Tóm lại,
trong ba năm hưởng hưu và làm việc đi dạy bán thời gian ở Thủ Đức những tưởng
cuộc sống của anh Tri đã yên bề gia thất. Những lúc trò chuyện bằng điện thoại
hay những lúc anh về lại Canada nghỉ hè trông anh Tri ra phong độ lắm.
Sau ba năm với
cuộc sống mới ở VN sức khỏe anh Tri bắt đầu yếu dần. Anh Tri buộc phải tạm nghỉ
chơi tennis vì thỉnh thoảng anh bị chóng mặt khi ngước mặt lên trời nhìn quả
banh. Anh cảm thấy hơi lo lắng về sức khỏe anh. Những khi lâm bệnh anh
Tri không dám vào dưỡng bệnh ở bệnh viện vì nhu cầu sạch sẽ vệ sinh là một vấn
đề lớn hiện nay. Anh buộc phải đi bệnh viện nước ngoài tại Sài Gòn và trả một giá khá
đắt như bên Canada.
Mùa hè 2011, 2012 và 2013, anh trở lại Montreal để
khám sức khỏe và trò chuyện rất nhiều với chúng tôi về cuộc sống phiêu lưu mới
của anh tại VN. Đối với đồng nghiệp đại học Sunderland họ vẫn xem anh như một
Việt kiều mặc dù anh Tri đã ở VN hơn bốn năm. Mỗi lần trường tổ chức hay đi dự
tournament về tennis thì mỗi hội viên phải góp 100,000 đồng nhưng với anh Tri họ
đòi phải đóng 100 đô. Con cháu bây giờ có thiếu thốn gì cũng đến vay tiền và nhờ
vả anh. Nhưng dần dà rồi anh bị lợi dụng triệt để. Không cho vay mượn thì dòng
họ đòi tẩy chay anh, họ viện cớ anh quá bủn xỉn keo kiệt. Cuộc sống xô bồ cộng
với hàng xóm thiếu ý thức như họ
đứng đái ở hàng rào nhà anh để chọc tức anh như là chuyện bình thường mặc dù
anh cảnh cáo họ vài lần. Họ còn thách anh đi thưa công an nữa chứ… Anh Tri bắt đầu
cảm thấy cuộc sống ở VN quá bực bội và không còn thích hợp với anh nữa. Anh bàn
chuyện làm giấy tờ passport cho chị để 2 vợ chồng về lại Canada sinh sống và dưỡng
già. Chị Chi có công ăn việc làm và một cuộc sống khá ổn định tại VN. Bây giờ
sang Canada với cái tuổi gần 50 mà chị phải bắt đầu lại từ đầu là điều làm cho
chị suy nghĩ nhiều lắm và chị chỉ muốn sang Canada chơi và ở tạm một thời gian
ngắn rồi chị vẫn muốn về lại VN để sinh sống và làm việc nơi đây.
Anh Tri lại
một lần nữa đứng ở ngã ba đường. Tiếp tục ở VN thì không thích hợp, bực bội bởi
xóm giềng và bị hàng xóm xích mích. Về Canada ở vĩnh viễn mà bỏ hết gia tài sự
nghiệp ở VN thì chị Chi không đồng ý. Trong khi con cái ruột của anh Tri - ở
Canada và Pháp đối xử nhạt nhẽo với anh và xem như anh chưa hề hiện hữu đối với
chúng… Tâm trạng Việt kiều về hưu như anh Tri là thế đó ư!
Anh Tri lúc
này tỏ ra trằn trọc khó ăn khó ngủ và không tài nào tìm ra biện pháp hay
nhất cho cuộc sống còn lại trên đời này: cần một hệ thống bảo vệ sức khỏe tốt
và cuộc sống bình an với bạn bè chung quanh vui vẻ thoải mái.
Tâm trạng của
một Việt kiều nhiều khi gây trong chúng ta nhiều bức xúc và nhất là những ai cận
ngày về hưu cần phải suy nghĩ nhiều hơn…
Thực ra nếu
chịu khó chi tiền vào bệnh viện ngoại quốc ở VN như Franco-Vietnamien ở Phú Mỹ
Hưng thì vẫn có BS giỏi, dịch vụ tốt và an toàn không thua gì dịch vụ sức khỏe ở
ngoại quốc.
Còn vấn đề
làm thiện nguyện để giúp đở người nghèo ở VN thì câu trả lời của anh Tài Ngọc có
hơi quá khích. Xin mạn phép tách ra hai vấn đề cho rỏ ràng. Vấn đề người nghèo
và thiện nguyện hoàn toàn khác nhau. Hoàn toàn đồng ý với anh Ngọc là xứ nào
cũng có người nghèo. Nhưng người nghèo bên Mỹ được ăn trợ cấp thất nghiệp, khi
hết trợ cấp TN thì được chính phủ cho ăn welfare. Chúng tôi biết bên Canada có
nhiều người nghèo vì lười không chịu khó tìm việc làm vì ai cũng muốn có việc
làm tốt chứ không ai muốn chấp nhận jobs thấp của xã hội như rửa chén, chạy bàn
trong nhà hàng hay giao pizza. Vì những người này chê jobs dơ bẩn thà ăn thất
nghiệp hay welfare hay xin tiền ngoài đường vẫn hơn. Những năm 70 Canada phải
nhập cảng công nhân từ Bồ Đào Nha và Ba Lan để họ làm những việc “dơ bẩn” mà
người Gia Nã Đại chê. Những người nghèo này sẽ không bao giờ chết đói. Ngược lại
ở VN người nghèo thì nghèo rớt mồng tơi, không có miếng ăn miếng mặc, không có
tiền đi BS hay mua thuốc men và có thể chết bất cứ lúc nào. Cũng như có lần tôi đi bộ ở bãi Sau Vũng Tàu hóng mát thì một anh què
một chân đến dạm hỏi để bán thuốc lá. Tôi bảo là tôi không hút và xin trò
chuyện với anh một lúc. Sau khi cho anh ấy một ít tiền lẻ tôi hỏi anh ngày xưa
làm gì. Anh ấy cho biết ngày xưa anh là một biệt kích dù bị thương mất một chân
trong lúc hành quân vào mùa hè đỏ lửa năm 72 ở Kontum. Gần đây ngày 14 tháng 10
năm 2913 trận bão Nari càng quét miền Trung. Nhìn video trên TV mà ta cảm thấy
thương tâm cho dân nghèo Việt Nam.
Vấn đề muốn đền
ơn quốc gia cưu mang mình thì có nhiều cách. Nếu mỗi người là một công dân tốt
chăm chỉ làm việc, không trộm cướp của cải hay quịch tiền, không ăn hối lộ tham
nhũng, không giết chóc và trả thuế chính phủ đàng hoàng là coi như đã trả nợ quốc
gia rồi. Vì mỗi quốc gia phồn thịnh chỉ mong có những thành phần công dân tốt với
cuộc sống an bình thịnh vượng và nhất là đóng thuế đầy đủ, v.v... Ở bất cứ quốc
gia nào trên thế giới chỉ có người dân sống lương thiện là nghèo hay trung bình.
Giới có chức vụ hay nhà giàu vẫn tìm cách trốn thuế và bốc lột người dân một
cách tinh vi kín đáo. Những việc tham nhũng và ăn hối lộ (corruption & collusion)
trong chính quyền vẫn hiện hữu nhưng rất tinh vi và rất kín đáo khó mà khui ra.
Chính quyền phải mất nhiều tiền bạc để mướn luật sư phanh phui ra những cái vụ
scandale như thế. Từ mùa hè 2012 đến nay tỉnh Montreal chúng tôi phải tốn vài
chục triệu để lập ra Ủy ban Thanh tra Charbonneau để kiểm tra lại các hợp đồng
xây cất của thành phố vì nội vụ có vấn đề gì không công bằng và trong sạch vì nạn
hối lộ. Lần lượt các thị trưởng và các nhân viên đầu não nội bộ thành phố bị
khui ra vì ăn hối lộ trong các hợp đồng lần lượt từ chức. Không những tỉnh
Montreal mà các tỉnh lân cận khác cũng bị dính líu như Laval và Quebec, các thị
trưởng các tỉnh này lần lượt từ chức vì ăn hối lộ. Ủy ban Thanh tra Charbonneau
chỉ có khả năng khám xét và truy tố tội phạm trong phạm vi tỉnh bang mà thôi.
Chớ nếu chính quyền của mỗi thành phố lớn bỏ ra vài chục triệu để lập ra những
tổ hợp tương tự thì chúng tôi nghĩ ỡ đâu cũng không tránh khỏi nạn tham nhũng và
hối lộ vì chúng ta đều là con người. Mà là con người thì lòng tham không đáy vì
họ cai quản tiền bạc chi tiêu của công chúng. Ngày 10 tháng 10 năm 2013 báo chí
bắc Mỹ rầm rộ loan tin cựu Thị trưởng thành phố Detroit tên Kwame Kilpatrick bị
tố cáo và đưa ra tòa về tội tham nhũng ăn hối lộ trong các hợp đồng xây cất, hốt
rác, hốt tuyết vv... của thành phố này trong những năm 2002 cùng 30 thành viên đồng
lỏa của ông. Thông thường chức thị trưởng thành phố lãnh lương rất ít nhưng lại
có nhiều quyền hành để ảnh hưởng tiếng vang rất mạnh trong thương trường cho
nên đa số các chức vụ này đều ăn hối lộ và tham nhũng. Chúng ta sẽ không nghe
biết đến nếu không có người tố cáo hay không có hội đồng kiểm tra phanh phui các
hợp đồng xây dựng, vv... Chuyện tham nhũng không hẳn chỉ xảy ra trong cấp chính
quyền mà ngay trong giới tư nhân. Bất cứ nơi nào nếu có dịp họ sẽ làm tham
nhũng hoặc ăn hối lộ một cách rất tinh vi. Chúng tôi làm cho một hãng tư lớn nhất
Canada cũng không ngoại lệ. Anh đồng nghiệp với chúng tôi tên Michel Perreault,
một kỹ sư công chính chuyên cai quản (project manager) mấy vụ thầu xây cất cho
hãng khoảng vài chục triệu mỗi năm. Anh thông đồng với nhà thầu để chia chát tiền
bạc trong các vụ trúng thầu. Anh ăn lương như chúng tôi nhưng ngoài đời anh lại
giàu hơn chúng tôi gấp bội phần. Cần rất nhiều mực để viết về vấn đề tham nhũng
trong chính quyền và thương trường và những vấn nạn về súng ống (gun shot) trong
xã hội tân tiến này... Thí dụ chuyện hãng Enron ngày xưa thâm thủng ngân sách
nên phải vơ vét quỹ về hưu của nhân viên mà bồi đắp chi phí cho công việc
thương mại hằng ngày của họ và những việc làm bất chính khác xảy ra đều chi
trên thế giới. Nhưng có điều nó rất kín đáo tinh vi và tầm vóc vỹ đại hơn...
Vấn đề thiện
nguyện để giúp người nghèo vì bất hạnh. Chúng tôi đã làm thiện nguyện bên
Canada và VN nên chúng tôi rất hiểu cái tâm của những người này. Nhưng vấn đề
quan trọng bên bắc Mỹ này vẫn là vấn đề lạm dụng của “chùa” để các vị cai quản các
quỹ từ thiện để dùng vào việc riêng tư. Khoảng 20 năm trước chúng tôi làm kế
toán từ thiện cho một hội từ thiện nhỏ ở Montreal tên Children Wish Foundation.
Hội này có nhiệm vụ gây quỹ bằng cách xin tiền các hãng hay bất cứ tư nhân giàu
lòng bác ái sẳn sàng giúp hội tiền bạc nhằm mục đích giúp các em mắc bệnh hiểm
nghèo như ung thư máu (leukemia) được thực hiện ước mơ trước khi nhắm mắt.
Chúng tôi thấy đây là một việc làm đầy ý nghĩa nên tự nguyện làm kế toán không
công cho họ. Việc làm cũng chẳng khó nhọc cho lắm. Làm sổ sách tính toán tiền
thu nhập và tiền chi phí để sao cuối năm cái balance phải gần như zero. Và theo
chúng tôi biết thì luật lệ cho phép các hội từ thiện được quyền dùng 20% quỹ cho
chi phí trong việc quản trị như lương lậu cho nhân viên. Bà chủ tịch hội này
cũng là người quen biết đã lâu. Bà có nhiệm vụ đi quỹ lạo các hãng và tư nhân để
quyên tiền. Theo sổ sách thời đó tiền thu nhập được khoảng hơn 200-300 ngàn đô
mỗi năm. Kết quả bà cũng thực hiện các giấc mơ cho gần hai em mỗi năm để trang
chải cho các em đi thăm nhân vật nổi tiếng như Michael Jackson, Madonna, Elton John, Paul Anka hay du lịch
Walt Disney v.v... Hai lần chi phí tốn khoảng 80 ngàn đô. Phần còn lại tự bà chủ
tịch trích ra lương 50 ngàn đô. Nhưng chí phí riêng cho nhà bà hơn cả trăm ngàn
một năm. Tất cả chi phí tư như ăn dining out, parking, pool party có mướn ca sỹ
chuyên nghiệp đến giúp vui cả đêm cho cả trăm người tại nhà bà vài lần mỗi năm
để mua vui. Nhưng thực sự những party như thế là để bà vui chơi, gây tiếng tăm cho
bà. Sau một vài năm làm thiện nguyện cho hội và chứng kiến cách ăn chơi phung
phí của bà quá độ chúng tôi quyết định rút lui. Suy nghĩ lại những thu nhập vào
quỹ, bà chi ra hơn 40% còn 60% quỹ còn lại bà xài cho cá nhân. Chính phủ rất ủng
hộ các quỹ từ thiện nên việc kiểm soát cũng rất lỏng lẽo. Các nhân viên làm dưới
tay bà đều thiện nguyện. Từ đó chúng tôi rút kinh nghiệm là không bao giờ chi tiền
cho các quỹ từ thiện vì biết đồng tiền “chùa” khi tới đích sẽ còn rất ít. Ngoại
trừ những hội lớn có tiếng tăm như Hồng thập tự có thể cao hơn 40 phần trăm.
Nhưng chúng tôi vẫn tâm niệm rằng nếu có tâm giúp đỡ người nghèo hay bất hạnh thì
nên đem tiền đến nơi tận tay đưa cho nạn nhân là hay nhất, chứ đừng bao giờ cho
tiền qua các quỹ từ thiện trá hình kiểu tư bản.
Một ngày
chúa nhật tháng 1 năm 2011 anh em chúng tôi tháp tùng phái đoàn Khám Bệnh Nhân
Đức từ Sài gòn gồm 7 bác sỹ, 2 cô dược sỹ và trên 20 người thiện nguyện sáng sớm
lên đường xuống huyện Châu Thành Sa Đéc để khám bệnh miễn phí cho trên 300 bệnh
nhân nghèo không có phương tiện đi khám bác sỹ. Trưởng đoàn thiện nguyện là BS
tiến sỹ Đặng Thái Phong, một con người đầy nhiệt tình và tấm lòng quảng đại.
Anh cho biết là đoàn đã làm hơn 10 công tác khám bệnh nhân đức từ hơn 2 năm
nay. Đoàn rất cần sự ủng hộ tài chính của các thiện nguyện viên và nhiều nhà hảo
tâm để mua thuốc cho bệnh nhân sau khi khám bệnh. Bên Canada chúng tôi đã làm
thiện nguyện trên mười năm cho nên khi nghe em gái tôi đề nghị nhân dịp về quê
hương ăn tết cũng nên đi một lần cho biết nên tôi không do dự vội chấp nhận
ngay. Đây là kinh nghiệm thiện nguyện đầu tiên ở Việt Nam nên tôi rất hứng thú.
Việc tôi làm khá đơn giản có nghĩa là nhận toa của bác sỹ rồi phân phối thuốc
theo toa. Một tiếng đầu tôi cần các cô dược sỹ trẻ hướng dẫn để quen mặt thuốc.
Những giờ sau các bác sỹ ngạc nhiên vì tôi chọn thuốc khá thành thạo như một dược
sỹ… Mỗi nơi đoàn phải đến 2 lần cách nhau một tháng để tái khám, xem xét và
theo dõi bệnh tình có suy giảm chăng. Tôi có anh bạn tên Paul Nguyễn hiện làm BS
trực trong nhà thương Hotel-Dieu de Montreal. Anh chàng độc thân giàu lòng nhân
ái này thỉnh thoảng tháp tùng cùng Hiệp hội BS Không Biên Giới (Medecin Sans
Frontiere) làm BS thiện nguyện qua bên châu Phi, Lào hay Cambodge vài tháng rồi
lại về Montreal tiếp tục làm BS trực trong nhà thương. Khi nghe tôi kể chuyện
tôi cùng các BS từ Sài gòn sáng sớm 5 giờ sáng cuối tuần phải thức dậy lái xe đi
Sa Đéc cho kịp đến nơi khám bệnh cho dân nghèo. Anh cho chúng tôi biết cái tâm
anh đã lớn nhưng vẫn chưa so sánh được với lòng nhân đạo của phòng Khám Bệnh
Nhân Đức mà tôi vừa kể...
Hiện thời
ở những thành phố lớn bên Canada và Hoa Kỳ người ta xây những viện dưỡng lão
cho người già Việt Nam. Trong khi viết bài này tôi biết chắc rằng nhiều người
Việt mình khó chấp nhận việc đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão và biện hộ rằng
đây là việc làm vô trách nhiệm và bất hiếu vì đem cha mẹ bỏ chợ... Nhưng trên
thực tế nơi đây các cụ được chăm sóc khỏe tốt hơn tại gia. Con cháu ngày nay ai
cũng tất bật đi làm hay đi học, không ai có thể ở cạnh bố mẹ 24 tiếng đồng hồ để
chăm sóc các cụ cả. Hơn nữa ở viện dưỡng lão các cụ được tìm thêm bạn bè cùng
tuổi tác và có thêm nhiều sinh hoạt cộng đồng để sống vui sống khỏe cho cuộc đời
còn lại của một con người. Con cái cũng có cơ hội đến thăm các cụ...Nếu còn sức
khỏe các cụ vẫn có dịp du lịch về Việt Nam thăm quê hương và họ hàng. Nhưng đến
một lúc nào đó sức khỏe các cụ kém hay không còn cho phép nữa đành phải chôn chân sống âm thầm trong
viện dưỡng lão để chờ ngày... ra đi.
Những
người thuộc thế hệ “Baby Boomers” như chúng tôi sống hòa đồng hơn trong cộng đồng
bắc Mỹ. Cách ăn uống, phong tục và ngôn ngữ không làm trở ngại việc chúng tôi
buộc phải sống trong viện dưỡng lão Việt Nam. Vì thế thế hệ chúng tôi đang tìm
phương thức mới khi về hưu như tạo ra “làng Việt Nam”. Nơi ấy chúng tôi có thể
sống vui vẻ hòa đồng với tất cả mọi người, có cơ hội sinh hoạt thể thao với bạn
bè cùng gu, có tự do ngôn luận, vẫn có dịch vụ bảo vệ sức khỏe tốt, vẫn đi du lịch
Việt Nam khi có thể xem ra là giải pháp hay nhất.
Nguyễn Hồng
Phúc
Montreal
Canada