Đây là một đề tài gây ra nhiều tranh cãi trên mạng. Người
sắp về nghỉ hưu phân vân không biết nên về Việt Nam sinh sống để tìm lại tình
thân cũ và hương vị quê hương hay ở ngoại quốc để gần gũi con cháu và được bảo
vệ sức khỏe tốt, v.v… Tất cả mọi người đều có nhu cầu sở thích cá nhân khác
nhau và cách suy nghĩ thích hợp cho hoàn cảnh riêng của mình. Khó có ai có thể
làm thay đổi quyết định chọn chỗ sinh sống tuổi về già cho mình.
Nhân đọc một bài tâm sự trên mạng của ông Nguyễn Thanh
Nguyên và sau đó có nhiều hồi âm trên mạng với những ý kiến rất khác biệt. Tôi
thấy ngứa ngáy đành vội nhảy vào cuộc đua để chia sẻ ý kiến của mình hầu độc giả
có thêm dữ kiện để suy gẫm cho mình được chính chắn hơn.
Sinh ra ở miền Nam, lớn lên bằng gạo lúa quê mình vì
nhiều lý do khác nhau, nhiều người phải mưu sinh ở nước khác. Sau những năm
tháng bôn ba trên quê hương thứ hai, thành công về vật chất đã có rất nhiều người
đạt được, nhưng về tinh thần cũng còn rất có rất nhiều người luôn nặng tình với
quê hương.
Rất hiếm hoi để được nghe người ta nói về tình
yêu quê hương, nhưng khi nhắc về những kỷ niệm, về gia đình, về tuổi thơ hay
những câu chuyện tình yêu một thời, hai chữ quê hương lúc ẩn lúc hiện và bây
giờ họ đã trở thành tầng lớp hưu trí. Và hình như đã đến lúc mọi người cùng ghé
tai nhau nói nhỏ “ta về ta tắm ao ta” rồi thì phải :
Tôi
còn nhớ cái cảm giác lâng lâng và đầy hụt hẫng khi
trở lại quê hương, lần đầu trở lại thăm gia đình ở Việt Nam vào năm 1990. Nước
mắt đã không ngăn được khi phi cơ vào không phận Việt Nam.
Nhưng
năm 1990, tôi chưa có cảm giác có thể quên đi công ăn việc làm ở Mỹ để trở về
Việt Nam, gần gũi gia đình. Đến năm 1993 tôi lại về Việt Nam, bức tranh quê
hương có thay đổi thêm vào những nét chấm phá của văn hóa rất Việt Nam, những
tình cảm ngộ nghĩnh và rất con người đột nhiên tự có.
Tôi
làm quen với nhiều người, từ bà cụ bán vịt lộn, anh lái xe ôm, trí thức. Chúng
tôi nói nhiều chuyện, trong đó có chuyện làm sao để có đời sống kinh tế khá
hơn. Và mỗi người, mỗi câu chuyện lại là một kinh nghiệm đầy phấn đấu cho tôi.
Có
những mẩu chuyện mà khó ai tin, một bà cụ vốn liếng chỉ có 30 trái vịt lộn thế
nhưng bà cụ nuôi được thân mình và đứa cháu tật nguyền mất cả cha lẫn mẹ. Những
mảnh đời thiếu may mắn tôi gặp ở khắp mọi nơi, họ chỉ mong có số vốn nhỏ để bắt
đầu. Khi biết được cái mong ước của họ chỉ là số tiền nhỏ có khi chỉ 50 USD, đủ
để họ khởi đầu cho một gánh hàng rong, hay có tiền vốn bán vé số, và thực tế
hơn chính gia đình người anh ruột của tôi cũng mong được tôi cho 500 USD và hứa
sẽ “không bao giờ làm phiền chú nữa”.
Tôi
trở lại Mỹ và mau chóng quên những người bạn này vì quá bận rộn, rồi tình cờ
tôi gặp lại một vài người đã đến Mỹ theo diện HO. Họ kể cho tôi nghe về những
người quen khác ngày một khá hơn, đời sống thay đổi nhiều, và còn nhiều cái vui
khác. Tôi lại quyết định về Việt Nam thăm nhà vào đầu những năm 2000.
Và
ngày trở lại có nhiều người đón tôi ở phi trường với những trách móc: "Sao
tôi viết thư mà ông không trả lời?" Thật là ngỡ ngàng nhưng tôi cười trừ
chống chế. Tôi mà nhận được thư ông viết "tôi chết liền”. Tôi không hiểu
cái cách nói này tôi học được ở đâu (!) nhưng đó là lần đầu tiên tôi nói.
Một
tháng ở Việt Nam trôi qua mau chóng, tôi ngày nào cũng đi hết nhà người này đến
nhà người khác, mà ngày nào cũng giống nhau ở đâu thì cũng rượu thuốc (phần lớn
là rượu chuối hột). Còn đồ ăn thì được chế biến từ tất cả những thứ mà họ tìm
được.
Tôi
có cái may mắn là ăn cái gì cũng được, thế mà lần đầu tiên được mời uống tiết
rắn. Mặc dù rất sợ nhưng vẫn can đảm, “ai tới đâu thì tôi theo tới đó” có lẽ vì
vậy mà tôi dễ thân thiết với mọi người. Bài học đầu tiên mà tôi học được trong
cái văn hóa phức tạp của ngày trở về này.
"Bữa
nhậu là đầu câu chuyện, từ kinh doanh buôn bán, đến việc giải quyết xung khắc
trong nhiều lĩnh vực. Những ông lớn không làm những việc bé, nhưng rất nhiều
người “bé” lại có quan hệ với nhiều ông lớn, và cuối cùng thì các ông lớn sẽ
giải quyết những việc của người bé", một người bạn của tôi đúc kết như
vậy.
Tôi
trở lại Mỹ, để rồi hai tháng sau tôi quyết định nghỉ việc và về Việt Nam hưu
trí. Bây giờ đã 10 năm, khi viết bài này, tôi đang ở Việt Nam và được gọi là
Việt kiều. Tôi là một người “Việt kiều hưu trí” 10 năm, một khoảng thời gian
“được cái này mất cái kia” và rất nhiều điều tôi đã trải qua vừa vui và vừa
buồn cười. Những trải nghiệm của tôi đôi lúc trở thành câu chuyện dí dỏm, và
tôi sẽ tuần tự trình bày dưới khía cạnh của kinh nghiệm thực tế, để các bạn
“Người Việt hải ngoại” đừng vấp phải những khó khăn mà tôi đã trải qua khi các
bạn quyết định về Việt Nam hưu trí.
Về Việt Nam, tôi không có ý
định ở khách sạn, nên quyết định mua một căn nhà nhỏ chỉ bằng diện tích của một
studio ở Mỹ làm nơi tạm trú với dự định là số khi nào không cần nữa thì cho ai
đó là xong.
Căn
nhà đầu tiên tôi mua có diện tích 5x9 = 45m2, giá mua là 45 cây vàng
9999. (một lượng vàng 9999 quy thành tiền Việt = 4,7 triệu/cây vàng và bằng
22.000 USD). Đây là số tiền không lớn, làm tôi không phải băn khoăn, và để căn
nhà này cho một người thân đứng tên.
Về Việt Nam, mang
danh nghĩa Việt kiều, thời năm 2000 đi tàu giá vé gấp đôi, vào nhà hàng thì
luôn có con dao thật bén để họ chém đẹp, dù không bao giờ tự nhận mình là Việt
kiều, nhưng họ tinh lắm chỉ cần nhìn cách đi đứng ăn nói của mình là họ biết
ngay. Chẳng vậy mà trên tuyến đường đi từ Đà Lạt xuống Phan rang, khi xe ngừng
lại một quán nước bên đường đã có người bán hàng rong đưa tay bóp bắp tay tôi
rồi nói: "Chu ơi, Việt kiều mập quá!"
Bây giờ, những
chuyện thế này thì không còn nữa và luật pháp Việt Nam khá thông thoáng. Theo
thông tin đại chúng, Việt kiều được đứng tên mua nhà và làm chủ tài sản của mình,
nhưng đến thời điểm này liệu không còn có nhiều người thật sự muốn mua nhà. Vì
các nguyên nhân sau đây:
- Những người cần
mua thì họ đã mua rồi, họ không đứng tên thì người nhà của họ đứng tên. Khi đó
giá nhà đất còn rẻ, nhiều người có thể đủ khả năng để mua một biệt thự hay một
căn nhà phố, giá chỉ vài ba tỷ đồng Việt Nam.
- Ngày nay muốn mua
được một biệt thự họ phải trả từ 6 đến 10 tỷ hay từ 300.000 đến 500.000 USD (10
tỷ VND), cho một biệt thự, trong khi giá cho thuê một biệt thự cao cấp cũng chỉ
khoảng 1.000 USD. Hãy làm một so sánh: nếu phải bỏ ra 10 tỷ đồng, số tiền này
có thể cho lợi nhuận 50 triệu VND/tháng. Như vậy, dù có thuê nhà với giá 1.000
USD họ vẫn còn lợi đươc 1.500 USD.
- Hiện tại giá nhà
đất tăng vọt, giá trị thật sự của nhu cầu không tương ứng với số tiền người ta
phải bỏ ra để mua.
- Tâm lý Việt kiều không bao nhiêu
người muốn ở Việt Nam toàn thời gian mà chỉ có ý định sống hai nơi tùy theo lúc
và nhu cầu.
- Việc khó khăn để
có được giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam là một hành trình dài, trong khi hộ
chiếu của Mỹ thì có ghi rõ "Xuất xứ: Việt Nam" mặc dù vậy họ vẫn
không được công nhận là còn quốc tịch Việt Nam.
- Thủ tục hành
chính rườm rà, dể làm nản lòng rất nhiều người.
- Hệ thống pháp lý
của Việt Nam cũng vô cùng phức tạp, nhất là khi người Việt hải ngoại có vướng
mắc với luật pháp, thông thường là các án dân sự, rất và rất nhiều do tranh
chấp tài sản khi nhờ người khác đứng tên.
Trên mục “Người
Việt Năm châu” tôi đọc được một số bài viết của các bạn đọc ở hải ngoại có
những ưu tư như những bài "Có nên về Việt Nam hưu trí", "Về Việt
Nam làm việc" hay "Mua nhà ở Việt Nam để hưu trí" và còn nhiều
nữa. Với kinh nghiệm mà tôi có được trong nhiều năm sống tại Việt Nam, tôi mong
được chia sẻ với bạn đọc, hy vọng những kinh nghiệm nhỏ bé này sẽ giúp các bạn
hiểu rõ hơn khi chọn lựa cho mình một quyết định.
Tôi ở Mỹ được 32
năm, đã và đang làm việc cho một hãng điện tử 30 năm. Năm nay tôi 59 tuổi, sức
khỏe tốt. Các con tôi (3 đứa) đều lớn và đã sống riêng. Tôi dự định làm việc ba
năm nữa thì về hưu ở tuổi 62. Tôi muốn về hưu ở Việt Nam. Hiện tại, tôi không còn
ai ở Việt Nam, kể cả họ hàng thân thuộc. Tôi chỉ về hưu một mình. Vợ tôi không
chịu về hưu ở Việt Nam vì vợ tôi là người Lào và thích ở bên Mỹ hơn. Tôi đã dẫn
vợ về Việt Nam một lần. Vợ tôi không thích Việt Nam cho lắm.
Về phần tài chính
thì tôi được tiền hưu là 1.500 USD + 500 USD một tháng tiền 401K. Sau khi đọc
rất nhiều ý kiến của những độc giả, khi về hưu tôi sẽ chọn Bến Tre hoặc Phan
Thiết. Xin độc giả cho tôi ý kiến.
Bến Tre hoặc Phan
Thiết có tốt về khí hậu, thực phẩm, tình bà con hàng xóm có được không? Hay là
ở chỗ nào khác tốt hơn như Nha Trang, Cần Thơ? Lúc còn ở Việt Nam tôi ở quận 1,
Sài Gòn. Nay tôi không thích Sài Gòn cho lắm.
Một
lý do rất quan trọng là tại sao tôi muốn về hưu ở Việt Nam:
-
Tôi cần tình người (ở Việt Nam tình người đậm đà hơn ở Mỹ).
-
Tôi cần bạn bè, hàng xóm người Việt Nam (tôi ít bạn Việt Nam ở Mỹ, hàng xóm
người Mỹ) để hàn huyên tâm sự.
-
Tôi muốn chính tôi sẽ giúp đỡ những người nghèo, những người đã không may mắn
trong cuộc đời. Với số tiền hưu, tôi sẽ trích ra một phần và chính tay sẽ giúp
đỡ họ. Ở Mỹ vật chất rất là đầy đủ, dư thừa nhưng chỉ thiếu tình người giữa
người Việt Nam với nhau. Đó là lý do chính tôi muốn về hưu ở Việt Nam.
Xin quý tòa soạn
cho đăng mẫu tin này.
Thanh Nguyen
Và sau đây là ý kiến của anh Nguyễn Tài Ngọc
trong hội không quân như sau :
Ở Việt Nam hay các
nước nghèo đói, dân chúng thường không
có sự lựa chọn khi về hưu, sinh tử phần lớn ở cùng trong một căn nhà. Về hưu 60 tuổi thành phần
ưu tú của xã hội được nhà nước phát cho lương hưu trí hai triệu đồng Việt Nam,
nhiều tiền quá làm gì cho hết nên nhiều người đem cất dưới đầu giường khỏi tiêu
cho xong. Người nào giầu có hơn một tí
thì ở căn nhà đầu xóm, lúc phát đạt mua căn nhà mới, chết đi ở căn
nhà…cuối xóm.
Ngược lại, ở nước
Mỹ đời sống sung túc, nhiều người khi còn trẻ cất tiền vào quỹ hưu bổng 401K.
Đến già rút tiền 401K, cộng với tiền an
sinh xã hội, và nếu đã trả hết tiền nhà thì
dư tiền, có sự lựa chọn nơi mình muốn về hưu.
Tôi làm việc gì
cũng phân tích kỹ lưỡng để khỏi hối hận (kinh nghiệm đau thương nhắm mắt nhẩy
vào một tình yêu không suy xét với cô bồ cũ dậy tôi một bài học nhớ đời). Tuy
rằng còn bốn mươi năm nữa mới về hưu,
tôi muốn phân tích vấn đề này thật kỹ
lưỡng cho ông Thanh Nguyên được tỏ tường.
Đây là những yếu tố
tôi nghĩ ông nên tìm hiểu ở một thành phố mình muốn về hưu:
- Vật giá đắt đỏ.
- Tỷ lệ thất
nghiệp.
- Thuế má cao bao
nhiêu?
- Khí hậu thế nào?
- Cơ sở y tế ra
sao?
-Tuổi thọ trung
bình là bao nhiêu.
- Cướp bóc có đáng
lo ngại?
- Văn hóa, tập quán
có phù hợp với mình?
1.Vật giá đắt đỏ: Theo thư ông trình bày,
một tháng ông được $2000 dollars. Nếu ông muốn về hưu ở Paris hay New York,
$2000 đô-la chỉ đủ tiền cho ông mướn một cái nhà bếp, ban ngày ông phải ra đứng
ở góc đường chìa tay xin tiền “Con cá nó sống vì nước, con sống nhờ ông bà”.
Ngược lại, về SàiGòn ông mướn một căn nhà nhỏ, một tháng trả 500 đô-la là sang
lắm. Còn $1500, dư cho ông một ngày đi đấm bóp hai lần, vẫn có tiền giúp người
nghèo như ông nói, và mua thức ăn hằng
ngày (đặc biệt ở Việt Nam chẳng ai kiểm soát khỉ gió gì hết, gà bệnh chết bán rẻ hơn gà sống, ông có thể tiết kiệm thêm
tiền mua gà chết). Do đó quyết định về hưu ở Việt Nam rất có lý, tôi một lòng
ủng hộ.
2.Tỷ lệ thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp của một thành phố rất quan
trọng. Ở nước Mỹ tỷ lệ thất nghiệp trên 10% là kinh tế rục rịch khủng hoảng
(hiện thời là 9%), dân chúng truất phế đảng đương nhiệm để bầu cho đảng đối
lập. Thất nghiệp cao thì nhà nước bị mất tiền gấp đôi: dân không đóng thuế, nhà nước phải trả tiền thất nghiệp. Nhà nước
không có tiền thì quân đội, trường học, cảnh sát, nhà thương, công viên, thư
viện, xây cất đường xá…, tất cả bị cắt giảm. Ông có biết tại sao ở Việt Nam
nhiều người đái bậy ngoài đường không? Tỷ lệ thất nghiệp trong thành phố hơn
30%:
http://tintuc.timnhanh.com/xa-hoi/lao-dong/20101002/35AACBC8/Ty-le-that-nghiep-tai-thanh-thi-gap-doi-nong-thon.htm
Thất nghiệp quá
cao, nhà nước không đủ tiền xây cầu tiêu công cộng. Dân thất nghiệp không có
việc làm đi ngông ngông ngoài đường nên đái bậy. Ở Mỹ sáng dậy ông ra trước nhà
đứng hít thở không khí trong lành. Tôi bảo đảm sáng dậy mở cửa căn nhà ông mướn
trong hẻm ở SàiGòn, thay vì ngửi mùi thơm cây cỏ thì ông sẽ ngửi mùi nước đái ở
chân tường. Liệu ông có sức mỗi sáng ra viết lên trên tường nhà ông “Cấm đái
bậy”, mỗi tuần viết 7 lần, một năm viết 365 lần không?
3.Thuế má bao nhiêu: Thuế cao thì vật giá
cũng cao. Trừ những hãng tư nhân ngoại quốc lớn ở Việt Nam, nếu ông muốn mở một
doanh nghiệp và biết khôn khéo chọn mặt gửi vàng thì thuế của ông sẽ thấp hơn
nhà nước ấn định. Thành ra ở điểm này, tôi đồng ý với ông về hưu ở Việt Nam.
4. Khí hậu thế nào: Nếu ông ở các tiểu
bang Bắc Mỹ , sợ tuyết quá thì tôi thông cảm ông muốn đi tìm nơi khác ở. Nhưng
nếu ông ở California thì ông cần đi nhà thương khám xem mình có bị bệnh tâm
thần hay không vì California có thời tiết ôn hòa nhất nhì thế giới. SàiGòn mưa
nhiều, “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt”, nếu ông thích nước, ông thuộc
loại người cao cấp thích sống kiểu thành
phố Venice, Ý-Đại-Lợi, đầy những nuớc thì tôi tôn trọng sở thích riêng của ông
khi chọn Việt Nam là nơi về hưu. Trong
trường hợp ông không biết, tôi muốn nói cho ông biết là ở Venice, nước ngập
người ta phải dùng ghe di chuyển. Thế nhưng họ dùng ghe trên đường phố, không
như ở Việt Nam họ dùng ghe trong nhà như ảnh dưới đây.
Nguyễn Hồng Phúc
Mời xem tiếp phần 2