Khôi và Huy là hai cậu bé học cùng lớp ở
sát nhau chỉ cách một hàng rào bông bụp. Khôi
từ làng quê lên học vì thời bấy giờ chỉ ở trung tâm tỉnh lỵ mới có trường
Tiểu học, ở trọ nhà ông chú bà con xa, cuối tuần mới về nhà cách đấy độ 5km đến
sáng thứ hai mới trở lại.
Gia đình Khôi không giàu có tạm đủ sống
nhờ quần quật chăm lo ruộng vườn. Nhà thờ ông bà để lại thật xưa, ba căn hai
chái. Trước có sân để trâu đạp lúa, bên hông nhà cây rơm to. Gần đấy là chuồng
trâu, sau nhà còn có cả chuồng heo và gà vịt. Con chó Vện khôn ngoan nằm trước
cửa giữ nhà thường gây gổ gâu gâu với con mèo tam thể meo meo rình mò bắt chuột.
Quanh nhà là ngôi vườn nhiều cây ăn trái bao bọc
ba bên bởi hàng rào tre kêu răng rắc uốn theo hướng gió. Nào là chuối sứ, chuối
hột mà ban đêm khuya khoắt gió thổi chạm nhau nghe như tiếng võng đưa kẽo kẹt,
nghiến răng làm cho những người yếu bóng vía liên tưởng đến bao chuyện kể huyền
hoặc rùng rợn quanh loại chuối nầy. Cây chuối và dừa là những cây thông dụng nhất
vì dân ta có thể sử dụng hết mọi phần từ rễ thân tàu lá. Trái cây có quanh năm,
vài cây đu đủ, vú sữa, mãng cầu, me, so đũa. Đừng quên những giàn bầu, mướp lủng
lẳng trái mà các em bé gái thích ngồi chơi bán hàng hay nấu cơm dưới vòm lá
xanh rờn rợp bóng mát. Kế đấy là những bồ bạc hà rau thơm hành ngò xanh mướt. Gần
vũng nước là đám rau má « Thân em ở bụi ở bờ,
Mẹ cha
không có chỉ nhờ tiếng kêu »
Một chiếc
cầu tre voi ra trên một cái ao nuôi cá, nước cũng để dùng cho trồng trọt và
tiêu dùng trong nhà. Chưa kể đến cây sung chi chích trái mà mỗi lần Tết đến thường
được chưng trong dĩa quả tử trên bàn thờ tổ tiên. Trưa ra vườn trèo lên cây ổi
hoặc thọc trái trứng cá ngọt lịm hay hái trái nhãn lồng chín vàng chua chua
ngòn ngọt, buồn buồn ngắt chùm trái mồng tơi thay mực tím vẽ lăng nhăng.
- Khôi ơi, chơi bắn đạn với tụi tao
không ? Có cả thằng Đức và Tư nữa.
- Tao còn lỡ tay một chút, xong rồi ra
ngay.
Thế là cậu nầy thì lo vẽ đường lụn, cậu
khác khoét lỗ, cuộc tranh hùng diễn ra, tiếng viên đạn đụng nhau cốp cốp, bàn
tán ăn thua vui nhộn
- Lần nầy nhất định hạ thằng Khôi một
phát mới đáng mặt anh hào. Cho nó tởn tới già. Thằng nầy ở nhà quê chắc bắn
chim dữ lắm nên nó bắn đạn cừ thiệt. Coi nó kìa, hễ nó nhắm là thuờng trúng
phóc ngay. Đức nói oang oang.
- Coi chừng mầy « đứt thắng »
đó Đức ơi. Chưa « đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng » rồi. Sắp cháy
túi mà hổng lo, liệu hồn. Tới phiên đó, bắn đi.
- Lại trật nữa chán quá, « ngáo
ộp » ơi. Không được bắn hất đâu nha, phải phạt đuổi ra luôn đó.
Huy Đức Tư là bạn học cùng lớp với
Khôi. Cả ba đều ở tại tỉnh lỵ chỉ có Khôi là từ ruộng đồng lên. Ngày xưa đi học
phần đông học sinh ở quê còn đi chân đất nên thường bị ghẹo là chân dính phèn.
Khôi cũng không ốm yếu nhỏ con, mặt mày sáng sủa không thua gì bạn bè ở thành
thị nhưng vốn nhút nhát kém tự tin, tính chất phác « nhà quê »
vẫn còn hằn trong cử chỉ điệu bộ, lời nói. Thấy gì cũng nhìn chầm chập, phát biểu
từ tốn tiếng nói sang sảng rõ ràng.
Khôi được bạn bè thích vì có nhiều tài
vặt như vót tre làm diều, vào mùa nắng ráo thả ngoài đồng ruộng vui chơi. Khôi
cũng biết dùng nạng ba làm ná bắn chim, bắt dế đá nuôi trong hộp quẹt biếu bạn
bè.
« Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi ».
Khôi
cũng biết cách hướng dẫn bạn bè qua cầu khỉ đến thăm vườn mãng cầu hay sơ ri
sum suê ăn thả giàn. Khôi vui vẻ kể cho các bạn tò mò về những lần đi soi bắt ếch
vào chập tối mùa mưa bị chụp ếch té lăn cù hay lúc bị kiến vàng « thui »
vừa hôi vừa khai vừa đau sưng nhức khi thọc lủng tổ kiến vàng để hứng trứng đem
về câu vó cá.
Khôi cũng không quên rủ các bạn về quê
mình xem tát đìa bắt hôi cá, gạn mương đầy nhóc cá kèo nhớt nhợt đang há miệng
hớp khí trời.
Ai hỏi gì biết thì trả lời biết không
khoe khoang khoác lác cũng không bao giờ chê bai quê mình khổ cực nghèo nàn.
Nhà nông là thế đấy, chân lấm tay bùn, sống theo thời tiết, hột lúa là hạt ngọc
trời ban, đầu ngẩng lên không trung chân đạp đất
« Mong cho chân cứng đá mềm,
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”.
-Anh Khôi ơi, Em có lá dừa đây, anh kết
cho em vài chiếc thúng để tụi em bán hàng. Duyên đứng bên hàng rào gọi trao cho
Khôi một mớ lá dừa.
- Cần gấp không Duyên?
- Chừng nào cũng được, à mà càng sớm
càng tốt. Cám ơn anh Khôi lắm lắm đó nha.
Duyên vừa
định quay vào nhà thì nghe tiếng quát :
- Duyên, lại vòi vĩnh anh Khôi gì nữa
đó. Nhõng nhẽo quá mét má cho xem.
Duyên nhanh chân chạy thoát vừa ngoái cổ
cười khoe má lúm đồng tiền :
- Em mượn anh Khôi làm dùm một tí thôi,
em cũng cám ơn ảnh rồi.
Day sang
Khôi Huy bảo:
- Con bé nầy nó ngoan nhưng cũng biết
cách bắt nạt người khác lắm. Mầy chìều chuộng nó riết nó lừng đấy. Mỗi lần nó
mượn tao làm gì mà tao cự nự là nó sà đến bến tao thủ thỉ: Cho em qua mượn anh
Khôi nha. Anh bảo anh Khôi cái gì cũng làm được hết mà. Mầy thấy con gái nó
khôn đáo để chưa?
Khôi chẳng
biết ất giáp gì về con gái hết mà nhất là ở thành thị nữa. Khôi chỉ có một chị
cả đã gả chồng mấy năm nay rồi nên chỉ cười cười nghe thôi.
- Tức cười lắm nó treo lủng lẳng tòn
teng mấy con cào cào châu chấu mầy thắt bằng lá cau lá dừa. Nó còn chỉ cho bạn
nó lấy lá bàng làm mũ, vương miện làm bạn nó lé mắt luôn. Có lần tao bắt tại trận
tụi nó giả đàn ông, lấy lá chuối tỉa làm râu dài, dùng đọt bông bụp làm râu cá
chốt, râu bắp khô làm râu quay nón đi xe bằng tàu, mo cau khô có người kéo. Nó
nói mầy còn chỉ nó làm súng bằng rọc lá chuối nữa.
- Lắm
lúc nó kể về mầy mà tao cứ tưởng mầy là anh nó vậy. Nó còn bảo là mỗi lần mầy
làm gì dùm nó, mầy bảo để thưởng nó ngoan học giỏi.
Còn ngược
lại sụt hạng thì mầy không nói gì cả. Có lần nó nhờ tao qua nói với mầy là tuần
nầy nó học giỏi trở lại rồi. Nó cứ đòi về thăm ông bà nội mỗi lần nghỉ lễ để
coi tụi mình thả diều, bắn chim, trèo cây hái trái. Con bé còn mơ mộng lắm
thích ruộng vườn chưa nghĩ đến nỗi vất vả cơ cực của cuộc sống nông thôn.
Càng chơi với mầy rồi, tao mới thấy mầy
chịu đựng giỏi thật. Tưởng mầy cục mịch quê mùa khờ khạo thế mà ăn hiếp mầy
không dễ đâu. Mấy thằng con nhà giàu tướng trói gà không chặt không bắt nạt mầy
được vì mầy học khá giỏi, khỏe mạnh. Có mầy bên cạnh tụi nó ít dám ăn hiếp tao
nữa.
Thời gian trôi qua. Khôi cùng các bạn
lên Saigon tiếp tục học Trung học, Khôi Huy đậu vào trường công , các bạn khác
học trường tư thục nên họ ít còn dịp gần nhau như trước.
- Anh Khôi, phải anh là anh Khôi không?
Ngạc nhiên quay lại trả lời giữa đoàn
người đang chen chúc vào hội chợ triển lãm.
- Dạ phải. Mà xin lỗi cô, cô là
Chưa dứt lời là nghe cô gái vui vẻ nói :
- Cô cô,
trái dừa khô, cô lô cốc lốc ấy, anh không nhận ra ai à. Cái anh nầy sao mà
chóng quên quá. Lâu rồi mới gặp lại anh. Anh ít lên chợ lắm phải không ?
Nhìn nụ cười với má lúm đồng tiền sâu, tim anh như
đánh thót, ánh mắt anh sáng lên mừng rỡ.
- Bé
ba Duyên phải không ? Nếu không gọi, đụng đầu chắc tui cũng không nhận ra
đâu.
- Bao
nhiêu năm rồi mà anh vẫn cứ tưởng hồi nào năm xưa em còn hay mè nheo nhõng nhẽo
đó nữa hả, em lớn rồi chớ bộ, anh Khôi không thấy sao ?
Khôi cảm thấy vui lây với tính hồn nhiên và cảm động
trước lời nói chân thành dễ thương của Duyên.
- Thời
gian qua nhanh thật, mới ngày nào.. , cho xin lỗi nha. Mà Duyên đi với ai
vậy ?
- Với
mấy con bạn thân của em ngày xưa, mấy đứa ỡ phá như giặc ữ như anh
Huy thường nói. Tụi nó đang chơi câu vịt hay mua vé xem mô tô bay do cô Bạch
Yến lái. Còn anh đi với ai ?
- Mình
ênh. Ở quê mới lên nên chưa rủ ai đi được hết. Lâu lâu có kermesse hội chợ thích
quá nên đi xem cho biết, không ngờ gặp lại Duyên ở đây, mừng thiệt mừng. à, hai
bác khoẻ chứ Duyên ?
- Dạ
cám ơn anh. Lâu lâu má cũng nhắc đến anh, hỏi anh hai có còn liên lạc với anh
thường không ? Năm nay thi chắc các anh phải gạo dữ lắm.
Khôi
không trả lời câu hỏi của Duyên mà trầm ngâm bảo :
- Mới
ngày nào mà bây giờ mình lớn hết rồi phải không Duyên ? Không ngờ Duyên
còn nhận ra mình, hay thật.
- Ơ
cái anh nầy thật vô tình vô tâm làm sao đâu á ! Duyên không nhớ anh thì nhớ
ai bây giờ. Lúc nhỏ anh chẳng bênh vực cho Duyên luôn sao ? Hồi đó mỗi lần
bị các anh ấy ghẹo là mít ướt, ốm
như còng gió, phá đám, không cho em chơi chung, la rầy khi em đứng xớ rớ
bên cạnh, riêng anh, anh nói nhỏ : Bé ba, đứng dang ra xa xa đi, không ấy
tụi anh chạy đụng té đau lắm.
Rồi
anh thấy em phụng phịu hờn dỗi chạy đi chỗ khác, thế nào chiều lại anh
cũng bắt đền cho em khi thì bằng con cào cào châu chấu chính tay anh thắt
bằng lá cau tây, khi thì chiếc cà rá bằng hột nhãn, vòng đeo tay xâu bằng hạt
bo bo ngà ngà hay hạt keo ù đen nhánh. Anh chẳng bao giờ chờ em nói cám ơn, chỉ
đưa qua hàng rào thôi rồi quay ngay vào nhà. Ông bà cho anh trọ học cũng khen
anh ngoan hiền dễ chịu lắm.
Duyên
nói một hơi như sợ không còn cơ hội gặp lại Khôi nữa làm Khôi nghe như đang sống
những ngày xa xưa, không thốt ra lời. Hạnh phúc thay cho những ai đã mang niềm
vui cho người khác !
- Lên
Saigon, Duyên ở đâu ? Cho Khôi biết địa chỉ đi ? Nếu không gì bất tiện
cho Duyên, có dịp Khôi sẽ đến thăm, Duyên cho phép nha ?
- Không
có gì khó khăn hết, phép với tắc, Duyên mừng thôi. Chỗ em trọ cũng dễ tìm,
không xa trạm xe buýt lắm. Anh ghé đi, em sẽ giới thiệu anh cho mấy con bạn em,
hết xẩy thật mà, không kém miss nầy hoa khôi nọ bao nhiêu, nếu dự thi tuyển Hoa
hậu chắc cũng không đến nổi cầm cờ đỏ đâu, á khẩu luôn.
Đang nói ngon trớn thao thao bất tuyệt thì nghe tiếng
gọi :
Duyên
ơi, có vé rồi, lẹ đi vào ngay.
Duyên vội đọc địa chỉ của mình cho Khôi ghi rồi
chia tay :
- Duyên
đi đây, hẹn gặp lại , nhớ đến thăm Duyên nghe anh Khôi.
Từ
ngày gặp gỡ không hẹn mà đến ấy, Khôi cũng nôn nả chờ cơ hội thuận tiện ngàn
năm một thuở nầy :
« Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không ? »
Khôi
như bị tiếng sét của dĩ vãng đánh thức tình cảm sâu lắng đè nén bấy lâu nay,
tâm tư của một người con trai đồng nội thành thật e dè không cho phép mình mơ ước
viễn vông. Từ ngày mẹ mất, ba tục huyền, dù chưa có em cùng cha khác mẹ, Khôi cảm
thấy mình lắm lúc cũng lạc lõng cô đơn. Khôi thông cảm với cha vì công việc đồng
áng rất bề bộn vất vả, cha cũng cần bàn tay phụ nữ quán xuyến tề gia. Thời bấy
giờ nhiều ông khác còn công khai hoặc lén lút lập phòng một phòng hai, con cái
nhiều giòng nữa là.
Khôi còn
nhớ ngày mãn tang mẹ, trước họ hàng hai bên nội ngoại, ba đã đưa Dì hai ra mắt.
Chị Thắm đã được cha bàn trước rồi, còn Khôi vì đi học luôn, xa nhà thường
không dự được ngày giỗ mẹ nên chỉ được cha giới thiệu ngắn gọn khi Khôi về thấy
có người lạ trong nhà. Dì hai hiền lành, siêng năng, ít ăn ít nói. Từ ngày có mặt
dì trong nhà, ba Khôi bớt cực nhọc hơn, vợ chồng chị Thắm cũng rảnh tay hơn lo cho các con nhỏ. Khôi chỉ biết
vùi đầu vào việc học, không dám tiêu xài phung phí, ăn vặt xem phim. Làm gì có
chuyện dạo phố rửa mắt tán hươu tán vượn bát nháo với bạn bè chứ đừng nói đến
chuyện thử làm quen bạn gái. Hoàn cảnh khó khăn không cho phép nên Khôi sống
khép kín lạnh băng ít giao du.
Thế
mà, chỉ cần một câu nói nhẹ nhàng cũng gợi bao chuỗi nhớ xao xuyến tâm tư, như
cơn gió thoảng trong buổi trưa hè nắng gắt
làm dịu bớt sức nóng của châu thân, một bậc thang làm tình yêu thăng
hoa.
Gửi
chiếc xe đạp cà rịch cà tàng ở chỗ giữ xe mướn, vuốt sơ lại bộ quần áo kẻng
của mình, lấy trong túi tờ giấy ghi địa chỉ, Khôi lửng thửng đi lần tìm số nhà.
Tiếng nói cười đột ngột reo vang :
- Tụi
tao về nga Duyên, khỏi tiễn chân đi.
- Đừng
cấm cung hoài có ngày hóa đá thành Hòn vọng phu.
- Bậy
rồi, làm gì có phu mà vong với vọng, hòn vọng lâu đó. (lâu nói trại của chữ
love tiếng Anh)
Tiếng nói cười bổng nhiên ngưng bặt vì một cô đi thụt
lùi ra cửa vừa suýt đụng vào ai đó loạng choạng vừa la : Ý, Ỷ xin lỗi.
- Dạ
không sao cả. Tôi cũng bận tìm số nhà nên không để ý.
- Ủa ai
như anh Khôi, à đúng rồi. Duyên vừa nhìn thấy Khôi vội chạy ra reo lên. Các bạn
gái đều khựng lại giật mình :
- Trời
đất, anh Khôi đây à. Mới nhắc đến là anh hiện ra rồi. Hay chưa.
- Thần
thông cách cảm mà.
Duyên
vội đở lời trước sự tấn công ồ ạt vô tội vạ, đầy cảm tình của các cô bạn phá có
tiếng của mình :
- Em đã
bảo trước với anh rồi mà, anh thấy em nói có đúng không, đứa nào cũng dễ thương
hết mà thương không dễ đó. Để em giới thiệu tụi nó với anh nha.
Cả bọn nhao nhao : Thôi để hôm khác anh
trình diện với tụi em. Hôm nay xin nhường độc quyền cho Duyên. Biết mặt anh rồi
khó thoát với bọn em lắm đó. Xin phép anh tụi nầy về không dám ở lại lâu thêm,
mai nầy Duyên nó nhéo chết.
Nheo
mắt với Duyên, cô thì cúi chào cô vẩy tay từ giả Khôi vui vẻ ra về. Khôi lần đầu
tiên gặp tình huống nầy nên cảm thấy vụng về không biết làm gì tay chân như dư
thừa luống cuống.
- Anh
vào nhà chơi, tụi bạn em nói gì là làm nấy, anh đừng để ý bận tâm thắc mắc mà
làm chi. Anh tìm nhà có khó không ? Anh đến đây bằng gì ? Anh ngồi xuống
đi, anh làm gì mà ké né dữ vậy ?
- Cho
phép anh chào người nhà của Duyên.
- Không
có ai ở nhà hết. Thường chỉ có dì hai lo cơm nước, hôm nay dì bận việc đi đến
chiều mới về. Nhà nầy là của thím em. Chú mất lâu rồi, chú thím chỉ có một người
con gái đã lập gia đình. Thím làm chủ tiệm phở ở chợ An Đông nên đi sớm về trễ
luôn. Ở trọ đây toàn là cháu bà con bên chú hoặc bên thím thôi. Vì vậy chị nào
đã đi làm thì ở trên lầu với thím còn bọn choai như tụi em thì ờ dưới nhà.
- Vậy
là bác gái đỡ lo.
Duyên nheo mũi lại nói :
- Cái
anh Khôi nầy, lúc nào trong đầu cũng lo với lắng. Bộ anh tưởng con cưng là con
hư à. Đâu phải vậy, em vẫn ngoan như hồi nhỏ, anh nhớ không, trước kia có bao
giờ anh giận được em chưa. Tin em chứ ông anh hiền như cục bộ ?
Khôi
thấy mình như bé bỏng trở lại, một thứ tình cảm quen thuộc mà từ lâu anh thiếu
vắng bao trùm lấy anh. Nhớ lại ngày còn mẹ, cuối tuần về thăm, cái nhìn dịu
dàng mừng rỡ thương cảm, những câu hỏi không đầu không đuôi, lắm khi tức cười,
cử chỉ săn sóc ngầm cho đứa con trai còn nhỏ đi học xa nhà, bao nhiêu năm rồi
Khôi không dám nghĩ đến.
Người phụ nữ chỉ là cái xương sườn cụt
của người nam nhưng cũng là chiếc gậy thần huyền diệu, làn gió mát tạo bất
ngờ. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, với lời nói chân tình không màu mè kiểu
cách của Duyên, Khôi cảm thấy như đươc săn sóc vỗ về, bớt cô đơn.
- Anh
nghĩ gì mà thừ người ra vậy ? Duyên vừa cười vừa đặt ly nước mát trước mặt
anh. Lâu nay anh có gặp anh Huy không ?
- Vào
trường chỉ thấy nhau xa xa thôi chứ cũng không có dịp nói chuyện. Hè Khôi cũng
ít về quê vì lo kiếm việc làm thêm, Tết thì phụ lo công việc ở nhà với ông già,
ít gặp bạn bè cũ lắm. Tệ quá hồi nãy giờ mà quên hỏi việc học hành của
Duyên ?
- Đố
anh đó, bây giờ em học lớp mấy rồi ? Nói không đúng em phạt cho mà xem.
Khôi
lẩm nhẩm :
- Ừm… Duyên
nhỏ hơn anh Huy 3 tuổi, vậy năm nay em học lớp Đệ tứ, sắp thi Trung học đệ nhất
cấp, nhanh thật.
Duyên
hai tay vừa vỗ nhẹ vào đùi vừa cười khoe hàm răng đều trắng, đồng tiền như lúm
sâu thêm. Chưa bao giờ Khôi có dịp ngồi đối diện chuyện trò riêng với người con
gái, Khôi cảm thấy lúng túng mất tự tin mà hay hay là lạ làm sao, may là Duyên
rất hồn nhiên không kiêu căng khách sáo để ý :
-
Anh đúng
là anh Khôi rồi không chạy đâu được hết. Anh Huy cứ bảo anh chẳng
nhữnglà con mọt
sách mà còn có trí nhớ voi nhớ dai đáo để, học đâu nhớ đó mà lắm khi nhớ
chuyện tầm ruồng không cần thiết như nhớ cả trang sách bài nào số mấy nữa.
Duyên thì hay lo ra quá, chắc không học lên cao nổi. Má em còn bảo con gái mà học
cao dễ ế lắm, anh nghe có ức không ?
- Bác
nói cho vui thôi chứ bác đã để cho em tự do nắm lấy tương lai cuộc đời rồi.Còn
mẹ là có phúc lắm đó em.
Bất giác Duyên nhớ lại Khôi mồ côi mẹ từ nhỏ nên
nhìn anh như ngầm xin lỗi cảm thông bắt qua chuyên khác.
Rồi
hai cô cậu như quên mất thời gian, chuyện trò như hai người bạn thân nhau từ
thuở nào. Duyên kể chuyện liếng thoáng có duyên ân cần săn đón hỏi thăm làm tan
biến cái vỏ nước đá bọc ngoài để lộ rõ con người chân thành đầy tình cảm đứng đắn
của Khôi. Họ mừng khi gặp lại và vui hơn lúc chia tay. Một thứ tình bạn được
thăng bậc tuyệt vời.
Từ đó
trở đi, lâu lâu có dịp là Khôi tạt ghé thăm Duyên. Rồi Khôi đỗ vào Đại học Sư
phạm, Duyên vào trường Nữ hộ sinh Quốc gia. Không may sau đó, ba của Duyên và cả
ba của Khôi đều bị bạo bệnh qua đời. Từ đấy Khôi cũng ít về quê dù bây giờ ngôi
nhà tổ đình đã được anh chị dời về ở chăm sóc. Khôi chỉ phải tự túc lo cho mình
nhưng không chật vật nhờ số tiền học bổng khá dồi dào lúc bấy giờ. Huy thì
không tiếp tục học, lập gia đình vừa đi làm vừa phụ mẹ có tiệm tạp hóa lớn ở
trung tâm thành phố.
Lắm lúc để cho tâm trí thư giản, Khôi cũng muốn
chạy đến bên Duyên chuyện trò, nhưng bản tính mộc mạc chất phác biết thân phận
mình làm Khôi chùng bước. Càng lớn lên Duyên càng tỏ ra thùy mị dịu dàng xinh đẹp,
Khôi cảm thấy như mình bị cuốn hút bởi mọi thứ ở Duyên từ sắc diện đến tính
tình. Cảm tình từ nhỏ đã bị đứt đoạn một thời gian nay như được nhân lên gấp bội.
Mỗi lần nghĩ đến Duyên Khôi cảm thấy như lòng mình yên ấm lạ, gặp Duyên luôn
luôn phải kềm chế lòng mình lại, Khôi không muốn Duyên phân tâm trong việc học
cũng như lo nghĩ gì cho mình hết.
Gia đình Duyên khá giả, bề thế còn Khôi thì chẳng
có gì ngoại trừ chức sĩ tử mộng tương lai mà biết đâu khi xếp bút nghiên theo
việc kiếm cung thì sĩ tử lại trở thành tử sĩ. Tình yêu có một chiều hay không
Khôi bất chấp, Khôi chỉ thấy lòng mình không biến chuyển thay đổi gì từ trước đến
nay đối với Bé Ba Duyên. Khôi không bao giờ có ước vọng được Duyên đáp trả vì
có bao giờ anh dám thố lộ tình cảm mình đâu. Anh không phải là robot, sắt đá mà
không thèm khát được yêu thương. Anh cũng như bao người thanh niên khác mà người
mồ côi còn cần hơn nữa.
.Do
đó Khôi chỉ có điều tâm nguyện là tập trung vào việc học không dám phân tán tâm
trí vào những chuyện lo nghĩ mộng mơ xa xôi. Nhưng điều ao ước âm thầm trung thực
nhất vẫn là với số vốn kiến thức học vấn đầy triển vọng tương lai, anh hy vọng
giữ được cảm tình và lòng quí mến của Duyên dài lâu hơn đợi đến lúc chín mùi.
Có thử lửa mới biết độ vàng ròng, phải qua thử thách mới khám phá lòng mình và
tình sắt son của thiên hạ.
Không
bao giờ Khôi có cử chỉ khác lạ gì đối với Duyên, dù có đôi lần Duyên gợi chuyện
như dò ý anh môt cách bâng quơ :
- Anh
Khôi à, hôm nào Thoa bạn em thấy anh đến thăm ai ở cùng đường nhà nó, nó còn bảo
nhà đó có mấy cô gái xinh lắm .
- Vậy
hả, Khôi có đi kèm trẻ em tư gia vài nơi không biết Thoa muốn nói đến nơi nào.
Mà các cô thì ai mà chả đẹp phải không Duyên ? Riêng Khôi chừng nào có gì
nhúc nhích trong tim, anh sẽ đến nhờ Duyên nha ?
- Duyên
sẽ được anh giao phó chức vụ gì ? Làm mai để được ăn đầu heo, tiểu đồng
liên lạc hò hẹn trao thư, cố vấn gỡ rối tơ lòng ?
Khôi
chậm rãi không đắn đo nói :
- Bạn
tâm tình thôi. Cho đến bây giờ anh cũng chưa có quen thân cô nào khác ngoài
Duyên đâu, Duyên biết rành về anh hơn ai hết, có nhiều vấn đề còn hiểu hơn anh
nữa là.
Duyên thoáng giật mình khi Khôi mở đầu câu nhưng
nhìn vẻ mặt hiền lành thật thà đôn hậu của anh, Duyên nghĩ anh vô tình hé mở
lòng mình không hậu ý, nói bóng nói gió tỏ tình. Để trấn an con tim trở chứng
đang đập liên hồi, Duyên vừa nói giả lả vừa đưa bàn tay qua lại trước mặt
Khôi:
- Anh
làm sao thế ?. Cho anh nghĩ lại đó, uốn lưỡi bảy lần đi rồi tính sau.
Có tĩnh trí thì phải nhớ lời đó nha. Thật ra anh có gì nhờ Duyên thì anh đừng
ngại như ngày xưa có bao giờ em ngán mượn anh đâu. Bây giờ chúng mình cũng lớn
hết rồi nhưng vẫn chưa có gì thay đổi phải không anh ? Chắc anh biết chuyện
anh Huy em chứ ? Ảnh đã cưới chị Trâm rồi. Nhớ thời kỳ hai người đang tìm
hiểu nhau, khắng khít ra rít mà hờn dỗi rồi làm hòa cũng thường xuyên, thật tức
cười. Trước đó ảnh có về xin má em đậu Tú tài xong là cưới ngay. Má em còn khuyến
khích :
« Cưới vợ là cưới liền tay,
Đừng để lâu ngày có kẻ dèm pha ».
Chắc má em mong có cháu nối giòng quá. Còn anh, anh
có muốn em giới thiệu với cô nào em quen không? Bạn bè em, tụi nó cũng được lắm,
biết điều, biết người trên kẻ dưới, không có quá quắt, ngổ ngáo, hippy, vô tích
sự đâu.
- Vậy
à, anh tin em nhưng thật sự anh cũng chẳng có thì giờ gặp các cô thường xuyên
đâu. Chuyện đó bỏ qua một bên đi nha. Thôi bây giờ Duyên kể chuyện về em cho
anh nghe, anh chỉ cần biết chuyện gì liên quan đến Duyên thôi nếu Duyên không
cho anh quá tò mò tọc mạch.
- Em
thì chưa có gì đặc biệt để nói hết. Đúng ra lâu lâu Duyên cũng thấy mình buồn
buồn, buồn vô cớ mà chẳng biết tại sao.
« Cái
tình là cái chi chi,
Mà sao
ta cứ chi chi với tình ».
nhưng Duyên chưa quen với ai cả ngoài anh, sao kỳ vậy
anh Khôi ?
- Trời
đất ! Nhè Duyên hỏi ngay cái thằng bù trất về vấn đề phức tạp huyền
biến nầy, anh xin đầu hàng thôi, mà thật ra chắc ai cũng vậy thôi Duyên à, người
bộc lộ kẻ khép kín như bưng.
- Mình
tưởng mình không có gì thay đổi nhưng cái nhìn của người ngoài lắm lúc cũng làm
mình muốn nghẹn thở đứng tim.
- Tiếng
sét rồi à ? Khôi vội hỏi.
- Phải đuợc thế thì cũng đáng đời. Đằng nầy
không ăn mà chịu mới chán chứ. Chỉ một chuyện nhìn lầm cỏn con thôi, một câu
nói đùa vô tội vạ cũng gây bao phiền toái, làm mình mất ăn mất ngủ, chịu hàm
oan mà có miệng như không, không thể nào cải chính biện hộ được. Có lần em bị
má em bố quá xá vì có người nói thấy em dung dăng dung dẻ đi với bồ làm bà già
lo quá hạch xách đủ điều. Càng nói không thì càng bị nghi ngờ cho là dối trá dấu
giếm, bắt mình phải tự thành khẩn khai báo thì được khoan hồng thứ tha giảm khinh.
Còn nếu khăng khăng chạy tội thì thuộc vào hàng có hồ sơ đen rồi. Ở đời người
ta dễ tin lời thị phi đồn đãi lắm.
- Nhất
là đối với các cô, quan niệm xưa chưa gột bỏ hết đâu. Nhưng dần dần hy vọng sẽ đổi
khác hơn. Mà bây giờ em đã có thấy rục rịch gì chưa ?
- Như
anh biết má em bà cũng có óc tiến bộ lắm, thế mà từ ngày ba mất rồi đến sức khoẻ
kém đi, má em cũng đổi tính nữa. Bà lo sợ cho những gì, dù bà biết có lo cũng
không được, nhưng cứ tưởng tượng đề phòng rồi thắc mắc viễn vông. Giúp ý kiến
cho người khác thì dễ như trở bàn tay, còn chuyện mình, gia đình con cái thì
xoay bồ bồ như « gà què ăn quẩn cối xay » lính quýnh lúng túng không
biết đường đâu mà mò, thế mới đúng là chuyện người thì sáng, chuyện mình
thì quáng? Má em tin con lắm chứ, nhưng đối với thế hệ cũ, các bà ít bộc lộ
tình cảm của mình. Các bà thương và dám hy sinh tuy ít khi nói cho con cái biết.
Vì vậy, nhất là sau khi ba em qua đời rồi, em cố gắng bớt gây phiền lòng má em.
- Anh
biết em ngoan rồi, mà có phải vì thương má, em có ý định sẽ ở vậy cho đến má em
già phải không ? Khôi buột miệng hỏi.
- Anh
muốn nói đến chuyện tương lai đó à ? Bạn bè em cũng hâm he em dữ
lắm đó. Tụi nó bảo cứ làm tiểu thư đài các ngồi trong ỡ phong the trướng ấm há
miệng chờ sung rụng vào mồm, những nàng Lọ lem thời đại hy vọng phước chủ may
thầy lọt vào mắt xanh, cú vọ của những hoàng tử họ Kiều thì có ngày hoa lạc
giữa rừng hoang, tan tành xí quách hết. Ngày xưa Khương tử Nha câu cá chờ thời
ra giúp nước, ngày nay các cô cũng phải học cách câu người. Nghe tụi nó phân
tích ỡ thời sự tình cảm ữ cập nhật hóa hiện đại, em tưởng tượng
mình như bà già trước tuổi lạc hậu, ‘sinh nhầm thế kỷ đang bị đẩy vào hậu
trường sân khấu về khuya rồi.
Khôi nhìn Duyên thương cảm đồng tình trong khi Duyên tiếp tục :
- Cho
đến giờ phút nầy em vẫn còn là em đó anh Khôi, em hạnh phúc với những gì em có
và trân quí giữ gìn, em vui buồn âm thầm với người mình thương yêu gắn bó không
mặc cảm. Ai khen em, em cũng vui vẻ nhận, ai chê thì càng phải cám ơn. Tuy nhiên
em vẫn không quá tính toán, tấn công chớp nhoáng, chụp giựt thời cơ, bất cần đời
để đạt mục tiêu như một lớp người thừa mứa vật chất hưởng thụ hiện nay. Em
không lập dị đứng bên lề cuộc sống nhưng mình cũng phải cố giữ cho bằng được cái
chất mình của mình phải không anh ?
- Vậy
có khi nào em có ý định đi tu không ?
- Em còn trần tục đầy mình, tâm chưa an lạc
đâu. Chuyện cao siêu đó khó quá đối với người phàm phu tục tử như em. Nếu ai
cũng cho là Tu là cõi phúc, tình là giây oan thì có lẽ không còn giống
người trên quả địa cầu nầy rồi. Vả lại đi tu không dễ đâu, đừng tưởng bở.
- Thấy
em hiền khô vậy mà chững chạc ra phết, biện luận vững chắc có hồn. Chừng nào
thi xong anh sẽ đến cho em biết kết quả. Chúc em may mắn đậu cao
trong kỳ thi ra trường. Anh về nha.
Ba năm trôi qua, cả hai đều ra trường,
Duyên được bổ nhiệm về quê nhà, Khôi đến một Trung học miền Hậu giang. Ngày
Khôi đi chọn nhiệm sở, Duyên sốt ruột mong Khôi đến vì Duyên lo ngại biết đâu lần
gặp gỡ nầy là lần cuối, mỗi người mỗi hướng rồi. Viễn ảnh mất liên lạc với Khôi
làm Duyên như nghẹn thở rụng rời. Duyên chợt khám phá ra gần Khôi Duyên cảm thấy
yên tâm lạ. Cái nhìn của anh thật hiền hòa sâu thẩm, mắt anh như rực sáng khi chăm chú nhìn Duyên, còn nụ cười như rạng
rỡ hơn bên Duyên, giọng nói anh sao mà trầm ấm bao dung.
Có lần Dung bạn thân nhất của Duyên thắc
mắc hỏi:
- Mình hỏi thật bồ nha, bồ có gì với
ông Khôi không? Nếu không, tại sao bồ lại khép kín phòng the, làm tình làm tội
bao cây si vậy, ngay cả anh Vinh sinh viên y khoa sắp ra trường, đẹp trai đô
con, con nhà giàu hoc giỏi ‘mết’ bà như chết, đeo bà như đỉa mà bà vẫn né
tránh, dửng dưng chẳng chút đói hoài. Làm cao riết mất cả chài lẫn chì cho mà
xem. Tội nặng lắm bà biết không, chết xuống âm phủ rồi cũng bị đuổi lên vì chưa
dứt nợ trần gian đó.
- Nghe bà nói mà khiếp. Đối với anh
Vinh, mình chỉ quí ảnh thôi, mình lại biết mình không có năng khiếu, bản lĩnh của
một mệnh phụ phu nhân nên rút lui trước là thượng sách. Còn những anh chàng
khác, bà cũng biết đó là nét chấm phá vui buồn của cuộc đời để ý mà làm gì.
Riêng anh Khôi thì từ nhỏ đến giờ, mình
chỉ quen thân một mình anh ấy. Bà hỏi mình có gì với anh ấy không, biết trả lời
sao đây. Trước kia, thương ảnh mồ côi mẹ nên hay lân la trò chuyện cho ảnh
khuây khỏa nguôi ngoai mặc dầu chẳng bao giờ ảnh kể lể gì hết, ảnh luôn tự lập,
tự trọng, tự quyết. Chưa bao giờ anh có cử chỉ hành động nào sai trái, giữ đúng
cương vị của người bạn, người anh. Thú thật lắm lúc mình cũng bực lắm muốn phá
rào nghỉ chơi với ảnh cho ảnh biết tay.
- Thực hành nổi không, chắc là đại bại
từ đầu trước khi giáp trận?
- Ừa mà bà có hiểu tại sao không, kỳ lạ
quá. Lâu không gặp, lắm khi mình quạu quọ hờn ảnh vô cớ định cắt đứt với ảnh,
không thèm nhìn mặt nữa, nhưng chỉ cần tưởng tượng đến hình ảnh quay lưng đi
thôi là mình đã thấy cồn cào ruột gan, đứng trên dầu sôi lữa bỏng rồi. Nhớ ơi
là nhớ, chán mớ đời.
- Sao bà không thố lộ khối tình câm của
bà cho ổng biết? Anh Khôi, theo mình đoán, ảnh yêu bà lắm nhưng đã xem bà như
em gái rồi nên ngần ngại thôi. Hơn nữa gia đình bà có vẻ cũng treo giá ngọc con gái cao quá nên ảnh phải vạch
một kế hoạch tấn công riêng. Phải là một con người có ý chí, kiên nhẫn , ‘ thương
ai thương cả một đời’ mới như thế thôi.
- Bà nghĩ thật như thế à. Bà biết con
gái chúng mình mà, lắm lúc cảm thấy ‘ lòng vẫn biết nếu yêu rồi’ vậy mà cứ đắn
đo, câm như hến, ngậm đắng nuốt cay ‘ buồn tiển đưa’ khi:
“Ngày mai đám cưới người ta,
Tại
sao sơn nữ Phà ca lại buồn ».
Rắc rối éo le khó hiểu thật !
- Mình
thì khác.Mình không thích bắt cá hai ba tay, quen vung vít. Nhưng quan hệ đến mức
độ nào đó thì nên giải quyết êm đẹp, đâu ra đó, một đi tới hai chia tay. Có đau
nhưng không để khổ cho nhau.
- Giải
pháp đó hay, thực tế mà có mấy ai làm được. Tim và óc có khi cũng choảng nhau
như thường như lửa với nước..
Họ chia
tay nhau từ đó. Duyên về sống bên mẹ ngày ngày đi làm. Khôi bặt tin luôn. Bao
nhiêu người gấm ghé, Duyên vẫn xin mẹ cho tự do vài năm nữa rồi tính sau. Sốt
ruột ngầm, lâu lâu bà Tám mẹ Duyên cũng dò ý con khi thấy Duyên chịu khó viếng
chùa trong những ngày lễ lớn thường hơn. Huy đã bị động viên, Trâm theo chồng
nay đây mai đó, ở nhà chỉ còn lại hai mẹ con và dì hai giúp việc từ trước đến
giờ.
Tuy nhiên, càng lớn tuổi sức khỏe càng
kém đi. Bà Tám quyết định sang tiệm về ở hẳn ngôi nhà có hàng rào bông bụp ngăn
ranh
- Duyên à, sao con chưa chịu ai hết vậy?
Má muốn yên lòng hưởng tuổi già cho đến ngày về với ông bà và ba con nếu con
yên bề gia thất. Sau nầy lớn tuổi thường chỉ lập gia đình chấp nối thôi, rồi
con ông con tôirắc rối lắm. Đó là chưa kể đến việc ‘cát lầm ngọc trắng thiệt
thòi xuân xanh’ nữa. Chuyện trước mắt sờ sờ đó, cô thư ký tằng tịu với xếp lớn,
gả bán lầm với ngoại kiều giả quất ngựa truy phong dông về nước mất tiêu, thời
đại nguyên tử nầy nhiều bẫy bất ngờ lắm con cũng biết mà.
À mà sao hôm nay bổng dưng má nhớ đến
thằng Khôi. Không biết bây giờ nó làm gì ở đâu hổng biết? Thằng đó hồi nhỏ mồ
côi mà chịu cực có chí lắm.
Duyên giật mình cố lấy vẻ bình thản trả
lời:
- Con cũng không có tin tức gì của ảnh
hết, chỉ biết ảnh đã là giáo sư đệ nhị cấp rồi đang dạy đâu ở miệt Hậu giang.
- Vậy hổng chừng bây giờ nó cũng có vợ
con đùm đề rồi như anh hai con.
- Con không biết má à.
Duyên cảm
thấy tim mình như thắt lại, đứng lên lẩn thẩn lần ra cửa nhìn mông lung ra vườn.
Nhà bên cạnh đã thay đổi chủ. Vài đứa trẻ chạy vô ra đùa giỡn làm Duyên bâng
khuâng hồi tưởng cảnh ngày xưa có Duyên có Khôi. Để dấu nổi nhớ khôn nguôi trống
vắng, Duyên tét cọng lá cau tây thắt thành con chuồn chuồn quay quay lẩm nhẩm:
‘Chuồn chuồn có cánh thì bay,
Khi vui nó đậu khi buồn nó đi’.
Rồi một hôm bất thình lình mẹ Duyên ngất
xỉu được dì hai chở đi cứu cấp. Qua cơn hoạn nạn trên, hậu quả nghiêm trọng hai
chân hoàn toàn tê liệt phải ngồi xe lăn.
Hay tin anh chị Huy tức tốc về thăm mẹ rồi lại phải đi ngay không thể trể phép
vì tình hình chiến sự bấy giờ thật sôi sục. Từ đó có nhiều đêm mẹ con nằm nhìn
nhau, mẹ Duyên thở dài dấu vội nước mắt.
Một ngày chúa nhật đẹp trời. Hôm nay dì
hai về thăm nhà, Duyên đem chiếc xe lăn của mẹ ra lau chùi lại để đưa mẹ đi dạo
một vòng thăm bà con. Đang chăm chú lui cui đập đập tấm nệm xe, một giọng trầm ấm
vang lên thật gần:
- Chào Duyên.
Quay phắt
lại, Duyên chỉ nói được hai tiếng ‘Anh Khôi’ rồi nước mắt lả chả trào ra không
ngờ được hạnh phúc tưởng đã quên.
- Anh đã được chấp thuận thuyên chuyển
về đây rồi. Từ nay chúng mình sẽ cùng nhau ở bên má nghe em.
Duyên nắm
chặt lấy tay Khôi kéo chạy phăng vào nhà reo lên:
“Má ơi,
anh Khôi đây rồi má ơi!”
Cô Trần Thành Mỹ