PHÉP XƯNG HÔ

                         

                                    
              Trên thế giới mỗi ngôn ngữ đều có sắc thái đặc thù riêng, Pháp hãnh diện về cách dùng "cách, thì" (mode, temps) đa dạng qui định thích nghi, giống (genre), số (nombre) phân biệt rõ ràng, Anh tính thực dụng chẳng hạn. Thử so với vài thứ tiếng thường dùng nhất trên thế giới hiện nay như Anh Pháp Đức Tây ban Nha, tiếng ta cũng có nhiều điểm nổi bật, sáng tạo, chuyển thể và dễ hội nhập.

              Do ảnh hưởng của hai nền văn minh Âu Á, vì sự trường tồn "tiếng ta còn, nước ta còn", nhờ cuộc cách mạng ngôn ngữ độc nhất ở châu Á dùng mẫu tự la tinh thay nét chấm phá gạch sổ của chữ Nho, tiếng Việt chuyển mình thành loại chữ dễ học, đọc, viết hơn. Đó là chiếc chìa khóa mở cửa đưa ta gần với các tiếng mạnh văn minh khác, con cháu ta ít ngỡ ngàng khi học ngoại ngữ gốc la tinh. Tiếng "An nam" càng lúc càng được cải tiến thành tiếng Việt trau chuốt nhuần nhuyễn, đơn âm có dấu như những nốt nhạc với âm giai cung bậc nhặt khoan, đơn thuần hay kết hợp, lúc trầm khi bổng.

             Dạng chữ dễ viết, cấu trúc câu không rắc rối, văn phạm ít rườm rà dễ sử dụng, nhưng đối với người ngoại quốc, càng học tiếng Việt càng thấy quá phong phú, sâu sắc, tinh tế, đến độ nào đó, họ cảm thấy không bao giờ hoàn toàn hiểu nổi ý văn.

            Mỗi từ đều có nghĩa, một hay nhiều, lại còn thêm chữ đệm, chữ ghép. Mạo tự Anh "the", Pháp "le, la, les" dịch sang tiếng Việt thật như lạc vào "mê hồn trận" nào cái, con, sự, việc, môn, khóa, chiếc, cây, sợi, bao, những, nhiều, ..

          Về từ ngữ, không thể bảo tiếng ta nghèo, chẳng hạn chữ "porter" Pháp được dịch sang là mang, đeo, đội, bận, mặc, bồng, bưng, ẫm, khuân, vác, gánh, v. v....Cũng chữ "noir" đen, ta lại nói mèo mun, chó mực, bò hóng, mắt huyền, ngựa ô, v., v...

            Cách sử dụng quá phân định đó làm người mới học bối rối, con em ta lắm lúc cũng bị "quay". Chẳng những thế, gốc Hán văn bàng bạc thẩm thấu trong văn chương làm giàu tiếng ta hơn, do đó, cũng là vấn đề dễ làm mất hứng cho người lạ muốn cấp tốc hấp thụ nhanh. Tuy nhiên, những trường hợp nêu trên chỉ áp dụng cho ai muốn trau dồi thấu triệt, chứ thông thường, nói đơn giản là hiểu được ngay.

              Thế mà ngày nay, giới trẻ thường bị ông bà hay chê trách, nào là "vô phép", "bạ đâu nói đó", không tôn ti trật tự, lễ nghĩa chẳng còn, đạo đức xuống dốc, thường là vì phạm phải phép xưng hô.

Đó là lối mở đề cuộc giao tế trực diện, lối chào trong phép lịch sự, pháo đầu trong ván cờ xử thế, khởi điểm của mọi tiếp xúc, liên lạc, trao đổi tối cần trong việc sống chung.

 Đơn cử một vài thí dụ về ngôi thứ, như ngôi thứ nhất, thứ hai Pháp "je, me, moi, tu, te, toi", Anh đơn giản hơn " I, me, you", Tàu " ngộ, nị" còn tiếng Việt ta sao mà quá phức tạp, chi li, tuyệt vời ...khó khăn, có một không hai.
Nội ngôi thứ nhất thôi, ta đã có: tôi, ta, tớ, tao, tui, mình, qua, người ta, anh, em, thiếp,... xưng bằng tên, đẳng cấp gia đình như ông, bà, bác, cô,..,giai cấp xả hội, "trẩm", "thần"...

 ‘’Nhân vật đại danh từ ‘’ còn có thể sử dụng, khi chủ từ lúc túc từ. Lại có lúc được dùng cả cho hai ngôi như chữ "mình", ví dụ:

 Mình (ngôi 1) nói cho một mình mình (ngôi 2) nghe, mình (ngôì 2) nghe xong mình (ngôi 2) hỏi lại mình (ngôi 1).

Hoặc: Người ta (ng2) nói người ta (ng2) qua nhà người ta (ng1) mà người ta (ng2) không qua.

Hay: Hôm qua Hoa nói Hoa qua nhà qua (ng1) mà Hoa không qua, hôm nay Hoa không nói Hoa qua nhà qua (ng1) mà Hoa lại qua.

Nhớ ngày còn đi học Trung học, trong các lớp hỗn hợp nam nữ, học sinh thường ít dám gọi đích danh nhau. Gọi bằng anh, chị thì ngại chê già, khách sáo; gọi tên lại có vẻ cầu thân. Tiến thối lưỡng nan đành...chấm chấm, ừm ừm, ê ê, ờ ờ,...nói bông lông,  ‘nói trống không’, ’nói trổng’:
‘’...Làm ơn tránh qua dùm một chút đi. Cám ơn. ‘’
hoặc‘’...Nói có vậy mà cũng giận, khó quá.’’
Muốn gợi chuyện làm quen cũng thường ấp úng hay ‘ lửng lơ con cá vàng’:
‘’Hôm qua thấy ...đi chợ, muốn chào mà thấy... như muốn làm lơ nên thôi.’’
Vậy đứng trước người đối thoại, ta phải tùy theo quen lạ, vai vế, tuổi tác, địa vị xã hội mà phát ngôn, thật không dễ đâu, lơ mơ dễ bị "bố nháng lửa", "mắng vốn", "chọc quê."

Thêm vào đấy còn bao chuyện buồn cười thoải mái xảy ra như trong các cuộc phiên dịch hay đối thoại với người ngoại quốc nói tiếng Việt. Người Pháp chẳng hạn xưng hô thật dễ dàng vì thường trực tiếp gọi nhau bằng tên, dùng ‘ moi, toi, lui, elle’, Anh ‘ you, me’, Tàu ‘ngộ, nị’...Người Việt ta cũng có khi dùng ‘ dao to búa lớn’, ‘ mầy , tao, mi, tớ’, xưng ‘ ông, bà’ với người đối thoại để thóa mạ, cải cọ, gây xích mích, khinh rẻ, tị hiềm... Trái lại cũng thông dụng không bị chê là ‘mất dạy’ như trường hợp đặc biệt giữa bạn bè thật thân nhau. Trong gia đình hoặc quen thuộc lâu năm, chỉ có người lớn mới xưng hô với hàng ‘em út’ con cháu bằng ‘ mầy tao’ thôi.

Người ta có thể ‘ xí xoá’ bỏ qua cho người ngoại quốc chẳng hạn khi họ nói:
‘Chào ông, mầy vẫn mạnh chứ?’
‘ Cho tao hỏi thăm vợ mầy’.
Nhưng thật là ‘hết ý, hết thuốc chữa’ khi một cậu Việt kiều giới thiệu ý trung nhân mình với gia đình:
‘ Thưa nội, đây là vợ tao. Toa (toi) thấy ‘ểnh’ (elle) dễ thương không?

 Chẳng những thế, phép nầy vốn đã khúc chiết lại còn đèo thêm cách "nói tưng", có thể do đọc trại chữ ‘’nói tôn, nói tâng’’, độc đáo ly kỳ hơn nữa. Con các nhà quyền chức, phú hào thường được người đời gọi " cậu, cô" dù không họ hàng gì nhau. Hàng xóm láng giềng, quen lạ cũng xưng hô một cách thân tình như ông, bà, chú, cô, dì, thím, mợ, cháu, con... khác hẳn với người phương Tây không phân biệt già trẻ, vai vế. Ví dụ cha gọi con bằng ‘you, toi, vous’, con thưa cha cũng không khác ‘you, toi, vous’; cha cũng như con đều tự xưng là ‘I, me’,’ moi’ trong khi ta có nhiều cách xưng hô: Cha, ba, bố  tôi, tao, cậu, thầy, tía,...

Còn nói gì trong các cuộc đối thoại thông thường, tùy tình huống hoàn cảnh mà du di để diễn tả tình cảm của mình với người đối diện, ưa, ghét, giận, khinh...

Tiếng Việt ta còn thêm vấn đề cữ tên kỵ húy, nhất là miền Nam, chỉ goị thứ, nên cả xóm làng chỉ có ông hai, bà ba, cô tư, ...do đó cũng gây sai lệch, lầm lẫn,  khó phân biệt ai có bà con ai không, họ hàng gần hay xa..

Trong gia đình, phẩm trật bên nội ngoại được phân biệt rõ ràng, dù ba miền có vài điểm chênh lệch. Miền Bắc thường gọi chị của ba hay má là bác, chồng của cô, dì là chú, bác; trong khi miền Nam gọi chị hay em gắi của ba đều là cô, của má là dì, chồng của cô dì là dượng. Bên ba có ông bà nội, bác, chú, cô, dượng, ... bên mẹ có ông bà ngoại, cậu (anh hay em của mẹ đều gọi là cậu), mợ, dì, dượng ...nên không được sai sót trong việc xưng hô. Bà con họ hàng, anh chị em ruột, anh chị em họ tức là anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, bạn dì cũng phái gọi nhau đúng phép, theo thứ bậc, vai vế hoặc theo cách ‘nói tưng’.

Theo phép tế nhuyễn nầy, đối với người ‘vai lớn’- như con bác mình chẳng hạn- mình ‘vai nhỏ’ hơn  bắt buộc phải gọi theo vai, tức là bằng anh hay chị không kể vóc dáng hay tuổi đời. Nhưng ngược lại anh chị vai lớn, như con ông bác, mà nhỏ tuổi hơn vai nhỏ, con ông chú, cũng phải giữ lễ’ gọi tưng’ lại hàng vai nhỏ. Vai lớn là con trai, tất phải gọi em họ trai mình là chú, em họ gái mình là cô, có nghĩa là chú em, cô em , hay nói rõ hơn là chú cô của con mình. Nếu là nữ thì  gọi người em họ trai vai nhỏ bằng cậu, em họ vai nhỏ gái là dì.

Trong đại gia đình và cả ngoài xã hội, phép xưng hô nói chung và đặc biệt kiểu ‘nói tưng’ khá rắc rối, phức tạp trên luôn được áp dụng phổ quát cho mọi tầng lớp thế hệ trước sau, cũng cùng qui ước nội ngoại, nam nữ, vai vế, tuổi tác rõ ràng, minh định tôn ti dòng họ, nếp sống lễ giáo truyền thống của dân ta.

Ngoài ra cũng có vài từ ngoại lệ như chữ ‘thầy’ thường dùng trước kia. Đây không phải là từ chỉ dùng riêng cho ngành dạy học, thầy giáo, cũng không phải như nhiều địa phương gọi ba là ‘thầy’mà dành chung cho tất cả những ai có học đi làm như thầy thông, thầy ký, v.v.

Trong bài diễn văn, cuộc đối thoại hay thư từ, chữ  ‘monsieur’ chẳng hạn cũng được danh xưng phiên dịch bằng nhiều cách thích ứng với hoàn cảnh như ‘ông, bác, chú, cậu, ngài...
 
            Thật ra tiếng Việt ta, nghĩ cho cùng , thật uyển chuyển, đa dụng, thâm sâu, bao quát mà chi tiết, chính xác lại cầu kỳ, dễ thích ứng quyền biến nhưng vẫn giữ nét đặc trưng, nếp độc đáo văn minh riêng mà phép xưng hô là mật  khẩu, ấn chỉ tiêu biểu nhất .

Cũng có thể chính nhờ truyền thống huyền diệu nầy mà qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi, Việt nam ta còn giữ vững được tên. Cách gọi nhau thân thương như ruột thịt, anh em chú bác cô dì,... quả là sợi giây huyết thống vô hình ràng buộc những đứa con vào lòng đất mẹ, hướng về nguồn cội tổ tiên chung, luôn nhắc ta cùng là con cháu của bọc trăm trứng Lạc Hồng, dòng dõi Rồng Tiên.   

Cô Trần Thành Mỹ



 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual