Năm nay tuyết rơi sớm hơn lúc còn thu, lá vàng đầy rẫy trong vườn, vài cây trái cuối mùa phủ bạc riu ríu co ro giả biệt lá xanh lác đác còn bám víu trên cành. Lò sưởi phả khói trên nóc nhà đội màn tuyết mỏng, các ông Sint Niklaas và Hắc Đồng tử Sint Piet nổi bật trong quần áo mũ đỏ phân phát quà cho trẻ em Bỉ từ ngày 6 tháng 12, đường phố trang trí lung linh ánh sáng diệu kỳ. Sương mù vẫn không làm mất bóng dáng hiên ngang thẳng đứng màu sắc cây thông, hình ảnh các bậc anh hùng tiết tháo trơ gan cùng tuế nguyệt. Cơn gió khứa da hay cái hơi lạnh âm độ đánh mất sức quyến rũ mông mơ của tuyết băng trinh tuyền càng ngày càng không còn gây ấn tượng mạnh cho một ai, nhất là đối với người dân tha hương mới cũ.
Thu tàn rồi mùa Đông bắt đầu ngày Đông
chí 21-12, ngày mà đêm dài nhất và ngày ngắn nhất trong năm. Người Âu Mỹ bắt đầu
vào Tết ngay đêm Giáng sinh Chúa sinh ra đời 24-12, như ta ngày 23 tháng chạp
ngày Thần Táo cưỡi cá chép về trời báo cáo tình hình thế sự.
Tranh
về Thần Táo.
Theo truyền thuyết, ông già Noel cư ngụ ở
Lapland thuộc cực Bắc Phần lan hằng năm chu du khắp thế giới một lần trên chiếc
xe trượt tuyết do tám chú tuần lộc kéo hầu phân phát quà cho trẻ em ngoan vào dịp
Lễ Giáng sinh. Ở Lapland đây, chúng ta còn đưọc thấy lằn sơn trắng vẽ trên đường
đánh dấu vĩ độ Bắc mà mặt trời sẽ không mọc vào ngày Đông chí khẳng định chính
thức vào vùng cực Bắc.
Ngày xưa ông bà ta có dựng cây nêu vào
chiều hai mươi chín hoặc ba mươi tùy theo tháng chạp âm lịch thiếu hay đủ năm ấy
và hạ nêu vào chiều mùng 7 năm mới.
Người Tây phương trồng cây Noel trước nhà hoặc
trang trí trong nhà bằng cây thông thật hoặc giả. Cuối năm 2012, Nhật làm cả
cây thông bằng vàng trị giá 2,7 triệu bảng, cao 2,4m nặng 43 kí. Bỉ lại sáng tạo
dựng một tác phẩm ánh sáng thay cho cây thông Noel truyền thống ở Công trường
Grande Place, thủ đô Bruxelles.
Nước nào đón Xuân tùy theo khí hậu nền
kinh tế tập tục truyền thống của mình. Do đó căn bản có những điểm từa tựa giống
và khác biệt nhau. Ngay cả Cộng đồng Âu châu cũng thế rất đa dạng phong phú
sinh động, sáng tạo trong việc tận hưởng thời gian giao hòa cũ mới.
Người Việt ta thường chuẫn bị Tết lâu vì
hy vọng năm mới thì cái gì cũng phải mới để cầu may mắn hơn. Ngay cả giới nghèo
cũng cố gắng làm việc dành dụm cả năm để tung ra ăn Tết, túng quẩn thiếu hụt
thì vay mượn chút ít bên tả bên hữu bà con bạn bè để có mâm cơm cúng ông bà báo
hiếu, bồi dưỡng vui chơi, vớt vát giữ niềm tin vào tương lai. Nhà cửa chẳng hạn
cũng chờ gần Tết mới sơn phết lại trái lại ở Âu châu việc xây cất thường xảy ra
vào mùa hè.
Ngày nay đâu đâu điếm nổi bật nhất báo
hiệu năm mới là đường sá từ đầu tháng 12 đã được trang hoàng bằng những bóng
đèn đủ màu kết lại thành hình thù mẫu mả thay đổi hằng năm tùy theo sáng kiến của
mỗi nơi được thắp sáng lên từ chập tối đến sáng sáng hôm sau. Mái nhà mặt tiền,
vườn tược cây cối cũng được quấn giăng phủ lên những giây đèn lung linh ánh
sáng muôn màu muôn vẻ muôn hình vạn trạng, cảnh trí thật thơ mộng huyền ảo nhất
là trong màn đêm tối mịt không trăng hay qua lớp màn sương mù mỏng.
Tết cũng là thời gian của nhận và biếu
quà trong giao tế xã hội, gia đình. Trẻ em con cái Tây phương thường được quà tặng
trong dịp Giáng sinh, trẻ em Việt thường được tiền lì xì trong bao thơ đỏ hơn.
Bao tiền lì xì
Tiệc tùng tất niên khắp nơi, các cuộc vui chơi
giải trí đủ loại đủ hạng, từ sang trong đến bình dân, giàu ăn Tết theo giàu,
nghèo theo hầu bao riêng. Có lo lắng khó khăn thì cũng cố gắng tính toán chính
xác cân bằng chi tiêu để giữ mặt giữ mày an vui trong ba ngày năm mới.
Tết còn là thời gian mà Bưu điện làm việc
phụ trội ngày đêm, những nhân viên phát thư liên tục từ sáng đến chiều phân phối
thư từ thiệp chúc, quà biếu đúng hẹn.
Đây còn là cơ hội cho người Tây phương
du lịch đến nơi có nắng ấm tránh cái lạnh của mùa Đông, hoặc tận hưởng cuộc giải
trí do tuyết băng tạo nên, trượt tuyết ski trên núi, xem các cuộc triển lãm quốc
tế kỷ mỹ thuật về tác phẩm kỳ công khắc họa trên khối băng vạn niên, các gala
buổi văn nghệ biểu diễn vũ trên tuyết Holiday on ice,….Còn ở Việt nam ta, thời
tiết lại thích hợp hơn vì Tết vào Xuân nên thật là thiên thời địa lợi nhân hòa.
Thế nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng
thế giới càng tiến bộ về vật chất khoa học hiện đại thì quan niệm sống, ý thức cảm quan tâm lý và
tâm linh của con người cũng thay đổi theo cực kỳ nhanh chóng. Nhất là đối với
những ai tha hương có tuổi đã sống lao lực một thời gian xa đất nước, đặc biệt
là cư dân các nước ít đồng hương, sự khác biệt xáo trộn đó được cảm nhận rõ mồn
một, sâu xa từ tận sâu ký ức dội về lắm lúc làm cảm suy ta xoay vần hỗn loạn bất lực tiếc thương
lung tung.
Con người mà, không bao giờ bằng lòng với
cái gì mình hiện có, thường hay so đo rồi tự làm khổ mình trước đã. Dù hoàn cảnh
hiện tại có dễ thở trội hơn ngày còn ở quê nhà, người dân tha hương vẫn cũng
còn tỏ vẻ quyến luyến tiếc rẻ cái dĩ vãng của mình nhất là trong thời gian Tết
nên thường ít bằng lòng về mọi việc kể cả khí hậu đất nước cưu mang mình. Thành
phần khác ngược lại là giới trẻ, vì không bị ảnh hưởng của những kinh nghiệm và
kỷ niệm quá khứ, thả giàn hưởng thụ cái không khí tự do bình đẳng, những thành
tựu kỷ thuật khoa học hiện đại.
Nhìn y phục, giày dép, mũ nón khăn quàng
găng tay tùy theo mùa thời trang bày la liệt bắt mắt đầy thương hiệu từ thông
thường đến nổi tiếng, giả nhái, những GSM điện thoại di động hiện đại tân kỳ,
những món đồ chơi, quà biếu phần thưởng nhận được trong những ngày lễ hằng năm
sinh nhật, Giáng sinh, đầu năm, hay sau kỳ thi lên lớp hay phiếu kết quả học tập
tam cá nguyệt hay cuối năm, các cụ nội ngoại, cha mẹ có tuổi có khi ngầm tiếc
mình sinh ra nhầm quốc gia hay thế kỷ, sinh bất phùng thời.
Ở bên Âu Mỹ, trẻ em không còn có cái háo
hức vui mừng lâu dài nhận được một món đồ chơi, các em thích được quà nhưng dễ
chán, mau thay đổi mới, so sánh với bạn bè, chạy theo phong trào rầm rộ của
ngành quảng cáo muôn sắc hình thù mẫu mã tân kỳ.
Ngay cả y phục cũng thế, việc tân trang
thường xuyên cũng vô tình làm mất dần thị hiếu cái nhìn, nhân sinh quan của các
em khác với của thế hệ trước. Các em phải sống theo thời đại, tập tục nơi cư ngụ
của mình khó tách rời ra được. Nhớ các em Việt ta, nhất là ở thôn quê, hớn hở hồn
nhiên xúng xính trong những bộ quần áo thơm mùi vải mới, còn làn xếp cứng nhắc
thùng thình đi chợ tết hay chúc Tết nội ngoại bên cạnh người lớn ai ai cũng
tươm tất lịch sự vui tươi, tất cả hợp thành một bức tranh đầy màu sắc tuyệt vời
Thiên Địa Nhân khó tìm thấy được ở các nước văn minh ngày nay.
Do đó, chúng ta có cảm thấy như trẻ em
ngày nay càng ngày càng sống hiện thực hơn, ít mộng mơ sáng tạo vì không có sống
từ ‘ cái khó bó cái khôn’ như ông bà thời trưóc ở quê nhà mà hưởng thụ cuộc sống
quá đầy đủ, ít va chạm, tiếp xúc với xã hội bên ngoài, bao quanh bởi tiện nghi
khoa học kỹ mỹ thuật tân tiến thay đổi không ngơi, thế hệ nay nếu không được hướng
dẫn đúng kiểm soát kịp thời dễ sa lầy vào hoang tưởng. Nhìn các em ngay từ ba bốn
tuổi dán mắt vào những màn ảnh nhỏ, tablet, smart phone, dịch vụ bán online
trên mạng, những trò chơi game kích động, trận đấu kỳ phùng địch thủ của nhân vật
giả tưởng, người ngoài hành tinh với những khí cụ kinh thiên địa động, biến hóa
vô cùng. Có nhiều em say mê đến độ không những thuộc nằm lòng cốt truyện, tên họ,
mà còn bắt chước động tác phi thường của những nhân vật trong phim có khi quên
cả ăn ngủ nữa, đắm mình trong thế giới ảo tưởng riêng của mình.
Tết đến là bắt đầu năm mới, tuổi thọ
tăng thêm 1 năm, nhưng ta lại có tuổi Ta và tuổi Tây. Tuổi Tây chính xác hơn được
tính từ ngày sinh năm nay đến sinh nhật năm sau là một tuổi và cứ thế tính dần
lên hằng năm. Còn về tuổi Ta, theo âm lịch, cứ đầu năm mới là thêm một tuổi. Vì
vậy mới có tuổi « chịu oan ».
Chẳng hạn một em bé sinh ra ngày
1-12-2012, tính theo tuổi Tây thì sẽ được 1 tuổi khi đến sinh nhật năm sau
1-12- 2013. Tuổi Ta được tính khác hơn. Thí dụ em bé cũng được sinh ra ngày
1-12-2012 tức là mùng 18 tháng mười năm Nhâm Thìn, em đã 1 tuổi tức là lúc sinh
ra là kể được 1 tuổi. Đến mồng Một Tết năm tiếp đó là Quý Tị tức là 10-02-2013
bé đã được 2 tuổi rồi dù khoảng thời gian nầy chỉ có 2 tháng 10 ngày. Vì vậy tuổi
Ta thường hơn tuổi Tây 1 tuổi.Trường hợp khác ngày sinh cận Tết chẳng hạn như
mùng 30 tháng chạp năm cũ, mới ra đời còn đỏ hỏn vẫn đã được 1 tuổi rồi, ngay
hôm sau mồng một Tết đã tăng thêm thành 2 tuổi, do đó người ta gọi là tuổi chịu
oan.
Năm tuổi Tây thường là con số còn tuổi
Ta do tên một trong 12 con giáp. Tử vi Tây phương theo các nhóm vì sao hành
tinh, như Thái dương, Song ngư,v.v.còn Tử vi, khoa bói toán, bấm độn ta thường
qua 12 con giáp. Chúng ta có tuổi nầy hợp hoặc nghịch với tuổi kia.
Có 4 nhóm tuổi thuộc Tam Hợp như -
-
Thân Tí Thìn
-
Hợi
Mão Mùi
- Dần
Ngọ Tuất
- Tị Dậu
Sữu.
Và 3 nhóm Tứ Hành Xung :
-
Dần
Thân Tị Hợi
-
Thìn
Tuất Sữu Mùi
-
Tí
Ngọ Mẹo Dậu
Ngoài ra với những năm có Nhâm, Quý, như
năm 2012 là năm Nhâm Thìn, năm nay 2013 là năm Quý Tị, người xưa cho rằng năm rất
hạp cho con trai là năm Nhâm và con gái sinh năm Quý tốt hơn các năm khác.
Các cụ ta cũng đã áp dụng các mẫu tính
nghịch hạp nầy trong quan hôn tang tế và cũng vì đấy đã gây bao cuộc xáo trộn
chia ly cho giới trẻ trong hôn nhân, hy vọng những quan niệm không có cơ sở
khoa học ấy mất tác dụng không còn ảnh hưởng trong xã hội ngày nay.
Tết
đến, thế là một năm sắp lại qua, năm mới lại đến, trẻ con mừng lớn hơn một tuổi,
thanh niên thiếu nữ hãnh diện đã bước thêm một buớc tiến gần lên tới cực điểm
ngược lại các cụ đang trên khoảng tuột giốc của đường parabole cuộc đời.
Phong
tục Tết ở đâu cũng có, quốc gia nào đều có điểm hay cái lạ cái lạc hậu, có khi
không hợp với cảm giác quan dân tộc khác nhưng đó là nét tiêu biểu truyền thống
lịch sử riêng, khó mà phê phán được. Ngay trong một nước, tập tục cũng khác
nhau tùy địa phương, tỉnh thành làng mạc đồng quê, giữa thành phần trí thức và
ít học, giàu nghèo cũ mới. Đó vẫn đúng là nét phác họa tổng thể vô cùng phong
phú thiên hình vạn trạng kỳ ảo đầy sáng tạo niềm tin trên bức tranh thiên nhiên
đất trời và tâm linh thế nhân.
Suy
cho cùng, qua ba ngày Tết, ta còn nhận chân ra rằng đã là con người, căn bản vẫn
giống nhau như nhu cầu tự nhiên sinh tồn cảm suy. Cuộc đời cũng thế có điểm đến
điểm đi, vui buồn mơ mộng thất vọng. Luật Tạo hóa đồng đều công bằng không
thiên vị một ai. Bốn mùa vẫn đều đặn chuyển giao, thời gian không bao giờ ngưng
nghỉ hay quay ngược lại. Tết tượng trưng cho sự đổi mới mà cũng là sự tiếp nối
trên mọi mặt, bài học thức tỉnh cho người thế gian nầy ai cũng đến ngày trừ tịch
cuối cùng trút bỏ hết buông xuôi. Mỗi ngày là một ngày mới vậy thì hãy tập sống
như ngày nào cũng là ngày Tết vì ngay trái đất xanh của chúng ta đang ở cũng
tuân theo quy luật bất biến sinh trụ hoại diệt của Tạo hóa thiên nhiên.
Cô
Trần Thành Mỹ