Nhìn thoáng lại mà đã 44 năm chúng tôi không ở quê nhà để hưởng cái Tết
truyền thống. Tôi đang ở một nơi cách quê hương hơn nửa vòng trái đất. Tuyết trắng
lạnh lẽo bao phủ khắp sân nhà cả mùa đông.
Theo thông lệ hàng năm cộng
đồng Việt Nam tại Montréal đều tổ chức ngày tết truyền thống này, khoảng mười
ngày trước Tết vì sợ không có chỗ thuận tiện để đón tiếp hơn 10 000 đồng hương
tham dự. Họ cũng tổ chức chợ Tết, múa lân, múa rồng, đốt hương cúng tổ tiên,
bán hàng rong Việt Nam như bánh chưng, bánh dầy, bánh tét, chả giò, bánh bao,
dưa hấu, bánh bột lộc, chương trình văn nghệ với vài ca sỹ đến từ California.
Chúng tôi đều tìm lại được hầu như tất cả hương vị bánh trái quê hương nhưng
sao tôi và đa số những đồng hương khác không thể cảm thấy một chút gì gọi là
hương vị Tết.
Từ những người đã xa quê
hương trên 40 năm đến những sinh viên vừa qua du học được vài tháng, tất cả đều
cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị, trống trải và buồn man mác làm sao đó. Gặp nhau hay
nói chuyện điện thoại với nhau thì ai cũng đều chỉ kể lại những kỷ niệm Tết
ngày xưa ở Việt Nam. Ai cũng đồng tình là bên này thiếu cái hương vị Tết của Việt
Nam. Nhưng không ai định nghĩa được hương vị đó là cái gì và vì vậy không ai biết
phải làm sao để làm ra được cái hương vị đó.
Một anh bạn già ở Australia
khá lâu thì cứ nhắc mãi cái mùi khói cay xè từ những thùng nấu bánh chưng bên
nhà hàng xóm. Một cô bạn hồi trung học thì nhắc đến việc trang trí nhà cửa
khang trang đón tết và nấu bánh tét còn một anh bạn khác nhắn đến mùi hương
nhang vì ngày xưa anh ta ở trong một khu phố có nhiều người gốc Hoa theo đạo Phật.
Một anh chàng sinh viên mới qua từ Sài Gòn thì lại nhắc đến cái hương vị khói
xe mịt mù và cái âm thanh náo nhiệt trên các đường phố hối hả dòng người đi chợ
Tết.
Bình thường khi ở trong nước
có mấy ai nhắc đến mùi khói nấu cơm, khói xe, mùi nhang, tiếng ồn ào trên đường...
Có nhắc chăng thì chắc cũng để than phiền. Nhưng sao khi đi xa thì ai cũng nhắc
lại với một vẻ hoài niệm và thương nhớ? Đúng là những cái đó làm nên cái hương
vị ngày Tết. Những cái hương vị đó đã thấm vào tâm hồn của tất cả những ai được
sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên không ai có thể quên được. Có thể khi đang ở
trong nước thì ta không để ý. Nhưng khi xa quê rồi mới thấy thèm, thấy nhớ
nhung nhưng tiếc thay những cái hương vị đó lại không xuất khẩu và nhập khẩu được.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã có
diễn tả nỗi lòng này qua hai câu thơ rất nổi tiếng:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.
Chỉ
còn vài ngày nữa là đến Tết tại Việt Nam. Mấy cô em gái tôi ở Cali thỉnh thoảng
điện thoại cho tôi nhắc nhở tôi đừng quên đi hội chùa đêm giao thừa hoặc nhớ
mua nhang thơm thắp lên để tưởng nhớ đến cha tôi và ông bà đã khuất bóng. Tôi
trầm ngâm suy nghĩ vài giây trong sự im lặng trống vắng. Vì hầu như đã 44 năm
xa quê hương, ở ngoại ô Montréal cũng là một nơi rất ít đồng hương Việt Nam và
nếu có thì đa số bạn bè đều đã qua Canada quá lâu và có lẽ họ bây giờ đã đi nghỉ
hè đâu đó ở miền Nam Mỹ, trên du thuyền ở Carribe hay đi trượt tuyết ở vùng đồi
núi nên cũng quên đi phần nào thú hưởng xuân nhân dịp Tết, người may mắn hơn
thì về Việt Nam ăn Tết.
Tôi
đã nhiều lần về Việt Nam, nhưng chỉ có vài lần rơi vào mùa Tết như năm 1989,
1990 và 2014 và những lần ấy tôi mới thực sự hưởng trọn cái Tết trên quê hương.
Những năm 89 và 90 là những năm cuối cùng cho đốt pháo nổ giòn tai. Tai nạn xảy
ra rất nhiều vì trẻ em thật bất cẩn khi chơi pháo. Tôi vẫn nhớ gia đình thường
sửa soạn cho ngày tết bắt đầu từ tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Nhà nhà đều lo
mua gạo nếp, mua đậu xanh để gần đến ngày gói bánh tét.
Bên
cạnh đó, mẹ tôi đi chợ sắm sửa những vật dùng cho ngày Tết. Mẹ tôi mua sẵn gà,
bánh mứt, trái cây, hương để cúng và biếu họ hàng gần xa. Mẹ tôi vẫn không quên
mua vài cành mai để cắm cho những ngày linh thiêng này. Trước tuần lễ Tết chúng
tôi thường lau chân đèn hay bộ lư toàn bằng đồng óng ánh. Chúng tôi phải lau
cho chúng bóng loáng như sự sáng sủa cho cả năm mới đến. Trước đây mẹ tôi còn
mua pháo nhưng ngày nay lặng tiếng pháo cũng bớt đi phần nhộn nhịp vào những
ngày Tết.
Bước
vào bất cứ nhà miền quê nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay
không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí
nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp. Tôi còn nhớ tết năm ấy nhà cửa
tươm tất, giấy đỏ dán đầy nhà, lư đồng bóng nhoáng. Mẹ tôi nhổ lông và làm gà để
nguyên đầu và chân gà để trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên với 2 quả dưa hấu
trưng trên bàn thờ tổ tiên. Bên Canada chúng tôi kiếm được một con gà còn
nguyên chân và đầu để cúng như Việt Nam là một thử thách không nhỏ. Tại các
siêu thị thịt gà chủ yếu được bán từng loại như đùi, ngực, lòng, chân, ức. Gà
nguyên con cũng có bán nhưng không có đầu, chân.
Sáng
thứ bảy tôi đưa bà xã đi chợ Á châu ở Montreal, chúng tôi phải chen chân đi
trong tiệm trưng bày rất nhiều bánh mứt và trái cây của ngày Tết, nào là hộp
vàng hộp đỏ bầy biện khắp tiệm. Chúng tôi cũng đi tìm mua vài hương vị truyền
thống như bánh tét, bánh chưng, dưa hấu, trái thanh long để cúng ông bà và tổ
tiên phần còn lại để đãi bạn bè cho đúng tình đúng lễ. Trò chuyện với một vài
người quen gặp trong tiệm, khi nhắc đến Tết như: "Chừng nào anh chị về
hưu, mùa đông năm nay lạnh quá và nhất là các vụ nỗ bom khủng bố nơi đám đông của
quân hồi giáo cực đoan và các chuyện bâng quơ khác". Không ai nhắc đến đi
chợ tết cộng đồng trong vài tuần nữa vào chúa nhật tới 15/1/2017 dương lịch. Có
một cặp anh chị trã lời tôi rằng: "Ô hay bên Canada mình thì Tết chả ra
trò trống gì cả, không có cái hồn của Tết, lái xe vài chục cây số dưới -20oC
để đi dự hội chợ Tết ngày chúa nhật rồi nghĩ lại hôm sau thức dậy sớm vất vả đi
làm trở lại cho nên tôi bỏ cuộc. Khi nào chúng tôi có đủ phương tiện tài chính
chúng tôi sẽ làm một chuyến về Việt Nam ăn Tết cho đúng hương vị quê
hương".
Sẳn
nhớ đến những tục lệ cổ truyền ngày tết tôi đề nghị với bà xã tôi: "Hay là
mình mua vài trái thanh long, đôi quả dưa hấu, vài chùm nho, cam, táo về cúng
ông bà đêm giao thừa, hơn nữa để tưởng nhớ lại ngày Tết mình bên Việt Nam ta
nên mua bánh kẹo thèo lèo để tối nay mở video ra xem Tết bên Việt Nam. Cúng ông
bà và nhâm nhi vài bánh mứt, thèo lèo củ kiệu trong lúc xem Tết tại Việt Nam ít
ra cũng đủ an ủi nỗi buồn tha hương vậy".
Rồi
một ngày qua đi như bao ngày khác, chúng tôi trở lại làm việc ngay sáng sớm hôm
sau. Vào sở, một vài đồng nghiệp Canada hỏi han: "Ngày Tết tụi bây năm nay
có tổ chức gì đặc biệt chăng!". Sau đó công việc bận rộn làm ta quên bẵng
đi cái Tết của hơn 80 triệu dân Việt Nam đang và sẽ vui vẻ hưởng trọn vẹn niềm
vui nơi quê nhà.
Từ
lâu tôi vẫn có thói quen, những ngày đầu năm gọi điện thoại chúc Tết hầu hết những
người thân xa gần. Sau đó nếu còn chút ngẫu hứng thì vào mạng xem chợ hoa Sài
gòn, văn nghệ xuân hay hồi âm cho bạn bè cho có lễ. Tôi bàn với bà xã tôi chắc
cũng nên cố gắng thu xếp một chuyến du lịch về Việt Nam vào dịp Tết để tận hưởng
cái Xuân trọn vẹn hơn cái xứ xa xôi lạnh
lẽo này vì công ăn việc làm bận bịu đè nặng trên đôi vai, phần lo lắng chu đáo
cho con cái học hành đến nơi đến chốn vì thế không còn thì giờ để suy nghĩ gì
khác và lâu quá có thể sẽ làm ta quên bẳng đi hết tục lệ cổ truyền Việt Nam.
Năm
2016 đánh dâu một năm đầy sao động với nhiều biến cố kinh hoàng trong lịch sử
nhân loại. Bọn khủng bố Hồi giáo luôn tìm cách thảm sát dân chúng trong những chốn
đông người như ở Paris, Nice, Brussels, Berlin, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v…
Trong
giờ phút thiêng liêng này chúng tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới trong sự bình
an đến tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng làng xóm, thành thị lẫn thôn
quê, đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.
Hy vọng
năm Đinh Dậu sẽ mang lại cho tất cả chúng ta thật nhiều niềm vui, may mắn và an
khang. Dù làm gì, ở đâu thì chúng ta cũng sẽ mãi gìn giữ và làm rạng danh hương
vị và tâm hồn Việt Nam.
Xuân tha hương, sầu thương về quê mẹ
Tết xa nhà, buồn bã nhớ quê cha
Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.
Tết xa nhà, buồn bã nhớ quê cha
Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.
Nguyễn
Hồng Phúc
Montreal Canada