Nhiều phụ nữ tây phương cứ thấy hết hứng thú
hay muốn tìm sự bình đẳng trong cuộc sống với người đàn ông hiện tại thì tự tin
vui vẻ chia tay, khác với lễ giáo tập quán phương đông: đức hy sinh vì con cái,
sự lệ thuộc kinh tế... khiến nhiều phụ nữ Á chấp nhận cuộc sống hôn nhân đau buồn,
cho đến gần hết cuộc đời.
Có những cặp vợ chồng sống với nhau hơn nửa đời
người nhưng vẫn ra tòa ly hôn bởi những lý do thật oái oăm, ngang trái. Chỉ tiếc
là sau bao năm cùng chèo lái con thuyền hôn nhân, tuổi già của họ lại dậy sóng.
Con người ta khi đến tuổi trung niên, trải qua
bao thăng trầm cũng là lúc ta thấu hiểu nhiều điều trong cuộc sống. Ở cái tuổi
đã xế chiều đáng ra nhiều cụ ông cụ bà thường dành thời gian vui thú điền viên,
dạy dỗ con cháu để hưởng hạnh phúc tuổi già. Thế nhưng, thực tế cuộc sống muôn
hình vạn dạng, không phải lúc nào cũng diễn ra êm ả. Có những tình huống ly hôn
ở tuổi xế chiều thật oái oăm, ngậm ngùi. Nhiều cặp đôi vẫn tưởng rằng sau ly
hôn sẽ thấy thoải mái, cảm giác nhẹ nhõm vì được giải thoát khỏi rắc rối, và thời
gian sẽ hàn gắn mọi nỗi đau, vết thương lòng sẽ lành miệng. Nhưng không, thời
gian để bình ổn lại sau ly hôn của đàn ông ít nhất là hai năm rưỡi (theo một nghiên
cứu của Hoa Kỳ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein). Tuy nhiên,
đó chỉ là sự ổn định bên ngoài, những chấn thương tâm lý bên trong nội tâm vẫn
âm thầm sưng tấy. Trong ấy về phần người phụ nữ thì nỗi đau âm ỉ ít nhất cũng 3
năm rưỡi (theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S
Wallerstein). “Mỗi cuộc ly hôn khai tử một nền văn minh nhỏ bé riêng tư của mỗi
người” (nhà văn Pat Convoy). Ly hôn, khái niệm từng là nỗi ám ảnh của biết bao
người, bao gia đình. Nó chứa đựng những nỗi đau đớn của chia lìa, mất mát, tổn
thương. Thật khó có thể diễn tả trọn vẹn những cung bậc cảm xúc của người trong
cuộc, từ thương yêu tới giận dỗi, nghi ngờ, đau đớn, dằn vặt, thao thức, tủi hờn,
bực tức căm hận và cô đơn,… Đa số người vợ, người chồng sau ly hôn đều có tình
trạng tâm lý cá nhân bất ổn.
Người tây phương thường gọi ly hôn ở người cao
tuổi là ly hôn đầu bạc (silver splitter) hay ly hôn hiếm quý (diamond split).
Việt nam ta gọi là ly hôn tuổi vàng hay thế nào đi nữa thì ngày nay thế hệ baby
boomers, tức những vị vào hàng sáu đến hàng bảy như chúng ta có nhiều vụ ly hôn
hơn trong khi đó chúng ta nghĩ đây là thời điểm bắt đầu của một cuộc sống hưởng
thụ lúc về hưu. Nhiều nghiên cứu cho thấy khuynh hướng gần đây có nhiều vụ ly
hôn đầu bạc, nhất là ở Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc, Ấn độ và Canada cũng đang tiến dần
theo khuynh hướng này. Người dân bắc Mỹ nghĩ rằng sống càng thọ chưa hẳn mang lại
đời sống lứa đôi lâu dài hơn.
Người ta cảm thấy có cái gì dị thường oái oăm và
ngặm ngùi khi thấy một cặp vợ chồng 75 tuổi đưa nhau ra tòa ly dị. “Theo kinh
nghiệm cá nhân tôi thì ly hôn ở tuổi bạc đầu ngày càng thịnh hành”, theo một vị
luật sư gia đình tên Diana Isaac của văn phòng luật sư Shulman Law firm ở
Toronto Canada cho biết. Thống kê Canada chưa có dữ liệu chính xác về số lượng
ly dị theo tuổi tác. Nhưng các thống kê gần đây rút ra từ các văn phòng luật sư
cho thấy có sự thay đổi lớn. Tuổi trung bình ly dị từ năm 2008: đàn ông nhảy vọt
từ 38 đến 44 tuổi và đàn bà từ 36 đến 41 tuổi. Văn phòng này đang kiểm lại dữ
liệu có từ hơn 10 năm nay cho thấy là ly hôn tuổi bạc đầu đang tăng trưởng mạnh.
Mười năm trước đó chỉ có 10% khách hàng trên 50 tuổi làm đơn ly dị so với 40%
ngày nay. Đồng thời người ta thấy trên 60 tuổi có thay đổi nhiều hơn về vấn đề
ly dị - tăng 50% so với 10 năm trước mặc dù đây vẫn còn là số lượng khách hàng ít
hơn so với lứa tuổi khác. Theo bà Isaac thì người ta càng ngày càng sống thọ
hơn và lứa tuổi ly hôn cũng tăng theo chiều hướng đó.
Tuổi thọ của dân Canada có tăng theo thời gian.
Ví dụ từ năm 1921 đến 2005, tuổi thọ tăng từ 58.8 tuổi đến 78 tuổi cho đàn ông
và từ 60.6 đến 82.7 cho đàn bà. Người ta ước đoán vào năm 2031 tuổi thọ đàn ông
sẽ tăng lên 82 và 89 cho đàn bà.
Người ta vẫn nghĩ rằng tuổi thọ càng ngày càng
tăng đồng nghĩa với việc sống chung với người bạn đời cũng sẽ lâu hơn. Điều này
chưa chắc nói lên được hết sự thật về cuộc sống lứa đôi ở tuổi về chiều vì tính
tình và cách suy nghĩ của hai người sẽ thay đổi theo thời gian, có thể vì khác
biệt về đam mê/gu cá nhân, theo trách nhiệm và cách dạy dỗ con cháu, theo ảnh
hưởng của bạn bè hay gia đình thân thuộc gần gũi, v.v...Lúc khởi đầu của một
hôn nhân người ta tin là đã tìm đúng người phối ngẫu. Và khi ta trưởng thành
hơn người ta mới thấy mình lầm lỡ. Từ đó ta chú trọng về cuộc sống còn lại là sống
như thế nào để ta có nhiều hạnh phúc hơn.
Có nhiều cặp vợ chồng sau bao nhiêu sống chung
và khi về hưu nhàn rỗi có thì giờ nghĩ cho riêng mình và tự hỏi là mình hiện tại
có sống hạnh phúc chăng hay phải thay đổi cuộc sống mới để đạt nhiều hạnh phúc
hơn. Có một người bạn phái nữ ở tuổi về chiều còn than phiền “Tôi sống khổ lâu rồi, giờ tôi cũng không còn sức
đâu phục vụ ông nhà tôi nữa. Tôi xin rút lui, chia tay nhau để mỗi người đi con đường riêng cho thoải mái. Tôi hết thương
ông rồi".
Sống thọ hơn cũng đồng nghĩa với phẩm chất cuộc
sống cao hơn và kỳ vọng của họ cũng cao hơn cho những năm còn lại của cuộc đời.
Việc tìm mục kết bạn trên mạng cũng ảnh hưởng
không ít đến việc ly hôn.
Vợ chồng cùng bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi
trung niên và có những lệch pha trong tâm sinh lý. Người vợ đến tuổi mãn kinh,
không còn nhiều ham muốn, trong khi người chồng thì không trải qua hiện tượng
này. Mâu thuẫn xảy ra khi một bên muốn còn một bên thì không có nhu cầu. Đặc biệt
người đàn ông bước vào giai đoạn khủng hoảng giá trị, luôn cố gắng đi tìm giá
trị bản thân, xem mình còn hấp dẫn không, còn khả năng chinh phục hay không.
Lúc này, nhu cầu khẳng định cái tôi của người đàn ông rất lớn.
Ly
hôn khi tuổi đã cao có những điểm khác biệt so với ly hôn khi còn trẻ. Nguyên
nhân ly hôn có hai dạng khác nhau.
Dạng thứ nhất:
hôn nhân đã rạn nứt từ thời còn trẻ, lẽ ra vợ chồng chia tay lúc ấy nhưng vì
nhiều lý do mà họ tiếp tục chịu đựng để nuôi dưỡng con cái cho đến lúc trưởng
thành. Lý do đầu tiên là họ thương con, có trách nhiệm với con nên không muốn
con còn nhỏ mà phải chịu cảnh gia đình ly tán, họ muốn đợi đến khi con trưởng
thành mới ly hôn. Một lý do khác là họ sợ ảnh hưởng đến uy tín, sĩ diện, công ăn
việc làm, công danh sự nghiệp. Họ còn sợ phải phân chia tài sản. Vì vậy, các
đôi vợ chồng đến già mới tính đến chuyện ly hôn…
Người
trẻ tuổi ly hôn chịu nhiều áp lực về các vấn đề như trách nhiệm nuôi dạy con,
việc tái hôn, vượt qua cú sốc về tâm lý… Người cao tuổi khi ly hôn sẽ phải
đương đầu với những áp lực mang tính chất khác: dư luận xã hội không đồng tình,
sự phản đối gay gắt của các con đã trưởng thành, v.v...
Phụ
nữ trẻ ở bắc Mỹ ngày nay có trình độ học vấn cao hơn và kỳ vọng vào cuộc sống
cũng như hôn nhân nhiều hơn. Vì thế, họ chờ đợi ở người chồng nhiều hơn. Đồng
thời, họ cũng không có ý định tự trói mình trong mối quan hệ vợ chồng không có
tình yêu. Nếu hôn nhân không hạnh phúc, họ nhanh chóng đâm đơn ly dị nhanh hơn
thế hệ mẹ của họ.
Dạng thứ hai:
mâu thuẫn và rạn nứt phát sinh khi vợ chồng cao tuổi vì các nguyên nhân như
công việc làm ăn thua lỗ, ngoại tình (ở thời điểm hiện tại hoặc đã từ lâu nhưng
đến hiện tại mới phát hiện), sự trái tính trái nết không thể dung hòa của cả
hai do tuổi tác, bệnh hoạn, chồng ta vợ tây, v.v...vì vậy họ muốn ly hôn. Ngoài
ra, nhiều cặp vợ chồng có thái độ thụ động trong suốt nhiều năm trời. Tình trạng
vô cảm của họ trở nên gay gắt hơn khi con cái lớn khôn và đã có cuộc sống riêng
của chúng. Nay họ không còn chia sẻ mục đích chung là nuôi dạy con cái nữa. Và
đó là lý do những khác biệt giữa họ sớm trở thành xung đột khó hòa giải.
Người
chồng về hưu cũng chẳng có lợi gì cho mối quan hệ vợ chồng rạn nứt. Thêm vào
đó, người chồng ở nhà suốt ngày và còn can thiệp vào công việc nội trợ hằng
ngày hoặc cuộc sống của vợ. Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều đôi vợ chồng lớn
tuổi cải vã vì những chuyện lặt vặt trong nhà, chuyện nhỏ mà xé ra to...
Dù
thuộc dạng nào, vợ chồng cao tuổi ly hôn cũng chỉ vì mong muốn được giải thoát
khỏi cuộc hôn nhân không như ý, được sống bình an, thanh thản trong những năm
tháng cuối đời, không bị ức chế… Đã chịu đựng gần hết cả cuộc đời, họ không muốn
phải chịu đựng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Ở
cái tuổi gần đất xa trời, kề vai sát gối với nhau nhiều thập kỷ, nhưng nhiều cặp
vợ chồng khi đưa ra lý do ly dị vẫn nói vì không hợp. Người không hiểu thì phì
cười, còn người trong cuộc thì ngậm ngùi, chua xót...
Nói cho cùng, người cao
tuổi có quyền tự giải thoát bản thân khỏi cuộc hôn nhân bất như ý để được tự do
sống cuộc sống của chính mình, để thanh thản trong những ngày cuối đời. Một khi
ly hôn là điều hợp lý và chính đáng thì đừng quá bận tâm đến dư luận hay thái độ
phản đối của con cái.
Kéo
dài cuộc hôn nhân trong đau khổ và ức chế, chịu đựng là tù ngục mà người ta
hành hạ nhau. Một khi hôn nhân không thể cứu vãn và ly hôn là giải pháp cuối
cùng và tốt nhất thì vẫn phải ly hôn dù tuổi đã cao. Hãy cứu lấy những tháng
ngày cuối đời của chính mình. Đừng vì bất cứ ly do gì mà phải chịu đựng trong ức
chế.
Nhằm
mục đích củng cố đời sống lứa đôi cũng như làm giảm tình trạng ly hôn ở tuổi
trung niên và xế chiều, theo chuyên gia tâm lý, vợ chồng nên hiểu được sự thay
đổi tâm sinh lý của người bạn đời để có những đối xử phù hợp.
Hơn
nữa ở Bắc Mỹ có nhiều tổ chức thiện nguyện do các tôn giáo thành lập, tổ chức
các buổi trò chuyện thường xuyên thân mật và tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng nhằm
mục đích làm thăng tiến hôn nhân, để vợ chồng thành thật sống mà hiểu nhau hơn.
Trong những buổi họp ấy người hướng dẫn viên, thường là các Cha sở hay các Sư Thầy
khuyến khích vợ chồng thẳng thắn nói ra các vấn đề cá nhân gây ra xung đột
trong gia đình để cả nhóm bàn bạc tìm giải pháp hòa giải rồi sau đó họ khuyên vợ
chồng nên tâm sự với nhau nhiều hơn, cố gắng tìm ra những sở thích chung, dù có
thể chỉ đơn giản là cùng nhau đi bộ buổi sáng hay cầu kỳ hơn là tham gia các
chuyến du lịch cùng nhau. Đặc biệt người vợ nên quan tâm sát sao người chồng,
trong vấn đề sinh lý cũng nên chiều chồng vì nghĩa vụ. Im lặng là cách giết chết
mối quan hệ giữa người với người nhanh nhất, đặc biệt trong quan hệ vơ chồng.
Có bất kì mâu thuẫn nào thì hãy nói ra với nhau, càng im lặng sự hiểu lầm càng
nhân lên đến mức không thể cứu vãn, tất yếu tan vỡ.
Thật
ra, cãi vã trong hôn nhân có khi còn đỡ hơn rất nhiều so với “chiến tranh lạnh”.
Khi cãi ít ra mỗi người nói suy nghĩ của mình cho đối phương biết, nhờ đó hiểu
hơn về người đối diện, dễ thông cảm và đi đến hòa giải.
Vợ chồng nên thông qua
con cái để tác động đến người bạn đời, đánh giá cao vai trò làm cha, làm mẹ của
người đó. Người đàn ông sẽ rất phấn khởi và sẽ cố gắng làm tốt trách nhiệm của
mình với gia đình khi được vợ con thừa nhận và đánh giá cao. Vợ chồng nên để ý
đến nhau, có giải pháp tức thì ngay khi người kia có biểu hiện khác thường,
không nên thờ ơ, để đến khi câu chuyện trở nên nghiêm trọng ngã ngửa ra.
Câu
hỏi được đặt ra: Như vậy con người sống càng thọ thì có hạnh phúc hơn không. Câu
trả lời rất phức tạp và tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe, sự nhường nhịn
lòng kiên nhẫn và sự hợp tính/hợp gu của vợ chồng, cuộc sống có mang lại niềm
vui hài hòa giửa vợ chồng và với con cháu không...
Ví
dụ một cặp vợ chồng nọ tưởng chừng yêu nhau thắm thiết, sống đến gần hết đời vì
nhau, cuối cùng tình yêu năm nào chỉ vì phút cả giận mất khôn mà tự tay ném đi
bao thứ tốt đẹp. Cũng tại một lần người đàn ông đánh mất lòng tin ở bà, thật
khó khăn để lấy lại. Cuối cùng hai ông bà chia tay, ông move vào sống trong một
viện dưỡng lão còn bà cũng ở một viện khác cho cuộc đời còn lại trong sự hẩm
hiu oán hận...
Trong
xã hội dân chủ bắc Mỹ ngày nay mọi người nhìn nhận việc ly hôn với con mắt cởi
mở hơn. Bất kỳ lý do hay độ tuổi nào cũng có thể đưa nhau ra tòa. Ngay cả khi
đã “gần đất xa trời” các cụ vẫn có thể đưa nhau ra tòa ly hôn. Nhưng khi nghe
được và biết được sự thật đằng sau những vụ ly hôn đó, thì không chỉ có luật
sư, gia đình con cháu mà bản thân người trong cuộc cũng không tránh khỏi những
vết thương tâm lý khó lành, nhất là ở cái tuổi mong muốn và khát khao bình yên
nhất...
Nguyễn Hồng Phúc
Cuối Hè 2018