Tôi gắn
bó với miền Tây hơn 17 năm. Đối với nhiều người 17 năm đó như chỉ
thoáng qua, nhưng với tôi khoảng thời gian ấy đủ dài để tôi thấy yêu và nhớ quê
khi lên thành phố học. Sài Gòn xa hoa, tráng lệ quá và có lẽ vì thế mà nhiều
người trẻ như tôi ngày đó thích nó hơn thích quê. Nhưng ít lâu sau xuất ngoại
du học và sinh sống lâu năm ở hải ngoại tôi cảm thấy nhớ quê mình quá, chỉ muốn
được về, về với vùng đất yên ả thanh bình ấy thôi.
Tôi yêu
Sóc Trăng quê tôi, yêu những ngày thơ ấu chạy theo mấy bạn bè thả diều ngoài
đồng, kéo đám bạn quỹ xứ đi hái cắp trái khế của nhà hàng xóm; đi ra đồng ruộng
Nhu Gia bắt ba khía hay câu cá bống ngoài mấy cái ao gần nhà ngoại, hay những khi
chen chân vào bờ sông Maspéro để được xem lễ đua ghe ngo Oc Oom Bok.
Tôi
cũng được chứng kiến sự thay đổi của vùng quê, từ căn nhà lá đơn sơ với chuỗi
ngày phải xài đèn dầu loe hoe hay đèn khí đá, những con đường đất lầy lội sau cơn
mưa, cho đến khi nhà nào cũng xây tường gạch có đèn điện thắp sáng và những con
đường được tráng nhựa láng cóng. Nhớ những ngày mùa sau khi những kỳ thi lục cá
nguyệt, tôi lái xe chạy vào ruộng xem các anh em họ nội ở Ngã Bảy và Cái Tắc
hay họ ngoại ở Nhu Gia phơi lúa. Tôi nhớ những bờ ruộng nho nhỏ, bước trên đó
bao lúa ngọn ở trên vai các anh cứ nghiêng ngửa, nhiều lúc họ trượt cả chân
xuống ruộng. Bây giờ, nhớ lại, tôi càng thêm thấu hiểu nỗi cực nhọc của những
người nông dân, nó lớn hơn rất nhiều lần so với suy nghĩ giản đơn của một đứa
con trai 17 hồi đó.
Cũng từ
khi xa quê tôi mới thấm thía hai chữ “Miền Tây” và thấy yêu nó thật nhiều. Miền
Tây và quê tôi như hòa làm một. Bởi lẽ quê tôi thuộc Miền Tây mà.
Tôi yêu
quê tôi Miền Tây, yêu sự yên bình, yêu nắng chiều, yêu những hạt mưa rơi bên
luỹ tre, yêu cơn gió thổi qua những tàu lá chuối, những ngọn khoai mì, cây vú
sữa bên hiên nhà hay ở những ngọn dừa xa xa; hay đơn giản là tiếng dế kêu trong
đêm, tiếng ếch nhái kêu trong những cơn mưa chiều tối. Yêu lắm những cánh đồng,
những người dân quê thật thà chất phác, yêu những món ăn quê thân thuộc. Thương
những người nông dân bên những cánh đồng xanh mướt lộng gió, yêu ngày mùa với
những cánh đồng vàng ruộm, yêu nụ cười của cha mẹ cũng như tất cả những người
nông dân khi được mùa. Tôi thương lắm người nông dân phải chịu nắng chịu mưa
cùng cánh đồng, thương sự cơ cực của những ngày cấy lúa; những ngày phơi lúa
gặp mưa, những lúc phải ngủ ngoài đồng hay trên mé đường giữ lúa; thương đôi
chân trần đi ruộng bị ốc cắt vào; thương những giọt mồ hôi rơi xuống những hạt
lúa vàng.
Ngày
xưa theo phong tục miền Tây, mỗi lần tới đám giỗ, con cháu khắp nơi đều cố gắng
về nhà trước ngày giỗ vài hôm để cùng quây quần chuẩn bị. Nếu bạn đã từng dự
đám giỗ ở miền Tây, cái mà bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng nhất ấy là thứ tình cảm
gia đình, tình bà con hàng xóm và thứ văn hóa hào sảng, phóng khoáng của người
miền Tây. Người miền Tây quan niệm đám giỗ không chỉ để tưởng nhớ người đã
khuất mà còn là dịp họ hàng thân thuộc đoàn tụ, chia sẻ với nhau về chuyện làm
ăn, chuyện học hành của con cái… và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Khi được mời đám giỗ, nhà nghèo hay khá giả
đều háo hức. Người có tiền thì đi trái cây, rượu. Người nghèo thì bắt con gà,
con vịt nuôi ở nhà làm quà cúng. Đặc biệt, không ai bảo ai, cứ trước đám một
ngày, bà con bên nội cũng như ngoại ngay cả bạn bè thân lối xóm xúm lại, mỗi
người một tay giúp đở nhà tôi lo giỗ.
Đám giỗ, trước đó cả tháng bà nội tôi dặn mấy cô bác ở Phong Dinh và các
dì ở Nhu Gia để dành gà, vịt, heo ngon đừng bán vội cho khách. Bà nội đi chợ
kiếm đúng gạo nếp mua về để sẵn. Trước một ngày, nội kêu đi cắt lá chuối, phơi
nắng cho lá dẻo, để gói bánh tét. Nhà tôi mỗi lần làm đám giỗ là làm tới năm,
sáu mâm, mà chỉ có bà con trong nhà và hàng xóm gần nhà thôi đấy. Mẹ tôi nói,
mỗi nhà phải làm chừng vài chục cái bánh tét để cầm về làm quà cho con nít ở
nhà. Bởi vậy phụ nữ như các chị họ, cô và dì trong nhà ngồi gói bánh tét từ
chiều tới tối. Bánh chín, xếp hết ra sàng là nghe gà gáy đợt đầu.
Bộ ván là thứ hầu như gia đình miền Tây nào cũng có, người ta ăn cơm
trên đó, nằm ngủ trên đó, mấy ông nhậu lai rai vài xị cũng trên đó, con nít
quậy phá bị bắt nằm cúi chờ đánh đòn cũng trên đó. Đồ múc ra tô dĩa, chuẩn bị
dọn lên cúng cũng được để lên ván, nội coi đủ món hay chưa rồi mới bưng lên bàn
thờ, đốt nhang mời ông bà về ăn. Tô, dĩa, chén sau một thời gian dài nằm trong
tủ, được đem ra rửa sạch và cũng được bày
ra trên ván trước khi đám giỗ bắt đầu. Dĩ nhiên, gói bánh bánh tét cũng ở trên
bộ ván đó luôn. Mẹ tôi và các dì phụ bà nội làm bánh
tét. Mẹ tôi bảo cách làm bánh tét miền Tây đòi hỏi người thực hiện phải có chút
tỉ mỉ, kiên nhẫn. Chắc hẳn, để tạo ra từng đòn bánh tròn trĩnh, đầy đặn, đẹp mắt
như thế, người làm bánh không chỉ yêu cái hương vị đặc trưng của món ăn mình
làm. Hơn thế họ còn muốn thêm trải nghiệm gói bánh quê hương đầy dân dã. Bánh
tét là biểu tượng của ẩm thực miền Nam độc đáo. Từ cách chế biến, cho đến những
cảm giác ấm áp khi cả gia đình quây quần bên bếp lửa luộc bánh tét mỗi dịp Tết
đến, xuân về là hình ảnh đẹp mà không nơi đâu có được. Mẹ tôi cho nước cốt lá dứa
vào một cái thau, rồi đổ gạo nếp vào ngâm qua đêm để tạo màu xanh bắt mắt. Sau
đó bà vớt gạo ra, đem xào với nước dừa trên chảo cho đến khi ngấm đều. Cách xào
nếp gói bánh tét này giúp tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh tét miền Tây. Phần thịt
ba chỉ thì rửa sạch, để ráo nước. Tiếp đến, thái thịt thành miếng có độ dày khoảng
1 – 2 cm. Cách làm bánh tét miền Tây đúng chuẩn nêm thịt với 2 muỗng cà phê bột
nêm, 1.5 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường và một chút tiêu. Trộn đều thịt
cho ngấm gia vị, để khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó bà dùng tay nắm một mép lá
theo chiều dài, rồi dựng lên, xúc nếp đổ thêm để phủ phần nhân thì nắm 2 mép lá
gấp lại. Cuộn chặt tay bánh theo chiều kim đồng hồ để tạo thành hình trụ tròn. Sau
đó, cột một dây lạt ở giữa để cố định. Tiếp tục gấp một đầu lá gập lên thân
bánh rồi dựng đòn bánh lên, dùng một lực dọng cho phần nếp dồn xuống. Xé hai miếng
lá chuối nhỏ có chiều ngang bằng với đầu đòn bánh xếp chồng lên theo dạng chữ
thập, rồi cột cố định lại. Tương tự với đầu bánh còn lại. Đặt đòn bánh nằm
ngang, lăn cho bánh tròn đều, cảm giác chắc tay thì dùng lạt cột mỗi cọng cách
nhau một khoảng từ 2 – 3 cm. Sau đó bà cột một dây cố định ở đầu bánh bất kì để
tiện cho việc cầm nắm và vớt ra sau khi luộc chín.
Ngoài món bánh bánh tét là những món phải có của
đám giỗ miền Tây, những món còn lại thay đổi theo từng nơi, theo phong tục tập
quán từng vùng và theo văn hóa mỗi gia đình. Ba má
tôi thích làm lẩu lươn um rau muống hay còn gọi là lẩu lươn hay cù lao lươn. Món
này các bác hay nhậu với rượu đế thì trứ danh. Bên phía ngoại tôi thì phải có
món bì cuốn, thứ bì cuốn bằng bánh tráng bự như cái mâm, mười cuốn như vậy được
cuốn chung lại với nhau, sau đó thì cắt khúc vừa ăn, dọn lên dĩa thật là đẹp. Bên
ngoại cũng hay làm heo quay ăn với bánh hỏi, thỉnh thoảng có gỏi tôm trộn với
ngó sen. Gà thì thường được nấu cà ri và nấu cháo. Vịt thì đem nướng hay nấu
chao. Còn có các món chè nữa, ngoại tôi hay nấu chè đậu xanh, bánh da lợn, bánh
bò đủ màu xanh trắng hồng. Món ăn đám giỗ thường là những món ngày thường ít
nấu chứ không hẳn là món thật đặc sắc của miền Tây. Cái chính là dịp bà con gặp
nhau, để các bà tranh tài nấu nướng, để ngồi lại dùng chung bữa cơm và hàn
huyên đủ chuyện xưa nay. Mấy bà thì vừa cắt bánh tét, rửa sạch lươn, chặt heo
quay vừa nói chuyện giá cả, chuyện con cái, bàn chuyện các tài tử cải lương như
Út Trà Ôn Thành Được người ca hay người ca mùi đẹp trai hay các danh hài Tùng
Lâm Phi Thoàng có tài diễn giỏi, v.v.... Mấy ông thì ngồi rề rà rượu đế, nhắc
cái thời trai trẻ hồi xưa, bàn chuyện thời sự hôm nay, hỏi han nhau chuyện làm
ăn mần ruộng, dự định sắp tới. Đám giỗ còn là dịp bà con trong họ dẫn con dâu
con rể, đứa con, đứa cháu mới đi xa về đi chào mấy cô mấy bác. Hay chỉ là cái
cớ để mấy người xa quê về nhà ở lại nhà tổ lâu lâu một chút, gặp được nhiều
người lâu rồi không gặp, nhắc lại “tuổi thơ ban đầu” với đám bạn già hồi nhỏ.
Đã hơn bốn mươi sáu năm rồi tôi không có dịp dự đám
giỗ miền Tây để trải nghiệm lại cái tất bật khi chuẩn bị, khi mệt lả người chạy
ra chạy vô dọn mâm rửa chén vì bà con tới ăn giỗ từ sáng tới chiều tối, nhiều
khi qua tới ngày hôm sau. Đám giỗ miền Tây là vậy nhiều khi có thể kéo dài mấy
hôm liền từ khi chuẩn bị tới ngày cúng chính rồi kéo dài sang vài ngày sau là
chuyện thường. Nhớ cái náo nhiệt của những ngày đầu hay cái giòn giã, sảng
khoái của tiếng cười nói của các bác các anh em họ hàng lúc nhập tiệc. Nhớ cả
sự bịn rịn khi chủ nhà trao cho bà con vài cái bánh tét làm quà cho đám nhỏ ở
nhà và dặn dò “Năm sau là phải có mặt nữa đó nghen chú Năm, nhớ dẫn theo thằng Đức,
thằng Trí nữa nha.”
Năm ngoái tôi có dịp trở về Sóc Trăng để ăn giỗ ba tôi cùng các em, các
cháu và vài chú bác dòng họ nội cũng như ngoại còn sống sót nhưng vắng rất
nhiều. Đa số các bác và chú đã ra người thiên cỗ, người còn lại thì sức khỏe
yếu kém không đủ sức đi đường dài về Sóc Trăng dự giỗ. Tuy không gian rất đình
đám vì con cháu dòng họ khắp miền tây và Sài gòn về khá đông nhưng đa số thức
ăn mua làm sẳn như bánh tét, heo quay, lẩu lươn, bánh bò, v.v...chứ không phải
như của ba má tôi hay bà nội chuẩn bị nhiều ngày như xưa nữa. Ngày nay ai ai
cũng tất bật với công ăn việc làm. Hơn nữa thức ăn làm sẳn bày bán khắp nơi nơi
không làm họ hàng tốn kém thời gian và công sức.
Cuộc sống hiện đại ngày nay đã hình thành nên những
kiểu quan hệ và quan niệm xã hội khác xưa. Người ta trở nên thực dụng để thích
ứng với sự đổi thay của xã hội. Việc đi đám giỗ bằng phong bì cũng không có gì
để đáng phê phán vì ông bà ta từng nói “ăn theo thuở, ở theo thời”. Chỉ tiếc
một điều là nét đẹp của đám giỗ ngày trước đã dần lùi vào quá khứ.
Đó là ở Việt Nam. Các em tôi dù ở thế hệ thứ hai
hay thứ ba, họ vẫn còn cố gắng giữ một chút phong tục cổ truyền, tổ chức đám
giỗ đình đám.
Khác với cuộc sống hải ngoại ngày nay chúng tôi cố
gắng tổ chức một cái đám giỗ cho Ba hay Mẹ tôi ở chùa là đã quá đủ, ngay việc
đãi tiệc ăn giỗ cũng do chùa đảm nhiệm. Nếu một mai thế hệ chúng ta ra đi, có
lẽ phong tục này dần dần sẽ đi vào quên lãng...
Nguyễn Hồng Phúc
Kỷ Hợi 2019