QUÊ SÓC TRĂNG, NGÀY TRỞ LẠI

                                         
                             
                              Quê Sóc Trăng, một chiều tôi trở lại
                              Sau bao ngày nơi hải ngoại xa xôi
                              Cuốn hút theo cùng vận nưóc nổi trôi
                              Bỏ lại sau lưng một thời tuổi trẻ.
                   
                              Tôi nhớ lại những ngày còn niên thiếu,
                              Cùng người thân, xuôi ngược dọc theo sông
                              Dòng Hậu Giang, ôi trời nước mênh mông
                              Đưa tôi đến, nơi vùng quê Long Phú.

                              Từ quê nội, tôi về thăm quê ngoại
                              Lịch Hội Thượng, đầu mùa mưa lai rai.
                              Un phân bò, dụ bọ rầy bay đến
                              Bắt mang về, làm tàu thuỷ, maý bay.(1)

                              Bao kỷ niệm xưa, đong đầy nổi nhớ
                              Tuổi thuở còn thơ, đời đẹp như mơ
                              Cũng  vì thời cuộc, phải đi lánh nạn
                              Đến cù lao Dung, vùng đất hoang sơ (2)

                              Nhớ những lần, theo bờ sông Bassac
                              Xách giỏ theo cha, đặt cá thòi lòi(3)
                              Bìm bịp kêu, nước tràn về nhanh quá,
                              Chạy túa vào bờ, liếm gót chân tôi.(4)

                              Nhớ  ba má  cả một đời lam lũ,
                              Phải còng lưng tìm cho đủ chén cơm,
                              Bao tháng năm, luôn tần tảo sớm hôm,
                              Nuôi đàn con cho đến ngày khôn lớn.

                              Rồi đến tuổi, tôi trở thành”người lớn”
                              Không có  gì hãnh diện, ngon lành hơn
                              Mang đồng phục quần xanh và áo trăng
                              “Làm” học sinh đệ thất, tỉnh Sóc Trăng.(5)

                             
                              Chiến tranh nổ ra, tôi thành lính chiến,
                              Sau  được về đơn vị tại quê nhà(6)
                              Hết Kế Sách, Thạnh Trị, qua Mỹ Tú,
                              Rời Ngả Năm, đến Hoà Tú Cổ Cò.

                              Chiến cuộc tàn,là chuổi ngày ngăn cách
                              Ba má tôi, theo năm tháng mỏi mòn
                              Đã nằm xuống, khi tôi còn tù tội
                              Riêng phần tôi, phải làm khách ly hương.

                              Quê Sóc Trăng, một chiều tôi trở lại
                              Dòng Bassac mãi xuôi về biển Đông,
                              Rồi tôi sẽ đi, biết có được không
                              Một lần cuối nhìn dòng sông năm cũ.    
                                                                                            -Hoài Việt  2017
(1)- Bọ rầy(hay bù rầy), cũng là “đặc sản” của Sóc Trăng, chỉ có tại những nơi thuộc đất cát giồng như: Lịch Hội Thưọng,Vủng Thơm…Vào đầu mùa sa mưa xuống, bọ rầy đủ lông đủ cánh, bay ra chào đón Xuân Hè. Để dễ bắt chúng, người ta thường dùng phân bò un lên khói, chúng bay đến và chỉ việc bắt. Có người bắt nhiều mang ra chợ bán, riêng lũ trẻ chỉ  mang về nhà, bỏ vào hộp và hái lá còng  hay me keo cho chúng ăn. Lũ trẻ chúng tôi lúc đó, đơn giản thì bắt nó thổi cho mát.”Cao cấp” hơn, chúng tôi lấy chiếc guốc vông nhẹ, đẻo thành chiếc tàu nhỏ hay làm cả  xe, maý bay… với dây chì... Vào thời điểm ấy, vào lớp học, thường mang theo vô lớp thi đua, con nào bay không lâu sẽ bị thua,bị bắt xác luôn.
(2)-Vào thời nầy,năm 1945, tại quê nội tôi Long Phú, có nạn người Miên nổi lên”cáp duồng”, gia đình tôi chạy sang cù lao Dung lánh nạn, và “sống chung với muổi mồng, rắn rùa, chồn khỉ  và… “việt minh”. Bù lại, cá tôm ê hề,  các con cá nhỏ đều bị tha tội, người ta không thèm ăn.
(3)- Thòi lòi nầy là loại khá to, dài trung bình 2 tấc. Thân tròn mập to khoản ngón  chân cái. Cá thưòng làm hang dọc theo bờ sông. Người ta dùng lá dừa nưóc đan thành một cái lọp nhỏ, đặt trên miệng hang. Cá tôm nhiều, nhưng thích bắt loại nầy vì thịt săn chắc, kho tiêu rất ngon.
(4)-Nước sông Bassac gần biển lớn nhanh vô cùng... Tôi còn nhớ như in, khi nghe tiếng bìm bịp kêu, nước từ ngoài biển đổ túa vào trong con sông. Nưóc chạy vào bờ nhanh vô cùng, và cha con cùng nhau chạy lên vê phía bờ sông. Vừa nắm tay cha, chạy vừa cưòi vui, Đó là những ngày êm ả, vì cũng có lần tàu Tây đậu giữa sông,nếu chúng phát hiện,sẽ nả súng  vì cù lao Dung là vùng”giải phóng” thời đó. Cơ khổ,lại “giải phóng”!!!
(5)- Vào thời nầy, học trò Quận đậu tiểu học, được lên Sóc Trăng học đệ thất là”oai phong” vô cùng, cả làng cả xóm đều biết tên. Lên đệ thất là trung học rồi đấy, là học sinh trưòng công, nam sinh mặc quần xanh áo trắng, học trò tư thục thì du di… Vì hoàn cảnh riêng tư, con số học sinh Quận  lên tỉnh học lúc đó khá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
(6)-Đơn vị đây chúng tôi muốn nói là những Tiểu đoàn Điạ Phương Quân như”486,408. . . thuộc Tỉnh/Tiểu Khu Sóc Trăng. Thường phải hành quân liên miên, nơi nào có  “đụng” lớn, Tiểu Đoàn phải hành quân ứng phó. Tôi còn nhớ vài ngưòi bạn TĐT, nhớ rất rõ sau ngày tàn cuộc, các bạn đó  đã phải chết một cách tức tưỏi.Buồn nào hơn.
Đôi dòng tâm sự:

Tự nhiên nhớ quê nhà Sóc Trăng vô cùng, nhớ cả cù lao Dung, nhớ những bạn bè đã nằm xuống. Bàì thơ nầy, Sóc Trăng hiện ra với đủ tên các Quận (trước 1975), hy vọng các quý đồng hương sẽ nhớ lại nơi đây một chút gì đó. Cũng xin một chút riêng tư, quê nội tôi là Long Phú, ngoại là Lịch Hội Thượng.Mong “gặp” đồng hương ở điạ chỉ:  hoaibao1942@gmail.com.
(1)

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual