TẾT TÂY TẾT TA


Đa số người Việt sống ở Bắc Mỹ từ lâu đã coi tết Dương lịch ngang hàng với Tết Ta.

Ngay từ giữa tháng 12 dương lịch trên các đường phố người ta đã dựng cây Noel/Christmas tree và trang hoàng trọng thể cho Năm mới. Không phân biệt tôn giáo từ Noel cho đến tết dương lịch ai ai cũng lấy ngày nghỉ để có dịp đoàn tụ gia đình, thăm viếng họ hàng vì cả năm trời tất bật với công ăn việc làm, sắm sửa quần áo mới vì ít có thì giờ dành riêng cho cá nhân mình.

Ngày tết tây các nhà thờ không những làm lễ linh đình mà các ngôi chùa cũng nùm nượp người hành hương đến chùa để hái lộc đầu xuân. Ngày xưa khi tôi còn bé đa số các chùa ở Việt Nam đón gia thừa rộn rịp bằng pháo nỗ. Đón tết vui nhất có lẽ là đám sinh viên du học và người có tuổi. Sau áp lễ các cô cậu kéo nhau ra bờ sông, kéo nhau ra phố hay sân Vận động để chụp ảnh. Về đến nhà đã 2-3 giờ sáng các bạn còn thức để tải ảnh lên Facebook chia sẻ cùng bố mẹ, anh chị em và bạn bè nơi quê nhà. Bạn bè thân thuộc gửi cho nhau lời chúc chân thành nhất qua mạng Internet. Có người gửi thêm vài câu thơ chúc tụng.

Tuy nhiên Tết Nguyên Đán vẫn duy trì nhiều nét đặc trưng tiêu biểu mà chỉ Tết Việt Nam mới có. Tất nhiên ngày Tết cổ truyền Việt Nam lệch khá xa với dịp nghỉ năm mới của người phương Tây nên thông thường chúng ta vẫn phải đi làm, bọn trẻ vẫn phải đi học hay đi làm, âu cũng là sự chuẩn bị cho một năm mới Việt giữa trời Tây bởi vì trời lạnh buốt  mà tuyết rơi đầy đường xá. Đôi chiếc bánh chưng bánh tét xanh bạn bè cùng nhau tự gói, một ít nem cuốn do các cô con gái lớn làm trong vài gia đình truyền thống còn giữ phong tục Á châu làm tăng không khí tết Nguyên Đán. Năm nào thật là rãnh thì thêm chút dưa hành, mứt… Chúng tôi nghĩ cũng như bạn bè, cố gắng hết sức để trong nhà có không khí Tết, để con cái biết về cái Tết Việt Nam như thế nào.

Từ thế kỷ thứ 20 người Việt chủ yếu đã ăn tết Nguyên Đán như một lễ tết gia đình, về cội nguồn với những sinh hoạt rất tiêu biểu của văn hóa Việt nam. Trong những ngày đầu năm người Việt có phong tục về quê thăm họ hàng nội ngoại, hàng xóm và bạn bè. Ngày nay vẫn còn nhiều gia đình tiếp tục ăn tết truyền thống. Trải qua bao biến thiên của thời đại, đặc biệt trong thế kỷ 21, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ, người ta thường nói 'nghỉ Tết' chứ ít nói "ăn Tết". Sau Noel 2014 tình cờ tôi có dịp về Sài gòn ăn tết tây mới ngộ ra rằng ngày nay tết tây hiện đại, mọi người thích nghỉ ngơi thoải mái, đi chơi trong nước trong những resort hay đi du lịch nước ngoài đã trở thành một mốt mới. Những ngày tết là đỉnh cao điểm của nghành du lịch. Xu hướng mới mẻ nhất gần đây vẫn là đi ăn tết ở nước ngoài. Bất chấp rằng tất cả các resort đều áp dụng thêm lệ phí gia tăng phòng, vẫn đầy ắp khách nước ngoài lẫn Việt Nam. Trong đại đa số các thống kê cho biết các tour 4-5 ngày trong khu vực Đông Nam Á là ăn khách nhất. Mốt số ít du lịch hành hương ở Taibet hay Nepal, Ấn Độ,v.v…

Cuối năm nay tôi có việc khẩn cấp phải về Việt nam sau Noel thăm người thân bị bệnh nặng và có dịp nhìn thấy dân tình trên quê hương ăn mừng Tết tây tại Sài gòn. Tôi gọi điện thoại cho vài đồng môn Hoàng Diệu khóa 65, 66 và 67 đến nhà chúng tôi họp mặt đêm giao thừa và cùng nhau nâng vài ly rựơu để thưởng thức lễ giao thừa 31/12 với pháo bông rập trời từ building Bitexco trên đường Hồ Tùng Mậu và Hàm Nghi Sài gòn. Nhưng vào giờ cuối chúng tôi buộc phải hủy bỏ buổi họp mặt một cách bất đắc dĩ vì bệnh tình của người thân nặng hơn và chúng tôi phải trực trong nhà thương nên không có thì giờ và cũng không có lòng đâu mà ăn vui với bạn bè. Khoảng 8 giờ tối 31 tháng 12 chúng tôi rời bệnh viện trực chỉ về nhà ở quận 1. Chu cha ơi phải mất hơn 1 giờ vất vả tranh đấu với đoàn người và xe cộ thật đông đúc mới qua chỉ được 50 mét một khúc đường Phạm Ngủ Lão thôi, ngang hông hotel New World và về đến nhà gần 10 giờ đêm. Không biết ở đâu ra hàng vạn người nùm nượp đi bộ có, chạy Honda có, vài đoàn xe bus du lịch khởi hành từ New World hotel cùng nhau đua chen từng tất đường đổ về  hướng tòa nhà Bitexco có 68 tầng lầu nơi sẽ bắn pháo bông lúc 12 giờ đêm. Về đến nhà ở quận 1 chỉ cách vài góc đường là đến tòa nhà Bitexco, chúng tôi leo vội lên tầng thứ 9 nhìn xuống đường mà chóng mặt vì đoàn người đang vội vả lẩn xe Honda đổ sô về đường Hàm Nghi để mong ngắm càng gần càng tốt. 11 giờ đêm nhiều đèn laser từ các tòa nhà xung quanh Bitexco rọi lên từ nhiều phía trên nền trời Sài gòn trong khi đó một tòa nhà đối diện chiếu các biểu ngữ quảng cáo bằng laser lắm màu lên bc tường thẳng của tòa nhà Bitexco trông thật ngoạn mục. Khi đồng hồ điểm 12 giờ khuya thì pháo bông bắn lên dồn dập từ bãi đậu trực thăng của building Bitexco. Chỉ trong vòng 30 phút tôi không biết có bao nhiêu là pháo bông được phát ra. Kể ra dân Việt mình chơi hơi sang đấy. Nghe nói đây là lần thứ mấy rồi họ được hội đồng thành phố đài thọ chi phí để mướn tụi Pháp lập dàn bắn pháo bông trên building cộng với lợi tức từ việc quảng cáo bằng laser.


Nhưng cho dù ở đâu đi nữa, Tết vẫn là dịp để chúng ta quay về với gốc rễ, với cội nguồn, với quê hương với ông bà cha mẹ. Dù cho cuộc sống có thay đổi đến bao nhiêu, nhịp sống có náo nức khẩn trương như thế nào thì cứ Tết đến xuân về, người Việt chúng ta thế nào cũng dành cho mình những thời khắc hoài cổ, thả hồn mình về một chốn xa xưa của nguồn cội và ngóng chờ một bữa tất niên đầm ấm, đầy đủ người thân trong gia đình. Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị khác nhau của ba miền Bắc - Trung - Nam mà phong tục ẩm thực của từng vùng cũng có những “dấu ấn” không lẫn vào đâu được. Bánh chưng bánh tét của người Việt. Trước đây các bà nội trợ Việt Nam chủ yếu đã tự làm bánh chưng bánh tét trong gia đình. Nay hình như đa số người Việt không làm bánh chưng/bánh tét ở nhà nữa. Thế hệ người lớn đã biết cách làm bánh chưng/bánh tét vì đã học từ thế hệ ông cha, bà mẹ. Thế hệ trẻ ngày nay đặt chủ yếu vào công việc vui chơi nhiều hơn, vả lại bánh chưng/bánh tét ngày nay có bán đầy rẫy trong các siêu thị.  Dưới góc nhìn này xu hướng hiện đại đã làm phai nhạt sắc phai hương biểu tượng và ý nghĩa của bánh chưng trong văn hóa gia đình.

Nhưng bên cạnh đó có nhiều xu hướng đã cho thêm màu sắc cho phong tục truyền thống ngày tết. Lì xì và cuốn lịch treo tường là một ví dụ của ảnh hưởng tốt này. Đây là mốt đặc biệt làm khách nước ngoài vào Việt Nam thấy ngạc nhiên. Ngày nay tục lệ lì xì và tặng lịch treo tường rất đẹp tràn lan khắp lảnh vực, trong công sở, các thương mại, công ty du lịch hay công sở nhân dịp Tết đặt in bao lì xì và lịch treo tường kiểu corporate. Lịch treo tường và bao lì xì vừa mang thương hiệu công ty vừa có lời chúc mừng cũng là một dịp tốt để chúc mọi người an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.

Giữa đêm Giao thừa, khi ở Việt Nam pháo hoa bắn rực bầu trời, thì ở bên đây chúng tôi sẽ thả mình dạo bước trên những con đường hay những cánh đồng tuyết mênh mông, trắng xóa.

Nếu dịp Tết ở Việt Nam trùng ngày nghỉ cuối tuần ở bên đây thì mọi người cũng sẽ đi thăm nhau, lì xì nhau, chúc nhau một năm mới nhiều niềm vui, may mắn. Ở Canada, có loài hoa gọi là “cơn mưa vàng”. Hoa này bình thường nở khi mùa xuân  sang, nghĩa là khi mùa đông đã qua đi, tuyết đã tan hết. Cơn mưa vàng đặc biệt rất giống hoa mai, cánh vàng rực rỡ. Vào thời điểm Tết ở Việt Nam thì tại Montreal vẫn còn rét đậm, tuyết vẫn phủ khắp nơi, vì thế, muốn có những cơn mưa vàng trổ bông như hoa mai báo hiệu mùa xuân đến, cộng đồng người Việt thường phải bẻ cành mang về cắm trong nhà ấm áp để hoa nở sớm. Có màu vàng rực ấy trong nhà, thì nghĩa là cũng có thêm chút xuân.

Có lẽ chúng tôi làm vậy để lòng dịu lại, nỗi nhớ nguôi ngoai. Cộng đồng người Việt ở Montreal khá đông nên Tết Nguyên Đán cũng không thiếu gì những đồ ăn, thức uống. Nếu có thiếu thì chỉ thiếu không khí và những nhành hoa mai đặc trưng của mùa xuân. Vì thế những ngày này, bạn bè người Việt thường tự làm mâm cơm, gọi nhau đến chung vui. Bữa cơm cũng có bánh chưng xanh hay bánh tét, dưa hành muối, nem rán, giò lụa…. Bọn trẻ con thì háo hức vô cùng.  Người Việt và người Tàu ở trong thành phố này cũng khá đông. Dẫu có vui cũng chỉ giới hạn trong từng nhóm nhỏ, trong một không gian nhỏ của sân thể thao trường trung học hay trong một shopping lớn vào ngày chúa nhật. Tết Dương lịch thì tha hồ đốt pháo hoa cùng dân tây phương, nhưng tết ta tuyệt đối không. Vì đốt pháo sẽ kinh động đến người xung quanh. Người ta gọi điện chúc Tết cho nhau qua điện thoại. Gần nhà thì rủ nhau qua nhâm nhi vài ly.

Tết xa quê hương tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều thứ lắm vì trong lòng mỗi người đều ao ước có một ngày được ăn tết đoàn tụ thực sự ở quê hương…

Nguyễn Hồng Phúc


42 Xuân tha hương

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual