Chúng ta thường cảm thấy băn khoăn mỗi khi bàn luận chuyện về hưu. Vui hay buồn, sớm hay muộn, thoải mái hay chán nản?
Mùa hè năm 2007
bà Vũ được tròn 75 tuổi đang do dự nên về ở với đứa con nào và ở đâu sau khi bà
bán ngôi nhà riêng của bà trước đó vài tháng. Bà ngỏ ý với cô con gái tên Vy:
- Con
ơi có lẽ mẹ sẽ dọn về ở tạm với vợ chồng chúng con vài tháng rồi sau đó mẹ cố gắng
thu xếp mọi thứ để về Hải Phòng sống cuộc đời còn lại với anh em dòng họ và con
cháu của Mẹ.
- Mẹ
tính thế cũng tạm ổn nhưng cứ về ở thử với tụi con rồi từ từ rồi chúng con sẽ
lo liệu. Vy, con gái lớn của bà Vũ trã lời qua loa để trấn an bà.
Thế rồi bà Vũ quyết
định dọn về ở chung với đứa con gái có chồng tên là Thụy và hai đứa con trai
tên Chắc và Trung đều sinh trưởng ở Montreal, Canada. Cũng như các phụ nữ thời
đại khác, vợ chồng Vy đều phải đi làm full time và khi về nhà hai người đều có
trách nhiệm như nhau. Lo cho con cái ăn học đầy đủ, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa,
làm vườn tược, hốt tuyết, cắt cỏ, v.v….Như thế đời sống xã hội không còn giống
như bên VN ngày xưa mà có thì giờ chăm sóc cha mẹ già. Bên phương tây này để
các cụ già ở nhà một mình không ai trông nom rất nguy hiểm vì nếu có chuyện gì
xảy hay các cụ bị té ngả sẽ không ai hay biết. Hàng xóm mặc dù ở gần nhau nhưng
lúc nào cũng đóng cửa kín mít nếu có chuyện gì xảy ra trong gia đình họ không
ai biết được gì cả. Do tình trạng đó mà đa số nhà già mộc ra như nhan nhản để
gia đình an tâm mà đưa bố mẹ vào trong đó ở vì có người chuyên môn chăm sóc và
trông chừng đêm lẫn ngày, có tổ chức sinh hoạt cho các cụ vui chơi với nhau.
Những người VN khác không hiểu điều này nên luôn kết tội các con bà là “đem con
bỏ chợ…”
Hai đứa cháu
ngoại của bà Vũ đang học đại học. Vợ chồng Thụy và Vy đều đi làm. Hằng ngày bà
Vũ sống thui thủi một mình trong căn nhà Vy.
Năm giờ chiều
hai đứa cháu đi học về chào qua loa bà ngoại rồi mỗi đứa lên phòng riêng của
chúng để nghỉ mệt ôn bài hay chơi game.
Sáu giờ chiều vợ
chồng Vy đi làm về thì bắt tay vào việc nấu cơm chiều và công việc tắm rửa nghỉ
ngơi để ngày mai còn đi làm. Vì thế thời gian trò chuyện với bà Vũ rất ít. Bà
càng ngày càng trở nên trầm cảm, khó tính và áp huyết lại tăng cao ra phết. Ở
với con gái được hơn 4 tháng bà Vũ bàn với vợ chồng Thụy là bà có ý định dọn về
Hải Phòng xây nhà để ở quay quần với các anh em và sẽ được các cháu chăm sóc bà
chu đáo hơn. Bà Vũ di dân vào miền Nam những năm 54 và sang Canada tháng tư năm
75. Vì thế lâu lắm không gặp anh em dòng họ hơn 50 năm trời, bà Vũ có hiểu được
tình cảm của họ dành cho bà có còn gắn bó như xưa chăng.
Bà Vũ có 10 đứa
con bên Canada và Hoa Kỳ, 5 trai và 5 gái đều có gia đình, nghề nghiệp tạm khá
thành công và có con cái đàng hoàng. Khi mấy cô em của Vy biết định ý định của
Mẹ muốn bỏ rơi các con và cháu mà về Việt nam để dưỡng gìa thì thấy không ổn.
Cô em gái giáp chót tên Thi ngăn cản ý định Mẹ Vũ về Việt Nam và phân trần
rằng:
- Mẹ
đã ở với các con đã gần 40 năm trời và gần gũi con cháu hàng ngày. Bây giờ đùn
một cái Mẹ cắt đứt cái tình cảm ấy mà không thương tiếc. Mẹ nở lòng nào đoạn
tuyệt mà bỏ chúng con ra đi như thế.
- Mẹ
về VN để dưỡng già chứ có bỏ chúng con đâu.
Mẹ trả tiền mấy cháu ở VN đàng hoàng thì tụi chúng sẽ phục vụ tốt chứ có
gì đâu mà sợ. Khi mấy con thấy cần thăm mẹ thì du lịch một chuyến về VN thì
không là quá đáng nhỉ.
- Làm
sao Mẹ biết được các cháu ở VN đối xử tốt với Mẹ được. Bây giờ Mẹ còn tiền bồi
dưỡng các cháu dồi dào thì có dịch vụ tốt. Rồi đến lúc nào đó họ trở mặt thì Mẹ
cũng chẳng làm gì được. Vả lại bên Canada Mẹ có đau ốm thì chúng con còn lái xe
đến chăm sóc hay thăm Mẹ thường xuyên hơn, chứ còn ở VN chưa chắc Mẹ được chăm
sóc tận tâm như con ruột của Mẹ được.
Bà Vũ nghe riết
rồi mủi lòng nên từ đó bỏ ý định về VN dưỡng già. May mắn thay tại Montreal có
một bà VN tên Mai đang lên kế hoạch xây Nhà Già Carrefour Rosemont từ 2 năm nay
cho người Việt. Bà này bắt đầu nộp giấy tờ
xin chính quyền địa phương Montreal để xây Nhà Già từ 20 năm trước và
gần đây được chính quyền chấp thuận lên kế hoạch và công trình xây cất cũng gần
xong trong nay mai. Vợ chồng Vy đưa bà đến dự buổi họp ra mắt công trình và
viếng thăm tại chỗ Nhà Già đang thi công.
Sau buổi họp bà
Vũ hài lòng về dự án và giá cả cũng phải chăng. Với tiền trợ cấp về hưu của
chính phủ Canada và Tỉnh bang thì bà Vũ vẫn còn thừa chút ít sau khi trả tiền
Nhà Già.
Cũng nên nhắc
lại là Nhà Già Carrefour Rosemont (Rosemount Senior Home) có 227 căn hộ dành
cho người cao niên trên 60 tuổi còn tự chủ. Họ bao ăn trưa, 5 bửa mỗi tuần. Mỗi
thứ ba họ mướn xe mini-bus đưa các cụ đi chợ mua sắm để các cụ có tự do nấu ăn
sáng, tối và cuối tuần. Chính quyền Montreal cấp giấy phép xây Nhà Già với điều
kiện là cho nhập 75% người VN còn 25% căn hộ còn lại Nhà Già này phải chấp nhận
bất cứ dân địa phương nào cần đến ở và trả tiền như nhau. Nhà Già này không có
dịch vụ y tế. Nếu cần các cụ đến gặp nhân viên tiếp tân túc trực 12 tiếng mỗi
ngày để được trợ giúp như gọi xe taxi hay báo y tá đến khám bệnh, trường hợp
khẩn cấp quan trọng.
Chung quanh
Rosemount Senior Home có công viên và một trường trung học. Mùa hè các cụ có
thể đi bộ hóng mát hoặc các cụ nào có sức khỏe thì sách thức ăn ra park làm pic
nic với con cháu khi chúng đến thăm. Ngoài ra ngay bên cạnh Senior Home còn có
chùa Huyền Không cho các cụ muốn qua xin lễ Phật hay muốn ăn chay. Đối diện xéo
của Nhà Già còn có 1 quán MacDonald và 2 nhà hàng Việt nam.
Nói tóm lại các
cụ sẽ rất an tâm vì ở đây có hầu hết các dịch vụ, gần trạm xe bus và không xa
metro (đường hầm) cho lắm. Bà Vũ dọn vào Nhà Già tháng 3 năm 2008. Hai năm đầu
bà Vũ làm quen được vài bà cụ khác tâm đầu ý họp, trò chuyện vui vẻ. Mỗi khi
con cháu bà Vũ đến thăm, họ cảm thấy cuộc đời bà lên hương vui vẻ hẳn ra chứ
không như lúc ở với vợ chồng Thụy, nét mặt bà lúc nào cũng u buồn, lo âu trầm
cảm vì ít trò chuyện với mọi người.
Bảy năm sau các
cụ già bắt đầu đi đứng khó khăn, sức khỏe xuống cấp thấy rỏ. Vài cụ dần dần ra
đi khỏi thế giới này nhất là bạn thân mới của bà Vũ. Bà Vũ bắt đầu có nhiều
triệu chứng bệnh tiểu đường týp 2 và cao huyết áp. Sức khỏe bà Vũ sau 7 năm
xuống cấp trầm trọng. Tay chân và mắt bà lúc nào cũng yếu và rung. Bệnh tiểu
đường quá tai hại gây biết bao chứng cho bà.
Mắt bà mờ đi ban
đêm, sáng thức dậy bà bị ngứa đầy người. Bà lúc nào cũng cảm thấy đói mà ăn thì
kém vị giác. Bà ít đi chùa lại vì mỗi khi có dịp vào chùa lễ Phật, các bà bạn
khác hay nhắc nhở bà hãy mua sắm một bộ áo màu xám như các người đi lễ Phật cho
đồng đều và đẹp mắt. Bà Vũ tỏ ra khó chịu trả lời rằng “tôi đi lễ Phật chứ có
phải đi diện thời trang đâu mà mấy bà lẩy nhẩy về việc trang phục cúng Phật
thế. Phật đâu có bắt chúng ta phải ăn mặt thế này hay thế nọ đâu”. Thỉnh thoảng
trong Nhà Già Rosemount có bà còn hỏi bà Vũ ‘’ông nhà đâu mà bà ở đây một mình
thế”. Bà Vũ là người không thích người ngoài tò mò hay chọt vào đời tư của bà.
Bà còn tự chủ thì vào đây ở còn ông chồng bà hết tự chủ phải vào Nursing home,
nơi đó có đủ dịch vụ như y tế, làm vệ sinh, dọn phòng và cho ăn đầy đủ 3 bửa và
7 ngày.
Con cái bà Vũ
bây giờ thỉnh thoảng phải bỏ công ăn việc làm khá thường xuyên và thay phiên để
vào nhà già đưa bà đi khám bác sỹ, nhà thương hay đi khám mắt. Hơn nữa Vy có
nhiệm vụ nấu ăn đem lên cho bà ăn tối hay ăn trưa vì thức ăn nhà già không còn
hợp khẩu vị với bà nữa. Bà Vũ hầu như mất tự chủ, đi chậm chạp, tắm rửa và mặc
quần áo hơi khó khăn. Số bạn thân bà trong Nhà Già cũng giảm đi nhiều. Bà ít ra
đường vì thời tiết lạnh và nhất là bà hay mệt vì cơn bệnh tiểu đường hành hạ.
Vy bây giờ cũng
gần 60 và sức khỏe bắt đầu yếu đi, không còn đủ sức nấu ăn cho bà mẹ thường
xuyên. Mặc dù Vy còn 9 anh em khác nhưng các con dâu bà Vũ thì bà không thích
làm phiền về việc nấu ăn cho bà. Trong 5 cô con gái của bà Vũ thì chỉ có Vy là
nấu ăn hợp khẩu vị bà trong khi đó các cô khác trẻ hơn lấy chồng tây và nấu
thức tây cho bà thì bà từ chối. Nghĩ về tương lai muốn cho mẹ già được ăn uống
đầy đủ và có dịch vụ y tế tốt, Vy bắt đầu đi tìm những Nhà Già khác có cho ăn
uống ngày 3 bửa và bảy ngày trên bảy. Nhà Già bên Montreal thì chẳng thiếu gì
nhưng toàn là người Gia nả Đại ở hay giá cả hơi mắc quá túi tiền bà Vũ. Đầu năm
nay Vy tìm được một viện DL công giáo tên Providence, nơi đây dịch vụ lịch sự,
có y tá túc trực, cung cấp thức ăn 3 buổi và gần chỗ con cái bà hơn. Viện DL
Providence có hơi mắc hơn Rosemount Senior Home một chút nhưng với tiền bà Vũ
tích lũy sau khi bán nhà riêng bà thì cũng có khả năng bù đắp vào đến những 20
năm tới.
Trước khi dọn ra
Nhà Già Rosemount, cô quản lý Nhà Già Rosemount hỏi bà Vũ lý do tại sao bà
quyết định dọn đi nơi khác và có điều gì bà không hài lòng về dịch vụ ở đây. Bà
Vũ trả lời:
-
Tôi
ở đây hơn 8 năm và quen nhiều bạn bè, tôi đâu muốn dọn ra nhưng vì ở đây nói thật
với cô việc ăn uống càng ngày càng tệ, món ăn thì bớt phần thịt lại và không hợp
khẩu vị với tôi mặc dù là thức ăn VN. Trước khi đi ngủ tôi cứ cảm thấy lúc nào
cũng đói vì thiếu chất đạm trong phần ăn.
-
Cách
đây không lâu ban lảnh đạo thành phố Montreal về Nhà Già có làm trưng cầu dân ý
để họ tìm cách cải thiện cuộc sống trong các Nhà Già ở Montreal. Hầu như đa số
các cụ đều cho biết “rất hài lòng” cuộc sống ở đây. Bây giờ các cụ bảo là không
hài lòng vì cái này cái nọ. Tức nhiên chính các cụ hại các cụ đấy. Cô quản lý diện
giải.
- Tôi
có trò chuyện với nhiều bạn bè trong Viện, tất cả đều có cùng ý nghĩ như tôi. Sở
dĩ chúng tôi không giám nói thẳng vì sợ họ “trả thù” và cắt bớt các dịch vụ. Bà
Vũ trả lời.
-
Các
cụ lầm to rồi đây là xứ tự do, các cụ không hài lòng điều gì thì các cụ trực tiếp
nói với chúng cháu. Chúng cháu sẽ tìm cách giúp các cụ để có cuộc sống thoải
mái hơn kia mà. Trên giấy tờ hẳn hoi các cụ bảo là rất hài lòng rồi bây giờ Hội
Đồng Quản Trị thành phố đã có bằng chứng là dịch vụ ở đây rất tốt nên họ sẽ
không đầu tư gì hết để cải thiện đời sống trong viện này.
Thế rồi Bà Vũ rời nhà già Rosemount và dọn vào viện DL Providence đầu tháng
3 năm 2016.
Đặc biệt nhà già
mới Providence này đa số các cụ ở tuổi từ 80 đến 100.
Vào đây vài tuần
đầu bà tỏ ra vui hơn môt tí. Trong Nhà Già mới này cũng có hơn 20 người VN mà
đa số là dân trí thức nên cách đối xử với nhau cũng có khác. Bà Vũ tỏ ra vui
lắm. Nhưng nét vui ấy chỉ vỏn vẹn được vài tuần vì những người VN đến trước bà
hoặc có cặp có đôi vợ chồng. Những cặp khác thường là 2 bà già hợp jeu với nhau
nên lúc nào cũng đi ăn chung, sinh hoạt chung với nhau và bám với nhau như một
cái phao. Bệnh cô đơn là căn bệnh chung cũa người già và khi tìm được một người
hợp gu họ thường bám díu với nhau thật chặt và rất sợ bị tách rời. Vì thế bà Vũ
vẫn chưa tìm được người tâm đầu ý hợp. Những lúc rảnh rỗi bà vô iPad để nghe
nhạc VN trong YouTub. Cứ mỗi vài tuần
iPad bắt phải upgrade mà bà Vũ không biết tiếng Anh và không rành tiếng Pháp
lại điện thoại các con và cằn nhằn phải lên Viện DL để sửa gấp cái iPad. Người
già bây giờ ít kiên nhẫn vì có nhiều thì giờ rảnh rỗi nên một chuyện nhỏ nhặt
cũng trở thành nghiêm trọng. Nhiều lúc Bà lại bị lọt vào sự cô đơn hụt hẫn một
lần nữa.
Trong những
nghiên cứu mới nhất thì bệnh cô đơn đang là tác nhân gây ra nhiều cái chết ở
con người. Cô đơn ở tuổi già trở thành bi kịch và tác động rất nhiều đến sức
khỏe con người. Bà Vũ vẫn biết rằng để làm giảm cô đơn thì bà phải ra ngoài đi
bộ, đọc sách xem tv, lên mạng tìm bạn, sinh hoạt với người hợp gu. Kẹt nỗi bà
dọn vào viện lúc mùa đông, tuyết phủ đầy đường rất dễ gây tai nạn cho người già
nên bà ngại ra đường. Đọc sách, lên mạng hay xem TV thì mắt bà lúc mờ lúc tỏ
nên bà không làm được. Người hợp gu thì chưa có vì thế các con cháu bà lần nữa lục
tụt thay phiên vô viện DL thường xuyên thăm bà.
Trong khi đó
chồng bà Vũ là ông Xuân hơn bà khoảng 8 tuổi tức trên 80 khi bà Vũ vào nhà già
thì ông Xuân xin vào Viện Dưỡng Lão Lafayette vì nơi đây có dịch vụ y tế đầy đủ
24 trên 24, cho ăn 3 buổi và 7 ngày trên bảy.
Vài năm trước
khi vào viện DL, ông Xuân bị phẫu thuật cột xương sống. Ông nằm viện được hơn 1
năm thì hai chân yếu đi và lúc nào cũng đi bằng sáu chân (walking cart). Cảm
thấy quá yếu năm 2009 các con xin cho cụ Xuân vào Viện DL Lafayette. Các con
ông đều tất bật đi làm, đều có con cái cần chăm sóc nên không còn đủ thì giờ lo
cho bố mẹ, thì nhà già hay viện DL vẫn tốt hơn vì có người túc trực 24 tiếng
mỗi ngày và cho ăn uống đầy đủ hơn là ở nhà riêng.
Trong viện DL ông
Xuân có nhiều thời gian rảnh rỗi. Sau khi xem chán TV hay dọc iPad ông điện
thoại cho tất cả các con mỗi ngày ở Canada cũng như bên Mỹ. Các con cháu ông
Xuân cũng khá cực với ông vì Microsoft thường xuyên cập nhật chương trình của
iPad. Mỗi lần cập nhật như thế ông Xuân không thể nào mở máy iPad, nên tỏ ra
cáo kỉnh điện thoại gấp cho con cháu vào viện sửa iPad cho ông. Nói đúng ra
hằng giờ ông điện thoại để nhắc nhở con cháu xiêng năng vào viện DL thăm ông. Cách
đây 2 năm chị của Vy tên Hằng vừa mới về nghỉ hưu ở tuổi 59. Ông Xuân biết chị
Hằng luôn có mặt ở nhà nên ông gọi điện thoại từ tờ mờ sớm lúc 5 giờ sáng đánh
thức chị dậy có lúc nói là khó ngủ hay phải vô viện DL gấp vì ông cần chị đưa
ông đi nhà thương vì khó thở hay trở trời cảm cúng. Thực ra với cái tuổi gần 90
ông cụ sức khỏe yếu kém là chuyện bình thường. Ngoài ra ông Xuân muốn lúc nào
cũng phải có con cái bên cạnh chăm sóc ông như một đứa con nít. Sau nhiều lần
bị làm phiền quá nhiều nên chị Hằng không thèm bắt máy điện thoại. Ông Xuân tìm
cớ gọi 911 và bầy lý do tố cáo cô con gái dựt tiền ông gửi để họ gửi CS đến can
thiệp giùm ông. Cảnh sát đến Viện DL làm enquete rồi quay ngược về nhà cô Hằng
lập biên bản. Những chuyện gia đình ồn ào như thế xảy ra liên tục, kết cục cũng
chẳng đến đâu mà ngược lại dân Gia Nả Đại ở chung với ông Xuân tỏ ra thái độ
bực bội ông vì chuyện gia đình không đâu. Ông Xuân càng ngày càng cảm thấy cô
đơn và tìm cách này cách nọ để đì con cháu và muốn chúng nó quan tâm vào viện
DL thăm thường xuyên hơn.
Có lần vợ chồng
Thụy đến thăm ông. Ông Xuân ngồi kể lể chuyện ngày xưa, khó khăn lắm ông mới
đưa được cả đại gia đình qua đây. Sau đó ông đi làm xa, cực khổ tứ bề chỉ mong cò
đủ tiền nuôi tất cả các con ăn học thành tài đến nơi đến chốn. Bây giờ ông mong
muốn các con có hiếu mà đền bù lại công nuôi dưỡng của ông. Bài ca này ông từng
nói với tất cả các con mỗi khi có dịp. Thụy hơi bực mình ông bố vợ và trả lời
“Ba à bên xứ này nuôi con tốt là một bổn phận thiên liêng của bố mẹ. Chúng con
chỉ mong cố gắng nuôi con cái tốt, đối xử với chúng hòa hợp chứ chúng con không
có một hi vọng mãi mai nào là con cái phải trả công sau này. Vì nếu mình đặt
nhiều kỳ vọng vào con cái thì sau này mình sẽ thất vọng vô cùng”. Các con ông
Xuân dần dần mệt mỏi về vấn đề chăm lo sức khỏe bà Mẹ bây giờ đến phiên ông bố đầy
đọa con cháu. Các con tỏ ra mệt mỏi với bố mẹ già.
Chúng tôi nghiệm
ra rằng làm bố mẹ không nên đòi hỏi quá nhiều, quá khả năng con cái mình. Những
gì cha mẹ làm được cho con khi còn nhỏ dại, khi chúng còn sống chung với mình
thì hãy tạo điều kiện cho con cái mình làm tốt công việc đó cho con cái chúng
ngày nay. Đừng buồn vì chúng không làm được những điều mà chúng ta làm cho
chúng lúc nhỏ. Thí dụ khi đi làm việc bên xứ sở này, hãng cho phép nhân viên
nghỉ phép để lo cho con cái chứ họ không cho nghỉ phép để lo cho bố mẹ đâu. Nếu
đầu óc chúng ta thông cảm cởi mở thì sẽ thấy không có đứa con nào bất hiếu hết
và như vậy mình cũng cảm thấy vui vẻ không áy náy vì sự phiền hà hờn trách của
mình. Mấy ông bà cụ luôn bất mãn với con cái của mình sẽ là những người đau khổ
cho đến chết và cũng là lý do đẩy xa con cháu mình thêm. Lòng thông cảm bao
dung nhân ái sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người.
--------oOo-------
Ngày xưa người
Việt mình sống đến 60 tuổi được xem là đã già.
Bạn bè cùng lứa
với tôi ngày nay đã trên 60, đã hay chuẩn bị ngày về hưu.
Ở xứ tạm dung
này mùa đông dài đăng đẳng hơn 6 tháng. Tuyết trắng mang màu ảm đạm phủ kín sân
nhà hơn năm tháng làm cho cuộc sống người già hẩm hiu hơn.
Mỗi khi vào viện
dưỡng lão thăm bố mẹ thấy mà thương cho họ. Nhìn các cụ thui thủi sống cô đơn
một mình trong các viện, có cụ đi tới đi lui nhìn người ta ra vào mà không hiểu
họ làm gì, có cụ ngồi một mình xem ti vi, còn các cụ khác mang gậy đi từ đầu
hành lang đến cuối dẫy hành lang để khuây khỏa vì không đi được ngoài vườn phủ
đầy tuyết trắng.
Trái với người
già bên Việt Nam sống chung vui vẻ trong cùng mái ấm gia đình với con cháu đầy
đàng. Ăn uống luôn được người thân quan tâm chiếu cố. Ra đường người già ở VN
được kính trọng – kính lão đắc thọ nên các cụ ít bị tủi thân. Đi đâu người ta
cũng nễ nang. Các quyết định quan trọng trong gia đình đều nằm trong tay các
cụ. Trong khi đó các cụ trong viện dưỡng chỉ được con cháu mỗi tuần đến thăm
một lần là may lắm rồi. Ăn uống thì các cụ không hài lòng cho lắm vì là thức ăn
tây phương không thể so sánh với phở, bún bò huế hay chả giò của VN mình. Còn
các viện dưỡng lão dành riêng cho người Á châu thì thức ăn bị ban quản trị cắt
xén nên cũng kém ngon nhạt nhẽo và thiếu chất đạm cho các cụ. Nói chung người
già VN mình đều bị hụt hẫng đủ thứ - từ tinh thần đến thể xác.
Ở bắc Mỹ này tôi
thấy người ta càng nhiều tuổi càng khổ. Khổ vì không còn hưởng thụ gì được sự
đời, ăn uống kém ngon, thị lực yếu kém mà còn phải chịu những bệnh tật do già
yêú sinh ra. Người già không tự lo được cho thân mình, mắt mờ, tai điếc, trí
nhớ mất, sống nhờ người khác. Người già vua chúa hay cùng đinh, tỷ phú hay anh
nghèo rớt một xu dính túi không có, kẻ quyền uy chấn động thế giới một thời
hiển hách hay anh phó thường dân cả đời cơm nhà, quà vợ, khi tuổi già đến đều
có những nỗi khổ như nhau.
Nghỉ hưu thường
được nhiều người xem là bước ngoặt của cuộc đời. Dự lường những biến đổi tâm lý
có thể diễn ra như sốc vì có cảm giác mình không còn giá trị, lo lắng vì nghĩ
không được người khác tôn trọng…, nhiều người đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình các
kế hoạch từ công việc đến sức khỏe.
Đa số những
người về hưu sẽ có cảm giác buồn chán và tâm lý hụt hẫng khi “bỗng dưng quá
nhàn”. Mặc dù sự gia tăng tuổi tác có thể gây ra các khó khăn cho thị lực nhưng
các chuyên gia khuyến khích người già đừng từ bỏ việc đọc và học cách thích ứng
với hoàn cảnh mới.Vậy chính xác điều gì diễn ra trong não khi chúng ta đọc?
“Bộ não luôn tạo
mới các nút giao giữa các tế bào thần kinh nhờ những kích thích như đọc sách”,
chuyên gia y tế và là chủ tịch Hội Lão khoa Đức, ông Manfred Gogol giải thích. Một
nghiên cứu mới của châu Âu đã phát hiện ra rằng, sức khỏe của một người cải
thiện đáng kể sau khi họ nghỉ hưu, do họ có giấc ngủ tốt hơn, tập thể dục nhiều
hơn và ít căng thẳng hơn. Theo kết quả của nghiên cứu này, người về hưu nếu có
thể, khoảng 40 phút của giấc ngủ mỗi đêm và có 10% khả năng tập luyện thường
xuyên.
Điều này làm
tăng sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, giảm 25% đến gặp bác sĩ so với
những người vẫn đang làm việc ở tuổi đó. Vì thế ông Gogol đề nghị đọc những
cuốn sách có nội dung thực sự hấp dẫn chính người đọc. Nếu một cuốn tiểu thuyết
quá dài gây mệt mỏi thì hãy thử đọc những truyện ngắn, các bài viết về xã hội…
Khả năng chuyển
đổi từ ngữ sang những hình ảnh tinh thần là rất tốt cho hoạt động nhận thức.
Đọc cũng giúp cải thiện vốn từ vựng, cách sử dụng ngôn ngữ và khả năng tập
trung, theo chuyên gia Simone Helck, tổ chức thúc đẩy và phát triển chiến lược
chăm sóc người cao tuổi Deutsche Kuratorium Altershilfe (Đức).
Thông thường
người có tuổi ở hải ngoại hay bị mắc phải 3 cao và 1 thấp.
Ba cao là – cao
huyết áp (high blood pressure), cao đường (diabetes) và cao mở (cholesterol).
Hơn nữa các cụ hay bị chứng loãng xương, xương khớp bị phong thấp (arthritis).
Các bác sỹ khuyên người già nên tập luyện thể xác và ăn uống lành mạnh để có
cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn. Thông thường các cụ buồn chán vì thiếu sự chăm
sóc của con cháu, ăn uống không ngon miệng vì 3 cái thiếu sau đây:
Cái thiếu thứ nhất
là thiếu vận động - Độ tuổi 55-65
thường có những thay đổi lớn về thể trạng, quá trình lão hóa diễn ra khá nhanh,
cần tăng cường vận động nhẹ nhàng để giảm quá trình này. Chú ý, không nên vận
động quá mạnh, cần tạo sự cân bằng giữa động và tĩnh thông qua các hoạt động
hàng ngày như sinh hoạt câu lạc bộ, tập dưỡng sinh, chăm sóc vườn hoa cây cảnh…
Bên cạnh đó, cần đảm bảo cân bằng trong tư duy, tránh hưng phấn và ức chế quá
mức, không nên để tư duy nghỉ ngơi quá lâu, tức là tâm phải tĩnh tại, phải ổn
định. Để tránh sự nhàm chán, lời khuyên cho người về hưu là nên đa dạng loại
hình hoạt động trong nhà cũng như ở ngoài trời, hoạt động tinh thần, hay vận
động cơ thể, hoạt động tập thể hoặc cá nhân phù hợp với sở thích và khả năng
của mình nhất, để khỏi có những ngày ngồi không khi cuộc sống thay đổi.
Theo các nhà tâm
lý thì khi phụ nữ đến tuổi về hưu, nội tiết tố suy giảm cùng lúc với những diễn
biến âm thầm trong cơ thể khiến cho họ phải đối mặt với các bệnh: tim mạch,
loãng xương, tiểu đường... Còn nam giới khi về hưu, ngoài hói đầu, bụng phệ, cơ
bắp mềm nhão thì có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao, xương khớp... Để tránh bệnh
tật cũng như tổn thương về tâm lý, mọi người nên lên chương trình tiền về hưu,
nghĩa là bàn giao công việc từ từ để không bị hụt hẫng và chuẩn bị chương
trình, kế hoạch sau khi về hưu, gồm: Thời gian, kinh tế, các hoạt động và mối
quan hệ dự kiến thay thế công việc và quan hệ đồng nghiệp..., chẳng hạn
như du lịch, làm từ thiện, chăm sóc con
cháu, nghiên cứu trên mạng, hoạt động nghệ thuật, tham gia các lớp thiền, Yoga
hay càn Khôn Thập Linh, v.v...
Ở tỉnh nhỏ chúng
tôi đang cư ngụ, các bạn già về hưu tổ chức đi bộ mỗi sáng bằng cách hẹn tụ họp
ở cafeteria của Costco ăn sáng nhẹ lúc 9 giờ với croissant và ly café. Sau đó mọi
người cùng nhau đi bộ 2 tiếng đồng hồ quanh thành phố rồi về nhà nghỉ ngơi và
lo cho việc nhà. Mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ mọi người đến một trường trung học
có hơn 10 bàn ping pong để các vị giải trí và có dịp trò chuyện cho hết ngày.
Một nghiên cứu
mới của châu Âu đã phát hiện ra rằng, sức khỏe của một người cải thiện đáng kể
sau khi họ nghỉ hưu, do họ có giấc ngủ tốt hơn, tập thể dục nhiều hơn và ít
căng thẳng hơn. Theo kết quả của nghiên cứu này, người về hưu nếu có thể nên lấy 40 phút trước giấc ngủ mỗi đêm tương đương với 10% thời gian để tập luyện thường xuyên. Điều
này làm tăng sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, giảm 25% đến gặp bác sĩ so
với những người vẫn đang làm việc ở tuổi đó.
Cái thiếu thứ
hai là thiếu bạn – bạn bè rất quan
trong đời sống hàng ngày của con người từ khi đứa bé vào đời đến cụ già lú lẩn.Tình
bạn vốn là thứ tình cảm thiêng liêng và đáng được trân trọng. Một người có thể
có rất nhiều bạn tuy nhiên không phải ai cũng có một người bạn thân hay một
tình bạn chân thành. Đôi khi sự bận rộn của cuộc sống cuốn chúng ta vào khiến con người dần trở
nên lãnh cảm. Tuy nhiên, trong một giây phút nào đó, khi người ta cảm thấy cô
đơn, trống trải họ mới thấy việc có một người bạn bên cạnh ý nghĩa đến nhường
nào. Đó là người hiểu về quá khứ của ta, tin tưởng vào tương lai của ta và chấp
nhận con người hiện tại của ta. Sự tồn tại của một người bạn không phải là luôn
nhìn thấy bằng mắt mà là luôn cảm nhận bằng trái tim.Trong sự cô đơn, trong đau
ốm, trong bối rối – nhận thức về tình bạn khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí
ngay cả khi bạn ta bất lực không thể giúp ta. Họ ở đó là đủ rồi. Tình bạn không
phai nhạt bởi không gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi
khổ đau hay sự im lặng. Chính trong những thứ đó mà nó bắt rễ sâu nhất. Chính
từ những thứ đó mà nó nở hoa
Cái thiếu thứ ba
là thiếu… ăn.
Khi ta còn nghèo
thì lo ăn no mặc ấm. Đến khi ta khá giả hơn thì cố ăn ngon mặc đẹp. Đến lúc có
tuổi thì ăn chơi mặc kệ và đến khi không còn răng nữa thì ăn chay mặc niệm…chú
ý nhu cầu dinh dưỡng người già là rất cần thiết. Theo đó, trong chế độ dinh
dưỡng cho người cao tuổi, phải đảm bảo sự hợp lý giữa các loại thức ăn. Các
nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng phải cân bằng với đạm, chất xơ. Không nên
dùng quá tỷ lệ một dưỡng chất nào đó. Ngoài ra, đừng vì lo ngại người già ăn
nhiều sẽ gặp nhiều bệnh mà quá kiêng khem, dẫn đến thiếu chất, cơ thể sẽ mệt
mỏi.
Như vậy, sự cân
bằng mọi mặt đời sống sau khi về hưu là rất quan trọng. Người già nên lưu ý
tránh những áp lực của cuộc sống, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường các mối quan
hệ và sinh hoạt tại cộng đồng nhằm đảm bảo tâm sinh lý, sống khỏe, sống có ích.
Lắm lúc ngẩm nghĩ
lúc nào về hưu mới đúng lúc, ta sẽ ở đâu và vợ chồng tôi sẽ ở với ai thì tôi
thở dài ngao ngán. Vào Nhà Già ở suy cho cùng cũng là một giải pháp tốt nhất. Thực
ra Nhà Già ở Canada thật sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhân viên phục vụ tử tế,
không có gì đáng phàn nàn.
Cuộc sống tự nó
là điều kỳ diệu. Lúc mầm non son trẻ luôn vươn lên để sống là kỳ diệu. Lúc già
kiệt lú lẫn yên phận cũng là kỳ diệu. Đừng quá bi quan vì tuổi già. Chúng ta
không mãi duy trì được hình thức bên ngoài tốt đẹp, nhưng có thể giữ ấm trái
tim với đồng loại cho đến lúc ngừng nghỉ.
Tuy nhiên tôi vẫn
tự hỏi liệu đời sống người già là một diễm phúc tốt lành hay một sự kém may mắn
vì phải sống trong bốn bức tường cho đến lúc ra đi vĩnh viễn…
Nguyễn Hồng
Phúc
Montréal, Canada