TỜ LỊCH CUỐI NĂM

                   

Hằng năm nhìn cuốn lịch tường chỉ còn vỏn vẹn một tờ lịch cuối, bất giác chúng ta liên tưởng đến dòng thời gian và cuộc đời người. Mỗi cuốn lịch chỉ có tồn tại một năm tức là 365 cộng thêm ¼ ngày để rồi cứ 4 năm, ¼ ngày thành 1 ngày theo Dương lịch là ngày Nhuần (hay Nhuận) 29 tháng 2 và Năm Nhuần DL có 366 ngày vậy.

Còn năm Âm lịch chỉ có 354 ngày trong năm, 11 ngày ít hơn năm Dương lịch, vì vậy nói chung thời gian dư ra cứ 3 năm tích lũy thành 1 tháng gọi là tháng Nhuần và năm nào có tháng nhuần thì được gọi là Năm Nhuần.

Và cũng do quy luật ít nhất 3 năm nhuận 1 tháng của Âm lịch nên ngày Tết Nguyên đán ta thường diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 21/1Dương lịch đến ngày 22/2 Dương lịch. Điển hình là ngày mùng một Tết ta của năm 2017 là ngày 28-01-2017.

Thật vậy nhìn tờ lịch cuối năm sao mà thấy mong manh bơ vơ trơ trọi quá như cố bám víu vào cuộc sống một ngày ngắn ngủi cuối cùng để rồi không bao giờ trở lại nữa. Tờ lịch nầy đã chờ đợi suốt cả năm dài đằng đẵng để được nở mặt nở mày phục vụ như bao tờ bạn trước. Vậy mà cậu út nầy cũng có thể tự hào vể tính kiên trì nhẫn nại chờ đợi của mình hầu đảm nhiệm vai trò lịch sử trong đêm trừ tịch, trao cờ đánh dấu Thời gian của năm cũ kết thúc đến tay năm mới kế vị tương lai. Tương tự như cuộc đời con người, khi hồn sắp lìa thân xác và lần nầy ra đi vĩnh biệt không bao giờ tái hồi nữa, tờ lịch cuối cũng thế, bóc gở khỏi cuốn rồi là được khai tử từ đây.

Chúng ta vẫn biết rằng không một ai định được điểm đầu và cuối của thời gian, thế mà con người, với bộ óc thông minh sáng tạo của mình biết sử dụng thời gian làm dấu ấn cái mốc phương tiện tính toán ngay cả khoảng độ dài lịch sử, cuộc sống qua cuốn lịch quen thuộc hằng năm. Với tầm đánh giá quan yếu như thế, dần dần đầu năm nhà nhà Tết đến đều được trang trí bằng cuốn lịch năm mới, và càng ngày càng ý thức sự hiện diện cần thiết của quyển lịch hơn.

Vì thế quyển lịch trở thành vật dụng hữu dụng gần gũi gắn bó với sinh hoạt mỗi gia đình và cả các thành phần trong gia đình. Lịch như là người bạn đồng hành suốt trọn cả năm ghi nhận bảo tồn nhắc nhở thời khắc bao sự kiện, kỷ niệm quan trọng của quá khứ hiện tại và dự kiến tương lai.


Không những chỉ là một vật dụng trang trí báo hiệu Xuân đến, vai trò của cuốn lịch trong vấn đề văn hóa càng được đề cao nâng lên theo sự tiến bộ thế giới.

Rồi theo đà văn minh, hình thức và nội dung của lịch cũng thay đổi theo thời, không năm nào giống năm nào biến đổi đẹp hay hơn. Đặc biệt là lịch Việt Nam  theo Âm lịch, tên mỗi năm thay đồi theo 10 Can (Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý ) và 12 Chi là12 con Giáp (Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi ),cứ 60 năm mới trở lại từ đầu nên đề tài phong phú liên quan đến 12 con vật  trong đó 11 con có thật quen thuộc như Con Chuột (Tí ) Sữu (Trâu ) Dần (Cọp) Mẹo Mão (Mèo) Tị (Rắn) Ngọ (Ngựa) Mùi (Dê) Thân (Khỉ) Dậu (Gà) Tuất (Sửu) Hợi (Heo) và 1 huyền thoại như Con Rồng (Thìn) rất thú vị ảnh hưởng đến phong tục tập quán nước nhà, như năm 2017 là năm Âm lịch Đinh Dậu.
                                                                   
             
  Con  gà trống bằng hoa

Cũng như con người và vỉ cũng là sản phẩm của con người, hình thức và nội dung của cuốn lịch rất đa dạng và phong phú theo phong trào tiến bộ mỗi thời. Ngày nay với khoa học kỹ mỹ thuật in ấn hiện đại, cuốn lịch không còn chỉ giữ một vai trò khiêm tốn vật dụng nội bộ thôi mà đã được khoác áo ngoại giao giao tiếp, quà biếu, một nét đẹp văn hóa trong phép giao tế, một công cụ  rất hiệu quả  của các doanh nhân để phổ biến quảng cáo cho khách hàng thương hiệu của các tiệm, hảng xưởng, ngân hàng,…

Có nhiều loại lịch, đại loại là lịch treo tường 1 tờ, 5 tờ, 7 tờ, lịch bloc mỗi ngày bóc gở một tờ lịch đánh dấu ngày qua không bao giờ trở lại, lịch để bàn, tất cả đều được in ấn bằng kỹ mỹ nghệ mỗi thời, sử dụng nhiều chất liệu mới khác nhau như lịch tranh lụa, lịch ép gỗ, « agenda » lớn nhỏ dầy mỏng. Đa dạng, mẫu mã thiết kế kỹ thuật rất tinh xảo nhiều hoa văn xưa nay như mạ vàng, màu sắc hài hòa linh động theo vòng quạt đủ mọi đề tài như Hồn quê Việt, phong thủy, 12 con giáp, niềm tin, thư pháp, phong cảnh, hình tài tử minh tinh, tên của năm mới, bìa cứng bằng giấy bồi, trên lụa, carton, da, gỗ, Duplex và cả bằng tranh sơn mài,… 

Rồi theo thời gian, « từng bước từng bước âm thầm » cậu bé tí hon Petit Poucet vươn vai trở thành Phù Đổng liên quan đến mọi sinh hoạt ngành nghề trong xã hội giao thông, truyền thông hàng hải, không gian vũ trụ kể cả phần tâm linh con người, lắm lúc trở thành người bạn tâm giao tín cẫn bất ly thân như agenda, điện thoại càm tay GSM, tablet, bút ký nhật ký mà Nhật ký của Anne Frank được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến rộng rãi quốc tế.

Ngày nay mọi địa bàn hoạt đông xã hội toàn thế giới đều không thể thiếu sự có mặt tối cần của vị đại diện thời gian nầy, và càng ngày càng văn minh tiến bộ nhu cẩu nầy càng được nghiên cứu áp dụng nghiêm chĩnh tận tường rộng rải hơn mà gần gũi đến độ chúng ta không còn nhớ, mà chỉ xem đó là một công cụ tính thời gian thôi.

Vậy thì tựu trung tờ lịch cũng chỉ để đếm ngày tính tuần tính tháng, càng không thể kéo dài thêm ngày hay cắt ngắn, dù tờ lịch mới đơn thuần hấp dẫn đó luôn mang một đề tài sống động cho cuộc sống, hình thức và nội dung khác nhau liên quan đến mọi mặt ngành nghề thời tiết, khí hậu, bốn mùa, thiên tai, khoa học kỷ thuật, điện tử, y học, chính phục vũ trụ, triết học tâm linh.

Những câu thơ văn, danh ngôn, những lời khuyên răn, tiên đoán vận mệnh đất nước, hên xui khắc hợp cho cá nhân theo số mạng tuổi tác đính kèm chỉ để tô điểm phong phú hóa tính cách văn minh văn học huyền thoại hơn, với tư cách thông tin thôi mà cũng không ảnh hưởng thiết thực tuyệt đối vì tờ lịch vẫn thản nhiên tự tại hoàn thành nhiệm vụ rót từng giọt thời gian vô tình hững hờ, đều đặn từng giây từng phút.

Nhớ lại thời kỳ thập niên 50 « thời kỳ hoàng kim của họa sĩ vẽ tranh bìa báo Xuân » (theo họa sĩ Lê Minh), tranh của họa sĩ Lê Trung thường với một thiếu nữ mỹ miều, ngực nở eo thon đầy sức sống đánh dấu một dạng mỹ thuật dành cho đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu cảm quan thẩm mỹ cho đại đa số người bình dân Saigon, lục tỉnh và tất cả tỉnh làng xa miền Nam bấy giờ. Và đặc biệt là sau Tết, bìa báo Xuân được cắt ra treo hoặc dán trên vách nhà, cột cái để thưởng thức suốt năm.


Tranh thiếu nữ của họa sĩ Lê Trung

Suy cho cùng, chúng ta có thể ví quyển lịch như là người bạn đồng hành trọn cuộc hành trình mỗi cá nhân và cả nhân loại từ năm này sang năm khác, thực thể mà im hơi lặng tiếng cử thản nhiên đếm bước đều đặn không quay lại không dừng. Mỗi tờ lịch được xé đi là không bao giờ trở lại như một ngày qua luôn vĩnh viễn.Tờ lịch cuối năm tượng trưng ngày cuối cuộc đời con người, con người mất rồi là vĩnh viễn ra đi tay trắng vẫn trắng tay.


Tờ lịch, giọt thời gian bất tận, cho chúng ta thấy rằng cuộc đời rất hạn hẹp, ngắn ngủi không phải lúc nào cũng chỉ toàn màu hồng. Chúng ta cũng không có tài nào biết trước được tương lai vì vậy không cần phải lo âu quá độ vì những bất trắc nguy cơ chưa đoán nổi. Thôi thì hãy bắt chước thời gian cứ làm bổn phận của mình một cách nghiêm túc, sẵn sàng, điềm tĩnh, cố thanh thản không ngại chi cái già sồng sộc, bệnh tật lù lù hiện đến hay cái thời điểm bất chợt từ giả quả địa cầu xinh đẹp nầy.

Hãy quí thời gian như mạng sống mình, thế giới của chúng ta sẽ trở thành đáng sống và hòa bình tình người hy vọng sẽ có dịp trổ hoa.

                                       CôTrần Thành Mỹ
  



 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual