QUÊ HƯƠNG ĐẤT TỔ

                                 
      Cận cảnh hoa tre với những nhụy vàng lủng lẳng      


Ngày nay nếu chúng ta có dịp hỏi về quốc tịch của thế hệ trẻ Việt ở đất tạm dung, câu trả lời rõ ràng không chút đắn đo ngần ngại suy nghĩ là dân nước họ định cư, Mỹ, Pháp, Đức, Tiệp khắc, Nga... Trái lại cùng câu hỏi tương tự đặt với thế hệ trước, ít có người phát biểu một cách dứt khoát mà không một thoáng trầm tư nào đó hay thông thường nhất, xác định mình là dân nước sở tại thêm chữ gốc Việt như dân Canada, Úc...gốc Việt.

Một vài sự kiện thứ khác đáng chú ý nữa là nếu có dịp dự cuộc hội gia đình hay cuộc tổ chức  các phong trào hay Hiệp hội từ nhiều nước ngoài khác nhau, như cuộc họp giới trẻ thế giới, chúng ta phải nhìn nhận rằng đã có bao hiện tượng khác biệt biến chuyển bất ngờ khó tiên đoán trước được trong tư duy hình thể và tâm tình của giới trẻ trong và ngoài nước.

Thật ra nước Việt ta từ trên 4000 năm còn tồn tại giữ vững đất nước độc lập tự do nhờ tinh thần đoàn kết một lòng chống xâm lăng dù to mạnh đông văn minh hơn dù phải trải qua trăm năm hay nghìn năm đô hộ.

Vận mệnh Việt bao lần nghiêng ngả bởi chiến tranh xâm chiếm đồng hóa bao lần, ý đồ phân chia dân tộc, nội chiến, ý thức hệ choảng nhau, ngay cả thần quyền lắm lúc cũng đặt dấu mốc lung lay bôi xóa truyền thống cổ truyền.

Nói chung thế hệ trước đều có trải qua ít nhiều kinh nghiệm sống còn của một dân tộc, một quốc gia nhỏ bé mà hào hùng kiên định bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ truyền thống văn hóa văn minh, ngôn ngữ của mình. Còn thế hệ thứ ba thứ tư nầy, ở hải ngoại hay ngay cả trong nước sau 75, không thể có cái tâm tình ý thức của cha ông ngày trước.

Họ được sống trong và theo hoàn cảnh xã hội đuơng thời nhất là đất nước ta trong thời kỳ quá phức tạp éo le khó hiểu và đau thương, thay đổi tận cùng, thống nhất mà còn chia rẽ, chạy trốn vượt biên, sự ngỡ ngàng trước thực tế thân phận của bên thua phe thắng và chỉ còn có độc đạo tuân lệnh theo Nhà nước mới. Dạ dày đã bị buộc chặt rồi, tư tưởng như ván đã đóng thuyền, sai lệch đường lối đề ra là phản bội dễ mất mạng như chơi.

Ra nước ngoài, cuộc sống mới lạ chỉ có ảnh hưởng trực tiếp với thế hệ tha hương tị nạn sau 1975, cuộc đổi đời đúng nghĩa. Không một ai có thể đoán biết trước đưọc tương lai của một đàn chim Việt tung cánh theo vận may, đủ mọi thành phần tầng lớp xã hội, tuổi tác, tan tác chạy trốn bằng bất cứ phương tiện nguy hiểm đến tính mạng cũng không từ nan.

Thế hệ đầu tiên nầy sau bao nhiêu năm vất vả đã khẳng định được ý chí tự lập vươn lên vì gia đình con cháu, cũng có thể vì tự trọng tự hào dân tộc. Còn thế hệ sau, không được trang bị bằng tâm tình truyền thống lâu đời truyền dạy ở quê cha đất tổ, cộng thêm được sống trong một xã hội văn minh kinh tế thị trường văn minh tiến bộ thay đổi cật kỳ nhanh chóng “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào “, làm sao các bạn trẻ thông hiểu dễ dàng cái khúc mắc rắc rối khó hiểu của tình hình và nhất là nền chính trị Việt Nam, nguyên nhân trầm trọng nào đã đưa bao gia đình tha hương, cuộc trốn chạy thập tử nhất sanh, bỏ của chạy lấy người.

Hơn thế nữa bị cuốn hút vào trào lưu hành trình mới cho tương lai, các bạn trẻ chỉ còn biết  làm thế nào để hội nhập cho tốt để có một chỗ đứng trong nước định cư. Bằng cớ học sinh sinh viên Việt ta thường thành công trong việc học hành đỗ đạt. Nhưng các vấn đề khác liên quan đến đất nước mình, thế hệ thứ hai, ba như chưa sẵn sàng tìm hiểu để trở về nguồn.

Vả lại, phụ huynh thuộc thế hệ tha hương đầu tiên vì luôn lo toan xoay sở cho sinh kế gia đình, cố gắng nâng cao trình độ, khuyến khích con cái vươn lên, giúp đỡ thân nhân còn kẹt lại nên ít có dịp sống gần gụi với con cháu hầu truyền lại văn hóa tiếng mẹ và truyền thống dân tộc. Và không phải cha mẹ nào cũng có đủ trình độ học thức đạo đức, lòng kiên trì để thuyết phục con cái nghe mình, vấn đề tưởng dễ mà thật ra vạn nan có khi đến bất lực buông thả luôn.

Vậy lỗi tại ai?  Phụ huynh, con cáì ta? Nan giải, mỗi gia đình mỗi cảnh lên án ai cho đúng đây? Dễ nhất là  do hoàn cảnh, xã hội mới lạ, nền kinh tế thế giới, lòng tin lung lay,...

Việt nam ta với vị trí bao lơn rộng thuận lợi cho giao thông thế giới, tài nguyên dồi dào nguyên sinh hay chưa khai thác, chất xám chưa được đầu tư đúng mức hầu phát triển theo kịp trào lưu tiến bộ thế giới, khí hậu nhiệt đới gió mùa không quá khắc nghiệt như Phi châu, môi trường thiên nhiên nếu không bị chiến tranh tàn phá nhân tai và thiên tai, thật đúng là của quí trời cho. Thế mà dân tộc ta chưa chụp được cơ hội ngàn vàng cùng nhau phát triển mạnh đúng hướng để biến thành một con rồng Đông Nam Á, tiếc thay!

Điểm đáng lo ngại nhất là đã là thế kỷ 21 rồi mà còn có những kiểu xâm lăng thực dân tân tiến hiện đại mới, kẻ mạnh hiếp yếu bằng mọi thủ đoạn âm mưu chính trị, kể cả tài liệu pháp lý quốc tế giả mạo, sửa đổi tráo trở vô tiền khoáng hậu. Nhiều nước nhỏ đang lo đến sự xâm chiếm đồng hóa ngấm ngầm từ từ bằng kinh tế, bằng quân sự, bằng mọi thủ đoạn ngoại giao kể cả việc không áp dụng thi hành luật pháp quốc tế.

Không phải chỉ có Đông Nam Á mới có hiện tượng trên mà đã từng xảy ra ở vài nước khác trầm trọng hơn điển hình là Tây Tạng, Tân cương....Do đó người dân tị nạn lớn tuổi càng ngày càng như khó có cơ hội trở lại nước nhà. Và các thế hệ tiếp nối tản mác trên năm châu với ngôn ngữ văn hóa văn minh khác biệt, với tâm tình tư duy xa dần truyền thống của cha ông, hy vọng ngày trở về cũng như “gởi gió cho mây ngàn phương”.

Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng làm chao đảo tình hình thế giới trên mọi mặt. Cuộc chạy đua săn lùng thị trường mới ở các nước kém phát triển, chưa mở mang thật sôi nổi đòi hỏi nhiều kỹ thuật khoa học hiện đại tân tiến hàng đầu ngay cả chiêu thức ngoại giao. Thế giới trở thành như một bàn cờ quốc tế mà nay là bạn cờ mai trở thành đối thủ hay ngược lại.

Vả lại, thể chế chính trị khác nhau, ngay cả tôn giáo, việc thi hành Luật Nhân quyền cũng gây ra nhiều tranh cải, kiện tụng, bất đồng về việc thi hành hay vi phạm. Đúng là con người thường tự phong cho mình là người có lý, đôc tôn.

Do đó việc giúp đỡ, viện trợ ào ạt cho các nước nhỏ vừa thu hồi độc lập tự do không phải luôn luôn vô vụ lợi, có khi còn mang ý đồ bất lương vô nhân. gậm nhấm, đồng hóa đô hộ nô lệ. Đất nuớc ta là một điển hình sống động nhất trong lịch sử loài người.

Tình hình biển Đông chẳng hạn lại làm cho thế giới bàng hoàng với “cái lưỡi bò “ do Trung hoa tự vẽ ra để phân định hải phận ở vùng nầy và càng ngày càng tỏ ra bất chấp luật quốc tế gây hấn hăm dọa đánh chiếm bắt đầu các đảo các nước lân cận chung quanh, cũng là nguyên nhân trầm trọng cho việc phát triển phục hồi kinh tế nước ta.

Vị trí Việt nam có một vòng quạt tầm nhìn hoạt động xa ra biển, với thềm lục địa rộng dài đầy tiềm năng hay chưa khai thác, nhiều hải cảng thuận lợi có tầm vóc quốc tế nếu được sử dụng đúng mức, nhiều tài nguyên phong phú trên nhiều phương diện và nhất là dân số trên 90 triệu cũng là điểm nhắm mục tiêu của các bạn thù giàu nghèo trên thế giới.

Còn cái ròng rọc chiến tranh hòa bình cũng theo thời đại biết thay hình đổi dạng vị trí, giả thật bất ngờ, tung ra nhiều chiêu mới lạ trên trời dưới đất, cả không gian vô tận đến tận cùng đáy đại dương. Chẳng hạn như từ lâu các nhà chiêm tinh gia, chính trị gia hàng đầu thế giới cũng không tiên đoán đúng được các hiện tượng sử kiện quan trọng sẽ sắp xảy ra. Cuộc thế chiến thứ ba có sẽ ra không? Chiến tranh tôn giáo? Ngày tận thế ?  

Tất nhiên việc phục hồi kinh tế và phát triển đất nước không thể dễ dàng nếu chưa ổn định về mặt chính trị, và sự thay đổi khó ngờ tình hình thế giới. Ai ai cũng chạy đua nước rút tìm thị trường đồng minh mới trong khi đó vấn đề khác tranh chấp ảnh hưởng giữa các tôn giáo nổi lên càng tăng biến viễn ảnh hòa bình càng bặt tăm hơi.

Tiếc cho đất nước ta không thiếu điều kiện để canh tân phát triển mọi mặt thế mà đến thế kỷ 21 nầy vẫn còn thấy hố sâu giữa giàu nghèo hun hút sâu rộng,  tâm tình người dân chưa ổn tương lai giới trẻ bồng bềnh vô định. Rồi nếu thời gian chạy đua nầy càng dài, ảnh hưởng tốt xấu trong ngoài trà trộn lẫn nhau càng chỉ làm lòng người phân tán hơn. Mà thời gian chẳng bao giờ biết đợi biết chờ.

Tài nguyên và chất xám trong và ngoài nước chưa được khai thác sử dụng đúng lúc và đúng mức thì việc thất thoát biến thể phục vụ cho mục tiêu lý tưởng vụ lợi thấp hèn, thật đáng buồn.

Nhìn lại dòng lịch sử thế giới, chiến tranh vẫn là mặt trận hao mòn phá hủy chia rẻ tiêu diệt không tiếc thương mà hai phe thắng như thua đều là người thua cuộc. Ngay cả chiến tranh tôn giáo cũng khốc liệt tàn bạo vô nhân nữa là. Dù biết rõ trên đời con người luôn muốn sống yên lành hoà bình thế mà ở đâu có bóng dáng thế nhân lại có chiến tranh.

Một khía cạnh khác hữu hiệu của chiến tranh là tiến bộ. Khoa học kỹ thuật hiện đại trên mọi địa bàn giúp cho đời sống con người tiện nghi hơn mà cũng đưa kỹ nghệ vũ khí càng ngày càng tối tân tàn khốc hại đến tận cùng. Chiến tranh được dùng như phương cách lợi khí của giới kẻ mạnh độc tài xâm lăng luôn luôn cho mình lúc nào cũng lý, và càng ngày càng leo thang hơn trong mọi địa hạt kinh tế chính trị tôn giáo trở thành khủng bố vô nhân.

Không biết đến bao giờ con ngưười bớt nghĩ đến cái ta tối thượng để thế giới sống hòa bình đoàn kết giúp nhau tiến bộ. Thế hệ trước già đi không còn thời gian sức tài để phục vụ, thế hệ trẻ lại chưa có lý tưởng để theo, mà cũng chưa được trui luyện thuần thục hầu thực hìện mộng ước của cha ông. Tin ai gì bây giờ? Ngay cả khoa học kỹ thuật cũng thay đổi cấp kỳ, tôn giáo ư? Giới trẻ không còn tính vâng lời tuyệt đối của cha ông

Đứng trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của thế thời, lòng người của thế kỷ thứ 21 nầy bất an phập phồng lo sợ viễn ảnh tương lai, còn giới trẻ thì ngược lại. Ở các nước giàu có thì chưa được nếm cái cực khổ nguy nan, không thể hình dung nổi chân trần đào sâu cuốc bẫm biến “sỏi đá thành cơm”, “ thân phận nhà nghèo” sống trong “Lều chõng” nên rất hồn nhiên hưởng thụ mà nền tự do phồn thịnh đãi ngộ chẳng thắc mắc tìm hiểu làm gì. Chiến tranh trên tivi, họ xem như chứng kiến cuốn phim trực tiếp cực kỳ gay cấn hồi hộp nín thở thôi vì trên màn ảnh hiện đại còn có nhiều cảnh rùng rợn, phi thường, giả tưởng hơn gấp bội và gồm cả người ở các hành tinh khác nữa là.

 Con em Việt ta chẳng khác trong như ngoài nước cũng thế, thế hệ trẻ chưa trải nghiệm nào rõ ràng thật sự về chiến tranh và nhất là nội chiến. Càng lớn lên, họ có những nhu cầu thời đại riêng, tư duy tâm tình cũng bị ảnh hưởng môi trường sống càng ngày càng phức tạp gắp bội.


Nhưng dòng lịch sử vẫn tiếp diễn, nếu không biết sử dụng đúng lý và hợp thời thời gian với ý thức đấu tranh sáng suốt dám làm, kiên định và quyết tâm tất nhiên sự thay đổi và tiến bộ khó có thể xảy ra.

Ngày nay, với tinh thần và kiến thức thu thập mở rộng hơn, phóng khoáng hơn, cởi mở không còn bị ràng buộc bởi những tập tục lề thói xưa, hy vọng thế hệ thứ hai ba có thể làm chuyện đổi đời hoàn toàn không tiếc rẽ. Bao phương tiện hữu hiệu tân tiến giúp họ có cái nhìn rõ rệt hơn, phân biệt thật giả gian tà đúng hơn và từ đấy quyết tâm nắm tương lai vận mệnh mình tiến lên.

Hơn thế nữa với cái gên yêu nước Việt truyền thống bao đời cộng thêm kinh nghiệm sống còn của cha ông qua các cuộc chiến tranh lạnh nóng do các cường quốc đấu đá giành giựt nhau tìm thị trường mới, ý thức hệ chính kiến đối lập, hy vọng các thế hệ tương lai với ý thức suy nghĩ và kiến thức rộng khoáng, sớm biết đoàn kết nhau bảo vệ quê hương đất tổ trở về nguồn.

Cô Trần Thành Mỹ

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual