LƯỢM LẶT VÀI MẪU CHUYỆN NGẮN VUI CƯỜI


   


Theo cố kịch sĩ lão thành Bảy Xê kể.

Màn mở. Kèn đàn chiên trống phèn la nổi lên lùng tùng xèn inh ỏi. Quân hầu mang gươm cầm cờ hộ giá quân vương ngự giá lâm triều. Hai bên bá quan văn võ dũng khí đằng đằng cúi đầu vòng tay hầu chào chúc tụng thi lễ « Hoàng thượng giá lâm », « Hoàng thượng vạn vạn tuế ». Ngồi giữa ngai vàng, xiêm y rực rỡ, cân đai áo mão lộng lẫy Tần Thỉ Hoàng do kịch sĩ Bảy Xê thủ diễn, bệ vệ rung rung bụng phệ phán : « Trẩm miễn lễ, các khanh hãy bình thân. ».
Hiên ngang, dũng sĩ « một ra đi là không trở về » tiến ra quỳ xuống tâu : « Thần là Kinh Kha… ».Chưa dứt câu, thình lình rút « ba nha » (poignard=dao ngắn, dao gâm) nhảy lên đâm loạn xạ xà ngầu vào bụng nhà vua Trung quốc. Hoảng hốt, bất kỳ xuất ý Tần Thỉ Hoàng cố loay hoay chống trả, tránh qua né lại đứng lên, thụt lùi toan chạy thì trong lúc thập tử nhất sinh nầy, một tiếng « bựt » vang lên, nhát dao gâm lạc hướng trong đường tơ kẽ tóc giựt tuột giây thắt lưng quần. May thay cùng lúc ấy, ngự lâm quân chế ngự được tên thích khách to gan cứu vãn Đại đế đang vừa ôm bụng vừa …ca to : » Hay cho Kinh Kha a…a, giỏi cho Kinh Kha a…a, dám chém đứt…lưng quần của ta ».
Màn hạ nhanh. Khán giả đang im lặng, nín thở hồi hộp theo dõi pha giật gân, chợt hiểu bừng tỉnh hiểu ra cười rần lên nhờ biệt tài ứng biến trào phúng bất ngờ của kịch sĩ lão thành đầy kinh nghiệm Bảy Xê.

Câu chuyện về Thủ tướng Winston Churchill.
Một hôm một ký giả phỏng vấn Winston Churchill lúc bấy giờ là đương kim Thủ tướng Anh quốc, về lời phê bình công khai ở Hyde Park có tính cách phỉ báng, xúc phạm tên cúa thủ tướng kiêm nhiệm: “Tên của thủ tướng của chúng ta, chà, viết tắt là W.C., quí vị có thấy không, nội cái tên không thôi cũng khó ngửi rồi, cũng đủ chứng minh đó chỉ là cái water closet thôi không hơn không kém, có gì hay đâu.”
Bình tỉnh, mỉm cười độ lượng, không chút đổi sắc, W. Churchill phản pháo: “Đúng thế. Điều nầy chứng tỏ rằng tôi biết lắng nghe, chia sẻ, bao dung. Ai cũng cần đến tôi, ai ai cũng cần gõ vào tấm lòng rộng mở của tôi, già trẻ gái trai không phân biệt giống màu.”
Cái lưỡi của con người lợi hại thật!

Chọn nghề
Trong lớp cô giáo hỏi học sinh: “Sau nầy, trong tương lai em định làm gì?”.
Có em trả lời là giáo viên, bác sĩ, em khác là kỹ sư, thương gia, cảnh sát,… Riêng một em đến phiên rồi mà vẫn im lặng. Cô giáo nhẹ nhàng gợi ý: “Sao em suy nghĩ lâu quá vậy? Chắc em định làm Tổng thống quá.”
_ Dạ em cũng muốn lắm nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy không ổn nên thôi vì …em chỉ có thể là tổng thống …mọi được thôi.
Thì ra cậu học sinh nầy đã đoán trước mộng của mình khó thành có tên cúng cơm là … Mọi.

Chuyện về con bò

Trẻ em thường hay kể lại cho nhau những chuyện thường nghe lóm được của người lớn.
_ Mầy biết không, chú tao vừa đọc sách nói về Phi châu kể là ở bên ấy có nhiều loại thú lạ lắm nước mình không có, có con thì có sừng ngay mũi, con có gù trên lưng, con khác cổ dài ơi là dài…
_ Tao biết rồi, con tê giác, con lạc đà, con hươu cao cổ.
_ Chú tao còn bảo bò bên ấy, ngoài bò trăng còn có bò đen, bò nâu nữa. Bây giờ tao mới nhớ, hèn chi mấy hộp cà phê thường có hình người Phi châu da đen. Đố mầy tại sao vậy?
_ Chịu thua.
_Theo tao nghĩ mầy xem có đúng không, bò trắng tất nhiên là cho sữa rồi. Bò đen thì cho cà phê đen, còn con bò nâu, trộn sữa với cà phê ra cà phê sữa vậy.
Hết ý!!!

                               

                                                     Con Hươu cao cỗ

                                          

                                                    Con Lạc đà (kiểng)
Buồn chưa?

Cô dâu miền Nam mới cưới ngồi khép nép ở trong góc phòng khách cùng gia đình chồng Bắc sau buổi cơm chiều xem truyền hình. Thình lình cô cảm thấy có ai thọc thọc nhè nhẹ hai bên hông cô. Lấy làm lạ, nhồn nhột, cô vội quay lại thì nghe hỏi nhỏ: “Mợ, mợ có buồn không mợ?”. Đó là đứa cháu gái độ chừng 7 tuổi đang ngoẹo đầu vui vẽ nói.
Bừng bực, gượng mĩm cười, lắc đầu nhè nhẹ suỵt bảo: “Không, không buồn đâu cháu” và quay lại tiếp tục xem ti vi.
Không lâu là một loạt tấn công , lúc đầu khe khẻ rồi ồ ạt mạnh dần. Lại nghe giọng thỏ thẻ:
__ Mợ ơi, mợ buồn chưa mợ? Buồn chưa?
_À à buồn rồi! Buồn rồi, buồn ơi là buồn ! Tha cho mợ đi, mợ chịu thua rồi.
Bà mợ vừa chợt nhớ ra buồn là nhột nên vội vàng mạnh dạn đưa thẳng hai tay cao lên, đầu hàng.
Con bé khoái chí cười ngặt nghẽo, chạy ra phía trước mặt mợ nó, đưa hai ngón tay trỏ ra xoay xoay định dọa tấn công tiếp. Bà mợ vội ôm cháu vào lòng, hai mợ cháu quần thảo nhau bằng thế « nhất dương chỉ » cười rúc rích.
_ Xem xem kìa, mợ cháu nó đang cù lét nhau đấy, mồm thì hỏi có buồn không mà cứ cười rũ ra thế kia !
Cả nhà cười theo, Nam Bắc một nhà !


Giật hồn

Một gia đình nọ vợ Nam chồng Bắc dẫn ba con về quê ngoại. Đến bến phà, xuống xe, người cha một tay dắt đứa con gái lớn và bảo đứa gái nhỏ :
_ Lại đây bố bế con sang phà, còn thằng cu phần mẹ.
_ Mẹ ẳm con qua bắc nha, thằng đực cưng của mẹ, bà mẹ vội nói.
 Về nhà, tối đến gia đình quây quần nhau , ông bà ngoại quấn quít bên các cháu hỏi han, các cháu líu lo kể chuyện :
_ Qua phà, cháu thấy có nhiều cụm cây xanh trôi trên nước, bố chỉ đó là « bèo bồng », mẹ thì bảo là « lục bình ».
_ Thấy con heo, mẹ gọi là con heo đang kêu ồn ột, ụt ịt, bố bảo con lợn ủn ỉn.
Còn tức cười hơn, thấy tụi cháu muốn ăn ổi, bố bảo : « Ồ, ổi ươn quá, ngon ghê. »
_ Ổi ươn hư thúi sao ngon, mẹ ngạc nhiên hỏi.
_  Không phải, ổi ươn đây là ổi cỏn xanh vừa bắt đầu chín tới, chín hườm hườm đấy.
Thằng bé con từ nảy giờ im lặng cũng vội góp ý :
« Xuống phà, chiếc bắc rồ máy to quá làm con giật hồn. »
Ngừng một giây cả nhà hiểu ra phá lên cười. Thì ra thằng bé đã phối hợp hai miền Nam Bắc các từ ghép « hết hồn » và « giật mình » thành « Giật hồn » vậy. !


Đàn ông khác con trai chỗ nào ?

Đàn ông đọc theo miền Nam là « đàn ong ». Mà ong thì bay trên trời.
Con trai thuộc loài sò, ốc, hến nên ở dưới nước.
Người ở trên trời, kẻ dưới nước , khác nhau là thế.

                                                           Cô Trần thành Mỹ










 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual