40 NĂM VIỄN XỨ …





Thấm thoát mà người Việt chúng ta xa quê hương đã 40 năm…Con số 20, 30 hay 40 năm thì thật đặc biệt. Năm nay nhiều cộng đồng người Việt ở hải ngoại tổ chức các buổi lễ tưởng niệm như Cám ơn Úc hay sáng tác bài ca Cám ơn Canada  (Thank You/Merci Canada) trong khi đó các tổ chức văn nghệ lớn cũng ra mắt những buổi đại nhạc hội như 40 Năm Viễn Xứ của Thời Báo Canada, 40 Năm Dòng Nhạc Lưu Vong (San Jose tháng 5) và Kỷ niệm 40 năm Viễn Xứ của trung tâm Asia, Gia đình Mũ Đỏ Kỷ niệm 40 năm lưu vong gây quỹ để giúp đở thương phế binh còn lại trong nước, v.v….

Mỗi khi nhắc đến ngày 30 tháng 4 làm cho chúng ta nhớ đến Cao Xuân Huy (bên dòng họ bà xã tôi gọi là anh Ben) về “Tháng Ba Gãy Súng” của một người lính Thủy Quân Lục Chiến đã vứt súng trên biển Thuận An, trong đoàn quân rút binh hỗn loạn, không được yểm trợ phi pháo, trước mặt là biển cả muôn trùng, sau lưng là giặc đuổi cận kề, mà không hề có tàu thuyền nào vào ghé bến. Những người lính dũng cảm mới hôm qua đây, phút chốc đã trở thành những mục tiêu cho những du kích bắn sẻ và những tên tiền sát viên địch điều chỉnh pháo binh, điều mà một người lính TQLC khác là Tô Văn Cấp đã đau đớn đặt tên cho chốn lui quân, nơi tuyệt lộ này là “pháp trường cát”, nơi chiến trường phơi thây bao chiến sĩ và nhân dân vô tội. Tháng Ba gãy súng làm cho chúng ta nhớ lại đoạn đường xương máu kinh hoàng từ Phú Bổn về duyên hải trong những ngày bỏ cao nguyên, làm tan rã một quân đoàn. Một cuộc rút quân không kế hoạch, không có cấp chỉ huy, không có quân bạn yểm trợ, đem con bỏ chợ, hỗn loạn và chết chóc khốn cùng. Người lính lâu nay ở với xóm làng, rừng núi, khuya sớm đùm bọc nhau, ngày nay một người lính lên xe ra đi, năm người dân bồng bế dắt díu nhau chạy theo. Nỗi đau trong lòng người lính hôm nay là không bảo vệ được người dân, vì vận nước, ngay người lính có súng mà phải vứt súng, có đất mà phải bỏ đất. Tháng Tư tan hàng, người lính bị trói tay, người lính bị phản bội, người lính ở lại sau cùng để cho những chuyến tàu chở người ra đi, để cho những chuyến phi cơ rời phi đạo đi về một chân trời hy vọng tự do, bỏ lại quê hương tù đày. Bao nhiêu thảm cảnh đã xảy ra cho miền Nam sau ngày “tan hàng” hay “mất nước”, danh từ sử dụng tùy theo sự suy nghĩ, nỗi mất mát và tâm trạng của mỗi người.”
Nếu ta chỉ đọc trên báo chí, nghe lời hô hào hay nhìn biểu ngữ trong các cuộc tuần hành, quả thật chúng ta thường thấy xuất hiện những tên gọi như Tháng Tư Đen, ngày quốc hận hay ngày Giải Phóng.. dành cho ngày 30 tháng Tư 75. Thế nhưng, ý nghĩa thật sự của nó với mỗi người Việt phức tạp hơn nhiều. Rất khó để tìm được một tên gọi chung. Cho mỗi người, ý nghĩa hay tâm trạng cá nhân về ngày này cũng thay đổi theo thời gian. Tâm trạng của tôi vào những ngày đó của 40 năm xưa đơn giản chỉ là tâm trạng của một anh sinh viên cặm cuội lo ăn học, mang nhiều mơ ước cho tương lai như bao con người bình thường khác... Với nhiều người thì có người buồn vì ngày mất Miền Nam Việt Nam, người thì mừng vì hoàn toàn thống nhất đất nước… nhưng dầu sao ngày 30-04 được xem là cái ngày khó quên với mọi người.

Thời gian qua, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu biến cố dồn dập đến trên thế giới nhất là tại Ukraine và bao nhiêu sự thật phơi bày trên đất nước, chúng ta không còn nhìn về ngày 30 tháng 4 như xưa nữa. Bây giờ “30 tháng Tư, 1975” là nguồn hi vọng khởi đầu cho một sự thay đổi của một chủ nghĩa như tại Đông Âu, tại các nước Liên Xô cũ và tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Vài bạn đồng môn thời trung học vẫn luôn nhắc nhỡ chúng tôi nên nhìn về phía trước mà sống, không nên nhìn lại quá khứ. Tuy biết thế nhưng cứ hằng năm mỗi khi cận ngày 30 tháng 4, đêm đêm tuyết trắng phủ xuống trần gian một màu tan tóc làm tôi trằng trọc và thỉnh thoảng hiện về trong ký ức vài ngẫm nghĩ về cái ngày đặc biệt khó quên này. Mới đấy mà chúng ta đã xa quê hương gần 40 năm với biết bao nhiêu kỷ niệm. Khi chúng ta nghĩ đến ngày 30 tháng 4 là đồng nghĩa với sự ly biệt, đau thương, ly hương nhung nhớ… Giờ đây, hơn 40 năm chúng ta đã sắp là những ông già bà già với một cuộc sống bình thường và trầm lặng.  Mỗi khi gặp gỡ, chúng ta thích nói về quá khứ, về thời học sinh. Người ta hay nói đó là qui luật tuổi già nhưng tôi lại nghĩ khác. Trao đổi tâm sự với bạn bè về thời trung học chẳng qua là chúng tôi muốn nhớ đến thời khắc dễ chịu nhất cũng là khó nhăn nhất của cuộc đời. Chia sẻ vui buồn với bạn bè trên mạng trong nhóm bạn cũ thời trung học để làm cuộc sống thú vị và làm trôi nhanh thời gian lúc nhàn rỗi. Mục đích chính của chúng ta vẫn là lo cho con cái thành công trong cuộc đời, hội họp bạn bè trò chuyện, chơi tennis và làm thiện nguyện. Chúng tôi muốn hưởng thụ tuổi già bằng cách đó. Và luôn luôn, chúng tôi né tránh những câu chuyện nói về chiến tranh.

Hơn nữa gần đây các bạn bè đồng môn thường gửi cho chúng tôi những bức hình trắng đen cũ qua mạng về quê hương càng khơi dậy lại tiềm thức tưởng đã lắng đọng trong 40 năm qua. Người Việt chúng ta ngày nay sống rãi rác khắp nơi trên thế giới, người thành công có, người kém may mắn cũng có, người còn người mất.

Chúng tôi tin rằng nhiều người Việt hải ngoại khác nhìn ý nghĩa của ngày 30 tháng Tư 75 không còn giống xưa. Tâm trạng của họ vào những ngày này mỗi năm cũng dần dần đổi khác. Qua nhiều năm tháng những khẩu hiệu, những lời hô hào trên ti vi hay máy vi âm cùng với những suy nghĩ phát đi từ vị trí những người trong một cuộc chiến đã chấm dứt lâu rồi, được nói ra cũng đã lâu rồi, có thể hay, có thể dở, có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, tất cả những cái đó khó thể phản ảnh những suy nghĩ, những vui buồn, những lo âu, những phấn đấu thật sự của đại đa số dân tộc ngày hôm nay. Tôi muốn nghĩ nhiều hơn đến những vấn nạn về văn hóa và đạo đức, những cuộc chiến mới, không súng đạn nhưng đầy cam go đang xẩy ra và những gì sẽ xẩy tới cho dân tộc như con không vâng lời cha mẹ, anh em lừa lọc cướp của lẫn nhau, ngược đãi hay bạc đãi người già…


Các bạn đồng ý với tôi là trong mỗi chúng ta vẫn còn phần nào ký ức thời chiến qua kinh nghiệm cá nhân hay theo lời kể của thân nhân cha mẹ cho những người không trải qua cuộc chiến tranh ý thức hệ tương tàn và những kinh nghiệm sống khó khăn thời bao cấp sau chiến tranh. Nhưng cuộc chiến không phải là gì đó để lại dấu ấn mạnh với họ. Chúng tôi muốn ghi lại để mà học hỏi và để mà tránh tái diễn. Còn với thế hệ con cháu sau này ở trong và ngoài nước thì cuộc chiến quá là mờ nhạt. Người dân trong nước ngày nay muốn thành công mạnh mẽ trong xã hội mới, kiếm tiền càng nhiều càng tốt, và hưởng thụ bằng tiền bạc kiếm được, đối với họ, hưởng thụ lành mạnh là đã giúp nền kinh tế đất nước, thứ ba là khẳng định mình qua việc làm giàu và hưởng thụ.


Khi người ta bàn tán về cuộc chiến tranh ý thức hệ thì họ hay phản ánh cuộc chiến ở mọi góc độ. Thế nhưng tôi thấy còn thiếu một góc rất tế nhị mà chưa nghe ai nói tới. Đó là sự thống nhất trong tư tưởng mọi thành phần trong cũng như ngoài nước luôn đi kèm với sự đoàn tụ. Chúng ta không bàn về chính trị chính em thì dư luận hải ngoại vẫn còn vương vấn với tương lai và hiện tình đất nước Việt Nam sau bốn mươi năm thống nhất.

Chúng ta nghĩ gì về nước Việt Nam trong 10 năm tới nhỉ!. Người ta tin rằng sống bằng hiện tại, làm tốt cho ngày hôm nay là cách sống đúng nhất. Còn người khác lại cho rằng năm 2025 là một ước mơ lãng mạn hảo huyền. Đọc qua những diễn đàn trên mạng BBC tôi vẫn còn cảm nhận hai dòng suy nghĩ của người Việt trong và ngoài nước. Tương tự có lần chúng tôi đọc được một đoạn viết của nhà sử gia Dương Trung Quốc có ý tưởng nếu có thể được « chúng ta cùng nhau làm một cái lễ hoá giải, xoá tội vong nhân ». Thật là một ý kiến hay và táo bạo. Tôi cảm thấy lời nói này tuy mang một ý nghĩa về tâm linh, nhưng có lẽ hằng triệu người VN, của cả hai phía cũng đều mong đợi khi mà cuộc chiến đã 40 năm trôi qua... Hơn nữa việc làm này nó còn có ý nghĩa rất quan trọng, có thể là một trong những cái mốc lịch sử để làm nền tảng cho sự thật lòng cùng nhau mưu tìm đến sự hoà hợp hoà giải cho dân tộc.

Sống dưới chế độ nào thì người dân phải chấp hành theo kỷ luật của chế độ đó, ở đâu cũng phải thi hành nhiệm vụ của người công dân. Chắc chắn rằng chẳng có người thanh niên nào lại vui sướng khi phải cầm súng giết hại anh em cả. Bên nào cũng có những bàn tay "lông lá" nhúng vào. Sau cùng chỉ người dân nghèo là gánh chịu những đau khổ là nạn nhân của tham vọng quốc tế mà thôi. Nay cảnh nồi da xáo thịt không còn nữa, ai sai ai đúng hãy để cho lịch sử phán xét, hãy để cho thế hệ sau này suy nghĩ chứ không nên quy trách nhiệm hay chê bai, moi móc đơn thuần cho một phía. Làm như thế chẳng phải trong tâm chúng ta lúc nào cũng còn lòng hận thù? Mà đã như vậy thì làm sao nói đến hoà hợp đoàn kết anh em cùng giòng máu Việt. Chính những người này là kẻ thù vì chỉ có kẻ thù mới luôn tìm cách gây chia rẽ.

Ở hải ngoại thì ngày này người ta gọi là ngày mất nước, là ngày Quốc Hận, mà trong 40 năm qua mỗi cộng đồng Việt Nam vẫn hàng năm tổ chức những lễ tưởng niệm để nhớ đến những người đã bỏ mạng trong cuộc chiến và trên đường vượt biên. Đối với cộng đồng người Việt sống tại hải ngoại ngày 30 tháng 4 không hẳn là ngày vui mấy. Ngoài ra những sinh hoạt này còn có một loạt bài viết về cảm nghĩ của người Việt sau 40 năm tha hương. Đa số nội dung các bài viết đều kể lại cuộc hành trình tị nạn đầy gian nan cực khổ lúc ban đầu khi xa quê hương, sau đó may mắn nhờ quốc gia thứ ba cưu mang giúp đở những bước ban đầu tạo, ổn định công ăn việc làm rồi có cơ hội kiếm tiền nuôi con cái trưởng thành và thành công, hưởng chế độ y tế và dưỡng già tốt, v.v…Thỉnh thoảng nhiều bậc cha mẹ muốn kể lại cho con cháu câu chuyện gia đình họ và giải thích cho con cái họ biết lý do tại sao họ đang sinh sống tại hải ngoại thay vì ở quê hương Việt Nam. Nhưng với sự giới hạn trong khả năng tiếng Việt của thế hệ đi sau và sự xa lạ của họ đối với Việt Nam, những gì mà các bậc cha ông muốn truyền đạt có thật sự được giới trẻ đón nhận hay không?

Những người trẻ gốc Việt sinh sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có thật sự ý thức được ý nghĩa của ngày lịch sử này hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Cuối cùng thì cũng khó mà khẳng định rằng giới trẻ gốc Việt có thái độ gì về ngày 30 tháng 4 vì giới trẻ này không phải là một khối đồng nhất như thế hệ trước vốn là những người tị nạn chính trị đã đi vượt biên. Nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn đang trong tình trạng tìm hiểu về quá khứ của mình, và khi làm việc đó họ sẽ không chỉ nghe theo những nguồn tin một chiều, mà họ sẽ phán xét mọi vấn đề để có những nhìn khách quan và triệt để.

Đọc qua những cuộc bình luận trên mạng, chúng tôi thấy là thế hệ trẻ hôm nay đã không còn dính líu gì nhiều đến cuộc chiến tranh. Họ đã thoát ra được những hận thù do kinh nghiệm đau thương đã mang đến cho gia đình họ, hay do sự khác biệt ý thức hệ CS – Tư Bản của các bậc cha. Chúng ta mong muốn tuổi trẻ hôm nay dù không còn hận thù nhưng vẫn nên biết về một giai đoạn của lịch sử đau thương này để vươn tới những điều tốt đẹp hơn cho cá nhân mình và cho đất nước.

Riêng thế hệ chúng ta thì bài học của dân tộc ta sau 40 năm là mọi người đã biết là từ 1 hòn ngọc Viễn Đông giờ Việt Nam thành 1 quốc gia tụt hậu đi sau các nước lân cận như Thái lan, Miến điện, Indonesia, Singapour, v.v…. Nhìn về tương lai đất nước thì chúng ta nghĩ Việt Nam bây giờ muốn trở lại vị thế đáng có của mình cần có sự thay đổi toàn diện để nhân tài được trọng dụng; người xứng đáng được lãnh đạo đất nước. Không còn cảnh được chỉ định; nhân dân bỏ phiếu.

Mỗi khi đến ngày 30 tháng Tư làm chúng ta suy nghĩ, tôi tự hỏi một người Việt Nam đang sống trên quê hương được chứng kiến những giây phút lịch sử trọng đại, đất nước Việt Nam thống nhất quang vinh như thế có buồn không?. Cuộc chiến đưa đến chấm dứt tình trạng chia đôi đất nước gần nhất tại Việt Nam cách đây đã gần 40 năm. Có nhiều ý kiến cho rằng đất nước thay da đổi thịt rất nhiều và vết thương chiến tranh đã lành lặn. Tuy vậy, có nhiều người vẫn khẳng định vết thương đó vẫn còn rỉ máu và khi vết thương cũ chưa lành lại có những vết cắt mới trên da thịt người dân. Suốt những năm tháng chiến tranh, người ta phải đi sơ tán để tránh bom đạn. Khi chấm dứt tiếng súng, họ trở về quê nhà để tạo lập cuộc sống. Người thì bỏ xứ ra đi lập nghiệp...

Bốn mươi năm qua, hai thế hệ đầu tiên của người Việt tị nạn đã hoàn thành nhiệm vụ đặt những viên gạch làm nền tảng cho gia đình và cộng đồng. Và tôi lại phải tự nhắc nhở mình 40 năm là thời gian dài lắm. Như những cây lúa đã dâng hết gạo cho đời, thế hệ trước tôi đã tới lúc đi vào giai đoạn cuối của hành trình. Đời sống ở quê hương mới êm đềm và đầy đủ. Nhưng trong tôi vẫn thường xuyên dậy lên nỗi "ruột đau chín chiều" khi nghĩ về quê cũ. Nhất là khi người thân yêu đã già. Nhìn họ và nghĩ đến lúc phải chia tay, tôi bâng khuâng như mất đi thêm một phần của quê hương… Đa số thế hệ chúng ta đã, đang và sắp về hưu muốn một cuộc sống nhàn hạ an thân. Một thiểu số người khác trở về quê hương để tìm lại kí ức thời ấu thơ và cũng để nối lại tình thân. Có người thích làm thiện nguyện, kẻ thích hội họp bè bạn chơi thể thao để duy trì sức khỏe tốt về già. Thiểu số khác năng động hơn trở về VN giúp đỡ dân trong nước dưới nhiều hình thức khác nhau – dạy học, tư vấn kỹ thuật, đầu tư trực tiếp, v.v…

Đối với người Việt trong nước thì trong thời chiến tranh sự sang giàu giữa những tầng lớp người dân không rõ nét; nhưng nay khi chấm dứt tiếng súng, bom đạn, các thành phố được xây dựng lại khang trang, các khu công nghiệp, nhà máy mọc lên, đường xá rộng rãi thẳng tắp, thì người ta lại thấy sự cách biệt giàu nghèo quá rõ. Nhiều người trở nên giàu có nhờ vào những mảnh đất trước đây là ruộng nương, vườn tược hay thậm chí đất ‘chó ăn đá, gà ăn muối’, mà người muốn có thu nhập từ đất phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được cái ăn. Người dân mất đất phải tha phương hay ngụ cư trên chính mảnh đất của bao đời cha ông cho đến họ sinh sống. Trước những bất công đó họ chỉ trông chờ vào công lý. Nhưng rồi luật pháp nằm trong tay kẻ mạnh, mà việc khiếu kiện dù có đúng và được trung ương có ý kiến đưa về địa phương giải quyết nhưng rồi như một trái banh, đá qua đá lại, lăn lên lăn xuống. Câu nói từ xưa của dân gian ‘con kiến mà kiện củ khoai’ lại đúng như thời xưa trước. Theo Thanh tra chính phủ việc khiếu kiện đã xảy ra từ nhiều năm qua, mà địa phương không giải quyết đến nơi đến chốn, đùn đẩy, né tránh. Tham nhũng đất đai là căn bệnh mãn tính và lòng tham đó khiến nhiều quan chức trở thành ‘dã man’ với chính những đồng bào của họ.

Những năm gần đây có dịp trò chuyện với giới trẻ ở trong nước, tôi đã thấy một thế hệ mới mà tôi vẫn gọi là thế hệ tự thức, họ vô can trong cuộc chiến vừa qua, mặc dù vẫn có những hệ lụy ít nhiều với từng con người trong số họ. Nhưng họ không nhìn về quá khứ, họ chỉ nhìn về phía trước và họ biết họ phải làm gì bây giờ.

Đã từ lâu lòng thù hận đã đi vào quá khứ. Người Việt trong nước luôn mong mỏi có đời sống khá giả và thoải mái hơn. Nếu quý vị đi du lịch VN, theo dõi mặt trái các sự kiện trên báo chí VN hay trò chuyện với bạn bè thân nhân, quý vị sẽ nhận ra dân VN đã và đang quên dần thù hận chiến tranh giữa các phe phái, phản ánh của họ từ sau "đổi mới" là nhà nước phải mau chóng hòa hợp, hòa giải dân tộc để đáp ứng căn bản các quyền tự do dân chủ, rất khác biệt với chế độ hiện tại, đồng thời với những nhu cầu phát triển kinh tế. Người Việt bản xứ cố gắng làm việc và làm giàu để đổi đời. Thí dụ gần đây tạp chí nổi tiếng Forbes loan tin cho biết nhà doanh nhân Phạm Nhật Vượng (Vinagroup) có số vốn 1.5 tỷ US và được xếp vào danh sách một ngàn thương gia giàu nhất thế giới. Nhưng có một điều về ông Vượng mà có lẽ không ai biết đến. Năm 2011 tôi có dịp về viếng thăm chùa Sùng Đức ở Thủ Đức và có dịp trò chuyện với sư thầy trụ trì. Sư thầy cho biết ông Vượng tuổi mới hơn 40 nhưng tính tình rất bình dân và độ lượng. Ông tốt nghiệp kỹ sư bên Ukraine và mua một hãng làm mì gói bên ấy để kinh doanh. Năm 2001 ông bán hãng mì cho tập đoàn Nestlé Hà Lan rồi lấy vốn về Việt Nam đầu tư những công trình đồ sộ như Vinapearl Resort Nha Trang, vài thương xá nỗi tiếng ở Sài gòn như tòa nhà chọc trời Vinacom và nhiều dự án xây thương xá khác. Ông rất “ngoan đạo” và rất thấm nhuần kinh Phật. Ông cho sư thầy biết vì nhờ lòng tin và được hưởng đức của Phật nên ông mới thành công như ngày nay. Vì thế ông rất rộng lượng và cống hiến một phần vốn của ông cho Phật. Năm 2010 ông thuê một chuyến máy bay đưa 150 sư sải đi hành hương ở Nepal. Không những ông thuê bao máy bay, ăn ở hotel trong 10 ngày hành hương mà ông còn đích thân trao tặng 500 đô cho mỗi sư để xài vặt trước khi lên đường cùng các sư đi hành hương Nepal.

Đa số thanh niên Việt bên nhà hiện nay tìm đủ mọi cách để đi ra nuớc ngòai. Đặc biệt là các nước Âu Mỹ và Canada. Các cô con nhà tử tế miền quê sẵn sàng lấy Tây để có cơ hội ra nuớc ngòai sinh sống. “Kỹ nghệ lấy Tây” không phải là điều xấu hổ mà là điều hãnh diện cho bản thân và gia đình. Không đâu xa cả, ngay cả Hà nội. Cứ cái nhà nào sống tuơm tất mà không phải là cán bộ tham ô thì nhà đó có thân nhân ở nước ngòai như Nga, Tiệp, Balan, Đức, Mỹ, Anh, Úc, v.v…Các sinh viên Việt du học kể cả diện du học bằng ngân sách nhà nước hay tự túc hiện đang du học nước ngòai thì công việc chính không phải là học mà cái quan tâm hàng đầu là tìm cách kiếm tiền và ở lại. Ngày hôm nay thì các dịch vụ di trú của người Việt tại các nước phương Tây - Mỹ nhộn nhịp với thủ tục xin đổi tình trạng cư trú cho sinh viên Việtnam.

Nhà hàng, hiệu phở, quán café tại California thâu lợi không ít từ các sinh viên VN du học. SV Việt nam du học sẵn sàng làm chui với gía lương chỉ bằng nửa gía lương quy định. Có thể nói là SV du học sẵn sàng làm với mức lương thấp hơn người Mễ nhập cư trái phép. Có thể không một biện pháp tuyên truyền nào của chính quyền VN còn hiệu qủa với thanh niên Việt Nam.

Trên mạng Internet có nhiều bình luận về hiểu thế nào về chiến tranh Việt nam như – Vietnam war, American war, cuộc nội chiến Nam-Bắc, v.v…Chắc chắn là mỗi người trong chúng ta đều đã suy nghĩ là nên gọi cuộc chiến này như thế nào và ai dành phần chiến thắng và chúng ta phải nói là chuyện đó không dễ. Mà đúng là nếu khác quan điểm như vậy thì cũng khó lòng. Nó cần có thời gian…

Có nhiều bình luận về chính sách "kinh tế thị trường" của VN ngày nay nếu vẫn tiếp tục thì 40 năm sau Việt Nam sẽ thế nào, trong số đó có ý kiến tôi thấy hay hay là có người giả thử rằng nếu VNCH đã thống nhất đất nước từ năm 1975 thì tương lai có gì khác, tôi cho cũng là ý hay và công tâm. Vào những năm 1972, 1973 chiến tranh đang leo thang, đồng thời hòa đàm Paris cũng leo thang, đôi khi tôi cũng đã có câu hỏi tương tự trong đầu. Những năm 72-73 trong báo Sài gòn có một bài dịch từ một ký giả người Anh trên báo của miền Nam, ký giả đó đã phân tách, chứng minh tỉ mỉ tại sao cuộc chiến cứ "leo thang" rồi lại "xuống thang ", cũng như tại sao Mỹ không oanh tạc miền Bắc qua khỏi Lao Kay, Yên Bái vì Mỹ chỉ dám gõ "nhẹ" cửa VN để vào căn nhà Trung Quốc khuyến mãi mà thôi. Cho nên tôi không nghĩ Mỹ muốn giúp VNCH thống nhất VN, Mỹ không có khả năng giúp VNCH ở ngay dưới chân TQ mà không bị TQ trực tiếp đạp. Ấy là chưa kể VNCH còn phải nằm kế bên hai anh bạn trung lập bất đắc dĩ là Lào và Cam Bốt, anh bạn Lào thì muốn có một chút đặc quyền nhờ vả về bờ biển, anh Cam Bốt thì ghét về đất đai bị xâm chiếm trong vòng mới 200 năm trước, lúc nào cũng lằng nhằng kèn cựa. Nhưng nhiều Việt người gốc Bắc vẫn hằng mơ ước VNCH thống nhất được VN, để họ về thăm lại bà con và làng quê miền Bắc. Họ háo hức nghĩ đến những thực phẩm và thuốc men được những phái đoàn thiện nguyện miền Nam đi cứu trợ, những con đường cần mở mang, những trường học được kiến thiết, những sách giáo khoa mới được xuất bản, những bài ca rộn rã tình người và những chuyến tàu Bắc Nam giao thương tấp nập.

Về kinh tế, VNCH khi ấy đương nhiên là rảnh tay chiến tranh để tiếp tay phát triển chính sách "kinh tế thị trường" mà họ đã chủ trương từ ngày đất nước bị phân chia, nếu vậy VN bây giờ có thể tự lực không cần đến đầu tư của Nam Hàn hoặc Đài Loan. Anh ký giả người Anh còn kể thêm rằng quân đội Đại Hàn khi còn trú quân ở miền Nam, lính của họ tiêu thụ không biết bao nhiêu áo quần, vật dụng vừa của Mỹ vừa của VN để gửi về cho thân nhân. Ngày đó họ khoe với mọi người về những tấm hình gia đình, mọi người ngồi bên tủ lạnh Sanyo, quạt máy Panasonic, TV Sony....Nhưng ngày nay nhìn lại Đại Hàn tôi thấy cái gì trong nhà họ cũng đặc biệt là Đại Hàn, chưa kể là bên Âu Châu nhiều nơi thấy những xưởng lắp ráp xe Huyndai, Kia .vv...hết sức là to lớn mà nghĩ tủi cho VN mình.

Về lãnh đạo chúng tôi nghĩ ông tổng thống Thiệu nếu có công thì may ra thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, không ai muốn trở lại thói xu nịnh để tung hô "Tổng thống Nguyễn văn Thiệu Muôn Năm", vì có người đã thấy một khẩu hiệu như thế giăng trước trường Mỹ Nghệ Gia Định, đối diện toà tỉnh trưởng sau khi ông Thiệu đắc cử tổng thống lần đầu đã phải gỡ xuống sau có nửa ngày, dân trí miền Nam lúc đó là vậy.

Về tôn giáo, thời ông Diệm tuy nói là nâng đỡ Thiên Chúa giáo và đàn áp Phật Giáo, nhưng chỉ xảy ra vào giai đoạn 1963, ở những nơi có hội họp và chống đối của Phật giáo mà thôi, chứ thật ra các tôn giáo đều tự do từ kiến thiết tu viện cho đến phát hành kinh sách, báo chí, cho nên có người suy đoán là ngày nay Phật Giáo phát triển hơn trước 1975 là không đúng hẳn nếu ta thấy trước mắt tại Sài Gòn một khu giải trí đồ sộ, mà trước kia là Việt Nam Quốc tự của Phật Giáo Ấn Quang đã bị trưng dụng từ 1975, mà đây chỉ là một chứng minh thôi.

Cho nên an phận mà nói thì ngày nay dưới chế độ XHCN mà cũng biết áp dụng "kinh tế thị trường" là một may mắn lớn cho dân tộc, thì đương nhiên 40 năm sau sẽ có thay đổi nhiều hơn về phát triển kinh tế cũng như cải cách chính trị, nhân quyền.

Miền Nam hay Miền Bắc cũng đều là đất đai của người Việt cả. Sắp đến ngày 30/4 chúng tôi càng ngày càng thấy cần bày tỏ sự biết ơn những người đã đổ máu để cho chúng ta bây giờ được "vào Nam ra Bắc" tự do. Xem phim Đại Hàn, chúng tôi lại nhớ đến những người đã hi sinh mạng sống để cho dân tộc Việt nam được thống nhất, không rơi vào cảnh phân chia như người Triều Tiên.
"Việt nam ơi, bừng cơn mơ, cho mắt nhìn sạch tan căm thù". Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát như vậy. Tôi mong rằng cơn mơ này, dù là ác mộng hay say sưa trong men say chiến thắng, cũng sớm tan đi, để chúng ta cùng góp "Bàn tay giúp nước, bàn tay kiến thiết, những dấu căm hờn xưa nhạt mờ".

Vấn đề hòa giải hòa hợp giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại là cả một câu chuyện dài không có hồi kết thúc. Vì lẽ sự khác nhau về phông văn hóa và ý thức hệ cũng như hằng ngàn mối trở ngại xuất phát từ ý thức hệ đã dẫn đến hệ quả nếu có chăng hòa giải hòa hợp thì cũng chỉ trên hình thức chứ khó mà có sự hòa hợp về mặt nội tâm. Nhiều người cho rằng mọi sự hòa hợp đều phải có qui trình hòa giải của nó, mà muốn có hòa giải, người ta phải biết lắng nghe nhau và phải biết tôn trọng giá trị cũng như quyền lợi của nhau. Hiện tại, chỉ riêng những ngôi mộ của QLVNCH với thành quách xiêu vẹo, tượng đài bị giật sập, bảng ghi công bị đập nham nhở. Điều này cho thấy có sự phân biệt quá lớn giữa ta và thù, kẻ chiến thắng và người chiến bại cũng như sự tồn tại mọi biểu tượng của đối phương đều không được chấp nhận.

Sau 40 năm tôi nghĩ “vết thương chung của dân tộc” vẫn chảy máu. Làm thế nào để băng bó vết thương nhỉ? Trong cuốn sách Chuông gọi hồn ai của Hemingway viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và có đoạn tác giả Hemingway để cho nhân vật của mình nói đại ý là “Cần phải có một cuộc giải tội tập thể cho cả dân tộc, bất kể anh ở phe nào”. Vâng tôi ước ao có một ngày mọi người dân Việt dù đang sống ở bất cứ đâu, cùng dành ra một giờ để xưng tội với nhau và xin tha thứ cho nhau. Cho cả những người đã chết, đang sống và sẽ sinh ra làm người Việt. Chỉ trong sự khoan dung, tha thứ và tin cậy lẫn nhau, chúng ta mới có thể làm lành vết thương và tạo nên một sức sống mới cho dân tộc.

Đất nước đã thống nhất 40 năm về địa lý nhưng vẫn để lại 40 năm tiếp tục chia cắt tình huynh đệ trong tâm tưởng. Cuộc tranh luận về chiến tranh VN giữa hai ý thức hệ cho ta thấy những tín hiệu hy vọng về tương lai dân tộc, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những mâu thuẫn cố hữu giữa 2 luồng suy nghĩ. Tôi đã có dịp xem các phim về cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ và nhìn cái cách đối xử của người thắng cuộc với người thua trong cuộc chiến tranh đó của người Mỹ vẫn làm tôi cảm thấy xấu hổ về dân tộc mình, khi chúng ta nói rằng chúng ta có 4000 năm văn hiến. Nhiều người đề cập đến cuộc nội chiến ở Mỹ và mất gần 100 năm sau mới hóa giải. Tôi tự hỏi phải chăng người ta đã đưa ra một dự tín phải mất hơn 60 năm nữa cho dân tộc VN?
Dù sao muộn vẫn hơn không bao giờ…
Nguyễn Hồng Phúc

Ngày Phục sinh 2015

Tham khảo:

1.http://www.brossardeclair.ca/2015/03/11/vietnam-du-sud-a-rive-sud-une-foule-dadaptations
2. http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/memor-vn-in-euro-abt-apr-30-03172015062129.html
3.http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/April30-1975/VnAmericanYouthThinkAboutApril30th_DPhong-20070430.html
4. http://www.luanhoan.net/gocchung/html/dinhdoclap.htm
5. http://www.voatiengviet.com/content/ba-muoi-tam-sau-ngay-ba-muoi-thang-tu/1651646.html


 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual