có cảm tình với cô ấy nên trực tiếp đến xin cho hai họ làm quen với nhau danh chánh ngôn thuận thôi, chứ chưa có gì sâu đậm hết.

     - Anh thương ai là em ủng hộ cả hai tay lẫn hai chân liền, anh đừng sợ cảnh “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, còn ba má mình thì hiền lành thương con mong có cháu…Thôi anh bật mí đi đừng để cho ba má sốt ruột nữa. Mà sao hồi sáng nầy mí mắt mặt em giật giật quá, em nghi chắc có chuyện gì có liên quan đến mình, hy vọng điềm lành.

     - Lại cái trò tin dị đoan, để cho anh nói cái đã, con cứ tươm tướp nói huyên thiên luôn miệng làm anh con mắc cỡ đó.

     - Không sao đâu mẹ, Linh cũng có trực giác tốt lắm khi nghi gì có khi đúng đó mẹ.

     - A ha được khen lúc nầy là chắc đã vào vòng chung kết rồi. Cho em đoán nha, Hằng phải không?

     Luân bật cười thành tiếng làm Linh hơi “quê”  tròn mắt bí xị nói:

     - Ghét anh Luân quá đi thôi. Xin lỗi anh, thầy bói trật quẻ rồi, chán phèo.

     - Anh có nói em sai đâu, Luân vổ vổ vào vai em gái, phải nghĩ suy tự tin trước khi tuyên bố chứ. Cái lưỡi quan trọng lắm, lời nói phát ra rồi là không bao giờ lấy lại được và đặc biệt là ảnh hưởng của nó vượt cả thời gian lẫn không gian, không ai đoán được. “Ngôn dực trường phi” lời nói có cánh và bay xa mà.

     - Vậy là Hằng hả anh hai?

     - Hằng nào, Hằng bạn Linh đó à? Bà Tùng ngạc nhiên hỏi.

     - Dạ phải. Linh bảo với con là mẹ có lần cũng khen Hằng nữa phải vậy không mẹ? Mẹ bằng lòng chứ. Ba thì chắc chưa gặp Hằng, khi nào gặp ba sẽ cho ý kiến sau cũng không muộn đâu.

 

     Thế rồi mọi việc xảy ra trôi chảy, hai bên lại khám phá là bạn học cũ hồi thời Trung học nên mừng vui cảm động kết nghĩa suôi gia. Đám cưới được cử hành sau đó một năm. Luân Hằng sống thật hạnh phúc bên nhau. Hằng đi dạy được hai năm thì xin ngưng vì phải theo chồng đi từ đơn vị nầy đến đơn vị khác. Sau đó Luân lại được giải ngũ về Saigon mở phòng mạch, hai con lần lượt ra đời, gia đình mở to hơn, đầm ấm.

 

          Sau 30-04-75 gia đình Luân Hằng tìm cách vượt biên, Hằng và hai con thoát được sang Mỹ, Luân bị bắt giữ. Ông bà Tùng phải lo thăm nuôi cho đến ngày Luân được thả ra, nhà cửa Luân đã bị tịch thu trưng dụng. Cuối cùng sau vài lần vượt biên tiếp theo, Luân cũng được Nữ Thần Tự do chiếu cố vui mừng báo tin sốt dẻo cho vợ con.

     Thế là cả nhà đoàn tụ trên đất tạm dung. Sau một thời gian nghi ngơi làm thủ tục giấy tờ, Luân đề nghị với Hằng là anh xin tiếp tục học lại. Hằng chẳng những bằng lòng mà còn khuyến khích anh đừng bỏ cơ may vì Hằng còn đủ sức lo cho gia đình và phụ giúp chồng trong việc tạo dựng sự nghiệp tương lai. Hằng hoàn toàn tin tưởng ở chồng nên không ngần ngại gì khi Luân phải sang qua một tiểu bang khác để trọ học lâu lâu mới về nhà một lần. Ngả rẽ lứa đôi, khúc quanh tình cảm?

 

     Thòi gian qua nhanh thấm thoát mà Luân đã được hành nghề bác sĩ. Hằng và các con mong ngày đoàn tụ thương Luân phải khó nhọc để làm rạng rỡ giống dòng. Nhưng lần nầy về nhà, Luân lại tất bật ra đi ngay viện cớ là phải trình diện nhiệm sở mới và hẹn sẽ cố tìm việc thuận tiện khác gần nhà hơn. Lời hứa, lời hứa ! “Parole, parole,…” « lời nói không mất tiền mua » mà.

     Rồi nay lần mai lựa, Luân viện cớ nầy cớ nọ trì hoãn ngày về thăm gia đình. Địa chỉ cũng thay đổi luôn lý do chưa tìm được nơi cư ngụ thích hợp. Tuy nhiên để trấn an Hằng, Luân vẫn thường xuyên hằng tuần điện thoại tự động hỏi han. Hằng bận rộn với cuộc sống nuôi con nên cũng nguôi ngoai không nghĩ xa xôi gì nhiều.

 

     Có lần trong sở làm, các bà thường kể cho nhau việc gia đình mình trong những lúc giải lao, thình lình một bà bạn bật nói :   

     - Chị Hằng à, sao mà chị hiền quá, chị dám để ông xã đi biền biệt không biết ngày nào về. Đàn ông mà, không có vợ con ở một bên, dễ sa ngã lắm, chị không ngán sao ?

     - Có chứ nhưng trường hợp tôi đành vậy thôi. Vả lại theo tôi nếu họ hết thương mình  thì có cố níu kéo họ cách nào đi chăng nữa cũng hoài công. Hiện giờ các con đang lớn, mọi ưu tiên cần tập trung vào chúng nó, lo chuyện khác nữa chắc bạc đầu già háp đi thôi.

     - Chị cũng nên đề phòng một chút, chứ chừng họ « lậm » rồi thì khó kéo ra lắm. Chị có bạn bè gì ở chỗ ảnh ở không ? Tìm cách hỏi thăm họ cho biết. Tôi thì ghen ngầm như Hoạn Thư, nhà tôi cứ bảo tôi là « sư tử Hà Đông », ghen bóng ghen gió hổng ai bằng. Vậy mà có lúc ổng cũng « léng phéng » đi tìm của lạ đó làm tôi nổi « xung thiêng » chén đĩa bay luôn, mà còn sợ… nên chỉ la lối lúc ổng vắng nhà.

     - Rồi anh nhà có biết không ?

     - Tụi nhỏ mét hết với ba chúng còn thêm tình tiết éo le lâm ly bi đát nữa. Chúng nó còn ghẹo ba chúng là mẹ còn có nhiều chiêu hay lắm, học có bài bản đàng hoàng chưa muốn đem ra áp dụng thôi.

     - Chắc chị chỉ « làm hùm làm hổ » để ngăn ngừa ảnh đừng đi quá đà thôi phải không ? một chị bạn chêm vào, mình thấy bà « phổi bò » lắm « nói toạc móng heo », « oang oang » chứ không sâu hiểm chút nào hết.

     Hết lúc giải lao, câu hỏi của chị bạn chỉ làm cho Hằng suy nghĩ thoáng qua rồi quên dần theo công việc và nhịp sống. Hằng còn cảm thấy bây giờ gánh nặng như vơi đi, Luân đã thực hiện lại được ước mơ của mình và đối với con cái trách nhiệm từ nay đã có mẹ lẫn cha, hạnh phúc.

 

     Thế rồi, một hôm bất ngờ Hằng nhận được thư của Linh từ Việt nam gửi sang. Linh báo cho Hằng hay là vợ chồng Linh cũng sắp được sang Mỹ theo diện H.O và hai ba lần Linh lập đi lập lại là có người viết thư hỏi có phải anh chị đã ly thân ly dị.

      Hằng giật mình nhớ lại có lần Hằng cũng được điện thoại của một chị bạn ở tiểu bang khác gọi hỏi thăm vợ chồng Hằng có còn « cơm lành canh ngọt » không ? Chị nầy còn cho biết thêm là cô bạn y tá của chị sắp lập gia đình với một bác sĩ Việt bị vợ chê « cho ra rìa » cũng có họ tên như chồng Hằng. Hằng vẫn còn cho rằng tên trùng tên và hoàn cảnh Luân Hằng, xem ra cũng làm cho bạn bè thắc mắc là phải.

      Ngay cả ba má Hằng cũng đã nhiều lần khuyên Hằng nên dời nhà theo chồng nhưng chính Luân đã khuyên vợ đừng làm xáo trộn cuộc sống các con, anh sẽ cố thu xếp vì theo anh phải « an cư mới lập nghiệp » được. Hơn thế nữa làm sao Hằng nghi ngờ Luân được vì Luân vẫn đều đặn gọi về nhà, nếu có trễ thì có đủ lý do dễ thương chính đáng để tự bào chữa.

 

     Không biết trong thâm tâm Hằng buồn lo thế nào nhưng ngoài mặt, đối với các con, luôn luôn Hằng biện hộ cho Luân. Hằng vẫn vui mừng kể lại cho các con nghe lời cha dặn, khuyên, khen. Ngay cả ngày cưới hỏi của các con Luân cũng đứng ra làm suôi đàng hoàng. Cần gì Hằng có thể liên lạc ngay với Luân  qua điện thoại cá nhân. Về tiền bạc Hằng cũng không bao giờ thắc mắc gì cả, bây giờ Hằng khỏi phải phụ Luân nữa, Hằng sẽ dành dụm để mua nhà cho vợ chồng già sau nầy. Bao dự tính cho tương lai.

 

     Mấy năm sau. Tình trạng vẫn không thay đổi gì hơn, Hằng bận rộn với việc làm và cháu nội cháu ngoại nên không có thì giờ để phiền giận Luân. Năm khi mười họa Luân ghé thăm rồi lại đi ngay ít khi ở lại lâu dù trong mùa hè hay mùa Đông. Hằng vẫn vui vẻ âm thầm chịu đựng tiếp đón chồng không một lời ghen tuông trách móc.

 

     Nhớ có lần Linh gọi điện thoại sang hiến kế :

     - Chị không thể chần chừ được nữa, chị phải làm cách nào đó, « làm trận làm thượng », « làm mình làm mẩy », nổi trận lôi đình « tam bành lục tặc » lên đi để bắt ảnh về chứ, không ấy ảnh đi luôn thì hết cứu vãn được nữa. Mình cũng đã gọi ảnh « nhằn » ảnh quá xá rồi đó. Chị Hằng ơi, Linh lo lắm. Có người cho Linh hay dường như ảnh có « tằng tịu » gì với ai đó, cô này còn trẻ nữa thì phải. Linh cũng không tin nhưng đề phòng là hơn đi Hằng.

     - Linh biết tính anh Luân mà, anh quyết định gì rồi khó có ai lay chuyển được. Theo mình, nếu anh có gì thì anh cũng thẳng thắn nói ra chứ không dấu giếm đâu. Còn mình thì ảnh có thay lòng đổi dạ đi nữa, mình cũng không bao giờ « anh đi đường anh tôi đường tôi » hay « ông ăn chả bà ăn nem ». Tùy ảnh thôi, mình để anh tự do  thực hiện ý riêng.

     Linh nghĩ xem, mất mát nhiều rồi, tuổi đời còn lại bao nhiêu đâu nữa mà hờn giận ăn thua đủ nhau, phải cố giữ cái gì tốt đẹp của mình truyền lại cho con cháu sau nầy, đời đáng sống nhất là khi mình vượt qua thử thách buồn lo.

     - Lý do nào mà anh chưa chịu về làm việc bên chị ? Hằng ơi sao chị không nghĩ đến cảnh chị vò võ một mình, phòng không chiếc bóng trông ngóng anh sao ? Các cháu nữa, có bao giờ các cháu đặt dấu hỏi về ba chúng không ?

     - Sang bên đây, ai cũng hùng hục chạy bá thở theo nhịp sống thời đại, sinh viên học sinh cũng thế, người đi làm kiếm sống cũng phải nai lưng ra làm việc chứ tiền bạc đâu tự nhiên mà có như bao nhiêu người bên quê nhà cứ tưởng dân tị nạn in tiền ra được vậy. Với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngày nay, cuộc sống gay go hơn nhiều. Mình nghĩ để anh ấy tự do làm theo ý thích, ngăn làm sao được mà hòng. Mình tin anh Luân ý thức bổn phận trách nhệm của anh lắm. Đừng làm anh rối trí mất sáng suốt vô ích, hoài công.

     - Mình chịu thua Hằng thôi. Ba mẹ hồi còn sinh thời vẫn thường bảo thương chị còn hơn anh Luân nữa đó. Còn Linh thì chị đã biết rõ rồi.

 

     Thấm thoát đã 14 năm qua. Cả nhà đang quây quần mở quà mừng sinh nhật của Hằng. Chuông điện reo.

     - Ai thế mẹ ? Mẹ có khách à ? Đề cháu nó ra mở cửa cho.

     - Không, mẹ không có mời ai hết. Cháu ra xem thử đi.

     - Xin lỗi ông hỏi ai?

     - Bà Hằng. Cháu là gì của bà vậy ?

     - Ngoại ơi, có khách hỏi ngoại. Xin Ông chờ một chút ngoại cháu ra ngay.

     - Cám ơn, cháu ngoan quá.

     - Cả nhà đổ xô ra. Đến cửa Hằng khựng lại kêu lên trong tiếng nấc nghẹn ngào : Anh, ba con đó, ông đấy các cháu ơi.

     Các con sửng sốt, các cháu ngẩn ngơ. Trước mắt họ là một ông già tuy còn quắc thước nhưng gầy nhom tóc bạc trắng phau. Hình ảnh của người cha linh hoạt vui tươi cưng chiều con trẻ ngày xưa biến mất. Không gian như khó thở hơn, khoảnh khắc đối diện sao mà dài vô tận ?

      Hằng lấy làm lạ là sao các con không thốt một lời nào chào mừng bố ngay. Luân cảm thấy ngay cơn buồn đau đè nén lắng sâu của các con như sắp bộc phát, chỉ cần một cử chỉ, lời nói vô tình cũng có thể là ngọn lửa thiêu rụi dĩ vãng gia đình hạnh phúc. Nhìn thái độ úp úp mở mở hờn giận của đám trẻ, Luân đoán là các con đã nghi ngờ mọi chuyện mà có lẽ để tránh sự ngỡ ngàng đau buồn cho mẹ, không ai tiết lộ điều mình khám phá được.

      Rồi trước nổi vui mừng của mẹ, như tĩnh cơn mê, kẻ trước người sau gượng cười chào bố và để mẹ đừng ngượng ngập gọi rối rít các cháu nội ngoại đến ra mắt ông. Không khí dãn dần.

      Hằng như không có chuyện gì xảy ra, mời chồng rửa mặt để cùng nhau ăn cơm. Luân cũng không quên mở quà tặng của mình biếu vợ, một chiếc áo ngủ màu hồng có thêu hai mẫu tự HL quyện lấy nhau. Sau khi ăn, Luân còn gọi đích danh từng cháu một để tặng quà làm các con hết sức cảm động và ngạc nhiên thích thú. Các cháu nhỏ quấn quít ngay với ông hỏi chuyện huyên thiên.

     « Mặt nhìn mặt càng thêm tươi,

     Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên »(( Nguyễn Du). 

Tiệc tàn, khuya rồi mọi người ra về, Tâm đứa con gái lớn bồng đứa con nhỏ ngủ gà ngủ gật trên tay hỏi bố :

     - Chừng nào bố đi lại ?

     - Bố định về luôn đây sau khi hoàn tất giấy tờ. Cám ơn các con thật nhiều cho ngày hôm nay. Luân cảm động bắt tay hai con, dâu rể vừa nựng xoa đầu các cháu có đứa cũng đã khá lớn trộng rồi.

     - Mừng cho bố mẹ bao nhiêu năm mới đoàn tụ. Tụi con về đây bố mẹ nhé.

 

     Vào nhà, Hằng như thường lệ, vội dọn dẹp nhà cửa cho vén khéo rồi nghỉ ngơi để ngày mai còn đi làm. Luân cũng tiếp tay phụ Hằng nói như phân bua :

-       Đáng lý ra anh nên bàn trước với em quyết định của anh trở về đây luôn,

nhưng thình lình các con hỏi bắt bí quá nên anh trả lời dứt khoát cho các con yên tâm. Anh thật có lỗi với em nhiều quá, gương vỡ khó lành phải không Hằng ?

           Không bao giờ em trách móc càu nhàu nói xỏ xiên móc ngoéo anh gì cả, em cứ lo chu toàn bổn phận em đối với con cái, gia đình bên chồng bên em không chút than van. Vợ chồng Linh còn phiền giận anh, anh nghĩ em biết mọi chuyện nhưng em vẫn yêu tin anh.

           Em nhớ không có một lần em xin anh số phone nhà, anh hứa cho rồi lờ đi, từ đó em không bao giờ hỏi nữa. Em đã thực hiện đúng lời hứa của chúng ta từ khi biết nhau cho đến ngày nay. Em hiểu rằng anh, phải có một nguyên nhân gì sâu xa lắm, anh mới định thay lòng đổi dạ thôi. Cũng có thể vì vậy mà anh bị xâu xé đành bỏ trôi bao cám dỗ phản bội. Em đừng tưởng người đàn ông nào cũng biết hối lỗi của mình à ? Thường lỡ trớn quá đà là đi luôn mặc cho hậu quả, hưởng thụ cái đã rồi sau đó tính sau.

          - Chuyện qua rồi, bây giờ anh định thế nào ?

          - Anh đã xin nghỉ việc về đây rồi tính cũng không muộn. Em thấy có gì trở ngại không ?

          - Anh về nghỉ ngơi một thời gian đi. Sau đó chúng mình sẽ trả ngôi nhà nầy và mua ngôi nhà khác cho riêng chúng mình phải không anh ? Quan trọng nhất lúc này là sức khoẻ của anh, anh gầy nhom hà. Thôi bây giờ, cố dỗ giấc ngủ đi, còn thời gian mà.

          Một gánh nặng như vừa được cất đi khỏi lồng ngực Luân. Luân nhìn vợ bằng một cái nhìn khó tả làm Hằng lúng túng, cúi mặt dấu đi những giọt nước mắt thủy chung.

         

          Mấy tháng sau, một hôm Hằng nhận được thiệp đám cưới mà Hằng hoàn toàn không quen biết chú rể lẫn cô dâu, trong thư còn có kèm theo hàng chữ viết tay khẩn khoản đến dự. Hằng trao thư cho Luân xem và hỏi Luân có biết ai không. Luân nhìn sâu vào mắt Hằng thong thả hỏi :

          - Em không nghĩ ra là ai thật à ? Đố em đó.

          - Bạn anh em không biết hết, em chịu thôi. Nhưng chắc phải là trong những người bạn thân nhất của anh.

          - Em đúng là người bạn đời lý tưởng của anh. Tình yêu của em không ích kỷ, anh thật có phúc đã không mất em dù anh biết mình có lỗi khó thứ tha. Bao nhiêu năm sống xa nhau mà không bao giờ có lời trách móc nói nặng lời. Em luôn để anh tự do hành động giải quyết vấn đề tình cảm của mình. Chuyện đã qua rồi, nhưng anh cũng phải kể cho em biết vì sao anh không về. Anh dù được em tha thứ nhưng thiết tưởng anh cũng phải nói rõ lý do không phải để tự biện hộ mà để trút bầu tâm sự thôi.

          - Anh đã nói vậy em xin nghe.

 

           - Cô ấy là y tá ở nhà thương anh làm việc trước kia, cô cũng vượt biên hụt cùng chuyến với anh, mất hết suýt bị bắt. Anh trắng tay, cô ấy đề nghị cho anh mượn tiền cùng tìm chuyến khác đi, sau nầy qua bên đây trả lại.

      Khi sống ở trại tị nạn cô cùng gia đình rất tốt với anh lúc anh đau nặng, rồi còn nhờ gia đình bên Mỹ bảo lãnh nữa dù anh nói đã có em lo rồi. Sang bên đây biết anh chân ướt chân ráo chắc sẽ không tiếp tục học lại, cô khuyên anh nên sang bên ấy có Đại học nổi tiếng để tiện việc học hơn. Thật ra cô ấy còn trẻ hơn anh nhiều, anh chỉ xem như một người em gái tốt bụng. Nhưng em cũng biết « lửa gần rơm » mà.

        - Thương anh làm sao, thật khó xử quá phải không anh ?

       - Bạc đầu đó chứ em. Phải chi em ghen lồng lộng lên, đánh ghen, mét ba má,… chắc anh dễ xử sự hơn. Đằng nầy em cứ khuyến khích anh, tin anh, còn luôn luôn cám ơn gia đình đã giúp đở anh, nhắc anh phải biết ơn, quà biếu hằng năm, em chu đáo quá.

 

 Dần dà anh thì xa gia đình quá lâu, cô ấy cũng không lập gia đình, hoàn cảnh

  thuận tiện cho hai người gần nhau hơn. Cô nầy cũng khôn ngoan lắm, có lẽ để đầy đủ lý do thuyết phục anh, cô tìm mọi cách điều tra về em và các con. Có lần cô còn gửi cả thư về em Linh hỏi đã nghe phong phanh vợ chồng mình đang ly thân sắp ly dị, tin ấy có chính xác không ?

     - Nhưng sao cô ấy biết địa chỉ của Linh ?

     - Tình cờ thôi vì anh họ của cô và chồng Linh là bạn học vẫn còn liên lạc cho đến ngày nay. Cô ấy cũng nhờ bạn bè quen biết dọ hỏi luôn, em không hay đó thôi, anh cũng chẳng để ý, ngờ vực cô dám liều như thế. Có lần anh ngạc nhiên khi cô hỏi thẳng anh :

     - Trường hợp chị nhà muốn ly thân với anh thì liệu anh có cưới vợ khác không ?

     - Vô tình anh trả lời : Cũng tùy, nhưng anh không bao giờ nghĩ là bà xã anh bằng lòng đâu.

     - Nếu có bằng chứng là chị ấy đồng ý thì anh  vẫn ở vậy luôn à ?

     - Thôi bỏ qua chuyện nhức đầu đó đi. Tới đâu hay tới đó, anh cũng không khoẻ lắm để lo nghĩ những chuyện phức tạp éo le đâu em.

     Thật sự mà nói, anh cũng có cảm tình với Yến chứ không phải không đâu, nhưng tình em trong sáng quá làm anh lưỡng lự, tiến thối lưỡng nan bao nhiêu lần. May là Yến cũng là người tốt không dùng thủ đoạn để rứt anh ra khỏi vòng tay em, Yến có đủ điều kiện và dư sức làm điều đó. Cũng vì thế anh quí Yến hơn và lần lựa kéo dài thời gian chờ ngày Yến gặp người bạn đời.

 

           Rồi thình lình anh bị tai nạn xe, may là không nguy hiểm đến tính mạng. Bấy giờ anh mới nhận ra rằng bấy lâu nay mình đã vô tình làm khổ những người mình thương yêu nhất vì tính không dứt khoát, ích kỷ.

     - Hèn chi mà anh không bạc đầu sao được ?

     - Sao không bao giờ em nghĩ đến em hết vậy Hằng ? Em không lo sợ mất anh sao?

     - Phải có so sánh mới buồn vui, giận tức,…Nên tập thông cảm người khác nhất là người thân của mình, làm áp lực cũng vô ích thôi. Còn vợ chồng, càng già thì tình có bớt nhưng nghĩa dầy hơn. Đừng đứng núi nầy trông núi nọ, giận dỗi ghen hờn nhất thời mà không còn sáng suốt thực thi trọng tâm cốt lỏi cho cuộc sống.

      Con người mà anh, ai cũng có những khuyết điểm ưu tư hết, do đó thấy người khác đau gì mình cũng cảm thấy như bị khều khều móc móc rồi, đâm lo rồi quạu quọ thổi phồng tưởng tượng làm chuyện bé xé ra to.

     Theo em mất còn là có số như chúng mình đó chỉ cần một biến đổi là trắng tay. Bao nhiêu người còn kém may mắn hơn sao mình không để ý đến mà lại cứ so đo ganh tị tự làm khổ mình thêm. Anh đừng lo nghĩ đắn đo gì nhiều nữa cả, hạnh phúc ngày nào là cám ơn Ơn Trên ngày đó.

 

     Thế rồi Luân Hằng quyết định đi dự đám cưới của Yến Khoa. Điều mà làm Hằng cảm động bất ngờ là chính cả hai đều được mời làm người chứng trong nghi lễ hôn phối đạo và đời. Luân nhìn Hằng nghiêm trang bên bàn thờ ký tên vào sổ, bất giác Luân có cảm giác như sống lại đám cưới thật sự của chính mình. Và chuyện đã qua quả là bao thử thách, khối vốn sống, kinh nghiệm đời cho hạnh phúc lứa đôi. Trở về chỗ ngồi, tay nắm tay, mắt tìm mắt, họ thì thầm rúng động tự tâm can « Cám ơn ».

                                                     Trần Thành Mỹ

                                                                                                                

 

 

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual