Hằng năm, mỗi lần Tết đến, nhìn những đoàn người chen chúc, bồng bế con, gọi nhau tay bắt mặt mừng ở các bến xe đò lục tỉnh, người ta có cảm tưởng như đàn chim tung cánh tìm về tổ ấm, trở về nguồn. Có đi xa lâu cách mấy đi chăng nữa, người dân tỉnh vẫn nhớ về quê nhà. Ở đãy, họ có cái ‘mình’ trong đó, quen thuộc, gần gũi, quyến luyến, thân thương. Có thể là lũy tre xanh, cây dầu cao đánh dấu, hàng đước sau vườn rễ bao quanh như chiếc nôm thưa to sợi, cái nhìn cởi mở của người hàng xóm, tiếng reo vang của đám trẻ con thấy khách lạ về quê ...
Cái nôm bắt cá, soi ếch
Không
biết, không nhớ, quên luôn cả những câu nói vô tình đùa dai khinh miệt của dân
thành chê ‘cù lần’ như ‘nhà quê lên tỉnh’, ’quê rít quê rang quê cả về làng ông
cả cũng quê’. Họ chấp nhận lời khen chê như lớp bụi đường trên vai, mảnh đất
bùn khô bám chặt áo quần, lớp phèn vàng như dấu ấn cuộc đời chất phác, đơn sơ,
thiên hạ sự.
Thật vậy, người dân thành đâu có môi trường đó mà hiểu, cảm thông được cái tính, cái tình quê sâu đậm, thành thật biết dường nào! Quanh họ, bạn bè láng giềng thường là dân ‘tứ xứ,’ không cùng ‘bản sở’, ít biết gốc gác. Họ đến rồi đi như khách qua đường bàng quan, giữ thế.
Ngược lại, người dân quê biết rõ gốc tích họ hàng, thành phần xã hị Họ gặp nhau qua hội hè quan hôn tang tế, đám cúng đình cúng miễu, xem hát coi phim, trên đường đi hay trốn học, bắt cá hôi sau buổi tát đìa, gánh nước ao làng. Có những buổi hẹn hò sau ngôi miếu cổ, bên gốc đa, bồ đề cổ thụ dưới bầu trời xanh nắng gắt không mây, giữa những cọc trầu vàng, trên liếp cải tươi lá còn đọng nước. Chưa kể đến những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên tình cờ theo mẹ gánh rau cà ra chợ bán, giành mối thi tài đảm đương, giỏi dắng. Làm sao quên những buổi hái trái cây ‘vần công’, mồ hôi nhễ nhại vẫn không ngại đùa phá trêu nhau, giả bộ tỉnh bơ pháo kích, rượt la ‘ỏm tỏi’, đấm nhau thùm thụp một cách hồn nhiên, không hậu ý. Người dân quê là thế đãy, mộc mạc đôn hậu, khiêm tốn thật thà, ít so đo đòi hỏi.
Nhìn họ tiếp khách lạ hay đón người thân từ xa về ngày Tết hay giỗ chạp, mới nhận chân tính ‘thảo lảo’ và hiếu khách rộng rãị Không tị hiềm nhỏ nhen, họ còn hãnh diện cho những ai dám rời quê là can đảm, chịu dấn thân, khôn ngoan, sang cả vì tiếp xúc được ánh sáng văn minh, ‘ đi một đàng học một sàng khôn’ .
Biết người biết ta, tự lực cánh sinh, ở hiền gặp lành, tôn ti trật tự, giữ tập tục truyền thống, nghĩ sao nói vậy, không trên đi dưới đạp, như thẩm thấu vào máu vô tim. Họ tin ‘có Trời mà cũng có ta’ và nhất là ở bàn tay, khối óc của mình. Họ luôn tâm niệm cảnh giác đề phòng đừng ham trèo cao té nặng, đèo bồng vì :
‘Con vua thì lại làm vua,’
Con sãi ở chùa vẫn quét lá đa’.
Năng lực của họ thường tập trung vào công việc thể xác hơn cho tâm trí bớt căng thẳng, không còn thì giờ để mơ mộng viển vông. Nói thế không phải họ thiếu óc tưởng tượng, thông minh, suy xét. Họ có đường hướng rõ rệt, ít nhảy rào ra khõi mối giềng đạo lý luân thường của cha ông.
Nhớ những điệu hò câu hát trên đồng sâu hay sông vắng của cô cậu gặt cấy hay các cô lái đò buôn bán trên sông ngày trước, những câu đối đáp ăn miếng trả miếng giữa thanh niên nam nữ gặp nhau trên đường làng hay qua thuyền đò sang sông cùng chuyến, ai dám bảo nhà quê là ‘phèn’, dốt, khổ?
Hơn thế nữa, họ thích sống quây quần đoàn kết tương trợ, nương nhau, chín bỏ làm mườị Thoải mái, tự do hít khí trời lồng lộng tinh khiét, không mặc cảm ngửa mặt nhìn cái không cùng, đầu đi trời chân đạp đất không nơm nớp, phập phồng lo âu cái ‘già sồng sộc’, cái chết chẳng từ ai .
Do đó, lướt qua lịch sử thế giới, ta thấy những cuộc cách mạng, nổi dậy chống cường hào ác bá xâm lăng thường do lớp người áo vải chân lấm tay bùn. Còn ngược lại tranh bá đồ vương, quyền cao chức trọng là thuộc phạm vi của giới vọng tộc trí thức giàu có cao sang:
‘’ Ðã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông’’
Ngày xưa, nhìn bộ vó bề ngoài của bác nhà quê ra tỉnh, đầu ‘búi tó’ chít khăn đống hay khăn đỏ, cấp dù cán ngoéo thay ba ton, các bà ‘củ nừng’ bới đầu bỏ vòng bánh lái, đội khăn, che dù mang dép theo sau, người dân thành đoán tỏng tòng tong là dân miệt vườn, miệt rẫy, khỉ ho cò gáy, gà ăn đá cá ăn muối, vùng ‘cá gô nhảy gồ gồ trong gổ’...
Ðiểm hay ở đây họ vẫn thung dung dửng dưng nhận cái quê ‘một đống’, ‘cả cục’ của mình không chấp nê, thật sự chưa thấy thì nhìn, chưa biết thì học, ai cười ai ngạo thì cứ ‘ nhe răng ra’ vì dân ta ‘Gì cũng cười’ được hết.
Nghĩ thế mới thấy chính người dân quê mới tĩnh, chả bù có bao người thành thị mà quệ Quê vì không biết ‘nhân vô thập toàn’, nông cạn, hợm mình, cao ngạo, nhìn đêm tối bằng kính màu đen. Người ở thành thường tự hào về gốc thành của mình như dòng ‘De’(đờ) ở Pháp, hoàng tộc Vĩnh, Bửu, Tôn thất, Tôn nữ, mà quên rằng tổ tiên mình cũng phát xuất từ gốc nông dân.
Cây có cội, nước có nguồn như sông Cửu long phát nguyên từ Tây Tạng giá băng. Người dân quê phải tĩnh vì luôn luôn đương đầu với bao thử thách, khôn ngoan mưu lược biết tương kế tựu kế lúc nào tiến thối, phản công, xuống tấn hay ‘tẩu đào vi thượng sách’...
Ngày xưa vì giao thông khó khăn, chính sách chia để trị của thực dân Pháp, Việt nam tưởng chừng như gồm ba xứ nhỏ Bắc Trung Nam. Ví dụ buồn cười, một cô gái Nam đi xem bói, ông thầy quả quyết:’ Cô có chồng ngoại quốc’. Ðể giải thích rõ hơn, ông không đắn đo: ‘Bắc hay Trung đó’. Dần dần, bộ mặt xã hội thay đổi, bớt dị biệt, hòa đồng hơn. Bao khúc quanh lịch sử lung lay thành kiến cũ. Dân thành tỉnh pha trộn dần như cây tháp cành hay mọc rễ ở vùng đất khác.
Nghĩ cho cùng, không có quê làm sao có tỉnh có thành. Họ như điểm tựa cội nguồn sẵn sàng hy sinh cho cây tông chi giòng giống phát huy sinh sôi nẩy nở. Họ là lũy tre làng ghi dấu xóm thôn, chiếc ao làng chứng kiến bao thanh niên thiếu nử đua nhau gánh nước, cây đa cổ thụ rễ to như giây thừng cho bóng mát hẹn hò, ông từ già giữ nhà thờ tổ, bà ngoại già ngoáy trầu ‘lì xì’ con cháu vây quanh chúc thọ ngay Tết, hay ông nội đầu bạc da nhăn, nhâm nhi chun rượu, cười hả hê trong những ngày lễ giỗ cưới xin. Họ là những anh hùng vô vụ lợi chỉ biết
‘Trông trời trông đất trông mây’
’Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng’.
Cô Trần Thành Mỹ