‘’Hồi
nào năm xưa em còn bé tí teo,
Nằm gần bên mẹ em bé như con mèo’’
Bài hát nầy
làm mẹ nhớ lại ngày con còn bé bỏng, mẹ con mình sao mà gần gũi làm sao! Bàn
tay nhỏ bé xinh xinh xòe ra quờ quạng mẹ đoán con thức giấc, đôi môi hồng hé mở
chép chép miệng, chắc chắn con khát sữa rồi, mắt lim dim báo hiệu con sắp ngủ.
Con ướm nói ‘’ma, ma’’, tập khóc cười
đòi mẹ bồng mẹ bế, con cười nắc nẻ khi bố cù nhẹ thọc lét lòng bàn chân,
vào nách vào hông. Cha mẹ nào chẳng mong cho con mau lớn đủ lông đủ cánh đâu nhớ
thời gian đâu’’ tính từng ngày.’’Mẹ còn nhớ ngày đầu tiên đi học, con lẩm đẫm
níu chặt tay mẹ không chịu rời nửa bước khi bước vào trường mẫu giáo, nhìn thấy
quanh mình bé khóc bé la nhôn nháo lao xao ngán sợ làm sao.
Con lớn dần tóc mẹ đổi màu theo. Mẹ đã kể về bà ngoại, lúc
sinh con ra ngoại mừng đến nổi được nhìn thấy đứa cháu đầu lòng còn đỏ hỏn mà
quên mất đường trở về nhà. Không bao giờ ngoại quên trịnh trọng mang lễ vật đến
nhà hộ sinh để tạ ơn các đấng khuất mày khuất mặt đã cho mẹ tròn con vuông.
Nhìn ngoại sau nầy đả đớt trò chuyện làm con cười khăng khắc miệng chưa răng thế
mà nụ cười sao mà đẹp hồn nhiên. Ngoại ru cháu trên võng trong nôi cho đến lúc
con mê man trong giấc điệp mới nhẹ nhàng bỏ mùng tấn kỹ sợ muỗi mòng tấn công
cháu cưng của cụ.
‘’Có nuôi
con mới biết lòng cha mẹ’’, có nhìn tận mắt ngoại lúc nầy mới thấy công sức và
tình yêu cha mẹ thật vô bờ. Con kể lể chuyện vui buồn ở lớp, mẹ cũng hồi họp lắng
nghe từng khúc từng cơn. Mẹ cũng khó chợp mắt ngủ yên khi con còn cặm cụi sách
đèn trong mỗi mùa thi cử.
Ngày con ra trường mẹ vui mừng khôn tả, phải chi ngoại còn,
ngoại sẽ hả lòng hả dạ biết chừng nào, ngoại sẽ sung sướng run run nhẹ bảo,
‘’con bé ấy mới ngày nào mà bây giờ lớn đại rồi, giỏi quá’’. Ngoại không cần nhớ
đến tuổi đời mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc tương lai của cháu con hơn cả chính
mình.. Theo nhịp thời gian, các con lớn dần mà cha mẹ không bao giờ nghĩ đến
cũng như các con quên mất cha mẹ ‘’ da mồi sạm mặt, tóc sương điểm đầu’’(Nguyễn
Du).
Rồi đến lúc các con rời tổ ấm. Bài hát tạ ơn vang lên trong
giáo đường nhân ngày hôn lễ:
‘’Xin đừng
buồn vì chúng con rời xa ba mẹ,
Chính
vì bàn tay mẹ quá ấm,
Đôi tay ba quá vững chắc
Nên chúng con mới vươn lên cao được’’
làm bố mẹ cảm động bồi hồi.
Nhìn các con quấn quít bên nhau bất giác mẹ nhớ lại ‘phút đầu tiên’ ấy thuở mà
quan niệm còn ‘’nam nữ thọ thọ bất thân.’’Mẹ mong cho con được hưởng và biết sử
dụng đúng quyền tự do lựa chọn quyết định cuộc đời trong nghề nghiệp đến hôn
nhân để một ngày nào già yếu, mẹ hảnh diện được vịn vào tay con dìu bước như
xưa kia mẹ dẫn con từng bước đầu đời.
Lâu lâu có dịp các con về hoặc rảnh rỗi bố mẹ lặn lội đến
thăm. Nhìn các con sao mà thấy nao nao dạ. Trước mắt mình là khuôn mặt vóc dáng
vừa lạ vừa thân. Nghe các con thi nhau kể chuyện nắng mưa, tiếu lâm, buồn vui bực
mình trong việc làm, tranh luận sôi nổi bao đề tài lắm lúc làm mẹ ngạc nhiên đến
ngẩn ngơ. Nhưng bà mẹ nào lại không tìm lại được những nét đặc biệt thân quen
cũ của con mình. Cô gái lớn thường thích thay mặt mẹ ra mòi chị cả lo lắng dẫn
bảo em, thế mà chỉ mê tựa vào mẹ ngủ quên. Cô gái kế, nhỏ người mà tiếng lớn,
chỉ bắt nạt được cậu em út kém hơn ba tuổi, hét to mét mẹ mỗi lần bị em trai đẩy
nhẹ té lăn cù.
Đường đời một chiều, con lớn lên cha mẹ già theo năm tháng.
Nhìn các con cười cười trêu mẹ khi hạt cơm còn dính hờ trên mép má môi ‘’ ngọc ẩn
long tu’’, ‘‘mẹ ăn mà còn để dành cho ai đó’’ làm mẹ quên sao được những lần
con háu bú, sữa nhễu nhão quanh môi, hoặc ngứa nướu răng. cắn ngấu nghiến ‘bầu
sữa mẹ’ làm mẹ bất thần nhảy nhỏm lên đau điếng. Con chẳng biết gì cứ ngẩn tò
te rồi lại rúc đầu vào núc tiếp.
Mẹ không
trách các con đâu, vì trước kia mẹ cũng thế, ít khi lo nghĩ đến tuổi già của
ngoại, không dám nghĩ thì đúng hơn, vô tình như lúc nào cũng muốn được nuông
chìu đùm bọc chở che. Để rồi đến lúc nghìn trùng xa cách mới hối tiếc đã không
còn được ôm tấm thân gầy còm, vịn bờ vai, bóp nhẹ đôi tay khẳng khiu, đôi tay
mà trước đây, bồng bế con đến cháu, đã quạt thâu đêm khi con nực nội bức rức lăn
qua lộn lại trong mùa nóng hực quê mình. Ngoại khòm khòm lưng lửng thửng chăm
chú theo từng bước cháu chập chững đi, loạng choạng gượng ngã khi cháu thình
lình nhào đại vào lòng ôm ngoại.
Có lần sợ
ngoại té lăn đùng ra, mẹ vội chạy đến đở vừa vuốt nhè nhẹ lưng vừa xuýt xoa hỏi:’’Má
có sao không má?’’Sao mà nhớ cái nhìn khó tả của ngoại, vừa cảm ơn thiết tha
triều mến, vừa xót xa tuổi đời già không biết còn giúp con được bao lâu. Bà mẹ
nào cũng thế, nước mắt chảy xuống, không nhớ đến công ơn sinh thành dạy dỗ cũng
như hy vọng mai sau được báo đền. Chỉ cần một cử chỉ triều mến, một câu thăm hỏi
săn đón, một lời khen hứa hẹn’’ không biết chừng con bằng tuổi mẹ, cha, con có
khoẻ được như vậy không?’’,một câu nói biết ơn ‘’ thật là có phúc đến từng tuổi
nầy rồi mà còn có ba có má, sướng quá’’ để được nhìn thấy ngoại tủm tỉm cười, cảm
động phều phào bảo :Lớn xộn rồi, cha mẹ con nít rồi mà còn nhõng nhẽo. Cao đẹp
thay niềm hạnh phúc đơn sơ đôn hậu của các bà mẹ chỉ sống vì cháu vì con!
Người ta
thường nói già trẻ bằng nhau.Trẻ đòi hỏi săn sóc chở che, già cần chăm nom thăm
hỏi.Thời gian như đọng lại nặng nề khắp châu thân, tứ chi bải hoải bất tuân ý
chí, đầu óc quên trước quên sau thách đố, da dẻ bắt đầu như bản đồ giao thông
đường sá, mắt mờ răng xệu xạo, ngậm ngùi luyến tiếc ‘’thời oanh liệt nay còn
đâu’’.
Người Việt
ta quen nếp sống đại gia đình, nên việc sống xa con cái là điều bất đắc dĩ. Người
già thường sống với quá khứ, nghĩ rằng kinh nghiệm đời mình là kho tàng lưu lại
cháu con. Cha mẹ già là cây ‘cột cái’ nhà đoàn tụ, chứng nhân cho thế hệ kế tiếp.
Vì thế con
đừng trách mẹ khi thấy mẹ ngưng đũa khi con muốn bới thêm cơm. Nên tập hiểu mẹ
hơn, nhớ con trước kia ham chơi lắc đầu nguầy nguậy, ngoe nguẩy chạy đi bắt mẹ
phải khom lưng bưng chén cơm theo sau vừa năn nỉ vừa dọa mét bố đét mông để ép
đút cho con thêm vài muỗng nữa.
Nội ngoại
già cũng thế, hồi họp lo âu cũng thừa rồi, thế mà cũng vẫn như xưa ‘hết hồn’ thấy
cháu chạy còn ngả nghiêng chưa vững, trái lại cháu thì như chẳng bao giờ biết mệt
cứ tung tăng đùa giởn hả hê. Nhớ có đêm về thăm nội, đang đêm con giật mình
khóc thét liên hồi, mẹ bố thay phiên nhau dỗ dành mà con không chịu nín. Nội thức
giấc khi nghe bố đét vào mông con ’bốp, bốp’, vội tuột cầu thang xuống nghiêm
trang bảo:’’ Hồi bé anh cũng thế, con nít có đau mới khóc, chưa biết nói thì
khóc, sao lại đánh con.’’Các cụ tỉnh ngủ lắm. Hồi sinh con đầu lòng, mệt mõi mẹ
cũng ngủ say. Mỗi lần con ngó ngoáy, ngo ngoe, cọ quậy là ngoại đã thức rồi, đến
bên nôi tấn mùng hay thay tả, không cần gọi mẹ dậy đâu.
Ở nhà ngoại
thích ru đưa võng cho con ngủ. Nằm trên giường, ngoại lâu lâu xoay nhẹ đầu con
lúc sang trái khi sang phải hy vọng đầu con lớn lên sẽ tròn vo có sọ khỉ mà theo ông già bà cả tượng trưng bộ óc thông
minh. Trong bửa cơm không ngớt kể tả lại cử chỉ ngộ nghĩnh con làm, mắt liếc
qua liếc lại, cười chúm chím, xoè tay ưỡn mình mà ngoại gọi là ‘Mụ Bà dạy’.
Để rồi ngày
nào con thấy ngoại ăn trầu ngoáy lâu lâu quên chùi nước bã trầu chảy dài hai
bên mép hay dính áo, bước đi chậm chạp, ăn nói đôi khi lẩm cẩm, chỉ thích kể
chuyện ngày xưa, nhớ trước quên sau như mẹ bây giờ chậm hiểu kỹ thuật hiện đại,
sử dụng máy vi tính trật lên trật xuống, các con hãy tập cảm thông người già là
thế đấy. Các cụ không sống mà chỉ sống còn.
Nhưng đó là
chuyện tự nhiên như cha mẹ nuôi con thôi. Các con không có gì phải bận tâm nhiều về chữ hiếư. Hãy cố làm bổn phận mình
là trả ơn rồi. Cha mẹ nào lại không hảnh diện về con mình làm nở mặt mày gia
đình giống dòng dân tộc. Không phải dễ thích nghi hội nhập với cuộc sống nước
ngoài. Nhưng ở đâu cũng có kỳ thị, ganh tị, đố kỵ nhỏ nhen hết. Không nơi nào
là thiên đàng hạ giới, cuộc sống cũng do mình phần chính đó con. Người không
thành công thì trách oán hận thù buồn phiền chán nản, người một bước lên giàu
có sang cả dễ dàng đôi khi lại quên mất quá khứ hàn vi thiếu thốn, lên mặt chê
bai khinh bỉ kẻ không may.
Lắm lúc phải
đương đầu với nếp sống mới lạ, cha mẹ cũng phân vân tự hỏi:’’Cuộc phiêu lưu định
mệnh nầy sao mà đắt quá, ảnh hưởng thế nào với thế hệ mai sau?’’Các con đâu phải
là dân bản xứ, tất nhiên khó khăn không
thể tránh. Nếp sống, tập tục, ngôn ngữ khác, các con phải vừa học vừa thích
nghi hội nhập, thật là bài toán thử thách khó giải đáp. Ngay cả cái nhìn của bạn
bè giới trẻ ngoại dù có hồn nhiên dễ dãi
nhưng cũng vô tình vô tâm. Họ sẳn sàng chấp nhận sự khác biệt mà vẫn phủ nhận
điều bất bình thường đó.
Nhiều lần mẹ
bắt gặp con ứa nước mắt, khóc ròng trên chồng sách vở khi bị điểm xấu, ngạo
chê. Tất nhiên con nhớ lại ngày còn ở quê nhà, bạn bè ríu ra ríu rít kể chuyện
trường lớp, ganh đua nhau từng điểm, xầm xì thầy cô ‘thiên vị’ bạn nầy đẹp bạn
kia ‘khéo nịnh’hơn. Sang đây, mỗi ngày đi học từ sáng đến chiều tối mới về, đêm
đến học bài đắm mình trong ngôn ngữ khác, con từ từ xa dần tiếng mẹ, tập tục tổ
tiên.
Quả là một
cuộc thay đổi lớn. Cha mẹ cũng thế, phải học lại từ đầu, từ cách dùng muỗng đĩa
dao đến phục sức, nếp ở cách ăn. Quần quật với cuộc kiếm sống lương thiện bằng
công sức mình, cha mẹ đâu còn thì giờ lo cho con cái nhiều được nhất là ở một xứ
mà mình không biết chữ nhứt một nào.Người Việt ta ai cũng rán nuôi con ăn học
huống hồ người tị nạn buộc lòng xa xứ nầy.
Bây giờ
nghĩ đến đây bố mẹ thấy thương và cám ơn các con vô cùng. Các con đã biết lùi
bước, cúi đầu can đảm kiên trì nuốt nước mắt, học lấy học để làm thầy cô ngạc
nhiên. Các con đã giải toả, cất bớt đi cho bố mẹ một gánh nặng, cục đá lo âu, hồi
họp phân vân, hối hận đè nặng trong tim. Điểm hay nữa là các con luôn cố giữ
truyền thống nề nếp quê hương dù phải cố gắng hội nhập thích nghi. Không quá khích
đua đòi theo thời trang ‘mốt’,văn minh tự do Âu hóa quá trớn, luôn tìm cách bảo
trì giá trị trung thực của chính mình.
Thật tình
mà nói, các con ngày nay vất vả hơn nhiều dù được hưởng tự do, tiện nghi đầy đủ
nhưng con người đâu chỉ sống vì mảnh áo miếng cơm thôi. Đến khi lập gia đình,
các con phải tự lập, tự lo xoay sở việc làm việc nhà theo cuộn sóng trào lưu tiến
bộ thôi thúc cuốn nhanh. Khác hẳn với thời
trước, đại gia đình, dù có tuổi, cha mẹ vẫn còn lo giúp con cái được, phụ
nuôi dưỡng cháu, để mắt đến chuyện nhà cho con rảnh tay rảnh trí hơn như mẹ có
ngoại vậy.
Bây giờ ở
xa các con, bố mẹ cũng đành âm thầm lo mà chẳng trực tiếp giúp được gì nhiều. Vả
lại các con cũng không muốn cha mẹ già mà còn phải cưu mang bận bịu thêm, cần tận
hưởng hậu quả công sức mình theo quan niệm mới đương thời. Ngày ngày gọi thăm,
có dịp là cả đàn thê tử tụ họp về xin mẹ nấu những món ăn dân tộc ưa thích
khoái khẩu, để mẹ có dịp ’thả giàn’ nuông chìu con cháu, hạnh phúc đơn sơ đang ở
trong vòng tay của mọi người. Cảm ơn Ơn Trên đã cho gia đình sum họp, con cái
quyết tâm tự trọng vươn lên.
Nhớ lại bài
‘’ Đứa trẻ’’ (L’enfant) của Victor Hugo:
‘’Khi đứa trẻ xuất hiện,
Cả nhà vỗ
tay reo.
Vầng trán buồn nản nhất
Chợt hết nét nhăn nheo.’’
Con cái quả
là lý sống của cha mẹ, tương lai của dòng họ, điểm tựa của tuổi già, bức họa của
niềm ước mơ, hình ảnh mờ ảo của quá khứ, bức tranh con đường xuyên suốt cuộc đời,
kết tinh công sức óc tim, thành quả vĩ đại con người tạo ra được, hy vọng truyền
nhân giống trên quả đất xanh. Cha mẹ là nhà vườn ươm giống, cấy trồng cho sinh
sôi nẩy nở, kho tàng kinh nghiệm, vòng tay ấm áp thương yêu luôn âm thầm theo
dõi hiện diện cho đến suốt cuộc đường trần.
Thời gian
vút qua, tre già măng mọc. Rồi đây đến phiên mình các con cũng sẽ trải qua thời
kỳ ấy.Qua kinh nghiệm của các thế hệ trước,
các con đã được chuẩn bị một số vốn liếng sống cho cuộc hành trình nầy từ lâu rồi.
Hãy tập bước theo nhịp của cuộc đời đừng vừa tiến vừa luôn quay nhìn về quá khứ.
Thế hệ sau tất nhiên phải hơn thế hệ trước, xã hội mới tiến bộ được. Nhưng phàm
thực hiện điều gì cũng cần có mục tiêu đường hướng rõ rệt để rồi tùy thời tùy
cơ cải tiến. Do đó phụ huynh không thể phó mặc con em cho xã hội, dù là xã hội
tân tiến cực văn minh vì thế giới ngày nay chưa phải là địa đàng hoàn toàn bình
đẳng tự do, không còn người không có tình người.
Về phần cha
mẹ, còn có cơ may là không được chần chờ đắn đo để đến thăm con. Không có lần
nào giống lần nào, cảm xúc cũng thế. Các con có lớn lên thế nào đi chăng nữa,
các con vẫn là núm ruột nhỏ vô hình suốt đời ràng buộc với tim óc mẹ cha. Vậy
con đừng nhíu mày khi mẹ vô tình làm trái ý con, đừng bực bội nhăn nhó nói:’Bộ
mẹ tưởng con là con nít chắc’, ‘Con đâu có ngu đến nổi như mẹ tưởng’. Dễ thương
nhất là con cứ cười cười gật gật, dạ dạ vâng vâng lái qua chuyện khác, nếu cần
.
Vẫn biết
các con ngày nay không thể sử dụng tiếng Việt tinh tế, sắc sảo theo truyền thống
quê nhà vì ảnh hưởng‘nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc’.Các con cũng bị xâu
xé bởi hai nền văn hóa Á Âu, nghiêng bên nầy tất nhẹ bên kia. Vả lại lối suy
nghĩ cũng thật khác nhau, cách xử sự càng cách nhau một trời một vực. Không còn
‘nam nữ thọ thọ bất thân’chẳng hạn, gặp nhau là tay bắt mặt mừng thật sự chứ
không phải là chỉ để ví von thôi, ôm nhau, hôn ba cái trên má như ở Bỉ đây. Lối
phát biểu cũng không kém, trực tiếp, sòng phẳng, thẳng thắn không e dè, nghĩ gì
nói nấy, có khi ‘nửa nạc nửa mỡ’ tự do tranh luận trong niềm ôn hòa tương kính.
Sang đây
các con được tiếp cận thụ hưởng ánh sáng đó nhưng cũng là con dao hai lưỡi thật
sắc bén của hai nền văn minh lâu đời dường như đối kháng nhau, một bên hướng về
nội tâm hơn, một bên thực tế. Bên ‘chín lượng kẻ mười cân’, nếu dung hòa được
thì thiên đàng nhỏ rồi. Và nếu không vì quá khích, tự cao tự đại quá độ, bị khủng
khoảng bởi ngọn sóng thần tsunami tự do quá trớn, mà biết ngồi lại với nhau
chung hưởng những ngày còn được hít khí trời trên quả đất mẹ màu xanh nầy thì hạnh
phúc như có thật ở trần gian..
Ở xứ mình,
việc đi học của các con là thường tình như các trẻ khác. Sang xứ người là cả một
biến động mọi bề, hậu quả thật khó đoán, kim đồng hồ xe quay về số không, điểm
xuất phát. Các con cũng đừng so sánh hoàn cảnh mình với của ai cả chỉ tổ làm
lòng mình bớt thanh thản hơn thôi. Con lớn thì cha mẹ già như chu kỳ của ‘parabole’ vậy, con tiến lên cực
thì cha mẹ tuột dần từ cực điểm đi.
Bây giờ ai
cũng bận rộn với công việc nên khó có cơ hội thăm nhau thường xuyên. Trái lại về
hưu, dù rảnh rỗi hơn nhưng sức người có hạn, việc thăm con lắm lúc cũng không
phải việc đơn giản dễ làm. Nhìn các con mẹ nhớ lại ngày ngoại đi thăm mẹ lúc mẹ
ở nội trú xa nhà. Lần đầu tiên bóng ngoại khuất dần sau cánh cửa cổng đóng sầm
khép kín, mẹ cảm thấy bơ vơ làm sao . Bạn bè đồng cảnh ngộ ai cũng nước mắt chực
đầy mi. Cảm giác cô đơn đó mẹ cũng cảm thấy mỗi lần các con về không bao lâu rồi
lại ra đi.
Thăm các
con cũng thế, cũng bầu trời xanh trên đầu, gió mát nắng đẹp lung linh vậy mà
sao lòng mẹ vẫn vấn vương buồn tiếc. Còn nói chi những ngày mưa giông tuyết đổ,
hàn thử biểu xuống độ âm, cái lạnh rét căm căm càng nung nấu niềm lo. Vậy các
con đừng bực dọc khi thấy bố cứ dặn dò từng ly từng tí tùy theo đài khí tượng
thay đổi từng ngày. Mục đích đối tượng của cha mẹ bây giờ vẫn là các con, các
con có khuyên bảo gì cũng quên hết, nhớ đâu làm đó, cứ tưởng tượng rồi lo cho hết
thì giờ. Còn trẻ làm sao các con hiểu được mà hiểu để làm chi cho sớm.
Rồi cũng đến lúc nào đó không thể tự lo cho mình được, tất
nhiên phải vào nhà dưởng lão bên những người người khác cùng cảnh ngộ như mình.
Hình ảnh của những ông bà lão còn hồng hào mà bị hạn chế trong cử chỉ hành động
nói năng mẹ nhớ đến ngoại già gần 90 tuổi đời rồi mà vẫn còn minh mẩn đùa vui
cười ha hả dỗ dành, xuýt xoa ôm cháu vào lòng mỗi lần cháu chạy chơi vấp ngã.
Các con cũng đừng có gì phải hối hận nếu chúng ta phải rơi vào trường hợp ấy vì
‘ nhập gia tùy tục’ mà, các con có làm gì đáng trách đâu. Cha mẹ già nào chắc
cũng đã chuẩn bị tinh thần cho mình rồi, không ít thì nhiều vì có ai biết chắc
được ngày mai ra sao.
Trước đây,
còn trẻ khoẻ, ai cũng thích than van rên trời trách đất không bao giờ vừa lòng.
Nắng hạn than nực nội mất mùa, mưa tuyết cũng bị bình phẩm ít nhiều, đi làm
than cực, thất nghiệp chửi đời. Về già lắm khi tiếc rẻ bao nhiêu điều quá khứ
mình thiếu kiên trì can đảm thực thi. Vậy nào chúng ta hãy cùng nhau vui hưởng
những ngày còn quây quần đoàn tụ bên nhau dù biết trước là cuộc đời tất có hợp
có tan, lo chi chuyện bất biến xảy ra.
Thăm con,
cha mẹ cũng tập yên hưởng khoảng đời còn lại như việc đến thăm con cũng mang cho thế hệ mai sau bao chi tiết của mặt
phải trái cuộc đời để lấy đó nghiệm suy.
Thăm con vì thật ra cha mẹ già còn là hình ảnh
sợi giây huyết thống vô hình buộc ràng con cái nhắc nhở nhau dòng họ cội nguồn, quyển album kỷ niệm thân thương sống động,
hình ảnh, tiếng nói gia đình, tia nắng huyền diệu, gió mát ấm êm, chiếc cầu quê
hương nối liền quá khứ với tương lai .
Cô Trần Thành Mỹ