Một chị bạn đồng môn vẫn luôn nhắc nhỡ mọi người nên
nhìn về phía trước mà sống, không nên nhìn lại quá khứ. Tuy biết thế nhưng cứ
hằng năm mỗi khi cận ngày 30 tháng 4 đêm đêm tôi trằng trọc và thỉnh thoảng
hiện về trong ký ức tôi vài ngẫm nghĩ về cái ngày đặc biệt khó quên này. Thế là
chúng ta đã xa quê hương gần 40 năm với biết bao nhiêu kỷ niệm. Khi chúng ta
nghĩ đến ngày 30 tháng 4 là đồng nghĩa
với sự ly biệt, đau thương, ly hương nhung nhớ… Giờ đây, hơn 40 năm chúng ta đã
sắp là những ông già bà già với một cuộc sống bình thường và trầm lặng. Mỗi khi gặp gỡ, chúng ta thích nói về quá khứ,
về thời học sinh. Người ta hay nói đó là qui luật tuổi già nhưng tôi lại nghĩ
khác. Trao đổi tâm sự với bạn bè về thời trung học chẳng qua là chúng tôi muốn
nhớ đến thời khắc dễ chịu nhất cũng là khó nhăn nhất của cuộc đời. Chia sẻ vui
buồn với bạn bè trên mạng trong nhóm ĐBSCL để làm cuộc sống thú vị và làm trôi
nhanh thời gian lúc nhàn rỗi. Mục đích chính của chúng ta vẫn là lo cho con cái
thành công trong cuộc đời, hội họp bạn bè trò chuyện, chơi tennis và làm thiện
nguyện. Chúng tôi muốn hưởng thụ tuổi già bằng cách đó. Và luôn luôn, chúng tôi
né tránh những câu chuyện nói về chiến tranh.
Hơn nữa gần đây các
bạn bè đồng môn cũ thường gửi cho chúng tôi những bức hình trắng đen cũ qua mạng
nói về quê hương càng khơi dậy lại tiềm thức tưởng đã lắng đọng trong 40 năm
qua. Người Việt chúng ta ngày nay sống rãi rác khắp nơi trên thế giới, người thành
công có, người kém may mắn cũng có, người còn người mất. Chỉ trong một tuần
cuối tháng ba mà đã có hai đồng hương Sóc Trăng đã ra đi vỉnh viễn –một người anh
ruột của một đồng môn HD và một người thầy cũ.
Các bạn đồng ý với
tôi là trong mỗi chúng ta vẫn còn phần nào ký ức thời chiến qua kinh
nghiệm cá nhân hay theo lời kể của thân nhân cha mẹ cho những người không
trải qua cuộc chiến tranh ý thức hệ tương tàn và những kinh nghiệm sống
khó khăn thời bao cấp sau chiến tranh. Nhưng cuộc chiến không phải là
gì đó để lại dấu ấn mạnh với họ. Chúng tôi muốn ghi lại để mà học hỏi
và tránh tái diễn. Còn với thế hệ con cháu sau này trong và ngoài nước thì
cuộc chiến quá là mờ nhạt. Người dân trong nước ngày nay muốn thành công
mạnh mẽ trong xã hội mới, kiếm tiền càng nhiều càng tốt, và hưởng thụ
bằng tiền bạc kiếm được, đối với họ, hưởng thụ lành mạnh là đã
giúp nền kinh tế đất nước, thứ ba là khẳng định mình qua việc làm
giàu và hưởng thụ.
Trong xã hội ngày nay
hai ý thức hệ vẫn còn tồn tại và khó bị khó phai mờ trong lòng người Việt. Không một cá nhân nào có thể dễ dàng quên
lịch sử của quê hương mình. Nhưng mai và không mai, sướng khổ của quá khứ là
những chuyện chẳng ai thay đổi được nữa. Lịch sử không bao giờ mỹ mãn cho mọi
phía. Chúng ta không nên mất thời gian bình luận về chiến tranh quá nhiều. Nhiều báo chí hải ngoại luôn bàn luận về đề
tài khó quên này càng khơi lại lòng thù hận cho một thiểu số người Việt.
Trách nhiệm của người Việt hôm nay là cùng nắm tay
chung sức, vì tương lai của chính chúng ta và vì của cộng đồng thương mến. Cái
xã hội còn đang chưa thật hoàn chỉnh là cơ hội lớn cho người dân đóng góp. Chúng
ta đều hy vọng thậm chí tin rằng dù những Việt kiều thế hệ 2, 3 không nói sành sỏi
tiếng Việt, nhưng niềm tự hào dân tộc vẫn nằm trong máu con cháu chúng ta. Và
dù ở nơi đâu, dòng máu đó vẫn thôi thúc họ khẳng định bản thân, và cùng hướng
về một nơi mà bản năng buộc họ không thể nào quên. Chỉ ý nghĩ đó thôi cũng đủ
để lòng ta rộng mở, khóe mắt ta nhăn lại với cái nhìn lạc quan hơn vào tương
lai.
Khi người ta bàn tán về cuộc chiến tranh ý thức hệ thì
họ hay phản ánh cuộc chiến ở mọi góc độ. Thế nhưng tôi thấy còn thiếu một góc
rất tế nhị mà chưa nghe ai nói tới. Đó là sự thống nhất trong tư tưởng mọi
thành phần luôn luôn đi kèm với sự đoàn tụ. Gạt ra ngoài vấn đề chính trị chính
em thì dư luận hải ngoại vẫn còn vương vấn với tương lai và hiện tình đất nước
Việt Nam sau ba mươi tám năm thống nhất.
Thời
gian chạy nhanh hơn trước, giới lãnh đạo trẻ ngày nay dù có ưu thế hơn so với
những người cao tuổi về độ nhạy bén kỹ thuật và lối sống cởi mở
hơn nhưng thế hệ sau này chưa ý thức rằng so với các nước trong khu vực
và trên thế giới thì Việt Nam còn đang phải chạy nước rút để đuổi cho
kịp.
Chúng
ta nghĩ gì về nước Việt Nam trong 10 năm tới nhỉ!. Người ta tin rằng
sống bằng hiện tại, làm tốt cho ngày hôm nay là cách sống đúng
nhất. Còn người khác lại cho rằng năm 2025 là một ước mơ lãng mạn hảo
huyền. Tôi vẫn còn cảm nhận hai dòng
suy nghĩ của người Việt trong và ngoài nước.
Khi chúng tôi đọc được một đoạn viết của nhà sử gia
Dương Trung Quốc có ý tưởng nếu có thể được « chúng ta cùng nhau làm một cái lễ
hoá giải, xoá tội vong nhân ». Tôi cảm thấy lời nói này nó tuy mang một ý nghĩa
về tâm linh, nhưng có lẽ hằng triệu người VN, của cả hai phía cũng đều mong đợi
khi mà cuộc chiến đã 38 năm trôi qua... Hơn nữa việc làm này nó còn có ý nghĩa
rất quan trọng, có thể là một trong những cái mốc lịch sử để làm nền tảng cho
sự thật lòng cùng nhau mưu tìm đến sự hoà hợp hoà giải cho dân tộc.
Chúng ta cùng lắng nghe câu chuyện sau đây của một người
bạn nguyên là cựu chiến binh VNCH kể lại. Một
lần được đi thăm lại chiến trường xưa. Ðặt chân đến Quảng Trị nơi phần đất nhỏ
bé nhất của quê hương, nhưng là nơi gánh chịu nhiều nhất những nghiệt ngã của
chiến tranh. Ðứng trên một lô cốt còn sót lại của căn cứ hoả lực Barbara. Hình
ảnh của những tháng ngày sống trong địa ngục trần gian, ngập tràn lửa đạn trở
về trong anh. Cộng với cái nóng như thiêu người, anh có cảm giác như mùi thuốc
súng, mùi khét của thịt da người bị nướng cháy. Và những tiếng gầm thét của bom
đạn, những tiếng rú gầm gừ của những chiến xa M48 thuộc thiết đoàn 11, đang làm
nhiệm vụ yểm trợ chúng tôi, đang ngụp lặn trong cơn mưa của hằng ngàn quả pháo
để cố chiếm lại từng tấc đất của thành phố nhỏ bé này đã bị rơi vào tay Bắc
quân 04/1972. Những tiếng nổ tung với những thây người ngã gục bên cạnh những
giao thông hào. Nhưng thịt da người văng từng mảng, vương vãi khắp nơi, la liệt
trên mặt đất, trên cành cây, trên những mái nhà hoang tàn đổ nát. Cổ họng anh
ngẹn ngào khô cháy, bừng lên với những xúc cảm của ngày nào.
Nhưng khi rời nơi này đi vào
một nghĩa trang của Bộ đội miền Bắc gần đó, nằm về phía tây quốc lộ 1 gần căn
cứ hoả lực Sharone, mặt ngĩa trang hướng ra phía biển, lưng quay về phía dãy
trường sơn với núi non trùng trùng điệp điệp. Trong đó hàng chục ngàn ngôi mộ
của những người chiến binh bộ đội miền Bắc đã nằm xuống trên chiến trường này,
được đặt ngay hàng thẳng lối, nhang khói trông thật tươm tất. Lòng anh chợt
chùng xuống, có thể những người trong số họ đang yên nghỉ giấc ngàn thu nơi
đây, bởi những viên đạn từ nòng súng của anh. Gạt bỏ ra ngoài ý thức hệ, quan
điểm chính trị lý tưởng. Với anh họ cũng là những người lính, họ đã nằm xuống
cho một « Chiến trường ». Là một cựu quân nhân anh kính cẩn bằng một cái chào
kiểu nhà binh, anh chào họ.
Anh thầm nghĩ, có lẽ bên kia
thế giới, họ đã tự hoà giải với nhau từ lâu rồi, và có lẽ họ cũng không muốn tự
tôn vinh họ, như những người sống đang tôn vinh họ ở nơi đây. Sau đó anh tiếp
tục đi thăm lại Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà. Thì thật là đau xót, khi nhìn
thấy quang cảnh của nghĩa trang, trong đó có lẽ có rất nhiều những đồng đội của
anh. Thì hỡi ôi! Những ngôi mộ hoang lạnh tiêu điều, cây cỏ mọc phủ kín, có
những ngôi mộ xiêu vẹo. Có những cái bị đập phá. Có cái bị chìm lún xuống mặt
đất, nếu không để ý, thì không còn nhận ra đó là ngôi mộ. Những đàn bò được tự
do thả rong, đang thản nhiên, từ tốn nhai những ngọn cỏ hoang một cách vô tư.
Môt người đàn ông trung niên quanh quẩn trong khu nghĩa trang này , lê chiếc
nạng gỗ đến mời anh mua nhang. Trớ trêu thay, anh ta lại là một cựu thương phế
binh thuộc binh chủng Biệt động quân của QLVNCH. Anh đau xót trao cho anh ta
một số tiền mà đối với anh chỉ bằng ăn một bát phở nơi xứ người. Nhưng với anh ta
có lẽ nó to lớn lắm. Anh cựu chiến binh nhờ anh ta mang hết số nhang mà anh có
trên người đi đốt hết và cắm hết cho những ngôi mộ nào có thể được.
Khi mà người Việt với nhau lúc nào cũng phân biệt anh
là dân Nam tôi là người Bắc hay tôi là tàn dư lính ngụy hay anh thuộc về phía
thắng trận thì tiến trình hòa giải dân tộc vẫn còn xa vời vợi. Nghĩ lại người thiệt thòi nhất trong cuộc
chiến này vẫn là những người dân lành vô tội...
Sống dưới chế độ nào thì người dân phải chấp hành theo kỷ luật của chế độ đó, ở đâu cũng
phải thi hành nhiệm vụ của người công dân. Tôi tin chắc rằng chẳng có người
thanh niên nào lại vui sướng khi phải cầm súng chống lại người anh em cả. Bên
nào cũng có những bàn tay "lông lá" nhúng vào. Sau cùng chỉ
người dân Việt là gánh chịu những đau khổ là nạn nhân của tham vọng quốc tế mà
thôi. Nay cảnh nồi da xáo thịt không còn nữa, ai sai ai đúng hãy để cho lịch sử
phán xét, hãy để cho thế hệ sau này suy nghĩ chứ không nên quy trách nhiệm hay
chê bai, moi móc đơn thuần cho một phía. Làm như thế chẳng phải trong tâm chúng
ta lúc nào cũng còn lòng hận thù? Mà đã như vậy thì làm sao nói đến hoà hợp
đoàn kết anh em cùng giòng máu Việt. Chính những người này là kẻ thù vì chỉ có kẻ
thù mới luôn tìm cách gây chia rẽ.
Đối với người Việt hải ngoại:
· Đa số thế hệ chúng ta đã, đang và sắp về hưu muốn một
cuộc sống nhàn hạ an thân. Một thiểu số người khác trở về quê hương để tìm lại
kí ức thời ấu thơ và cũng để nối lại tình thân. Có người thích làm thiện
nguyện, kẻ thích hội họp bè bạn chơi thể thao để duy trì sức khỏe tốt về già.
Thiểu số khác năng động hơn trở về VN giúp đỡ dân trong nước dưới nhiều hình
thức khác nhau – dạy học, tư vấn kỹ thuật, đầu tư trực tiếp, v.v…
· Ước mong VN sẽ trả hết nợ, những số nợ
khổng lồ mà những người trẻ tuổi Việt Nam cảm thấy mình phải có
trách nhiệm. Khi mà đã trả hết nợ rồi thì mới hy vọng làm được giàu
cho đất nước.
· Rất mong mỏi người dân trong nước có nhiều quyền
dân chủ hơn. Dân tộc Miến Điện đã tranh đấu hơn 20 năm bằng cách liên tục biểu
tình. Nhiều tăng ni đã hi sinh xả thân xuống đường vì dân chủ và cuối cùng nền
dân chủ thực sự đến với người dân Miến năm 2012. Người dân Việt mình có tính
chịu đựng và nhường nhịn. Chịu đựng để giữ lấy nếp nhà, để không vì việc nhỏ mà
làm hỏng việc lớn. Họ chịu đựng và nhịn nhục để làm ăn buôn bán mong đời sống
vật chất thoải mái hơn. Vì thế vấn đề tranh đấu dành tự do không phải là mối
quan tâm hàng đầu.
· Duy trì một nền kinh tế vững chắc hầu mong vượt lên ngang hàng với các
nước giềng như Thái và Mã Lai Á trong tương lai gần.
· Hi vọng người dân sẽ có trình độ văn hóa và dân trí
cao hơn. Tuy nhiên, sự lịch lãm phần lớn của dân Việt Nam vẫn còn rất
“ấu trĩ”. Cũng như dân Trung quốc, dân giao chỉ ngày nay vẫn chưa ý thức thấm
nhuần về vấn đề lịch sự. Đi vào những nơi đông đúc công cộng như cinéma,
hội chợ hay sấp hàng lên xe bus thì dân tình vẫn còn thói quen chen
chúc để dành vào trước mà không cần biết phép lịch sự là gì. Người
ngoại quốc chưa quen với lối sống tạp nhạp kém văn minh như thế, nhất
là xã rác ngoài đường một cách vô trách nhiệm. Mùa hè năm 2010 tôi
có dịp đi thăm Bahamas, một xứ thuộc địa nhỏ dân da đen bị đô hộ bởi
Anh quốc khá lâu. Ngày nay nước họ được độc lập khá trù phú, dân
tình rất lịch sự khi gặp khách du lịch, nhà vệ sinh công cộng thật
sạch sẽ là điều làm cho người du khách rất ngạc nhiên. Mặc dù người
Anh nổi tiếng là kỳ thị chủng tộc và phớt tỉnh, nhưng họ đã có
tài đã đem ảnh hưởng một sự văn minh không thể nào ngờ được cho một
dân tộc da đen như Bahamian và Malaysian. Nhìn người mà cảm thấy buồn
tủi cho một dân tộc có gần 5,000 năm văn hiến như Việt Nam chúng ta
đến bao giờ mới có một nền văn minh như thế giới hiện nay.
·
Qua nhiều chuyến thăm Việt Nam, tôi thấy quê hương
tôi đang cố gắng vươn mình chỗi dậy, một cách loạng choạng làm sao ấy, cả về ý thức
hệ lẫn kinh tế. Thật vậy, tình hình Việt Nam hiện nay theo tôi thấy, có thể so
sánh với những thứ khách sạn 3 sao tôi trú ngụ từ bắc vô nam. Bề ngoài có vẻ
ngon lành lắm. Nhất là đối với thành phần lam lũ trong dân như thành phần lái
xe thồ chực trước khách sạn, mỗi ngày chỉ được khoảng 2 đô, làm sao có thể thuê
phòng ngủ một đêm 30-40 đô. Thế nhưng, với kinh nghiệm đã từng trọ đêm ở các
khách sạn cũng 3 sao, trong những chuyến đi hè hằng năm của gia đình tại hải
ngoại thì hình như bên trong các khách sạn 3 sao ở Việt Nam tôi vẫn còn có
những chi tiết “văn minh” chỉ hợp với tập tục Việt Nam, hơn là với thành phần
khách du lịch ngoại quốc hay Việt kiều. Mà khách sạn là nơi mở ra để nhắm vào
khách du lịch ngoại quốc và Việt kiều hơn là đồng bào trong nước. Ngoài khách
sạn ra, kinh nghiệm cho thấy đi đâu lúc nào cũng nên có sẵn giấy vệ sinh trong
túi. Bụng dạ Việt kiều thường biến chuyển bất ngờ, vì lạ nước lạ cái. Bất ngờ,
có thể phải xót xa vò nhàu cả đến những thứ giấy tờ khá cần thiết, may còn sót
trong túi, để giải quyết vấn đề bất đắc kỳ cục. Cho dù một ngày kia dân Việt có
được một thành phần lãnh đạo sáng suốt, quê hương tôi vẫn cần phải mất một thời
gian không ngắn, mới có thể vượt thoát khỏi cảnh bần cùng hiện nay, mới có thể
cải cách xã hội, mới có thể theo kịp nền văn minh thế giới đang càng ngày càng
phát triển đến chóng mặt và mới có thể hòa nhập vào xã hội càng ngày càng toàn
cầu hóa về kinh tế và truyền thông.
Đối với người Việt trong nước:
· Đã từ lâu lòng thù hận đã đi vào quá khứ. Họ luôn mong mỏi có đời sống
khá giả và thoải mái hơn. Nếu
quý vị đi du lịch VN, theo dõi mặt trái các sự kiện trên báo chí VN hay trò
chuyện với bạn bè thân nhân, quý vị sẽ nhận ra dân VN đã và đang quên dần thù
hận chiến tranh giữa các phe phái, phản ánh của họ từ sau "đổi mới"
là nhà nước phải mau chóng hòa hợp, hòa giải dân tộc để đáp ứng căn bản các
quyền tự do dân chủ, rất khác biệt với chế độ hiện tại, đồng thời với những nhu
cầu phát triển kinh tế. Người Việt bản xứ cố gắng làm việc và làm giàu để đổi
đời. Thí dụ gần đây tạp chí nổi tiếng Forbes loan tin cho biết nhà doanh nhân
Phạm Nhật Vượng (Vinagroup) có số vốn 1.5 tỷ US và được xếp vào danh sách một
ngàn thương gia giàu nhất thế giới. Nhưng có một điều về ông Vượng mà có lẽ
không ai biết đến. Năm 2011 tôi có dịp về viếng thăm chùa Sùng Đức ở Thủ Đức và
có dịp trò chuyện với sư thầy trụ trì. Sư thầy cho biết ông Vượng tuổi mới hơn
40 nhưng tính tình rất bình dân và độ lượng. Ông tốt nghiệp kỹ sư bên Ukraine
và mua một hãng làm mì gói bên ấy để kinh doanh. Năm 2001 ông bán hãng mì cho tập
đoàn Nestlé Hà Lan rồi lấy vốn về Việt Nam đầu tư những công trình đồ sộ như Vinapearl
Resort Nha Trang, vài thương xá nỗi tiếng ở Sài gòn như tòa nhà chọc trời
Vinacom và nhiều dự án xây thương xá khác. Ông rất “ngoan đạo” và rất thấm
nhuần kinh Phật. Ông cho sư thầy biết vì nhờ lòng tin và được hưởng đức của Phật
nên ông mới thành công như ngày nay. Vì thế ông rất rộng lượng và cống hiến một
phần vốn của ông cho Phật. Năm 2010 ông thuê một chuyến máy bay đưa 150 sư sải
đi hành hương ở Nepal. Không những ông thuê bao máy bay, ăn ở hotel trong 10
ngày hành hương mà ông còn đích thân trao tặng 500 đô cho mỗi sư để xài vặt trước
khi lên đường cùng các sư đi hành hương Nepal.
· Hiện nay trong nước có nhiều ý kiến
không đồng thuận về cái nhìn tương lai kinh tế của Việt Nam nhưng chọn con
đường nào đây khi còn nhiều người cho rằng không thể đi tắt. Thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ bắt buộc
phải đi theo con đường có thể đã là lối mòn của phương Tây, vì Việt
Nam không thể đi tìm ra con đường khác với nhân loại. Hay có dư luận biện
hộ rằng tuổi mình không so sánh được rồi, sức khỏe là tụt hậu hơn
rồi, rồi văn hóa, học thức mọi thứ nếu mình không muốn bị tụt hậu
thì phải cố gắng rất nhiều. Với đà tăng trưởng kinh tế mạnh trong khu vực
Đông Nam Á chúng ta hi vọng trong 20 năm tới Việt Nam sẽ trưởng thành như những
nước láng giềng Thái Lan hay Mã Lai Á.
·
Nhiều đại gia làm ăn khá
giả cố gắng cho con cái du học.
· Trên báo chí gần đây có đăng một loạt các
bài viết liên quan tới thói hư tật xấu của người Việt như: "Nói cười hô
hố… chỉ có thể là người Việt!", "Xấu hổ vì tri thức Việt cũng tham ăn
tục uống", "Thói hư tật xấu của người Việt ra nước ngoài bị khinh
lắm", "Nhục nhã khi nhà hàng Việt từ chối phục vụ người Việt",
"Nỗi buồn người Việt phải giả danh thành người Nhật"... Mỗi bài đều
có lý luận riêng và đưa ra những thói hư tật xấu mà đại đa số người Việt đều
mắc phải. Nhiều người Việt ra nước ngoài cảm thấy vô cùng xấu hổ khi chứng kiến
cách đối xử của người nước ngoài với những người cùng quốc tịch mình ngay cả
khi ở trong nước, chính bản thân mình cũng giống như họ. Nhiều người bày tỏ
quan điểm cho rằng khi nhận mình là người Việt Nam, họ không được đối xử công
bằng như những nước khác, còn khi nói họ là người Hàn hoặc người Nhật thì lại
hoàn toàn ngược lại. Tôi có đọc đâu đó câu chuyện của tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuấn
chia sẻ về năm câu chuyện liên quan tới tính xấu của người Việt Nam khi ra nước
ngoài và thực sự cảm thấy điều đó là đúng. Trên thực tế, việc người nước ngoài
nhìn nhận và đánh giá dân trong nước không cao cũng là điều dễ hiểu.
Đất nước đã thống nhất 38 năm về địa lý nhưng vẫn để
lại 38 năm tiếp tục chia cắt tình huynh đệ trong tâm tưởng. Cuộc tranh luận về
chiến tranh VN giữa hai ý thức hệ cho ta thấy những tín hiệu hy vọng về tương
lai dân tộc, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những mâu thuẫn cố hữu giữa 2 luồng
suy nghĩ. Nhiều người đề cập đến cuộc nội chiến ở Mỹ và mất gần 100 năm sau mới
hóa giải. Tôi tự hỏi phải chăng người ta đã đưa ra một dự tín phải mất hơn 60
năm nữa cho dân tộc VN?
Dù sao muộn vẫn hơn không bao giờ…
Nguyễn Hồng Phúc
Ngày Phục sinh 2013