Sau biến cố ngày
11-09-01 ở Mỹ, một thứ bệnh đã được ngăn chận từ lâu bằng cách chủng ngừa, lại
tái xuất làm thế giới ăn ngủ không yên. Trước kia bệnh nầy thường được truyền
cho gia súc như cừu, thế mà ngày nay, để gây chiến tranh vi trùng, những tên
khủng bố, hầu đạt mục tiêu, không ngại dùng mọi phương tiện tàn ác vô nhân, xao
động lòng người, gieo rắt đau thương. Những bao thơ mang “bột trắng” được bí
mật chuyển đến các cơ quan trọng trách chính quyền hăm dọa báo động tai ương.
Cũng có kẻ vô lương, thừa nước đục thả câu, thêm dầu vào lửa, tiếp tay một cách
phi luân vô trách nhiệm gây không khí hoang mang truyền nhiểm cho mọi dân lành.
Đây là thứ bệnh gây những vết đốm đen trên thân người mắc phải và cũng nguy
hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện kịp thời chữa trị. Tên Việt là “bệnh
than” trùng tên với một căn bệnh tâm lý
đặc biệt của nhân loại.
Thật vậy phàm là
người ai cũng than van hay đúng hơn thích trút bầu tâm sự, giải toả nỗi niềm.
Còn thở tất còn than nên ta thường than thở. Khác với thú cầm chỉ diễn tả bằng
âm vang, rống, hí, gầm , kêu, thét,..., con người do thiên phú còn sử dụng được
thêm vừa giọng nói, lẫn lời văn. Trên đời, ít ai bằng lòng với cái gì mình có,
dẫu biết rằng
“ Kêu
Trời, Trời chẳng thấu,
Gọi đất, đất
chẳng nghe”.
Vẫn biết
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà
miệng luôn ‘than Trời trách Đất.
Nguyễn Du cũng đã
nêu lên thuyết tài mệnh tương đố,
“Chữ tài
liền với chữ tai một vần”.
Con người còn hay đổ lỗi cho số mạng
“Bởi số chạy đâu cho khõi số”,
than thân trách phận vì
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao
mới được phần thanh cao”.
Than còn nói lên điểm bất lực của thân
phận dù “có Trời mà cũng có ta” nhưng
vẫn “nhân bất thắng thiên”. Không một ai thoát khỏi vòng phong tỏa khen chê, có
lý do hay không bất cần, đúng sai màng chi, miễn được than là cảm thấy khoẻ,
đời như lên hương một tí ti rồi.
Đó
quả thật là một căn bệnh “gên” than cơ bản tự nhiên muôn đời, không cần học
cũng biết, trao chuốt sẽ tinh vi nhuần nhuyễn gấp bội.
Hơn thế nữa, trời
cao lồng lộng, đất rộng mênh mông, lòng người vô tận, tạo vật vô cùng làm sao
mà đo lường, lấy lượng nào đong, hiểu sao cho thấu nỗi không than. Ngay cả Tạo
hoá cũng
“... đành hanh quá ngán,
Đắm đuối người
trên cạn mà chơi”.
Về con người thì muôn người
muôn mặt, bá nhân bá bụng bá bao tử do đó
“ Sông sâu còn có người dò,
Lòng
người hồ dễ ai đo cho tường”,
và từ “thỏa mãn” tưởng chừng như không có trong
bồ chữ của thế gian.
“Có mới nới cũ”, “được đàng chân lân đàng
đầu”, “được voi đòi tiên” được hình dung như những nét chấm phá trong bức tranh
thủy mặc vẽ chân dung hay một vài loại tế bào hiện hữu trong cơ thể con người
khó hiểu khó lường.
Nghĩ cho cùng, bệnh
chữ “ T” nầy thật thích hợp ăn khớp với mọi mặt cuộc đời, tỉ như tình, tài, tiền, tâm, tục, tù, tòng, ..
Tình chẳng hạn cũng
không bao giờ trọn vẹn, thường than mây khóc gíó,
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở’’,
« Yêu là chết trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà
lại được yêu ».
Đừng tưởng tài cao, học rộng,
thông minh là trúng số chắc ăn, như các nhà Nho xếp hạng « nhứt sĩ nhì
nông tam công tứ thương » vì
hãy coi chừng
« Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với
chữ tai một vần »
hay « ‘nhất
sĩ nhì nông,
hết gạo
chạy rong nhất nông nhì sĩ ».
Tiền bạc là huyết mạch,
« có tiền mua tiên cũng được » cho nên « túi tham không
đáy », người giàu than chưa đủ còn kém so đo, người nghèo rên bạc phúc, vô
phần.
Sống trên đời thật không dễ,
« Ăn
ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười ở hẹp ngừơi
chê »’.
Ngay cả tập tục cũng rắc rối
khó lường thay đổi như
« nhập gia tùy tục, nhập
giang tùy khú »’.
Nghĩ cũng tức cười, lắm lúc gặp cơn bĩ cực bực mình ai cũng than bảo là
muốn chết, nhưng có mấy ai mà dửng dưng không sợ lưỡi hái Tử thần.
Ta có câu « khôn cũng chết,
dại cũng chết, biết là sống » làm ta nhức bể đầu thêm vì biết bao giờ ta
biết? Với thống khổ, than thầm hay lộ liễu thì còn hiểu nổi, thế mà trong cuộc
vui vẫn sợ có lúc tàn. phải chăng là bệnh tưởng? Bản tính con người luôn nơm
nớp lo viển vông bông lông cái vượt tầm tay, huyền bí vì nhận chân giá trị nhân
vô thập toàn của mình.
Ngay cả hạnh phúc cũng không thoát khỏi vòng
cương tỏa tương đối, hai mặt tục lụy bất di bất dịch sướng khổ. Tập tục lề lối
giềng mối cũng không đóng khung nổi tình cảm tung cánh. Thời Nho học, kim chỉ
nam « tam tòng » đã ly gián bao mảnh tình chân thật ở mọi giai cấp,
điển hình chuyện tình éo le giữa anh lái đò nghèo Trương Chi với nàng vương giả
Mỵ nương, công chúa Huyền Trân với chàng kỵ mã Khắc Chung vì:
« Hai
châu Ô, Lý bao nhiêu đất,
Làm mất trong tôi một cõi lòng! »
« Cung oán ngâm khúc » cũng diễn tả nỗi ai oán
cô đơn của người con gái được vinh dự tấn cung sống trong lầu son gác tía mà
tựa như tù ngục giam hãm trọn cuộc đời. Và còn sống là còn than đến hơi thở
cuối cùng.
So sánh hai
thứ bệnh trong ngoài cùng tên, phải chấp nhận cuộc đời hạn hẹp, biến thiên, một
vòng lẩn quẩn, hỏa sa mù vô định, bất ngờ, không tài nào hiểu thấu. Vốn biết
đời là khổ lụy, sinh bệnh lão tử chẳng chừa ai, để làm dịu bớt tính căng thẳng
đó, dung hòa giải tỏa tâm sự bất lực, con người thật khôn ngoan đã biết khắc
ghi, truyền tụng, ca ngợi nỗi than khóc của mình chẳng những bằng cách phát
biểu mà còn qua dấu chỉ văn hóa nghệ thuật biến cái ‘bất’ thành hình như những
bong bóng đủ màu, đóa hoa đầy hương sắc tô điểm cuộc đường trần nhẹ gánh dạo
qua.
Cô Trần
Thành Mỹ