NGÃ:
Nhiều khi do vị trí liên hệ đến giao thông thủy, bộ. . . mà từ đó đi về vài
hướng khác nhau. Trước tiên phải kể ”ngã rẽ tâm tình”, để chỉ một ai đó, không
còn yêu người cũ mà quay sang người mới. Đây chỉ là thí dụ vui, trong tuồng cải
lương hay tiểu thuyết…, thật sự ngoài đời nhiều muôn ngã (đường đời muôn ngả
mà). Có những ngã trong một khu phố, một xóm không sao kể xiết, nhưng cũng có
những ngã khá quan trọng có lưu trong sách vở…
Xin ghi một số
trường hợp, như tại Sài gòn, có :
-Ngã Tư Bảy Hiền, Ngã
Năm Chuồng Chó( miệt Gò Vấp
mà các ông thanh niên đều biết biết), hoặc ngay tại Sài gòn hay Chợ
Lớn có
-Ngã Sáu Sài gòn, Ngã Sáu Chợ Lớn,
-Ngã Bảy Sài gòn, Ngã ba Vườn Lài… Vườn Lài, cũng như Chuồng Chó. Là nơi
mà trước năm 1975, thường qui tụ những thành phần bụi đời, trộm cắp và nhứt là
các động bán dâm. Hướng về miền Đông cũng không thiếu những Ngả quen thuộc như:
-Ngã Ba Ông Đồn (miệt Long Khánh), riêng miền Tây có những ”ngã” khá quen
thuộc như:
-Ngã Bảy (Phụng Hiệp),
tỉnh Phong Dinh cũ, nay là Hậu Giang.
-Ngã Năm: là tên một quận
thuộc tỉnh Ba Xuyên cũ, nay là Sóc Trăng.
-KINH:
Đa số những
con kinh qui mô là ở miền Tây Nam Phần, vì miền Đông thường địa thế không hoàn
toàn bằng phẳng, đất đai không thích nghi việc đào kinh và xử dụng đường bộ
tiện lơi hơn... Sau đây là một số con kinh được dân miền Tây biết đến như:
- Kinh Vĩnh Tế ở vùng Châu Đốc
-Kinh Xáng Xà No tại Chương Thiện cũ
- Kinh Mạc Cần Đưng (Rạch Giá-Hà Tiên)
-Kinh Ngã Bảy (còn gọi
là kinh Quản Lộ) gồm 7 ngã từ Phụng Hiệp(tỉnh Cần Thơ),
đi về Sóc Trăng, các vùng xung quanh và về Ngã Năm có con kinh Ngã Năm.
Và chảy khá xa đến tận Bạc Liêu, Cà Mau.Đây cũng là tên một Quận thuộc
tỉnh Ba Xuyên củ, nay là Sóc Trăng. Viên Quận Trưởng cuối cùng là Thiếu tá Mã
Thành Lạng, sau 1975 bi bắt và bị xử tử -khoản 15/5/1975. ( Thật đáng buồn,
nhiều người gốc Sóc Trăng “có danh có chức” trong các hội đoàn còn nhớ
hay đã quên???).
-Kinh Nguyễn văn Tiếp, nối Định Tường với nhánh sông Tiền )
-Kinh Đồng Tiến,
(Kiến Tường cũ). Đây là con kinh đào vào thời đệ nhứt Cộng Hòa, trong kế hoạch
“dinh diền, khẩn hoang” của T.T Ngô Đình Diệm...
Cũng có những con kinh với qui mô nhỏ hơn hẹp hơn, như tại Sài
Gòn, có ;
-Kinh Tàu Hủ (Chợ
Lớn-, quận 5, 7, kinh Đôi ( quận 8), kinh Tẻ (quận 4), kinh Tham Lương (quận Tân Phú, 12), tạm gọi là
vùng ven thành phố. Kinh nầy bị ô nhiễm vì các cơ sở kinh doanh, nhà máy tuồn
vào bao nhiêu nước thải chưa xử lý, nay đã được nạo vét nhưng xem chừng
còn dơ bẩn, vô cùng ô nhiễm…
- CỬA
:
-Cửa Cần Giờ ( nơi sông Sài
gòn -Long Tào) đổ ra biển
-Cửa Soai Rạp ( nơi sông Nhà Bè)
(
Đây thuộc hệ thống sông Đồng Nai, là con sông dài nhứt miền Đông N.P, phát
nguyên và chảy trên lảnh thổ Việt Nam, và thứ hai tại Nam phần sau sông
Cửu Long. Sông dài 586 km, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông, Bình Phước,
Đồng Nai, Bình Dương và Sài Gòn. Các phu lưu là sông: Đa Nhim, Sông Bé, Sài
gòn, La Ngà, Vàm Cỏ. . .)
-
Chín cửa sông của hệ thống sông Cửu Long.
Đây là con sông dài 4200km, hạng thứ 6 trên thế giới. Sông phát nguyên tại cao
nguyên Tây Tạng ( là quốc gia bị Trung Cộng xâm chiếm từ hơn nữa thế kỷ nay).
Sông Cửu Long chảy qua Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt
Nam.Khi đến VN, chia ra 2 nhánh là: Tiền và Hậu Giang. Tiền Giang và Hậu Giang.
Nhánh Tiền Giang chảy qua Long Xuyên, Cao Lảnh, Sa Đéc, Mỹ Tho và đổ ra biển
qua các cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung
Hầu. Nhánh Hậu Giang chảy qua
: Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, qua các cửa: Ba Thắt, Định An, và Trần Đề.
- Cửa Bồ Đề, Bảy Hạp, Gành Hào ( của các con sông gần cuối mũi
Cà Mau)
-GIỒNG:
là nơi đất
cao, được chọn lập xóm làng. Tại sao có địa thế “giồng”?. Theo tài liệu chuyên
môn về địa chất, giồng được hình thành khi một nơi có đất đai ổn định, nhưng
rồi vì lý do nào đó, nước biển lại dâng cao lên, đưa đẩy cát đên tích tụ hàng
nhiều trăm năm, sau nẩy nước biển lại rút đi... (Lịch sử hình thành vùng
đất Hâu Giang đã trình bày trên) Vì vậy, giồng là nơi đất cát, ta thấy có:
- Giồng Ông Tố, ( miệt Biên Hòa, gần Sài gòn)
-Giồng Trôm (Bến Tre), Giồng
Riềng(Rạch Giá).
Gọi giồng Trôm, vì nơi nầy có nhiều cạy trôm (thứ cây
lấy mủ trôm uống rất ngon mát). Giồng
Riềng cũng vậy, vì nơi nầy
trồng nhiều riềng.
Cũng trong đặc san B. T vừa nêu trên, người ta ghi nhận riêng
tại Bến Tre, có tất cả 50 địa danh mang chữ Giồng. Ngoài Giồng Trôm là tên một
Quận như đã ghi, còn biết cơ mang giồng như:
-Giồng Chùa (Tân Hào, Giồng Trôm), Giồng Khuê (Tâ Thành, Giồng
Trôm), Giồng Lực, Giồng Me, Giồng Mén, Giồng Mít, Giồng Sâu, Giồng Thủ, Giồng
Tre, Giồng Xoài, Giồng Thủ... Tất cả tên nầy đều thuộc quận Giồng Trôm…
Cũng vì vậy mà xuất hiện 2 câu thơ:
Giồng Trôm quả đúng nhiều giồng
Giồng ngoài Chợ Mới, giồng trong, Bình Thành...
Nếu quận Giồng Trôm có nhiều giồng thì Ba Tri cũng không kém, xin tạm
kể như sau:
- Giồng An Điền (An Bình
Tây, Ba Tri), Giồng bà Tan, Giồng Bông, Giồng cat, Giồng Tràm, giồng Chuối,
Giồng Cụt, Giồng Dài., Giồng Quéo, Giồng Tre, . .. Tất cả thuộc Ba Tri.
- Và cuối cùng thuộc Thạnh Phú có các giồng: Giồng Bãi, Giồng Luông, Giồng Lứt,
Giồng Keo. . .
. Nói chung, tên Giồng thường được hình thành do
thổ sản địa phương hay do tên nhân vật nổi tiếng hay địa thế đặc biệt . . . mà
ra.
-GÒ: là vùng có thế đất cao, nhưng
nhỏ hơn giồng, mà theo một tài liệu cho biết toàn thể nước ta có hàng trăm địa
danh mang chữ “Gò”, riêng tại miền Nam, ta thấy có:
-Gò Dầu (Tây Ninh), vì
nơi đây có nhiều cây dầu, lại chia ra Gò dầu Hạ và Gò Dầu Thượng.
-Gò Chai: cũng thuộc Tây Ninh, nơi bến phà ngang sông Vàm Cỏ Đông,
là nơi có nhiều cây chai, cho ra mủ đóng cục, dùng
thắp đèn thay dầu lửa.
-Gò Vấp, Gò Dưa, Gò Chùa ( vùng Sài gòn). Gò Chùa hay “Chùa
Gò”,thuộc quận Mười Một, nơi có di chỉ khảo cổ “văn minh Ốc Eo” khai quật năm
1991. Đây là Phụng Sơn Tự, nằm gần gần bùng binh Minh Phụng, trên đường Trần
Quốc Toản củ (nay là đường 3/2). Có địa danh Gò Dưa vì nơi đây trồng nhiều dưa
và Gò Vấp, vốn có từ năm 1820,thành đơn vị quận từ năm 1957. Từ Gò Vấp là do
chữ Khmer là “Kompap” (gỗ quí) đọc trại ra. Gò Vấp là ... gò có nhiều cây
“vắp”. Có lẽ, các quí ông thời xa xưa đã hơn một lần ngao du”một nửa đời
hư” đi lạc qua vùng ... Gò “ nầy ( xin mượn chữ của học giả Vương Hồng Sễn) tìm
“động hoa vàng”. Nếu không tìm gặp thì hãy tìm đến “Ngã Năm Chuồng Chó’, nhờ
“Chú Ía” chỉ dùm.
Xuôi về miền Tây, ta sẽ tìm thấy:
-Gò Đen : là vùng đất
nay thuộc huyện Bến Lức, Long An. Gọi là Gò Đen vì vùng đất cao nầy đào
lên thấy đất màu đen. Đặc biệt nơi nầy nổi tiếng”rượu đế’ ngon có tiếng, các đệ
tử Luu Linh “không say không về”
-Gò Quao ( tên một
huyện của Rạch Giá)
-Gò Công (tên của một
tỉnh nằm sát Mỹ Tho.). Gò Công là ... đất gò có nhiều con công đến sinh sống
hàng đàn, nên hình thành cái tên. Tuy là một tỉnh nhỏ, nhưng khá nổi
tiếng với đặc sản mắm tôm chà, “sơ ri trái đỏ ửng hồng má ai”. (Và
vì tỉnh nhỏ,để bù lại, xin ưu tiên nói nhiều hơn một chút ). Nơi đây chắc phải
là vùng đất địa linh, nơi quê hương anh hùng chống giặc Trương Công Định, nơi
sản sinh hai bậc mẫu nghi thiên hạ là Bà Tù Dũ (mẹ vua Tự Đức ) và hoàng hậu
Nam Phương (vợ vua Bảo Đại), vị vua sau cùng của Việt Nam.Đậy cũng là quê hương
của Giáo sư thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, một trong 4 vị hiếm hoi đã đậu bằng thạc
sĩ về công pháp quốc tế. Vị nầy từng là Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành
Chánh, nơi đào tạo hầu hết các viên chức hành chánh cao cấp Việt Nam Cộng Hòa.
Thật đáng tiếc cho đất nước, ông được dự đoán sẽ là Thủ Tướng miền Nam nên bị
“người ta” sát hại. Đất Gò Công cũng là quê hương của Ông Hồ Biểu Chánh, nhà
văn xuất sắc, từng là tác giả của 64 truyện tiểu thuyết nổi tiếng, đa phần với
bối cảnh xã hội Việt Nam thời đầu thế kỷ 20, cùng trên 50 bài biên khảo,
tác phẩm hài kịch, tập thơ, truyện ngắn. Những quyển truyện nổi tiếng đã được
quay thành phim thật ăn khách như: Ngọn Cỏ Gó Đùa, Con Nhà Nghèo, Cay Đắng Mùi
Đời, Tình Án, Lỗi Tại Tôi. . . Nhưng thật bất công và tiếc thay, tên tuổi của
ông bị người ta vô tình hay gì đó đã tàn nhẫn dìm sâu vào quên lãng,
trong khi nhiều tác giả chỉ với vài ba tác phẩm sao lại được ngồi chiếu trên
trong văn hoc sử nước nhà. Hy vọng sẽ có những nhà biên khảo văn học Việt Nam
thật vô tư, để các nhà văn học miền Nam như:Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ
Biểu Chánh . . . được ngồi vào vị trí xứng đáng hơn... Để chấm dứt ba điều bốn
chuyện liên quan đến Gò Công, những ai thuộc thế hệ thập niên 1960, đã một thời
mê tiếng hát của, không phải con công mà con nhạn trắng, đó là ca sĩ Phương
Dung.
Tản mạn về chữ “Gò” khá dài, nhưng xin hãy cùng tác giả, tạm quên những”dư
vị đắng cay, trăn trở của kiếp tha hương” trong phút giây ngắn
ngủi, tìm về ‘hình bóng quê nhà”. Có điều, dường như nhà nghiên cứu , tiến sĩ
Lê Trung Hoa đã đưa ra con số không chính xác, vì thật ra còn rất nhiều... gò,
mà luôn luôn loại gò nầy phải là một đôi, các văn nhân thi sĩ gọi
là”đôi gò “. Gò nầy, ngày nay dễ dàng thay đổi kích cở do bàn tay khéo léo của
bác sĩ thẫm mỹ.!
-CHỢ :
(chắc chắn chúng ta biết chợ là chi). Về chợ thì thật không thiếu, nào là:
- Chợ Lớn (vùng quận 5, 6, 10, 11 của thủ đô Sài
Gòn cũ, là lãnh địa của đa số người Việt gốc Hoa).
- Chợ Củ ( khu
vực khoản đường Hàm Nghi, quận Một, Sài gòn). Đây là nơi mở chợ buôn bán, trước
khi hình thành chợ Bến Thành, nơi nầy nổi tiếng nhiều món ngon, trong đó phải
kể bánh mì Chợ Cũ . . .
- Chợ Quán (thuộc Sài gòn), nơi có nhà đèn Chợ
Quán, và nếu ai bị « chạm điện » không chết chỉ bị
« mát dây », đã có nhà thương điên Chợ Quán mở rộng cửa chào đón.
- Chợ Nhỏ : Ngược
với Chợ Lớn là Chợ Nhỏ( ở
Thủ Đức). Chợ Nhỏ là điạ danh mà các « chàng trai hùng nước
Nam » có bằng Tú tài một trở lên phải biết. Hồi trước, các thanh
niên nếu thích đời quân ngũ thường tình nguyện vào Võ Bị Đà Lạt hay
Không, Hải Quân.., Kỳ dư tới hạng tuổi sẽ được động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ
Bị Thủ Đức. Các chàng trai, các ông sồn sồn Sinh Viên Sĩ Quan
cuối tuần về phép, thực tập các thế « bắn đứng bắn nằm» hết xí quách,
chiều về trở vô với dáng vẽ thất thểu xuống xe tại Chợ Nhỏ, để vào tiếp
tục ca bài » đường trường xa »... (Xin dài dòng nhắc lại chút chuyện
ngày xưa của « lũ chúng tôi’ ». Sẽ xin nêu câu hỏi tại sao có
chữ« Thủ » trong Thủ Đức.. Sẽ xin trình bày trong phần liên quan đến
Sài gòn.)...
- Chợ Mới : là
tên một Quận của tỉnh An Giang. Nằm trong quận nầy còn có một địa danh
nữa là Chợ Thủ. .
-Chợ Đệm (Long
An), Chợ Gạo ( Mỹ Tho), Chợ Lách ( Vĩnh Long).
Gọi là Chợ Đệm vì nơi nầy chuyên sản xuất loại đệm,
tựa như chiếc chiếu, với loại cây bàng nhỏ, dùng trải trên giường ngủ hay dưới
đất. Chợ Gạo là vì nơi đây tập trung gạo đễ chuyên chở lên vùng Chợ Lớn
thời Pháp thuộc. Riêng về Chợ Lách thì ... xin chịu, không giải thích
được, hay tại đây có nhiều cây lau lách mọc?
Cũng còn biết bao chợ khác nữa, như ... Chợ Trời vùng
biên giới Miên Việt, gồm các tỉnh Long An, Tây Ninh, An Giang, là nơi buôn lậu
hàng hóa giữa 2 nước. Và cũng không quên kể ”Chợ Tình” tại đường Lãnh
Binh Thăng và một số nơi khác thuộc Quận 11- “thành phố mang tên Bác”, tức Sài
gòn cũ. Tại các chợ tình nầy, các cô gái được tuyển chọn đi “lấy chồng xứ xa”
như Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai, Tân Gia Ba...
-THỦ :
Theo tác giả Hồ Đình Vũ (trong cuốn ”Nguồn gốc Địa danh Miền
Nam”, tác giả xin lỗi đã quên ngày và nơi x.b), ta sẽ không còn thắc mắc
tại tại sao có tên như vậy, nhứt là tại vùng Sài gòn, Gia Định, Biên Hòa cũng
xuất hiện khá nhiều địa danh mang tên “Thủ”như:
- Thủ Đức: (Biên Hòa cũ), nơi tọa lạc Trường Sĩ Quan Trừ Bị như đã nói.
- Thủ Thiêm (phía bên kia sông Sài gòn, nơi bến Bạch Đằng nhìn qua).
- Thủ Ngữ ( cũng thuộc Sài gòn, nơi bến tàu, có cột cờ khá cao)
Nhân đây cũng ghi lại địa danh Nhà Bè, một Quận của Tỉnh Gia Định củ(nay là
TP/HCM). Theo truyền thuyết kể rằng, thời Pháp thuộc nạn cường hào ác bá nhiều
lắm. Trên khúc sông nầy có ông Thủ tên Huồng gian ác, là một quan tham
chuyên bốc lột giai cấp bần cố nông, biết bao dân trong vùng nơi ông nầy
cai trị phải trở thành”dân oan”. Một đêm nọ hắn ta nằm mơ thấy chết xuống âm
phủ, bị diêm vương ra lệnh hành tội đủ thứ như: bỏ vào vạc dầu sôi, cắt lưỡi vì
“ăn ‘nhiều quá... Khi tỉnh dậy, hắn quá sợ và ăn năn hồi cải, lo làm phước
bằng cách đóng chiếc bè to,
trên đó gồm củi, nước uống. . . Người dân xuôi ngược, không thuận ”con nước”có
thể lên bè nấu cơm ăn, ngơi nghỉ... Từ đó, có tên là “Nhà Bè”... Chẳng biết
truyền thuyết tin được mấy mươi, nhưng nếu ngày nay trên các con sông có
nhiều bè thì tốt cho dân chúng vô cùng. Nhân nhắc đến địa danh nầy, dân Sài gòn
thời thập niên 1960 không quên câu chuyện” đi Nhà Bè ăn chè” của ông nhạc
sĩ có hổn danh là “ông già lựu đạn”, “lắm tài, nhiều tật”, trong đó cái tật...
dâm là nhứt.
- “Thủ Thừa” là tên môt quận, trên quốc lộ
hướng về miền Tây, gần đến Long An, rẽ phải non 10 km. Gọi là Thủ Thừa vì nơi
nầy xưa có ông thủ tên... Thừa.
-XÓM:
Xóm 1à nơi quần tụ của một nhóm dân cư vùng quê, nhỏ hơn làng, xã. Xóm
thì chỗ nào cũng có. Trong sinh hoạt xã thôn, bà con người Việt mình thường cư
xử đậm tình yêu thương đùm bọc nhau, do đó có thành ngữ:” tình làng, nghĩa
xóm”, “tình chòm xóm, láng giềng, láng tỏi... “. Chỉ riêng tại Sài gòn năm xưa,
khá nhiều Xóm như:
- Xóm Giá ( chỗ chợ Bà Chiểu), Xóm Chùa ( thuộc
vùng Tân Định) Xóm Chiếu (Quận Tư cũ)-, Xóm Củi, Xóm Vôi (Chợ Lớn)
Trương An Ninh
Mời xem tiếp phần 4